Sáng hôm sau, vẻ mặt nhà truyền giáo làm cho Mácphâylơ ngạc nhiên. Mệt nhọc, xanh xao hơn trước nữa, nhưng cặp mắt sáng ngời, như có ngọn lửa thiêng nào cháy ở trong lòng, nên mặt mày hớn hở lạ lùng. Đavítxơn bảo: - Lúc nữa, ông làm ơn xuống coi mạch giùm cho Sađi nhé? Tôi không tưởng rằng cô ấy bình phục, nhưng linh hồn –linh hồn cô ấy đã thay đổi hẳn. Bác sĩ thấy uể oải, mất bình tĩnh nói: - Đêm qua, ông ở dưới đó khuya quá. - Phải, cô ấy đòi tôi ở lại, hễ vắng tôi thì chịu không nổi. Bực mình, Mácphâylơ có giọng mỉa mai: - Bây giờ ông có vẻ vui như mở hội rồi. Mắt Đavítxơn sáng ngời vì khoái chí. - Chúa đã ban cho tôi một niềm vui lớn. Đêm qua tôi đã được cái đặc ân dắt một Con Chiên lạc đàn về dâng cho Chúa. Cô Thômxơn lại ngồi thu mình trong cái ghế bành ở giữa căn phòng lộn xộn. Giường không dọn. Quần áo cũng chẳng buồn thay, vẫn bận chiếc áo ngủ cũ kỹ, và tóc thì quấn vội vàng như một mớ bòng bong. Cô ta đã lấy khăn ướt chùi mặt nhưng mắt còn húp lên và còn vệt nước mắt. Coi mà thảm hại. Mệt mỏi, thất vọng, sợ sệt, cô ta ngước mắt nhìn bác sĩ, vẻ ngây dại, hỏi: - Ông Đavítxơn đâu? Mácphâylơ chua chát đáp: - Nếu cô muốn, thì lát nữa ông ấy xuống. Tôi vô thăm bệnh trạng của cô. - Không sao. Tôi, tôi bình thường. Ông đừng lo gì cả. - Cô đã ăn uống gì chưa? - Hơn có mang cà phê lại cho tôi. Cô ta lo lắng nhìn về phía cửa: - Ông tin rằng ông ấy sắp xuống chứ? Có ông ấy gần, tôi thấy mọi sự đỡ ghê rợn. - Thứ ba cô vẫn phải xuống tàu chứ? - Vâng. Ông ấy bảo phải vậy. Xin ông lên nói giùm để ông ấy xuống ngay tức thì đi. Ông giúp tôi được việc gì đâu. Từ nay chỉ ông ấy cứu giúp được thôi. Bác sĩ đáp: - Được. Trong ba ngày, trừ những bữa cơm là Đavítxơn lên lầu gặp ba người kia còn thì ở miết trong phòng Sađi Thômxơn. Mácphâylơ nhận thấy rằng ông ta ăn rất ít. Bà Đavítxơn thương hại cho chồng: - Nhà tôi kiệt sức mãi; không giữ gìn rồi thì đau ạ, nhưng có bao giờ ông ấy biết giữ sức đâu. Chính bà ta cũng xanh xao, mệt nhọc, bảo với Mácphâylơ rằng mình thiếu ngủ. Ban đêm, ở phòng cô Thômxơn lên, nhà truyền giáo cầu nguyện cho tới khi mệt lả mới thôi, vậy mà cũng không ngủ được lâu. Nằm xuống được một hai giờ rồi dậy thay quần áo, đi dạo trên bờ biển. Ngủ thì một thấy những cái kỳ dị. Bà Mácphâylơ kể: - Sáng nay, ông ấy bảo tôi rằng ông ấy mộng thấy dãy núi Nebraxka. Bác sĩ Mácphâylơ bảo: - Kỳ thật! Ông Mácphâylơ nhớ lại có lần ngồi trên xe lửa đi ngang qua châu Mỹ, ngó qua cửa sổ thấy dãy núi Nabraxka. Núi đột khởi giữa một cánh đồng, tròn và nhẵn, tựa những nấm hang chuột chũi khổng lồ. Ông ngạc nhiên, sao thấy nó giống vú đàn bà quá. Chính ông Đavítxơn cũng không chịu được sự khích động đó, như nhờ một nỗi hoan hỉ lạ lùng, ông chưa đến nỗi quỵ. Ông nhổ cho hết những rể cuối cùng của tội lỗi trong chỗ sâu kín nhất của lòng thiếu phụ. Ông đọc kinh, tụng kinh với nàng. Một hôm, trong bữa cơm tối, ông nói: - Thực là mầu nhiệm. Đích là một sự phục sinh. Tâm hồn nàng trước kia tối tăm như vậy, bây giờ trong trắng như tuyết trên trời mới rơi. Tôi thấy tôi hèn mọn và sợ sệt. Sự cải tà đó thực đẹp đẽ. Tôi không đáng được sờ gấu áo nàng nữa. Bác sĩ hỏi: - Ông còn đủ can đảm để trục xuất cô ta về Xan Phrănxixcô nữa không? Ba năm trong một nhà khám Hoa Kỳ. Tôi tưởng rằng ông có thể tránh cho cô ta được cái khổ đó chứ. - Này, ông không thấy điều đó cần thiết sao? Ông tưởng rằng lòng tôi không chua xót vì nàng sao? Tôi yêu nàng như yêu vợ, yêu em gái tôi vậy. Suốt cái thời nàng ngồi khám, nàng chịu những đau khổ nào thì tôi cũng chịu tất cả những đau khổ ấy. Bác sĩ bực mình thốt: - Dóc tổ! - Ông không hiểu tôi vì ông đui. Nàng đã có tội, thì bây giờ nàng phải chịu khổ. Tôi biết nàng sẽ phải chịu những cảnh ra sao. Nàng sẽ đói, bị ngược đãi, bị khinh bỉ. Tôi muốn rằng nàng nhận hình phạt của loài người như một sự hy sinh cho Chúa. Tôi muốn nàng vui vẻ nhận nó. Rất ít kẻ gặp được cơ hội quý như vậy. Chúa rất tốt và rất thương người. Giọng Đavítxơn run lên vì cảm động, ông ta chỉ còn lắp bắp được những lời nồng nhiệt. - Suốt ngày tôi cầu nguyện với nàng, và khi tôi rời nàng tôi cũng lại hết sức cầu nguyện đức Kitô ban cho nàng ơn sủng đó. Tôi muốn làm cho nàng phát sinh cái lòng khao khát chuộc tội, lòng khao khát nhiệt thành đến nỗi nếu tôi có đề nghị cho nàng được tự do thì nàng cũng từ chối. Tôi muốn rằng hình phạt nghiêm khắc là ngồi khám biến thành công quả mà nàng đem dâng ở chân Chúa kính yêu của chúng ta. Ngày giờ qua chậm chạp. Cả nhà lo lắng về thiếu phụ khốn khổ đó và đang sống trong một sự khích động khác thường. Nàng có vẻ như một kẻ sắp bị đem hy sinh trong một cuộc tế thần man dã và lưu huyết. Sợ quá, nàng như bị tê liệt. Nàng không chịu cho ông Đavítxơn xa nàng, nên bám níu lấy ông như một kẻ nô lệ. Nàng khác nhiều, đọc kinh và tụng kinh. Có lúc kiệt sức, không còn cảm giác nữa, nàng mong sao cho hình phạt mau tới, để chấm dứt cái nỗi lo lắng hiện tại đó, chứ sống trong cảnh sợ sệt hoang mang này, nàng chịu không nổi. Từ khi thấy mình tội lỗi, nàng không còn tự trọng nữa. Đầu tóc rối bù, lúc nào cũng bận chiếc áo ngủ dơ dáy đã bốn ngày rồi không thay; chân không đi vớ, nàng lê la trong cái phòng bề bộn, ngổn ngang. Mưa vẫn tàn nhẫn cứ tiếp tục trút hoài. Mưa tới vậy thì nước trên trời phải cạn rồi chứ, sao mà vẫn còn? Nặng và ngay, giọt mưa đập mãi trên mái tôn một cách đều đều làm cho ta nổi xung lên. Cái gì cũng ẩm thấp, nhớp nháp. Tường hóa mốc, mà giày đặt trên sàn cũng hóa mốc. Đêm trằn trọc, nghe tiếng muỗi vo ve mà bực mình. Bác sĩ nói: - Nếu trời tạnh cho được một ngày thôi thì mọi sự hoàn hảo cả. Ai nấy đều nóng lòng đợi ngày thứ ba, ngày mà chuyến tàu ở Xítnây ghé bến rồi đi Xan Phănxixcô. Thần kinh căng thẳng quá, không chịu nổi nữa, Mácphâylơ hết thương hại cho thiếu phụ, cũng hết oán giận nhà truyền giáo, chỉ mong thiếu phụ đi đi cho rảnh. Ông ta có cảm tưởng rằng, tàu nhổ neo rồi, thì sẽ nhẹ hẳn người đi. Một nhân viên của chính phủ sẽ tới dắt cô Sađi Thômxơn xuống tàu. Tối thứ hai, thầy ấy lại cho cô ta hay mười một giờ trưa hôm sau phải sẵn sàng để đi. Lúc đó Đavítxơn ở bên cạnh nàng. - Tôi sẽ lo việc đó cho. Tôi có ý đích thân đưa cô ấy xuống tàu. Cô Thômxơn làm thinh. Sau khi tắt nến, bác sĩ cẩn thận chui vô mùng, và thở dài một cách nhẹ nhàng. - Nhờ trời, thế là xong. Ngày mai, giờ này cô ả không còn ở đây nữa. Bà bác sĩ cũng khoan khoái. Bà ấy nói rằng ông chồng chỉ còn là một cái bóng của thời trước. Người đàn bà đó thay đổi hẳn. - Ai thay đổi hẳn? - Cô Sađi. Trước kia tôi không thể tin như vậy được. Hóa ra dốc lòng thờ Chúa… Ông chồng không đáp. Mệt quá, ông ta ngủ say hơn những ngày khác. Sáng hôm sau, có ai nắm cánh tay của ông bác sĩ làm ông giật mình tỉnh dậy. Hơn đứng bên cạnh giường. Một ngón tay đặt trên môi, hắn ra hiệu cho ông cứ yên lặng đi theo hắn. Mọi khi hắn bận một bộ quần áo vải đã sờn, lần này hắn đi chân không, và chỉ quấn một chiếc lava-lava. Bác sĩ bước xuống sàn, thấy mình hắn xăm rất nhiều, có vẻ man rợ. Hắn chỉ về phía hiên, ông ta theo hắn ra đó. Hắn thì thầm: - Phải im lặng. Có việc cần đến ông. Khoác áo rồi xỏ giày đi. Mau. Bác sĩ nghĩ ngay rằng có chuyện gì xảy ra cho cô Thômxơn, hỏi: - Cái gì vậy? Phải mang theo đồ nghề của tôi không? - Mau lên. Xin ông mau lên. Ông ta trở vô phòng, khoác một cái áo mưa ra ngoài bộ áo ngủ, xỏ chân vô một đôi giày đế cao su, rồi trở ra hiên. Cả hai người xuống cầu thang. Cửa cái đã mở, năm sáu thổ dân đứng ở đó. Bác sĩ lại hỏi: - Cái gì vậy? Hơn đáp: - Đi. Họ băng qua đường, tới bãi biển. Nhóm thổ dân theo gót họ. Ở mí nước, một đám người bản xứ vây chung quanh một cái gì. Khi hai người chạy lại. Hơn đẩy ông ta tiến tới. Và ông thấy xác Đavítxơn, nửa dưới nước, nửa trên cạn, ghê tởm. Vốn bình tĩnh trong cơn biến, ông ta cúi xuống, lật cái thây lên. Cuống họng cắt một vết dài từ tai bên đây tới tai bên kia, tay còn nắm chặt con dao cạo để cứa cổ. Bác sĩ nói: - Lạnh ngắt rồi. Chắc chết đã được một lúc lâu. - Một đứa trẻ đi làm ngang qua thấy vậy báo cho tôi hay mới tức thì. Phải là một vụ tự tử không? - Phải. Báo cho cảnh sát hay đi. Hơn nói vài tiếng bản xứ với hai thanh niên. Bác sĩ bảo: - Cứ để yên vậy, đợi cảnh sát tới. - Đừng có khiêng về nhà tôi. Tôi không muốn chứa của đó đâu. Bác sĩ nghiêm khắc: - Nhà cầm quyền bảo sao thì làm vậy. Nhưng tôi chắc sẽ đưa vào nhà xác. Họ đứng yên đợi. Moi ở trong chiếc lava-lava một gói thuốc. Hơn mời bác sĩ hút thuốc. Vừa hút, họ vừa nhìn thây ma. Mácphâylơ không hiểu gì cả. Hơn hỏi: - Theo ông, tại sao ông ấy lại tự tử như vậy? Bác sĩ nhún vai. Cảnh sát khiêng một cái băng ca tới, một người lính thủy binh mang súng chỉ huy họ; tiếp theo, hai sĩ quan và một y sĩ thủy binh tới. Họ làm mọi việc một cách rất lanh lẹ, thực tế. Một sĩ quan hỏi: - Bà ta đâu? - Có ông ở đây, thì tôi về thay quần áo và cho bà Đavítxơn hay tin. Nên sửa soạn lại cái thây một chút rồi hãy cho bà ấy thấy. Viên y sĩ thủy quân đáp: - Phải đấy. Về tới phòng, Mácphâylơ thấy vợ đã sẵn sàng rồi. Bà bảo chồng: - Bà Đavítxơn rất lo lắng về tình cảnh ông ấy. Suốt đêm ông ta không ngủ. Bà nghe tiếng ông rời phòng cô Thômxơn hồi hai giờ khuya, rồi đi ra đường. Nếu đi chơi thì bây giờ đã kiệt sức hẳn rồi. Bác sĩ kể chuyện cho vợ nghe và nhờ vọ báo tin cho bà Đavítxơn. - Nhưng tại sao ông ta lại tự tử? - Anh không biết. - Em không thể báo tin đó cho bà ấy được. Không thể được. - Em phải làm, không được từ nan. Bà ra hoảng sợ, ngó chồng rồi đi ra. Ông chồng nghe tiếng vợ ông vào phòng bà Đavítxơn. Nghỉ ngơi một chút, để bình tâm trở lại, rồi ông ta rửa mặt, thay quần áo, ngồi ở giường, đợi vợ. Bà vợ trở về, bảo: - Bà ấy muốn đi coi. - Người ta đã chở lại nhà xác. Chúng ta nên cùng đi với bà ấy. Bà ta xúc động lắm không? - Em thấy bà ấy như chết điếng. Không khóc mà run như cầy sấy. - Nên đi ngay thôi. Nghe tiếng họ gõ cửa, bà Đavítxơn đi ra, mặt tái ngắt, nhưng mắt ráo hoảnh. Bác sĩ thấy thái độ đó thật khác thường. Không ai nói với ai một lời. Họ yên lặng xuống đường. Tới nhà xác, bà Đavítxơn bảo: - Ông bà để tôi vô một mình. Họ né ra. Một người bản xứ mở cửa cho bà ta vô rồi khép cửa lại. Họ ngồi xuống, đợi. Vài người da trắng lại thì thầm với họ. Bác sĩ kể đầu đuôi cho những người đó nghe. Sau cùng cửa nhè nhẹ mở và bà Đavítxơn hiện ra. Lại yên lặng. Bà Đavítxơn bảo: - Bây giờ tôi về được rồi. Giọng bà khô và cương quyết. Bác sĩ Mácphâylơ không hiểu vẻ nhìn của bà có ý nghĩa gì. Mặt nhợt nhạt nhưng nghiêm nghị, họ chậm chạp, yên lặng trở về, tới chỗ góc đường mà qua khỏi đó thì thấy nhà. Bà Đavítxơn thở dài. Họ ngừng một chút. Những âm thanh bất ngờ đập vào tai họ. Cái máy hát yên lặng từ mấy bữa nay, lại gào lên những bản nhạc lạc điệu. Bà Mácphâylơ hoảng hốt hỏi: - Cái gì vậy? - Cứ đi. Họ leo mấy bậc ở hiên rồi vô phòng ngoài. Ở bực cửa, cô Thômxơn chuyện trò với một người lính thủy. Có sự thay đổi đột ngột ở con người đó, không còn cái vẻ sợ sệt như những hôm trước nữa. Lại bận những đồ tốt nhất: cái áo dài trắng, đôi giày láng và đôi vớ để hở cặp giò lớn, tóc chải cẩn thận và đầu đội cái nón to, trông rực rỡ. Mặt trát phấn, lông mày tô đen gớm ghiếc, môi đỏ chót, cô ta đứng ngay ngắn. Lại là ả giang hồ ngạo mạn lúc trước. Trông thấy ba người về, ả phá lên cười chế giễu, và khi bà Đavítxơn vô tâm ngừng lại thì ả tận lực khạc hết cả nước bọt trong mồm ra. Bà phải lùi vội về phía sau, gò má bỗng ửng lên. Rồi hai tay che mặt, bà phóng lên cầu thang. Bác sĩ Mácphâylơ nổi giận, dúi ả vào phòng, la: - Cái quỷ gì thế này? Hãm cái máy trời đánh kia lại. Ông ta chạy tới gỡ đĩa hát ra. Ả quay lại: - Ê, bác sĩ, đừng giở trò đó ra với gái này chứ! Ông vô phòng tôi làm cái gì hở? Mácphâylơ lớn tiếng: - Muốn nói gì? Muốn nói gì hả? Ả ưỡn ngực lên. Không thể nào tả nổi vẻ khinh bỉ, nỗi oán hận chứa chấp trong nét mặt, giọng nói của ả: - Bọn đàn ông các người! Bầy heo nhớp nhúa! Thằng nào như thằng nấy, hết thảy! Đồ heo! Đồ heo! Bác sĩ rùng mình, ông ta chợt hiểu. Vài nét tác giả: William Sometset Maugham (1874-1965) nhà văn và nhà viết kịch Anh hiện đại, nổi tiếng thế giới về truyện ngắn và tiểu thuyết; được xem là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học thế giới nửa đầu thế kỷ 20. Tác phẩm chính: Mưa (truyện ngắn), Kiếp người (tiểu thuyết, 1915), Mặt trăng và sáu xu (tiểu thuyết, 1919), Lưỡi dao cạo (tiểu thuyết, 1944) …