Đêm làm công việc đánh đá ong, đóng gạch, trồng rau, trồng mía nhặt, cỏ, làm đường... Hắn bấm đốt, đếm ngày theo tiếng kẻng cơm tù. Đúng cái ngày âm lịch cuối năm. Khi ban mai uể oải tràn thung núi thì Đêm được hoàn lương trước thời gian thụ án bảy tháng. Ba tiếng đồng hồ rong ruổi, vừa mừng, vừa buồn ngủ vì cả đêm qua thao thức, hắn ngả đầu vào lưng người lái xe ôm. Giấc ngủ đến lúc nào. - Tới đâu rồi anh? - Phủ Lý rồi. Chú ngủ say quá. Đã đi được năm tiếng đồng hồ. Nếu tiện, chú kể về chú đi! "Con cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Ông ơi ông vớt tôi nao". ...Hai mươi bốn năm trước, vào cái đêm cuối tháng đen nhưng nhức... ếch nhái oàm uôm hòa đồng tiếng chó tranh cái gừ gừ, đom đóm nhua nhúa như ma trơi, bà Na vặn mình để hắn tòi ra. Hắn tên là Đêm. Lúc này, chồng bà - ông Khiền đang đóng quân ở tận Tây Nguyên. Tháng ngày nắng dãi làm công nhân trên các cung đường sắt khiến sức lực bà chẳng còn bao và kiệt hẳn khi sự học thằng con dừng ở lớp 6 trường làng. Khó khăn tỉ lệ thuận với ngày dài biền biệt của chồng. Lương hưu, bà Na chỉ chi đủ ba việc trong tháng: gạo nước, mắm muối, sách vở cho con. Đành rằng lúc nó vượng sức, cũng chịu khó kiếm tiền giúp mẹ bằng đủ nghề từ phụ hồ phụ đến sơn xì cửa sắt. Ngày ông Khiền từ biệt binh nghiệp với vết thương sọ não thường giật giật, nhói đau khi có tiếng động to bên cạnh, nhà hắn chuyển về Liên Thuận. Ngõ phố chưa kịp làm quen với hàng xóm mới thì xuất hiện đám cưới toàn người lạ. Vợ Đêm là công nhân đóng giày tại một xí nghiệp liên doanh. Cuộc sống gia đình tưởng như dòng kẻ... Thế mà. Buổi sáng trong cái ngõ chật. Khi hàng thịt quay nhà bà Lánh hôi hổi bốc hơi cũng là lúc chị Tuyết giơ tay phát vào mông con Vớc: “Mày có quàng lên không?”. Mắt mũi nó lèm nhèm gỉ. Chồng chị là lão Vở, có tật dồn cái thú trong ngày vào việc thử khẩu súng bắn đạn ghém xem đạn tõe, chụm thế nào. Rồi lại chỉnh garăngti cái xe Hyungsung 150 phân khối mãi mười hai giờ khuya mới chịu dừng tay khiến con Vớc luôn đói ngủ. Chị Tuyết dạo này lại mê mẩn đĩa cải lương có tài tử Quang Tài Diện ra vai. Chị cứ hồng rực, tít thò lò, lăn lóc như hớp phải bả gã kép kém mình nửa con giáp mỗi lượt gã đổ câu hai. Oái oăm ơi hỡi oái oăm. Vú vê chị Tuyết phơi thỗn thện vì cái áo hai dây chị mặc, làm lũ đàn ông hàng xóm sang nhà chơi cứ hau háu vục mắt vào. Ngó, đủ biết các gã ước gì?! “Hai quả quý rễn rệu thế kia mà sao thằng Vở không ý kiến gì. Rõ dơ” - Bà mẹ chồng lại nguýt. - Vở, mày bảo thằng Vọn dẹp cái nghề mất phúc đi. - Sao bà không nói thẳng chú ấy, lại cứ phải tôi. - Tao chửi rát mặt nó rồi. Đồ thất đức. Chả trách mả bố chúng mày bị lạng. Đêm quờ dép, bước ra cửa. - Thằng kia! Gã trai quay đầu, thôi miên vào cái miệng có ba chiếc răng vàng, chờ đợi. Lão Vở chậm chạp đưa tay móc móc mồm. Từ cái lỗ nhon nhen, hon hỏn cuối cùng cũng phát ra mấy câu giật cục: “Anh tính..., thấy chú vất vả, cũng “biết sống”... định xin cho làm công việc tiếp thị ở công ty thằng Tòng. Đồng ý, anh “lệnh” cho nó”. “Mẹ con lão này chuẩn bị tả bổ xiểng vì chuyện thằng em dưới quê chuyên đánh lợn chết dịch lên phố đút vào lò quay giòn bán ở chợ chiều đầu ngõ”. Thế mà! Đêm giơ tay gãi đầu sồn sột. - Dạ. Lương thế nào? - Gấp ba cái “liên doanh - cửa sắt Surper” mày đang làm. - Nhưng em không có xe máy. - Anh “thiết kế” cho. Ok? - Được làm tiếp thị thì còn gì bằng. - Vậy là xong. Một ngày mới bắt đầu. Tâm trạng Đêm mọc cánh. Tiếp thị. Công việc thương mại này hắn ước từ lâu. Hắn thấy vị thế trong xã hội bỗng nhởn lên. Và cứ thế, Đêm dại dột vay tiền mua rẻ cái xe máy Honda đời 81 không giấy tờ. Mọi điều “ông anh lớn tuổi” nói, hắn đều tin sái cổ: “Xe nhập lậu, cà tàng, bạn tao đã đi mấy năm, Công an không thèm sờ đến. Dùng một thời gian, không thích lại đưa anh nhượng hộ. Mình chân chính, của gian đâu mà sợ”. Đêm như lạc cõi mê thì thụt chạy một triệu đồng để ông anh cùng ngõ thuê “vẽ” tờ đăng ký xe để “hoàn chỉnh giấy tờ”. Bốc đồng mưu sinh, hắn nhắm mắt làm liều và tự cho đó cũng là một nẻo sinh nhai! Thời gian trôi thũng thẵng! ...Hôm kia, hai con chim cảnh giá bạc triệu của lão Vở bị chuột cống xé lồng vào nhai cả chân lẫn lông. Lão Vở như phát điên. Lão quyết rình bắn chết con chuột già nhưng chỉ trúng cái đuôi tróc lở, ngọ nguậy, lọt tõm xuống chiếc bể chìm. Con chuột lọp bọp thọt vào cống ngầm, mất dạng. Đêm rùng mình: “Hàng ngày có hai đứa trai bảnh chọe, thắt nơ hẳn hoi đến vác mấy thùng nước lọc nhà lão Vở đi bỏ mối...”. Công việc tiếp thị một tháng nay không động tĩnh. Lão Vở vẫn lờ. Đêm hụt hẫng và đâu đoán được chuyện gì đang xảy đến với mình. Lúc chiếc còng số 8 sập khít vào cổ tay, hắn mới ngã ngửa: Cái xe là tang vật vụ cướp, đánh người gây thương tích. Mấy năm nay Công an chưa tìm ra manh mối Hôm tòa xử, Đêm bắt gặp ba khuôn mặt. Khuôn mặt mẹ rạc gầy kiệt khô nước mắt. Mặt cha nặng nề, thất vọng. Nỗi đau tê buốt thảng loạn ngự trị trên khuôn mặt hóa đá của vợ. Nhìn người thân, hắn muốn nguội lòng. Nhưng oái oăm, cảm giác buồn chỉ thoáng một khắc trong tâm can. Thứ bao trùm cùng khắp bây giờ lại là cảm giác danh dự bị tổn thương. Trời ơi! Thứ danh dự xanh xao, èo uột trụ trong những cái đầu non nớt, dại dột thời nay! Hắn chỉ lắng lại, vỡ vạc ngọn nguồn khi đã miệt mài nhặt cỏ ở trại công quá nửa thời gian thụ án. Xót xa, thương mẹ, thương cha. Vợ trẻ sẽ thế nào, mấy chục tháng ta xa nhà?... Rồi láng giềng. Cả bên ngoại nữa. Hắn nhớ, cái hôm đám cưới. Ông già bà cả trong họ đưa cô ấy về với hắn. Cả họ có mỗi cô cháu gái. Những ông già, đầu đội khăn xếp, mặc áo cài khuy hạt. Những bà già vận áo dài gấm, cổ đeo tràng ngọc, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Đêm làm công việc đánh đá ong, đóng gạch, trồng rau, trồng mía nhặt, cỏ, làm đường... Hắn bấm đốt, đếm ngày theo tiếng kẻng cơm tù. Đúng cái ngày âm lịch cuối năm. Khi ban mai uể oải tràn thung núi thì Đêm được hoàn lương trước thời gian thụ án bảy tháng. Như viên sỏi ngủ mơ, hắn khấp khởi bước ra cổng trại giam thì gặp người lái xe ôm nhận sẽ đưa về Hà Nội. - Tổ cha nó! Lão Vở, thằng em lão Vở, tất cả nhà lão... nhoàng nhoàng hiện ra trước mặt hắn rồi vo viên chui tọt vào trong họng, lại bật trở ra thành câu chửi độc. Người lái xe ôm giật mình: “Lẽ nào tâm tính Đêm chưa đổi?”. Hắn quyết: khi về, tức khắc sẽ sang xin tí tiết gã hàng xóm chuyên múc nước bể ngầm đóng bình rồi trương là nước lọc cao cấp... đã khiến đời hắn khốn khổ thế này. ...Xe vẫn chạy. Chuyện hắn đã hết. Người lái xe ôm trầm mặc. Anh hiểu, và cảm thông mọi điều hắn nghĩ. Rồi anh nói, như nói với chính mình: - Em à, cuộc đời muôn nẻo, chẳng ai biết chắc chắn ngày mai mình sẽ ra sao. Chỉ có điều hãy sống tốt, trung thực rồi hạnh phúc sẽ đến với mình. Mà em cũng đừng có ý định thanh toán nhà Vở. Gã, sẽ tiêu thôi... Xe đến thị trấn Văn Điển rồi qua Giáp Bát, thế là sắp về nhà. Tới ngã tư đầu công viên, người lái xe ôm dừng lại. - Chú chờ anh một chút. Người lái xe ôm dựng xe, tới chỗ một sạp hàng bánh kẹo. Anh mua một phong bánh thật đẹp. Chắc làm quà cho chị và các cháu nhân dịp chở khách ra Hà Nội. Chiếc xe ôm len lỏi qua mấy cái ngõ hẹp. Đêm thấy lạ, người lái xe ôm không cần hỏi đường mà vẫn đưa được hắn về tận ngôi nhà cấp bốn bên trong có ánh điện đỏ nhòe. Khụ khụ... tiếng cha hắn ho. Người lái xe ôm dúi vào tay hắn phong bánh và vỗ nhẹ vào vai. Mẹ Đêm hiện ra trước cổng. Bà không lạ khi thấy con được về. Người lái xe ôm quay xe rồi gật đầu chào. Đêm quên khuấy việc tiền nong. - Chú Ngữ vào nhà uống chén trà đã. - Thôi ạ. Cháu xin phép về cho kịp giao ca. Đêm trố mắt nhìn mẹ. Dường như đoán được ý nghĩ trong đầu cậu con trai, bà mẹ nói: - Chú Ngữ là Cảnh sát khu vực phường ta... Mấy năm con đi vắng, chú ấy qua lại giúp đỡ gia đình mình nhiều lắm. Cái giấy bảo lãnh cho con gửi vào trong trại chú viết đấy. Tội nghiệp, chú ấy lại là thương binh ở chiến trường K, đâu còn khỏe. Sợ ngày lễ vắng tàu xe, sáng nay chú nhận với cha vào Thanh Hóa đón con đấy. Mắt chàng trai rưng rưng... cậu ta cứ nhìn hút theo mãi vệt đèn của chiếc xe máy trong đêm Phan Đình Minh