ỗi lần sắp đến ngày 8/3 tôi lại được nghe những chương trình chuyên đề về ngày lễ này cùng những buổi hội họp nhằm tôn vinh phụ nữ. Đây là ngày lễ Quốc tế phụ nữ, ở nước ngoài thì không biết như thế nào, nhưng ở Việt Nam người ta thường hô hào thanh niên, nam giới phải đặc biệt chú trọng đến mẹ, đến vợ mình trong ngày lễ kỷ niệm nầy. Hãy dành cho họ những món quà thật dễ thương, hãy chia sẻ với họ công việc nhà hôm đó để họ rảnh rang tung tăng đây đó. Một ngày lễ thật ý nghĩa dùng để bày tỏ sự biết ơn của chồng, của con, với những người vợ, người mẹ luôn nhọc nhằn trong công việc vì họ... những cô gái chưa chồng cũng được ăn theo vì là phụ nữ, và được người yêu chăm sóc cẩn thận hơn, ưu ái hơn mặc dù trước đó họ vẫn được chăm sóc vì là “người yêu”. Nói về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình: Thật là vất vả! Nếu như ngày trước, người chồng đi làm kiếm tiền chi tiêu trong gia đình, người vợ ở nhà chăm sóc con cái, bếp núc giặt giũ. Và công việc ấy được đặt tên là nội trợ. Hai từ nội trợ nghe nó đơn giản làm sao nhưng công việc thì không đơn giản chút nào. Cứ mỗi sáng ra người vợ phải quét dọn nhà cửa, cẩn thận thì cũng phải hơn một tiếng, nếu có con thì lại phải vừa làm vừa chăm con, chợ búa nấu nướng là hết một buổi sáng để có buổi cơm trưa cho gia đình. Khi tất cả đã ăn uống xong xuôi, mọi người nghỉ ngơi, người phụ nữ phải dọn dẹp. Khi cả nhà đi khỏi, người phụ nữ lại lao vào công việc giặt giũ, ủi đồ. Và lại bước vào buổi cơm chiều. Và rồi lại dọn dẹp... Người chồng đi làm về cảm thấy căn nhà tươm tất, mát mẻ sạch sẽ, nhưng có lẽ không nghĩ cho tới mức là vợ mình phải mất bao nhiêu công sức mới có sự sạch sẽ nầy. Với cảm giác là một chủ gia đình, người chồng có cảm tưởng mình phải được phục dịch tận gốc, tận rễ. Đọc tờ báo phải có ly cà phê kế bên. Lên mâm cơm phải có sẵn ly nước uống, và tất cả đều phải đầy đủ, nếu thiếu là sẽ cau mày gắt gỏng. Để có một bữa ăn nóng sốt cho gia đình người vợ luôn chực chờ hâm nóng thức ăn trước khi chồng con sắp sửa về nhà. Ở đây chỉ đề cập đến những người đàn ông mẫu mực; nếu đi xa hơn nữa, với những người đàn ông xem vợ mình như là một nô lệ, một thuộc quyền mà nhất cử nhất động đều phải nhìn theo ý chồng thì vấn đề còn nặng nề hơn nữa. Người phụ nữ trong gia đình nầy có một cuộc sống cam chịu, và không bao giờ tìm thấy thoải mái hoặc hạnh phúc trong cuộc sống chung. Ban đầu vợ chồng yêu nhau rồi cưới nhau, nhưng sau đó vì sự bình yên trong gia đình, người phụ nữ phải bỏ hết những sở thích riêng tư, những ước vọng riêng. Khi có con, người phụ nữ là người phải gánh hết những nhọc nhằn khi nuôi trẻ, và khi con trẻ lớn lên, người phụ nữ cũng là người phải dõi theo hoạt động của con để cho nó nên người. Nói như thế người phụ nữ trong gia đình là một lao công quét dọn, một bà bếp chợ búa nấu nướng, một người bồi giặt giũ ủi là, một vú em nuôi trẻ, một cô giáo dạy học, một nhà tâm lý quản trò... Và trong xã hội hiện tại, nhu cầu cuộc sống cao, một mình người chồng đi làm không đủ giải quyết mọi chi phí, hoặc có đủ cũng không dư để phòng khi đau ốm, bất trắc. Người vợ cũng phải đi làm. Công việc làm của người phụ nữ ở sở cũng không kém phần khó nhọc, thế nhưng khi tan sở về nhà, người phụ nữ lại phải hoàn tất hết bao nhiêu công việc của một ngày mà người phụ nữ ngày xưa phải làm. Ngẫm nghĩ sự chịu đựng của người phụ nữ ngày nay rất cao. Với áp lực của công việc ở sở, với yêu cầu của gia đình, với bổn phận của một người vợ, người mẹ, họ thật là quá tải. Họ cần gì, một món quà cho ngày 8 tháng 3? Một ngày thong dong bát phố để chồng gánh vác công việc? Một lời cảm ơn của đứa con? Để họ cảm thấy đời vui hơn? Và đấy là hệ quả của ngày kỷ niệm nầy mang đến? Tôi không nghĩ là như vậy! Đối với tôi, ngày 8 tháng 3 là ngày nhắc nhở cho các đấng mày râu biết rằng: Phụ nữ không phải là một sinh vật nhỏ bé được thượng đế sinh ra để phục vụ cánh đàn ông. Mà phụ nữ là một người như mình có những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm riêng, có công việc độc lập cần được tôn trọng, cũng như cần được chia sẻ … Tốt biết bao nhiêu khi hàng ngày, sau khi rời sở người đàn ông biết chia xẻ với vợ công việc nhà. Thay gì tắm rửa ngồi lên bàn cơm chờ dọn, thì hãy xuống bếp bưng phụ vợ thức ăn. Thay gì nói sao nhà tắm bẩn quá? Thì hãy giúp dọn dẹp. Thay gì la cà ngoài phố với bạn thì về nhà sớm để thức ăn không phải hâm lại, ôi người vợ hạnh phúc dường bao. Cả những đứa con cũng vậy. Nếu đứa con ý thức được rằng người mẹ tốt của mình vô cùng vất vả, thì hàng ngày hãy giơ tay ra phụ giúp mẹ mình, những công việc tuy nhỏ nhặt như dẹp một món đồ vứt bừa bãi, rửa một chậu bát, bưng một ly nước cho mẹ lúc mẹ mình nhọc mệt, tôi nghĩ đó là đã hiểu được ý nghĩa của ngày 8 tháng ba.