TPCN - Mạc cùng tốp thợ rừng lầm lũi bước. Mấy ngày nay, họ đã luồn khắp mọi nẻo rừng nhưng không tài nào tìm ra được bóng dáng một cây chò nào.
Mạc có tài nhận dạng các loại gỗ rừng. Đang chui lủi giữa trập trùng cây lá, mắt Mạc vẫn phát hiện chính xác từng loại gỗ cách xa hàng trăm mét. Nhờ vậy, tốp thợ của Mạc luôn luôn có sẵn gỗ cưa và họ chưa bao giờ thất tín với khách hàng, cho dù với những hợp đồng khó tính nhất. Vậy mà lần này…
Mạc cho mọi người dừng lại nghỉ qua đêm ở Vực Hác. Suốt đêm, anh thao thức. Trong lúc mơ màng, Mạc thấy có vệt trắng lẫn vòng đen cứ loáng nhoáng, loáng nhoáng trước mắt. Những cơn gió ầm ào như động rừng cơ hồ muốn nhấc bổng anh ra khỏi lán.
Gần bốn mươi tuổi, làm nghề nông nhưng hầu như Mạc chỉ hành nghề rừng. Sau khi cưới vợ, ra ở riêng, việc nhà anh phó mặc cho vợ. Thảng hoặc ở nhà, mó tay vào việc gì thì người Mạc cứ bải hoải như hậu đậu. Nhờ trời, anh được người vợ đảm.
Nhiều lúc, nhìn vẻ mặt chồng bơ phờ, hốc hác, vợ Mạc chép miệng: “Nghề rừng bán xương nuôi thịt, hết mưa hết nước giọt, ốm đau thì khốn. Người ta bảo, thợ may mang áo vá, thợ gỗ ở nhà xiêu, thế mà đúng. Có lẽ anh nên thôi…”.
Những lúc ấy, Mạc chỉ biết thở dài. Anh lờ mờ nhận ra cái tương lai ảm đạm của mình. Quay về làm ruộng ư? Dăm ba sào ruộng, vài thứ khoai lúa quẩn quanh, chẳng ăn thua. Dường như đoán ra tâm trạng của chồng, vợ Mạc khẽ khàng: “Giàu nghèo là cái phận, người ta sống được, mình sống được, lo gì”.
Bây giờ, Mạc ngẫm lại thấy vợ nói có lý. Không phải vì tin vào số phận, mà cái nhỡn tiền là gỗ rừng đã cạn kiệt. Vùng rừng này hẹp, dân tứ bề xáp vô chặt phá bừa phứa, chẳng mấy chốc cây cối đã tan tành.
Dù không muốn rồi cũng phải gác cưa rìu tìm nghề khác. Nghề gì? đầu óc Mạc quay cuồng như mớ bòng bong.
Mạc nhớ lại quãng đời mình. Mười ba, mười bốn tuổi, nhờ nhanh nhẹn, khéo léo, Mạc đã được ông nội cho theo vào rừng lấy mật ong. Có lẽ, đó là những ngày tháng đẹp đẽ nhất đời Mạc.
Mạc mê say với cây lá đại ngàn, thích thú với những điều kỳ thú diễn ra trước mắt. Có lần, hai ông cháu Mạc dõi theo mấy con ong thợ đang lấy nước ở bờ khe để tìm về tổ chúng. Những con ong tinh ranh bay vút lên cao, xoay ba vòng trước lúc bay về tổ để đánh lạc hướng thợ săn.
Nhưng với kinh nghiệm sành sỏi của mình, ông nội đã lần ra được không chỉ một mà là nhiều tổ ong đóng trên cây chò cổ thụ Vực Hác. Nhưng thật kỳ lạ, khi đến gốc cây chò nhìn lên đã thấy một con gấu đen trùi trũi leo lên bốc mật ong mà ăn ngấu nghiến.
Ông nội khẽ khàng khoát tay ra hiệu cho Mạc lui ra. Rồi ông nói cho Mạc hay, mật ong là món khoái khẩu của loài gấu. Không biết theo dấu ong thì chúng khôn ranh lần theo dấu người.
Thảo nào, trong lúc hành tiến, Mạc cứ nghe phía bờ khe đối diện có tiếng cành cây gãy răng rắc. Ông nội còn bảo, có những con gấu ăn phàm, say mật, rơi xuống đất, nằm lịm mấy ngày liền.
Đã có người đi rừng, thấy đống mối cạnh đường, thuận chân đá một phát. Chẳng ngờ cả đống mối rùng mình chuyển động rồi một con gấu bung ra chạy tuốt luốt.
Thì ra, con gấu say mật ong đã bị mối vùi. Lại có lần, hai ông cháu ngủ qua đêm tại cây chò này. Khi rời đi, để quên ống muối vừng, Mạc vội vã quay lại lấy. Đến nơi, Mạc bàng hoàng thấy một đàn voọc to lớn đang ngồi tùm hum bên đống than mà ông cháu Mạc đốt từ đêm qua.
Chúng đang sưởi ấm và chuyền tay nhau chấm mút ống muối vừng. Mạc cứ đứng ngây người ngắm lũ voọc hàng tiếng đồng hồ. Mãi đến khi ông nội xuất hiện, lũ voọc bỏ chạy, Mạc mới bình tâm lại.
Đời Mạc không may mắn. Vừa mới chập chững vào nghề thì gặp họa. Trong một lần, lần duy nhất, ông nội quyết định trèo lên cành cây chò cao nhất lấy mật ở tổ ong chúa.
Đó là việc xưa nay chưa ai dám làm. Mật ong chúa là thứ cực kỳ quý hiếm. Nhưng, để có nó, phải là người liều mạng, có thể chết như chơi. Nếu bắt được chúa ong, sẽ có cả đàn ong lớn và thứ mật quí giá có thể chữa được nhiều chứng bệnh nan y.
Lần ấy, khi đang rẽ ong để tìm bắt con ong chúa, bỗng nhiên ông nội thấy hoa cải, hoa cà bung đầy mắt. Mạc thất kinh khi thấy ông nội rơi xuống như một cái lá chò cuối đông.
Anh hốt hoảng lay gọi, hốt hoảng xoa bóp trên người ông. Vừa may, có mấy giọt mật từ tổ ong chúa rơi trúng ngực ông nội. Kỳ lạ thay, chỉ một lát sau, ông nội đã tỉnh lại.
Về sau, ông nói cho Mạc hay, khi rơi, ông cảm thấy có một vệt trắng quấn quanh ông, nâng đỡ người ông. Có lẽ, nhờ vậy mà ông thoát chết. Nhưng từ ngày đó, ông nội không bao giờ đi rừng được nữa.
Cái nghiệp rừng hình như đã ám chặt vào người Mạc. Ngoài sự mưu sinh, Mạc còn nặng lòng với rừng như duyên tiền định. Đi đâu ít ngày, anh thấy nhớ rừng lạ lùng, người cứ bồn chồn, bải hoải.
Vào giữa đại ngàn, tự nhiên anh cảm thấy tâm thái linh lợi hẳn lên. Và thế là Mạc trở thành thợ xẻ lúc nào không biết nữa.
Mạc nhớ mồn một cái bộ dạng thô bỉ của lão Dẫu, kiểm lâm địa bàn. Lão khét tiếng tàn hại và háu gái. Chính vì vậy, lão bị đổi đi nhiều nơi. Đến đâu lão cũng ghi dấu ấn của mình vào đó.
Không xộc vào buồng, vào gác nhà dân lùng soát, tịch thu gỗ thì cũng xảy ra chuyện lão dan díu với gái gú. Đã có nhiều vụ đánh ghen lộn ẩu giữa mụ vợ cả của lão với một lô đàn bà mà lão dan díu. Bây giờ, trong tay lão, có đến ba bà vợ không giá thú.
Mạc nhớ như in cái giọng nói rin rít, khê nặc của lão Dẫu. Lão ta đến gặp anh để đặt gỗ làm nhà thờ họ. Tổ tiên họ Võ nhà lão chưa có nơi thờ tự. Lão là trưởng chi, lại ở lâm nghiệp nên được giao nhiệm vụ mua gỗ, mà nhất thiết phải là gỗ chò nâu mới được.
Ban đầu, Mạc định từ chối. Nhưng lão Dẫu dùng hết mọi ngón nghề dụ dỗ, đe nẹt. Lão bảo từ lâu, lão đã có ý nương tay cho tốp thợ của Mạc. Dân rừng, dù có tài thánh cũng phải sống nhờ rừng, mà rừng thì đang trong tay lão. Đến nước đó, Mạc đành phải gật đầu.
Mạc nói với mọi người phải hạ cây chò nâu Vực Hác. Trước lúc quyết định điều này, Mạc đã phải suy nghĩ rất lung. Tốp thợ như giật nảy lên khi nghe Mạc nói. Cái sự kỳ bí từ cây chò đã làm họ bủn rủn.
Đã có những tốp thợ mang cưa rìu đến đây nhưng không làm sao hạ được cây chò. Rồi trong khi hành sự, tốp nào cũng có người què chân, gãy tay, mặc dù họ đã khấn vái rất kỹ càng.
Cây chò cổ thụ đóng ở vách núi cao trên cái Vực Hác sâu hoắm. Dưới gốc cây có nhiều chang bành như những rãnh khế khổng lồ. Để chặt được cây chò, tốp thợ phải bắc giàn cao, qua hẳn đoạn chang rãnh khế.
Trong lúc mọi người đang chặt cây chuẩn bị làm giàn, Mạc chắp hai tay đi xung quanh gốc cây khấn vái. Bỗng dưng, một trận cuồng phong nổi lên. Trong màn phong khí mờ ảo, Mạc thất kinh khi thấy một con bạch xà với cái đầu có vòng tròn đen nhức đang giương mắt nhìn mình.
Mạc bủn rủn tay chân, vừa sụp xuống vái lạy vừa lùi ra. Anh hoảng hốt nghĩ đến điềm mộng hồi đêm. Tốp thợ quá đỗi bàng hoàng vì trận gió cực mạnh đã chạy ào về chỗ Mạc. Mạc quì sụp xuống:
- Kính lạy sơn thần quyền phép vô cương! Chúng con là những kẻ ăn mày, xin người hãy rủ lòng thương. Nếu ngài quở trách, chúng con xin cáo lui.
Đường về qua dốc Đá cheo leo, hun hút. Bỗng Mạc thấy loáng thoáng phía trước, ẩn hiện trong um tùm lau lách có bóng một con chó vện. Anh chẳng buồn để ý, đầu óc vẫn suy nghĩ về sự việc xảy ra nơi gốc cây chò nâu. Bỗng nghe tiếng ai đó văng vẳng:
Tiếc của rừng rưng rưng
nước mắt
Hám của đời nước mắt
rưng rưng
Ai ơi chua ngọt đã từng
Của đời người thế xin đừng
có ham
Về nhà, Mạc ngồi phệt xuống thềm, lục túi xách để lấy đồ đạc. Bất ngờ, anh rút tay lại như phải lửa. Trời ơi, dưới đáy túi, một con bạch xà đang cuộn tròn nằm im thin thít.
Nửa đêm, Mạc bảo vợ:
- Thần bạch xà đã ký thác vào nhà ta. Cần tạo chỗ thích hợp cho ngài ngự.
Vợ Mạc là người yếu bóng vía. Nghe chồng nói, chị ta hoảng hồn, xua tay chối đây đẩy. Mạc vội bóp lấy miệng vợ:
- Im ngay, để người ngoài biết chuyện là chết cả nút.
Mạc đào một cái hố trong góc buồng rồi bỏ vào đó một gốc mít khô và thả bạch xà xuống. Bạc xà lẹ làng trườn vào gốc mít. Mạc vần cái chum sành đựng khoai khô che lên miệng hố, chỉ chừa một khe hở nhỏ.
Khi trở ra, anh ngạc nhiên thấy con chó vện ở dốc Đá đã nằm thu lu dưới góc nhà lều. Mạc lấy cơm nguội cho nó ăn, nhưng con chó lùi ra ba bước rồi đột nhiên lộn ba vòng và quay lại nằm nguyên chỗ cũ.
Đêm hôm sau, vợ Mạc gọi chồng vào buồng:
- Sáng nay đi chợ, em có tạt vào ông thầy bói làng Gâm. Ông ta bảo, nhà chị đang có thần linh phò trợ, sẽ có tài lộc, nhưng phải coi chừng người ngoài.
Mạc lo lắng:
- Có ai nghe thấy không?
- Anh đừng lo, không có ai biết chuyện này cả.
Lão Dẫu lại đến thúc ép chuyện gỗ nhà thờ. Mạc vẫn phải hứa là sẽ tiếp tục tìm kiếm gỗ chò nâu, mặc dù anh biết khó lòng đạt kết quả.
Mạc lại tiếp tục vác cưa rìu vào rừng. Con vện lập tức sải chân lao như tên trước mặt anh. Chưa bao giờ Mạc thấy một con chó lạ lùng như vậy. Mình nó thon dài, bốn chân thẳng với đôi tai dựng đứng. Khi chạy, cái đuôi của nó cụp xuống như đuôi cáo.
Mạc đã leo qua dốc đá. Anh dừng lại nghỉ lấy sức và đưa mắt nhìn cảnh vật. Cả một vùng rộng lớn đang trải rộng trước mắt anh với những mảng màu trắng, xanh đan xen đẹp mắt. Mùi hương hoa chạc chìu thơm ngát, tinh khiết đến tỉnh người.
Quá chiều, cuộc tìm kiếm đã trở nên vô vọng. Mạc thất thểu bước giữa lòng một con khe cạn. Biết trở nghề gì để kiếm kế sinh nhai? Trong lúc thiên hạ cứ đua nhau giàu lên vùn vụt, giá cả leo thang từng ngày, thợ rừng suôn sẻ giỏi lắm ngày được một chuyến gỗ cũng chỉ đủ chi phí ăn uống cho người đi rừng.
Cái nghề rừng đúng là bán xương nuôi thịt, khi hăng máu thì bất kể, lúc về nhà người cứ đau như dần, cẳng chân tê cứng không muốn bước. Ham của rừng rưng rưng nước mắt, quả có thế thật. Như tốp thợ cưa của lão Có đang xẻ một cây dổi ở dốc Sụn.
Lão bàn anh em đốt đuốc cưa suốt đêm để sáng có chuyến về sớm. Nào ngờ, mố cưa bị tuột, cả cây gỗ lao ầm xuống hốc núi, cán nát chân hai người thợ đang ngồi xẻ gỗ. Lại có người chặt gỗ sái miếng, bị cả gốc cây lao xuống đè nghiến bàn chân như trời trồng. Đến khi bẩy được cây gỗ ra thì người đã tím lịm, bàn chân đã giập nát.
Bỗng con vện từ đâu lao ra. Nó luấn quấn quanh chủ và huơ mõm lên: Trong mõm nó, một con rùa vàng đang bị ngặp chặt. Mạc không tin ở mắt mình nữa. Rùa vàng đang là loài vật quý hiếm như vàng. Con vện lặng lẽ đặt con rùa vàng xuống chân chủ rồi đứng cạnh đó để canh chừng.
Những ngày sau đó, hễ Mạc vào rừng là con vện lại giúp chủ bắt được những con vật đắt tiền. Lần thì một cặp trút, lúc thì một con lợn rừng, có lần nó còn bắt được cả một con gấu con.
Càng kiếm được nhiều tiền, Mạc càng bị ám ảnh bởi câu nói của lão thầy bói làng Gâm. Anh đã sắm phẩm vật đến tận gốc cây chò nâu để tạ lễ. Trời đất bỗng dưng vần vũ. Khi Mạc vừa khấn xong, một trận cuồng phong nổi lên. Cây chò nâu ngàn tuổi rung lên ào ạt.
Tại nhà Mạc, lão Dẩu xuất hiện đột ngột như từ dưới đất chui lên. Trong buổi hoàng hôn chạng vạng, cặp mắt lão liếc như ma xéo. Lão đứng nơi bậu cửa, ghếch cái chân bị tật do tai nạn nghề nghiệp, hay đúng hơn là do sự xuẩn ngốc của lão gây nên.
Đó là lần lão đuổi theo đám thợ rừng đến nơi con dốc chẹt. Khi lão vừa hô: “Bỏ gỗ xuống!” thì lập tức thanh gỗ vuông thành sắc cạnh từ vai người thợ rừng nhè chân lão mà liệng xuống. Như một cái bẫy đã giương sẵn, lão không thể tránh được cú đòn hiểm. Thành ra, cái chân lão cà nhắc từ dạo đó.
Lão Dẫu đã để ý đến vợ Mạc từ lâu, ngặt vì trời chưa cho lão cơ hội. Bữa nay, nhà Mạc vắng, chỉ mình vợ Mạc đang nấu cám lợn nơi nhà lều. Lão tít mắt khi nhìn thấy đôi mông tròn lẳn và cặp má đỏ lựng từ người đàn bà hai con nái nẩm.
Vợ Mạc rót nước mời khách và càng đỏ mặt lúng túng khi thấy cặp mắt lão Dẫu cứ xoáy tít vào ngực mình. Lão buông lời ỡm ờ:
- Tôi quả là người vô duyên… Đặt gỗ không được…
- Dạ, nhà em đang cố đi tìm cho bác… Mời bác uống nước…
Lão Dẫu chợt nghiêm giọng:
- Đừng che mắt tôi, anh Mạc đúng là lâm tặc, phá hết biết bao nhiêu là cây cối, giờ lại chuyên săn bắt động vật quý hiếm. Bữa nay, tôi đến để khám nhà chị.
Lão hùng hổ xộc vào buồng. Vợ Mạc thất kinh chạy lách qua người lão, đứng tựa lưng vào cái chum sành. Bộ dạng thế thủ của chị càng phô bày hết cỡ mọi đường nét hấp dẫn trong mắt lão Dẫu. Lão ào tới:
- Đích thị là đây rồi, rùa rắn trong này rồi!
Vợ Mạc cố sức dang chân đẩy lão ra, mồm miệng cứng đặc lại. Như chỉ chờ có thế, lão Dẫu ôm quàng lấy người đàn bà nóng rực đang vẫy vùng tuyệt vọng. Lão hôn tới tấp vào mồm, vào má vợ Mạc, đôi tay man dại khua khoắng khắp chỗ kín.
Sự chèo kéo cực mạnh đó đã đẩy cái đít chum sành xoay lệch vị trí cũ. Lão bất ngờ bị thụt xuống hố. Chưa hiểu ra sự gì, lão đã nghe tiếng “hút hút” như tiếng gió và bàn chân tật nguyền của lão đã bị con bạch xà cắn phập vào. Lão chỉ kịp nhìn thấy một lằn trắng như chớp lao ra khỏi cửa buồng rồi ngã quay lơ.
Nơi Vực Hác, con vện đang quần thảo quanh gốc cây chò nâu. Bỗng nó thấy một con bạch xà trong chang rãnh khế. Hai đối thủ gườm nhau và lập tức con vện lao vào tấn công. Con bạch xà như một pháp sư cao cường, không thèm để ý đến hàm răng sắc nhọn của con vện.
Nó bay vọt lên cao rồi nhè người con vện mà mổ một phát chí mạng. Con vện không thể tránh nổi cú đớp của bạch xà. Nháy mắt, nó sượt soãi thân mình trong lúc con bạch xà biến mất.
Hồ Sỹ Cầu

Xem Tiếp: ----