C. Alvaro (1895-1955) sinh ở Calabrianhưng sống, viết văn, làm báo, và biên tập ở Roma, từng tham gia Thế chiến 1. Ông là lớp người miền nam sinh sống ở bắc Ý và đem được phong vị phương nam vào văn chương Ý. Ông chú ý tới tâm lí nhân vật hơn là cốt truyện. Những tác phẩm lớn của ông là Gente in Aspromonte (Những người Aspromonte), Vent'anni (Hai mươi tuổi) và Quasi una vita (Gần một đời người). Sự nghiệp của ông chưa được giới thiệu tại Việt Nam. ...Những món một người đi xa thường thu nhặt chỉ có giá trị kỉ niệm, gợi nhớ hương vị phương xa. Đó là cảm giác của ông khi giữ cái cục màu đỏ ấy, rờ vào thấy mát tay, trông trong suốt như một viên kẹo đường... Các nhật báo đăng một tin khiến cả thành phố xôn xao suốt một ngày rồi lan tràn khắp nơi. Một viên hồng ngọc to bằng quả phỉ, một món trang sức nổi tiếng, của một nhân vật nổi tiếng, được coi như cực kì giá trị, đã bị biến mất. Một ông hoàng Ấn Độ, trong lần du lịch đến một thành phố Bắc Mỹ, đã mang theo viên ngọc này. Ông ta đột nhiên nhận ra nó đã biến mất sau chuyến taxi đưa ông ta đến một khách sạn ngoại ô. Ông ta đã ăn mặc bình dân để đi chơi đây đó vì không thích quanh mình lúc nào cũng kè kè bọn vệ sĩ và cảnh sát địa phương. Đội đặc nhiệm được huy động, cả thành phố thức giấc hôm sau và biết được ngay cái tin này. Cho đến trưa là đã có hàng trăm người nuôi hi vọng sẽ tìm được viên ngọc đó ở khu phố nhà mình. Một làn sóng lạc quan và sôi nổi trùm lên thành phố; đó là cảm giác bạn thường gặp khi sự giàu có của một người có thể khiến vô số người dậy lên niềm hi vọng. Ông hoàng không rõ ràng lắm khi khai báo với cảnh sát, nhưng người ta suy ra rằng không thể có chuyện người phụ nữ đi chơi cùng với ông ta bữa đó có dính dáng tới vụ này. Nên họ đã không tìm kiếm cô ta làm chi. Người tài xế taxi bữa đó cũng tới trình diện và khai rằng ông ta có chở một người khách Ấn Độ cùng một quí cô tới khách sạn đó. Quí cô kia là người Âu, đeo một viên kim cương to bằng hạt đậu trên mũi theo kiểu người Ấn. Chi tiết này làm người ta tạm quên đi viên hồng ngọc một lúc, nhưng lại khiến họ tò mò hơn. Người tài xế, sau khi lục kĩ trong xe, còn nhớ rõ đêm đó ông ta đã chở thêm một người ngoại quốc đến cảng để lên tàu về châu Âu và một khách phụ nữ nữa. Người ngoại quốc ấy là dân Ý, ăn mặc theo kiểu các di dân Ý tới Mỹ, hành lí chỉ gồm một vali trông khá nặng và một cái thùng sắt. Ông khách đã lên tàu ngay tối đó. Người ta chẳng nghi ngờ gì ông này vì theo mô tả khi ngồi trên xe, ông ta cứ như người đi taxi lần đầu tiên trong đời: ông ta không biết đóng cửa xe cho tử tế, ngồi xe thì cứ dán mũi vào cửa kính cứ như sắp rời thành phố này mãi mãi. Thế là người ta chẳng có chút manh mối nào. Tuy nhiên, vì viên ngọc ấy nổi tiếng toàn thế giới và rất dễ nhận ra nên người ta vẫn hi vọng một ngày nào đó nó sẽ xuất hiện lại. Trong khi đó, kẻ di dân người Ý ấy đang trên đường trở về quê nhà ở miền nam Ý sau bao năm xa cách và không biết gì về mẩu tin gây xôn xao đó. Ông ta mang theo mình cả một bộ sưu tập những món lẩm cẩm. Trong cái vali bằng vải giả da mà ông ta cứ nghĩ là da thật, ngoài mấy bộ quần áo còn có một tá bút máy mà ông ta hi vọng sẽ bán được cho dân trong thị trấn quê nhà nhưng ông ta đã quên rằng phần lớn dân thị trấn đó là mục đồng và chưa có tới năm bảy người ở đó biết đặt cây bút xuống mặt giấy cho đúng cách. Ngoài ra, còn có vài món văn phòng phẩm, một cây nhíp nhổ tóc, một món bằng kim loại mà ông cũng chưa biết công dụng - trông nó giống khẩu súng lục nhưng bắn không được - mươi chiếc khăn tay và vài thứ lạ mắt làm quà cho vợ con. Hành lí nặng nhất là cái thùng sắt cũ xì có khóa số tử tế. Về tiền mặt ông có chừng ngàn đô, trong đó có ba trăm mượn của bạn và sẽ gửi trả sau. Trong túi áo khoác, ông có một cục gì màu đỏ, có nhiều mặt cắt và lớn cỡ hạt hồ đào. Ông tình cờ nhặt được nó trong chiếc taxi chở ông xuống cảng nhưng ông chẳng biết đó là cái gì. Ông rờ thấy nó trên nệm ghế, và giữ nó như một bùa cầu may, có thể ông sẽ làm cho nó cái dây đeo, chỉ có điều phiền là cái cục ấy chẳng có cái lỗ nào để xỏ dây cả. Do đó, ông nghĩ, nó không phải là thứ các bà sang trọng thường đeo thành xâu chuỗi đâu. Những món một người đi xa thường thu nhặt chỉ có giá trị kỉ niệm, gợi nhớ hương vị phương xa. Đó là cảm giác của ông khi giữ cái cục màu đỏ ấy, rờ vào thấy mát tay, trông trong suốt như một viên kẹo đường. Về quê nhà, ông mở một tiệm tạp hóa và bán những món đồ nho nhỏ. Cái thùng sắt được gắn chìm vào tường để giữ tiền bạc và giấy tờ quan trọng. Tất cả những món lẩm cẩm ông tom góp trong bao năm ở nước ngoài cũng chỉ để bán lại cho những người dân trong cái thị trấn hẻo lánh này vốn thấy cái gì của nước ngoài cũng lạ, tuy những món ấy ở nước người ta thì cũng chỉ là đồ tạp nhạp. Thế là ông trở thành một nhà buôn nhỏ, bán đủ thứ đồ lẩm cẩm. Mớ ngoại tệ mang về được, đổi thành một khoản lớn nội tệ, khiến ông có cảm giác mình khá giả và nhiều lúc rơi vào mơ mộng kì lạ. Mỗi lần rờ đến cái cục màu đỏ trong túi, ông lại thấy một cảm giác hài lòng rất trẻ thơ. Ông đã coi nó như một thứ bùa may. Đó là kiểu của những món vô dụng nhưng người ta cứ thích giữ gìn suốt đời, không đành lòng vất bỏ và chúng có khi trở thành những món truyền từ đời này sang đời khác, trong khi những thứ quan trọng hơn mà chúng ta thường xuyên trông chừng hay giấu giếm thì lại mất đi. Còn những món ta đang nói tới đây thì chẳng bao giờ mất và tâm trí ta thỉnh thoảng lại nhớ tới chúng. Sau này chẳng hạn, cái khối đỏ ấy sẽ gợi cho ông nhớ lại ngày mình lên tàu về quê, rồi cái mùi bên trong taxi, những đường phố chậm rãi trôi qua và trở thành những kí ức xa xôi. Ông mở cửa hàng trong khu khá giả của cái thị trấn đầy mục đồng và nông dân ấy. Nửa tháng sau ngày trở về, ông đã lắp được những dãy kệ và quầy hàng dài, trên đó chất những gói bột và vải xanh cho các bà nội trợ, một bên cửa hàng là thùng rượu đặt trên tấm ván ngựa cùng một thùng dầu. Trong cái thùng sắt gắn vào tường mà ông rất hãnh diện khi mở ra trước mắt khách hàng, là sổ sách kế toán và một cuốn sổ ghi hàng bán chịu sẽ thu tiền sau vụ gặt hay phiên chợ gia súc. Dần dà, cái doanh nghiệp của ông trông cũng giống các doanh nghiệp khác; cửa hàng cũng có cái mùi đặc trưng của nó, với những vết phấn bà vợ viết lên vách - vì bà vốn mù chữ - để ghi nhớ những món bán chịu. Tuy vậy, con trai ông cũng được tới trường và bây giờ đã bắt đầu có thể ghi tên khách hàng vào sổ, thỉnh thoảng nó cũng thay cha mẹ coi sóc cửa hàng một cách thành thạo trong những buổi chiều nóng nực, khi mà hầu như chẳng ai mua bán gì ngoài mấy thứ nước uống ướp lạnh cho bọn đàn ông giải khát sau giấc ngủ trưa. Từ từ, đôi dép chật kiểu Mỹ mà bà vợ ông mang cũng nhăn nhúm và chính bà cũng có cái vẻ tỉ mẩn và hài lòng như các bà chủ cửa hàng trên đời này. Mớ đồ đạc lẩm cẩm ông mang từ Mỹ về rồi cũng chìm trong cái cửa hàng bề bộn, chỉ có cái nón ông đội từ Mỹ về là trông còn mới, vẫn được cất trong tủ áo. Lố khăn tay đã thành quà tặng cho mấy khách hàng quen, còn mớ bút máy thì chẳng có ai mua. Có khách hàng nào đã thử quá mạnh tay làm gãy một cây và mẩu gãy đó còn nằm nguyên trong hộp bút. Ông chủ tiệm, vẫn với đầu óc trẻ thơ, luôn nghĩ rằng đầu bút máy là làm bằng vàng và ông cứ giữ gìn chúng như đứa trẻ giữ mẩu giấy bạc bọc kẹo sôcôla. Ông cũng cất kĩ một tờ báo cũ in bằng tiếng Anh. Ông đã không chịu xé nó ra ngay cả khi thiếu giấy gói hàng. Thỉnh thoảng ông lại đem ra săm soi, những hình ảnh trong mục quảng cáo gợi ông nhớ tới bọn người sang trọng hút thuốc có đầu lọc bọc giấy vàng, những đứa trẻ đường phố, máy hát đĩa, tức là tất cả sinh hoạt ông đã từng thấy ở khu trung tâm thành phố trong mấy dịp hiếm hoi được đi chơi tới chốn ấy. Còn cái khối màu đỏ, một ngày kia ông cũng nhớ tới nó và đem tặng cho con trai nhân ngày sinh nhật cậu bé. Hồi đó, cậu và các bạn vẫn chơi trò xây thành quách bằng hạt phỉ rồi thi nhau ném một vật tròn tròn nằng nặng nào đó để xem thành của đứa nào bị sụp trước. Thường thì chúng chọn những hạt trái cây cỡ lớn, đục lỗ khoét rỗng ruột rồi đổ chì vào đó. Cái viên tròn màu đỏ ấy quả là thích hợp, nó đủ nặng để làm nhiệm vụ bắn sập thành trì đối phương. Những đứa khác có thể dùng các mảnh thủy tinh, thường là đít chai nước ngọt được mài nhẵn. Cậu con ông tự hào là mình có món vũ khí đẹp nhất vì nó được đem từ Mỹ về và có màu đỏ đặc biệt. Cậu nâng niu nó theo kiểu mọi cậu bé vẫn nâng niu những thứ mà chúng không bao giờ để mất. Khi cha cậu ngẫm nghĩ về cái viên màu đỏ kì lạ ấy, nay trở thành đồ chơi cho con, tâm trí ông lại đầy ắp những hình ảnh mơ mộng ông đã vẽ ra trong những ngày còn lưu lạc xứ người, rồi thế giới này hình như chỗ nào cũng đầy những vật quí giá bị thất lạc mà chỉ những người may mắn mới vớ được. Chính vì thế mà ông luôn rà ngón tay trên nệm ghế tàu thủy, xe buýt hay xe hàng, mỗi khi có việc phải đi đâu đó. Nhưng ông chẳng bao giờ vớ được món gì nữa. À, không. Cũng có một lần, ông nhặt được năm đồng trên mặt đường. Bữa đó trời đang mưa. Ông còn nhớ rõ như thế. Phạm Viên Phương dịch