“Trong ngày 21-4, trên các mặt trận không có thay đổi đáng kể. …Du kích Nam Tư đã chiếm được thành phố Ô-tô-cha-xe và Bri-nhe những người yêu nước đã thu được triệu rưởi viên đạn và hai toa chở đạn đại bác, 13 nghìn lít xăng và nhiều vũ khí. Quân du kích đã đánh tan một đội quân lớn của địch tràn vào thành phố Nhe-vin-xơ. Thành phố đã được quét sạch khỏi bọn Hít-le. Hơn 100 tên lính và sỹ quan địch bị giết. Ở vùng ven biển Xto-ven-xki, du kích đã tấn công vào những đồn lũy của quân I-ta-lia, 80 tên lính bị chết, 60 tên bị bắt sống, thu được 14 khẩu súng máy, 100 súng trường và nhiều đạn dược”. Tổng cục thông tin Liên Xô 21-4-1943 Trong phòng bệnh đã hình thành một cái gì đó giống như một bộ tham mưu. Nhiều khi Vi-ta không được ở bên chồng tới năm phút trong một ngày. Ở buồng bên có đặt máy điện tín, hai máy điện thoại thường xuyên có hai chiến sĩ thông tin thường trực, có những cán bộ dân sự nào đó chờ cuộc nói chuyện với Tô-lu-be-ép. Tất cả những điều đó làm cho nơi đây giống như một cơ quan, chứ không phải nhà ở. Nói chung, Tô-lu-be-ép thực sự lãnh đạo bộ tham mưu, mặc dù anh khó cất mình dậy trên giường bệnh. Đại tá Krit-xchi-an dường như xin lỗi Vi-ta vì sự phiền hà, đã giải thích: -Vi-ta Ac-vi-dốp-na, chồng chị mới được giao chức vụ mới: anh ấy là đại diện quân sự trong Bộ công nghiệp nặng. -Nhưng anh ấy còn ốm thế!-Vi-ta than vãn. -Lúc này cứ thử bảo anh ấy bỏ dở công việc xem! Anh ấy sẽ không chịu được một tuần đâu!-Krit-xchi-an quả quyết nói. -Nhưng ở mặt trận yên lắng lắm cơ mà?-Vi-ta vẫn giữ ý mình-Đây, ngài xem,-và chị chìa cho đại tá tờ báo và trích đọc một câu đã trở nên quen thuộc, không chút ngắc ngứ: “Trong đêm rạng ngày 23-4, trên các mặt trận không có thay đổi đáng kể”. Đại tá cầm tờ báo, đưa mắt tìm gì đó và hỏi: -Thế còn câu này trong bản tin, chị đọc chưa? Có, chị đã đọc. Và cố suy nghĩ điều đó có nghĩa gì. “Tên phi công tù binh thuộc tổ hai, phi đội ném bom số một của quân Đức, thiếu úy Hen-rích Ti-ten khai rằng: “Hai phi đội thuộc nhóm hai từ phi trường Bren-xcơ và hai phi đội thuộc nhóm ba từ phi trường Óc-lốp được lệnh ngày 11-4 ném bom Cuốc-xcơ. Trên đường bay tới thành phố, chúng tôi đã bị các máy bay tiêm kích Xô Viết xua tan. Tôi cũng như đa số các phi công không tới được Cuốc-xcơ. Máy bay bị cao xạ Nga bứn rơi, thậm chí tôi còn chưa kịp cắt bom. Mới đây, tôi có về Đức, ở đó đang diễn ra cuộc tổng động viên rộng khắp. Hàng nghìn người mới được gọi vào quân đội. Họ phải lấp kín lỗ hổng trong hàng ngũ quân Đức bị thiệt hại trong mùa đông. Những điều mà các sư đoàn tinh nhuệ Đức không làm nổi, thì những tay dân sự mới vào lính sao có thể làm nên được? Đó là những người buôn bán có tuổi, các công chức, người hầu, bồi bàn, khoác vội chiếc áo lính lên người, không đáp ứng được những đòi hỏi gắt gao của cuộc chiến tranh ở phương Đông và sẽ bị nghiền nát ngay trong những cuộc giao chiến lớn đầu tiên”. -Thế thì làm sao?-Chị hỏi.-Theo lời tên phi công Đức này, thì bọn Đức không có người để bổ sung cho quân đội! -Không, tên thiếu úy không đến nỗi ngu ngốc đâu. Nó hiểu quá rõ là những tên hầu, những tên bồi bàn, những thương nhân và công chức cao tuổi được gọi vào quân đội không phải để vá víu những lỗ hổng của cái bọn Đức gọi là mặt trận phía Đông. Những sư đoàn vất đi này thực ra sẽ bị ném sang mặt trận phía Tây, còn từ đó những sư đoàn, quân đoàn được bổ sung, được nghỉ ngơi, ăn đẫy, sẽ bị ném sang phía Đông. Hen-rích Ti-ten đã nói hớ-thậm chí hắn đã chỉ rõ những sư đoàn này sẽ bị ném vào cối xay thịt ở đâu-ở Cuốc-xcơ! Chúng ta chỉ không biết có một điều: bao giờ xảy ra điều đó? Tháng năm? Tháng sáu? Hay muộn hơn? Nhưng chúng ta phải sẵn sàng đối phó trong bất kỳ thời điểm nào và đập tan chúng. -Nhưng Vô-lô-đi-a liên quan gì tới điều đó?-Chị khổ tâm hỏi. -Vla-đi-mia A-lếch-xan-đrô-vích cùng với nhóm các nhà sản xuất làm việc bên anh được giao nhiệm vụ tìm một giải pháp kỹ thuật cho trận đánh sắp tới.-Krit-xchi-an nói hơi khô khan và vôi cúi đầu chào. “Đêm rạng ngày 1-5, trên các mặt trận, không có gì thay đổi đáng kể” Tổng cục thông tin Liên Xô 1-5-1943 Nhưng bây giờ, Vi-ta đã học được cách đọc bản tin. Trong bản tin, sau đoạn mô tả các cuộc chiến đấu, chị lại chú ý vào lời khai của một tên tù binh. “Tên tù binh của đại đội tham mưu 85, trung đoàn 5, sư đoàn xạ thủ sơn cước số 5 An-num Rây-mun nói rằng: “Cuộc tổng động viên là một mưu toan tuyệt vọng cuối cùng đẩy nhanh giờ thảm bại cuối cùng của quân đội Đức. Nước Đức đã vét tới dự trữ cuối cùng về nhân lực. Tuy nhiên nhiều người Đức cho rằng cuộc Tổng động viên không cứu vãn được thảm họa đang tới gần”. Bên dưới còn công bố bức thư của một cô gái Nga bị bắt về Đức. Xét về nhiều mặt, bọn Đức từ lâu đã cưỡng bức những người dân của các nước Âu châu bị bắt đem về Đức lao động khổ sai trong các ngành công nghiệp. Và lúc đó, cái khái niệm tổng động viên đối vớ Vi-ta còn có ý rộng hơn nữa. Nước Đức còn có thể một lần nữa điều động hàng triệu quân như ngày đầu chiến tranh… Và đương đầu với nó trên khắp châu Âu chỉ có một mình quân đội Nga. Vào những ngày ấy, Tô-lu-be-ép đã được phép đi lại. Mùa xuân muộn màng, mà Vi-ta đã từng tưởng không còn hy vọng được thấy nó đã đến. Ở Matxcơva đang thời chiến gian khổ. Suốt tháng tư, tuyết chống cao thành núi. Xe điện, ô tô đi lại khó khăn giữa các đống tuyết, nhưng rồi tuyết đã thấm nước, đem lại và đã biến hết trong một đêm. Trong các mảnh vườn nhỏ, cỏ xanh đã nhú lên trước các căn nhà không có ai xén tỉa, trên các luống đất đá nở những bông hoa vàng, không giống hoa vườn chút nào, nhưng dù sao cũng làm cho các công viên hoang vu đẹp thêm. Ngày 1-5, Tô-lu-be-ép tổ chức một bữa tiệc nhỏ với những người cộng sự. Thứ trưởng công nghiệp có đến vài phút, Krit-xchi-an cũng đến thăm với một bản dự báo thời tiết cho cả tháng. Không hiểu sao Vô-lô-đi-a rất quan tâm đến dự báo thời tiết. Đến tối Vô-lô-đi-a nói rằng sáng mai anh sẽ bay đi U-ran. Vi-ta chộp lấy máy điện thoại, gọi đại tá Krit-xchi-an-ông ta lại đang ở nơi làm việc,-và tuyên bố rằng chị không cho chồng đi đâu một mình cả. Đáp lại, Krit-xchi-an cười vang và bảo rằng trung tá Tô-lu-be-ép sẽ không đi đâu một mình, mà còn có cả mấy kỹ sư, nữ y tá Li-đi-a và nếu Tô-lu-be-ép muốn, thì cả cô thư ký riêng Vi-ta Ac-vi-dốp-na Tô-lu-be-e-va cũng sẽ cùng đi. Ở nơi Tô-lu-be-ép đến làm việc vẫn cần sự giúp đỡ của Vi-ta Ac-vi-dốp-na… Tô-lu-be-ép đứng bên, mỉm cười, nhưng Vi-ta thậm chí không giận: chị vẫn là người cần thiết cho chồng! Vào tối ngày hôm sau, họ đã đến nhà máy nổi tiếng chế tạo pháo lớn, mà mỗi lần các kỹ sư đến họp bàn với Tô-lu-be-ép đều thấy nhắc đến. Không gian của xứ sở này thật đáng kinh ngạc, họ bay suốt cả ngày mà mới tới tuyến giữa của nước Nga. Còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, là thành phố to lớn này đầy ánh sáng, dường như ở đây không nhớ tới chiến tranh. Nhưng những người đi ngoài phố ăn mặc kém, giày dép tồi, nét mặt gày gò, mệt mỏi, và cuộc sống tiêu điều đó gợi nhớ tới chiến tranh cay đắng hơn cả. Chỉ có trẻ em là vẫn tinh nhanh, dù có thể là bị đói ăn. Và mọi người đều mừng vì mùa xuân đã đến. Nhóm Tô-lu-be-ép được giành một nhà tập thể nhỏ bên bờ sông, có phòng ăn, phòng nghỉ và nhiều phòng ngủ. Rõ là họ đã được chờ đợi ở đây. Quả thực giám đốc nhà máy, một người béo tốt, lông mày rậm, đã cố can Tô-lu-be-ép không nên đến nhà máy ngay, nhưng trung tá cứ giữ ý của mình. Đêm trắng giống như ở Na Uy, ở Kic-ne-net, khi ánh hoàng hôn còn sáng lên ở phía tây thì đã thấy ánh sáng đầu tiên của mặt trời thấp trong xoe. Và nhà máy vào lúc này, giữa ngày và đêm, nom càng hùng vĩ, to lớn hơn là nhìn nó giữa ban ngày. Những phân xưởng rực ánh lửa trên các ngọn đồi cách xa cổng vào hàng năm sáu cây số. Các kỹ sư không đi bộ thăm xưởng mà đi bằng ô tô vì có mất đến cả ngày cũng không đi vòng hết nhà máy được. Viên giám đốc đặt vợ chồng Tô-lu-be-ép ngồi vào xe, cả người kỹ sư trẻ đã đến dự cuộc họp đầu tiên bên giường bệnh Tô-lu-be-ép cũng ngồi vào đó, và chiếc xe đi qua cánh cổng sắt vào khu vực nhà máy. Chiếc ô tô dừng lại bên một phân xưởng nằm trong tòa nhà xây bằng bê tông, lắp kính, dài đến nửa cây số. Người kỹ sư trẻ giúp Tô-lu-be-ép đi ra, chìa tay cho Vi-ta, những quân nhân và kỹ sư đi theo vây quanh họ và cùng đi vào xưởng. Vi-ta nhìn thấy những vật giống như những cột điện thoại, nằm xếp thành từng đống, từng đống. Có thể đó là những thân cây, hay những súc gỗ? Nhưng rồi chị đã đoán ra: đó chính là nòng súng. Xa hơn chút nữa, những ống thép này buộc xích vào những cần cẩu nối tiếp nhau, trôi lơ lửng: cần cẩu hạ những ống thép này xuống những dàn sắt: một đội công nhân chạy lại kiểm tra, sửa sang thêm gì đó, rồi chúng lại trôi đi tiếp. Và khi Vi-ta theo sau Tô-lu-be-ép đến cuối phân xưởng, chị nhìn thấy các nòng súng này được lắp vào những xe bọc sắt chạy bằng xích, bốn người lính nhanh nhẹn khéo léo trèo lên xe, ngồi khuất sau những tấm thép chắn, máy nổ rộ lên và cả cái khối sắt đồ sộ này chuyển ra ngoài cánh cổng cao, chạy vào đêm trắng trong suốt. Rồi tiếp liền đó lại một cái nòng khác được nặng nề đặt xuống-và được thêm một khẩu pháo hoàn chỉnh, lại có bốn chiến sĩ hiện ra, động cơ rú lên, chiếc xe chạy ra cổng, dưới chân nó đất đai rung chuyển, sàn bê tông chao đảo như có động đất. Bãi thử ở ngay bên bờ sông, bên kia hiện lên mọt khu rừng nham nhở, và ở trong rừng, những vật gì đó đang di động giống những chiếc xe tăng, nom rất rõ trong ánh đêm trong. Trên bãi thử đã đặt sẵn hai chục chiếc xe và khi nhóm thanh tra của Tô-lu-be-ép đi xe lại gần những khẩu súng đang bắn vào các vật di động. Tô-lu-be-ép đi vào một căn hầm nhỏ, và Vi-ta nghe thấy người điện thoại viên nhận tin từ bờ sông bên kia sau mỗi tiếng nổ, lại reo lên: “Trúng rồi”, thì anh lai làu bàu, bối rối. “Mục tiêu không bị phá hủy”. Nhưng chị đã đếm thử số lần reo vui nhiều hơn, và chị yên lòng về người chồng. Viên giám đốc lại gần chị bảo đồng chí trung tá còn ở lại, và mời chị lên xe. Ông chở chị về nhà. Chỉ hiểu là Tô-lu-be-ép còn có cuộc họp bàn về công việc, chị không nên có mặt ở đó, và chị lên xe. Nư ý tá Li-đi-a đã chỉ huy mấy cô gái chuẩn bị bàn tiệc. Mặc dù thức ăn không nhiều, nhưng mặt bàn được bày nhiều hoa, các bộ đồ ăn lấp lánh, rượu và vốt-ca xếp đầy bàn đến nỗi Vi-ta phát hoảng, nhưng Li-đi-a đã làm yên lòng chị. Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích sẽ không uống gì khác, chỉ một cốc săm-panh thôi. Còn Vi-ta Ac-vi-dốp-na tốt nhất nên đi tắm, vì bụi kim loại và dầu mỡ trong không khí có thể thấm qua thậm chí cả quần áo bằng vải bạt. Tô-lu-be-ép cùng những người thanh tra, các kỹ sư và lãnh đạo nhà máy trở về vào đúng bữa điểm tâm, sáu giờ sáng. Vi-ta đã ngủ, nhưng nghe tiếng chân chồng, chị thức dậy. Anh có lẽ vừa mới tắm, đang trải mớ tóc ướt. Sau tường, nghe tiếng bát đĩa lanh canh khe khẽ và những giọng nói ôn tồn. Chị mặc quần áo và cùng chồng đi sang nhà ăn. Trong căn phòng nhỏ bên cạnh nhà ăn, nữ y tá Li-đi-a đang đọc cho người lính điện tín viên hàng loạt số dài. Vi-ta mỉm cười: Li-đi-a biết nhiều nghề quá, nên không thể chỉ là y tá được. Phải hỏi chị đã học khoa học mật mã ở đâu? Nói chung, có khi Li-đi-a đã từng công tác ở địch hậu rồi cũng nên? Trong những bản tin của Tổng cục thông tin, chị thường đọc chăm chú đặc biệt những tin tức từ phía bên kia trận tuyến… Sau bàn, mọi người đều chúc mừng người kỹ sư trẻ. Anh đã lắp ráp khẩu pháo tự hành mới trong mười một ngày đêm. Viên giám đốc nói rằng nếu bọn Đức để họ, những người đúc súng, được yên chừng một tháng nữa, thì đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng sẽ được thực hiện vượt mức kế hoạch. Cả người kỹ sư trẻ, cả viên giám đốc được vỗ tay hồi lâu, nhưng trong lòng họ vẫn nhức nhối mối lo, và máy thu thanh ở trên cửa sổ vẫn không tắt đi. Khi nghe tín hiệu lúc bảy giờ sáng, mọi người đều lặng im. Sự im lặng làm cho Vi-ta thấy trái tim bứt rứt. Lê-vi-tan (phát thanh viên nổi tiếng của Liên Xô) điềm tĩnh nói: “Trong đêm rạng ngày 3 tháng 5, trên các mặt trận không có thay đổi đáng kể”. Hai tuần lễ sau khi nhóm thanh tra của Tô-lu-be-ép đi xuống miền Nam U-ran, nơi nhà máy xe tăng mới chế tạo loại tăng hạng nặng “IX” với pháo 122 ly, thì đại tá Krit-xchi-an đã đuổi kịp họ. Ông bay suốt đêm, đó là những đêm trời sáng, ngắn ngủi thật đẹp. Ông chào hỏi Vi-ta và Tô-lu-be-ép như là vừa từ phòng bên cạnh bước sang phòng họ trong khách sạn, nơi họ đã sống tới ngày thứ mười. Vừa bước vào ông mỉm cười bảo: -Vi-ta Ac-vi-dốp-na, tôi thấy là chị đã nghỉ ngơi tốt rồi! Còn giá tôi và Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích được uống một tách cà phê theo cách pha của chị… -Ở đây không có cà phê!-Vi-ta than vãn. -Tướng Kô-rô-bốp đã nghe thấy tiếng than của chị!-Đại tá nghiêm khắc nói và chỉ tay lên trần như chỉ lên đấng tối cao nhìn thấy, biết hết mọi sự. -Đây!-Và ông rút từ cặp da ra một thứ hạt quý hiếm ấy với cả cái cối xay cà phê nhỏ bằng đồng của Thổ Nhĩ Kỳ với những xanh xay đá. Li-đi-a vẫn mỉm cười quan sát cuộc gặp gỡ này, với ngay lấy cái bao và cái cối xay từ tay ông. Có lẽ chỉ mình chị mới hiểu được Vi-ta khó chịu thế nào khi thiếy chén cà phê quen thuộc này. Và cả Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích hóa ra cũng mê thứ đồ uống đó. Chiếm được món quà quý rồi, y tá Li-đi-a ra khỏi phòng. Lúc đó Krit-xchi-an bỗng trở nên nghiêm nghị, rút từ cặp ra một phong bì. -Vi-ta Ac-vi-dốp-na hãy xem đây!-Ông nói, xé những dấu gắn xi và mở chiếc phong bì dày nặng ra. Trên bàn, trước mặt Tô-lu-be-ép và Vi-ta có hai chục chiếc “Con Cọp”. “Con Cọp” mới tinh, óng ánh nước sơn ngay cả trên giấy đen trắng, dường như nó được chụp trên bãi thử. Nước sơn màu sáng, Krit-xchi-an nói rằng màu ô-liu thích hợp với vùng sa mạc, cho quân đoàn Phi châu của tướng Ru-men. Nó được chụp từ khắp các phía: hai bên, đằng trước, đằng sau, từ trên xuống-thấy rõ là người chụo những bức ảnh này đã không vội vã và yêu thích nghiệp vụ của mình. Cả Vi-ta và Tô-lu-be-ép kinh ngạc nhìn những bức ảnh, cay dắng nhớ tới bức ảnh nghiệp dư nhỏ bé của Vi-ta. -Của tình báo Anh chăng?-Tô-lu-be-ép ướm hỏi. -Anh xét theo màu sơn chứ?-Krit-xchi-an cười khẩy.-Hãy nhìn kỹ cái phông nền sau nó thế nào,-ông đề nghị. Nền phông trên tất cả các bức ảnh bị nhòa, nhưng vẫn còn lại cái gì đó. Tô-lu-be-ép cầm một tấm anh lại xem ở bên cửa sổ. Trên một bức ảnh, hiện lên khá rõ viền rừng ở xa và những nét lờ mờ hình ảnh những căn nhà gỗ của nông dân Nga. -Đây là miền Bắc nước ta!-Tô-lu-be-ép thốt lên. -Phải rồi, đây là ở Nga!-Vi-ta cùng hòa theo. Giờ đây chị đã biết vùng Bắc Nga, vùng U-ran và không bao giờ có thể lẫn những phong cảnh này với các nơi khác. -Phải, đây là nước Nga!-Krit-xchi-an trịnh trọng nói-Nhưng như thế chưa phải là hết đâu. Các bạn hãy xem tiếp những tài liệu này nữa… Ông rút từ cặp ra mấy trang giấy đánh máy. Tô-lu-be-ép đặt chúng ra trước mặt như chiếc quạt xòe. Đây là sự mô tả kỹ thuật chiếc tăng: những thông số của nó, chiều dày của vỏ thép, cấu tạo động cơ đi-ê-den, trang thiết bị điện, vũ khí những chố hiểm yếu, v.v… Đó là công việc của cả một tập thể kỹ sư, vì mỗi đặc điểm của chiếc tăng đều đuợc mô tả bằng ngôn ngữ của nhà chuyên môn… -Nhưng sao làm được điều đó?-Vi-ta hoang mang hỏi. Li-đi-a mang cà phê ra và Krit-xchi-an im lặng. Khi cô đi pha cà phê đợt hai bằng cái máy xay nhỏ, Krit-xchi-an khẽ nói: -Vi-ta Ac-vi-dốp-na, sau khi nhận đuợc bức ảnh của chị, tướng Kô-rô-bốp đã ra lệnh cho các tình báo viên ở bên kia trận tuyến chú ý tới sự xuất hiện của những xe tăng mới ở nơi họ hoạt động. Người ta đã phát hiện ra các tài liệu của Bộ chỉ huy Đức thu được trong các thời gian khác nhau, rằng bọn Đức không chỉ có tăng “Con Cọp” mà còn có cả “Con Báo” nữa, chúng đúng là những con quái vật. Thêm vào đó, chúng còn có loại pháo tự hành “Phéc-đi-năng”. Nhưng tất cả những của mới này bọn Đức đều giữ ở xa mặt trận, chắc là để đề phòng chuyện bất trắc. Thế rồi cách đây vài ngày, các trinh sát viên đã phát hiện ở mặt trận Vôn-khốp, hai trung đoàn xe tăng mới thuộc đội quân dự bị của Tư lệnh quân đoàn trưởng Phôn Ban-xơ. Chúng định làm ở gì vùng đầm lầy này là một điều chưa hiểu được. Ở đó, vẫn còn ngập nước, liên tiếp là những bãi sông, lạch, đầm lầy, hồ ao, trên đó băng chưa tan hết. Nhưng thiếu tướng của chúng ta biết rõ Phôn Ban-xơ là con cưng của Quốc trưởng. Chắc rằng hắn muốn cho Quốc trưởng kính mến của hắn được thấy những đồ chơi này hoạt động như thế nào. Ngoài ra, Phôn Ban-xơ còn là một tên loạn óc-luôn bắt chước Hít-le trong mọi việc, thậm chí cả trong những cơn điên loạn… Vi-ta không hiểu những thiếu sót của tướng Phôn Ban-xơ có ý nghĩa gì, nhưng Tô-lu-be-ép cười gằn vì lý do gì đó. Chị ngạc nhiên nhìn chồng. -Phần tiếp theo có thể hiểu được, đơn giản thôi,-Vô-lô-đi-a nói.-Phôn Ban-xơ bị ép mạnh, từ các phía mặt trận và hắn phải tung “những đồ chơi” này vào cuộc chiến! -Thế mà anh vẫn cứ tự nhận mình là một kỹ sư hơn là một nhà chỉ huy! Krit-xchi-an nhếch mép cười, nhưng đầy vẻ hài lòn, nói:-Mọi chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Kô-rô-bốp và đại tá Koc-sma-rep đã báo lên Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao, nói rõ mọi tình tiết, và Bộ đã “duyệt y”. Họ đã bay ra mặt trận nghiên cứu tình hình tại chỗ; và năm ngày trước “đã ép mạnh” Phôn Ban-xơ. Ở đó có con đường hiểm trở giữa các hồ được đắp thành đê cao. Ban đêm, quân ta đã chiếm được đường hẻm, thọc sâu vào trận địa của quân Đức tới năm kilômét. Ngay trong đêm đó, các chiến sĩ công binh đã đào ở trên đê những cái hố bẫy thú trên có ngụy trang. Đến khi Phôn Ban-xơ tung vào trận những “Con Cọp” của mình-quả thực chỉ có nằm chiếc thôi,-quân ta đầu tiên đã rút lui, nhưng sau đó cắt đứt xe tăng với bộ binh. Ba chiếc xe tăng trườn thoát được về, một chiếc bị bắn cháy, còn chiếc thứ năm-chính ó đấy! Nó đã được kéo lên nguyên vẹn, chở về hậu phương, sau đó lại được khéo léo trả về vị trí cũ.Tin buổi chiều: “Ngày 23-6, trên các mặt trận, không có thay đổi đáng kể. … Ở phía tây Ben-gô-rốt, đơn vị thuộc đội X-tiến hành trinh sát tuyến phòng thủ của quân địch…” Tổng cục thông tin Liên Xô 23-6-1943 Tối hai mươi tư tháng sáu, họ trở về Matxcơva. Nhóm của Tô-lu-be-ép còn ở lại, riêng anh được triệu về. Đại tá Krit-xchi-an không quên nhã ý ghi thêm trong giấy triệu tập “Cùng đi với thư ký riêng Vi-ta Ac-vi-dốp-na Tô-lu-be-e-va”. Tới thời gian này, Vi-ta đã biết là mọi cuộc đi lại trong đất nước có chiến tranh này đều nhất thiết phải có giấy phép, giấy triệu tập, giấy giới thiệu. Trong vòng một tháng rưỡi, họ đã đi bằng máy bay và xe hơi khắp vùng U-ran, gần khắp miền Xi-bia. Vi-ta ngạc nhiên nhận thấy ở những nơi mà theo tưởng tượng của chị hay sự mô tả của báo chí trên các đường phố thường có những con gấu chính công đi lại, nhưng chị lại chỉ thấy từ các nhà máy những đoàn xe tăng nối đuôi ra ga, những chiếc máy bay mới từ các sân bay ẩn kín trong rừng sâu cất cánh bay lên, bay về phía tây. Còn nếu họ đi bằng xe lửa, từ phía tây tới, ngược chiều là hàng trăm đoàn tàu dài dặc… Thực ra, đoàn tàu đặc biệt của họ thường được chạy liên tục, không phải kiểm soát, nhưng cũng có khi họ phải dừng lại hàng mấy tiếng đồng hồ ở chỗ tàu tránh nhau vì các đoàn tàu chạy ngược chiều nối tiếp vào nhau. Những lúc ấy Vi-ta cùng Li-đi-a ra khỏi toa,. Và ở những chỗ tránh hẻo lánh ấy, họ đi hái dâu tây hay những bông hoa hồng dại thơm ngát. Thường những lúc đó, Tô-lu-be-ép ngủ. Anh quá mệt mỏi trong các cuộc “thanh tra” này và nhiều khi trở về phòng khách sạn hay nhà tập thể đã phát ốm hoàn toàn. Lúc đó y tá Li-đi-a bắt anh đi nằm, tiêm hay cho uống thuốc ngủ và cả hai người phụ nữ ân cần chăm lo sự nghỉ ngơi của anh. Trong những ngày ấy, y tá Li-đi-a trở nên khó tính: một viên giám đốc, một chánh kỹ sư nào đó có thể quát tháo, la mắng thế nào cũng được, chị nghe hết; không nhìn lên, trả lời giọng không hê to tiếng: “Trung tá ốm. Anh ất sẽ tiếp chuyện đồng chí vào ngày mai, giờ này, giờ nọ!”-và chị nêu ra chính xác giờ mà Tô-lu-be-ép trở dậy khỏe khoắn và lành mạnh. Chỉ có với một người Li-đi-a đặt ra ngay ngoại lệ-đó là đại tá Krit-xchi-an. Mỗi ngày đại tá Krit-xchi-an gửi đến cho Tô-lu-be-ép một bức điện bằng mật mã. Y tá Li-đi-a giải mã và đưa cho Tô-lu-be-ép khi anh tỉnh dậy, và trong suốt thời gian họ đi thăm các nhà máy quân sự, bức điện mã chỉ giản dị có mấy chữ “Sức khỏe bệnh nhân đáng hài lòng”. Đã qua một tháng, thời hạn mà ông giám đốc nhà máy chế tạo pháo ao ước, một hôm Li-đi-a giải mã bức điện của Krit-xchi-an, chị bỗng kêu lên, nhìn Vi-ta bằng đôi mắt như nhòa đi chạy bổ sang phòng mà Tô-lu-be-ép vừa ngấm thuốc ngủ mới thiếp đi và ra sức lay anh dậy. Tô-lu-be-ép khó khăn mở đôi mắt díp vào nhau, chị đưa cho anh bức điện, cương quyết và gay gắt kêu lên: -Tỉnh dậy ngay đi, Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích! -“Bệnh nhân bắt đầu đi lại”.-Tô-lu-be-ép đọc qua và Vi-ta thấy anh vẫn chưa tỉnh hẳn. -Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích, Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích!-Y tá Li-đi-a lắc mạnh người anh nhưng đầu anh lại ngả xuống gối, mắt nhắm lại. -Ối, lạy chúa, cà phê, mau lên!-Cô y tá ra lệnh, Vi-ta mang cà phê đến. Nhưng Tô-lu-be-ép đã tỉnh dậy, anh ngồi lên, mắc rực sáng, đọc lại bức điện. Anh bỗng kêu lên, uống chén cà phê nóng đến bỏng cả miệng, yêu cầu! -Vi-ta, giúp anh mặc quần áo mau!-Rồi quay sang Li-đi-a:-Sao chị cứ dứng ngây ra thế! Gọi ngay tất cả mọi người lại đây! Li-đi-a chạy lại máy điện thoại, còn Vi-ta giúp anh mặc quần áo. Vì thuốc ngủ còn ngấm, anh giống như một đưa trẻ phật ý và gần như không tự làm lấy được một việc gì. Khi chị cài khuy áo blu-dông và đi ủng vào chân cho anh, anh khẽ nói: -Krit-xchi-an báo rằng quân Đức đã chọn khu vực để tấn công: từ Ben-gô-rốt tới Cuốc-xcơ và từ Óc-lốp cũng tới Cuốc-xcơ. Chúng định cắt mũi Cuốc-xcơ ra… Nhưng đồng chí ấy giỏi thật! Chúng ta còn gần một tuần lễ nữa, đại pháo đã ở trên các sân ga gần mặt trận cả rồi. Những người giúp việc của Tô-lu-be-ép đã đến cả phòng làm việc. Và Vi-ta thấy kinh ngạc: còn vừa là một người mệt lả, chồng chị bỗng trở nên cương quyết, dứt khoát. Những mệnh lệnh ngắn gọn của anh tuôn ra trôi chảy như chỉ gồm toàn những phụ âm cứng. Các sỹ quan theo nhau rời khỏi căn phòng. Ngoài cửa sổ, động cơ ô tô rú lên, chở họ tới các nhà máy, sân bay, nhà ga. Chỉ nửa giờ sau, chung quanh đã không còn một ai. Anh lính thông tin mang đến một bức điện mật mã nữa. Krit-xchi-an đề nghị trở về Mat-xcơ-va. Mat-xcơ-va đang nóng bức, hoa bạch dương bay đầy. Trên các đường phố có trồng cây, các thiếu nữ mặc quân phục đang thả lên bầu trời tối dần những khinh khí cầu, hình thù như những điếu xì gà dài. Kỳ này Mat-xcơ-va và người Mat-xcơ-va có vẻ bình tĩnh hơn: chắc họ đã quen đi với những bản tin luôn thuyết phục rằng mấy tháng nay trên các mặt trận đều yên tĩnh. Còn những trận thắng mùa đông đã đẩy lùi quân Đức xa đến mức không xuât shiên cả ở trên trời nữa… Vợ chồng Tô-lu-be-ép được đưa đến căn nhà nơi học đã sống lần đầu tiên. Cô y tá Li-đi-a đi theo họ, gọi điện đi đâu đó và lát sau đã thấy xuất hiện vị giáo sư. Giáo sư gõ vào người và nghe Tô-lu-be-ép khá lâu, kiểm tra huyết áp; y tá Li-đi-a lấy máu và đem xét nghiệm ngay. Nhìn giất ghi của chị, vị thày thuốc ngạc nhiên nói: -Nền y tế hiện đại đang phát hiện ra những điều kỳ lạ. Trong chiến tranh, bệnh nhân mất hẳn chứng đau dạ dày, những hiện tượng dị ứng nặng, viêm dạ dày, viêm kết ruột và hàng chục căn bệnh khác. -Điều đó không có gì lạ cả-Tô-lu-be-ép cười nói.-Trong những thức ăn đơn giản không có những chất kích thích như trong các món ăn ngon. Giáo sư đã ăn trứng cá đen lần cuối cùng vào bao giờ? -Phải, có lẽ là từ trước chiến tranh đấy,-giáo sư trả lời.-Không tôi thấy lạ ở điều khác: theo phân tích thì anh đã mổ dạ dày ba lần cách đây không lâu, sau đó anh bị bắn xuyên qua phổi, xuýt trúng vào tim. Tôi đã bở dở việc theo dõi anh cả hai tháng chỉ vì sức ép hành chính. Tôi đã chờ đợi thấy gì? Sự suy sụp hoàn toàn của cơ thể, thiếu máu và nếu anh muốn, là sự toàn phế. Thế mà tôi đã thấy điều gì? Mọt con người hoàn toàn khỏe mạnh, tuy có mệt mỏi quá chút ít, nhưng không phải do bệnh tật, mà là do gánh nặng thể lực của công việc. Trung tá đã làm tôi rối trí, nhưng tôi hoàn toàn thanh thản ký giấy chứng nhận, đồng chí đã khỏe mạnh hoàn toàn và có thể trở về với nhiệm vụ chiến đấu. Một lúc sau, Krit-xchi-an đến.Tin buổi sáng: “Trong đêm rạng ngày 25-6, trên các mặt trận không có những thay đổ đáng kể. … Ở khu vực Ben-gô-rốt, thượng sỹ Mi-se-nhin bắn ba loạt liên thanh lên chiếc máy bay Đức bay trên trận địa của ta, chiếc máy bay xì khói và hạ xuống thấp. Thượng sĩ Mi-se-nhin xả thêm một loạt đạn nữa, chiếc máy bay rơi xuống gần vị trí tiên tiêu của quân ta” Tổng cục thông tin Liên Xô 25-6-1943 Krit-xchi-an, mà Tô-lu-be-ép và Vi-ta trong mọi hoàn cảnh đều thấy là một người luôn thản nhiên, bình tĩnh, lần này nom giống như một dây đàn kéo căng. Không thận trọng mà động đến ông, chắc là ông sẽ nổ tung. Sợ cơn bùng nổ đó có thê trút lên chồng, Vi-ta ngồi pha cà phê, lấy từ chỗ Li-đi-a một ít cồn cho mấy người đàn ông, rồi lặng lẽ ngồi vào góc phòng. Nhưng Krit-xchi-an, sau cốc cồn không pha và tách cà phê còn bốc khói, đã bình tĩnh hơn. -Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích!-ông nói không còn vẻ sang sảng và khá điềm đạm.-Đồng chí phải chỉ huy lữ đoàn tăng hạng nặng “IX”, thuộc lực lượng dự trữ của Bộ Tổng tư lệnh. Tôi vừa đọc bản báo cáo của bác sỹ về tình trạng sức khỏe của đồng chí và nói thực là tôi rất mừng. Sự bổ nhiệm mới của đồng chí đã bị nán lại chỉ vì lo đồng chí không được khỏe. Lữ đoàn của đồng chí được đưa đến Cuốc-xcơ. Ở đó có khả năng rộng rãi để cơ động: đường sắt sẽ cho phép chuyển lữ đoàn về phía Nam hay lên miền Bắc, tùy chỗ bọn Đức tiến hành mũi tiến công chính ở hướng nào. Mặc dù, nói thực, tôi lo rằng chúng sẽ đánh cả vào hai mặt. Nếu chúng cắt đôi vòng cung Cuốc-xcơ và mưu toan đánh cho chúng ta một trận “Xta-lin-grat của Đức” ở Cuốc-xcơ thì chúng sẽ tấn công cả từ hai phía. Cái câu “trận Xta-lin-grat của quân đội Đức” tình báo của ta đã ghi được… -Sao ta biết được điều đó?-Tô-lu-be-ép hỏi. -Chúng ta nhận được luôn mấy tin báo trước cùng một lúc: một, từ “Trung tâm”, nghĩa là trực tiếp từ những người của chúng ta hoạt động ở Béc-lin; hai từ Luân-đôn, ở đó người của ta có liên hệ với tình báo Anh; ba, từ các tình báo viên ở hậu cứ địch, báo cho biết về việc thuyên chuyển số lớn xe tăng mới về Óc-lốp và Cuốc-xcơ. Ngoài ra, các chiến sĩ du kích đã làm nổ một đoàn tàu được bảo vệ đặc biệt, trong đó có loại xe tăng chưa từng thấy bao giờ. Ba ngày trước, máy bay đã mang những bức ảnh từ liên quân du kích về. Đây, anh xem! Krit-xchi-an rút từ cặp ra và đặt lên bàn mấy tấm ảnh. Phim có nhiều hạt, khi phóng lên không được nét lắm, nhưng cả Vi-ta và Tô-lu-be-ép không thể rời mắt nhìn tấm ảnh. Phải, đây chính là chiếc tăng mà các chiến sĩ Nga đã bẫy được ở Vôn-khốp, và chụp ảnh này là những người cầm vũ khí ẩn nấp ngay sau lưng bọn Đức, lật đổ các đoàn tàu, làm nổ tung các kho hàng. Vậy mà những người thảo bản tin viết về họ thật đơn giản! “Đội du kích hoạt động tại một vùng trên lãnh thổ U-crai-na đã phục kích một đoàn xe ôtô Đức trên quốc lộ, 50 tên lính và sỹ quan địch đã bị tiêu diệt. Đội phá hoại ở khu Ba-ra-nô-vích mang tên Sa-pa-ép đã lật đổ một đoàn tàu Đức. Đầu tàu và 31 sàn toa chở xe tăng và ôtô đã bị phá hủy…!”. Bản tin này, Vi-ta đã đọc vào ngày kỷ niệm hai năm chiến tranh và chuyển tờ báo cho Li-đi-a. Chị nhận thấy mặt Li-đi-a bỗng đỏ hồng lên. Nhưng Li-đi-a không trả lời câu hỏi thăm rằng có biết đội du kích này không và nói lảng sang chuyện khác, dường như không nghe thấy gì. Lúc này chị nhớ lại, bàn tay chị đã lạnh đi như thế nào khi chị mong muốn trở thành đôi mắt của Vô-lô-đi-a chụp ảnh trên bãi thử chiếc xe tăng này. Có thể bọn Đức sẽ không xử tử chị như chúng vẫn làm với những du kích Liên Xô hay các đồng bào của chị bị buộc tội phá hoại, nhưng có thể không có sự bênh vực nào của cha chị hay sự si mê của tên SS có thể cứu thoát chị được. Và trong người chị bùng lên một niềm tự hào về minh. Chị cũng đã giúp được Vô-lô-đi-a và đất nước của anh. Cái mức độ giúp đỡ đó chị đã thấu hiểu qua chiến công này nữa của những người du kích chiến đấu cho Tổ quốc với vũ khí trong tay ở sau lưng quân Đức, coi thường cái chết đau khổ và sức mạnh của kẻ thù hung hãn đổ lên những đội quân nhỏ của họ hàng sư đoàn và trung đoàn. Lúc này, ý nghĩ của chị lại liên tưởng đến những người mà đại tá Krit-xchi-an chỉ gọi bằng từ “Trung tâm”. Họ chẳng phải là những anh hùng sao? Họ ở đâu đó trên lãnh thổ Đức, rõ là ở ngay giữa Béc-lin, giữa vòng vây của lũ phát xít, bọn SS, có thể còn phải mang bộ mặt những tên phát xít và SS nữa. Theo những gì chưa biết, Vi-ta nhớ ra là rất khó đóng trò như vậy khi mình là một người nước ngoài, nhưng chị có phần nào dễ dàng hơn, vì chị là một cô dâu giàu có, gần như giàu có nhất nước mình, cha chị luôn được bọn trùm phát xít quý trọng, vì ông không bao giờ nói một lời về chính sách của chúng, đặc biệt những lời thiếu thận trọng, mà giả sử Vi-ta có nói điều gì vô ý tứ thì người ta chỉ nghe với tiếng cười khẩy, không hơn, hoặc có thể chỉ với một nụ cười: đòi hỏi gì ở phrê-ken xinh đẹp không hiểu biết chút gì về chính trị này! Còn người Xô Viết ở bên đó khó khăn đến đâu, dù có được rèn dạy thế nào về sự kiềm chế! Và chị ngập ngừng hỏi: -Những người ở “Trung tâm” là ai thế? -Những người Xô Viết bình thường.-Krit-xchi-an nhếch mép cười.-chị sẽ làm quen với họ vào sáu giờ sau chiến tranh… -Nếu như họ còn sống…-Tô-lu-be-ép khô khan chêm vào. Krit-xchi-an không tức giận, không nổi nóng. Ông buồn rầu khẽ nhắc lại lời của Tô-lu-be-ép: -Phải, nếu họ còn sống… Câu chuyện bỗng ngắt quãng, và Vi-ta phải cố gắng xua đi những ảo ảnh do chính chị gây ra. Chị rót rượu vào đầy cốc, thậm chí rót cả cho mình một ít, pha thêm nước vào, mời uống cà phê nóng, nhưng cả hai người đàn ông uể oải cảm ơn và cùng im lặng. Tưởng chừng những nỗi kinh hãi của chiến tranh, cuộc chiến tranh đặc biệt một người chống lại tất cả, đã vây bọc lấy họ và buộc lo nghĩ không phải đến mình, mà chỉ đến những người ở xa Tổ quốc đang thực hiện nhiệm vụ nặng nề. Cuối cùng, chị như sực tỉnh, nhớ ra những suy nghĩ chính mà chị chưa kịp nói ra khi nghe nói đến sự đề bạt mới của chồng chị. Có thể nào anh để lại chị một mình trong một đất nước chưa hiểu biết lắm và ra đi tới nơi mỗi ngày hàng ngàn người bị giết? Tất nhiên Vô-lô-đi-a sẽ không bị giết, anh đã cho cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa này quá nhiều rồi, Vi-ta sẽ còn cầu nguyện cho anh nữa chứ, nhưng sẽ ra sao, nếu?… Chỉ mới hình dung ra cái “nếu” này, chị đã muốn phát khóc, nhưng giọng chị lanh lảnh khi chị nói: -Tôi cùng đi với chồng tôi! Krit-xchi-an nhìn chị bối rồi còn chồng thì thán phục nhưng cả hai đều lắc đầu khước từ. Và chị nghĩ rằng không ai, không một ai sẽ giúp được chị, nếu tự chị không giúp được mình. Chị cố nói rõ từng chữ để nói lên sự phản đối nóng nảy của mình. -Tôi biết bắn như một người đi săn. Mặc được quần áo đàn ông. Từ sáu tuổi, tôi đã biết trượt tuyết, trượt băng, tôi thường xuyên theo chế độ luyện tập. Từ mười hai tuổi, tôi đã lái xe, biết tháo và lắp động cơ như một thợ máy thực thụ. Tôi cũng có thể lái xe tăng hạng nặng của các đồng chí được, còn bắn đại bác tôi có thể học trong một giờ. Cuối cùng tôi rất thành thạo tiếng Đức, có thể làm phiên dịch viên, các anh quyết giành chiến thắng cơ mà, như vậy tất sẽ phải có tù bình và các anh phải xét hỏi chúng? Thêm vào đó, tôi sẽ gọi điện ngay bây giờ cho tướng Kô-rô-bốp, đại tá Koc-sma-rep, thứ trưởng công nghiệp, tôi sẽ phàn nàn về sự nhẫn tâm của các anh, sự dửng dưng của các anh với số phận của tôi. Và điều cuối cùng: tôi không xin đi nghỉ mà xin được ra trận… -Mà có lẽ cô ấy nói phải đấy, Mi-khai-in An-đri-a-nô-vich!-Tô-lu-be-ép nói, giọng thỉnh cầu. -Nhưng bọn mình còn kịp làm gì được!-đại tá đã có vẻ chịu nghe, trả lời. -Cũng không cần phải làm gì đâu,-Tô-lu-be-ép giải thích một cách nhẫn nại đến ngạc nhiên.-Để cô ấy viết đơn xin tình nguyện xung vào lữ đoàn xe tăng dưới quyền chồng chỉ huy, kể vào đó vài ưu điểm mà cô ấy vừa kheo với anh, còn sau đó là tùy ý anh-anh làm thủ tục cho cô ấy làm phiên dịch hay lái xe cũng được. Một là cô ấy sẽ ở lữ đoàn bộ, hai là cô ấy sẽ lái chiếc xe của tôi. -Và xin đồng chí Krit-xchi-an đừng quên,-chị nói thêm nôn nóng,-tôi tham gia vào cuộc chiến tranh này từ năm một nghìn chín trăm bốn mươi, trong các đội đầu tiên của phong trào kháng chiến Na Uy, đã từng là sỹ quan thông tin liên lạc, làm phiên dịch ở sở tham mưu khi đón các tù binh Liên Xô về chiến đấu bên phía các đồng chí. -Phải, có lẽ đó là căn cứ chính.-Krit-xchi-an đăm chiêu nói. Ông yên lặng rồi nói thêm:-Thôi được, chị viết đơn đi và trình bày cả những điều vừa nói với chúng tôi ấy. Nói cho cùng, nếu được phép, chúng tôi đã thưởng huân huy chương cho tất cả các chiến hữu của chị vì họ liều mình trong cuộc chiến đấu với kẻ thù chung của chúng ta, như một người lính Xô Viết đang liều thân chiến đấu! Chị viết xong đơn yêu cầu bằng những chữ Nga rõ ràng, đúng thể lệ! Krit-xchi-an đọc lướt qua và bỏ vào cặp, ra đi. Yên lặng một lát lâu, rồi chị hỏi chồng: -Thế ông bạn đại tá Krit-xchi-an của chúng ta là ai vậy? -Sỹ quan đặc nhiệm phòng tình báo chiến lược của Bộ Tổng tham mưu. Điều đó có nghĩa là đôi khi lời khuyên của anh ấy, các vị tướng cũng phải thực hiện… -Từ giờ em sẽ sợ ông ấy! -Em không nhất thiết phải như vậy!-người chồng mỉm cười. “Trong ngày 27-6, trên mặt trận không có biến đổi đặc biệt. Trong tuần qua, từ 20 đến 26 tháng 6, bộ đội các quân chủng và bộ đội cao xạ đã tiêu diệt 211 máy bay Đức. Ngoài ra, số lớn máy bay địch đã bị tiêu diệt hoặc phá hủy bởi các cuộc tấn công của không quân Liên Xô vào các phi trường của quân địch. Bên ta bị mất 74 máy bay”. Tổng cục thông tin Liên Xô 27-6-1943 Người chồng phải bay ra mặt trận ngày hai tám. Chị sửa soạn cho anh lên đường, bỗng thút thít, lấy chiếc khăn tay khâu từ lúc nào lau mũi, làm nữ y tá Li-đi-a hết sức ngạc nhiên. -Thế mà tôi không hề ngờ là phụ nữ trên đời này đều giống nhau hết!-Li-đi-a nói giọng phê phán. -Phải, thế còn bảy mươi tư chiếc máy bay bị bọn Đức bắn rơi kia!-Vi-ta cãi lại. -Nhưng Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích không đi đến chỗ chúng dội bom đâu…-Li-đi-a trả lời, nhưng Vi-ta nhìn thấy chị cũng ứa nước mắt. Ôi, tất cả chỉ vì những người phụ nữ phải quá thường xuyên tiễn chồng ra trận! Nhưng rồi chị lắc mạnh cái dầu cắt gọn và reo lên:-Không sao, chuyến này anh ấy không chạy khỏi chị đâu… ở bộ tham mưu, tôi được nghe nói là…-Rồi chị đột nhiên ngừng nói. Có lẽ những tin tức ở bộ tham mưu không được dành cho Vi-ta. Sáu giờ chiều, khi họ đã sửa soạn xong xuôi cho lữ đoàn trưởng Tô-lu-be-ép anh xuất hiện cùng với Krit-xchi-an không lúc nào rời bên. Krit-xchi-an mang theo một gói to gì đó, còn Tô-lu-be-ép gói nhỏ. Từ trên ngưỡng cửa, Tô-lu-be-ép hô: -Nghiêm! Nữ y tá Li-đi-a vươn thẳng người như một người lính. Vi-ta ngạc nhiên nhìn chồng. Nhưng trong giọng nói âm sắc long trọng, mắt nhìn nghiêm nghị, và chị vừa chậm chạp đứng dậy, vừa nhìn anh vẻ hoang mang. Còn anh quay lại phía Krit-xchi-an và nói to: -Đồng chí đại tá, các chiến sĩ thuộc đơn vị tôi đã tề chỉnh! Krit-xchi-an bỏ cái gói của mình xuống ghế, cầm lấy cái gói của Tô-lu-be-ép nhỏ hơn, lấy ra khỏi đó một cặp giấy và từ cặp rút ra quân hàm, giấy chứng nhận sỹ quan, long trọng nói: -Vi-ta Ac-vi-dốp-na, xin chúc mừng nhân dịp chị được phong quân hàm.-Những lời nói của ông thân mật nhưng trang trọng. Vi-ta nhận từ tay ông chiếc quân hàm với vạch chỉ vàng mỏng và ngôi sao nhỏ, và mãi lúc đó chị mới hiểu: chị là sỹ quan quân đôi Liên Xô! Dù chức vụ còn thấp nhưng chị sẽ luôn ở bên chồng. Chị không cầm lòng được, ômg chầm lấy cổ đại tá, ông hôn chị rồi đẩy về phía chồng. Y tá Li-đi-a vụng về chớp chớp giọt nước mắt trên mi, mở gói thứ hai. Trong đó có áo blu-dông và váy của nữ quân nhân. Lúc này thì Li-đi-a đã phải gọi Vi-ta lại đo bộ quần áo mới, khâu lại cổ áo, cắt sửa cho vừa cỡ người, đính quân hàm. Đã thế đại tá Krit-xchi-an lại cứ giục vội-chỉ một giờ sau Vi-ta sẽ phải cùng chồng tới trình diện tướng Kô-rô-bốp. Vi-ta áp chứng minh thư quân nhân vào ngực, chạy theo y tá Li-đi-a. Những người đàn ông mỉm cười, nhưng khi hai người phụ nữ ra khỏi phòng, họ trở nên khắc khổ ngay. Họ đã hiểu quá rõ chiến tranh là thế nào. Tiếng kéo tí tách phía sau tường, nghe thấy tiếng xuýt xoa trầm trồ và bốn mươi phút sau, khi Vi-ta bước ra trong bộ quần áo mới của mình, những người đàn ông cho rằng trong toàn quân có lẽ không có thiếu úy nào xinh đẹp hơn. Thậm chí cái mũ ca-lô cũng rất đẹp trên mái đầu bướng bỉnh lòa xòa mớ tóc vàng. Chiếc xe đưa họ chạy chậm trên đường phố tới Mat-xcơ-va rất yên tĩnh. Hiếm hoi, rất hiếm hoi nghe thấy tiếng trẻ con. Trẻ em và các bà mẹ đi tản cư từ mùa thu gian khổ năm bốn mươi mốt vẫn chưa trở về, mặc dù dân số khong ngừng tăng lên. Có vài cơ quan bộ, một số nhà máy, tòa soạn báo chí và nhà xuất bản trở về… Nhưng đây là thành phố khắc khổ của những người lớn, những người đang chiến đấu. Những khí cầu lại lơ lửng trên không. Những trung đội, đại đội phòng không diễu đi trên đường phố, hầu như gồm toàn những cô bé. Các cô gái chăm chú nhìn Vi-ta ngồi bên cạnh người lái xe và những cái nhìn đó làm cho mặt Vi-ta nóng ran lên. Đấy chính là những bạn gái của bao năm tháng tương lai mà họ sẽ sống chung, và họ sẽ hiểu nhau như thế nào? Ở phòng kiểm soát giấy tờ, chị giơ tay chào người thường trực vụng về đến nỗi anh ta bất giác cấm lấy ống điện thoại: có phải kẻ thù đã lọt vào doanh trại chăng? Nhưng rõ là đại tá Krit-xchi-an đã làm anh ta yên lòng. Ở phòng khách, chị cảm thấy hồi hộp. Các sỹ quan đứng thẳng, “nghiêm” người, và chị không hiểu vì họ lạ lùng về chị hay vì sự kính cẩn đối với chồng chị và đại tá. Thật may là viên sỹ quan trực nhật báo là thiếu tướng đang đợi họ, và họ đi vào căn phòng làm việc, nơi chị đã có lần tới cùng với đại tá Krit-xchi-an khi thảo luận bản báo cáo về chuyến đi Đức của chị. Thiếu tướng lần này không chỉ có một mình: còn có thứ trưởng Bộ công nghiệp nặng mà chị đã toan khiếu nại nếu không chi đi theo chồng, một vị tướng nữa và mấy sỹ quan. Kô-rô-bốp tiến ra phía họ, nắm chặt tay Vi-ta và nói không cần mào đầu dài dòng: -Vi-ta Ac-vi-dốp-na, tôi xin thay mặt chính phủ trao tặng huân chương chiến đấu Cờ đỏ, phần thưởng về sự giúp đỡ của chị trong việc hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của chính phủ… Mọi người đứng dậy vỗ tay, còn vị tướng nhận từ tay người sỹ quan trực nhật chiếc hộp nhỏ màu đỏ, mở ra và lúng túng đính huân chương vào ngực áo chị. Sau đó, ông nhận từ tay viên sỹ quan khẩu súng lục, rút ra khỏi bao và chỉ mảnh vàng trên có khắc tên và họ mới của Vi-ta. -Tôi được biết qua bản báo cáo của chị là chị bắn giỏi. Hãy để khẩu súng này phục vụ chị, bảo vệ công bằng và sự thật,-Ông nói gọng cảm động. Vị tướng cầm tay chị và dắt sang phòng bên, ở đó không hiểu vì sao đã có mặt Li-đi-a và mấy cô gái Nga mặc quân phục, còn trên bàn đặt sẵn ấm trà Xa-mô-va Nga và bánh ga tô. -Đây là tiệc mừng chị đấy, Vi-ta Ac-vi-dốp-na!-Viên tướng nói.-Tha lỗi cho chúng tôi, chúng tôi phải giữ Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích lại một lát… Ông đi ra và các cô gái vây lấy Vi-ta, ríu rít khen bộ quân phục đẹp, khen cả tấm huân chương chị đeo rất nổi, khiến Vi-ta phải cùng y tá Li-đi-a lại gần gương. Không thể nói gì được: bộ quân phục và tấm huân chương hết sức hợp với chị. Điều đó tự chị cũng nhìn thấy.