Người xung quanh thường gọi đó là ngôi chùa. Người có chữ đặt tên nó là Tĩnh Tâm tự, người bình dân kêu là chùa trường học vì nó tọa lạc gần trường tiểu học.
Tôi đến chơi, thấy ngôi chùa không giống chùa lắm. ( Tự cười mình kỳ cục: Nó đâu phải là chùa mà đòi hỏi nó giống chùa ). Người trụ trì vừa giống người xuất gia vừa giống người tại thế. Ông không mặc áo cà sa nhưng áo sơ mi lại có màu vàng cà sa. Có điều, màu vàng tươi hơn, chói chang hơn. Người xung quanh gọi ông là thầy-tu-tại-gia. Tôi cũng sẽ gọi ông chủ của nơi này là thầy thôi, cho gọn. Nhưng sẽ gọi cái nhà không phải nhà, chùa không phải chùa là gì nhỉ? Tạm gọi là nơi-đặc-biệt.
Nơi-đặc-biệt nằm không bình yên bên một đường ray xe lửa. Xe lửa chạy băng ngang khu dân cư, băng ngang cả nơi-đặc-biệt nhỏ xíu - như bao nhiêu ngôi nhà phố hẹp bề ngang và ngắn chiều dài. Nơi-đặc-biệt này đâu lưng với trường tiểu học. Nhân thể, thầy liền trổ một cửa nhỏ, để cô giáo và học trò có thể chạy qua chơi nếu thích và đứa nào chưa có gia đình đến đón kịp thì có thể ngồi tạm ở nơi-đặc-biệt chờ được đón về.
Thầy trạc ngũ tuần. Mặt nhìn không thể gọi là hiền, nhưng đôi mắt và ánh mắt thì nhân hậu đến không thể nhân hậu hơn. Tựa hồ như người ta gắn mắt nai vào mặt hổ vậy. Nơi-đặc-biệt vốn là một căn nhà. Buổi sáng, thầy cho mấy bà bán xôi ngồi bán. Trường nhỏ, nghèo, các cô giáo cũng nghèo nên hay ăn xôi. Mấy bà bán xôi ở đây chắc cũng không giàu, nên cũng không thèm tom góp làm giàu chi nhiều. Thành thử mấy gói xôi cho các cô giáo với mấy đứa học trò nhỏ cũng nhiều hơn lệ thường chút xíu. Thấy cho mấy bà bán xôi bán buổi sáng, đúng một tiếng đồng hồ. Buổi tối thầy lại cho lớp học tình thương ở phường mượn chỗ để dạy chữ cho mấy đứa nhỏ lang thang. Có bữa, tượng Phật thầy thỉnh về bị nguệch ngoạc những chữ cái a, b, c tùm lum.. Thầy không phiền trách gì. Chỉ cười cười, chắc bụng thầy thấy vui lắm nên miệng cứ nở hoa.
- Thầy cười nhìn hiền quá, phải tao lớn cỡ thầy, tao " cua " thầy liền.
- Thôi đi bà nội, người ta tu hành.
- Tu gì mà tu, thầy ăn thịt chó không thấy hả?
- Ai nói?
- Tao nghe bà Tư nói.
- Bà Tư hả? Tin bả thì bán lúa non, lúa giống, bán luôn đậu phộng mới mua về chưa kịp rang.
- Thôi, dẹp mày, đừng lôi nghề nghiệp của tao ra châm chọc chứ...
Thầy có cái máy ghi âm, loại xịn đàng hoàng, nhỏ xíu như cái hộp quẹt, thầy gắn ở một góc đặc biệt trong nơi-đặc-biệt. Thầy đi vắng ban ngày, thầy cũng cài nó ở đó. Thầy đi vắng ban dêm, thầy cũng cài nó ở đó. Thầy ở lại nhà, thầy cài nó ngoài cửa, để nó thu hết những tiếng động bên ngoài, sáng sáng, thầy lại mở nó lên nghe. Tối tối về, thầy lại mở cái hộp quẹt lên nge. Tự nhiên thấy yêu đời quá đỗi. Nhất là mấy đoạn đối thoại như trên. Có bữa, thầy nghe chuyện khác, buồn hơn nhưng thấy ấm lòng lắm.
- Má tao bệnh.
- Bệnh gì?
- Tao sao mà biết?
- Sao mày nói chuyện tỉnh bơ vậy?
- Chứ sao?
- Thôi, đi ngủ.
- Ngủ trước đi!
- Mày còn làm gì nữa?
- Làm công chuyện.
- Chuyện gì? Tắt đèn, tao ngủ.
- Bữa nay thầy cho ngủ nhờ, mai biết thầy cho nữa không? Tụi mình không có hộ khẩu, hộ khiếc gì, công an bắt chết.
- Mai đi kiếm chỗ khác, rủi công an bắt thì lại xui xẻo cho thầy.
- Có khi nào thầy xấu, tính...tụi mình...
- Mày đừng có khùng, chơi gái có nhiêu tiền.
- Thầy giàu lắm.
- Thôi, đi ngủ.
- Không, tao đang làm.
- Làm gì mậy?
- Hồi chiều tao mới nói chị Hải cho tao cắt dán giấy vàng bạc thêm, cũng được mấy ngàn một trăm xấp chứ bỏ à.
- Có mấy ngàn, cực chết, ngủ đi, mai đi bán nữa.
- Má tao bệnh mà mậy.
- Ừ, tao quên, thôi dể tao thức phụ mày.
Những mẩu đối thoại như vậy làm thầy khó ngủ. Thầy lại lặng lẽ làm rớt tiền ở dọc đường con nhỏ đi bán đậu phộng rang, làm rớt ít tiền thôi, hai,ba,bốn,năm ngàn gì dó, canh vừa đúng lúc nó tới, canh vừa đủ cho nó thấy tiền. Một nghệ thuật chứ chẳng chơi. Con nhỏ lụm tiền, nhìn dáo dác. Rồi cười cười. Thầy cũng cười.
Chùa chẳng phải chùa, nhà chẳng phải nhà -nơi-đặc-biệt nằm men đường ray. Có người thích...lên đường ray, - có lúc nơi-đặc-biệt của thầy nhận mùi hương gây...bệnh đường hô hấp. Thầy xắn tay áo, dọn dẹp, đốt thêm cái lư hương và nhang trầm ở đó. Mấy lần sau, không thấy mùi hương quen thuộc nữa. Thầy tủm tỉm cười một mình. Nơi-đặc-biệt của thầy gần khu công nghiệp nhiều công nhân nam nữ, tan ca dập dìu. Có hôm, giữa giờ đổi ca, thầy thấy anh chàng và cô nàng tỏ tình thương mến thương trên đường ray, thầy từ tốn: " Nè con, vô nhà mà ngồi, đường ray nguy hiểm, đang hôn mà xe lửa tới, chạy không có kịp ", hai bạn trẻ bẽn lẽn, kéo nhau vô ghế đá. Thầy vào trong, chút nữa quay ra, thấy hai bạn trẻ...
Thầy cười. Tối đó, thầy bật máy ghi âm lên.
- Cho hun miếng.
-...
- Ông thầy này lạ quá.
- Cái màu áo vàng quá, chói quá.
- Giống màu của ông quản đốc.
- Vậy càng dễ thấy chứ sao.
-...
- Giận hả?
-...
- Mà ông này là thầy tu hả?
- Chắc phải, mà chắc hổng phải...mà phải...
- Tu sao không mặc áo cà sa?
- Sao cái nà này giống cái chùa mà lại không phải cái chùa?
- Sao ổng kêu mình bằng con?
- Dám sư giả?
- Không giống giả.
- Cũng không giống thật.
- Thôi kệ, miễn là ổng cho mình ngồi đây được rồi.
- Cho hun miếng.
-...
Không phải nhà, chẳng phải chùa. Nằm chênh vênh bên đường ray xe lửa. Xe lửa đi ngang, gần vào ga, kéo còi dài. Mới đầu nghe thấy khó chịu, sau thấy quen, thấy thương. Có lần, thầy ra đứng ngắm đoàn tàu băng ngang. Mỗi ô tàu đều có những đôi mắt nhìn ra. Mắt đen, mắt xanh. Tóc nâu, tóc vàng. Thầy thấy toa chở hàng cuối cùng có vẻ nhẹ hơn cả. Toa đầu phơi phới. Những toa giữa chỉ chở người thôi nhưng có vẻ nặng nề lắm và tỏa ra một bầu không khí pha trộn: vui vẻ, mong chờ, khao khát, bất bình, bực dọc, thương nhớ, căm hờn, phá phách, phẫn uất... Chừng ấy con người, chừng ấy tâm trạng. Thầy nhìn đoàn tàu vượt qua.
Có hôm, thầy bất giác vẫy tay khi đoàn tàu sắp đến. Bốn hôm sau, thầy đứng trước nhà, đoàn xe lửa chạy ngang, có chiếc nón vẫy chào từ toa đầu tiên, có thêm tiếng còi tàu rúc nhẹ. Thầy chẳng kịp thấy mặt ai. Hôm sau thầy ra chờ, không thấy. Đến hôm thứ tư lần nữa, lại có chiếc nón vẫy chào, lại có tiếng còi rúc nhẹ, thầy vẫy lại. Thành lệ, cứ bốn ngày một lần, thầy lại vẫy tay chào, chiếc nón đỏ lại vẫy chào thầy, tiếng còi tàu rúc nhẹ, êm êm.
Nhà không phải nhà, chùa không phải chùa. Vẫn có chỗ đợi miễn phí an toàn cho trẻ chưa được mẹ đến đón kịp lúc. Vẫn có lớp học tình thương. Vẫn có chỗ bán xôi. Vẫn có chỗ ngủ miễn phí cho ai cần thiết thực sự. Vẫn có chỗ tâm tình êm đềm. Vẫn...
Có mùa xuân, có nắng, có hoa, có... Tôi đi lang thang. Và, đọc được một bài haiku vô tình ai đánh rơi trên đường:
Chùa chẳng phải chùa - nhà
Nằm chênh vênh bên đường ray - phố
Còi rúc, bàn tay - vẫy.
Đôi điều về Tác Giả: Cây bút trẻ Trần Thị Hồng Hạnh quê ở Sóc Trăng, snh năm 1978, được bạn đọc biết đến sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Văn Học tuổi hai mươi ( 2005) với tác phẩm Bài Học Đầu Tiên. NGỘ là truyện ngắn mới nhất của Hạnh cộng tác với PNCN.
Truyện ngắn của Trần Thị Hồng Hạnh
Nguồn từ: Phụ Nữ Chủ Nhật ( 26/2/2006)

Xem Tiếp: ----