Nhận công việc hơn một tuần lễ, đã phải bê trễ hơn một tuần lễ, làm cho ông Thanh cảm thấy không yên lòng. Giấy báo tin nhận việc do trung tâm xúc tiến việc làm từ thành phố gởi về trước đó. Phải mất bao nhiêu công sức đạp xe đi lại, chạy vạy, nói năng, thưa gửi, làm đơn, xin xỏ, mời thuốc và cười ruồi, gãi tai khắp phòng ban, để xin được những tấm giấy tờ, hồ sơ, đơn xin việc, trong thời buổi nhiễu nhương vì những tiêu cực, cơ chế hành chánh quan liêu trì trệ của thời bao cấp để lại, thật khốn khổ cơ cực. Mãi suốt một năm trời mới có tin báo đến nhận việc. Còn chưa kể đến việc ông Thanh phải tốn rất nhiều tiền bạc để đổi chiếc bằng lái xe cũ, gom góp tất cả vốn liếng, chỉ với ý muốn kiếm được một việc làm cứu gia đình thoát khỏi cái vùng kinh tế mới, nơi mà ông Thanh và phần đông những người lính chế độ cũ sau cuộc rã ngũ, đã tự nguyện hoặc bị buộc đến định cư tìm kế sinh nhai hơn hai chục năm với ruộng rẫy khô cằn. Mặc dù vậy ông cũng như bao người, vì sự sống, đã phải tuôn đổ nhiều công sức mồ hôi nước mắt vẫn không chiến thắng được giặc đói, gia đình vẫn không đủ ăn. Có lẽ cái khó nó xuất hiện từ ngày giải phóng, sự đổi đời bất chợt, những người trong tuổi lính tráng, được ném trả với đời thường không trang bị nghề nghiệp, hầu như bắt đầu lại từ số không, tất nhiên cái khó nảy sinh. Sau hai mươi năm đói khổ, nay đất nước đã phát triển, phần nào thay da đổi thịt, mở cửa với cơ chế thị trường thì ông Thanh đã yếu. Ông Thanh chẳng mơ ước cao xa, mông lung, chỉ cần một việc làm bớt nặng nhọc, đủ để nuôi gia đình một vợ, ba con ăn học bình thường, với tuổi bước vào lục tuần, để còn chút hy vọng thông thường hiển nhiên cần thiết cho nửa phần đời còn lại. Ông cố dỗ giấc ngủ để lấy sức ngày mai đến nhiệm sở nhận việc thật sớm sau sự cố bê trễ. Gần một tuần săn sóc Bạch, vợ ông vừa trải qua một cuộc phẩu thuật cắt bỏ túi mật. Ông bỏ quên những phiền toái bực bội tại bệnh viện khi ở phòng cấp cứu, cho đến lúc phẫu thuật xong hồi sức. Những cảnh cò mồi chạy chữa cho đến việc mặc cả tiền bạc thẳng thừng của ca mổ. Nay ông đã phần nào yên tâm, cố trút bỏ hết những ưu tư, tự dành cho chính mình một giấc hồi tỉnh. Ông Thanh thiếp đi với bao nhiêu chuẩn bị sẵn những câu nói, những câu trả lời sẽ cố gây tạo sự cảm thông buổi sáng mai khi đến nhận việc trễ. Những năm gần đây tự ái của ông như đã bị cùn nhụt, lòng ông chùng hẳn khi nhìn lũ con thiếu thốn, kiệt quệ dai dẳng, sự chịu đựng có hạn nên đành lòng im lặng chịu đựng chấp nhận tất cả đánh đổi những gì dù nhỏ nhất, miễn là có lợi cho lũ con, cho gia đình, quay ngược hẳn với bản chất khi xưa đầy kiêu hãnh, tự tin. Ông cảm thấy thời mình không còn, cúi xuống tự ru mình: “thôi thì dù gì mình cũng qua đi”. Ông không cho rằng mình đã đĩ thõa, dầy dạn trơ trẽn, mà chỉ có hy sinh, khi nhìn thấy lũ con của những người lính chế độ cũ thất cơ, nghèo đói, thiếu thốn vô học, những thế hệ sau của đám bại quân, không thuộc diện chính sách, con cán bộ đương quyền, nên đành phải cam phận cay đắng, chịu đói nghèo ngu dốt không lối thoát. Ông Thanh nghĩ đến người vợ thân thương đang an dưỡng và chờ tiền xuất viện. Cái cảnh tài xế ngồi trông đợi xếp, nhàn hạ nhưng mất rất nhiều thì giờ. Xuống xe, ông cẩn thận đi thật chậm qua đường tìm một quán nước ngồi đối diện với khách sạn để chờ xếp, mặc dù đêm đã khuya, mắt đã hơi cay. Sài gòn về đêm thuộc khu vực có nhiều khách sạn không ồn ào như ngoài kia đường phố. Một cơn gió thoảng làm một vài cánh lá rơi rải rác trên mặt lộ. Tiếng đon đả mời của cô bé bán nước. Ông cố nhìn đứa bé gái từ đầu đến chân, kéo chiếc ghế. Cô bé cao còm, giọng nói rất nhẹ nhàng dễ thương mặt sạm như cháy nắng. Có lẽ cô bé phải bán hàng dang nắng cả ngày: - Cho chú một chai nước gì cũng được nhưng không ngọt. Hàng nước của cô bé chỉ vỏn vẹn một chiếc xe thuốc và vài cái bàn ghế, ngược lại bên kia đường, những chiếc xe hạng sang đậu nhan nhản những khu hè phía trước khách sạn cao tầng, phản ảnh hai cuộc sống. Ông ngồi ngay xuống chiếc bàn được kê trên nắp cống, mùi bốc lên có thể chịu tạm được. Nửa đời người, hôm nay lại được bắt đầu một bữa, ăn cơm khỉ tay cầm, ngủ cao bồi vương vất, ngồi chong chong chờ chực cho người. Khi đến nhận việc. Sau những thủ tục rườm rà, kiểm tra giấy tờ, thử tay nghề, ông Thanh được nhận vào làm ngay. Ông cho là một may mắn, dù là đã đến quá trễ, ông chẳng thấy ai phàn nàn trách móc gì dù chỉ lấy một câu. Ba bốn ngày đến nơi làm việc, ông chỉ ngồi chơi không, chờ chực tại phòng, ông vẫn chưa thấy vị giám đốc kính mến, ông thắc mắc mãi. Ngày đầu tiên ông tiếp xúc với ông già năm gác dan: Ông năm bắt chuyện: -Mày nhiêu tuổi? Mầy đến xin “diệc hử”? Chứ con mày bây lớn? Miễn là chúng đừng ít học như tao, như con tao. Nhưng rồi cũng mặc kệ, mãi lo nghĩ nhiều về gia đình, ông đành cho qua hết những câu chuyện phù phiếm nào khác, theo đó thời gian trôi mau. Buổi chiều nay về nhà được một lúc, nhận điện thoại báo cho ông chờ đón tại đây. Ông cầm ly nước lên uống: -Ấy chết! Sao cháu lại rót bia? Chú là tài xế. Cô bé tròn xoe đôi mắt, ánh mắt ngại ngùng như vừa phạm một lỗi và với ông như là một người cha. Cô bé đứng trân như chờ đợi một quyết định nào khác của ông. Nhưng ông khỏa tay. Vẫn không yên tâm, cô bé lên tiếng nói nhỏ hẳn đi: -Cháu đổi khác chứ ạ? Ông Thanh không nói, im lặng như nhẫn tâm để được nhìn phản ứng của trẻ, ông khỏa tay. Cô bé vẫn còn ái ngại. Ông nhìn thấy sự thánh thiện trong bản thể của đứa bé. Ngồi một lúc. Những giọt bia bắt đầu ngấm, ông thấy rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều đáng yêu. Ông nói với đứa bé: -Lâu lắm chú mới được uống một chai bia, cũng tốt thôi. Nhìn nụ cười cô bé nở trên môi. Ông nghĩ đến con mình. Bên kia đường. Một cô gái tiếp viên tiễn chân người đàn ông. Hai chân kiễng cao, tay níu chặt cổ ghì đầu người đàn ông cúi sâu xuống trong ngực mình, hôn tới tấp trên trán, như hôn chỗ để của, để vàng. Cánh tay đàn ông ghì chặt trên lưng ngay eo thon của chiếc áo bó sát thân dần dần hạ xuống, xuống nữa. Nó như bị uống phải một món bùa mê thuốc lú, rối loạn tâm thần, quên mất không gian. Nó thành thật nhất để hiện nguyên hình một con cóc đực ngửi được hơi hám mùi tanh gợi tình toát ra từ phía sâu kín của loài cóc cái. Cũng rất may, ông ngồi sau xe thuốc của hàng nước, nếu không ông rất trơ trẽn với chính mình. Ông lặng thinh cho những giọt bia như những giọt đời ngấm dần trong cơ thể cho đến khi tiếng còi gọi tài xế. Vội vàng trả tiền, cúi nhìn chai bia còn phân nửa. -Cám ơn cháu nhé. Ông bước qua đường vội vàng. Quá đỗi ngạc nhiên ông ngước mắt nhìn thẳng người đàn ông khi nãy. Ông thốt lên: -Xu! Em là giám đốc! -Thầy vâng. Thôi cho tui về đã, mệt quá, mai tui và thầy sẽ gặp nhau lại. Ông Thanh gật đầu. Xe lao nhanh trong đêm tối, không ai nói với ai một câu nào. Nhìn vào chiếc kiếng chiếu hậu tìm lại khuôn mặt người học trò cũ, học chưa hết lớp ba, được ngôi sao chiếu mạng nào nghiễm nhiên trở thành giám đốc quốc doanh, dùng tiền của nhân dân xả láng phung phí. Một sự lầm lẫn của quốc gia. Ông tự trách chính mình không nhận đường sớm, bất hợp tác, rời bỏ bảng phấn, nên trách sao đời em cháu không đốt sách. Lớp trung gian giữa cha ông và đời trẻ bị đứt quãng vì chiến tranh thiếu học, quốc gia thui chột phần tư thế kỷ, thường là do vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân tham quyền cố vị. Ông ân hận tự hứa sẽ xăn tay sửa chữa những thiếu sót ngày qua. Ông vẫn im lặng cho đến khi vị giám đốc bước rời khỏi xe. Ông nói với theo: -Em được mấy đứa con tất cả? -Bốn. Ý ông không muốn hỏi như điều tra nên ông nói ngay: - Ngày mai ta gặp nhau được một lúc không? - Tui hơi bận, nhưng mà cũng đựơc. Cần gì thầy cứ lên thẳng phòng tui. Trở về nhà ông vừa đi vừa cười nhẹ. Ai biết trong cuộc đời, có nhiều điều mầu nhiệm xẩy ra ngẫu nhiên đến lạnh lùng được chứng kiến tận mắt trong đêm nay. Ông đưa tay lên dụi mắt, mắt ông mờ đi, ông có cảm tưởng một con sâu to tướng nằm gọn lỏn giữa cây rau bắp cải đang non mơn mởn. Không thể tự ái nẩy sinh, sự đổi dời từ vị thế thầy trở thành tài xế cũng không là điều lạ, nhưng để cho thằng ngu đứa dốt nắm những vận mệnh xí nghiệp chẳng khác chi giao trứng cho ác. Trước mặt một chiếc xe con đẹp cũng không khác mấy chiếc xe ông Thanh đang ngồi, thắng gấp ghé sát. Dõi mắt nhìn không thấy ai. Có tiếng hỏi: -Ê mày, tài xế mới hở? Xếp mày về chưa? Nhớ cho tao nhắn, ngày mai gặp ở Sài gòn nhá. Ông Thanh trả lời theo quán tính: -Vâng. Thưa ông tôi già rồi ạ. Dù đã trang bị cho bản thân một chút chịu đựng để hy sinh, ông lại không ngờ rằng lũ trẻ quá bất nhã. Chúng nhiễm cái thế lực tiền quyền chuyển chúng thành những thằng dân không ăn học, nó bước lên cái vĩ tầm thỏa mãn tiểu kỷ ngay gần sát bản thể, nó bôi nhọ lên những đạo đức của Khổng, Phật, Chúa, Nhân, nó cho rằng tôn giáo là một lối nói chữ không phải của dân tộc, lai căng, không biết gì sau cái ngạc nhiên giữa trời và đất tất nhiên phải có cái chung chung giữa người với người, không phải là dĩ hữu mà chúng nó ngày nay nhận được. Nói theo kiểu mộc mạc: là chúng bước chuyển từ thuở nghèo nàn bất hạnh, bỗng dưng nhẩy vào chễm chệ ngồi trên một đống tiền, kèm theo nhân tính không được giáo huấn mài dũa trong gia đình, trong trường học. Mới chỉ có thế thôi không sao, câu chuyện không phải là ranh giới, nó xẩy ra hiện hữu thông thường giữa mọi sự vật, giữa xã hội. Trằn trọc nhiều đêm. Ông Thanh thấy một sự gì mắc mớ khó chịu mà chỉ cảm nhận được với linh tính. Ông Thanh thiếp đi với giấc mơ, khắp gian nhà đang mình chìm ngập trong một bầy ong mật. Ông thầm cảm ơn trời đất, vợ ông đã vay được tiền để trang trải viện phí khi ông chưa được trả lương. Quỳnh Uyên. Cô có vẻ yếu quá. Mặt nhợt nhạt, trên đường đi như muốn xụp xuống bất kỳ. Mặt trời đang như đổ lửa xuống, bao nhiêu sự việc trong đời cô rã xuống như tảng băng bị sức nóng ấy. Còn hơn một tháng là hết niên học cuối phổ thông trung học. Quỳnh Uyên không thể đến lớp với tâm trạng và cơ thể ngổn ngang được. Quyết định hôm nay là phải tiếp xúc thẳng với sự việc cần dứt khóat. Quỳnh Uyên đến thẳng phòng giám đốc. Dự định đi thẳng vào. Chợt nghe tiếng nói của một người con gái. Khựng hẳn lại trước hành lang sang trọng, có một hàng ghế chờ đợi bóng nhoáng mầu gụ. Cánh cửa phòng đã mở, một cánh cửa mở hai chiều thật khít dành riêng cho loại phòng có máy lạnh. Tiếng nói của cô gái mang đầy sự giận dữ vang ra: -Anh là thằng đàn ông hèn nhát. -Nhưng khi quen nhau em đã rõ tất cả. -Thưa ngài, ngài nên im đi. Ngài không đựơc quyền nói bất cứ một câu nào. Khỏi phải đính chính, đã đủ. Tôi không biết phải dùng lời nào cho thật xứng đáng đối với cái tồi tột cùng của ngài. Nhưng để thỏa mãn cái cơn nóng giận của mình, tôi phải chửi ngài, sau đó khi ngài vào nhà đá hàng ngày để gậm nhấm cái lòng dạ thú của ngài, như thầy tu bất đắc dĩ, ngài phải ăn chay đánh tội cho bản thân của cái thằng hạng mạt. Ngài trèo lên lưng con ngựa già gunsarư là bố tôi, ngài trèo lên thân xác tôi, ngài ăn cháo đá bát được sự yểm trợ ngớ ngẩn ngô nghê của đảng viên kỳ cựu dốt nát, ngài chiếm đoạt tôi cả tinh thần lẫn thân xác, ngài xử dụng những đảng viên già, và những lợi thế của những đảng viên trẻ, ngài một thằng láo, cơ hội, tiếm quyền và lừa đảo... Quỳnh-Uyên phân tích được tiếng của người con gái. Nàng với tay cầm cây gậy chơi golf dựng gần đấy, mân mê sự sang trọng của môn chơi, nàng ngắm nghía thật kỹ, chiêm ngưỡng được nét đẹp riêng để hiểu thêm được người xử dụng nó xa xỉ trong cách ăn chơi tận mạng. Tâm trạng nàng không một ngôn ngữ nào diễn tả được, trào lên sóng dậy cuồn cuộn tích ứ trong lồng ngực, dồn lên đôi tai, con mắt như muốn lọt hẳn ra ngoài. Những đau khổ, cay đắng, thất vọng, căm giận đến tột cùng. Sự việc xẩy đến trước mắt. Bây giờ thì rõ hết rồi. Quỳnh-Uyên bắt đầu khóc. Nàng quyết định thật nhanh sợ mình thay đổi ý. Một giọt nước mắt đang lăn thật chậm trên má. Nàng để mặc, đứng dậy đẩy cửa thật nhẹ bước vào phòng. Quỳnh-Uyên bình tĩnh một cách lạ lùng. Nàng cười nhìn người con gái ở đấy thật tự nhiên, trong khi vị giám đốc tái mét, mặt như cắt không còn một chút máu, bởi sự xuất hiện thêm một sự đột ngột khác. Quỳnh-Uyên quyết định đóng chặt, thật chặt vĩnh viễn trang vở dang dở của lòng khi đối diện với sự việc. Nàng ngước thẳng nhìn vào người đàn ông như đọc thật rõ bản cáo trạng: Bản cáo trạng bắt đầu đọc bằng tiếng nói sang sảng của Uyên: - Giáng-Hương, mình xin lỗi nãy giờ ngồi ngoài kia nghe trọn câu chuyện, cậu có còn gì cần phải nói thêm nhiều nữa không? Giáng-Hương chưa hiểu ý nghĩ của bạn mình nhưng vẫn đưa đôi mắt buồn thiu nhìn Quỳnh-Uyên khẽ lắc đầu. Quỳnh-Uyên cầm chiếc gậy golf tiến thẳng đến Xu vị giám đốc thân mến đương nhiệm. Không chần chừ nghĩ ngợi Quỳnh-Uyên quật liên tiếp vào mặt vào đầu cho đến khi Xu gục xuống góc chân bàn gần chiếc sọt rác đầy những vỏ kẹo cao su ngoại và nút nắp bia rượu. Những giọt máu đã đổ. Quỳnh-Uyên nói với Giáng-Hương: - Mày rỗi hơi để khóc. Đây gậy. Phá hết cho hả. Giáng-Hương lau thật nhanh nước mắt. Giương đôi mắt nửa cám ơn nửa trách móc.Và cuộc tàn phá bắt đầu của hai người con gái. oOo Mấy tháng sau Xu bị kêu án tù hai mươi năm. Với bốn tội danh không rõ rệt gây hậu quả nghiêm trọng. Vợ Xu ly dị lấy chồng khác. Hai cô gái có vẻ như ăn lên làm ra. Giáng-Hương là con gái của ông năm gác dan cho xí nghiệp, đảng viên già kỳ cựu vẫn trụ trì tại đấy với cháu gái, mới chưa đầy năm. Quỳnh-Uyên bắt đầu đi làm, thì đề nghị bố nên nghỉ việc, ông Thanh nửa muốn nghe lời con. Nằm trên chiếc giường ọp ẹp, ông suy nghĩ thật nhiều. Lớp đảng viên già đang quyền thế thì thiếu học, già cỗi không phù hợp với cái mới. Tầng lớp người như ông không dễ gì ngoi đầu lên góp mặt. Lớp trẻ thoái hóa cá nhân chủ nghĩa làm giầu bất chính, khôn ngoan nhưng trí hẹp hòi. Riêng ông những ngày qua, trời ban cho nhiều may mắn và an lành từ khi ông được nhận làm tài xế, được uống lại một chai bia ngay giữa thành phố, ngoài ra vợ ông cũng qua đi cơn bệnh ngặt nghèo với số tiền vay được không cần biết ở đâu đã đủ an ủi. Ông mơ thấy tiếng hát trên một đồi trọc đầy nắng của xưa kia miền rừng cội già duy nhất đất nước còn lại, tiếng hát bổng cao bi ai như tiếng gọi hồn, ông ngủ trong tiếng cười.