Tôi đã bắt đầu bài tuỳ bút này bằng những lang thang quanh ngôi trường cũ, bắt đầu bằng những kỷ niệm tuổi thơ nơi phố núi Ban Mê mù sương một thuở với những hàng cây vút cao như rừng giữa phố, chứ không phải thành phố Buôn Ma Thuột đèn vàng đèn đỏ ngợp nhà gương nắng và bụi hôm nay. Phố núi lúc ấy hiền lành và thưa vắng hơn bây giờ nhiều. Cùng với những thằng Tí, thằng Tèo sau giờ tan học, tôi trốn nhà đi hoang xuống suối Đốc Học, móc đất sét để tha hồ nhào nặn những con vật cho tuổi thơ của mình và nhận về rất nhiều lấm lem bùn đất. Hút tầm mắt đứa bé mũi xanh là bạt ngàn những vườn rau cải xanh cải trắng ướt đẫm sương sa qui ra cơm gạo chứ không phải toàn hoa như trong truyện cổ tích tôi vẫn thường nghe kể. ông già hớt tóc quen mặt đã bỏ dở một cái đầu đang nửa trắng nửa xanh trên ghế để dắt tôi về nhà ăn trận đòn nhớ đời cộng với rất nhiều lời than vãn tuyệt vọng dành cho tôi của mẹ. Nhà tôi ở đường Tôn Thất Thuyết, một con đường nhỏ thời ấy (đường Lê Hồng Phong bây giờ). Ngõ hẻm phía sau nhà vẫn là chỗ mẹ tôi và hàng xóm mắc võng ầu ơ đón gió mỗi trưa hè, trong lúc chúng tôi lăn tăn uốn quẫy trên nền gạch bông mát lịm. Rồi thế nào ngang con hẻm ấy cũng có một người đàn ông Tàu gánh chè mè xay với chiếc mũ nhựa kiểu Pháp trắng nhờ trên đầu, ới những tiếng rao nao nao nhung nhớ, thế nào mẹ cũng mua cho mỗi đứa một chén chè chiều. Ngõ hẻm ấy còn nhiều tiếng rao nữa, những tiếng rao ôi ao lảnh lót không biết người ta rao gì nhưng biết người ta bán cái gì, quen thuộc đến mức lớn lên có thể tả thành văn chương như thể cuộn cả buổi trưa hè với miếng bột bánh bèo, đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm. Con hẻm ấy bây giờ không còn. Phía đường Quang Trung thì một nhà hàng ăn uống quốc doanh (bây giờ là chi nhánh một ngân hàng lớn) bịt mất. Phía đường Ama Trang Long thì nhà dân phố chợ ọp ẹp ván gỗ và cửa hàng vàng bạc kính gương sang trọng chèn lấp sau bao biến động. Chả còn ai qua lại nữa. Cái sức sống từ chợ luồn vào theo con hẻm vào từ phía Nguyễn Quang Trung thuở nào đã mất. Hẻm vắng không còn nhưng người đàn ông Tàu già ngày ấy như vẫn còn. Đã đàng hoàng mặt tiền nhà cuối Phan Bội Châu, vẫn cha truyền con nối cái nghề ấy. Người con dâu vẫn ngồi lặng lẽ trước nhà mỗi tối, anh con trai lăng xăng bưng bê cho những cặp tình nhân trẻ bây giờ những chén chè đen nhức mắt, vẫn dịu dàng mùi mè ngầy ngậy béo hồi xưa. Tôi đã có lần không chịu nổi cái hồi xưa ấy, tạt vào làm quen và làm giọt rượu tràn đêm cùng người con trai ôi a đến sáng, tìm lại những dấu vết đã trôi đi. Đã trôi đi như tuổi tên người. Có những điều còn lại. Một điều tôi sẽ kể sau khi bạn đọc cùng tôi nhớ lại một thôi dài. Con đường Nguyễn Thái Học (bây giờ là đường Điện Biên Phủ) ngày trước vẫn xuyên suốt, không bị đứt quãng ở chợ bây giờ. Nửa quay lên đường Y Jut là đình Lạc Giao (với cây đa trăm tuổi bao nhiêu rễ phụ tua tủa râu ria bạc trắng và muôn ngàn chú sóc mà mãi gần đây theo gió mưa mới đổ, chắn ngang cả đường Lê Hồng Phong. Ngôi đình huyền thoại của những người Kinh đầu tiên lên xứ Thượng, có mặt trước cả chùa Khải Đoan bằng gỗ quý tuyệt đẹp mà đức Từ Cung làm cho sau này. Những đứa trẻ bị bỏ hoang thời ấy người ta vẫn ẵm xuống chùa dộng một hồi chuông trước khi mang vào Cô nhi viện Bồ đề. Nửa phía dưới quay xuống đường Tôn Thất Thuyết (nay là Lê Hồng Phong) là ngôi trường Nguyễn Công Trứ. Đây là ngôi trường dành cho các cậu học sinh nam tiểu học mặc quần soóc. Học sinh nữ với váy đầm phồng ra như những búp bê cột tóc với một cọng thun học ở trường Bà Triệu (nay là trường Võ Thị Sáu). Cái kiểu phân chia nam nữ ấy ở cấp một không sao, nhưng lên lớp lớn hơn thường còn lại những huyền thoại ngày xưa Hoàng Thị mà các trường nữ sinh Gia Long áo tím vẫn phơ phất bay trong mộng tưởng một lớp người. Chính đoạn đường Nguyễn Thái Học bị lấp thành chợ ấy, mất hút cả ngôi trường tiểu học ngày xưa, cái khúc vòng quanh từ sân đình Lạc Giao vào sân chợ, nhộn nhịp người mua kẻ bán và một dãy dài những chiếc xe lam cũ vẫn đậu, phả khói nồng nặc và nổ như tiểu liên để chở người và hàng hoá từ chợ ra muôn hướng… hình như có ngôi nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sinh ra và sống cùng bố mẹ những năm xưa lăng lắc trước khi về Huế chập chững tiểu học Nam Giao. Sông kia rày đã nên đồng… Những vùng đất sẽ sang trọng biết bao nhờ những tên người. Người nhạc sĩ đã trở thành tài sản của những người yêu âm nhạc Việt Nam đã chôn nhau cắt rốn ở đây. Diễm ngày xưa đã từng đi ngang đấy. Chỉ riêng điều ấy thôi đủ làm những người dân phố núi yêu Trịnh mỗi đêm nến đỏ đèn khuya thêm sương gió vô hồi. Thành phố tuổi thơ tôi còn lập loè vó ngựa mà biển bây giờ đã mất. Cái khu đất rộng ở ngã ba đường Ama Trang Long nhìn xuống Lê Hồng Phong hôm nay sừng sững một toà cao ốc đang xây, ngày ấy là bãi đất trống cỏ mọc như vườn, lõm bõm những chiếc xe ngựa thồ uể oải nằm chờ khách. Không như những thổ mộ hoa đèn Đà Lạt, xe ngựa phố núi xù xì ẩm mốc như một chiếc xe tải nhỏ bây giờ, với hai sọt cỏ xanh ngút đàng sau, chất đầy những cô những bà hàng xén và treo đầy thúng giỏ, ngược dốc lọc cọc. Người phu già bao giờ cũng nhảy xuống cho xe nhẹ bớt, rồi vừa đẩy vừa chạy theo tắc họ lung tung ra roi vun vút trên nền âm thanh trơn trợt móng sắt của chú ngựa gầy gõ trên đường tráng nhựa. Cái bến xe ngựa hấp dẫn tôi lạ lùng. Tôi không được vào chơi với những chú ngựa đã tháo yên cương đang rủ bờm tung vó thì chúng theo tôi vào ngủ giấc mơ. Những chú ngựa bay trên hai cánh với chàng hoàng tử cứu nàng công chúa, bỏ lại những tuyệt vọng mỏi mòn với xô nước cám và những xâu cỏ buồn thiu. Mà phố núi buồn nhất lúc nào? Lúc mưa. Đẹp nhất lúc nào? Lúc mưa. Mưa buồn vì không có quần áo khô mặc đi học, dép dính bùn lên tới lưng những giọt đất màu nâu lấm tấm rỗ hoa phải giặt mà chả có cơ số để thay. Mưa vui vì ngày xưa mẹ không nấu cơm, đong gạo dắt tôi đi xuống phía cuối đường Hoàng Diệu bây giờ, để xay bột về đúc bánh xèo. Nhà cửa dưới ấy còn thưa vắng, mỗi ngôi nhà như một khu vườn hoang quay mình ra phố, rào qua quít bằng kẽm gai cũ hay thưa thớt những hàng chè tàu. Ngôi nhà mà mẹ tôi vào xay bột cũng thênh thang với cánh cổng được làm bằng khung gỗ rồi đan lưới kẽm gai, cột và mở ra bằng sợi dây được xoắn lại từ da trâu, cũng kẽo kẹt khi người ta ngang khu vườn như ru võng. Cái cối đá xay tay tưới nước ấy chắc còn là niềm vui cho biết bao gia đình. Miếng bánh xèo áp chót khi đã hết tóp mỡ, mẹ thường rắc ít giá và tráng chảo thật mạnh cho giòn, cuốn lại cho tôi ngồi kế bên chờ ăn thêm để tranh phần yêu thương của mẹ. Của không ngon đông con cũng hết, mẹ thường dỗ sau mỗi lần như thế bằng ánh mắt xa xôi… Ăn xong thoắt cái đã tràn ra đường tắm mưa, vò xé đầu tóc, cầm chặt lưng chiếc quần đùi vì sợ tụt xuống do sợi thun quần đã dãn, rồi chạy đuổi nhau ơi ới. Mẹ đi bắt về đứa nào cũng đã tím tái móp meo. Bắt về rồi chúng tôi cũng vùng thoát. Thành phố tuổi thơ tôi còn biết bao bí ẩn cần khai phá. Thời ấy, những quán cà phê phố núi chưa nhiều, với những cái tên Uất kim hương, Bâng khuâng, Đồng xanh… lạ lùng những giàn hoa giấy phủ leo kín cổng nhìn như một hang động, bên trong vài ánh đèn xanh đỏ và những tranh ảnh không biết đâu hút hồn những đứa trẻ khao khát vén sương mù. Chúng tôi đứng trước quán nhìn vào, chờ người chủ quán ra xua tay một cái là ù té chạy dài và cười nắc phố. Hồi ấy người ta không uống cà phê mà uống cả không gian và thời gian của quán. Bao nhiêu là nước chảy qua cầu, những giọt cà phê không đường đã gieo những hạt giống đậu đen đậu trắng tính cách đầu đời cho đứa trẻ phố núi. Nhiều lúc tôi tự hỏi sao mình lại có thể nhớ từ đường Nguyễn Tất Thành sang tít đường Nguyễn Du, có thể bởi muôn ngàn con đường tắt không tên thời ấy Tiên tự nối để có thể về nhà của mình theo ý thích. Những luồng lạch bây giờ không thể nhớ ở đâu, chỉ biết có khi băng cả những khu nhà vườn không rào không cổng, vừa đi vừa sợ những khoảng trống của đêm, ngửi mùi khói ai đốt rẫy mới chiều còn thơm váng vất. Nhắm hướng mà đi hồn nhiên thơ ấu, không phải hỏi nhiều và cong quẹo rối mù theo bảng tên đường của người lớn bây giờ. Có lần nắm tay cũng chỉ để dắt đường mà có kẻ còn hoang vu ngơ ngác. Ngọn đèn đường như mắt người vừa khóc/ trăng đêm vỡ ra trên tóc/ vỡ những điều ta giấu lâu nay… sau này tôi viết cũng khi đi trên con đường đèn vàng cao áp hai chiều đại lộ độ lại ấy với không ít râu tóc ngùi ngùi. Những nỗi đau giúp cuộc đời nhiều chai sạn sau này dịu lại, phải không Tiên? Phố Hoài còn tận xứ Quảng đâu đâu, gọi phố núi là phố Nhớ, được không? Những con phố thương nhớ với những khu vườn mù sương trong mắt người tìm nhau qua tiếng gọi. Tiếng gọi của người con gái dắt người con trai ra khỏi những đồi hoang lạc lối vì mê mải tìm hoa tím dại trong sâu thẳm chiều đi không hết của Hữu Loan.