Ông Khuất quản lý khu chợ này nhiều năm. Vóc dáng không cao lắm, so với tầm mức của người Việt mình, da mặt hồng hào và vẻ mặt phúc hậu, mái tóc được cắt ngắn bình thường không theo mốt thời trang nhưng theo kiểu trọng tài đá banh, biểu hiện một con người trung thực, duy nhất có cặp mắt tinh tường cộng thêm trí phán đoán được dân chúng khen ngợi rất nhiều về thành tích bắt bọn móc túi, trộm vặt.
Kể từ ngày giải phóng đến nay đã bước sang năm thứ hai mươi mốt, thì ông cũng trụ được mười tám năm tròn.
Không chê trách là nhu nhược qụy lụy hay ông tính kỹ quá, nhưng qua biết bao gian truân, chịu đựng một cách khôn khéo để trụ vững với cái công việc quản lý khu chợ của cái xứ miền đông ngặt nghèo này không phải dễ như nhiều người ta tưởng.
Nghe đến chữ chợ là ai cũng hiểu ngay ra một nơi phức tạp muôn mặt.
Ngoài việc đấu thầu công khai bằng phong bì kín, ẩn, sau, phía trong những cái hụi chết lớn của ông này, nhỏ của bà kia, còn những ưu tiên chỗ sạp bán, lặng thinh với những gian hàng phải kiêng nể, tránh né hoặc lờ đi, bao nhiêu những cái vụn vặt, cấu ngắt, nhờ mua linh tinh vô hình vô dạng, những cái biếu xén qụy lụy cho đến những kẻ xin xỏ đớn hèn bẩn thỉu, sang trọng hay mạt hạng, không sao kể hết những phức tạp phiền toái.
Ông thừa sức hiểu cho mấy cái nghề không mấy người ưa thích này, thậm chí ngày nào, ít nhiều cũng xảy ra vài vụ việc to tiếng cãi vã mà với khả năng linh hoạt khéo léo ông đã giải quyết êm thắm, chính vì công việc đã mang lại cho bản thân ông và gia đình một cuộc sống trung bình, nên đành phải chịu, sự chấp nhận, sự hiện hữu, dù rằng đã bao lần tìm hướng chọn việc khác thay đổi.
Nói như thế chứ thực sự những cái lợi nhỏ không ít, tất nhiên cái phiền toái bực dọc cũng rất nhiều. Vậy nhưng nó là một công việc có nhiều người đứng ngoài ngấm nghé thèm thuồng, nào ai có biết ông đang đứng tần ngần.
Lần đầu tiên ông giận uất người, vì một bà bán vịt.
Trước mặt ông, người đàn bà bán vịt, bà vẫn khăng khăng không chịu đóng tiền hoa chi. Ông kiên nhẫn:
-Tôi đề nghị chị đóng cho, tôi còn nhiều việc.
Trên một khoảng góc trước bên phía phải của chợ. Mặt trước của khu chợ hướng về phía đông nam. Người đàn bà vẻ mặt đanh chắc, hai môi mỏng dính, thể hiện cho ta thấy một loại người nói nhiều, nhiều chuyện, chiếc áo cánh mặc không gọn gàng biểu hiện có tính nết bừa bãi, chật vật với cơm áo, bà ngồi chồm hổm với một bầy vịt mập màu lông sẻ. Tiếng the thé:
-Lấy bóp mắt người ta sao? Tưởng nuôi được mấy con vịt dễ lắm hả. Vốn liếng giống, thức ăn đâu có sẵn để nhặt không. Cả ngày dang mưa dang nắng ngoài đồng, có phải ngồi trong mát, trong rợp, vô biên chế, rồi quy hoạch quy định.
Nuôi vịt chẳng khác gì người, nặng nhẹ với nó, nó không đẻ, làm dữ nó chạy tán loạn, không gom lại một chỗ chỉ có nước ngồi đấy mà khóc.
Ông Khuất bực lắm nhưng cũng vẫn phải lên tiếng:
-Thôi tôi không nói nhiều với bà nữa. Đề nghị bà đóng hoa chi cho xong, tôi còn phải đi thu nơi khác.
Mụ hàng vịt cố ý làm dữ nhưng ông Khuất vẫn kiên quyết nhẫn nại. Mình không khen hay ông Khuất, vì dù sao với ngần ấy năm nghề nghiệp, cuối cùng bà phải xuống nước. Bà nhìn ông hơi né tránh, đôi mắt chớp chậm lại như muốn che dấu ý tưởng tiểu xảo không muốn cho ông biết rõ rằng bà đã chịu xuống nước nhượng bộ.
Lúc này bà hàng vịt cố tình nhìn thẳng vào ông Khuất như bắt gân nhau, biết không thể làm cách nào khác vẫn nói giữ trịch:
-Cho tôi đóng làm hai lần?
Ông Khuất cũng làm lởi xởi, như tự khẳng định cái cách xử sự vốn dĩ nó được tạo ra bởi những thành công trước bao nhiêu học hỏi sàng lọc “mềm nắn rắn buông”. Ông buông thõng to tiếng:
-Được. Đóng trước năm ngàn, lát thu thêm.
Ông Khuất trả lời dứt khoát như vuốt đầu kẻ thua cuộc, đưa tay nhận tiền thủng thẳng đếm lại, không xé biên lai bước đi.
- Phải vậy chứ.
Bà hàng vịt nói như chiến thắng của chính mình vừa đạt được, khi ông Khuất quay đi thật nhanh giấu nụ cười nghề nghiệp. Nghề dạy cho ông biết phải xử trí ra sao. Đằng sau mẹ hàng vịt vẫn sang sảng, như phân bua với quanh đấy.
- Các ông bà thấy không. Cái xã miền đông này nhỏ như con cóc lại nằm dọc theo hai bên con đường nhựa thẳng, có năm sáu ấp đòi tinh giảm biên chế. Tinh giảm cái gì? Tôi thử hỏi tinh giảm bớt cái bộ máy cồng kềnh để tránh bớt cái đám ăn không ngồi rồi trên trốc chứ gì, không các bà đừng có mơ. Tôi đã nói thì tôi không sợ, đã sợ thì không nói. Tinh giảm bằng cách chia xã ra làm hai. Như vậy ta có hai bộ máy chính quyền xã vậy thì tinh giảm ở chỗ nào?
Một số người lảng tránh. Bà hàng vịt ngưng một chút để cân vịt, rồi tiếp tục, đôi môi cong dẻo quẹo:
- Ngẫm nghĩ chính là tui đây nè. Trước chứ vịt, một mình tôi chăn nuôi tất cả ba bốn trăm con, nay chia đôi cho thằng nhỏ nó nuôi một nửa, nó nuôi thì nó xài chứ nó nuôi cho mình xài đâu mà mừng.
Có tiếng người ngoài xen:
- Nhưng vịt nó khác, ấp nó khác, bà nói đến làm chi vậy.
- Y chang. Vịt hay người, thì người nuôi xài chứ vịt nó xài ha? Đối với người thì người trên xài cũng vậy.
Vẫn có người cãi lại:
- Nhưng chia xã thì ít ấp đi.
- Đấy chính là ở chỗ đấy. Ít người, nhưng ráng gồng lên nuôi thêm một cái bộ máy nữa, các ông, các bà nghe kịp không?
- Cái này nữa này. Bầu cử các người hội đồng nhân dân ấp xã. Lẽ ra muốn để cho người dân chọn một danh sách thì chính quyền phải có lấy hai ba danh sách cho dân chọn chứ, đằng này chỉ có một để chọn một, rồi thêm vào đó một vài người lót đường để gạch bỏ. Ai gạch, bố trí con em, hoặc chọn sẵn người của mình ngồi đấy gạch theo quy định. Tôi không nói thì thôi chứ tôi nói rồi tôi phải nói cho hết.
Có lẽ cách rao hàng của bà bán vịt đã thành công. Khách mua đã vây quanh, bà đã tíu tít nên không còn phát ra những âm thanh chộn rộn nữa.
Hàng vịt vào cuối năm nay đắt khách. Chẳng mấy chốc bầy vịt đã vơi dần. Ông Khuất cũng thỉnh thoảng cũng đáo qua lại.
Người dân ở đây chưa ai dám ăn nói hồ đồ, nên khi thấy mụ hàng vịt liều mạng nói ra những điều không nên nói, cũng có người khen kẻ chê.
Thời buổi này khôn dại tại miệng nói năng không cẩn thận, đi tù như chơi.
Nhiều người đoán, không chừng mụ thuộc gia đình cách mạng.
Ông Khuất vẫn cứ tiếp tục công việc. Nhưng những câu nói của bà bán vịt vẫn ám ảnh theo ông. Giữa nơi chợ búa đông người coi như chỗ không người, bà đã phát ngôn bừa bãi. Ông cũng là một nhân viên cán bộ cơ quan nho nhỏ, ông cảm thấy bực mình. Đứng khách quan ta thấy bà hàng vịt nói có phần nào đúng, nhưng chỗ chợ không phải chỗ phát biểu lung tung. Thôi đành cho qua đi tất cả. Ông nghĩ vậy và cũng chẳng suy nghĩ thêm. Tiếng của bà hàng vịt cũng đã chấm dứt, tíu tít với khách hàng nên quên bẵng câu chuyện ban đầu.
Lúc này nhiều người nhìn ông Khuất như dò phản ứng, chọc ghẹo:
- Sáng sớm đã bị bà hàng vịt cho uống cà phê đen không đường mà cũng đành lòng vậy sao?
Ông Khuất chữa thẹn:
- Thôi kệ hơn thua với họ làm gì nữa cho thêm ồn ào.
Ông Khuất trở lại qua hàng vịt một lần nữa.
Bộ mặt bà hàng vịt né tránh cái nhìn của ông hơi cúi xuống, nhưng điềm nhiên hơn vui tốt hơn vì có lẽ đã bán hết đám vịt.
Tự nhiên trong lòng ông dâng lên một nỗi niềm khó tả, giận sự vật xung quanh thì ít, bục dọc với chính mình thì nhiều. Nghĩ một điều gì mông lung lắm, hoặc phải đắn đo kỹ lưỡng nó có tính cách không công bằng, tất nhiên ở đời khôn dại cái miệng, họ phải chịu.
Ông Khuất bước qua đường, vô tình chẳng ai nhìn theo.
Có lẽ ông đang đi đến phòng điện thoại.
Mọi người trong chợ bị câu chuyện bà hàng vịt gieo vào trong đầu như đám bụi đường tung lên rồi cả khu chợ hít phải gây khó chịu. Phần đông hay giật mình khi nghe tiếng rít của thắng xe, không ai hẹn ai cùng quay quắt trông nhìn dáo dác như một cái gì bất chợt có thể xảy đến. Và chắc nó sẽ phải xảy đến thôi ai ai cũng đều hiểu như vậy.
Nhiều xe máy đứng chờ những người nhà vào chợ cũng tan dần.
Phiên chợ cũng ngàn bớt qua đi.
Nhưng có thể tin phong thanh trong chiều nay hoặc sớm mai đầy ắp trong buổi chợ sớm, khi mặt trời bắt đầu ló dạng, tin thật trăm phần hoặc đơm đặt thêm cho nhiều ý vị, hay do miệng lưỡi của người.
Ai cũng cảm thấy một điều băn khoăn thật nhỏ thật nhẹ.
Dẫu gì tin chẳng mấy vui vẻ như nhiều tin khác, trong sự thinh lặng chịu đựng có sức dẻo dai xu thời của khu chợ miền đông nam.

Xem Tiếp: ----