1. Vì em không phải là ca sĩ gắn liền tên tuổi với nhạc Trịnh Công Sơn nên việc em khóc ông Sơn thế nào, đối với báo giới không phải là điều quan trọng. Nhưng em thì em thấy em cần phải quan trọng điều đó, quan trọng cái nỗi buồn đặc biệt ấy của em. Buồn đến nỗi, khuấy cốc nước mãi, phải đến cả tiếng, mà không biết mỏi. Nhạc ông Sơn, em nghe đâu có lần người ta đếm thử, thấy bảo cũng đã lên đến hàng trăm bài. Em lại cũng tìm nghe ông Sơn nhiều, nghe đủ người hát, chỉ để coi còn ai hát ông Sơn mặn và thoai thoải được như một ca sĩ đàn chị mà nhắc đến nhạc ông Sơn là nhắc đến tên chị không. Nhiều câu chị hát, em thuộc nằm lòng. Biết bao câu làm em như sắp vỡ. Vậy mà tuyệt nhiên lúc này, em lại chỉ nhớ được có mỗi một câu. Một câu hình như không phải em thích nhất nhưng chả hiểu sao lúc này lại cứ vang lên, nổi tênh tênh như chính đám đá đang bập bễnh trong ly nước: "Làm sao em biết đời sống buồn tênh?". Ừ! Làm sao mà biết được chứ! Như những lúc ngồi ở quán này. Quán hiếm hoi ở Hà Nội có điệp vàng, líu ríu thế nào mà nở suốt quanh năm, vàng rạng rỡ. Duy nhất trong đời làm được một người mê - đó là tay chủ quán, nên chỗ hay được để phần là cái bàn nhìn ra hướng đẹp nhất của cây hoàng điệp. Từ độ quen quán, chưa bao giờ cây ấy dạy em buồn. Kể cả những lúc em như đang trong bộ dạng của một kẻ chán đời, toan gọi một đen đá không đường thật đắng, đủ để thấy tất thảy mọi thể loại đổ vỡ trên đời này thực ra chả là cái quái gì mà phải khóc. Đắng như cà-phê mới là đáng sợ hơn nhiều! Nhưng rồi nhìn hoa ấy nhỏ mà biết vui, em lại đổi ý, muốn gọi một ly nước gì vui vui như thế: nước cam. Em qua lại quán tới đời cốc nước cam thứ tám thì được chủ quán mê. Em cho đó là một thành công lớn của em dù em không định dùng nó vào việc gì cả, kể cả việc giảm phần trăm cho cốc nước cam, tăng cường nhạc Trịnh và chỗ bàn nhìn ra cây hoa vàng. Dạo đó em chả mê ai nên chả thấy cần gì. Làm sao mà em biết được em cần gì cơ chứ. 2. Không, thực ra thì em vẫn biết cái em cần, lúc này. Cần một điện thoại. Của Sơn, cũng Sơn, thằng bạn cũ của em. Ngày xưa bọn em chơi thân với nhau tới mức thiên hạ lắm kẻ cảm thấy đau lòng vì tưởng một kẻ lồng lộng như Sơn mà lại đi ưa em. Còn em ngược lại, lắm lúc cũng thấy đau lòng vì không hiểu sao có những thằng bạn thân nó quý mình được đến thế rồi mà lại vẫn cứ khăng khăng không chịu... yêu mình. Thân nhau như vậy, quá bằng tội vạ! Gặp Sơn, để chia sẻ cái tin buồn vừa nghe, dù em đoán, giờ này chắc Sơn cũng đã hay rồi. Song ít nhất cũng để cùng nhau làm một cái gì đó, hát karaoke chẳng hạn, bản của Trịnh. Vẫn có thể thế được mà! Xưa, thời mới ra đại học, chưa quen nếm vị xa nhà, Sơn hay ôm đàn đạp xe từ một nơi xa vời vợi nào đó tới nhà em: Em và Hoài. Hoài dịu như sương khói. Cả Hà Nội năm ấy hình như chỉ còn mình Hoài có tóc dài, "tóc em từng sợi nhỏ". Sơn ngồi bên này giường, tóc rũ xuống bên mắt sẫm, tay ngả trên đàn, em và Hoài nghiêng nghiêng phết giọng: "Em ra đi, quê nhà (bọn em không hát chữ "nơi này") vẫn thế, vẫn có em trong tim của mẹ, thành phố vẫn có tiếng mẹ ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa...". Cầu vơi bớt nỗi xa nhà... Em thì đúng là có vơi, nhưng Hoài thì bật khóc. Hoài hay đau những lời nhắc đến mẹ. Hoài mất mẹ đột ngột vào đúng ngày nhận được giấy báo vào đại học. Trước đó, mọi thứ đối với Hoài là rải thảm. Từng có lúc em thấy ghe Hoài. Nhưng đã mất mẹ thì dù là giàu có, dù là xinh đẹp, giỏi giang... Sơn chuyển gam, lần này thì tự Sơn thoải mái phết lời: "Đừng tuyệt vọng, em ơi (Sơn không hát chữ "tôi") đừng tuyệt vọng, em là tôi và tôi cũng là em...". Hát vậy thôi, bắt đầu có vậy thôi mà về sau hai người thấy cần nhau. Qua nốt kỳ hai năm thứ nhất, em đành nói khó với Hoài là em phải tính chuyển chỗ, cũng sai lắm, biết thế, nhưng tính vậy, chủ nghĩa xê dịch... Ngày hôm sau, Sơn tới trường đón em, áo trắng và mét bẩy lăm lồng lộng bên đường. Chiều muộn trước cổng trường Nhân văn hôm ấy quá đẹp với những nắng và gió lắt lay đủ để xui lòng phải khóc. Rồi trong quán, em nói Sơn là em có chuyện buồn. Không phải chỉ khi người ta mất mẹ, người ta mới thấy buồn đâu. Một đời người còn phải mất bao nhiêu thứ khác nữa, cũng mệt lắm, Sơn ơi. Sơn kêu: "Khiếp cô, phán như bà già sắp chầu lỗ!" Em giở giọng tỵ: "Sao không thấy hát: Đừng tuyệt vọng... nữa nhỉ?". Rồi chả hiểu sao lại đi cười lớn văng tục: "Thằng chập cheng! Mày tệ với chị bỏ xừ!". Sơn lau kính, nói nhỏ: "Không có đàn, khó hát... Hay tao đưa mày đi hát karaoke nhé? Mới lĩnh học bổng, khao đấy!". Em nói: "Về rủ Hoài?". Sơn gật. Thế rồi suốt buổi Sơn toàn hát những bài tươi sáng, Hoài kêu viêm họng, chỉ hát một. Chính là bản "Đừng tuyệt vọng..." Em giục về. Sơn chửi: "Con điên! Đang hứng!". Hoài bảo: "Sơn đưa Hạnh về giúp Hoài!". Em bảo không, rồi móm mém cười chào hai người về trước, dọc đường thấy xấu hổ vì chuyện mình có vẻ éo le kiểu tay ba như trong tiểu thuyết thế này thì tởm thật, mà Sơn thì có đâu, Sơn tồ bỏ cha đi được! 3. Vậy mà giờ thì em lại thấy có thể gặp lại Sơn. Dù Sơn bây giờ nghe đâu cũng đã khác xa lắm cái thuở chạy xe đạp ôm đàn. Lại chuyện với Hoài, nghe đâu cũng tan tác rồi, tan từ trước đó mấy lần kia, về sau dúc dắc mãi... Tóc dài như Hoài, bây giờ Hà Nội lại có đầy. Đến em đây mà cũng có cơ mà! Nhưng Sơn bây giờ nghe đâu lại đi thích một em tóc ngắn, ngắn lắm, kiểu Mỹ Linh kia mà! Thấy bảo con sếp, nhà lớn khu Hoàng Cầu, nhoai ra mặt hồ, mát rười rượi. Bón nó bảo: "Nhà Hoài cũng có tả đâu?". "Chuyện, Sơn chọn mà! Có ai tả mà lọt nổi vào mắt ấy! Nhưng nhà Hoài ra đây là cái gì? Không là cái gì nhé! Gọi nhà Hoàng Cầu bằng cụ!". Em như vỡ xuống ghế mà nhớ những lời Sơn từng thoai thoải hát, trầm khàn mà an ủi biết bao nhiêu: "Đừng tuyệt vọng, em ơi, đừng tuyệt vọng...". Sơn bỏ hát vậy mà Sơn vẫn "bỏ mặc con đường", bỏ mặc "vai gầy guộc nhỏ" mà đi cho được ư? Em không dám hiểu Sơn, nên đành giả giọng miền Nam mà an ủi mình (một thói quen kỳ quặc của em!) là mình cũng giàu có chứ bộ, hổng phải dzậy sao, giàu có về mặt tâm hồn nè: yêu con nít, yêu nhạc Trịnh, thạo cắm hoa, chăm coi báo, thích chụp hình... Dzậy thì đâu có thiếu gì đâu! Hổng dám thiếu nha! Thiệt đó! Nhưng làm sao mà biết được mình thiếu gì cơ chứ? 4. Làm sao mà em biết được khi em từ quán trở về nhà trong đơn độc và hoang vắng một nỗi "không còn ai, đường về ôi quá dài, những đêm xa người..." thì chợt có Sơn "ôm lòng đêm" tựa cửa chờ em. Vẫn áo trắng và mét bảy lăm lồng lộng như thuở thân ái đứng trước cổng trường Nhân văn ngày nào. Tình bạn của thời đi làm không có chuyện khao học bổng nữa, nhưng em với Sơn vẫn ra quán hoa vàng, bảo nhau tối nay chỉ hát nhạc Trịnh thối đấy nhớ! Thêm lời đề nghị uống rượu để tướng nhớ ông Sơn. Em say rất nhanh sau chén đầu tiên, say đến mức lảo đảo hát "Ướt mi" trong ngộ nhận: giọng mình cũng thoai thoải như ca sĩ hát nhạc Trịnh và Sơn của em chứ bộ! Rồi quay qua hỏi Sơn: "Sao không rủ Hoài?". Sơn nói: "Sơn và Hoài tan rồi! Chuyện đẹp quá, khó giữ!". Em của thuở tóc dài khiến Sơn nhìn lạ lẫm. Đoạn bảo: "Ngắm con bạn vàng tí nào! Xinh lên và hiền hẳn ra! Chuyện tình yêu, tình báo thế nào rồi hả chị?". Em nghĩ: Kể ra em cũng là kẻ yêu nhiều, nhiều đấy chứ, nhưng Sơn làm sao mà biết được và em cũng dại gì mà nói ra cơ chứ! Sơn bao năm nay trụ lại Hà Nội cùng với em mà Sơn có đi kiếm em lần nào đâu (dù lúc này Sơn bảo là có, cả Sơn và Hoài, một đôi lần nào đó, nhưng toàn thấy khóa cửa thôi). Kiếm cái gì, kiếm lúc nào, sau vụ Hoài là đến vụ tóc ngắn nhà mặt hồ mát rười rượi ở Hoàng Cầu, thời gian đâu nữa... "Hoài bây giờ thế nào?" - Em hỏi. "Yêu một anh bác sĩ quân y, thấy bảo hai gia đình đã gặp nhau rồi! Chắc êm chuyện". Sơn tiếc Hoài không?". "Tiếc đủ dùng!". "Thế còn vụ em Hoàng Cầu, có đúng như bọ lớm mình nói không?". "Chắc đúng. Nhưng đấy là chọn lựa!". "Không xót Hoài à?". "Thì đấy! Hoài thiếu gì cơ hội. Xinh như Hoài...". Em cảm thấy cứ đà này thì đêm nhạc Trịnh của em và Sơn chắc đổ. Đúng là đã qua thật rồi cái thuở Sơn chạy xe đạp ôm đàn. Dương như lúc này đây đã đến tầm tuổi nhớ ai, thích gì phải tự mình chiều lấy, phải tự chia sẻ và lắng nghe mình. Không còn tụ được nữa một túm bạn thân để có thể lại những buổi hát nghêu ngao đầy những pha giành mic kịch tính như trước nữa. Kịch tính tới mức mà em vẫn nhớ là có lần chính Hoài đã vờ giận dỗi bỏ ra khỏi phòng chỉ vì bị em hát tranh mất hai bài Biển nhớ và Diễm xưa mà Hoài đã chọn bài kia mà! Qua rồi, biết thế!