Vào nửa đêm, Sáng nổi một cơn đau bụng dữ dội. Bật đèn sáng lên, nhìn đồng hồ, anh thấy kim giờ chỉ vào số 3. Mới ba giờ sáng. Thế mà đã đau đớn thế này. Liệu có phải là mình đã ăn phải cái gì không ổn không? Anh vội kiểm lại bữa trưa, bữa tối, những món ăn vặt... Và rốt cuộc chẳng tìm thấy bằng cớ nào. Món canh rau dền, món thịt rang, món chè đậu... Mà có phải mình mình ăn đâu. Cả nhà cùng ăn mà. Giờ này có ai bị đau đâu. Chỉ có một mình mình thôi.
Cơn đau trào đến. Sáng rất kiềm chế. Anh hầu như không muốn gây sự xáo trộn trong gia đình của mình. Đêm thì đang tràn xuống ngoài kia. Những mảng màu đen sẫm lại dội vào từ phía cửa. Rèm rất dày nên chẳng có gì có thể lọt vào, trừ những làn không khí rất nhẹ. Nhưng dường như có mùi hoa. Bụi hoa nguyệt quế đang nở. Chắc là thế. Bụi hoa này thật ốm yếu và còi cọc vì thiếu sự chăm sóc. Khi mua nó Sáng đã muốn sẽ tưới nước và tỉa cành thường xuyên. Nhưng công việc bận rộn, sức khỏe phập phù và những cơn lười thường xuyên nổi lên khiến Sáng quên chăm sóc bụi hoa. Cuối cùng nó đã cố tự chống đỡ với cơn khát kinh người trong những trận nắng nóng kinh khủng dội xuống thành phố này vào tháng 5. Nó đã cố gắng lay lắt mà sống được rồi vẫn nở hoa. Tại sao trong cái đêm lạ lùng này, trong cơn đau kinh khủng mà Sáng đang chống đỡ này thì bụi nguyệt quế kia lại nở thật nhiều hoa. Sáng đoán là những nụ đơm trắng trên cây kia nhiều như lấy gạo vãi lên cành xanh vì mùi hoa thật nồng nàn. Đến nỗi Sáng cảm thấy sự mãnh liệt của mùi hoa kia dường như đang trêu tức mình, đang kích thích cho cơn đau trồi lên nhiều hơn.
Rốt cuộc thì Sáng vẫn phải rên lên vì đau. Anh bắt đầu quờ quạng chân và co rút đôi chân lên xuống để làm cho cơn đau dịu lại. Nhưng chẳng ăn thua gì. Sáng mong cơn đau lên đến đỉnh điểm và làm cho anh toát mồ hôi lạnh như những lần đau trước rồi thôi. Khi đó sẽ hết đau và anh sẽ giống như một chú cá nằm yên trên bờ chờ chỉ chút ít thời gian nữa, nước lên là sẽ sống lại một cuộc đời bình dị của một chú cá. Nhưng dường như cơn đau cứ kéo dài ra và chưa thấy đỉnh điểm và cũng như chẳng thấy điểm dừng. Cũng chẳng hề có một giọt mồ hôi nào toát ra từ người anh...
Sáng nhìn bên cạnh và thấy con mình vẫn ngủ bình yên. Nó thở từng hơi rất sâu và đám lông tơ mờ mờ ẩn hiện trên môi nó. Nó chẳng hay biết gì về cơn đau của anh. Và dường như cả thế giới này chẳng ai hay biết đến cơn đau của anh cả. Hoa nguyệt quế cứ nở vung vít trên những cành xanh. Những vòi hoa trắng muốt. Chúng quên mất ở dưới gốc của chúng còn có những chiếc lá tàn úa khô quắt trông chẳng ăn nhập gì vói nhan sắc của chúng. Và mùi hương thì cứ như thách thức...
Sáng thử nghĩ về một chuyện gì đó để có thể quên cơn đau. Anh nhớ đến cô bạn gái thời thơ ấu của mình. Đó là một cô bé gầy gò sống bên nhà hàng xóm. Một cô bé từ khi sinh ra đã có một cặp mắt đau đớn. Cặp mắt màu đen nổi rõ trên sống mũi xanh xao và từng tia nhìn như bị tử thương. Một nỗi đe dọa mơ hồ nào đó hiển hiện xung quanh cô ta. Khi nào cũng hiện xung quanh cô ta. Và cô ta cứ liên tục mang cặp mắt đau đớn ấy đi khắp nơi, để nhìn vào từng thứ một, để nhìn chính anh, để sống... Đó là một cặp mắt không phải mang kính cận nhưng nó vẫn cứ làm anh gai gai trong lòng. Có lẽ vì cặp mắt ấy mà anh chẳng thể nào can đảm để nói với cô bé ấy, vào những năm sau này rằng anh yêu cô. Và làm một đám cưới với cô thì lại càng không.
Dường như Sáng đã bỏ rơi cô ta vào một ngày nào đó. Khi ấy họ đã chẳng còn là hàng xóm. Và cô ấy thậm chí đã là đồng nghiệp của anh. Họ vẫn chơi thân với nhau và cũng có thể giữa họ có một tình yêu mơ hồ. Mơ hồ thôi. Nó có thể ẩn hiện khi cô ấy đến nhà anh, ngồi hàng giờ để rửa đống bát đũa mà Sáng tích lại trong những buổi sáng và những đêm sống chỉ bằng một tô mì của kẻ độc thân lười biếng. Cô ấy rửa rất kỹ từng chiếc bát sứ, cho đến khi nó sáng trắng và sạch bong. Rồi thì cô vừa vung tay cho nước chảy qua từng kẽ ngón tay màu hồng hồng vừa rảy nước bằng bàn tay còn lại lên đám dương xỉ xanh mướt. Khi ấy đôi lúc cô vò nát cả một chiếc lá dương xỉ. Và mùi dương xỉ thơm phức bay lên xung quanh cô làm Sáng nhăn mũi lại để ngửi... Tình yêu mơ hồ kia tất nhiên chưa kịp nhen nhúm lên bao nhiêu thì tắt ngúm vì cô bé chẳng hiểu từ một lý do mơ hồ nào đó xích mích với Sáng. Và anh với đầy tính trẻ con hằn gắt cô ta... Rồi thì cô ta đi đâu chẳng rõ. Có lẽ cô đã ra khỏi thành phố và đi ngược lên phương Bắc, xa xôi và lạnh.
Nhưng trong khi Sáng nghĩ vơ vẩn về cô bé hàng xóm xa xưa, anh chợt nhận ra một điều nho nhỏ, đó là dường như cặp mắt tử thương của cô ấy thay đổi rất nhiều khi cô ta ngồi rửa bát bên đám lá dương xỉ. Liệu có phải là ảo ảnh màu xanh của rêu và dương xỉ đã hắt bóng lên mắt của cô ấy không nhỉ? Hay chính những ngón tay hồng, tiếng vòi nước chảy năm xưa đã làm cho cô ấy dịu lại. Hay chính khi đó, chính anh đã yêu cô ấy thực sự chứ không phải là mơ hồ và tình thương mến dịu dàng ấy đã làm cho đôi mắt kia bớt đau?
Nhưng đôi mắt đau đớn kia vẫn hiện diện bên cơn đau của Sáng. Khi nó trào sôi lên, cơn đau làm anh cảm nhận rõ những thay đổi bất thường từ cơ thể của mình. Dường như phía dưới bụng anh đang sưng lên một khối u. Và khối u này từ từ cứng lên. Cứng đến độ không chịu nổi và gây ra những cơn đau quặn thắt.
Sáng rên lớn hơn và anh cảm thấy chính mình cần lập tức vứt bỏ khối u kia càng sớm càng tốt. Nhưng anh nghĩ đến bệnh viện và cảm thấy hoảng sợ. Bởi chỉ cần nghĩ đến bệnh viện là anh đã không chịu nổi. Anh sẽ phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Anh sẽ gặp phải những tay bác sĩ vừa ngáp vặt, vừa xem đồng hồ và nhìn anh một cách mơ hồ. Anh sẽ phải nằm trên những cái giường bẩn thỉu, nhớp mồ hôi và thấy những cơn đau diễu hành.
Anh tiếp tục chịu đựng và nghĩ xem mình có nên gọi vợ dậy để tìm kiếm một sự giúp đỡ hay không. Tuy nhiên, anh lại không muốn làm điều này.
Ta sẽ cố thi gan cùng cơn đau đớn này, Sáng thầm nghĩ. Anh thường tự hào về sự chịu đựng giỏi của mình. Đôi khi anh ra đường và thấy những người nổi nóng, những kẻ chỉ hơi đau đớn hay thiệt thòi một chút đã làm loạn lên mà thấy chán ngán. Tại sao lại như thế được. Cứ im lặng đi. Cứ chịu đựng đi. Còn chịu được mà. Tại sao lại đòi hỏi quá nhiều như thế. Có một thứ trật tự nào lại buồn cười như vậy hay không. Mọi trật tự đều làm ra bởi sự chịu đựng giỏi. Và nếu chúng ta cứ đòi hỏi thật ít thì chúng ta sẽ chẳng có vấn đề gì với cuộc đời này. Sáng luôn nghĩ thế và anh đã thành công rất nhiều khi tiếp tục chịu đựng một điều gì đó từ cuộc sống. Vì thế mà giờ đây anh đã có nhà, có vợ, có con, có việc làm tốt.
Nhưng cơn đau quả là chẳng dễ chịu chút nào. Anh đếm bước chân của mình từ phòng của anh sang phòng mà vợ anh ngủ và thấy dường như nó rất dài. Nếu thu hết tàn lực, anh vẫn có thể hét lên và thành công bằng tín hiệu báo động ấy. Nhưng anh lại không muốn. Đơn giản vì anh không muốn những điều phiền toái với mình lại đến với người khác. Và cũng có thể anh chẳng muốn báo động với ai, anh chẳng muốn phát ra một tín hiệu nào. Từ lâu trong cuộc sống chung trong gia đình, anh im lặng và không muốn phát ra một tín hiệu nào cả. Nhịp sống thường ngày là một nhịp sống đều đặn. Vào buổi sáng anh đi đến sở làm. Buổi trưa anh trở về nhà ăn cơm. Sau giờ nghỉ trưa, anh lại đến sở. Buổi tối Sáng dường như không bù khú với ai. Anh cũng trở về nhà đọc báo, xem ti vi và rồi đi ngủ đúng giờ. Một cuộc sống tiết kiệm năng lượng và không gây sốc. Với tuổi bốn lăm, Sáng nghĩ sự bình an và từ từ trôi đi của cuộc sống là cần hơn cả. Anh nghĩ đến thời mình còn trẻ, khi máu sôi sục lên và khi nào anh cũng muốn được chia sẻ, muốn được nói tất cả những gì mình nghĩ, mình mong muốn với một người nào đó và thấy buồn cười vì mọi chuyện đã qua. Bởi vì anh đã từng như thế và anh đã hiểu rằng chẳng ai có thể hiểu mình cả. Vợ anh là một người đàn bà hết sức bình thường. Những khái niệm của cô ta đơn giản và chẳng có gì đáng để nói hay để nghĩ một cách sâu xa hơn. Cô ta sống như một người đàn bà đầy đủ bổn phận, có nghĩa là có đi làm lấy một số lương đủ tiêu cho một mình cô ta trong tháng, có chăm sóc con cái, có làm nghĩa vụ với gia đình nhà chồng. Và thế thôi.
Bỗng dưng Sáng nhớ lại một đêm nào đó. Một đêm nào đó Sáng đã từng lái xe chở gia đình một người bạn từ nhà anh trở lại khách sạn nơi họ trú ngụ qua một kỳ nghỉ. Cả ngày vợ chồng Sáng đã đưa gia đình này đi chơi ở một khu chùa trên núi mà bạn anh ao ước được đến khi viếng thăm thành phố nơi Sáng ở. Chính trong đêm ấy, Sáng đã bỏ nhà đi lang thang cho đến gần sáng mới về. Đó là một đêm mưa tầm tã. Những hạt mưa nặng trĩu táp thẳng vào kính xe không khoan nhượng. Những tia chớp lóe lên như ánh mắt của bầy chim hoang rồi lại tắt lịm đi. Những cành cây nhạc ngựa ven đường đe dọa có thể rớt xuống đầu những người đi đường và xe cộ bất cứ lúc nào. Chính trong cái đêm ấy, Sáng đột nhiên có một thèm muốn, một khao khát mãnh liệt, đó là đi lang thang trong thành phố cả đêm để ngắm mưa tuôn chảy. Cảm giác về sự an toàn trong cái xe ô tô cũ nhưng còn tốt của anh trong cơn mưa đêm ấy thật kỳ lạ. Cũng thật kỳ lạ, trong đêm mưa tầm tã này, Sáng thèm muốn có một người phụ nữ nào đó. Một người nào đó sẽ ngồi bên cạnh anh trên chiếc xe đi xuyên đêm. Một người nào đó sẽ được anh nói thật dịu dàng: " Em hãy ngủ đi". Và rồi cô ấy nằm xuống trong khoảng không gian chật hẹp của chiếc xe. Cô ấy sẽ gối đầu lên chiếc gối mà Sáng đưa cho có những viền tua màu vàng vẫn để dựa lưng sau ghế xe. Và anh sẽ đưa cô ấy đi trong một nhịp ru ngủ chậm rãi. Nước mưa và những cành lá sẽ trôi trên kính cửa, cả bầu trời đêm cũng sẽ trôi trên kính cửa. Và một nhịp điệu chuyển động buồn bã như một bản menuet sẽ trôi đi. Và rồi người đàn bà ấy sẽ ngủ. Một người ngủ trên xe với những giấc mơ không tên. Còn anh sẽ đưa cô ấy đi và đi cả trong giấc ngủ. Sự thèm muốn ở cạnh một người đàn bà mà mình yêu thương trong suốt hành trình của một đêm mưa làm cho Sáng gần như muốn khóc vì những làn hơi ấm mà anh tưởng tượng ra, về một gương mặt say ngủ với rèm mi dài và làn da ẩn giấu dưới lớp phấn mỏng có mùi thơm rất nhẹ mà anh tưởng tượng ra, về mái tóc dài mà anh cứ tưởng là nó đang phơ phất vài sợi quanh mình.
Chính vào đêm ấy, chuông điện thoại di động của Sáng đã reo lên một cách vô duyên rất nhiều lần. Sáng chẳng muốn nhấc nó lên, coi như nó ngừng hoạt động. Anh biết vợ anh lo lắng và đang càu nhàu ở nhà. Và anh cũng chỉ có thể lang thang trong một đêm này. Rồi chính anh cũng chẳng đi được đến sáng. Anh về đến nhà khoảng 3 giờ 10 phút sáng và vợ anh hỏi đi đâu. Sáng trả lời là đi ngắm mưa lang thang ban đêm. Cô ấy vừa sắp xếp chỗ ngủ vừa tức tối phát điên vì dường như người chồng của mình cũng đã phát điên rồi. Chỉ có những kẻ thần kinh không bình thường mới làm như thế.
Sáng không ngủ được cả đêm ấy. Cũng có lẽ như đêm nay. Và anh mệt rã rời. Mệt rã rời vì những điều gì không rõ đang trói buộc xung quanh anh. Có một điều gì bất thường tự nhiên sống lại vào đêm mưa này để biến con người của anh trở thành một con ngựa chứng, tự dưng cứ muốn lao mình bay bổng vào thảo nguyên mênh mông trong đêm. Và chẳng có mục đích gì. Ôi chao, điều này thật khó lý giải biết bao với những suy nghĩ bình thường của những con người bình thường, trong cuộc sống không bao giờ là không có mục đích.
Hoa nguyệt quế lại dội lên một làn sóng hương thơm mãnh liệt. Dường như làn sóng này lại đi cùng với làn sóng đau đớn làm Sáng bủn rủn cả người. Giờ này anh thèm có một thứ gì đó, như là một con dao. Đúng như vậy, nếu có một con dao trong tay, chắc chắn mình có thể biến thành một bác sĩ phẫu thuật. Mình có thể tự mổ xẻ cho mình. Một khối u. Nhưng nó ở đâu nhỉ? Bên trái hay bên phải, nó là đoạn ruột dư hay là một ổ tế bào thừa thãi ở thận, nằm lọt trong vùng ổ bụng. Và một con dao sắc bén, màu trắng. Nó sẽ được tẩy trùng và nằm trên một cái khay inox sạch sẽ và lạnh lẽo. Rồi thì một bàn tay mơ hồ nào đó, nhưng vẫn là tay của mình sẽ cắt gọt khối u kia đi. Thật trơn tru, thật êm ái. Rồi thì mọi cơn đau chấm dứt.
Sáng nhớ lại mọi kinh nghiệm của bản thân liên quan đến việc chấm dứt nỗi đau. Dường như đó là sự chấm dứt rất nhanh nhẹn và mau lẹ. Cứ như có một phép lạ và nỗi đau biến mất. Nhưng đôi khi nó lại chỉ biến mất từ từ và để lại những sự day dứt. Vậy thì lần này mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào nhỉ. Sáng chẳng thể nào biết được nữa.
Rồi thì cơn đau lại dâng lên. Vào đỉnh điểm, cái đỉnh điểm mà Sáng đang mong chờ để như kẻ vượt qua cơn dốc sẽ sang được bên kia, một cái bên kia mơ hồ nào đó, lại chính là điều anh không thể ngờ đến nhất. Anh bắt đầu đau đến mê man. Và những cơn mơ trùng trùng điệp điệp vây quanh anh.
Trong mơ anh nhìn thấy một kẻ đầu tròn ung ủng, mốc thếch, trông giống như một tên rợ mắt xanh đang ngồi xếp bằng xoay lưng lại phía anh.
Sáng tỉnh dậy. Anh thấy mình đã nằm trong bệnh viện từ bao giờ. Chắc chắn anh đã được mang đến đây trong trạng thái mê man. Giờ đây anh mệt rã rời. Nhưng điều kỳ diệu anh chờ đợi đã đến, cơn đau biến mất. Trong căn phòng anh nằm, những nhân viên y tế đi đi lại lại không ngớt. Họ nói chuyện với nhau không ngớt. Họ gọi tên bệnh nhân trên từng giường bệnh xếp san sát vào nhau. Họ nhìn chòng chọc vào từng giường bệnh. Và trên cái bồn rửa trước mặt anh, họ nối đuôi vào rửa tay. Sau đó lau khô và đút hai tay vào túi. Quang cảnh này cứ thế tiếp nối, từ sáng đến trưa. Người nhà của Sáng chưa được vào thăm anh vì anh vẫn ở trong khu cấp cứu. Khu này cấm người nhà bén mảng đến trừ khi được phép.
Bên cạnh giường của anh, một kẻ mặt choắt, đen đủi đang nằm thở dốc. Hắn ta nhìn thẳng vào gáy của Sáng và than vãn. Hắn nói mà chẳng biết nói với ai. Trong những lời phều phào này, có thể hiểu rằng hắn đang than vãn bằng những lời mộc mạc và nhà quê: "Trời ơi, bác sĩ ơi, hãy cứu tôi, tại sao mới có ba tám tuổi mà đã đau đầu thế này, làm sao mà sống được. Ơi bác sĩ, hãy cứu tôi!". Có lẽ hắn kêu ca đã lâu nên giọng mới trở nên khàn khàn như thế. Và thỉnh thoảng cũng có một bác sĩ hay một cô y tá nào đó ghé lại chỗ hắn, an ủi mấy câu chẳng đâu vào đâu rồi lại bỏ đi. Dường như họ an ủi chỉ vì không thể không bất nhẫn trước một con người khốn khổ.
Sáng tự mỉm cười. Rốt cuộc thì những kẻ khư khư bám lấy sự đau đớn của bản thân như anh hay những kẻ kêu gào rên la như chàng nhà quê khốn khổ kia đều đến đây. Và cũng như nhau. Anh chợt nhớ ra giấc mơ đêm qua. Có lẽ cái người có đầu tròn ung ủng, mắt xanh như tên rợ, râu ria xồm xoàm kia chỉ là lão tổ Bồ Đề Đạt Ma trong cái tranh anh treo trên tường. Anh thầm nghĩ: Không biết khi lão tổ quảy dép đi thung dung hay là khi lão tổ quay mặt từ vách tường ra nhìn thấy Huệ Khả chặt đứt cánh tay của mình cầu giải thoát, thời khắc nào lão tổ thấy buồn cười nhất vì những sự hỗn độn, đau đớn, dở khóc dở cười của thế gian này?

Xem Tiếp: ----