Những bông hoa vải từng cánh, từng cánh nở bung trong bàn tay thành thạo của chị. Những mảnh voan mỏng tanh, mềm mại màu đỏ thắm được vuốt nhẹ, uốn cong thành búp hồng sinh động, nõn nà y như hoa thật, và sẽ càng giống thật hơn nếu chốc nữa chị rảy vào đó một vài giọt keo như hạt sương đêm đọng lại.
Đang say mê công việc, bỗng chị ngừng tay, mặt thờ thẫn, mắt đăm đăm nhìn vào một điểm trước mặt nhưng dường như không thấy gì. Cả mấy đóa hồng nhung trong chùm hoa cầm tay ngày cưới của một cô giáo trường chị. Tự dưng chị thấy rã rời tay chân. Bao nhiêu năm trời làm hoa vải bỏ mối cho các tiệm rồi làm hoa cưới, hoa cô dâu… Bao nhiêu đóa hoa đã nở từng cánh lộng lẫy, rực rỡ sắc màu từ đôi tay này, vậy mà…
- Mẹ khỏi lo gì cả, con đặt hết mọi thứ rồi!
Thằng con trai duy nhất của chị nói vậy khi hôm rồi về đây bàn với mẹ về đám cưới. Đám cưới sẽ đãi hai nơi, ở quê nhà và ở thành phố vì cả hai đứa nó cùng làm việc trên ấy.
- Mẹ cứ mời khách của mẹ đi, cả đám bạn con dưới này nữa. Tụi con sẽ về đây trước rồi lên thành phố đãi bạn bè trên đó.
Nhìn bộ dạng thằng nhỏ có vẻ vui lắm. Chị cũng mừng tuy việc cưới vợ của nó gấp gáp quá. Nó mới hai sáu tuổi chứ đã lớn gì, những tưởng vài ba năm nữa… Nhưng phải duyên phải lứa mà, đâu cản được. Mà cả hai đều là bác sĩ, cùng công tác chung một bệnh viện, chị còn muốn gì hơn. Cha mẹ nuôi con chẳng phải mong có ngày này hay sao?
Chừng hỏi đến hoa cưới, thằng nhỏ lắc đầu:
- Thôi, để tụi con đặt luôn trên đó cho tiện.
Nó nói gọn hơ như xưa giờ chưa hề biết mẹ nó làm hoa. Chưa hết, mẹ nó còn là cô giáo dạy nữ công và những cánh hoa, những lá cỏ khô từ tay mẹ đã nuôi nó nên vóc nên người, nuôi nó suốt bảy năm học để thành bác sĩ. Từ hoa cỏ mà nó đã lớn khôn trưởng thành. Bạn bè, đồng nghiệp, những người biết hoàn cảnh hai mẹ con vẫn gọi thằng nhỏ là đứa trẻ “lớn lên từ cỏ” ấy thôi. Làm sao nó biết lòng người mẹ này đây muốn được kết từng bông hoa đẹp đẽ cho ngày cưới của con như thế nào. Những đóa hoa lan thật tao nhã trên áo chú rể, chùm hoa cầm tay cho cô dâu, và cả những cánh hoa nhỏ xinh xinh gắn trên ngực áo khách mời nữa chứ. Từ bàn tay mẹ, những bông hoa kia chẳng đẹp hơn sao!?
*
Đêm. Chị đang thiu thiu ngủ, điện thoại reo từng tràng. Chưa nhấc máy chị đã đoán được người gọi. Quả y như rằng.
- Em đó hả? Ngủ chưa? Anh đây. Thằng Bình dạo này còn đi hát nữa không?
Vẫn cái giọng điệu ấy, vẫn câu hỏi mở đầu câu chuyện ấy mỗi lần anh ta gọi về, cách xa cả nửa vòng trái đất, xa đến tám, chín múi giờ. Những cú điện rồi sẽ khiến chị trằn trọc suốt đêm, sáng dậy cay xè hai mắt và ran ran cả lồng ngực vì buồn phiền, tức giận. Vậy mà chị vẫn trả lời thật ngọt:
- Em đây. Em cũng có nói nhưng con nó mê hát quá. Mà cũng thỉnh thoảng thôi, nó phải làm việc ở bệnh viện mà anh.
- Em sao vậy, đã bảo “xướng ca vô loài” mà nói hoài em không nghe. Em phải nghiêm khắc với nó chứ!
Chị lại phải “dạ, dạ” cho qua chuyện, rồi hứa sẽ khuyên lơn thằng con trai, bởi nếu không sẽ khó mà cắt khỏi câu chuyện của anh chồng mấy năm nay chỉ còn nghe tiếng qua điện thoại đường xa. Có lẽ chị còn quá lịch sự khách sáo khi anh ta về nước mấy năm trước sau mười mấy năm bặt vô âm tín nên anh ta tưởng mình vẫn còn quyền uy với chị, với thằng con anh ta chẳng nuôi được ngày nào từ khi nó tròn hai tháng tuổi. Và có lẽ anh ta cũng quên luôn cả việc thằng Bình nó còn mang họ mẹ nữa kia.
Làm chồng, làm cha như anh ta sướng thật. Vợ chưa hề cưới, chưa hề được nhà chồng nhìn nhận đã có con. Con trai mới hai tháng tuổi anh ta đã vượt biên mất biệt, không một tiếng nhắn, một dòng chữ gửi về. Vèo một cái gần hai mươi năm, về nước thì con trai đã vào đại học, anh ta cứ thế mà nhìn con, chẳng một lời an ủi, phải trái gì. Mẹ chồng chị còn khoe với lối xóm, láng giềng “dâu tôi hiền lành lắm, cháu nội tôi học giỏi lắm, đỗ tới bác sĩ”… Vậy mà chị vẫn lặng thinh. Thằng con trai cằn nhằn:
- Mẹ việc gì phải sợ ba. Mười mấy năm nay có ai nuôi mẹ con mình đâu!
- Thì ba từ Mỹ về thăm, bề gì cũng phải giữ lễ chứ con…
- Con không đi với ba đâu. Nếu muốn, ba giúp con học cho hết đại học là tốt rồi.
Thằng nhỏ đã khiến chị tự hào vì biết nghĩ như vậy. Chị còn trông mong vào ai nữa. Ông chồng xa lơ xa lắc chắc đã có gia đình riêng rồi bởi anh ta chỉ muốn rước con đi mà không hề nói gì đến mẹ nó. Nhưng sau mấy ngày vui vẻ ngắn ngủi, anh ta đã trở về Mỹ và cha con đã hục hặc vì chuyện hát xướng của thằng nhỏ. Nó nói:
- Ba ở Mỹ mà cổ hủ còn hơn mấy ông già xưa. Cái gì mà “vô loài”. Bộ ba không biết con theo học được một phần là nhờ các show diễn sao?
Mà thật vậy. Đồng lương giáo viên, cộng thêm những cành hoa, chậu hoa vải chị mải miết kết từng đêm, từng đêm trong gian nhà nhỏ làm sao đủ cho việc học hành rất tốn kém của một sinh viên ngành y. May mà thằng Bình không phụ công khó nhọc của người mẹ tần tảo; nó học chăm chỉ, giỏi dắn, không biết se sua, lại biết tranh thủ từng cơ hội kiếm thêm tiền ăn học. Trời cũng thương cho nó một giọng hát tốt nên Bình giành được chỗ đứng trên các tụ điểm, sân khấu nhờ có giải thưởng nơi này, nơi khác. Bạn bè ai cũng mừng cho chị, cho thằng Bình “mẹ nào con nấy” thành đạt trong đời.
Giờ con sắp cưới vợ mà anh chồng chẳng hỏi han gì, cứ lo hỏi chuyện thằng con có còn đi hát không! Buồn cười thật. Từ ngày gặp lại chồng ở nước ngoài về, lòng chị đã phẳng lặng như nước hồ thu. Có lẽ gần hai mươi năm xa cách anh đã biến thành người khác, chẳng còn chút gì của chàng thanh niên quyến rũ mà chị từng đắm đuối một thời, đến nỗi mới 18 tuổi đầu, vừa học hết cấp III, cô gái có mái tóc dài phết đất, nổi tiếng xinh đẹp đã sẵn sàng đẻ con cho anh ta, không đợi cưới hỏi, không một tiếng than khi phải rời bỏ gia đình thân thuộc.
Ông chồng đã cúp máy mà chị vẫn cầm mãi điện thoại trong tay, hoàn toàn tỉnh ngủ. Cả người cứ gai gai lạnh. Dường như cái mùi lạ lẫm ấy đang đầy ắp trong phòng dù anh ta đang cách chị cả một biển lớn. Từ ngày anh từ nước ngoài về ba năm trước, vồ vập, xun xoe bên chị, chị lại cảm nhận cái mùi lạ ấy, cái mùi khiến người đàn bà trong chị không thể nào “làm quen” lại với chồng mình…
Và đêm nay cũng vậy. Cú gọi của anh chồng hờ rồi sẽ làm chị thao thức, buồn tủi cho thân phận đàn bà của mình. Giá anh đi luôn mất biệt, chị sẽ tiếp tục thấy trống vắng, cô đơn nhưng bù lại chị sẽ mãi yêu anh, mãi chờ đợi và làm cho sự đợi chờ kia thành đẹp đẽ, lãng mạn như tình yêu đầu đời của chị. Sự trở về quê nhà của anh đã khiến chị mất phương hướng, chống chếnh, thất vọng. Để rồi mọi thứ thành trống không, trống không cả mười mấy năm xuân sắc của người phụ nữ…
*
Suốt buổi sáng đi phát thiệp cưới, chị trở về căn nhà nhỏ của mình, chân tay rã rượi, miệng khô khốc. Ly nước mát lạnh giúp chị khỏe lại chút ít. Sau những câu chuyện rôm rả cùng bạn bè về đám cưới con, chị chỉ muốn ngả lưng làm một giấc thật dài. Nhớ lại từng lời hỏi han, chúc mừng của bạn bè, người mẹ cảm thấy vui vui.
Ở thành phố này ai cũng biết cô giáo này nuôi đứa con duy nhất của mình vất vả như thế nào, người ta mừng cho chị từ lúc thằng Bình đậu vào ngành y, rồi nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc, rồi thành bác sĩ một bệnh viện lớn. Trồng cây hái quả, ai chẳng mừng vui! Chị nhìn lên ảnh hai mẹ con treo trên tường, cười một mình.
Chị không hề kể cùng bạn bè rằng chị đã lo cho hôn lễ của con như thế nào. Những gì cô gái trẻ năm xưa còn khao khát giờ được chị lại dốc hết cho con, dốc đến đồng tiền cuối cùng dành dụm được. Chị không hề nói với con rằng “Mẹ chưa từng có một lễ cưới, chưa từng có một món nữ trang khi có chồng, cũng chẳng được họ hàng bên kia nhìn nhận. Tất cả thứ mẹ có là sự buồn phiền, giận dữ của bà ngoại, là sự thương xót của ông ngoại khi con ra đời, là những đêm dài ôm con ngồi khóc một mình…”.
Tất cả, tất cả những điều ấy chị giữ kín cho riêng mình. Rồi chị sẽ nhớ lại mọi thứ, sẽ lại khóc một mình, khóc cho nỗi đau đã qua, khóc cho niềm vui sẽ đến… Nhưng bây giờ thì không. Để sau, sau này đã. Chính vì vậy, chị đã tự tay đi in thiệp cưới cho con, tự tay viết tên khách mời trên từng tấm thiệp bằng những chữ viết thật đẹp, thật hoa mỹ. Chị nắn nót từng chữ viết như nâng niu niềm vui người mẹ, như nhớ lại từng người, từng người bạn đã đồng cảm, chia sẻ những lo toan vất vả cùng chị suốt bao năm, lòng nhẹ lâng, bay bổng.
Phút chốc mà hơn hai mươi năm. Trong một thoáng, chị có nghĩ đến anh, người cùng chị tạo hình hài cho thằng Bình. Nhưng chị không giữ ý nghĩ ấy lâu. Bởi chị không muốn làm vẩn đục niềm vui sướng hạnh phúc trong lòng người mẹ.
*
Thằng Bình nắm tay mẹ, nói có vẻ trang trọng:
- Con cảm ơn mẹ. Cảm ơn mẹ về tất cả những gì bao năm qua mẹ đã cho con…
Chị cười cười:
- Có gì đâu! Mẹ con mà cám ơn cám nghĩa làm gì. Con nên thân nên người là mẹ vui rồi.
Rồi chị giục:
- Thôi con đi đi, không trễ xe. Còn bao nhiêu chuyện phải lo mà.
Thằng con trai siết nhẹ tay mẹ rồi chạy vù ra xe, tay cầm hồ sơ cắt hộ khẩu để chuyển về thành phố, mặt mày hí hửng. Chị cầm sổ hộ khẩu Bình vừa trả lại, đứng lặng trước cửa, nhìn hút theo bóng con. Tất cả với thằng bé đúng là chỉ ở phía trước, phía mà nó đang băng tới, tất cả với nó là một ngày hội mới vừa bắt đầu với rất nhiều thú vị, rộn ràng. Vì vậy nó không hề nhìn lại phía sau, dù một giây, một lần.
Còn chị? Chị nhìn xuống quyển sổ hộ khẩu đang nắm chặt trong tay, bàng hoàng. Vậy là từ nay thực sự chỉ còn một mình chị trong hộ khẩu đây sao? Chị, chủ hộ cũng là người duy nhất còn lại trong hộ khẩu. Chị nhớ mình đã chạy vạy, khó khăn thế nào để có được cái hộ khẩu riêng cho hai mẹ con này. Vừa phải đấu tranh với gia đình, với má, với mấy đứa em để xin ra riêng, xin có được một mái nhà dù nhỏ thôi để thằng con có thể đi về không xấu hổ với bạn bè.
Bao nhiêu năm sống nhờ ở đậu trong sự hờ hững của gia đình, chị đã cố sức ngoi lên, có được chỗ đứng xứng đáng để chia lại mảnh đất gia đình, đã tranh cãi gay gắt để mẹ con được làm chủ căn nhà. Vậy mà… Chị cũng biết thằng con giờ đã yên tâm công tác trên thành phố, việc chuyển về trên đó là lẽ tất nhiên. Rồi vợ nó, con dâu yêu quí của chị cũng nhà cửa trên ấy, làm sao nó sống đời với chị ở quê nhà này được; huống chi con dâu chị hôm rồi còn mời mọc rất nhiệt tình:
- Khi nào rảnh, mẹ lên chơi với tụi con. Chúng con sẽ sắp xếp đưa mẹ đi du lịch chỗ nào mẹ thích.
Ừ, mà chị còn lo lắng gì với một đứa con thành đạt như vậy? Chẳng phải đó là ước mơ của mọi bà mẹ trên cõi đời này sao? Có điều… Sao nó ra đi vội vàng thế kia, sao nó vui tươi hí hửng mà không một phút nhìn lại sau lưng thế kia?
Ôi, những đứa con! Có bao giờ chúng biết nhìn lại phía sau đâu! Có bao giờ chúng thấy những giọt nước mắt chảy dài, chảy dài trên má mẹ, những giọt nước mắt chỉ rơi xuống khi chúng khuất dạng xa mù. Nhưng giá mà chúng bịn rịn một chút, lưu luyến một chút chắc hẳn lòng người mẹ đã nở hoa, những cánh hoa còn rực rỡ hơn, diễm lệ hơn những cánh hoa cô dâu người mẹ bao lần kết cho những ngày hôn lễ của những người khách xa lạ để nuôi con nên vóc nên người...
Chị đứng lặng thật lâu, thật lâu trước cửa căn nhà giờ chỉ còn mình chị. Mọi cảm giác dường như tê cứng, mắt cứ ráo hoảnh dù lòng rất muốn khóc òa. Chị cứ đứng đó, nhìn đau đáu phía trước, nơi thằng con trai vừa khuất dạng. Trước mặt trống không, sau lưng cũng trống không. Chỉ có chị, người mẹ, là sẽ mãi mãi đứng vững nơi này, mãi mãi là phía sau an toàn đứa con, dù có thể nó chẳng bao giờ nhìn ngoái lại.
NGUYỄN NGỌC TUYẾT