- Con Út đâu rồi? Ra đây mợ bảo.
- Có chuyện gì vậy mợ.? Con đang bận lắm.
- Bận chi cũng phải ra đây mợ bảo.
Gọi hoài mà chả thấy cô Út ra. Bà Tám lẩm bẩm:” Mẹ nó, từ ngày qua Mỹ tới giờ, mấy đứa nhỏ cứng đầu, cứng cổ, chẳng có khuôn phép chi cả “. Bà đứng lên, bước về phía phòng cô Út. Đẩy cửa phòng, bà thấy cô Út đang trang điểm, đang vẽ mắt, đang tô môi.” Gớm thấy cái mái tóc hai ba màu của mày mà lộn tiết. Ở Mỹ chứ nếu ở Viêt Nam ngày xưa thì tao cạo trọc cái đầu mày con ạ “.
- Có chuyện gì mà mợ gấp gáp quá vậy? Sao mợ không gõ cửa phòng trước chớ. Đã nói mợ nhiều lần rồi mà mợ cứ …
- Cứ làm sao, bà nội nhà cô. Ai thuở đời nào con cái mà cha mẹ mời ra nói chuyện đã không thèm ra, để mẹ phải vô tận phòng …thưa chuyện mà còn trách móc. Đồ con gái hư.
- Thôi mợ, vậy chứ có chuyện gì?
- Thì chuyện về Việt Nam làm đám cưới giả với thằng Tèo con ông Cả Đọt đó
Cô Út thở dài:
- Con đã bảo là con “ ken xồ “ rồi. Con không làm nữa.
- Bà Tám gắt lên:” Tại sao? Đừng có trẻ con quá con ạ. Đã nhận lời người ta và nhận cả tiền cọc nữa rồi. Bây giờ con nói con thôi, biết ăn nói mí người ta làm sao đây hả con?
- Mợ nói sao thì nói, con không biết … Chứ thằng Tâm, bạn trai con nó không chịu, con cũng hết cách. Con phải đi đây.
Nói xong cô Út ngúng nguẩy bước ra khỏi phòng, mặc bà mẹ nhăn nhó, lo toan. Bà Tám ôm đầu bức tóc, nhớ lại cái ngày xưa khi còn ở ngoài Bắc, gia đình lễ giáo khắt khe, chị em bà Tám kính sợ bố mẹ lắm, các cụ nói, phận con chỉ biết nghe rồi dạ, rồi vâng, chứ đâu có như bây giờ. Bà nhớ hồi bà lấy ông Tám rõ ràng là đều do bố mẹ bà quyết định hết. Rồi năm 54, di cư vào Nam cũng toàn theo ý của ông cụ và ông Tám cả. Từ ngày ông Tám mất đi, bà mới thấy trong gia đình thiếu một tay đàn ông, thật là không thể được. Bà nhận ra sự khó khăn trùng điệp khi lèo lái một gia đình, mặc dù cuộc sống nơi đây, như bà, không phải lo toan về miếng cơm manh áo, đã có chính phủ lo, mỗi tháng bà được nhận lãnh weo phe và phút tem, bà xài dư gỉa, còn có tiền gởi cho mấy đứa em của bà bên quê nhà nữa kìa. Bà nghĩ đúng là con người có số, ai ngờ bà lại được đặt chân lên đất Mỹ, được ngồi xe hơi đời mới đi đây đi đó, cái mà hầu hết mọi người trên thế giới đều mơ ước, thì bà đã có, đang có. Cũng như thằng con ông Cả Đọt đấy chỉ thích đi Mỹ, đâu phải họ nghèo nàn gì cho cam. Họ dám bỏ ra cả mấy chục ngàn đô, chỉ mong được đặt chân vào xứ cờ hoa này.
Bà nghĩ lại nỗi “tủi nhục”ngày xưa, khi đứa con gái lớn của bà bỏ bê ruông đồng đi làm sở Mỹ ở Long Bình, rồi năm 1973 nó lấy anh chàng lính Mỹ GI, rồi theo chồng về Mỹ.Hàng xóm xầm xì, bỉu môi chê trách. Cái phong tục, tập quán Á Đông là như thế mà, gia đình bà hồi đó mỗi lần ra đường thật là ngượng ngập. Đến sau năm 1975, khi các ông bộ đội dép râu tràn vào miền Nam, thì gia đình bà bị coi là kẻ thù của Cách mạng. Gia đình bà nơm nớp lo sợ. Quân đội VNCH thì bị gọi đi tập trung cải tạo, còn gia đình bà thì cũng được gọi ra văn phòng thị trấn làm kiểm điểm, khai báo tình trạng con gái mình đi lấy Mỹ, lần nào cũng được nghe câu:" Ông bà có biết là ông bà có tội rất nhớn với cách mạng không. Đã theo bọn bán nước bỏ trốn vào Nam, phản động lại còn kết...thông gia với đế quốc nữa, tội chết, nhưng cách mạng khoan hồng...", thật khổ ơi là khổ.
Nhưng mấy năm sau thì lại khác, khi đất nước càng ngày càng nghèo nàn, người dân càng lúc càng đói khổ, khi ấy cứ vài tháng gia đình bà lại nhận được một thùng đồ của cô con gái lớn từ Mỹ gởi về. Mặc dù nhà nước Cộng sản đóng thuế rất nặng,và còn cái thằng Khang, công an khu vực nữa, cứ mỗi khi có thùng đồ về là nó lại mò vào nhà lằng nhằng, khó dễ, vòi vĩnh. Vậy mà
nhờ những thùng đồ đó mà gia đình bà lên hương, khá giả hẳn ra, dù sao “trong thế giới mù kẻ chột làm vua”, mọi người chung quanh có phần e dè, nể ngươi hơn, có thể vì họ muốn một điều gì đó trong thâm tâm họ, ai mà biết được. Có điều rõ ràng là khi ông Tám ôm thùng đồ Mỹ về, cái xóm nghèo nàn này ai thấy cũng thèm.
Rồi năm 1988 gia đình bà được cô con gái lớn bảo lãnh qua Mỹ. Hàng xóm nôn nao, bà nhớ như in cái ngày ấy, bà con lối xóm đưa tiễn, xụt xùi. Bà cứ nghĩ ra đi lần này chắc chẳng mong gì ngày trở về. Thế mà thấm thoát đã mười mấy năm rồi xa xứ, có nhiều lúc bà nhớ nhà quay quắt, nhất là từ ngày ông Tám tự nhiên lăn đùng ra chết, bỏ bà thui thủi cô đơn trên đất khách quê ngườị. Cái tuổi già ở đây buồn khủng khiếp, buồn đến rụng rời chân taỵ. Suốt ngày chỉ biết ngồi trong nhà nhìn qua cửa kiếng như người tù. Những ngày đông giá lạnh thì ôi thôi khỏi nóị. Bà ước mong một lần về lại quê hương thăm bà con, thăm bạn bè ngày xưa mà chưa có dịp. Cách nay mấy tháng cô em gái của bà, dì Chín của xấp nhỏ có gọi phôn cho bà nói chuyện:
- Chị à. Có cái mối này ngon lắm
- Mối chi vậy dì, mối chi mà ngon lắm...
- Số là ông Cả Đọt muốn tìm một cô gái có quốc tịch Mỹ làm đám cưới giả, đám cưới giả thôi, với con trai ông ta, để bảo lãnh cho nó qua Mỹ theo diện vợ chồng ấy mà. Em tính nói chị, cho con Út nhà chị nhận cái này đi.Tiền bạc phí tổn họ lo hết. Xong việc họ chồng cho chị 20 ngàn nữa. Ngon quá phải không chị.
Bà Tám thấy cũng có lý, có dịp về thăm cố hương mà không tốn tiền nên bà đã bàn với cô Út và cô Út đã nhận lời. Bà cũng đã nhận của người ta một số tiền gọi là tiền đường, tiền máy bay về VN lo công chuyện. Bây giờ dưng không cô Út phá hoẵng. Bà chưa biết phải tính toán cách nào cho ổn đâỵ Bà thở dài thườn thượt, buồn bã ra ngồi trên chiếc sô pha thờ thẫn nhìn ra đường. Trong lòng vừa buồn, vừa lo. Bà lại nhớ tới chồng. Ông Tám ơi phải chi ông còn sống tôi đỡ nhức cái đầu.
Alô, Dì Chín hả?
- Dạ, em đây …
- Sao? Dì phẻ hông? Này, nói với dì chuyện hôm trước đó, cái con Út cháu dì nó dở chứng, nó lại không chịu nữa …
- Ấy chết …Không chịu nữa? Đâu có được hở chị. Phải cố gắng mà thuyết phục nó …
- Thì tôi cũng nói hết nước, hết cái với nó mà nó cứ không chịu nữa. Khổ quá, hay dì nói lại với ông Cả là cho tôi xin lỗi. Tôi sẽ hoàn lại tiền đường cho ông Cả nha.
- Em nghĩ là không được …Bà Chín im lặng một lúc ra điều suy nghĩ,rồi nói tiếp: Chị à hay là thế này:” Chị cứ đứng ra thay con Út về làm đám cưới đị Giấy tờ hồ sơ thì cứ để tên con Út đứng. Chị đóng vai con Út để chụp hình cho có làm bằng chứng khi đi phỏng vấn ấy mà …
Bà Tám nghe đến đây, tá hoả tam tinh, gắt lên trong phôn:
- Trời ơi …Chuyện vậy mà dì cũng nghĩ ra được. Ai đời tôi đã hơn sáu mươi rồi …dì có nhớ không chứ. Làm như vậy hàng xóm mà biết được thì tôi có nước phải độn thổ.
- Chị yên chí đi, bình tĩnh lại …, để em nói chị nghe. Sẽ không ai biết hết chỉ gia đình ta và gia đình ông Cả tham dự cái lễ…cưới bất đắc dĩ này thôi. Mọi người kín miệng ai người ngoài biết chứ …
- Nhưng mà tôi già cóc khú đế rồi làm sao mà chụp chung với thằng Tèo, làm sao xứng chớ…Thôi thôi coi hổng có được đâu …
- Hihihìi. Được chớ, thời buổi này người ta chụp ảnh nghệ thuật lắm chị ơi. Người ta sẽ làm trong hình chị sẽ trẻ như con gái đôi mươi, lo gì mà không xứng …Hơn nữa chị là Việt kiều mà … trẻ và đẹp sẵn rồi, đẹp hơn bọn em ở trong nước mà …
- Bà Tám thở dài:” Thôi được để chị bàn lại với xấp nhỏ xem sao đã “
- Bàn cãi gì nữa. Quyết định vậy đi. Em sẽ báo lại với ông Cả.
Bà Tám buông cái phôn xuống mà thẫn thờ. Bà nghe như có một luồng khí nóng chạy râm ran trong người. Thật là bất ngờ, trời đất quỉ thần ơi, ai ngờ bằng này tuổi rồi mà còn có người đề nghị làm cô dâu, dù là cô dâu giả. Bà mường tượng ra cái cảnh lễ tơ hồng, mỉm cười e thẹn y như là cách đây hơn bốn chục năm, cái ngày bà xuất giá theo về làm vợ ông Tám. Hồi hợp, lo âu, mừng vui lẫn lộn.Bà chợt thấy lòng lâng lâng khi nhớ lại cái ngày cùng ông Tám đứng trước bàn thờ gia tiên, đứng trước bà con hai họ trong bộ đồ cưới cổ truyền dân tộc. Ai cũng khen bà đẹp:” Cô dâu xinh đẹp quá, thuỳ mị quá …”. Ngày xa xưa ấy như vụt làm sống lại cái thời thanh xuân của bà ….bà muốn nhảy lên tưng tưng như ngày còn thơ bé. Như chợt nhận ra mình quá lố. Bà ngồi bệt xuống chiếc ghế bàn ăn lẩm bẩm:” Chỉ là giả thôi! Đừng, đừng tưởng thiệt! Đừng, đừng …”
Sau bữa cơm tối hôm đó bà yêu cầu các con ngồi nán lại, và bà mang cái đề nghị của dì Chín ra bàn với họ. Ai cũng phì cười phản đối, duy chỉ có cô Út là đồng ý, vì cô muốn trút bỏ cái trách nhiệm này.
- Dì Chín bàn vậy thật là tuyệt diệu. Mợ thì chả vướng bận ai. Cậu đã chẳng còn …
Đứa con trai của bà thì chống đối quyết liệt:
- Thôi đi nha cô. Cô không thấy chướng lắm sao? Ai đời một bà già gần đất xa trời mà làm đám cưới với cái thằng đáng tuổi con mình. Thiên hạ sẽ bịt mũi mà cừời cái gia đình này. Thử hỏi nếu cậu còn sống, cậu có bằng lòng không! Gia đình mình đâu có cần tiền đến nỗi như vậy.
Mọi người cãi qua cãi lại một hồi rồi ai nấy cũng ngồi im. Bà Tám cũng không biết nói gì nữa. Một lúc sau, cậu con trai bà Tám mới lại hả miệng:
- Thôi, chuyện này tùy mợ đi …mợ muốn làm sao thì làm …
Nói xong, cậu ta bỏ về phòng. Mọi người cũng giải tán. Mỗi người mang một trắc ẩn riêng tư. Bà Tám thì lưỡng lự, nửa muốn tới, nửa muốn thụt lùi. Đêm hôm đó bà không tài nào ngủ được. Bà bị giằng co giữa cái háo hức chợt bừng lên của thời son trẻ và sợ cái miệng đời cay chua phê phán bây giờ. Nhưng cuối cùng, một thoáng mùa xuân đã mạnh hơn, thổi qua lòng bà một luồng gió mát, xua tan đi những lo lắng chốn thị phi.Bà quyết định:” Cứ thử làm như dì nó đề nghi. Cứ làm đâu chết ai “.
Sáng sớm hôm sau, bà thắp nhang trước bàn thờ ông Tám, thành khẩn:” Anh Tám à,lâu rồi,dễ thường cả vài chục năm rồi hôm nay bà mới lại gọi ông Tám bằng tiếng Anh thân thương, em thắp nén nhang thưa anh một chuyện, là …em, em …, em sẽ về VN làm một cái đám cưới giả …cho em. Chỉ là giả thôi anh à. Anh đồng ý chứ. Đấy lại xụ cái mặt…ghen như ngày xưa hả, sao em không hình dung ra được nụ cười đôn hậu của anh vậy. Là giả thôi …, em xin anh.”
Ba cây nhang trên bàn thờ ông Tám dưng không mà tắt ngấm. Những sợi khói cũng tan loãng trong căn nhà. Bà Tám rùng mình, bà có cảm tưởng căn nhà bữa nay lạnh lẽo hơn mọi ngày.

*

Trứơc tết một tháng, bà Tám đã về tới Việt Nam, để chuẩn bị đám cưới như đã dự định. Ra sân bay đón bà có ông Cả Đọt và gia đình người em gái thứ chín của bà. Xa Saì Gòn lâu rồi, hôm nay trở lại mới thấy cái nắng của Sai Gòn nó gay gắt chừng nào. Bên Mỹ đang là mùa đông, lạnh thấu da, thấu tuỷ, nên bà Tám đã mặc hai ba lớp vừa quần, vừa áo, còn khoác thêm cái áo ấm da nữa, nên khi đứng chờ làm thủ tục hải quan tại phi trường Tân Sơn Nhất, thì mồ hôi con, mồ hôi mẹ toát ra, chảy tong tong trên khuôn mặt, làm nhạt nhòa cái công tô điểm rất kỹ lưỡng của bà., mà suốt cuộc hành trình gần ba chục tiếng đồng hồ bà không dám rửa mặt, không dám đánh răng, không dám cả ngủ ( mà thật ra bà làm sao ngủ được, khi lòng nôn nao và háo hức), bà chỉ sợ cái dấu già, nó lộ liễu khoe ra trước mặt mọi người.Bà đưa khăn tay lên mặt chậm những giọt mồ hôi:
- Gớm không biết họ làn ăn cái gì mà lâu thế. Đứng xếp hàng mỏi cả chân. Có biết là nóng nực quá không mấy cha nội.
Vài người thở dài:” Bây giờ là cũng đỡ rồi đấy bà chị ạ, chứ cứ như mấy năm trước hở, còn chờ cả buổi, nhất là mấy ông bà Việt kiều keo kiết …, cũng làm mất thì giờ của mình nhiều lắm. “
Cái nóng, và nhất là hai ngày nay không tắm, đã làm cho bà Tám cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Bà chỉ mong có thể chạy ngay về nhà, cởi bớt quần áo ra, gãi cho nó đã, nhưng đành chịu, “ mưu sự tại mình nhưng thành sự còn do công an cửa khẩu “. Bà chỉ còn có nước đứng vặn vẹo người cho đỡ ngứa, chứ chả lẽ lại đưa tay vào trong mấy lớp vải mà gãi, ai coi cho được.
Cuối cùng rồi cũng thông, tới phiên bà, bà đã kẹp tờ giấy năm đồng trong cuốn sổ thông hành, nên thủ tục được giải quyết khá nhanh. Gớm lại còn cái cảnh khám hành lý nữa, may là các con bà không cho bà mang đồ đạc lỉnh kỉnh về vì lo bà không khuân vác nổi, nên bà cũng nhẹ nhàng để bước ra khỏi cái lò hâm hấp nóng này. Bà đang ngơ ngác nhìn trời Sài Gòn, nhìn đám đông đứng chờ thân nhân, giống như họ đi biểu tình, bị hàng rào cảnh sát chận lại ngoài kia, thì nghe có tiếng la lớn:
- Chị Tám ơi, đây này, em đứng đây này.
Bà chợt nhận ra đứa em gái của mình sau bao năm xa cách. “ Sao mà nó đen đủi thế. Tội nghiệp em tôi, cũng may là còn có da, có thịt, chứ nếu không thì, chắc chị chẳng nhận ra đâu.”Bà đi nhanh về phía bà Chín, tươi cười nói:
- Nóng quá đi!
Hai chị em ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi. Bà Tám vừa cười toe toét giờ lại xụt xùi:
- Chị nhớ các em, các cháu quá
- Đừng khóc chị à. Chị về được là mừng rồi, còn nhiều cái mừng khác nữa, cười lên đi chị. À mà các cháu đâu, không có đứa nào về à?
- Chả đứa nào chịu về cả dì ơi. Bà hạ thấp giọng. “ Chúng nó phản đối dữ quá!”
Chị em hàn huyên quên cả ông Cả Đọt. Ông đứng ngây người ra, thừa thãi. Ông ngập ngừng một lúc mới lên tiếng:” Này chi Chín, mình đưa chị Tám về nha đi, đứng đây nắng chang chang …”
- Xin lỗi ông anh. Chị à, đây là anh Cả đấy, ba của cháu Tèo.
- Chào ông. ông mạnh giỏi ạ?
- Cám ơn chị. Thôi ta lên xe đi.
Chiếc xe lao đi qua những dãy phố đông nghẹt xe cộ và người. Xe cộ và người đủ loại chảy đi như thác. Sài Gòn là thành phố có nhiều xe nhất thế giới, bà Tám nhìn họ tranh nhau lao đi trên đường mà chóng mặt. Về đến nhà, bà Tám thấy cái xóm Bến Gỗ này thật không thể nào nhận ra được, nó thay đổi quá nhiều rồi.
- Bà con trúng đất chị ạ. Đất giờ không cày cấy nữa,có giá nên người ta xén bán. Bạc tỉ không đấy chị. Xóm mình giờ thiếu gì tỉ phú. Tỉ phú là chuyện nhỏ.
Bà Tám nghĩ cũng mừng cho bà con, đã thoát ra khỏi cảnh cơ cực ngày xưa:
- À này, Anh Cả ơi, sao không thấy cậu Tèo ra phi trường nhỉ.
- Ủa, bộ chi Chín không nói gì với chi sao? Số là chúng tôi bàn với nhau, dấu cháu cái kế hoạch thay đổi này, để đến lúc nước đến chân, chuyện đã rồi …nó không kịp nhảy nai nữa.
Bà Tám nghe ngượng ngùng, thì ra đâu chỉ có bà lo cái chuyện này đâu. Bà Tám đang vui bỗng buồn áy náy:
- Thôi cho tôi xin phép vào trong thay cái áo đã.
- Vâng thôi để chị tự nhiên. Tôi cũng xin phép, tôi về. Tối gặp lại sau.
Ông Cả về rồi, bà Tám vội vàng chạy vào phòng tắm, tắm một thôi, một hồi. Tắm không còn muốn bước ra nữa. Bà vừa tắm vừa mơ màng ngày mai bắt con gái dì Chín đưa đi thành phố căng da mặt, tắm bùn, tẩy vết tàn nhang …nói chung là mọi cách làm đẹp. Cái món này mà ở Mỹ thì mắc lắm, bà tiếc tiền, tiếc của chả đời nào dám mơ tưởng tới. Bà mỉm cười đúng là tiện lợi, một công đôi ba chuyện. Bà hát nho nhỏ:” Khi xưa ta bé ta chơi, ta bắn dây thung …”. Bà soi gương chải lại mái tóc vừa được xấy khô. Những vết nhăn lại hiện rõ trên khuôn mặt, trên khóe mắt, trên mép cười. Bà lại chợt buồn thiu khi nghĩ tới cái “già” nó ập tới nhanh quá. Già thật rồi. saú ba, sáu bốn rồi còn gì. Bà lững thững bứơc ra phòng khách, lại thấy nóng rồi, lại muốn vô tắm nữa rồi. Quái, hồi xưa mình ở nhà đâu có thấy vậy chớ. Thật rõ là nhiêu khê.
- Chắc em không ngờ chị lại về sớm như vậy phải không? Đố em biết tại sao đấy?
Dì Chín cười tủm tỉm, đưa mắt đá long nheo chị mình:
- “ Em đi guốc trong bụng chị, em vẫn là người hiểu chị nhất từ xưa tới nay mà … Còn dám đố em …”
Hai chị em phá ra cười như nắc nẻ
- Đồ qủi sứ, cái dì này...
- Mọi người đã chuẩn bị xong chưa?
Dì Chín chạy lăng xăng như gà mắc đẻ, luýnh quýnh lau cái lư hương trên bàn thờ tổ tiên, miệng hối dục liên tu ti:
- Này thằng Tư đâu rồi, treo cái bảng chữ “ VU QUI “ lại cho ngay ngắn. Bên nhà trai người ta sắp tới bây giờ. Đã mười giờ hơn rồi đấy. Chị Tám chuẩn bị xong chưa vậy?
Bà Tám tằng hắng lấy giọng, vì mấy bữa nay bà hung hắng ho:
- Có gì đâu mà chuẩn bị. Mặc bộ đồ vô là xong …
- Í trời …, Cô dâu về nhà chồng mà bảo là không có gì phải chuẩn bị, thiệt kỳ cục.
- Giả thôi mà, chủ yếu để chụp hình …
- Ai mà chả biết thế, nhưng cũng phải dàn cảnh y như thiệt thì mới được chứ. Dạo này phái đoàn phỏng vấn khó khăn lắm à nhe. Họ mà nghi ngờ một cái hả, là đi đoong đó.
- Vậy dì bảo chị phải làm sao đây.
- Thì mặc đồ và trang điểm xong thì ngồi yên ở trong phòng khi nào em vào dẫn ra mới được ra, đừng chạy loạn đó, kẻo lên hình lại như là …,dấu đầu, hở đuôi.
- Thôi được.
Cô em bà Tám coi bộ còn rành rẽ hơn chị về những tập tục cưới hỏi, hay, bà Tám vì là cái ngày trọng đại thứ hai trong đời nên bà đã quên hết cả.
- Mấy đứa kia sao chưa thay đồ thay đạc gì hết vậy bay?
Mấy đứa con của bà Chín lu bu kê bàn kê ghế, treo hoa kết đèn từ sáng đến giờ, đâu đã có thì giờ rảnh để lên đồ.
Có tiếng xe nổ xình xịch ở ngoài ngõ. Bà Chín hốt hoảng chạy ra, hé cánh cửa nhìn ra ngoài. Cánh cửa đóng im lìm từ sáng, vì không muốn cho người ngoài để ý:
- Trời đất, nhà trai tới rồi bay ơi. Đã bảo làm âm thầm thôi mà anh Cả bày đặt chi xe hơi, rồi lại còn cả đám xe hai bánh nữa. Thiệt tình, thiên hạ biết hết rồi còn chi.
Khách nhà trai xuống xe, xếp hàng: đi đầu là Ông Cả trong bộ côm lê màu xanh nhạt, kế theo là thằng Tèo với bộ com lê trắng, ôm một bó hoa trên tay, anh chàng trông có vẻ tươi rói, trông cứ thưỡn thườn thượt như là chú rể thiệt …
Nhà trai tiến vào trong khi Bà Chín đại diện nhà gái mở cửa ra đón tiếp. Vài câu xã giao làm quà, mọi người bước vào trong nhà, cánh cửa lại được cẩn thận khép lại. Bác phó nháy thì làm việc liên tục, nháy lia nháy lịa.
- Thưa họ nhà trai …
Ông Cả ngắt lời:
- Thôi Chị Chín à. Mình làm cho có lệ, đâu cần dài dòng văn tự làm chi. Xin chi đưa cô dâu ra, cho họ thắp nhang bàn thờ, trao nhẫn cho nhau. Rồi tôi đeo dây chuyền, bông tai, sính lễ cho cô dâu, rồi chụp hình, thế thôi cho gọn.
Chị Chín vào trong phòng dắt cô dâu ra. Y như cô dâu thiệt, Bà Tám tha thướt trong bộ đồ đầm màu hồng, chiếc voan phủ che khuôn mặt, trông không kém phần duyên dáng. Mọi người đều hớn hở vỗ tay đón chào tân giai nhân. Thằng Tèo từ nãy tới giờ nóng ruột, dù là giả thôi nhưng nó cũng mong xem cô Út trong bộ đồ cưới đẹp như thế nào. Khi nó nhìn thấy bà Tám từ cửa phòng bước ra, nó chưng hửng, há hốc mồm, vài phút sau nó mới định thần. Nó thụt lùi trở lại, nó quay qua bên phải, nó quay qua bên trái như cầu cứu, như tìm đường thoát thân. Nó bước lên gần Ông Cả nói nhỏ:
- Ba à, Ba cầm giùm con bó hoa một chút, con đi vệ sinh …
- Sao mày lại mắc …tè vào giờ này hở con?
- Tại hồi ở nhà con uống bia nhiều quá …Con ra ngay mà.
- Đưa hoa đây. Nhanh lên nghe mầy.
Thằng Tèo rón rén lách qua đám người, xuống nhà saụ. Mọi người chờ mãi, gần cả tiếng đồng hồ mà thằng Tèo vẫn chưa trở lại.
Ông Cả cho người vào nhà vệ sinh tìm kiếm nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng chú rể đâu.Bà Chín thở dài thườn thượt:
- Thôi chết rồi. Bây giờ làm sao đây?
Bà Tám thì biết chắc là cu cậu bỏ của chạy lấy người rồi. Bà cảm thấy tủi thân quá, bà nhớ lại cái cảnh đau khổ của cô dâu đứng chờ vị hôn phu của mình nơi giáo đường, chờ mãi mà chàng không đến, trong tập phim Hồng Kông nào đó mà bà đã coi. Bà cũng muốn bỏ chạy vào phòng, nằm úp mặt trên gối mà khóc, nhưng lại ngại, đâu thể trẻ con như vậy được. Bà Chín kéo Ông Cả ra một chỗ, thì thầm:
“ Anh Cả à, anh thay cho thằng Tèo đi. Anh đang cầm bó hoa đó, lại trao cho cô dâu, rồi tiến hành nghi lễ hợp hôn để còn chụp hình “. “ Nhưng hình tôi đâu có phải hình thằng Tèọ” “ Anh đừng lo người ta dùng máy vi tính, ngắt cái đầu của anh ra, gắn cái đầu thằng Tèo vô hình thế là xong. “.
Ông cả nghĩ cũng phải làm như vậy thôi, đâu còn cách nào khác. Ông ôm bó hoa tiến lại phía cô dâu, tươi cười trao hoa, và ôm cô dâu hôn phớt nhẹ trên má, phó nháy chụp hình. Bà Tám, cô dâu, sau một giây ngỡ ngàng, đỏ hồng đôi má, bà nhắm đôi mắt lại như một thoáng chìm trong đê mê. Bà Chín thắp ba nén nhang, rồi trao cho cô dâu, chú rể vái lạy trước bàn thờ Tổ Tiên. Đến lượt hai người trao nhẫn cưới. Bà Tám thật sự run quá, xỏ mãi mấy lần cái nhẫn cưới mới lọt trong ngón tay Ông Cả. Mọi động tác đều được bác phó nhòm ghi hình đầy đủ. Đến lượt chụp hình chung gia đình. Bà Tám giờ lại cảm thấy thẹn thùng, nên đứng xa Ông Cả cả thước. Bác chụp hình phải kéo bà gần lại và nói với Ông Cả, ôm eo bà, bà ngã đầu trên vai Ông Cả. Máy ảnh đã choá đèn một lúc lâu rồi mà bà vẫn còn đứng im trong tư thế tình tứ đó. Cô em gái của bà, tủm tỉm cười, nói khẽ bên tai bà “ chụp hình xong rồi chị à “. Bà mới giật mình, e thẹn chạy vô phòng. Đám cưới cử hành thật đơn giản, và mọi việc coi như cũng ổn thoả. Trong lúc mọi người vừa thở ào nhẹ nhõm thì thình lình có tiếng gọi cửa. Bà Chín chạy ra. Cô Thu, em gái Ông Cả, xuất hiện mặt hầm hầm:
- Anh Cả đâu, anh Cả đâu?
Mọi người đều im lặng nhìn ra cửa. Ông Cả tiến lại phía cô Thu:
- Có chuyện gì vậy cô?
- Còn chuyện gì nữa. Chuyện anh tục huyền, trọng đại như vậy mà anh giấu hết họ hàng. Anh nghĩ coi có được không?
Ông Cả sợ lộ sự mưư toan của mình nên nhỏ nhẹ, ôn tồn:
- Thì … cũng già rồi, không muốn rình rang, nên giấu hết mọi người cô à. Cô thông cảm cho anh mà. Đừng la lớn, hàng xóm mà kéo đến đây, người ta cười chết.
Bà Tám nằm trong phòng lắng nghe “diễn biến hoà bình” ở bên ngoài, kệ cứ để cho người ta hiểu lầm thì đã chết thằng Tây nào. Bà rờ trên má, cảm giác của nụ hôn vẫn còn chạy râm ran trong người. Bà dụi mặt vào chiếc gối: “Anh Cả, già rồi mà còn điệu ghê, làm mình mắc cỡ thí mồ hà”.
 

Xem Tiếp: ----