Dì Đông yêu ông Huấn. Đánh nhau liên miên chưa kịp đám cưới thì ông Huấn đi tập kết. Dì tôi chờ ông Huấn hai năm như nhiều người đã hẹn nhau lúc đó. Hai năm, ba năm rồi bốn năm trôi qua.Trai tráng trong làng nửa đi chiến dịch, nửa lấy vợ hết. Dì tôi cứ ở vá chờ ông Huấn trở về.
Ba mẹ tôi lúc đó đã vô Đà Nẳng làm ăn, thấy dì sống thảm sầu ở cái làng Cầu Hai buồn tẻ nửa đoạn đường đèo Hải Vân ấy, nên thu xếp đưa dì về sống chung. Lúc đầu dì tôi ở nhà đi chợ nấu cơm, không chịu cho ba mẹ tôi thuê người làm, sau dì sang sạp vải ở chợ Vườn Hoa, sáng đi xích lô xuống bán, chiều đi bộ về.
Dì Đông sống tiết kiệm y như hồi còn ở làng. Ba mạ tôi mở nhà hàng, khách quen phần lớn là sĩ quan, già có trẻ có, thỉnh thoảng đến nhà tôi chơi, thấy dì nết na thùy mị, lại xinh xắn dễ thương nên nhiều người ngắm nghé. Ba mạ tôi nói ra nói vô hoài nhưng dì chẳng ưng ai. Trong số đó có ông đại úy Thu được lòng ba mạ tôi lắm. Ông Thu yêu dì tôi hết cỡ. Yêu như tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn dì xếp hàng hàng trên kệ sách. Cứ mỗi tối thứ hai nhà hàng đóng cửa, ông Thu lại đến nhà trò chuyện vớ vẩn với ba mạ tôi. Lúc đó tôi đã bắt đầu lớn, thấy ông Thu kiên trì quá, tôi cứ ngạc nhiên hỏi tại sao dì có thể lơ là trước một mối tình như vậy. Dì Đông trả lời:
- Không có duyên. Ông Thu không phải là đối tượng của tau.
- Chứ đối tượng của dì ra răng?
Dì Đông gạt ngang:
- Mi con nít biết chi!
Tôi cãi:
- Con thấy ông Thu hiền lành ghê nơi. Lính tráng thời ni hiếm thấy người như ông. Dì ưng ổn đi cho tụi con ăn đám cưới.
- Mi lo chi đám cưới. Mai mốt rồi tha hồ mà ăn.
Tôi xém buộc miệng nói mai mốt dì tra ngắt, sức mấy mà được ăn đám cưới nhưng nín kịp. Dì Đông cứ im ỉm mỗi ngày hai buổi đi về buôn bán cần mẫn. Chị Thoan tôi lấy chồng. Rồi chị Thoan tôi có con. Mạ tôi thành mệ ngoại. Dì Đông lên đến hàng mệ dì. Ông Thu chắc cuối cùng đợi không nổi đành ca bài sang ngang. Vợ ông Thu trẻ hơn dì tôi hàng chục tuổi, đẹp hơn dì, nhưng đỏng đa đỏng đảnh, suốt ngày chỉ ham chưng diện và đánh bài tứ sắc. Ông Thu buồn lắm. Lâu lâu có dịp ghé nhà, ông cứ rầu rầu nét mặt ngó Dì Đông đi lên đi xuống. Lúc này ông đã là thiếu tá, đeo hoa mai bạc lấp lánh. Chúm tôi xúm lại ghẹo dì:
- Dì mà lấy ông Thu là bây giờ tụi con đi học có lính đưa đón bằng xe jeep rồi.
Dì Đông xì lia lịa:
- Tụi bây đi học mỗi đứa một chiếc xe Honda còn ức chi mà đòi đi xe jeep.
Con Ly phản đối nó không có xe Honda. Dì Đông nạt:
- Mi nhỏ xí, mắt còn chảy ghèn mà bày đặt.
Tháng Giêng năm bảy ba, hiệp định Ba Lê ký xong, dì tôi hớn hở về kể cho cả nhà nghe là dì thấy phái đoàn bốn bên ở khách sạn Pacific. Ba mạ tôi thở dài. Sáng dì Đông đi bán, ba tôi nói:
- Không chừng có thằng Huấn trong đám nớ.
Mạ tôi bĩu môi:
- Biết nó còn sống hay chết nhăn răng rồi.
Tôi cười:
- Chắc còn sống. Tối mô con cũng thấy dì nghe đài Mẹ Việt Nam mục Sinh Bắc Tử Nam. Chắc không có tên ông!
Cả nhà phì cười. Người thì bảo ông Huấn dân Huế, đâu có được xếp vào mục Sinh Bắc, người thì nói lỡ ông chết mục ở đâu đó không ai tìm ra xác lấy đâu mà đọc tên trên đài. Cái mối tình điên rồ của Dì Đông lâu ngày đã trở thành đề tài cho gia đình tôi bàn tán nhảm nhí, giễu cợt. Ngoại trừ con Ly còn nhỏ không được tham gia, từ ba mạ tôi, vợ chồng chị Thoan, anh Cường, chị Ngoạn cho đến tôi đều có "giúp vui văn nghệ."
Mãi cho đến một hôm, ba tôi phát giác ra chuyện dì Đông gom tiền bạc ủng hộ cho sinh viên Huế-Quảng Đà đấu tranh chống ông Thiệu, câu chuyện trở nên khác hẳn đi. Ba tôi thì thầm kể cho mạ tôi nghe, rồi anh Cường, rồi cả nhà. Mạ tôi hoảng hồn. Bà nhất định kêu dì ra nói chuyện. Mạ tôi kết luận:
- Dì coi làm răng chớ cái điệu ni là tôi thấy không ổn rồi. Tụi tui mở cửa nhà hàng nhà họ, dì làm ăn thức nớ là chết cả đám.
Lúc đầu Dì Đông im lặng nghe, sau thấy mạ tôi nhắc đến chuyện buôn bán, nhà hàng, dì nói mát:
- Em mô có dám làm hại tới cái nhà hàng của anh chị.
Mạ tôi nổi xung thiên:
- Bộ dì tính đặt plastic chết mấy chục mạng mới kêu là làm hại tui chắc!
Mạ và dì Đông cãi nhau một trận tơi bời, ba tôi ngăn mấy cũng không được. Sau đó dì Đông im ỉm đi mướn nhà ở Ngã Năm rồi dọn đi. Mạ tôi buồn lắm. Bà chỉ có dì là chị em ruột, lai ở với nhau mấy chục năm. Dì đi, mạ tôi cứ thở vắn than dài nhưng bà nhất định không ngăn cản chi hết. Được hai ngày tôi và chị Thoan xách xe đến thăm dì. Dì mừng ra mặt nhưng vẫn đón chúng tôi bằng một câu nói lẫy:
- Bộ tụi bây không sợ liên lụy như mạ bây hay răng mà tới đây.
Chúng tôi mỉm cười. Chị Thoan đáp:
- Dì nói nghe mệt ghê nơi. Ba mạ con lo là cho dì đó chớ. 
-  Chu choa nghe tình nghĩa ghê hí! Ba bây răng tau không biết, chớ mạ bây thì tau rành quá, nhát gan từ hồi còn để chỏm tề.
Chúng tôi phì cười nói lảng qua chuyện khác. Dì Đông tiếp tục ca cẩm thêm mấy câu nữa, rồi chạy đi kêu bò viên cho hai chị em tôi ăn. Ba dì cháu ngồi nói chuyện tào lao một hồi, dì Đông cắt mấy thước vải xá xị trắng đưa cho chị em tôi:
- Về nói với mạ bây may cho ba bây cặp đồ bận ở nhà cho mát. Mạ bây thì chẳng bao giờ ngó ngàng mua sắm chi cho ổng hết. Có chồng thì phải biết chăm nom chớ. Hồi ở chung tau cứ nhắc cái ni cái tê miết.
Tôi cười:
- Dì làm như dì đi lâu lắm rồi á.
Dì Đông cũng bật cười:
- Ừ, mới hai ngày mà tau cứ tưởng mô cả năm. Còn mi nữa nghe Thoan, cũng một ruột như mạ mi, thằng Quang dễ tính chớ gặp thằng khác là hắn đập cho sưng mặt nghe con.
Chị Thoan cười nháy mắt vớit ôi. Ra đến đường, chị bảo tôi:
- Mồ mả nhà ông Huấn có kết long kết phụng chi mà xui khiến ổng về hồi chánh ở với bà dì mình là sướng mấy cái đời ổng.
Tuần sau tôi trở lại thăm dì, nói cho dì nghe, dì Đông lắc đầu:
- Ông Huấn không bao giời hồi chánh đâu. Ổng lý tưởng lắm. Mai mốt ông về bằng cách khác.
Con Ly lanh chanh:
- Cách khác là răng hả dì?
Dì Đông cười cười:
- Thì hòa bình độc lập.
Tôi nói nhỏ với dì:
- Con nghe mạ kể hồi Việt Minh cực lắm.
Dì Đông bĩu môi:
- Mạ mi có khi mô mà không than!
- Mạ nói nhà ôn có cái cối xây bột, cán bộ vô niêm phong sợ nhà mình xay gạo đúc bánh khoái. Lúa thì chỉ để đóng nông nghiệp với nuôi quân...
Tôi chưa kịp dứt câu, dì Đông đã vội vã:
- Lúc nớ kháng chiến mà con.
Tôi chưa chịu im:
- Mạ kể ôn đau, mạ lén làm con gà nấu cháo cho ôn, hàng xóm biết được đem đấu tố nhà mình là địa chủ.
Dì Đông chặc lưỡi:
- Mấy con mụ không biết chữ ngoài làng làm bậy.
Tôi nói bằng cái kiến thức của mạ:
- Nghe nói có mấy người nằm vùng bị bắt, chức lớn lắm mà không biết chữ. Mù chữ thì mần răng mà lãnh đạo hả dì?
Dì Đông im một hồi rồi trả lời:
- Lúc kháng chiến ai có tinh thần cũng tốt hết con nờ. Mai mốt hòa bình thì khác đi. Cha mẹ giàu ai lại muốn cho con cái đói. Để rồi coi, "họ" tài lắm con ơi.
Tôi về kể lại cho chị Thoan và mạ nghe. Mạ tôi hứ dài:
- Cái con nớ mê cộng sản lắm. Tau thì tau sợ tới già tới chết. Kháng chiến chín năm là tau không thấy hột gạo chín năm. Bắp, sắn, rau lang luộc chắc hết mùi trong bao tử hắn rồi. Mà cũng chắc tại ôn lúc nớ giỏi quá, ôn xoay sở được, hắn chưa đốt lá mít ra làm muối như mấy người nghèo ngoài làng nên hắn chưa biết sợ.
Căn nhà cho dì Đông thuê, bỗng dưng chủ nhà có ý định bán. Dì Đông mua liền. Xưa nay dì làm ra tiền chỉ toàn mua vàng cất trong tủ. Mẹ tôi hơi ngạc nhiên khi nghe dì tậu nhà. Tôi đến ăn tân gia nhà dì, dì nói như phân trần:
- Tau thấy cái nhà rẻ quá, không mua cũng uổng. Vàng cất trong tủ cũng không sinh ra đồng lời mô.
Cả nhà tôi không ai đoán ra được dì mua nhà là để chứa người bên kia. Mãi sau khi Đà Nẳng đổi cờ, chúng tôi mới bất ngửa. Giữa lúc ba mạ tôi rầu thúi ruột gan, thì dì Đông hân hoan lắm. Dì nói với tôi:
- Con đừng lo, mai mốt dượng Huấn về, dì xin cho con ra Hà Nội học.
Dì gọi ông Huấn là "dượng" tỉnh bơ, cứ y như đã chính thức là vợ của ông ấy vậy. Khoảng vài tuần sau đó, ba mạ tôi tá hỏa tam tinh khi nghe dì tuyên bố là đã ký giấy cho Ủy ban Quân quản căn nhà của dì. Bù lại, Ủy ban cấp giấy phép cho dì về Cầu Hai. Dì tôi đi tìm tin tức của ông Huấn. Chị Thoan đang lo số phận của anh Quang đến mất ăn mất ngủ mà cũng bật cười:
- Dì mình "say" thiệt, còn hơn Juliet.
Ba tôi đùa:
- Phải chi mạ bây yêu tau bằng nửa cái mối tình dì bây đối với thằng Huấn thì cuộc đời tau có phải tươi tốt ra không.
Mạ tôi đỏ mặt đập vai ba tôi:
- Người ta đang buồn bắt thúi ruột mà cha con ông cứ giỡn hớt.
Ba tôi:
- Chớ bà không thấy mối tình nồng cháy như cây xăng bị đốt của dì hắn răng.
Cả nhà cười ồ. Dì Đông về cầu Hai một tuần rồi trở vô. Dì rạng rỡ khoe:
- Anh Huấn là trung tá. Còn thằng Thi lạch đạch rứa mà cũng lên thượng úy rồi tề.
Mạ tôi bĩu môi:
- Thằng Huấn mới lạch đạch. Chớ hồi kháng chiến hắn đã là thượng úy, lên tới trung tá thì có chi mà hay ho.
Dì Đông sa sầm nét mặt. Ba tôi sợ dì phật ý nên hỏi vội:
- Nhưng mà dì gặp dượng hắn chưa?
Nghe ba tôi gọi ông Huấn bằng dượng, dì Đông bẽn lẽn như con gái:
- Dạ chưa. Ảnh còn vô Sài Gòn. Thằng Thi giải phg Huế, về làng trước, em gặp, em nói chuyện với hắn một chặp.
Dì Đông nói không chấm, không phết, y như một mình ông Huấn đánh vô Sài Gòn, còn "thằng Thi" nào đó đơn phương độc mã chiếm thành phố Huế. Mạ tôi dù buồn bực và lo lắng, nhưng nghe dì kể chuyện ngoài làng cũng tỉ mỉ hỏi ai còn ai mất, ai theo bên ni, ai theo bên tê. Câu chuyện ròn rã, lập đi lập lại cả tuần.
Dì Đông dọn về ở lại với gia đình tôi giống như trước. Căn nhà dì lúc này toàn bộ đội ở, quần áo mùng màn giăng đầy trước ban công. Mạ tôi tiếc công tiếc của dì Đông dành dụm, bòn chắt bao nhiêu, thì dì lại hớn hở như nhận được sự ban ơn của ai đó bấy nhiêu.
Chị Thoan ra trình diện để đi dạy tiết. Trưa về chị thở dài sườn sượt:
- Lương một tháng mười tám ngàn. Mỗi ngày hai lon gạo. Ai làm nấy ăn. Thằng cu Tí chưa có chế độ.
Cả nhà nhăn mặt. Tôi hỏi:
- "Chế độ" là răng? Bà ni chưa chi đã học ba cái chữ, nghe khó chịu dễ sợ. Chẳng ai hiểu chi hết.
Chị Thoan cười:
- Ai biết đường mô. Thằng cha được giới thiệu là trên Ủy ban chi đó tới nói chuyện răng tao lặp lại nguyên văn rứa. "Chế độ" đây có nghĩa là tau không được ăn lương thằng cu Tí như hồi trước.
Mạ tôi chép miệng:
- Rứa thôi con ơi. Tau đạp qua rồi. Tau đang ớn như đàn bà có chửa ớn cơm tanh cá. Còn nhiều thứ dễ sợ hơn chớ không phải giỡn mô. Ngày mai tụi bây lo mà dẹp bớt ba cái quần áo loè loẹt đi. Lũ hắn mà để ý là mệt cả chục năm cho bây coi.
Cả nhà tôi như đưa đám. Tối tối ba tôi lén mở radio nghe tin tức Sài Gòn. Cuộc chiến vẫn tràn lan như thác lũ. Sáng nào thức dậy ba tôi cũng như muốn khóc, báo cho biết nơi này thất thủ, nơi kia đầu hàng. Giữa lúc đó dì Đông hân hoan chờ ông Huấn "tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô". Dì dạy con Ly hát mặt mày tươi rói như cô dâu sắp về nhà chồng.
Thế rồi cái ngày dì chờ đợi cũng đến. Sài Gòn mất. Ông Huấn về làng, nhận được cái địa chỉ mà dì Đông đã cẩn thận dặn dò mấy người bà con đưa lại. Trước khi đến nhà, ông Huấn cho lính đi tìm, kiểu dọ thám rồi mới hẹn ngày tới. Dì Đông tất tưởi đi chợ, sai biểu chúng tôi dọn dẹp nhà cửa. Dì quính quáng làm mạ tôi phì cười. Bà hỏi chúng tôi:
- Tau đó tụi bây ông Huấn đi cưới dì Đông bây cái thứ chi?
Chị Ngoạn:
- Chắc là mấy thước vải xi-ta bà Thoan may tả cho thằng cu Tí.
Chị Thoan phản đối:
- Tau may tả cho con tau bằng vải Ka-tê bốn ngàn đàng hoàng nghe mi.
Tôi nói:
- Ông Huấn đi bộ đội, chắc chắn là đi cho dì mình một chục lương khô.
- Con thì chắc chắn ông tặng cho dì Đông một cái khăn voan hết mốt mấy chục năm ở miền Nam, nhờ mấy ổng vô mà đâm ra có giá.
Mấy mẹ con tôi cười khoái chi chọc ghẹo lén dì Đông. Trưa ông Huấn tới. Chúng tôi kinh ngạc vì thấy "đối tượng" của dì Đông vừa lùn, vừa nhỏ con. Chị Ngoạn tặc lưỡi:
- Nhứt lé nhì lùn nghe mi. Thằng cha ni coi bộ không vừa chi đây. Mắt bên lớn bên nhỏ, nói kiểu của mạ là lưỡng mục bất đồng, tâm trung bất chính.
- Hèn chi bạ mạ có vẻ không ưa thằng cha ni.
Lũ chúng tôi thậm thà thậm thụt chạy lên xuống rồi ồn ào bàn tán với nhau. Ông Huế nói giọng Huế đặc nhà quê, thỉnh thoảng để đúng mốt tập kết lại thêm mấy chữ "thế à", "vậy nhỉ" Bắc kỳ, nghe thật khó chịu. Nhưng khó chịu hơn nữa, có lẽ là những câu ông nói ra, chúng tôi có mang máng là có nghe được ở đâu đó rồi. Chị Thoan khen:
- Công nhận hay thiệt. Tụy bay để ý coi họ nói rặt một điệu, y như trước khi vô nam thì phải học một bài học thuộc lòng.
Chị Ngoạn cười:
- Mà nhà mình bà được học trước tiên!
- Chị em tôi "xông pha khói lửa" cho tới trưa mới xong. Sau khi dọn tươm tất lên bàn thì chúng tôi cũng được ngồii cùng cho có vẻ "dân chủ". Dì Đông giới thiệu chúng tôi với ông Huấn, nhưng làm bộ "quên" anh Quang, chồng chị Thoan đi lính và anh Cường học trường Võ Bị Đà Lạt đang còn kẹt ở Sài Gòn. Ông Huấn ngó mặt từng đứa rồi tặc lưỡi:
- Trong Nam ai cũng nhiều con hết.
Ba tôi cười:
- Thì trời sinh voi sinh cỏ mà chú. Chú không đi tập kết thì bây chừ e cũng bộn rồi chớ.
Bất giác cả lũ chúng tôi cùng quay lại nhìn dì Đông. Từ sáng đến giờ mải quan sát ông Huấn, nên chẳng đứa nào để ý tâm trạng dì ra sao. Chỉ có một lần con Ly xớn xác chạy xuống "báo cáo" dì Đông vui như Tết, cười nói tíu tít, bị chị Thoan nạt cho một tiếng rồi thôi. Mà dì Đông vui thiệt, "vui" theo cả cái nghĩa mà người ta dùng để trêu chọc. Trưa ăn cơm xong, dì có vài ba tiếng "tâm tình hiến dâng" với ông Huấn, nhưng không hiểu sao dì cứ chạy ra chạy vô mấy lần khiến chúng tôi ngạc nhiên tột độ. Mãi đến mấy tuần sau không thấy ông Huấn trở lại như đã hứa, mạ tôi tiết lộ là dì Đông "tâm tình hiến dâng" nốt mấy lượng vàng còn lại cho người tình muôn thuở của dì. Và sở dĩ dì cứ chạy ra chạy vô là vì mạ tôi cản tới cản lui, không chịu đưa số vàng dì đã gởi cho bà trước khi về Cầu Hai.
Ông Huấn đi luôn, nhưng "thằng" Thi đến ăn cơm với gia đình tôi kể rành rọt ông Huấn có bao nhiêu vợ, mấy đứa cọn Dì Đông như tịnh độ, như á khẩu, không nói được nửa lời. Lúc con Ly lanh chanh nói: "dì con không lấy chồng, dì con chờ chú Huấn" thì dì quăng chén cơm lên bàn, xô ghế chạy quay quắt vào buồng. Mạ tôi lật đật kêu chị Thoan chạy theo dì, nhưng dì đóng chặt cửa buồng không cho ai vào. Cả nhà tôi sốt vó, ai cũng sợ dì tự tử. Tôi thở dài:
- Răng không ai nghĩ ra ông Huấn có vợ hết trơn hè!
Mạ tôi chép miệng:
- Tau ngờ ngợ rồi. Bữa nớ tau cứ biểu để từ từ coi ra răng mà hắn khăng khăng đòi "dâng" liền cho thằng tê.
Ba tôi lắc đầu:
- Cái thằng gian ác thiệt.
Mạ tôi cười khẩy:
- Ai biểu làm đờn bà mà ngu, mê trai thì ráng chịu chớ! Tui mà như thằng Huần thì cũng không tội ci mà không dụ lấy mớ vàng nớ.
Chị Thoan:
- Cứ thấy tình yêu của dì mãnh liệt quá, chung thủy quá, nên nhiều khi mình cũng bị ảo tưởng theo mà không đề phòng chi hết. Với lại chuyện xảy ra nhanh quá. Chắc thằng cha âm mưu, sợ để lâu thì dì mình biết hắn có vợ.
Dì Đông nằm rũ rượi một ngày. Những ngày sau đó dì lặng lờ đi ra đi vào, không nói với ai một tiếng. Cuối cùng chỉ có thằng cu Tí con chị Thoan mới làm dì bật ra được vài câu. Dì Đông không tự tử như chúng tôi lo sợ, cũng không lên xuống Ủy Ban Quân quản nữa. Suốt ngày dì chỉ ngồi đâu đó hoặc chơi với thằng cu Tí. Dĩ nhiên là cả nhà chúng tôi lờ đi những chuyện thuộc về dì. Riêng con Ly tò mò biết được dì đốt một đống giấy và một số hình thời con gái. Chắc là dì tôi muốn đốt cái quá khứ mang dáng dấp ông Huấn.
Chúng tôi lao theo cuộc sống chao đảo của cả nước. Khởi đầu anh Quang đi học tập, anh Cường trốn chui, trốn nhủi đến năm 77 thì vượt thoát được ra nước ngoài. Lúc này gia đình tôi chỉ còn lại cái nhà trơ trọi, đồ đạc đã theo nhau ra ngoài chợ trời hết. Còn nhà hàng thì mất từ lâu, lúc kiểm kê tài sản. Ba mạ tôi ốm nhom còm cõi. Chị Thoan vừa đi dạy vừa bị nghe chửi ra rả là nhờ sự khoan hồng mà chị mới được tiếp tục cái thiên chức đói nhăn răn của chị. Tôi và chị Ngoạn trậm trầy trậm trật gù lưng đan giỏ mây cho hợp tác xã. Cuộc sống bày ra, khỏi cần quảng cáo cũng biết là nghèo tả tơi. Mỗi tháng gia đình tôi chỉ được "liên hoan" một lần cơm hẩm không độn. Nhưng bước qua tới "mùa Xuân đại thắng" thứ tư là cái bữa cơm thảm thiết kia cũng không còn. Ba tôi cứ hay kể chuyện có thằng con ông kia gọi bố về nhà ăn khoai lúc ông bố đang nói chuyện với hàng xóm. Ông bố về nhà la thằng con, cấm không cho nói đến chữ khoai mỗi khi ông có khách. Lần sau thằng con gọi bố: "Bố ơi về nhà ăn cơm, kẻo hết củ lớn." Tối tối thay vì coi ti-vi hay đọc sách như trước, thì chúng tôi chỉ xúm lại kể chuyện tiếu lâm cho đỡ buồn. Dì Đông lúc này thường ngồi trong một góc giường buồn bã nhìn ra. Mùa hè điện nước hay cúp, dì tôi cứ đứng mãi một chỗ trên hàng lang. Dì sống như một cái bóng, như một tờ giấy, như một cụm mây. Lặng lẽ để cuộc đời trôi qua. Lâu ngày, bực bội với sự im lặng quá lâu của dì, mạ tôi hay nói bóng nói gió là có người ưa cộng sản chắc giờ mở mắt ra rồi. Dì buồn thiu. Mắt dì thay vì "mở ra", thì lại cúi xuống, lặng đi rất lâu.
Anh Quang về, kèm theo cái tin ông Thu cũng ở chung trại với anh. Anh bảo:
- Ông ấy xơ xác nhất trại, vì không ai thăm nuôi cả. Cứ bắt cào cào châu chấu ăn cho có chất đạm. Cô vợ ông ấy dẫn thằng con ra nước ngoài từ hồi nào và chắc là đã lấy chồng khác nên bặt vô âm tín, không hề liên lạc với bất cứ ai quen biết với ông Thu.
Dì nói với anh Quang:
- Kiểu nớ chắc bữa mô dì làm con gà chiên chanh mang lên cho ông. Hồi xưa ổng thích món ni, tụi bây nhớ không?
Chúng tôi vỗ tay reo ầm ĩ vì sự thay đổi bất ngờ của dì. Ba mạ tôi cũng đưa mắt nhìn nhau ngạc nhiên. Dì Đông rưng rưng nước mắt:
- Tội nghiệp. Một thời cũng ngang dọc như ai mà chừ một thân một mình, dói khát không ai lo.
Trái tim tôi như thắt chặt lại. Dì tôi độ lượng quá, tấm lòng dì nhân từ thế mà sao đời dì buồn bã lạ lùng. Mối tình dì chung thủy đến mứt độ ấy mà sao dì chỉ nhận được cay đắng thảm thương.
Chúng tôi ra đi, nhưng dì Đông nhất định ở lại. Dì cứ đùa là để còn người thăm nuôi ông Thu, nhưng chúng tôi biết là không bao giờ dì còn tìm thấy niềm vui nào trong đời nữa. Ở bên này hay bên kia, mảnh hồn dì cũng chỉ héo hon buồn bã như một vùng biển chết mà thôi. Hôm chúng tôi lên xe, mạ tôi quay lại nhìn dì đứng trên bậu cửa thật lâu, rồi bà thảng thốt kêu lên:
- Chao ôi, tóc mi bạc hết rồi Đông ơi.
Hoàng Nga
(Trích Tập truyện - Tháng Giêng Tháng Bảy Buồn Như Nhau)
Làng văn 1997

Xem Tiếp: ----