Soi gương chải đầu Dũng thần người ra giây lát. Cái nắng miền Trung làm da anh cháy sạm. Hôm nay là ngày quan trọng của đời anh, anh sẽ ngỏ lời kết hôn với Ngọc, cô giáo tiểu học, người con gái hàng xóm. Có tiếng bước chân nhè nhẹ ngoài cửa, anh giật mình ngỡ là bước chân của Ngọc, nhưng không phải, đó là mẹ của anh.
Từ bệnh viện về, thấy cửa ngỏ vẫn nghĩ là bé Nhung con cô Trinh sang quét dọn giúp, nhưng lại là Dũng, một giọt nước mắt lăn trên má, bà không tài nào kìm nổi. Bà đứng lặng ngắm đứa con trai của mình lòng tràn đầy yêu thương.
- Mẹ!…
Dũng reo lên, chạy lại ôm lấy mẹ.
- Thế nào mẹ?…
- Thế nào là thế nào… Chuyện cái Ngọc hả?
Vậy đó, đi bao lâu về chưa có lời nào thăm mẹ, nó đã hỏi ngay tới cái Ngọc, người con gái hàng xóm. Nhưng bà chẳng trách, chính bà đã dăm lần bảy lượt giục con trai bà về. Nhà bà có năm người. Ông là lữ trưởng một lữ đoàn pháo binh, con trai út bà là tiểu đoàn trưởng, sỹ quan cấp dưới của bố nó. Hai bố con mải mê nhiệm vụ cả năm mới ghé qua nhà một đôi lần. Người con trai cả và thứ hai của bà cũng là bộ đội, bộ đội ở gần bà, ngay bên bà nhưng ngồi trên cao đó, quanh năm lặng lẽ chỉ nhìn bà. Là bác sỹ quân y viện bà xung phong trực cấp cứu, một phần là do thương binh trong chiến trường chuyển ra khá nhiều, phần nữa bà cũng muốn phục vụ đồng đội cho quên nỗi cô đơn, nhưng không sao quên được. Đôi lúc bà tưởng như không chịu nổi day dứt nhớ thương nếu không có sự an ủi chăm sóc của Ngọc, người con gái hàng xóm mà Dũng đem lòng yêu mến.
Khi vừa đặt chân tới nhà, Dũng có nghe một vài bà người cùng phố nói với nhau về Ngọc đã có con. Anh bán tín bán nghi. Sao lại có thể thế. Nếu vậy thì thật là nỗi đau vô hạn với anh. Đắn đo hồi lâu Dũng mới dám hỏi mẹ:
- Sao bảo cô ấy có con rồi.
Bà Hiền cười:
- Có con rồi thì sao. Điều cơ bản là con có yêu nó không.
Sao mẹ lại nói thế. Chẳng lẽ mẹ không tin mình. Dũng đang còn hoang mang chưa hiểu thì bà Hiền nói tiếp:
- Mới vậy con đã nghi ngờ sao gọi là yêu được… Ngày xưa bố yêu mẹ lúc mẹ đã có người dạm hỏi. Ông ngoại con cấm cửa doạ chém vậy mà bố con cứ xung phong vào.
Xung phong vào, nghe mẹ nói Dũng bật cười. Bà Hiền giục Dũng sang gặp Ngọc, Dũng muốn quá nhưng ngần ngại, lúng túng. Bà Hiền lắc đầu, nhút nhát vậy mà sao ở chiến trường người ta tặng Huân chương Chiến công cho con bà. Liệu họ có cảm tình riêng, có nể nang vì Dũng là con trai của Lữ đoàn trưởng không. Bà nói cho Dũng biết bên đó muốn bà phải có ý kiến chính thức, mà bà thì không hiểu ý định Dũng, bà không thể làm điều gì thay Dũng được. Chiến tranh chẳng biết thế nào.
Chiến tranh là chiến tranh, hôn nhân là hôn nhân. Dũng thấy lòng yên dạ, anh hoàn toàn tin cậy ở mẹ. Phấn chấn hẳn lên, anh huýt sáo đầy hứng thú. Đang hăm hở sang nhà Ngọc thì một chiếc xe con quân sự đậu ngay trước cửa nhà. Đó là xe Quyết ra nhận vật tư cho đơn vị.
- Quyết… Cậu cũng bay ra à? - Dũng hỏi.
- Bay chứ sao… Máy bay vào sao đông thế, toàn sỹ quan chỉ huy… Máy bay ra thì lèo tèo, vậy mình mới có cơ hội… Ra đây mình bảo.
Nghe Quyết nói cả lữ đoàn đã hành quân gấp rồi, hành quân thần tốc, Dũng lặng đi giây lát rồi hỏi:
- Cậu đến chuyển lệnh của bố mình à.
Chưa gì Dũng đã thầm trách bố. Ông già lúc nào cũng quan trọng hoá, đã mấy lần hoãn phép của anh, mà ở lại đơn vị chẳng được tích sự gì. Nhưng lần này thì không phải, Quyết nói không gặp bố anh. Tham mưu trưởng chỉ dặn tạt qua báo cho anh biết tình hình, không có quyết định nào cụ thể, nhưng Quyết cũng nói cảm nhận của anh, có lẽ đây là chiến dịch cuối cùng của đời lính. Có khi cả đời lính chỉ có một cơ hội, một khoảnh khắc. Quyết vội vã nổ máy cho xe đi và hẹn ba tiếng nữa quay lại.
Dũng vào nhà, bà Hiền thấy vẻ mặt anh đầy suy tư bà gặng hỏi. Nghe Dũng nói mấy tiếng nữa xe quay lại đón, đơn vị hành quân rồi bà Hiền rã rời cả người. Dũng vội đỡ mẹ.
Được Dũng tặng con búp bê, bé Nhung con gái cô Trinh sang khoe ngay với mẹ con chị Ngọc. Nhung giơ con búp bê trước mặt đứa bé: "Thiên-thần-bé-nhỏ của chị, chị bế nào… Thích không?" Rồi Nhung ghé tai nói với chị Ngọc đố chị biết búp bê của ai, Ngọc đang còn chưa hiểu thì Nhung đã khoe: Của anh Dũng đấy.
Nhung về. Bà Hạnh (mẹ Ngọc) xách túi đi làm. Nhung sững người khi thấy bà Hạnh khoá cửa. Em đâu biết bà Hạnh đã nghe thấy em nói với chị Ngọc là anh Dũng về. Càng hàng xóm càng phải giữ gìn kẻo người ta coi rẻ.
- Sao hôm nay bác lại khoá cửa… Để cháu còn sang chơi - Nhung ngơ ngác hỏi.
- Cháu sang chơi hay ai… Ai sang chơi thì chờ bác về nhé.
Bà Hạnh lạnh lùng bỏ đi mặc cho Nhung đang còn đứng ngẩn ra nhìn chiếc khoá. Nhưng mắt mới chỉ rơm rớm bé Nhung chưa kịp khóc thì Ngọc đã chạy ra cửa sổ đưa cho Dũng chiếc chìa khoá dự bị mà cô đã đánh từ sau lần Dũng về phép trước. Dũng mở cửa rồi trao lại cả khoá lẫn chìa cho bé Nhung. Anh dặn Nhung khoá lại rồi đứng gác ở ngoài, ai tới thì kêu "cúc cu" báo hiệu.
Vào khỏi cửa Dũng ôm chặt lấy Ngọc tưởng như không muốn rời ra nữa.
- Anh về làm gì thế?
- Về cưới em.
- Cưới em?
- Chứ sao… Hôm nay chúng mình sẽ cưới nhau.
- Nhưng em là gái có con.
- Có con cũng cưới.
- Nói mạnh thế chứ trong bụng thì khác đấy… Đố con ai nào?
- Con anh bộ đội thương binh hát hay thường đến đây chứ gì.
- Bậy… Con người yêu của anh đấy.
- Con của Hương… Con người yêu của chúng ta… Thế Hương đâu?
- Bị bom ngay tại Bến Đợi, ô vườn nhỏ đầu phố của chúng mình. Hai hôm sau phố nó lại bị B52, ông bà chết hết. Chồng nó cũng mới hy sinh ngoài mặt trận.
- Tội nghiệp con tôi… Ôi thiên thần bé nhỏ…
Dũng bế Thiên-thần-bé-nhỏ lên. Anh cảm động ôm cả hai mẹ con Ngọc.
- Con bé kháu quá… Thiên-thần-bé-nhỏ tuyệt vời… Em của anh, mẹ của Thiên-thần-bé-nhỏ cũng tuyệt vời… Chúng ta cưới nhau đi.
- Sao bảo đợi.
- Chẳng đợi gì hết.
- Đợi ngày thống nhất chẳng thích à.
- Chẳng thích bằng cưới bây giờ.
- Thì cưới em đi.
- Nhưng…
- Sao lại nhưng.
- Ba tiếng nữa anh lại phải đi rồi.
- Ba tiếng đâu phải là ít.
Dũng đặt em bé vào nôi. Ngọc vào buồng, Dũng theo nhưng Ngọc đóng sập cửa lại.
- Khoan, chờ em mặc áo cưới đã chứ.
- Em có áo cưới?
- Em đã chờ ngày này từ lâu rồi… áo cưới này chính Hương tặng em… Em xong rồi… Bây giờ anh hãy nhìn ra đường…
Lát sau cửa buồng mở, Ngọc rạng rỡ trong chiếc khăn xếp và chiếc áo dài dân tộc. Dũng bước tới định ôm Ngọc nhưng Ngọc đẩy nhẹ ra.
- Khoan đã… Bây giờ anh đưa em ra trước bàn thờ Tổ… Anh thắp hương đi… Quỳ xuống… Chắp tay vái và nói đi!…
- Nói gì em?
- Nói gì thì anh để tự con tim anh nó nói.
- Nhân danh con, Nguyễn Tiến Dũng, với trái tim mình… Trước sự chứng giám thiêng liêng của Trời Đất, của Tổ Tiên và trước sự chứng kiến vô tư của Thiên-thần-bé-nhỏ… Con xin cầu hôn cùng em Nguyễn Thị Ngọc, nguyện suốt đời thuỷ chung no đói có nhau, vui buồn cùng hưởng, sinh con đẻ cái cho nhau, vun xới hạnh phúc cho nhau, bình đẳng, không lừa dối, không phụ bạc…
- Nhân danh con Nguyễn Thị Ngọc, với niềm khao khát bấy lâu. Nay con xin nhận lời cầu hôn của anh Nguyễn Tiến Dũng… Kể từ giờ phút này chúng con là vợ chồng, là bạn đời thuỷ chung son sắt. Chúng con thuộc về nhau, mãi mãi thuộc về nhau… Nào hôn em đi!…
Nhung ở ngoài thỉnh thoảng lại ngó qua khe cửa. Bỗng có tiếng cúc cu. Dũng chạy vội ra cửa hỏi nhỏ.
- Bác về hả Nhung?
- Em nhầm.
- Con ranh.
Dũng quay vào bế xốc Ngọc lên đưa vào buồng…
Xe của Quyết đã quay trở lại. Bé Nhung đứng bên ngoài canh cửa lo lắng báo tin "Cúc cu… cúc cu!" mấy lần vẫn chưa thấy mở cửa. Ngó qua khe cửa cũng không thấy động tĩnh. Bé gõ cửa:
- Anh Dũng… Xe ô tô đến đón anh.
Bà Hiền biết không thể giữ con lại, bà đã mang ba lô ra xe cho Dũng. Ngọc soi gương vuốt vội mái tóc theo ra xe tiễn anh.
- Mẹ… Con phải đi… Mẹ hiểu cho con.
Bà Hiền bậm môi nén xúc động. Dũng nhìn mẹ, nhìn Ngọc đầy yêu thương:
- Mẹ… Con dâu của mẹ đấy… Chúng con đã cưới nhau.
Bà Hiền cảm động nắm tay Ngọc. Chiếc xe com măng ca nổ máy. Còi tạm biệt. Bà Hiền, Ngọc, Nhung đứng nhìn theo xe vẫy tay. Từ loa phóng thanh bên đường vang lên bài ca Tiến về Sài Gòn hừng hực khí thế quyết thắng./.

Xem Tiếp: ----