Giọng Giám thị vang lên: Nguyễn Thị Đông Nhi. Kéo lại chiếc áo khoát bên ngoài, tôi bước vào phòng. Bốc xăm. Vị trí thứ 8. Hôm nay là buổi thi cuối cùng. Vẽ chân dung. Mẫu là một cô gái đang ngồi với chiếc áo dài cổ truyền, tóc vấn cao và mắt ngước xa xăm. Một cô gái đậm chất Hà Nội xưa. Nền nã và duyên dáng. Tôi bắt đầu bài thi của mình: quan sát, đo khoảng cách “mẫu”. Đẹp quá! Một khuôn mặt dịu dàng với ánh mắt nhìn xa xăm như trông ngóng, mong đợi. Đôi tay buông dài và dịu dàng đậu trên mép áo. Ánh mắt tôi dừng lại nơi chiếc cổ của “mẫu”. Chưa từng thấy ai có chiếc cổ đẹp như vậy. Cao, trắng ngần, ba ngấn. Quý phái và sang trọng. Bỏ mất thói quen lấy trung điểm là đôi tay khi vẻ chân dung, tôi xoàn xoạt lia những nét vẽ đầu tiên của mình lên giá: chiếc cổ.
Năm bước vào lớp 10, trong một đêm đông mất điện, chiếc đèn treo cao giữa nhà bất ngờ đổ ập xuống người. Vết dầu thấm nhanh vào từng sợi len của chiếc áo. Và phừng cháy. Tôi không muốn nhớ lại. Nhưng đó là một mùa đông hãi hùng nhất cuộc đời. Nằm viện ba tháng. Mẹ khóc. Ba lặng lẽ rít từng hơi thuốc dài. Ngày ra viện cũng là ngày tôi “chết: chiếc gương vỡ toang ngay sau khi tôi lén lút mẹ đem soi. Trong gương, một cô bé nhìn tôi, lạ lẫm. Vẫn trán, vẫn mắt, vẫn mũi, nhưng một dãi thịt lớn được nối liền từ càm đến cổ. Dãi thịt tàn nhẫn kéo cả khoé miệng và khuôn mặt cụp xuống. Xung quanh dãi thịt lớn là những u thịt nho nhỏ. Nham nhở, loang lỗ đầy những đỏ, hồng, trắng, đen…
Tôi nghĩ học một năm. Láng giềng và bạn bè vẫn đến thăm. Không nói. Nhưng nhìn vào mắt họ, tôi đau đớn lắm. Cố thủ trong phòng, tôi bắt đầu mày mò tìm đến với thế giới hội hoạ. Và những bức vẽ ra đời với gam màu xám xịt. Thỉng thoảng, những ánh mắt thương hại lại xoáy mạnh vào lòng đau nhói. Tôi nghiến răng: Không khóc. Sẽ phải học, sẽ phải thực hiện ước mơ làm cô giáo như ngày nào…
Đến trường với tà áo dài tha thướt là niềm ao ước của tôi bổng trở thành “cực hình”. Mẹ kín đáo lấy kích cỡ và may cho tôi những chiếc áo dài với cổ trụ to bảng. Chưa yên tâm, mỗi bước ra đường, tôi lại phải đính kèm theo một số phụ trang nhỏ. Mùa nắng thì áo khoát nhẹ. Mùa lạnh thì áo khoát dày, cao cổ. Rồi những chiếc khăn choàng …Ngày đăng ký dự thi đại học, thấy tôi xăm soi ở phần dự thi ngành Sư phạm, mẹ lặng lẽ bỏ xuống bếp. Ba nói: “ Con có khiếu hội hoạ, hay là thử sức bên Mỹ thuật …”. Tôi hiểu. Một người như tôi thì không bao giờ được “đứng” lớp. Mãi mãi. Ước mơ làm cô giáo hàng ngày dịu dàng lên lớp sẽ không bao giờ thực hiện được.
Năm hai. Tôi vẫn lầm lũi một mình đi về. Để tránh những tiếp xúc với bạn bè, tôi lao vào học như điên. Thời gian biểu không chừa một chổ trống. Sáng lên giảng đường với Kinh tế chính trị, Hoạ cơ bản. Chiều nhảy vào máy tính đến với Đồ hoạ, Không gian ảnh ba chiều. Còn tối: Ngoại ngữ. Đồng hồ vẫn cứ xoay đều đặn, nhịp nhàng. Cho đến một ngày, Anh đến bên tôi: “Chúng mình làm bạn nhé …”
Thật ra, chúng tôi đã biết nhau từ trước. Tình cờ va vào nhau trong một hiệu sách, tình cờ gặp nhau giữa trưa nắng một mình dắt bộ chiếc xe tuộc xích trên đường. Rồi cùng chung bàn góc trái cuối cùng trong một lớp ngoại ngữ. Chừng đó đủ để đánh tan sự nghi ngờ thương hại trong ánh mắt Anh, đủ cho tôi vui vẻ cởi mở lòng mình trong những cuộc trò chuyện. Nói chuyện với Anh vui lắm, Anh học Bách khoa năm 4. Ở trọ. Thích âm nhạc và hội hoạ, nhưng lại chọn ngành xây dựng. “Biết làm sao … cuộc sống đôi lúc là vậy, không phải ai cũng được quyền lựa chọn và đạt được những mong ước của mình”. Những nụ cười hiếm hoi của tôi lại xuất hiện. Tôi vẽ nhiều hơn. Và bắt đầu biết pha những gam màu tươi sáng.
Sinh nhật! Một tay ôm hoa, tay kia cầm dù tôi đến thăm Anh. Dãy nhà trọ một đêm giữa đông vắng lặng. Ghé mắt qua cánh cửa sổ khép hờ, tôi bổng giật mình: Đẹp quá! Một bức tranh hoàn hảo hiện ra: Anh ngồi đấy, giữa đám bạn trai cùng phòng, khuôn mặt tươi rói được phản chiếu dưới ánh sáng của cây đèn cầy độc nhất trông càng ấn tượng. Vài cành hoa dại cắm vội trong chiếc ly cùng bánh kẹo và khói thuốc. Nếu có giá, tôi sẽ vẽ ngay. Tiếng ghi-ta bập bùng cùng tiếng hát cất lên. “Con chim bồ câu bé nhỏ, bay qua vùng trời vùng trời mùa xuân. Tia nắng từ đâu đến ở, long lanh từng ô cửa ô cửa mùa xuân...”. Tôi ngồi xuống chiếc ghế con con ai đó bỏ quên chưa kịp mang vào phòng. Lắng nghe tiếng mưa rơi, tiếng đàn, tiếng hát. Và vu vơ cười. Tiếng hát dừng lại. Một loạt vỗ tay vang lên. “Chúc mừng sinh nhật! Chúc mừng...”. Không khí bổng trở nên rộn rã.
Có tiếng nói: “Sao người đẹp với chiếc áo cổ lọ của mày chưa đến?”.
Rồi tiếng Anh tiếp lời: “Tao có cho biết đâu …”
- “Sao vậy? Yêu đương gì mà kỳ vậy?”
- “Không phải, chỉ là bạn thôi …”
- “Láo toét! Hàng ngày đưa đón, nói nói cười cười…”
Rồi ai đó cười hì hì:
- “Mà mày cũng “dạn” thật …”
- “Thật đấy, đơn giản chỉ là bạn. Chúng mày nghĩ xem, cô ấy cần có thêm niềm tin trong cuộc sống, tao chỉ là kẻ giơ tay giúp đỡ người mù qua đường thôi. Tội nghiệp …”
Tôi không biết mình đã thoát ra khỏi mớ âm thanh hỗn loạn đó khi nào và bằng cách nào. Một mình lơ ngơ giữa phố. Gió bắt đầu nổi lên, từng cơn thét gào, rít qua tai đau nhói. Tôi gương dù. Chiếc dù vặn mình răn rắt. Từng cung dù lật người rồi xuôi mình theo chiều gió cuốn. Mưa bắt đầu rơi. Từng giọt nhỏ tong tong lên đầu. Đau buốt. Nước mưa trườn mình theo tóc. Qua mắt. Bò vòng theo cánh mũi. Đến miệng. Mưa mặn. Mặn chát. Cả thân người tôi sũng nước. Ánh mắt thẫn thờ dừng lại ở bó hoa trên tay. “Người đẹp với chiếc áo cổ lọ”. Tôi đau đớn ngắt từng cánh hoa nhỏ. Nước bắt đầu dềnh lên lai láng trên đường. “Tội nghiệp”. Tôi tung những thân hoa còn sót lại lên cao. Những thân cây mỏng manh dưới cơn mưa nhanh chóng rơi rụng lại xuống mặt đường, theo dòng nước lẹ làng rơi tỏm vào miệng cống đen ngòm gần đấy. Ra sông. Ra biển. Tôi bật khóc thành tiếng: “Tôi không cần sự thương hại. Không cần ….”
Lại một mùa đông dài dằng dặt trong đời.

Xem Tiếp: ----