Mùa Đông năm ấy trong khi Bụt nhập thất gần giảng đường Trùng Các ở Vesali, có mấy vị khất sĩ rủ nhau tự sát ngay trong tu viện. Sau thời hạn nhập thất Bụt được báo tin nầy. Người hỏi nguyên do. Các thầy trả lời là các vị khất sĩ ấy vì quán sát tính vô thường và tàn hoại của thân thể cho nên đã sinh lòng chán ghét thân thể và không muốn sống nữa. Bụt cho triệu tập tất cả các vị khất sĩ trong tu viện lại. Người nói: - Các vị khất sĩ, quán vô thường là để thấy được tự tính chân thực của vạn pháp và đừng bị vạn pháp thao túng và làm cho khổ đau. Quán tính tàn hoại của thân thể cũng có mục đích ấy. Người ta không đạt tới giải thoát và tự do bằng các trốn chạy vạn pháp. Người ta chỉ đạt tới giải thoát và và tự do bằng cách thấy được thực tính của vạn pháp. Có một vài người trong quý vị đã không hiểu được đều đó và đã tìm con đường dại dột của sự trốn chạy và đã phạm vào giới sát. Này các vị! Người giải thoát là người không kẹt vào sự tham đắm mà cũng không kẹt vào vào chán ghét. Tham đắm và chán ghét đều là những sợi dây ràng buộc. Người tự do là người vượt thoát cả tham đắm lẫn chán ghét. Do sự vượt thoát đó, người ấy an trú trong tịnh lạc. Niềm hạnh phúc của người đó không thể nào đo lường được. Những cố chấp về vô thường và vô ngã cũng không có mặt nơi người ấy. Này các vị khất sĩ! Các vị hãy học và hành theo giáo lý tôi dạy một cách thông minh và trong tinh thần phá chấp. Về lại Savatthi, Bụt lại có dịp đạy các vị khất sĩ thêm về vấn đề phá chấp. Tại Savatthi có một vị khất sĩ tên là Arittha cũng đã vì không hiểu được chân ý của lời Bụt dạy mà bị kẹt vào những cố chấp. Trước đại chúng các vị khất sĩ tại tu viện Jetavana. Bụt dạy: “Hiểu giáo pháp một cách sai lạc, người ta có thể đi vào cố chấp, từ cố chấp người ta đi sâu vào sai lầm, gây đau khổ cho mình và cho người. Nầy các vị! Hãy nghe, hiểu và hành giáo pháp một cách thông minh. Như thế giáo pháp mới đưa đến một lợi ích thiết thực. Một người bắt rắn giỏi biết cách dùng một cái cây có nạng và chận vào phía cổ của con rắn và cuối cùng nắm bắt được rắn ở chỗ cổ của nó. Nếu không biết bắt rắn mà nắm lấy rắn ở lưng hay ở đuôi thì người có thể bị rắn quay lại cắn tay. Học hỏi giáo lý, cũng phải học hỏi thông minh như là bắt rắn vậy. Này các vị! Giáo lý là phương tiện chỉ bày chân lý, đừng chấp phương tiện là chân lý. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng. Không có ngón tay ấy thì quý vị không biết hướng của mặt trăng, nhưng nếu quý vị nhận lầm ngón tay là mặt trăng, thì vĩnh viễn quý vị không thấy được mặt trăng. Giáo lý là chiếc bè đưa người sang sông. Chiếc bè rất cần thiết, nhưng chiếc bè không phải là bờ bên kia. Một người thông minh khi sang tới bờ bên kia rồi không bao giờ dại dột đội chiếc bè lên đầu mà đi. Này quý vị! Giáo pháp tôi dạy là chiếc bè đưa quý vị vượt qua bờ sinh tử. Quý vị phải sử dụng chiếc bè để qua bờ sinh tử mà không nên nắm giữ chiếc bè. Quý vị cần hiểu rõ ví dụ này để đừng bị kẹt vào giáo pháp, để có khả năng buông bỏ được giáo pháp. Này quý vị! Giáo pháp còn cần được buông, huống hồ là giáo pháp hiểu sai. Giáo pháp hiểu sai không phải là giáo pháp. Nầy quý vị, tất cả những giáo pháp mà quý vị đã học như tứ diệu đế, bát chánh đạo, tứ niệm xứ, thất giác chi, vô thường, vô ngã, khổ, không, vô tướng, vô tác... tất cả những giáo pháp quý vị phải học hỏi và thực tập một cách thông minh và khôn khéo. Hãy sử dụng những giáo pháp ấy để đi tới giải thoát, nhưng đừng bị kẹt vào những giáo pháp ấy”. Trung tâm tu học của ni chúng tại Savatthi đã có đến năm trăm vị nữ khất sĩ. Trung tâm này thường thỉnh Bụt và các vị cao đức từ Jetavana tới giảng dạy. Đại đức Ananda được Bụt giao cho trách nhiệm công cử các vị giảng sư cho ni chúng. Một hôm đại đức đề cử đại đức Bhanda. Đại đức Bhanda là người có thật tu, có chứng đắc, nhưng đại đức không rành về chuyện diễn giảng, nhưng đã được chỉ định, đại đức phải vâng lời. Ngày hôm sau, sau khi đi khất thực, đại đức ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Thọ trai xong, đại đức đi về phía nữ tu viện. Đại đức được các ni sư đón tiếp niềm nở. Ni sư Gotami thỉnh đại đức lên pháp tọa. Lên pháp tọa, đại đức Bhanda chỉ đọc vỏn vẹn một bài kệ: An trú trong tĩnh mặc Thấy Pháp, trở về nguồn Không hận thù bạo động Niềm an lạc trào tuôn Điều phục được kiêu mạn Sống an hòa chân thật Vượt ra ngoài ái nhiễm Là niềm vui lớn nhất. Đọc xong bài kệ, đại đức im lặng đi vào đại định. Bài thuyết pháp của đại đức chỉ có mấy chục tiếng nhưng đạo phong của đại đức Bhanda đã làm cho các ni sư hoan hỷ. Một số các vị ni sư còn trẻ thấy bài thuyết pháp ngắn quá, liền bạch với vi sư Gotami xin đại đức nói thêm. Ni sư Gotami chìu họ, tiến lên làm lễ đại đức Bhanda và chuyển lời thỉnh cầu của các ni sư trẻ. Nhưng đại đức chỉ lập lại một lần nữa bài kệ trên rồi bước xuống pháp tọa. Câu chuyện nầy mấy hôm sau được trình lên Bụt. Có vị đề nghị là nếu cần cử vị giảng sư cho ni chúng thì nên cử những vị có biện tài nhiều hơn đại đức Bhanda. Bụt dạy: thực chứng là điều căn bản nhất. Vị giảng sư có thể ít dạy bằng lời nhưng dạy nhiều bằng đạo phong của mình, và người căn dặn là vị giảng sư cho ni chúng phải được công cử bởi đại chúng. Một buổi trưa đi khất thực về, Bụt không thấy Ananda đâu cả. Người hỏi đại đức Rahula xem thầy có biết thầy Ananda ở đâu không. Rahula trả lời là không biết. Một vị khất sĩ cho biết là thầy thấy thầy Ananda đi khất thực ở một xóm nghèo trong giới những người hạ tiện không giai cấp. Thầy lại nói lâu nay thầy vẫn thấy đại đức Ananda lui tới xóm ấy để khất thực. Nghe nói thế, Bụt nhờ vị khất sĩ này đi tìm thầy Ananda. Vị đại đức đi hỏi thăm và tìm được thầy Ananda về. Đại đức cũng đem về theo những vị thí chủ của thầy Ananda. Đó là cô Prakriti và bà mẹ của cô. Thầy Ananda đã được mời lại thọ trai tại nhà này, và hai mẹ con đã tìm cách lưu thầy ở lại. Bà mẹ của Prakriti đã cho thầy uống một thứ nước lá cây lạ khiến đầu óc thầy choáng váng, tay chân thầy như bủn rủn và thầy không còn đủ sức đứng dậy ra về nữa. Lúc ấy Bụt đang nói pháp thoại cho các vị khất sĩ. Đại đức Ananda thuật lại cho Bụt nghe là cô Prakriti đã đem lòng thương đại đức, và đại đức đã tìm mọi các giảng giải để cô từ bỏ mối tình tuyệt vọng đó đi, nhưng đại đức chưa thành công. Đại đức cầu xin Bụt giúp đỡ đại đức. Theo thầy Ananda kể thì một hôm trên đường đi khất thực về, cảm thấy khát nước, thầy đã ghé vào một cái giếng trong xóm để giải khát. Hôm ấy chỉ có một mình cô Prakriti đang múc nước ngoài giếng. Prakriti tuy là một cô gái thuộc dòng hạ tiện, nhưng nhan sắc rất mặn mà. Thầy Ananda ngỏ ý xin cô nước uống. Cô không dám đứa nước cho thầy, nói rằng cô thuộc về ngoại cấp, không có quyền cúng dường nước cho thầy, sợ làm ô uế thầy. Ananda bảo: - Tôi đâu cần xin địa vị hay giai cấp trong xã hội. Tôi chỉ cần xin nước uống thôi. Cô cứ cho tôi uống nước đi, đừng sợ. Prakriti liền đưa nước cho thầy Ananda uống. Cô chưa thấy một người đàn ông nào đẹp trai, hiền hậu và ăn nói dịu dàng như thầy. Từ giờ phút đó cô đem lòng thương thầy. Tối đến cô không ngủ được, cứ nằm nghĩ đến thầy. Cô thường ra giếng nước ngồi đợi hàng giờ, mong mỏi được gặp thầy cho đỡ bớt nỗi nhớ niềm thương. Prakriti đã từng bàn với mẹ mời thầy Ananda về nhà thọ trai mấy lần. Thầy đã nhận lời tới thọ trai tại đây hai lần, nhưng sau đó thấy được niềm đam mê của cô nên thầy đã tránh và đã từ chối. Cô Prakriti đau khổ vì tình, người cô càng ngày càng ốm xanh đi. Bà mẹ hỏi mãi, cô mới thú thật là cô yêu thầy Ananda và muốn thầy Ananda ra đời để cưới cô. Bà mẹ la cô, nói đó chỉ là cuồng vọng, nhưng cô nhất quyết nói rằng nếu không lấy được thầy Ananda thì cô sẽ chết. Cuối cùng bà mẹ của cô, vốn thuộc về dòng Matanga có biết ít nhiều về bùa chú và ma thuật, đã tìm cách cho thầy uống nước một thứ là lạ để cho thầy mất minh mẫn mà đáp lại mối tình nồng nhiệt của con gái mình. Sáng hôm nay bà đã đón đường thầy, và cầu khẩn thầy ghé nhà thọ trai một lần chót. Thầy đinh ninh hôm nay sẽ có cơ hội giảng rõ cho hai mẹ con về đạo lý để họ buông bỏ thầy, nhưng chưa kịp làm việc ấy thì thầy đã uống nhằm thứ nước trà quái đản kia. Uống xong thầy biết ngay là mình cần phải ngồi lại để thực hành phép quán niệm hơi thở. Thầy ngồi yên trong tư thế kiết già như thế rất lâu, dùng khí công để giải tỏa chất ma tuý cho đến khi được Bụt phái người đến triệu về. Bụt gọi Prakriti tới gần. Người hỏi, giọng rất hiền lành: - Con thương thầy Ananda lắm phải không? Prakriti bạch: - Con thương thầy Ananda lắm. - Con thương cái gì nơi thầy Ananda? Con thương hai mắt, cái mũi hay là cái miệng của thầy? - Con thương hết những gì nơi thầy Ananda. Mắt con cũng thương, mũi con cũng thưong, miệng con cũng thương, giọng nói con cũng thương, dáng đi con cũng thương. Bạch sa môn, con thương hết tất cả những gì nơi thầy ấy. - Ngoài hai con mắt, cái mũi, cái miệng, giọng nói, dáng đi và cái nhìn, thầy Ananda có nhiều cái đẹp khác mà ta nghĩ là con chưa biết và con chưa thương. - Bạch sa môn, ví dụ như cái gì? - Ví dụ như lòng thương của thầy Ananda, con có biết thầy Ananda thương gì không? - Con không biết. Con chỉ biết là thầy Ananda không thương con. - Con lầm rồi. Thầy Ananda có thương con, nhưng không thương theo kiểu con muốn thầy Ananda thương. Con biết không, thầy Ananda thương cuộc sống giải thoát, tự do và an lạc. Do sự giải thoát và tự do mà thầy Ananda thường mỉm cười và thầy thương được mọi người và mọi loài, và thầy muốn đem đạo lý giải thoát để dạy cho mọi người, để mọi người có thể có tự do và an lạc như thầy. Thầy Ananda thương lý tưởng giải thoát của thầy, thầy ấy cũng thương mọi người và mọi loài, vì tình thương ấy đi đôi với giáo pháp giác ngộ và giải thoát cho nên thầy Ananda tuy thương mà không bị sầu khổ và thất vọng như con thương. Nếu con thật sự thương thầy Ananda, thì con cũng thương cái tình thương ấy của thầy, để cho thầy có thể tiếp tục sống đời sống phạm hạnh giải thoát và tiếp tục soi sáng được cho mọi người. Nếu con biết thương như thế thì con đâu có bị sầu khổ và thất vọng. Sở dĩ con thất vọng và sầu khổ vì con chỉ muốn chiếm thầy Ananda cho riêng một mình con. Tình thương ấy ích kỷ. Con phải học thương như thầy Ananda thương mới được. Prakriti ngước lên nhìn Bụt: - Bạch sa môn, con phải học thương như thế nào? - Thương như thế nào để con có hạnh phúc mà thầy Ananda cũng có hạnh phúc. Thầy Ananda như một cơn gió mát. Nếu con cố ý nhốt cơn gió mát ấy lại trong cái ngục tù của tình thương nhỏ bé thì cơn gió mát ấy sẽ chết và không ai được hưởng sự mát mẻ của nó, trong đó có cả con. Vậy con thương một ngọn gió mát như thế nào thì con cũng thương thầy Ananda như thế đó. Prakriti, nếu con biết thương thì chính con, con cũng có thể trở thành một cơn gió mát. Làm dịu đi nỗi nóng bức của bao nhiêu người. - Bạch sa môn, xin người chỉ dạy cho con. - Con có thể làm như đại đức Ananda, con có thể sống cuộc sống giải thoát an lạc như thầy và con cũng có thể đem niềm vui tới cho mọi người như thầy. Con có thể xuất gia tu học như thầy Ananda. - Thật như thế hả, bạch sa môn? Con có thể đi xuất gia hả? Con là người hạ tiện, không có giai cấp... - Điều đó, ở trong giáo đoàn khất sĩ không có ai nghĩ tới cả. Trong giáo đoàn ta, có những vị khất sĩ xuất thân từ giới ngoại cấp. Đại đức Sunita mà quốc vương Panesadi rất trọng vọng đó là một người xuất thân từ giới ngoại cấp. Nếu con xuất gia tu học thì con sẽ là vị nữ khất sĩ đầu tiên xuất thân từ giới không có giai cấp. Nếu con bằng lòng, ta sẽ nhờ ni sư Khema làm lễ thế phát cho con. Prakriti sung sướng lạy xuống. Cô cầu Bụt cho cô được xuất gia tu học. Bụt phú thác Prakriti cho ni sư Khema, hôm ấy cũng có mặt trong buổi pháp thoại. Ni sư Khema đưa Prakritit đi rồi. Bụt nhìn Ananda rồi bảo đại chúng: - Các vị khất sĩ, giới thể của thầy Ananda còn nguyên vẹn, nhưng tôi muốn các vị cẩn thận hơn trong lúc giao tiếp. Nếu chúng ta luôn an trú trong chánh niệm thì chúng ta có thể thấy được rất sớm những gì đã và đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Nếu thấy được sớm, ta sẽ sớm có những biện pháp để đối trị và tiếp xử với hoàn cảnh. Trường hợp của Ananda chỉ là trường hợp của định lực còn non yếu. Thực hiện chánh niệm trong từng giây phút của đời sống hàng ngày đó là phương cách nuôi dưỡng định lực hay nhất. Một khi định lực đã vững mạnh thì cái thấy của ta sẽ sáng và hành động của ta sẽ kịp thời. Định và tuệ đi với nhau, định và tuệ bao hàm nhau, định và tuệ là một. Các vị khất sĩ! Đối với giới phụ nữ, các vị nên tạp quán sát như sau. Với những người lớn tuổi, ta xem họ như mẹ, hoặc như chị của chính ta, với những người nhỏ tuổi hơn, ta xem họ như em hoặc như con của chính ta. Những vị khất sĩ còn nhỏ tuổi mới bước vào đường đạo nên cẩn thận hơn nữa trong lúc tiếp xử với phụ nữ. Sự dịu dàng của người phụ nữ có thể đưa đến những trở ngại của sự tu học. Hãy hạn chế sự tiếp xúc. Cần tiếp xúc mới tiếp xúc, khi tiếp xúc chỉ nên trao đổi những lời thật sự cần thiết có liên hệ tới sự học hỏi và hành trì giáo pháp. Được Bụt chỉ dạy cặn kẽ, các thầy khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.