Ông Sĩ Duệ tức Sĩ Thái sư của xóm Chùa lâu nay sinh lẩn thẩn tợn. Sau lưng ông có kẻ đã cười chế giễu: “Lão ẩm IC rồi!”.
Đừng lầm. Là ông đang loay hoay tìm đường đi nước bước trong tình thế mới thôi. Loạn nhà, loạn xóm, không tính kỹ thì toi. Tâm can Sĩ Thái sư ngày đêm nung nấu. Nghe thiên hạ kháo nhau chuyện chục cây, trăm cây, càng phát điên đầu. Ai cũng bảo phải có bước nhảy vọt, phải nhảy mới hòng phất lên được. Nhưng dân xóm Chùa nhiều gia cảnh chưa xong buổi sáng đã lo bữa tối, bảo nhảy ra sao? Khéo chỉ nhảy cỡn.
Sĩ Thái sư bụng bảo dạ: Trước tiên cần một chỗ tĩnh mịch để suy nghĩ đã. Đức Phật cũng cần một gốc bồ đề khuất nẻo ngồi tĩnh toạ mới khai minh được. Ông đã chọn sẵn một nơi.
Sáng sớm Sĩ Thái sư giành lấy con bò trong tay cu Tin, cháu đích tôn ông.
- Hôm nay cho mày nghỉ. Thằng bố mày... ba đời úp mặt mông bò chưa chán hử?
Thằng bé chỉ tròn mắt ngó. Bố nó đã dặn dạo này ông giở chứng già, mọi người không ai được trái ý ông. Đấy, ông đi mà chăn!
Sĩ Thái sư thủng thẳng dắt bò ra đồng, tới thẳng khu lăng Ngài, nơi một thảm cỏ non ngút mới mọc. Sớm quá, mới có cu Bơ với con bò đực nhà nó.
Thoáng đãng thật, Này trời, này đất, này thằng mình... Tha hồ nghĩ ngợi. Một nỗi buồn rất khẽ và rất yên lành lẩn quất trong không gian hây hẩy gió.
- Mày làm gì đấy cu Bơ?
Giọng ông hứng lên, gây sự. Cu Bơ giơ con sâu khoai khoe:
- Con Đông Tây, ông xem này.
- Con phải gió ấy tao lạ. Cái giống mất lập trường!
- Sao lại mất lập trường?
- Chả phải bảo Đông nó cũng gật, bảo Tây nó cũng ừ đấy à? Xoay tứ phía, gật tứ phía... Rõ khéo! Cu Bơ bĩu môi nghĩ thầm: “ông hâm đại tướng!” Cầm con sâu khoai nó ve vẩy đi ra sau lăng, nơi con bò đực cất giọng thoả mãn gọi nó: “Bơ... ơ... “.
Sĩ Thái sư ngồi vắt chân chữ ngũ trên mẫu tường đổ yên ắng quá. Tựa hồ xóm Chùa bỗng lùi về một thế giới khác. Tựa hồ ông đang ở thế giới này suy nghĩ xem vì sao xóm Chùa ở thế giới kia cứ nhắng nhít rối tinh rối mù lên. Nào hết cấm vận đến nơi, nào kinh tế thị trường quốc tế, nào liên doanh thương mại thế mạnh...
Khốn nạn, cái vạt đất tí hin bị bỏ quên sau mấy luỹ tre, mơ ước hào hoa nhất chỉ là nồi cơm Thạch Sanh cả làng ăn không hết, chuyện tinh tướng bốc giời nhất cũng chỉ chuyện củ khoai to bằng cột đình... Cứ ra cái điều!
Gạo vẫn đang lên đấy. Hai tháng nay gạo chót vót ở cữ hai ngàn hai. Sờ lên gáy khắc biết xóm Chùa chưa thoát khỏi thời “quy ra gạo”.
Quy ra gạo tất. Xóm Chùa có một cô gái lai Tây. Thị xuất xứ từ một cuộc chạy giặc chậm chân của người đàn bà quê mùa với tên lính viễn chinh Ma-rốc nhanh nhẹn. Sinh ra, thị được đặt tên là Mừng. Còn mừng nữa chứ! Nhưng cái chất trái khoáy nghe mãi thành quen. Tuổi dậy thì Mừng cũng ưa nhìn, bộ ngực bề bộn, nước da ngăm nâu, hai háng nở căng, cứ hực lên sức sống của xứ sở hoang dại. Vậy mà giai làng chỉ ngắm từ xa, tịnh không ai dạm hỏi. Máu kỳ thị dân tộc ở xóm Chùa xem ra cũng mạnh mẽ lắm.
Thì cứ việc kỳ thị. Đã thế Mừng sống nhơn nhơn, bất cần đời. Mừng đi tỉnh như đi chợ, thỉng thoảng lại đẻ một đứa con không bố. Cái khoản lãi suất đó dễ kiếm. Thị là người đàn bà duy nhất ở xóm Chùa dám đường hoàng hút thuốc lá, dám mặc một cái áo ngủ kiểu tỉnh. Cái áo ngủ màu đỏ cháo lòng ai thải ra cho, nhưng nó vốn mỏng lắm, kiểu cách lắm, lại có mẩu đăng-ten, nó dính vào người thị bằng cả sự bợ đỡ của nó. Với cái áo ngủ ấy sáng sáng thị trưng diện, đứng vặn vẹo thể dục bên cạnh căn lều rách gần điếm làng, hệt một tiểu thư quý phái. Thiên hạ đi làm đồng qua đều được chiêm ngưỡng. Có thể nhiều anh đàn ông xóm Chùa nuốt nước miếng, nhắm mắt khi đi qua căn lều rách... Cố giữ cho máu kỳ thị khỏi sôi lên. Ai chẳng điên tiết!
Rồi đùng một hôm vỡ chuyện “quy ra gạo”. Anh chàng Khải Khẹc mắt toét, cán bộ văn hoá xã, ông chủ mẫu mực của gia đình gồm một vợ bốn con, xưa nay được tiếng chững chạc, sáng hôm ấy bị một bữa mất mặt. Duyên do Mừng vác rá sang đòi nợ gạo. Còn đang dùng dằng tính toán, người đòi năm kẻ bảo ba, chẳng ngờ vợ Khải Khẹc đi làm đồng bỗng về nữa buổi bắt gặp. Chị ta sửng sốt túm lấy Mừng, lu loa gọi cả làng đến chứng kiến. Làm sao thóc gạo đầy buồng thế kia, phải đi vay con đĩ thập thành chết đói hở giời. Vay bao giờ, vay mấy bơ, làm sao phải vay? Anh chàng Khải Khẹc mặt ngây thộn, đỏ tựa xát lá han, chúi một xó không dám đối chứng. Rình lúc mọi người sơ ý Khải Khẹc đánh liều phóng ra khỏi buồng tháo chạy. Mừng ức quá la toáng lên:
- Thằng khốn kia, mày chạy làng hả? Mày sấp mặt với bà ba lần chứ ít, miệng mày ngoen ngoẻn hứa quy ra năm bơ, nay mày định quỵt bà hở? Bà thách mày quỵt đấy...
Lúc ấy các bà vợ xóm Chùa mới giật mình, ngấm ngầm kiểm tra hạt gạo ở nhà. Rồi các bà giật mình cái nữa. Xưa nay chưa ai thấy thị Mừng đong gạo ngoài c hợ cả!
Mong sao cái xó “quy ra gạo” được sống êm đềm như thời chưa có tiền tệ.
Quãng ba năm trước xuất hiện hai anh chàng ở tỉnh về đo đạc ngắm nghía đất cát. Họ đóng những cái cọc xuyên qua xóm Chùa. Họ bảo con đường cao tốc do nước ngoài đầu tư ngoại tệ xây dựng sẽ chẻ dọc xóm Chùa làm hai. Ai cũng ngờ vực. Ôi dào, cao thấp gì ở nơi hủ nút này. Chuyện ồn ào một dạo rồi lịm tắt như tất cả mọi tin vịt khác, dù những cái cọc đóng sờ sờ đấy. Vài tháng sau cọc thành củi đun, cọc thành cột buộc bò, tiện tay ai người nấy rút.
Đầu năm nay cả làng giật mình bừng tỉnh khi thằng Hà bán đầm mực. Một vụ mua bán động trời.
Thường dân xóm Chùa đều có tên kép. Hà có tên Hà Mai-lơ. Một hôm Hà Mai-lơ đang tìm vặt nắm lá phèn đen cho vợ ốm bổng nó thấy ba người đàn ông dắt xe máy đi vào làng.
- Anh gì ơi, cho hỏi thăm với. Ở đây có ai bán đất bán nhà không anh?
- Các ông mua nhà đất thế nào, tôi chưa rõ.
- À, bọn mình có mấy cơ sở sản xuất đang cần mua mặt bằng mở rộng. Cần gấp đấy. Nhà đất to nhỏ, rộng hẹp, đều có việc tất. Anh biết giới thiệu giúp, bọn mình sẽ có khoản chi xứng đáng cho anh.
Hà Mai-lơ vừa đi làm thợ xây trên tỉnh, nó ranh lắm, ngửi ra luôn mùi vị câu chuyện. Sau một hồi thăm dò, nó dẫn ngay đến Đầm Mực đầu làng rao bán. Nó hét giá thật cao để đùa chơi. Ai dè đám kia thoả thuận luôn. Đang cần tiền đánh bạc. Hà Mai-lơ liền đưa họ vào nhà lão Hớn cạnh đường viết giấy cam đoan và đòi ít tiền đặt cọc. Nó hứa vài hôm sẽ lo xong dấu má văn tự nhượng bán cho họ. Người mua kẻ bán đều hỉ hả.
Tiền đã xếp trước mặt. Đúng lúc ông nọ đang xin chữ ký ông kia làm tin thì bị phát hiện. Người ta túm cổ bốn ông lôi tới Uỷ ban.
Làng ngớ ra. Chuyện tựa sét đánh ngang tai. Việc Hà Mai-lơ dám cả gan gạ bán đầm mực của làng không quan trọng bằng nổi thắc mắc: Vô cớ thiên hạ mò về xóm Chùa mua đất với giá cắt cổ thế? Mà vội vã như ăn cướp thế?
Thôi chết, nhớ ra rồi. Đường cao tốc! Không phải đường cao tốc cứ đem đầu tôi đi mà chặt!
Nửa tháng sau quả nhiên làng mắc dịch “sốt đất”. Con đường cao tốc bị lãng quên giờ như thể đã nằm chình ình qua xóm Chùa. Con cả lão Tự nghệch chém vỡ đầu thằng thứ hai, tranh nữa thước đất bên cạnh con đường cao tốc vô hình. Bốn nhà vẫn chung ngõ đi bỗng om sòm đánh nhau chia bôi đường biên giới. Ai cũng cố ngoi ra mặt đường. Đất mặt đường đắt như vàng, anh nào mạnh chân sẽ kiếm bẫm. Bà cụ Lãng kiện con rễ, đòi lại cái chuồng trâu đã cho con gái làm hồi môn từ hai chục năm trước. Mụ Chiu xắn váy rách rao bán hàng trăm triệu cái ao tù toen hoẻn cuối xóm. Còn đang rối tinh với nhau đã thấy nhà Quảng ầm ầm chở hai vạn gạch về. Hỏi ra mới biết nhà nó xoắn đôi sào vườn bán cho dân ngoài tỉnh. Từ bé nó phải ăn bữa cơm bữa cháo, nay nó xây nhà gạch hai tầng ốp đá cho cả làng biết mặt.
Không ai thiết làm ăn gì nữa, chỉ nháo nhác chuyện mua bán đất. Cứ một người lạ xuất hiện ở đầu làng, lập tức người nọ theo chân, người kia ướm hỏi. Ai có bà con quen biết ngoài tỉnh đều lao ra dắt mối. Nhà nào cũng cố co lại thật bé, thật hẹp để dư tí đất bán. Giá co được bằng con rận thì thích. Thế mới thật đổi đời. Gặp vận may một phút lên ông, một phút có quyền coi thằng hàng xóm bằng ngoé.
Nhưng cơn sốt đất đang lúc sắp nung ròn xóm Chùa, bổng làng bị một gáo nước lạnh giội xuống. Người ta kháo nhau xã Bồ Đa mới rồi cũng có đoàn đo đạc về cắm mốc. Đường cao tốc chệch sang xã ấy cơ. Tận mắt anh chàng Khải Khẹc đi xem hàng cọc mốc giới về, anh chạy khắp làng thậm thụt xui người này bán phứa đất cho nhanh, kẻo vỡ chuyện sẽ sụt giá. Họ còn đồn có công ty Đài Loan mở hàng nước ngọt trên đất Bồ Đa nữa. Người tứ xứ đang đổ xô sang đất Bồ Đa. Người Bồ Đa hôm nay bán năm chỉ một mét vuông đất.
Giời ôi, cơ hội ngàn năm có một, đợi phút này nhảy vọt để chơi với đời lại bị hẫng ư? Những ai chưa kịp bán đất, bán nhà ủ dột rầu héo ruột gan. Ông Ba Sính choảng vợ một trận nên thân bởi bà Ba cứ chờ cao giá hai thước vườn xoan mãi. Cho chết: Giả dụ bán phắt lấy dăm mười cây, làm dấn vốn phất lên, đầu tư vào xay xát, vào vườn ao chuồng, rồi cho thằng cả mua xe lam chạy chợ... Bằng trúng số độc đắc. Con mụ bổi nó giết ông. Giờ ăn cám nhé.
Khi đã bớt choáng váng người ta mới hỏi nhau! Tại sao đường cao tốc lại chạy sang bên Bồ Đa? Bên mình đã đóng cọc từ ba năm trước cơ mà. Dễ chừng mấy thằng đo đạc chơi quả lừa chăng? Nay chúng vác thước rêu rao đường cao tốc qua lối này, mai lại vác thước đo đạc lối khác. Hoặc chúng được bọn con buôn thuê mướn làm động tác giả để dân hoang mang không biết đâu lường trước, rồi bọn con buôn lừa dịp mua rẻ bán đắt. Ức quá, phải tóm cổ mấy thằng xỏ lá đần cho sặc tiết, xem đường cao tốc chính thức qua đâu, chứ lại chịu chúng bịp ư?
Người đau nhất phải kể đển lão Hớn, ông bạn già chí cốt của Sĩ Thái sư. Lão Hớn chuyên sản xuất tiền vàng, đô-la âm phủ. Lão nghèo nhưng dám bắt chước vua lấy hẵn bốn vợ, một vợ chết còn ba, cộng mười hai đứa con cả thảy. Cái khối cộng đồng không liên kết này rất phức tạp, do đó nền kinh tế nhà lão thuộc khu vực chậm phát triển nhất xóm. Giỏi xoay như lão nhiều lúc cũng phải ôm đầu kêu la: “Sung sướng thân tôi chưa? Mỗi ngày làm bốn thúng đô-la không đủ cho các ông các bà ngốn. Cứ trông hết vào thằng già còng lưng tịnh không ai đỡ đần gì cả ư?”. Lão kêu ai? Hình như lão Hớn thích lấy vợ đần, cốt được cái đẻ khoẻ, và lão Hớn thích sinh những đứa con đần, cốt được cái tài văn cháo quanh năm. Lão còn kêu ai?
Lão Hớn đã phân chia vương quốc thành hai cơ ngơi. Nhà trên lão ở với thứ phi thứ tư đồng thời làm nơi sản xuất. Nhà ngang cho hai ái phi còn lại ở hai buồng kề nhau. Số hoàng tử công chúa chia đều các diện tích ở xen kẽ, không phân biệt.
Vừa dậy lên chuyện đất cát lão Hớn đã ra lệnh cho cả ba bà phi thu gom dân cư lên hết nhà trên. Lão cắt nhà ngang cùng nửa khoảng sân bán nghiến cho một gã buôn ngoài tỉnh. Lão bảo:
- Mình nhanh chân làm trước thiên hạ mới giỏi. Chờ lúc ai cũng đua nhau bán, rồi rẻ hơn bèo.
Được ba cây vàng, lão Hớn mừng tưởng phát cuồng. Lão định bụng dùng tiền bán nhà mua một nơi xa hẳn cho hai bà vợ khuất mặt đi, khỏi sinh sự với bà ba. Đánh đổi nơi ở, vẫn dư được dăm chỉ làm dấn vốn, trúng quá!
Nhưng lão lầm. Mới nữa tháng sau giá nhà đất vọt lên cao chưa từng thấy. Lão cùng ba bà vợ chạy rạc cẳng khắp vùng không tìm đâu được mẫu đất giá ba cây. Khu nhà đã bán cho gã ngoài tỉnh giờ phải lên mười cây mới chuộc được.
Lão Hớn chết nữa phần hồn. Nửa phần kia cũng không hơn. Mười sáu nhân mạng chen chúc trong hai chục mét vuông, chỉ những và mặt nhau cũng đã đủ lộn ruột.
Lại thêm tiếc của, tiếc đến hộc máu. Mất dứt dăm bảy cây. Tuy ba bà phi không dám ra mặt chì chiết lão nhưng cả ba đều sưng sỉa tranh thủ dùng các điển tích cạnh khoé.
Ngày gã ngoài tỉnh bán trao tay khu nhà ngang lấy mười ba cây, lão Hớn ngã bệnh, cấm khẩu. Nay lão đã qua cơn nguy kịch, gượng ngồi được rồi. Nhưng không ai dám hở cho lão biết tin rằng: trong lúc lão thập tử nhất sinh, ba cây vàng lão giấu dưới gối đã biến mất.
Sở dĩ lão ngồi lên được cũng nhờ tin đường cao tốc qua bên Bồ Đa. Lão Hớn đã trút nửa cơn bệnh cho thằng cha mua mười ba cây khu nhà lão. Thằng cha nhanh nhảu ấy phát ốm, tuy chưa đến nổi cấm khẩu.
Sĩ Thái sư rất thương tình cảnh lão Hớn. Ông được các bà phi nhà lão giao phó nhiệm vụ tham gia việc báo tin chuyện mất ba cây vàng. Lựa thế nào cho lão khỏi lăn đùng ra...
- Bơ ơi!
- Gì cơ?
- Mày trông hộ bò tao cái. Tao tới thăm lão Hớn, chốc về ngay.
- Trưa cháu phải về sớm đi học.
- Ừ, nhát thôi.
Sĩ Thái sư thả hai gấu quần xắn, tay chắp sau lưng lững thững bước. Cái roi bò ông vẫn cầm trên tay hất lên hất xuống dưới mông ông chẳng khác cái đuôi ngoe nguẩy. Thằng Bơ bật cười nhớ lần được xem ông đóng vai Thái sư trên sân khấu, ông cũng cầm quạt lông hất hất kiểu đó.
Tới nhà lão Hớn, Sĩ Thái sư nhìn hàng tường gạch mới xây cắt đứt ngang sân, màu gạch đỏ au, ông chợt rầu rĩ ái ngại. Trong nhà hôm nay sao lặng lẽ thế? Ông đánh tiếng:
- Ông Hớn đã khoẻ chưa?
- Ông vào chơi - Tiếng lão Hớn khàn khàn vọng ra - Đang mong ông quá.
- Đi đâu cả thế này?
- Ấy đấy...
Căn nhà ngập ngụa quần áo, đồ dùng. Đám quần thần của lão Hớn từ lớn chí bé nửa đêm đã hò nhau dậy, sang Bồ Đa làm tạp dịch. Cơn sốt nhà đất bốc lửa bên đó giờ thu hút đám lao công rẻ mạt xóm Chùa. Khối việc: đào đất, san nền, chuyền gạch cát... Khi người ta rủng rỉnh trăm cây, chục cây, giá cả đỡ riết róng. Dân xóm Chùa tự khắc kéo nhau sang làm mướn cho dân Bồ Đa.
Lão Hớn chìa ống tay chỉ có da bọc xương, kể lể:
- Chân tay còn run lắm, chưa làm được. Mà tôi đã nghĩ, lũ đần độn ấy thất nghiệp ráo. Nhào sang Bồ Đa mấy hôm nay rồi.
Ngồi đối diện trên chõng, Sĩ Thái sư lặng lẽ ngắm lão Hớn. Gầy tợn, không chổ nào còn thịt. Cái sọ vàng ệch gồ lên dưới mấy sợi tóc lưa thưa. Trong lúc ba bà phi của lão tuy sứt mũi, vổ răng, xấu xí chẳng bà nào thua bà nào, nhưng bà nào cũng một rổ ngực, một rổ mông. Thế chả trách.
- Chóng khoẻ lên kẻo âm phủ dạo này thiếu tiền mặt lắm. Ông ốm làm cho thị trường dưới ấy mất giá. Phải sản xuất cấp tập đi. Diêm vương không sợ nạn lạm phát đâu nhé.
Ông Sĩ Duệ bỡn cợt lão bạn già. Lão Hớn kéo cái cười đáp lễ thành một tiếng rên khẽ.
- Vâng... âng, ông nói giúp với anh cả trổ hộ tôi một khuôn năm mươi ngàn và một khuôn hai mươi ngàn nữa.
Anh cả con ông Sĩ Duệ thường nhận giúp lão Hớn những việc kỹ thuật như trổ khuôn, vẽ mẫu... Anh học dỡ dang một khoá hội hoạ nghiệp dư trên tỉnh, dù vậy cũng thừa vốn làm nghệ thuật ở xóm Chùa, từ truyền thần, phông cưới đến sơn quan tài v.v...
- Ông lại thay khuôn ư? Đừng vẽ, cứ khuôn năm ngàn mà in. Thế tất người ta càng phải mua nhiều cho ông.
Lão Hớn khẽ nhăn mặt.
- Thiên hạ chỉ đốt cho bố mẹ loại tiền âm phủ cao nhất, như thói quen các cụ tích tiền trên trần. Nhà nước mới phát hành loại bạc năm mươi ngàn, mình phải theo ngay. Phép dân buôn, không chạy kịp thị trường thì chết.
- Rắc rối đấy nhỉ. Ông đã quyết thế, tôi sẽ bảo cháu sang. Nhưng ông đã thật khoẻ đâu.
Lão Hớn lại nhăn.
- Cũng phải nhúc nhắc thôi, ông ạ.
Rời khỏi nhà lão Hớn, đầu óc Sĩ Thái sư tự nhiên không níu giữ được suy nghĩ nào mạnh lạc, ông đành để nó lông bông tuỳ thích.
Mẹ bố thằng Bơ, kia kìa, nó đã dong bò về. Biết không thể lẩn được, cu Bơ nhanh nhảu thanh minh.
- Cháu về đi học. Cháu gởi bò ông cho ông Bản đới.
Ông lườm nó.
- Nhót ra trường sớm làm giặc hử?
Cu Bơ nguýt lại nhưng không dám cãi. Thì cứ sờ cái đầu trọc đầy sẹo xem oan không?
Lão Bản cũng ngồi vắt vẻo trên mẩu tường đổ. Cả người lão chui tọt trong tấm áo bốn túi lính ngụy, dài chấm đầu gối, y hệt con bù nhìn ruộng dưa. Để thiên hạ quên sự loắt choắt của mình, động tí lão trợn mắt phồng mang, mà bẻo lẻo suốt ngày, không chuyện kín hở gì của xóm Chùa lão không biết.
Vừa thấy mặt Sĩ Thái sư lão Bản rung rung đùi hỏi độp luôn:
- Này, ông nghe nó sắp thiến làng chưa?
Sĩ Thái sư ngớ ra.
- Ai?
- Thằng hoạn lợn chứ ai.
Lão Bản xưa nay chỉ gọi tay Quang Chủ tịch xã bằng cái nghề nghiệp mới ngày nào anh ta còn hoạt động khắp mấy thôn. Gọi cách ấy lão biểu lộ sự ghét cay ghét đắng anh chủ tịch xã.
- Nó thiến hộ càng may. Như tôi với ông còn tiếc thương gì không vứt bố của nợ đi.
- Thật chứ?
Lão Bản chỉ tay vào mặt ông Sĩ Duệ cười nấc. Đột ngột lão ngưng cười, nghiêm giọng lại trước bộ mặt dò hỏi của ông Sĩ Duệ.
- Tôi đã nghĩ mãi ông ạ. Hoạn lợn nói chỉ được hột dách lợn, chứ hoạn làng nó moi ra cây ra chỉ, mà làng lại không kêu được eng éc, êm thấm lắm, ông hiểu không?
- Tôi hiểu rồi.
Lão Bản hứng chí nhích người nhường chỗ cho Sĩ Thái sư ngồi. Lão ghé sát tai ông lào thào:
- Nó sắp bán đứt đất.
Ông Sĩ Duệ giật mình.
- Có quyết định bán chính thức rồi ư?
- Chứ gì. Tẩu tán càng nhanh càng tốt. Ban quản lý hợp tác xã sắp đến nước giải tán, còn tí đất dư thừa nào bán nốt, thủ vào túi mấy thằng chính quyền với nhau. Giải tán, hoà cả làng.
Ông Bản đang nói đến khu vườn cây của các cụ phụ lão xóm Chùa, một khu đất ngon mắt, nằm hơ hớ cạnh đường quốc lộ như gái ngủ ngày, gần năm trăm mét vuông. Cuối năm ngoài chủ nhiệm hợp tác quyết định thu hồi, lý do các cụ không đương nổi mức khoán tiền hoa lợi. Họ rục rịch bán khu vườn cây đã ba tháng nay. Dân xóm Chùa tập hợp nhau người xin đổi, kẻ xin mua, cố nhoi ra mặt đường quốc lộ làm kinh tế. Nhưng xã không giải quyết. Ai dám bán đất? Dân xóm Chùa có giỏi chạy xin được giấy tờ thành phố cấp đất hãy nói chuyện.
- Ông nghe rõ chửa, bán cho dân thôn được bao nhiêu tiền đã sờ sờ ra đấy, còn đút túi khoản nào? Thằng hoạn lợn kỳ này tuyên bố giải quyết cho Viện cây giống nào đó lấy một tỷ hai. Nó bảo năm trăm triệu là tiền Viện giúp xã sửa đường làng, chia đầu dân nông nghiệp mỗi suất hai mươi ngàn. Bảy trăm triệu kia nộp ngân sách thành phố theo quy định đền bù nhà nước, xã chỉ được thêm hai mươi phần trăm ở phần này nữa thôi. Thằng Viện cây giống đang chạy giấy xin đất thành phố. Chúng nó sắp xong cả.
Ông Sĩ Duệ chắt lưỡi ngơ ngẩn.
- Chết chửa, tỷ hai... rẻ thối. Giá phải gấp hai ba lần.
Lão Bản huơ tay cao giọng hơn:
- Dào ôi, nó bán mấy tỉ cho nhau, ai biết ma ăn cỗ ở đâu. Nó bảo sao, dân bào hao làm vậy. Chỉ ức rõ ràng nó bán đất, Viện cây giống cũng mua đất, nhưng chúng mua bán dưới chiêu bài hợp pháp, dân trơ mắt ếch.
- Phải. Thằng này cáo già, nó thoát bao nhiêu vụ bán đất cát của xóm Chùa rồi mới tài chứ.
Bốn năm trước anh hoạn lợn kiếm miếng ăn khá chật vật. Từ khi trẻ hoá đội ngũ cán bộ, được lên cầm quyền, lại gặp đúng thời mở cửa, gã phất lên như diều gặp gió. Gã hoạn lợn nay cưỡi xe máy thượng thặng, của nả lập tức ngót nghét trăm cây nhờ ký kết ngấm ngầm. Dại gì mỡ đến miệng mèo không ăn? Cốt nhất chùi mép cho khéo, đừng để thiên hạ đưa vào vòng luật pháp. Gã bảo đàn em: “Đứa nào ngu để vướng luật pháp, dù bằng bố đẻ tao cũng không cứu”.
Gã hoạn lợn người thôn cuối xã, nên khi vào ghế chủ tịch gã tìm cách nắm gáy luôn bí thư Thái người công dân đại diện xóm Chùa. Đây nhá, chủ tịch tìm kết thân Bí thư, vừa được tiếng đoàn kết, vừa giúp đỡ gia đình cách mạng nòi. Nhà Thái có liệt sĩ chống Pháp, liệt sĩ chống Mỹ, em giai út bên Viện kiểm sát kiêm huyện uỷ viên, em gái công tác bên phòng công nghiệp thành phố. To chưa! Tu đến mấy đời mới có hồng phúc ấy. Nắm được Thái cũng coi bằng nắm tất xóm Chùa. Và xóm Chùa gần hết đầu dân nội ngoại họ Đào, họ Đào làm chủ nền kinh tế bản địa.
Gã hoạn lợn khôn lắm. Thoạt đầu gã bố trí cho hai con Thái đi lao động xuất khẩu Đức, miếng đất ngon đầu làng giáp quốc lộ gã “giãn dân” cho dâu rễ Thái, con cháu nội ngoại, kèm một xuất đất cho anh chàng thương binh cụt tay xóm Chùa để dân khỏi kêu ca. Ai xì xèo, gã hoạn lợn làm ngơ cho Thái hết. Bấy giờ Thái há miệng mắc hàm thiếc, phải cúc cung tận tuỵ, bảo sao nghe vậy. Người ta che chở cho anh tức thị người ta có quyền làm bố anh.
Sau gần bốn năm cầm quyền, bằng cách nhử mồi câu cá, sợi dây bảo hiểm cho gã hoạn lợn đã dài tận huyện, tận thành phố, gã cóc sợ ai nữa. Gã thường bật cười bảo dân xóm Chùa: “Các vị đi xe đạp lên tỉnh kiện tôi, sao nhanh bằng tôi đi xe máy”. Một vườn cây chứ mười vườn cây gã cũng bán ngon ơ.
Sĩ Thái sư lẩm bẩm rủa:
- Nó nuốt nhiều cho nó chết nghẹn đi.
Lão Bản liếc ông một cái cười khẩy:
- Ấy chớ! Chớ rủa kẻo hối không kịp. Nó chết nghẹn, khối thằng chết nghẹn theo.
Kiểu cười khẩy ấy, cái liếc mắt ấy khiến ông Sĩ Duệ lạnh gáy. Ông trừng mắt lên:
- Ông nói gì, làm sao tôi hối không kịp?
- Ơ hơ, hỏi hay nhỉ? Biết đâu đấy.
Đã nhiều bận Sĩ Thái sư phải cố nén không đập lão Bản một trận nhừ tử. Ông chúa ghét thói kích bác cà khịa. Lão rất thâm, chuyên chọc vào những huyệt điếng người, khó nói nhất. Hai người mỗi bận chăn bò giáp mặt nhau, họ rất thích to nhỏ, kết thúc chuyện bao giờ lão Bản cũng phá đám như vậy.
Có gì đâu, vợ ông Sĩ Duệ vốn em út nhà Thái. Bàn dân thiên hạ ai chẳng biết kinh tế gia đình ông đều một tay bà Duệ xốc vác.
Thôi, về thôi. Ngồi nán với gã loắt choắt này chỉ tổ bực mình. Sĩ Thái sư lẳng lặng phủi đít quần ra dắt bò về.
Lão Bản tiu ngỉu. Quái, thằng cha Thái Sư hôm nay dở chứng ngậm miệng ăn tiền, không chịu tranh cãi, mất cả thú...
Sĩ Thái sư vừa buột xong con bò vào gốc cây ổi đã thấy bà vợ ngồi sàng gạo bên thềm tươi tỉnh vẫy ông.
- Này, về tôi bảo cái này hay lắm.
Tự dưng ông nhớ đến những lời ỡm ờ của lão Bản.
Chờ ông pha xong ấm nước, rít xong điếu thuốc lào thứ nhất bà Duệ mới ghé ngồi bên bàn.
- Chuyện gì? - Ông hạ giọng điềm nhiên hỏi.
- Các bác bên nhà tôi vừa gọi tôi, sang bàn việc, bảo về nói trước, xem ý ông đã...
Bà ngừng lời dò dẫm ông bằng mắt. Ông liếc nhanh cái miệng he hé, hai chiếc răng cửa hơi thô trông càng tăng vẻ hóng hớt của bà, ông cười thầm.
- Sao?
- Chuyện khu vườn cây các cụ đấy.
Ông nhả khói thật từ từ. Bà Duệ hơi do dự. Không biết lão gàn mọc đuôi này có chịu nghe không, hay lại phá đám như mọi bận? Chao ôi, cả đời mình cứ phải xoa xuýt bên này, che chắn bên kia để anh em trong nhà khỏi va chạm nặng nề. Chung quy chỉ cái tội ra điều không hám lợi, khinh rẻ đồng tiền của lão. Ghét quá, thử hỏi vợ con lão sống nhờ ai, lấy gì đổ miệng? Không có các bác bên ngoại rộng lòng đùm bọc lại chả vác được mặt thế kia?
- Vườn cây của làng bận gì đến tôi? Bà lại sắp gái goá lo việc triều đình đấy hử?
Bà muốn nổi ngay tam bành nhưng kìm lại được. Bà đã sắp sẵn một chiến dịch thật mềm mỏng, không mắc mưu khiêu khích của địch. Cốt lo việc lớn. Lão không bằng lòng sẽ hỏng tuốt.
- Ăn nói hay nhỉ? Ông chả ao ước đổi được tí đất ngoài vườn cây đấy ư?
- Sao bảo bán chác cho Viện cây giống nào rồi?
Bà Duệ đắc ý ra mặt. Bà hạ giọng thì thào:
- Viện đứng nhận lấy danh nghĩa thôi. Họ chỉ có ba xuất, Còn bác Thái lo cho bảy xuất con cháu anh em trong nhà. Ông biết Viện trưởng cây giống ấy là ai không? Chồng con Cúc nhà dượng Tám gọi chúng tôi bằng bác họ.
Thế đấy, họ nhà Đào vươn ngành vươn chi như vòi bạch tuộc, bám vào đất xóm Chùa... Gớm thật... Ông Sĩ Duệ chợt vỗ mạnh điếu cày, sái thuốc cùng nước điếu văng ra nhà. Bà Duệ nhăn mặt. Nhăn theo thói quen gây sự với ông, chứ mùi nước điếu thấm tháp gì. Nhưng bữa nay bà không nói ra miệng.
- Ý bà nói bác Thái lo cho nhà ta mua một xuất vườn cây ư?
Cái môi hở khẻ cong lên:
- Ông kín miệng nhá. Tuyệt đối không cho con cái biết vội. Chuyện chưa đâu vào đâu cả. vẫn trên danh nghĩa của Viện cây giống tất. Nếu ông bằng lòng ta nộp trươc hăm nhăm triệu xuất nhà ta.
- Lấy đâu ra hăm nhăm triệu? Bà ngỡ tôi ăn chặn ăn cướp như thiên hạ để có của chìm của nổi phỏng?
“Như thiên hạ...” Như ai bà Duệ thừa biết ý ông. Đã tự nhủ không mắc mưu địch bà vẫn không giữ được giọng mát mẻ bóng gió lại:
- Chết nỗi, ai tưởng ông có của. Trông tạng ốm đói cả - nhà - nhà ông ai chẳng biết. Hăm nhăm triệu nộp trước không phải lo, đã có người hứng việc hộ ông. Ông chỉ toạ hưởng kỳ thành thôi... ôi.
Ái dà, nho nhe! Văn hóa lớp hai mà động nói toàn nói chữ, nhìn hai cái má ưng ửng lên kìa! Mụ này không nhịn lâu được thói đốp chát khinh chồng của giống con gái họ Đào đâu. Bảy chị em, đã chọn mụ nền tính nhất đấy. Nhớ dạo nào mụ những e cùng thẹn...
- Vậy chứ tiền ở lỗ nẻ mọc ra hử?
- Ông chỉ cần viết cái đơn xin thế chấp tài sản, nộp cùng văn tự nhà mình, xin vay ngân hàng đầu tư nông nghiệp huyện. Ông cứ bằng lòng, bác Thái sẽ bảo cách đơn từ. Cánh nhà mình bảy xuất, Viện cây giống ba, còn mười xuất phía ông Quang chủ tịch mặc ông ấy lo, vị chi hai chục xuất, vay đủ năm trăm triệu trước. Hẵng cứ công khai báo cáo toàn dân việc làm đường xá chia bôi cho đủ...
- Hai chục xuất, thằng hoạn lợn chơi chục xuất...
Do sửng sốt quá, ông buột nói ra miệng. Bà Duệ trợn mắt nhìn chồng. Thật kinh cho cái giọng khinh người. Phải, anh em nhà tôi chỉ ăn cướp, thiên hạ thì “thằng hoạn lợn”, còn ông con dòng cháu giống đại địa chủ. Rõ bông phèng quen kiểu ăn nói phường tuồng, phường xướng ca vô loài!
- Người ta thù oán gì ông, ông độc miệng thế? Này, chính thằng hoạn lợn đứng ra chèo chống hộ cả gánh nặng của ông nữa đấy. Không có nó, ngân hàng huyện biết ông vương tướng gì dám cho nhà ông vay. Tiền không phải vỏ hến.
Rành rành chúng đang thiến làng đó. Chủ tịch mười, bí thư bảy, mà công khai, mà sắp có dấu đỏ thành phố... Ông Sĩ Duệ thấy tai mình ù lên. Lẫn lộn vào ý nghĩ của ông từng mẫu rỉ rả giọng bà... Bác Thái cùng chồng con Cúc sẽ đứng ra bán bớt vườn cây, trả nguyên vốn lãi ngân hàng, mình không phải lo trả. Tự dưng đổi nửa vườn cây không mất một xu. Sau chia hai mươi xuất đất, ai không dùng thì bán cho tập thể. Bác Thái muốn chờ xem ý ông... Bà Duệ chợt im bặt, lặng lẽ quan sát địch thủ. Ơ kìa, sao ngồi im như phỗng thế nhỉ? Hay nghe được cái lộc to sướng quá, sướng nhưng ngượng, khó ăn nói chăng? Có vậy chứ! Cũng phải nghĩ lại chứ. Người đâu mà bạc mồm, gàn bướng cho khổ thân mình, khổ lây cả vợ con. Dạo này tóc bạc trắng nhanh quá, da lại đen nhẻm. Con mắt xưa lúng liếng trên sân khấu làm người ta cười quặn ruột, giờ sao vàng khè, lúc nào cũng càu cạu vậy? Không biết có hiểu người ta bực bao nhiêu lại thương bấy nhiêu không? Vợ chồng đầu gối tay ấp, ai muốn ngoảnh mặt dỗi hờn. Người chứ gỗ đá?
Bà Duệ do dự mấy lần định ghé sát lại một chút. Cái mùi nắng, mùi mồ hôi, mùi thuốc lào bổng sực lên mời gọi. Vờ như có con muỗi đậu vào cánh tay ông, bà giơ tay vẫy khẽ vào đó.
- Khiếp, muỗi...
Sự đụng chạm đủ cho lòng người đàn bà rung lên, giải toả mọi nổi ấm ức. Nhà yên tĩnh, con cháu vắng cả... Bà nhớ đã lâu, kể từ dịp cưới con út, bà đã tuyệt nhiên lạnh lùng với ông. Dễ đến vài ba tháng... Tội quá!
- Bác Duệ ơi, ới bác Duệ!
Quỷ tha ma bắt quân phá đám. Bà tẽn, mặt đỏ lên. Nhưng giọng ai gọi khẩn cấp quá khiến bà chồm ra thềm trước ông.
- Cái gì đới?
- Bác giai có nhà không ạ?
Khải Khẹt chạy bình bịch vào sân. Mặt anh chàng dại gái xám bệch, viền đỏ đôi mắt càng ửng lên. Ông Sĩ Duệ vội lên tiếng:
- Vào đây chú Khải.
- Bác ơi, bác sang ngay ông Hớn cái. Ông í chết rồi. Sĩ Thái sư bật dậy. Giờ ông mới để ý tới vẻ run rẩy của anh ta.
- Chết thế nào, tôi vừa bên đó buổi sáng cơ mà?
- Khiếp quá. Bà ba chạy cuồng sang kéo cháu tới nhà. Bà ta bảo về tới cửa đã thấy ông í lủng lẳng... Bác sang với cháu đi.
Sĩ Thái sư tê hết thần kinh đỉnh đầu. Ông xỏ vội đôi dép. Khải Khẹt ghé sát tai ông thì thào:
- Nghe đâu đêm qua ông í biết chuyện mất vàng bạc gì đó. Sáng nay cả nhà sang Bồ Đa gánh gạch lại chả thấy ông í động tĩnh gì. Giờ về là thế.
Ông Sĩ Duệ rùng mình nhớ cái giọng lão Hớn lúc sáng: “... Để có rẻo mặt đường dưới âm, cần phải chết sớm tranh đất, tôi xin chết ngay”. Chả lẽ lão nói thật đấy ư?
Bà Duệ cũng nghe hết câu chuyện, nhớn nhác muốn chạy theo ông.
- Ông ơi...
Ông quay ngoắt lại. Ông nhìn bà. Đôi mắt ông bỗng tối sầm, hai hàm răng nghiến vào nhau...
Ôi lão Hớn, sao lại vội thế? Lão có kịp cầm theo bộ hồ sơ xin cấp đất âm phủ, hay lá sớ tâu trình Diêm Vương cho lão được một rẻo mặt đường kinh doanh hay không, ơi lão Hớn...
Làng Lủ 03-03-1993

Xem Tiếp: ----