Nhà nàng đây!
Phải hồi lâu, chàng mới quả quyết rẽ vào ngõ nhỏ men theo bờ ao. Chàng nhận ra nhà nàng nhờ cây khế góc ao và cái cầu đá dưới vòm khế.
Chàng bước theo ngõ hẹp mà không khỏi ngậm ngùi. Ngõ nhỏ sạch sẽ, phẳng phiu và khô ráo, chứ không mịn màng và ẩm ướt như ngày xưa, vì đã lâu thưa dấu chân người. Nhà bây giờ, chắc chỉ còn mẹ nàng với đứa em út của nàng. Có lẽ, nó lớn lắm rồi. Còn mẹ nàng, năm nay cũng phải ngoại bảy mươi. Nhưng chắc đâu bà còn sống để đón chàng mừng rỡ, như ngày xưa: "Ôi, anh Linh về đây này, Vân ơi!..." Tự nhiên, tim chàng nhói lên khi nghĩ đến điều ấy lúc mới bước vào mảnh sân nhỏ.
Ngôi nhà hầu như không thay đổi gì nhiều. Cửa đóng. Chàng lùa ngón tay qua khe cửa, đẩy cái then gỗ phía trên và bước vào nhà.
Cái ảnh nàng chụp khi nàng mới hai mươi bốn tuổi. Cái bìa lịch "blốc" chàng mua ngày ấy và tự tay đóng đinh vào cột gỗ... Sao vậy? Sao tất cả vẫn còn? Như ngày xưa?
Chàng chợt thấy hơi lạnh, bèn lững thững đi ra phía cầu ao, đứng lặng bên gốc khế. Vỏ thân cây đã sù sì, mốc thếch. Những chùm quả chín nhỏ hơn. Lá cây cũng nhỏ và thưa hơn. Cái cầu ao, vẫn hai phiến đá bắc dọc, phiến ngoài bắc ngang. Phiến đá ngoài cùng, rêu đã phủ xanh. Hồi trước, nàng hay ngồi tắm ở phiến đá này, dưới bóng khế. Nàng hái một chùm khế xanh, đưa cho chàng và cười ngỏn nghẻn:
- Ngồi đấy coi cho người ta... Nhìn nó ít thôi!
Rồi xoay lưng lại phía chàng, xổ mái tóc dày vào chậu nước bồ kết...

*

°
Chàng hái một quả khế xanh, vừa nhấm nháp, vừa trở vào nhà.
- Ai hỏi gì đấy?
Mẹ nàng! Vẫn cái giọng mà chàng từng thân quen. Bà vừa từ nhà ông bác về. Bà đến gần:
- Bác là...
Chàng đứng sững, giọng lạc đi:
- Bà... Bà không nhận ra con à?
- Lạy Giời Phật... anh Linh phải không?
- Vâng...
Chàng đưa hai tay nắm chặt bàn tay mẹ nàng, bước vào nhà, cảm thấy bàn tay ấy đã mỏng đi nhiều, và khẽ run run.
- Lâu lắm, anh mới lại về chơi? Có nhẽ phải gần hai chục năm đấy nhỉ?
- Vâng...
- Mấy mẹ con nó cũng vừa mới ở đây xong. Bảo nếu không ở được thì về cho sớm sủa, lại cứ dùng dằng mãi... Giá anh đến sớm tý nữa thì gặp!
Chàng thoáng rùng mình:
- Chắc dạo này vất vả lắm, bà nhỉ?
- Anh tính, giáo viên về hưu, được mấy đồng!
- Về hưu rồi kia ạ?
- Anh không biết gì sao?
- Dạ... Từ ngày ấy, chúng con chả ai thư từ gì...
Mẹ nàng chép miệng:
- Khổ... Mà hình như, nó cũng có linh tính là hôm nay anh về...
Chàng thảng thốt:
- Thật thế ạ?
Mẹ nàng thoáng im lặng rồi lại chép miệng:
- Khổ... dạo này người bằng con mắm. Tóc cũng đã thưa rồi, rụng khối ra đấy, không còn được như trước!
Bỗng bà đứng dậy:
- Chết thật! Tôi lẩm cẩm quá! Chẳng pha nước cho anh uống. Anh ở đây ăn cơm. Nhà còn mỗi hai mẹ con, tôi với thằng cu Rốt...
- Thằng Tùng hả bà? Nó đi đâu ạ?
- Em nó lên lớp, sắp về đấy! Cũng lại nghề của chị! Mà anh nhớ giỏi thật đấy! Ngày xưa, nó bé tẹo, còn ấp anh nằm võng, bắt kể chuyện... Chắc anh gặp, chẳng nhận được đâu!

*

°
Mẹ nàng sang nhà ông bác, mang về một chai rượu nút lá chuối khô, chục quả trứng vịt đựng trong cái rá.
- Nhà có gì ăn vậy, bà ạ!
- Có gì đâu...! Tôi sang nhà bác lấy chai rượu! Anh vẫn khen rượu bên ấy mà!
- Vâng! Rượu bác nấu ngon lắm!
Mẹ nàng đặt chai rượu xuống chái nhà, rồi tất tưởi ra phía cây khế, chọn mấy quả xanh, mang lên một đĩa muối, mấy quả ớt và chiếc chìa vôi quết trầu.
- Tôi biết anh thích nhắm rượu với thứ này!
Bà gọt bỏ mép khế, bổ dọc theo múi, sơ qua lần ruột và hạt, bày ra cái đĩa nhỏ. Rồi bà trộn muối, ớt, nêm một chút vôi và rót rượu, giục:
- Anh uống đi!
Chàng đỡ chén rượu, uống từng ngụm nhỏ.
Hồi xưa, mỗi lần chàng đến, đầu tiên là nàng dẫn ra cầu ao. Nàng hái những quả khế xanh, xếp trên phiến đá, rửa kỹ từng quả. Rồi cũng làm hệt như mẹ nàng bây giờ. Hai đứa uống chung một chén. Khế xanh chấm muối ớt, nêm chút vôi làm bớt vị chua, thành một vị thanh thanh, nồng nồng, cay cay.
Rượu quê cất khéo, thơm và ấm. Nàng mới nhấm mấy giọt mà má đã ửng đỏ, mắt đã lóng lánh. Nàng bảo:
- Nhà nghèo, không có cơm đâu mà nuôi mãi! Chỉ có thế!
Chàng cười lửng lơ:
- Ước gì được mãi như thế...

*

°
Vậy mà bây giờ...
Cái khoảng thời gian gần hai mươi năm qua, như quá ngắn lại như quá dài, như mới hôm qua, lại như cả một đời người. Bây giờ nàng ra sao? Chàng chỉ thấy có một nàng ngày xưa, thấp thoáng cái hình hài của Đức Mẹ Đồng Trinh. Và hình hài ấy toát ra cái nội tâm của nàng, vừa như háo hức chờ đợi một điều gì, vừa như biết trước rằng cái điều đó chẳng bao giờ đến với mình...
Chàng bỏ dở chén rượu, xuống bếp, ngồi cạnh mẹ nàng:
- Có gì làm không bà, để con làm cho...
- Có gì đâu! Anh lên nhà chơi, kẻo bụi!
Chàng vẫn ngồi, cầm cái que cời, gẩy rơm vào bếp. Mẹ nàng bảo:
- Ngày xưa, anh nấu ăn rõ khéo. Con Vân thì vụng...
Chàng kể gia cảnh mình. Mẹ nàng chỉ luôn chép miệng: "Khổ". Rồi bà kể chuyện nàng. Bà giấu chàng những giọt nước mắt, mái đầu bạc cứ thấp mãi xuống. Chàng cảm thấy một thì con gái của nàng trĩu nặng trên vai hai người...
- Cũng chẳng cãi cọ gì đâu! Nhưng chúng nó không hợp nhau. Tôi biết. Có nhiều hôm, nó đến một mình, ra cầu ao ngồi thần mặt ra, rồi về. Tôi có nhắc đến anh, thì nó gắt: "U nhắc nữa làm gì! Để cho người ta được yên! Người ta cũng khổ..."
Rồi bà quệt nước mắt, đứng dậy:
- Thôi, anh ạ... Cái số nó thế, nghĩ ngợi làm gì. Mới đấy, mà đều đã hai thứ tóc cả rồi!... Anh lên nhà, để tôi đi dọn cơm. Cái thằng ông mãnh này chắc lại la cà ở đâu...
Bữa cơm có hai người, cảm thấy chống chếnh. Mẹ nàng bảo:
- Chắc giờ này, mẹ con nó chưa ngồi vào mâm.
Chàng không thể nào nuốt nổi bát cơm tú ụ thức ăn, chỉ lặng lẽ uống rượu, nốt chỗ khế xanh. Suốt bữa, chàng cứ thấp thỏm. Mẹ nàng buột miệng:
- Nó chẳng đến đâu!
Chàng không biết nói sao.
Đến khi về, mẹ nàng hái một ít khế xanh, gói một ít muối, lấy thêm một chai rượu đưa cho chàng:
- Anh mang lên huyện mà uống với các bác ấy cho vui. Quà nhà quê chỉ có vậy...
Giọng bà nghèn nghẹn:
- Em nó đi rồi, nhà vắng lắm. Anh có dịp về công tác cứ ghé qua nhà...
Chàng xin phép được thắp hương trước bàn thờ bố nàng, như những ngày xưa, trước khi về. Chàng vén bức rèm vải đỏ che bàn thờ, định lấy hương thắp, chợt sững người khi thấy một đĩa khế xanh.
Chàng hỏi, thì mẹ nàng bảo:
- Cái con dở người ấy hái, chứ còn ai nữa! Tôi chả bảo, nó nói rằng thế nào hôm nay anh cũng về...
Chàng buồn bã:
- Cô ấy tránh mặt con...
- Không phải đâu! Anh đừng nghĩ vậy, nó tủi thân. Dạo này, người ngợm xấu lắm, có ma nhìn, nên nó ngại. Thôi, chẳng thà như thế mà hơn.

*

°
Hương gần tàn.
Mẹ nàng mở gói giấy báo, trút nốt đĩa khế trên bàn thờ, rồi gói lại, đưa cho chàng.
Đến đầu ngõ, chàng ngoái lại, thấy mẹ nàng vẫn đứng đó, nơi gốc khế.../.

Xem Tiếp: ----