I.Mụ Tám ngồi thừ người trước đống quần áo, khuôn mặt quạu quọ cau có. Từ trên sân khấu, một điệu xàng xê vang lên qua giọng hát chát chúa của một cô đào nhì. Hậu trường ồn ào những người ra vào, lui tới. Trong lòng mụ Tám cũng đầy ắp nỗi bực bội kéo dài từ buổi sáng cho tới lúc này. Xuất hát trưa chủ nhật sắp đến giờ trình diễn mà mặt mũi thằng Cỏn còn chưa thấy đâu cả. Nó đi từ sớm. Vừa thức giậy, nó vội vàng tắm rửa, mặc bộ bà ba láng coóng, xong, nói với mụ gọn ơ: “Tui đi đằng này chút. Má đừng chờ cơm tui.” Mụ chưa kịp hỏi câu nào là nó đã vọt ra cửa, dông tuốt. Mụ tức uất người, chửi thầm trong bụng: “Tổ cha mày thằng Cỏn! Mày mà đi theo con đĩ nào thì chết tay tao.” Bây giờ đã hơn năm tiếng đồng hồ trôi qua cũng chưa thấy nó về. “Một chút, một chút của cái thằng ôn dịch là như vậy”, mụ lầu bầu nhăn nhó. Khuôn mặt mụ ốm và choắt, đôi mắt hẹp lé mại. Mái tóc muối tiêu nửa đen nửa bạc là điều làm cho mụ buồn phiền hơn cả. Nhiều lần soi mặt vào gương, mụ thở dài nhớ lại thuở nào son trẻ còn được sắm vai một bà già ăn xin trên sân khấu, mụ phải lấy phấn trắng thoa lên mái tóc, nhưng luôn luôn vẫn bị người đạo diễn chê là “chưa đủ bạc”. Giờ đây chẳng thoa chẳng trét gì thì những sợi màu trắng cứ ì-ì ra đó, càng nhổ lại càng bạc, nhiều đến nỗi mụ đâm chán, chẳng thèm lưu tâm đến tóc tai gì nữa. II. “Chị Tám đi ăn cơm đi chứ, sắp tới giờ hát rồi.” Tiếng gọi của bà Năm nấu bếp từ ngoài tấm màn che khuất đống quần áo diễn viên và chỗ ngủ của mụ Tám làm mụ sực nhớ lại từ sáng đến giờ mụ quên chưa kết lại cái mão nguyên soái của anh kép chính. Đêm qua Tổ trác thế nào mà khi cúi chào nàng công chúa, anh ta đã để rơi chiếc mão, làm sút ra cái vòng cườm gắn trên chóp nhọn. Khổ thân mụ bị một phen xài xể tơi bời. “Tui có để dành cho chị một dĩa xoài tượng trộn khô cá sặc đây nè”, bà Năm vừa chóp chép miếng trầu vừa nói. Mụ Tám uể oải đứng lên bước vào trong căn bếp. Chỉ còn bà Năm và mụ. Những người khác đã tản mác đi sau khi dùng xong bữa trưa. “Chị thấy thằng Cỏn về chưa?”, mụ hỏi. “Có thấy ai đâu? Mà sao nó đi mất tăm vậy? Chị có la rầy gì nó không?” “La rầy gì, coi nó còn hơn cả ông nội tui nữa.” “Ờ, trai trẻ thời buổi này là vậy, chẳng tình nghĩa gì ráo trọi!...” Bà Năm bỏ lửng câu nói, nhón hai đầu ngón tay lên dúm thuốc rê, quét một vòng quanh hai hàm răng đã sún đi hết mấy cái trước. Mụ Tám nhìn khuôn mặt đôn hậu của bà Năm mà nghe an ủi trong bụng. Hai người là bạn với nhau từ khi còn là hai cô gái quê mới lớn ở vùng Châu Hưng, Thạnh Phú. Một bữa có gánh hát tỉnh ghé về ngang, tiếng đàn giọng ca đã chinh phục liền hai trái tim non. Họ bèn rủ nhau bỏ nhà đi theo gánh hát. Sau gần ba năm phục dịch cho các đào kép chính, cả hai mới leo lên được cái chức nữ tì. Thế rồi mụ lấy anh thợ đèn nhưng không có con. Còn bà Năm trở thành vợ của người tài xế. Mười mấy năm nổi trôi theo nhiều gánh hát, bây giờ họ gặp lại nhau trong cùng một môi trường. Cả mụ lẫn bà Năm đều đã góa chồng nhưng vẫn bám lấy cuộc sống rày đây mai đó như một niềm hạnh phúc to lớn. Không khí này, họ đã quen quá rồi, làm sao dứt bỏ cho nổi? Trong gánh hát, mụ Tám lo việc sửa soạn trang phục cho diễn viên trước khi ra sân khấu. Mụ vẫn nổi tiếng lạnh lùng khắc nghiệt. Ngoài bà Năm và một vài đào kép chính, không ai dám đến chuyện trò với mụ. Ai cũng nể trọng mụ vì cái cách sống lâu lên lão làng của mụ. Dẫu vậy, đôi khi cao hứng, mụ cũng thường kể cho đám lính hầu, thị nữ nghe rằng mụ từng đã đứng sân khấu từ khi cô đào nhứt còn chưa biết lật. Hay là thuở nào anh kép số một đọc i tờ chưa ra thì mụ đã làu làu vọng cổ sáu câu. Cái thời sân khấu còn dựng ngay trên ghe đã được mụ nhắc nhở với đôi mắt lim dim cảm động làm cho đám trẻ say mê thích thú. Và mụ thường kết luận trong cái cười khinh khỉnh: “Tụi bây biết gì! Gánh hát thời bây giờ làm sao vui cho bằng gánh hát thời xưa.” “Bữa nay trời ráo, chắc đông khán giả đó chị Tám?” “Ừ, đêm qua thứ bảy mà mưa, húp cháo (°) cũng đúng.” “Tối nay dọn vô Cây Gõ, ngày hái hai xuất cũng đỡ. Ở trỏng, khách chệt coi bộ mặn cải lương hơn khách ngoài này.” Mụ Tám ngước nhìn ra cửa sau hậu trường, gật đầu với bà Năm nhưng tâm trí vẫn không rời sự bực bội theo thằng Cỏn. “Dạo này nó quá lắm rồi, chẳng coi mình ra cái giống gì nữa”. Mụ nhớ lại hồi gánh hát đóng một tháng ở Chợ Mới, Long Xuyên, thằng Cỏn chỉ là một đứa nhỏ chăn trâu ốm teo cứ đeo riết cái đám dàn cảnh (°°) mà xin đi theo, xua đuổi cách nào cũng vẫn cứ lì lợm đứng cửa sau nhìn vào hậu trường, vẻ thèm muốn. Gánh hát dọn qua Rạch Giá cũng lại thấy nó xuất hiện. Ai nấy nghĩ rằng nó trốn nhà theo gánh hát. Mụ đâm thương hại, biết nó không cha không mẹ nên nhận nó làm con nuôi, xin với ông bầu cho nó một chân kéo màn. Thằng Cỏn gọi mụ là má từ đó. III. Có tiếng con gái vang lên từ phía ngoài: “Má Năm ơi, còn canh hôn, cho con xin chút?” Mụ Tám ngoái người nhìn lui. Con nhỏ nầy tên gì mụ cũng chẳng rõ. Nó là người mới, cháu gọi ông bầu bằng cậu nên vào gánh chẳng bao lâu mà đã có vẻ ta đây. Mụ nhìn con nhỏ cúi mình đưa tô cơm cho bà Năm chan canh, vạt trước của chiếc áo bà ba rủ xuống làm phô bày một khoảng hông trắng nuốt; mái tóc dài cũng rủ xuống theo chiều nghiêng của cái lưng. Mụ thấy ghét con nhỏ này; càng nhiều hơn từ bữa bắt gặp thằng Cỏn cà rà bên nó. Mụ chưa hề chuyện trò với nó. Mà nó cũng chẳng thèm một lần chào hỏi mụ. Có lẽ nó là đứa duy nhất không biết tôn trọng cái địa vị lão làng của mụ. Mụ Tám quay hẳn người trên chiếc đẩu thấp kê phía sau bàn thờ Tổ, nhìn thẳng con nhỏ. Mụ thầm nhận là nó đẹp hơn mọi đứa con gái khác trong gánh hát. Hai ống quần đen của nó được kéo lên khỏi mắc cá chân, tênh hênh lòi ra một phần bắp chuối tròn lẵn. Đôi bàn tay dịu dàng cử động đều đặn từ cái miệng xuống đến cái tô. Con nhỏ nghiêng người hỏi bà Năm: “Tháng sau mình đi tỉnh hả má? Con mới về, chưa được đi xa lần nào nên không biết đi tỉnh có vui không?” “Vui lắm con à”, bà Năm trả lời. “Hồi bằng tuổi con, má không thích đi tỉnh, nhất là đi về miệt làng quê của má. Nhưng càng già, má lại càng mong gánh hát về qua đó.” “Quê má ở đâu vậy?” “Ở Châu Hưng”. “Mà sao hồi bằng tuổi con, má lại không thích đi về dưới?” “Tại má bỏ nhà đi theo gánh hát không ai hay biết, nên mỗi lầ讠về dưới, má cứ phải trốn chui trốn nhủi như chuột, sợ gặp người quen, bà già tới bắt về.” Đôi mắt con nhỏ đâm sụp xuống mơ màng: “Rồi má không nhớ nhà sao?” “Nhớ lắm chứ, nhưng lỡ mang tiếng hư hỏng, đâu dám trở về. Hồi bà già chết má cũng không hay. Có ai rõ má ở đâu đâu mà kiếm. Chừng biết ra, má khóc quá cỡ.” Mụ Tám lắng nghe câu chuyện của bà Năm và con nhỏ. Mụ nghĩ đến hoàn cảnh mình. Mụ khác bà Năm ở chỗ mụ không có ai để mà nhớ thương hay hối hận. Bà dì ghẻ khắc nghiệt, ông cha nhu nhược và lũ em khác mẹ không phải là mối hận lòng đau khổ cho mụ. Mụ bỏ làng quê ra đi, dứt khoát không hề muốn quay lại, cũng giống như đã bỏ cái áo rách bươm vào trong thùng rác. Ai cũng chê mụ là con người không tình cảm, nhưng sự thực đâu hẳn đúng vậy. Mụ nhớ lại hồi mới trốn nhà theo gánh hát, hễ mỗi đêm chứng kiến cảnh chàng hoàng tử cao sang quỳ xuống trước mặt cô gái bơ vơ không cha không mẹ trong tuồng Giai Nhân Trên Lầu Vắng là mỗi đêm mụ đều thêm một chút ao ước cho riêng mụ hình ảnh lý tưởng này. Gần mười năm làm vợ anh thợ đèn ghiền thuốc phiện, chàng hoàng tử của lòng mụ vẫn trở về trong nhiều giấc mơ như một người tình thân thiết. Mụ thấy mình không thương anh thợ đèn. Mụ ăn ở với anh ta chỉ vì thói quen gắn bó trong cuộc sống rày đây mai đó. Và khi anh thợ đèn chết đi sau một cơn trúng gió, mụ bỗng dưng thấy mình rảnh nợ. Cái ngai hoàng tử trong lòng được mụ đem ra tô son phết vàng trở lại. “Mới 35 tuổi, còn trẻ chán để phải chịu đựng cuộc đời góa bụa cô đơn.” Thế rồi mụ gặp thằng Cỏn. IV. “Má Năm còn cơm nguội, cho tui xin chén. Sắp tới giờ hát rồi.” Một gã trai gầy nhom, mặt mày hiền lành, độ 23, 24 tuổi từ phía ngoài đi vào trong bếp. “Chèn ơi”, bà Năm kêu lên, “mày đi đâu mà để má mày trông quá vậy Cỏn?” Thằng Cỏn cười khì, đôi mắt sáng rỡ khi nhìn thấy con nhỏ ngồi cạnh chảo cơm to tướng. Nó nói: “Có đi đâu đâu. Tui trốn bả qua đánh cờ tướng với thằng Nở cho tới giờ này.” Mụ Tám ngồi trong xó tối đàng sau bàn thờ Tổ nên thằng Cỏn chưa kịp nhận ra. Nó cao hứng nói tiếp: “Bả mà trông mong gì tui. Bả chỉ muốn cột chưn tui bên cạnh bả, hở ra một chút là la là chửi. Riết rồi tui thấy tui giống y như con chó bị xích một chỗ.” Bà Năm liếc mắt về phía mụ Tám, nạt đùa: “Thôi đi ăn cơm đi. Tại mày ham chơi quá nên bả mới cột chưn mày lại. Sắp tới giờ hát mới thấy cái bản mặt mày ló ra, làm sao bả không bực cho được.” Thằng Cỏn bưng tô cơm đến cạnh hồ nước. Nó tự thấy mình thấp kém nên không dám đứng gần con nhỏ. Nó yên lặng ăn, đôi mắt vẫn cứ liếc chừng về phía chảo cơm to tướng. Nó tránh không nhìn thẳng con nhỏ. Nó sợ bị con nhỏ bắt gặp ánh nhìn đó. Trong lòng nó nổi dậy những tình cảm kỳ quái, giống hệt lần thứ nhất nó thấy con nhỏ đi cạnh ông bầu bước vô hậu trường. Thằng Cỏn ngó đồng hồ tay. Còn hơn tiếng nữa mới tới giờ hát. Nó cố ý kéo dài bữa cơm hơn thuờng lệ. Từ hôm con nhỏ xuất hiện đến giờ, đây mới là lần đầu tiên nó được đứng gần con nhỏ. Cơ hội trống vắng thế này dễ gì tìm thấy. Bà Năm già cả không làm cho nó e ngại. Nó chỉ sợ lũ bạn chung trong gánh. Thằng Cỏn thích con nhỏ lắm nhưng chưa một lần dám nói câu gì với con nhỏ. Mà nó biết đám thằng Rá, thằng Phước, thằng Luông, đứa nào cũng thích con nhỏ. Nó tự thấy mình thấp kém so với những thằng kia. Từ thuở bé, thằng Cỏn đã bị sống cảnh mồ côi, được ông chú ruột bán đi ở đợ nhà ông Quản Sáu, ngày theo chăn giữ hai con trâu ngoài đồng, đêm chui vào xó bếp cuộn mình trên ổ rơm mà ngủ. Không ai tỏ với nó chút tình thân nào, trừ ra con Vện nhà ông Quản Sáu vẫn vẫy đuôi mừng rỡ mỗi chiều thấy nó dắt trâu từ đồng cỏ trở về. Và có lẽ nó cũng chỉ kéo dài kiếp ở đợ chăn trâu nếu bữa đó trong làng nó không có gánh hát tỉnh kéo về ngang. Thằng Cỏn mang ơn mụ Tám đã đem nó ra khỏi chốn bùn lầy tăm tối. Nó gọi mụ là má, nghe lời mụ một phép. Nhưng mụ dữ quá, nó chỉ thấy sợ chứ không phải thương. Hình ảnh người mẹ mà nó mường tượng từ thuở nhỏ và cũng nhìn thấy đêm đêm trên sân khấu đã không được thể hiện qua mụ Tám. Nó thèm một tình cảm dịu dàng, một nụ cười khả ái cho riêng nó. Nhưng tất cả mọi người trong gánh hát đều ơ hờ với thân phận kéo màn của nó. Còn mụ Tám lại chỉ thích hò hét rầy la chứ không là nhỏ nhẹ yêu thương. Bữa nhìn thấy con nhỏ bước vào hậu trường bên cạnh ông bầu gánh, tâm tư thằng Cỏn bỗng dưng đảo lộn. Vừa kéo màn, nó vừa nhìn lui để theo dõi bước đi con nhỏ. Và khi được đưa đến cạnh bên cánh gà nhìn ra sân khấu, con nhỏ cúi đầu cười với nó. Nó đâm si tình con nhỏ tức thì. Thằng Cỏn vẫn còn nghe sợ mụ Tám. Nhưng có một thứ tình cảm kỳ lạ nẩy sinh trong lòng nó đã lấn lướt được nỗi sợ hãi ấy. Nó bắt đầu ăn mặc tươm tất hơn trước. Mái tóc bờm xờm cứng như rễ tre được vuốt lại cho gọn bằng một lượt bi-dăng-tin láng mướt. Bộ bà ba màu trắng có sọc xanh được lôi từ đáy rương ra thay cho cái quần xà lỏn và cái áo thun cũ mốc. Thằng Nở có bà con với ông bầu gánh, cũng bà con với con nhỏ. Vì vậy, thằng Cỏn thường lân la qua chỗ ngủ thằng Nở để có dịp nhìn thấy con em họ thằng này. Nó si tình thấy rõ. Đối với nó, trên đời không còn điều gì quan trọng hơn hình ảnh con nhỏ “tì nữ” mới kia. Ngồi trong góc tối sau lưng bàn thờ Tổ, mụ Tám nhìn theo không sót từng cử động của thằng Cỏn. Thoạt tiên, khi thằng Cỏn vừa bước vào trong bếp, mụ đã muốn đứng lên xài xể nó như thói quen của mụ; nhưng nghĩ sao, mụ lại ngồi im. Có lẽ hình ảnh xinh đẹp của con nhỏ làm cho mụ ngại ngùng, nên không muốn phô bày cái hung tàn thô lậu ra trước mặt nó. Cũng có lẽ mụ muốn dò xem điều mụ nghi ngờ thằng Cỏn có đúng hay không. Từ lâu nay, tụi con nít trong gánh hát xầm xì với nhau rằng thằng Cỏn si tình con nhỏ tì nữ mới. Mụ Tám có nghe điều này nhưng không hẳn tin. Mụ tự nghĩ đã nuôi nó đầy đủ quá, từ một thằng chăn trâu 15, 16 tuổi quê mùa gầy yếu, mụ biến nó thành một anh thanh niên bảnh bao sạch sẽ, làm sao nó phản mụ cho nỡ? Hơn nữa, nó sợ mụ quá, đâu dám qua mặt? Mụ Tám rất tự tin về quyền lực của mình trên thằng Cỏn. Vì vậy, trước những lời xầm xì của lũ con nít, mụ chỉ nhếch mép cười khan. Vậy mà giờ đây chứng kiến rõ ràng ánh mắt thiết tha của thằng Cỏn trên con nhỏ, hốt nhiên mụ Tám sửng sốt. Cơn giận ùn ùn xâm chiếm lấy mụ, đồng thời với nỗi đau tràn ngập trong tim. Mụ bước ra khỏi xó tối, đến bên thằng Cỏn. Con nhỏ ngồi cạnh chảo cơm ngước mặt nhìn lên, đôi mắt mở to kinh ngạc khi thấy bàn tay phải mụ Tám túm lấy tóc thằng Cỏn mà xoắn lại; bàn tay kia, mụ đấm thùm thụp lên lưng lên cổ nó. Cả thân hình thằng Cỏn rúm lại, đầu cúi xuống, hai cánh tay giơ lên che mặt. Không có chút phản ứng nào hiện lên nơi nó. Từ những cái loa gắn chung quanh rạp, một điệu vọng cổ mùi mẫn cất lên, vang dội khắp hậu trường, vào tận sâu trong bếp. Bà Năm hốt hoảng chạy đến níu tay mụ Tám. Con nhỏ ngồi chết sửng, miệng há hốc ra. Mụ Tám vừa đấm vừa cào túi bụi lên người thằng Cỏn, vừa chửi tới tấp: “Đ.M. Mày phản tao không được đâu, thằng trời đánh! Tao đã thề rồi, mày mà phản tao thì mày phải chết. Tao không để mày lấy con nào đâu. Tao chém, tao giết hết.” Tấm thân ốm yếu của bà Năm không đủ sức chế ngự sự hung hãn của mụ Tám. Còn thẳng Cỏn vẫn cứ cúi đầu nhận lãnh những cú đấm cú đạp liên hồi của mụ. Nó ngồi bệt xuống đất để cho mụ muốn làm gì mặc kệ. Nó quên mất tiêu con nhỏ khi ấy đang đứng nép sát vào tường trong dáng điệu hoảng sợ vô cùng. Vừa khi ấy, thằng Nở từ ngoài cửa sau đi vào trong bếp, miệng hát lớn theo điệu vọng cổ phát ra vang rần chung quanh rạp. Giọng hát thằng Nở bặt ngang khi nó nhìn thấy cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Nó phóng tới ôm cứng lưng mụ Tám lôi khỏi người thằng Cỏn, rồi đẩy mụ ngồi xuống trong một góc. Thằng Cỏn đứng lên, xốc lại áo quần, lùi sát vô hồ nước. Lúc này nó mới nhớ lại sự có mặt của con nhỏ. Một mối xấu hổ vồ chụp lấy nó. Nó nghe mụ Tám chửi: “Tổ cha cái đồ nuôi ong tay áo. Tui nuôi cho nó mập c. rồi nó vác đi nó đ. con khác.” Thằng Cỏn cũng nghe bà Năm bày tỏ: “Chị Tám nói gì kỳ cục vậy? Nó lớn rồi, phải để nó ưng ai tùy ý nó chớ. Chị kèm riết như vậy, coi sao được?” Mụ Tám gào lên: “Nếu tui không lôi nó ra khỏi cái xứ quê mùa đó thì liệu bây giờ nó có được bảnh bao mà hòng ngó tới mấy đứa con gái không? Hay là suốt đời nó chỉ biết chúi đầu vô háng mấy con trâu con ngoé?” Có tiếng thằng Nở cười to hô hố. Thằng Cỏn liếc nhìn con nhỏ, thấy mặt con nhỏ sượng trân. Con nhỏ cũng không tỏ vẻ gì muốn bỏ đi mà cứ đứng nhìn chằm chằm mụ Tám, thỉnh thoảng lại ngó qua thằng Cỏn, vẻ ái ngại. Ánh mắt con nhỏ làm thằng Cỏn bức rức trong bụng. Ánh mắt này, nó đã từng nhìn thấy nhiều lần trong quá khứ. Nó cố nhớ lại, cố lượt soát tất cả các khuôn mặt quen biết cũ, nhưng chưa ai từng có cái nhìn xót xa dường này cho nó. Thằng Cỏn lại cố nhớ, cố lục tìm ký ức.... “A phải rồi! Con Vện nhà ông Quản Sáu.” Thằng Cỏn bật lên tiếng kêu mừng rỡ. Cả mụ Tám lẫn con nhỏ, bà Năm lẫn thằng Nở đều quay đầu nhìn thằng Cỏn. Khuôn mặt thằng Cỏn tươi rói giống như vừa bắt gặp cái gì vô cùng ưng ý. Nó nhìn con nhỏ. Con nhỏ cũng nhìn nó. Ánh mắt con nhỏ giống hệt ánh mắt con Vện khi nép sát chân tường nhìn thằng Cỏn mỗi lần thằng này bị lũ con nhà ông Quản Sáu bắt cúi đầu làm ngựa cỡi. Chỉ trong khoảnh khắc, tâm trạng thằng Cỏn thay đổi liền liền. Thoạt tiên là sự chịu đựng, tiếp đến nỗi xấu hổ, lại chuyển ngay sang niềm tủi nhục và sau cùng là sự quật khởi. Nó bỗng thấy như vừa được bơm vào người một liều thuốc khỏe. Nó liền ý thức hiện tại lúc ấy. Nó mở miệng nói với mụ Tám nhưng mắt vẫn không rời con nhỏ: “Má vừa vừa thôi! Má làm quá, tui bỏ đi luôn à. Tui hết chịu nổi má rồi!” Mụ Tám điên tiết xấn về phía thằng Cỏn nhưng thằng Nở đã nhanh tay ngăn mụ lại. Mụ gào to lên: "Tao giết mày Cỏn ơi! Tao không để mày muốn lấy ai thì lấy đâu.” Rồi mụ ngồi bệt xuống đất, hai tay vò đầu làm xổ tung búi tóc. Đột nhiên, mụ òa lên khóc, vừa khóc vừa kể lể: “Tao nuôi mày từng đó năm mà mày nỡ phản tao, mày bỏ tao mày mê con khác. Mày không sợ Trời hành sao hả Cỏn?” Sự “đổi lớp” bất ngờ của mụ Tám làm mọi người chưng hửng. Nét hung dữ vừa mới đây tan biến hết để chỉ còn lại hình ảnh một người đàn bà yếu gầy xấu xí, nước mắt nước mũi kèm nhèm dơ bẩn. Từ trên sân khấu vọng xuống điệu hát Trường Tương Tư ai oán. Thằng Cỏn nghe nao núng trong dạ. Lần đầu tiên sau gần mười năm làm con nuôi mụ Tám, nó mới nhìn thấy mụ trong trạng thái đau khổ như vậy. Từ kinh ngạc, nó đâm cảm thương cho mụ. Bản chất nó vẫn là thằng biết tình biết nghĩa. Nó nghe dấy lên trong lòng một nỗi xót xa vô cớ. Và khi thấy mụ vừa đưa tay quệt mũi vừa thở than thảm thiết: “Rồi đây tao biết ở với ai? Trên đời này, tao còn biết thương ai hơn mày hả Cỏn?”, thì thằng Cỏn trả lời nhỏ nhẹ: “Nếu má đừng ép tui... (bỗng dưng trông nó ấp úng ngượng ngùng hẳn) đừng ép tui cứ phải ăn nằm với má, làm sao tui nỡ bỏ má cho đành?” Bà Năm kêu lên: “Ủa! Có vậy sao?” Khuôn mặt mụ Tám sượng trân. Con nhỏ nhìn mụ chằm chằm. Còn thằng Nở thì cười hô hố: “Quỉ thần thiên địa ơi! Hèn chi mà mày ốm còn hơn que củi đó Cỏn!” Từ trên sân khấu, một hồi chuông rung lên báo hiệu giờ kéo màn đã điểm. (°) “Húp cháo” là chữ thường dùng của giới cải lương để chỉ những đêm hát ế khách. (°°) Dàn cảnh: những công nhân chuyên việc vác phông, dựng phông sân khấu cho gánh hát.