Con cú trên cây xà cừ đại thụ rúc lên ba tiếng thảm thiết, trong căn nhà giấy dầu 16 mét vuông, nhà cấp 4 của khu tập thể đoàn văn công tỉnh H, có một cặp vợ chồng diễn viên chưa ngủ.
Trời đã khuya, kim đồng hồ chỉ một giờ, những giọt mưa đọng trên cành cây thỉnh thoảng lại lộp bộp gieo những giọt buồn vào hai tâm hồn đang rầu rĩ. Giọng người chồng than thở:
- Hết cách rồi, có lẽ anh phải đi em ạ, cuộc sống quẫn bách quá.
- Hay để em đi, nghe nói bên ấy phụ nữ dễ xoay xở hơn đàn ông. Con Liên, con Hương... chúng sang đấy chưa đầy năm mà đã kiếm đủ "vé" để thanh toán các khoản dịch vụ giấy tờ, lại còn gửi được chút ít về đỡ đần chồng con ở nhà - tiếng người vợ khẽ khàng.
Người chồng khẽ thở dài, vợ anh nói đúng. Trong một số tình huống phụ nữ lại tỏ ra uyển chuyển hơn đàn ông, họ biết bình tĩnh xử lí để cải thiện hoàn cảnh. Tuy nhiên cái câu ca dao mới xuất hiện gần đây, hơi nham nhở, song nó vẫn làm anh phải suy nghĩ:
"Có vợ mà cho đi Tây
Như Cub không khóa để ngay bờ hồ"
Anh lại khẽ thở dài, anh không muốn nói với chị cái điều mà anh lo lắng, cái điều không lấy gì làm tế nhị cho lắm, anh bèn khai thác khía cạnh khác để thuyết phục chị:
- Thằng Minh nhà mình đã 12, con Mai mới 8 tuổi, cần có mẹ ở bên cạnh. Hơn nữa bà ngoại dạo này có vẻ "bết" quá. Người già như ngọn đèn leo lét. Em nên ở nhà, nhỡ có chuyện gì có mẹ có con vẫn hơn.
Anh đã đánh trúng tâm lý chị, bố chị là liệt sĩ thời chống Pháp, nhà chỉ có hai mẹ con tần tảo đến giờ, lẽ nào...
Sau cái đêm ấy, anh chị lên gặp ông phụ trách Đoàn văn công xin "về một cục". Ông trưởng đoàn tiếp họ với thái độ vui buồn lẫn lộn. Ông là người cầm trịch, người lo lắng vấn đề "cơm áo gạo tiền" cho cả đoàn. Vào đúng thời điểm gay go này, khi nền kinh tế thị trường ùa vào Việt Nam, nó mở ra một kỷ nguyên mới cho kinh tế đất nước, song nó lại "tàn phá" một cách không thương tiếc (ít nhất là lúc này) cái lĩnh vực của ông, cái công việc nghệ thuật mà lúc vui, bạn bè thường bỡn cợt, bông lơn là "xướng ca vô loài". Làn gió kinh tế thị trường đã thổi bay cái khoản kinh phí bao cấp mà ngân sách của tỉnh hàng năm rót xuống để nuôi đoàn.
Ông và cả đoàn ngất ngưởng, méo mặt xoay đủ mọi cách hòng cứu vãn tình thế đứng trước vực thẳm giải thể. Nào là xé nhỏ đoàn thành các nhóm "xung kích" đi biểu diễn tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, bật đèn xanh cho các diễn viên đi múa hát ở các khách sạn, nhà hàng... nhưng vẫn bế tắc. Thời buổi này, tivi vào tận buồng ngủ, nghệ thuật đóng thành băng, thành đĩa thì mấy ai còn hứng thú đi tập trung xem hát.
Vả lại, cái tỉnh quê ông này lại nằm quá khuất nẻo trên cái mảnh đất hình chữ S, các kế hoạch đầu tư của Trung ương vẫn chỉ là những con số chưa mang tính khả thi. Thành ra cái lực lượng quần chúng đông đảo chưa có đủ điều kiện để tập trung kéo về thị xã xem văn nghệ. Ông điên đầu. Hàng ngày, ông rưng rưng nước mắt nhìn những công chúa, hoàng tử, tướng sĩ, lão bộc, nữ tì của ông trong cảnh đời thường. Cái sứ mạng cao siêu của nghệ thuật nó ở tận đẩu tận đâu, ông không rõ, chứ ở đây, nó phải đẻ ra tiền ra gạo, ít nhất cũng đủ nuôi sống đội quân 30 đứa mà ông coi như con, cháu. Chúng cứ tản mát dần, đứa bỏ đi bán xổ số, đứa xin ra ngoài mở cà phê Karaoke...
Hôm nay lại thằng Hùng, con Nguyệt. Chúng là những đào kép chủ chốt của đoàn trong những năm qua. Đêm biểu diễn thiếu chúng dân tình có vẻ ghẻ lạnh với đoàn. Thật là một đôi trai tài, gái sắc, cái thằng cao to, mặt đẹp như phò mã, khả năng nghề nghiệp không thua bất cứ một diễn viên ngoại hạng của Trung ương nào. Con Nguyệt nữa, cái con bé xinh đẹp nhất làng, có giọng hát óng như tơ, mượt như lụa. Chính ông đã phát hiện ra nó tại một làng dệt ven sông, đưa về đào tạo thành một diễn viên giỏi như hôm nay. Hàng bao đêm diễn, chúng đóng cặp đôi hoàng tử, công chúa trong các vở bi kịch khiến bao trái tim phải rơi lệ. Ngoài giờ diễn chúng cũng dính với nhau như đôi sam. Cũng chính ông là người đứng ra tác thành cho chúng. Giờ chúng cũng bỏ ông mà đi. Ông buồn lắm, nhưng cũng đỡ lo. Bởi lẽ ông biết, giữ chúng lại, chúng sẽ chẳng có gì để sống, chả nhẽ đợi chết đói cả lũ hay sao.
Thế là bằng số tiền hai suất hưu, anh chị vay mượn thêm bạn bè, anh em. Rồi anh bay sang bên này, cái mảnh "đất hứa" của biết bao người Việt Nam: Cộng hòa liên bang Đức.
Anh thuê tạm một căn phòng trong một cư xá rộng 8 mét vuông, các công trình phụ dùng chung. Hàng ngày anh nhập vào đội quân bán thuốc lá lậu trong cộng đồng người Việt. Sáng xách túi thuốc ra đi bán rong cho Tây tại các tụ điểm đông người, tối về nấu nướng, ăn uống, giải trí bằng một vài cuốn băng video phim Hồng Kông. Rồi đi ngủ. Cái chu kì ấy lại diễn lại vào hôm sau, hôm sau nữa... Công việc cũng kiếm được, tuy nhiên cái kim đồng hồ đo hệ số nguy hiểm lúc nào cũng chỉ đến mức cao nhất. Vì làm ăn bất hợp pháp nên các anh, các chị luôn là đối tượng săn đuổi của lực lượng cảnh sát, thuế vụ. Chỉ một tiếng còi phát ra, ngay lập tức các loại xe thùng lưới sắt ập đến, tra tay vào còng và xin mời về bót. Các tế bào thần kinh cứ căng ra như sợi dây đàn, cái ăng ten não bộ của anh không phải lúc nào cũng định hướng đúng công an, thuế vụ để mà tránh, nhiều lần tay trắng về không, tập hồ sơ tại cơ quan luật pháp cứ dầy lên mãi.
Căng thẳng, mệt mỏi, cô đơn... Giá như có một người phụ nữ để chia xẻ, để sưởi ấm trong những đêm đông giá. Cái việc tất yếu đối với những người xa nhà như anh tất phải xẩy ra, anh cặp với một chị "đồng nghiệp". Từ nay chấm dứt cảnh cơm niêu, nước lọ. Sáng, cả hai xách túi thuốc ra đi, tối tối, chàng, nàng chăm chút cho nhau. Cái sự già nhân ngãi non vợ chồng cũng đắp đổi được phần nào cho sự cô đơn xa gia đình của cả hai. Một mô hình hợp lí tại xứ trời Tây xa lắc này. Cứ thế, họ nắm tay nhau cùng tiến trong cuộc chạy đua nước rút: kiếm tiền. Kì lạ thay trong cuộc chạy đua này cái hầu bao tiền bạc của họ cứ đầy dần lên. Nó tỉ lệ nghịch với cái hầu bao tình cảm của họ giành cho gia đình ở quê nhà. Cuộc đời anh cứ mải miết trôi đi như vậy, dăm thì mười họa anh cũng "bắn" tiền bạc về nhà, thêm dăm câu ba điều về sự vất vả xứ trời Tây. Anh tự cho mình là người có trách nhiệm, có công quả đối với gia đình (các người ở nhà cứ yên tâm đi, tôi là loại người "vui duyên mới không quên nhiệm vụ").
Thư của chị viết cho anh từ Việt Nam cứ đều đều, những dòng chữ đẫm nước mắt. Những khó khăn mà chị phải đối mặt, nào là thằng lớn ngày càng khó bảo, con bé thì cứ nhẳng ra như cái dải khoai. Nào là trăm thứ phải chi trong cái thời buổi kinh tế thị trường này. Cái gì cũng tiền, nào tiền học vi tính, ngoại ngữ, tiền đóng góp xây dựng trường sở, tiền quà cáp cho các thầy cô trong các dịp lễ lạt... Đôi khi cả tiền cho thằng lớn không rõ nguyên nhân. Ôi chao, một mình chị cứ xoay như chong chóng trong cái mớ bùng nhùng này... Giá có anh bên cạnh. Đọc thư chị, nhiều lúc anh nói to cốt để người tình cùng nghe rồi bình luận:
- Ôi dào, cái bài ca muôn thủa, cái "hội chứng vòi tiền" đây mà. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Thiên hạ còn khối kẻ cùng quẫn hơn mình. Đằng này "đạn" vẫn bắn về đều đều.
Cứ thế anh mê mải với tiền bạc, với mối tình hợp đồng. Lâu dần, anh "miễn dịch" với các lá thư của chị. Thảng hoặc, có lúc nào đó nghĩ tới mấy đứa bé, anh cũng thoáng chạnh lòng. Song những đồng đêmác và vòng tay mềm mại của người tình đêm đêm khiến anh quên đi tất cả.
Vào một đêm, tuyết giăng trắng xóa, đang say sưa với bạn tình, thì có tiếng chuông cửa. Anh khoác áo dài, thứ áo mặc ban đêm, tiến ra mở cửa:
- Sao vô ý thế, đêm hôm khuya khoắt này còn bấm chuông, có việc gì đấy?
Nhìn cách ăn mặc của anh, khách nhanh chóng rút trong túi một phong thư dầy:
- Anh thông cảm, tôi vừa ở nhà sang, vợ anh gửi cho anh lá thư. Tôi ở phòng 21, tối mai mời anh sang chơi nói chuyện, tôi là Quảng.
Anh cầm vội lá thư, cám ơn qua loa vài câu chiếu lệ rồi đóng sập cửa phòng, ném lá thư lên bàn nói bâng quơ:
- Lại giấy truy nã... tiền đây mà.
Nói xong, anh nhẩy tót lên giường, họ quấn chặt lấy nhau, mê đi. Lá thư xấu hổ nằm nép vào góc bàn. Hôm sau, cả hai xách túi ra đi, tiện tay anh bỏ lá thư vào túi. Ra đến chỗ bán chưa đến giờ tàu, người còn thưa thớt, quan sát tứ phía, không thấy một tên "cá" (công an) nào, anh lấy thư ra đọc. Thư chị kể chuyện thằng lớn nhà anh 14 tuổi: nghiện hút, tham gia băng đảng, nhúng tay vào một vụ giết người cướp của, hiện đã sa lưới pháp luật, đang chờ xử lí. Anh xây xẩm mặt mày, chân tay run rẩy, cả dòng người xuống tàu cứ nhòe nhoẹt. Cái tháp truyền hình cao hơn 300 mét như vừa đổ sập xuống người anh. Bỗng có tiếng hét to của "đồng nghiệp" chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới:
- Chạy đi, công an.
Anh quáng quàng lao vụt qua đường. Từ xa một chiếc xe vùn vụt lao tới, tiếng phanh xé mặt đường két....két ké...t. Nhưng muộn mất rồi. Không đầy 5 phút sau, một chiếc xe cứu thương ập đến. Người ta đưa anh lên xe, xe vội vã lao đi nhằm hướng bệnh viện gần nhất. Nhưng mọi sự đã trở nên không cần thiết nữa.
Tối hôm đó, chiếc bàn thờ trong phòng anh khói hương nghi ngút. Người bạn đầu gối tay ấp lầm rầm khấn khứa:
- Một ngày cũng là nghĩa, một tháng cũng là tình. Thôi anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho em ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, đi đến nơi về đến chốn...
Cách nước Đức 13 nghìn cây số có một người phụ nữ khác trằn trọc không ngủ. Bên cạnh chị cô con gái nhỏ 10 tuổi đang ngon giấc, nét mặt thiên thần phảng phất nét ưu tư. Bỗng, trên cây xà cừ đầu nhà, tiếng con cú rúc lên ba tiếng, chị rùng mình hoảng hốt ôm chặt con gái vào lòng.

Xem Tiếp: ----