"Sông gối đầu tay sóng
Rừng gối đầu tay cây
Người gối đầu tay gió
Nổi chìm mà quên bay." (1)
1.
Bến Củi chỉ còn là cái tên rỗng không, mọi dấu vết của khu xóm chợ ven sông ngày xưa gần như xóa trắng. Những vựa than, vựa củi có hoặc không mái che đã "bốc hơi" đằng nào, thay vào là những quán ăn, tiệm tạp hóa, hớt tóc tắm hơi mát xa... chen chúc mọc lên dù không hẳn ngay hàng thẳng lối, thoạt trông cũng biết chúng được uốn nắn theo một trật tự quy hoạch mới, mang đậm dấu ấn của làn sóng đô thị hóa tràn qua chốn này, chưa lâu nhưng cũng đủ xóa đi bộ mặt cũ, bộ mặt vẫn còn nguyên trong ký ức của một người cũ vừa quay về.
Quần áo tuềnh toàng, vẻ người mệt mỏi, lấm bụi, hắn tựa khúc củi mốc cời được trang điểm thêm cái mũ lưỡi trai và cặp kính đen, trông y chang một tên tù vừa được phép ra trại. Ngửa cổ nốc cạn chai bia, ném vỏ xuống mớ chai rỗng dưới gầm bàn đánh "xoảng" Sáu Giang Hồ nối thêm điếu thuốc mới, bóp tắt mẩu thuốc tàn giữa hai ngón tay chai sần, búng văng ra khoảng nắng ngoài hiên quán. Buổi trưa im ắng, không khí oi nồng không chỉ ngợp ngợp trên những mái tôn ánh chói, mà cơ hồ phong tỏa cả mọi giác quan, sẵn sàng bốc cháy nếu bị "châm ngòi" bằng một mồi lửa nào đó có hoặc không khói. Tiếng võng đưa kẽo kẹt sau quầy hàng bỗng im bặt, hắn hắng giọng:
- Ngủ sao bà chủ?
- Chưa! - Người đàn bà có bộ ngực thỗn thện phô lập lờ dưới viền cổ áo trễ nải ngồi lên, quơ chân giữ yên võng, ngáp rõ to, nói:
- Chú cần gì à?
- Không, lúc nãy chị nói là đã về đây mở quán từ hơn ba năm nay?
- Ừa, rồi sao?
- Có một thằng đầu trọc tếu, chuyên uống bia bằng cách đập bể cổ chai vào ống quyển chân gác lên bàn, nó có thường ghé đây không? Hoặc lui tới khu này không?
- Uống bia bằng cách... Làm gì có. Ở đây dân quậy cũng nhiều, nhưng hổng có tay nào quái vậy đâu.
- Lẽ nào nó không còn bám đất này?
- Xưa chú cũng đã từng ở đây sao?
- Dà!
- Và chắc bỏ đi cũng lâu rồi?
- Ngoài mươi năm.
- Trời, giờ toàn dân mới không à!
Ngoài mươi năm. Biết bao bèo đã trôi qua ngoài bến, mây bay qua bầu trời. Người cũ đa số có gốc gác trôi sông lạc chợ, giờ tứ tán theo những cảnh đời gạo chợ nước sông khác. Người nào còn, kẻ nào mất họa là chỉ có trời hoặc đất biết. Đứa vẫn còn kéo lê được chiếc bóng quay về như hắn bỗng vô danh trước bến sông quen thuộc cũng là lẽ thường thôi! Tiếng võng lại tiếp tục kẽo kẹt. Chiếc võng đay già nua nhẫn nại đong đưa cái túi thịt gần cả tạ. Gã khách chưa say lắm, nghe đâu đó trong sâu thẳm lòng mình chút cảm giác buồn nẫu nuột, trống rỗng lặng lẽ sủi tăm.
Chiếc xe đạp đòn dông cũ sờn đèo quài dừa trĩu trái dừng lại trước cửa, người đàn bà tháo vội chéo khăn rằn bịt mặt chống bụi, lột chiếc mũ vải rộng vành cầm tay quạt lia lịa, ngước gương mặt đỏ gay vì nắng trông hút vào gọi:
- Dừa nè chị Ba!
Hệt phải bỏng, vừa thoạt chạm ánh mắt người đàn bà lia qua cửa, Sáu Giang Hồ giật thót, kéo sụp mũ lưỡi trai xuống ngang mũi, đưa lẹ tay lên chiếc kính đen để yên chí nó vẫn còn che nửa khuôn mặt có cái bớt mầu đỏ bầm vắt chéo trên chân mày mắt trái.
2.
Sông Hậu dịu sóng. Gió thổi xoay tít cái chong chóng gấp bằng giấy báo cắm đầu nóc mui. Thằng nhóc trần như nhộng nằm ngửa, đầu gối tay, nheo mặt nhìn cái chong chóng mê mải, "con chim" rám nắng trông ngộ nghĩnh hệt con sò cắm chóc ngóc giữa cặp chân ngắn ngủi phơi ngoài khoảng trống lổ đổ hoa nắng rụng từ tán còng xuống.
Trong mui, chai đế còn lưng nửa, đĩa mồi cóc ổi, khô cá khoai còn đầy. Ông Tám Chài cạn ly, Sáu Giang Hồ đỡ lấy rót đầy đặt nhẹ xuống sạp ghe chao nhẹ trên lưng sóng.
- Nghe qua đi, ở hiền gặp lành, giờ chú mầy hổng còn trẻ người non dạ gì nữa mà mua thù chuốc oán, phải để đức cho con cháu mai sau Sáu à.
- Con mua thù chuốc oán?
- Chú mầy nghễnh ngãng thiệt hay giả bộ vậy?
- Tía... nói gì con không hiểu.
- Bộ không nghe người ta đồn rần lên hổm rày hay sao?
- Người ta... là ai hả tía?
- Thì bà con chòm xóm.
- Bà con chòm xóm nào đâu, con về thấy toàn lạ hoắc lạ huơ...
- Chú mấy khéo giả ngộ thiệt! - Ông Tám cười rung chòm râu bạc, cầm khúc cá khoai huơ huơ như vẽ bùa trước mặt hắn. - Bà con còn nhiều lắm, ở tản mác quanh đây thôi, nhưng có khi người ta tránh mặt.
À ra vậy! Tránh như người dương thế tránh hồn ma bóng quế về từ âm ty địa phủ, hay như người lành tránh con hủi? Hắn chua chát nhủ thầm, thoáng khựng sững, thấp giọng:
- Vậy người ta đồn sao hả tía?
- Đồn chú mầy về tìm con Út Cưng để thanh toán mối hận xưa, đòi lại thằng Cu Hùm.
Tợp ngụm rượu, cầm chai rót đầy, Sáu Giang Hồ găm mắt xuống đĩa mồi như thể mấy miếng ổi bất thần nẩy lá, hoặc mấy con khô khoai hốt nhiên giương vây lừ mắt gì đó, ông Tám nóng nảy:
- Có đúng vậy không?
- Không đúng! - Hắn lắc đầu.
Cái lắc đầu trông buồn nản hơn là thanh minh. Hôm bất ngờ gặp lại Út Cưng - người đàn bà đèo quài dừa đến bỏ mối ở quán bà Ba Xuân - không muốn và cả không chờ đợi, hắn vẫn nhăn mặt vì nghe cơ hồ có chiếc kim bén buốt cắc cớ thuốn qua tim, suýt buột miệng gọi nàng, nhưng rồi đã ngậm miệng, và thêm lần nữa đành để người từng có thời đầu gối tay ấp quay lưng biến khuất vào điệp trùng những đàn bà con gái - hắn đinh ninh - trái tim thủy chung hay gian trá chỉ có quỷ sứ may ra mới biết. Vẻ người lam lũ hôm ấy của nàng khiến hắn quá đỗi ngạc nhiên, bởi khác quá xa Út Cưng thời nào trong kí ức.
*
Dạo ấy trên "lãnh địa" từ Rạch Cá Lóc đến Xẻo Trâm Bầu dài chừng mười lăm cấy số, dọc Bến Cá dài tới Bến Gạo, Bến Củi, Sáu Giang Hồ "trấn" khúc đầu, Mãnh Cụt "trấn" khúc đuôi, mỗi đứa có vài chục đàn em chung mâm chung chiếu, ngoài nghề bốc vác, chúng kiêm luôn các nghề phụ như đâm thuê chém mướn, buôn gian bán lậu trên bộ lẫn dưới sông, các phe cánh khác lỡ lạc bước vào không mẻ đầu thì cũng sứt trán. Hai phe chung sống khá hòa bình, thậm chí rất thuận thảo, nhưng rồi vào cái đận hạn Bà Chằn năm nọ, Sáu Giang Hồ không may bị vướng vào mẻ lưới quét hàng cấm, bị vô tù mất ba nằm. Gỡ xong ba cuốn lịch quay về đời thường thì thằng con đầu lòng - Cu Hùm - đã có thêm đứa em gái lên hai, và đứa nữa còn trong bụng mẹ. Căn nhà cũ trong hẻm Tàu Hũ không còn. Nơi ở mới của mấy mẹ con là một căn phố ngoài đường lớn buôn bán quần áo khá khang trang. Hỏi Cu Hùm, Út bảo nó đi học. Hỏi cha của đứa gái và đứa sắp chào đời là ai, nàng một mực không nói, khóc lóc mà rằng, vắng hắn như rắn mất đầu, bọn đàn em đứa bỏ nghề đổi xứ đi nơi khác, đứa đầu quấn sang phe Mãnh Cụt, hai mẹ con thành ra bơ vơ chẳng ai đỡ đần hôm sớm. Đe nẹt có, năn nỉ ỉ ôi có, nhưng Út Cưng vẫn câm như hến không cho hắn biết Cu Hùm học ở trường nào, xem ra đã ôm cầm sang thuyền khác, nàng vẫn khư khư giữ lấy núm ruột của mối tình "trai tứ chiếng, gái giang hồ" nay đã thành quá vãng, để hắn vốn trắng tay càng tay trắng luôn!
Chưa bao giờ hắn cảm thấy lòng đắng và đau đến vậy, cất mình ra đường mà chẳng chút ngạc nhiên khi cô vợ cũ sau cơn khóc bảy phần than vãn, ba phần kể khổ mắt vụt ráo trơ hệt mắt cá ươn, không có lấy dù chỉ nửa lời níu giữ gã chồng cũ. Bao nhiêu mường tượng về cuộc hội ngộ đầm ấm phút chốc tan thành mây khói đã đành, bẽ bàng hơn, không chỉ trái tim nàng vuột mất mà cả cái da cái thịt nõn nường kia cũng đã thuộc về những chiều quấn quít trộn tóc hòa nồng, hà hơi ấp lạnh, những khuya kêu đòi trườn rướn, siết rên hoan lạc... trong tay thằng khác. Sự phản bội phũ phàng, ngang nhiên nhưng hình như nàng không hề có lỗi mà muôn sự đều do hắn. Ôi, cái đồ ngu như heo chưa thiến, hồi đó có mỗi mấy lạng "cơm tiên" cũng để cho bị mắc lưới! Hắn tự rủa thầm cho đỡ... đắng.
Vào một chiều mưa tầm tã, do ma đưa lối quỷ dẫn đường sao ấy, Sáu Giang Hồ bước vào một quán nhậu quen thuộc nay đã "lên đời" thành nhà hàng, và hắn bỗng gặp lại Mãnh Cụt. Đầu vẫn trọc tếu, áo chim cò, quần Jeans và giầy da đen bóng lộn. Mãnh Cụt ngồi một mình, chân gác lên bàn, uống bia theo lối quen đã thành tật: Cầm chai quật vào ống quyển đánh "chong", cái cổ chai vỡ ngọt y như bị tiện đứt rồi ngửa cổ tu ừng ực. Người lạ thấy màn "diễu võ dương oai" ấy mười người hết chín rưỡi thường lác mắt phục lăn, còn những ai biết tỏng dưới lớp quần Jeans là cả một ống sắt chân giả thì bĩu môi khinh miệt, hoặc cười khẩy hàm ý không tán thưởng cũng không chê bai.
Thoạt thấy Sáu Giang Hồ thả phịch người xuống ghế đối diện mình, Mãnh Cụt quắc mắt nhìn lom lom đoạn cả cười rụt vội hai chân xuống gầm bàn.
- Trời đất, mầy hả Sáu? Cứ ngỡ tay yêng hùng mạt vận nào, đại ca ra hồi nào vậy? Sao hổng báo trước để đàn em đi đón? - Quay mặt vào phía quầy, gã lệnh: - Tiếp khách... tới bến luôn nghe tụi bây!
Sau tiếng "dạ" ran, bia và mồi được hai cô tiếp viên trắng y như bông bưởi, đỏ y châu sa, mượt mà y... cháo chảy bưng ra với dáng đi hao hao những người mẫu trên sân khấu, hai chân khẽ bước cheo chéo nhau, dặt dè như thể ngại trái chanh trái táo gì đó kẹp sau làn váy cũn cỡn bất chợt rơi vãi ra.
Mặc giọng lưỡi đểu cáng của thằng "đồng nghiệp" cũ, "đại ca Sáu" lầm lì ăn và uống, cơ hồ lỡ nuốt trọng mất lưỡi, chẳng hở ra tiếng nào. Mãnh Cụt tiếp tục thượng chân lên bàn, trưng cặp đế giầy chỉ cách mũi "đại ca" vài tấc, tiếp tục uống bia kiểu trêu ngươi nọ và, thao thao gần như bất tuyệt từ chuyện này sang chuyện nọ. Dù chẳng mảy may tin những khoe mẽ thành tích, bốc phét uy danh trong câu chuyện thuộc loại "tào lao bắc xế" của Mãnh Cụt, Sáu Giang Hồ cũng không thể không thừa nhận rằng, bây giờ gã chẳng những giàu tiền lắm của mà thế lực cũng trội hơn ngày xưa, cả cái khoản học làm sang cũng được gã chăm chút kỹ.
Ném cái chai rỗng xuống gầm bàn, Mãnh Cụt chìa hộp xì gà về phía Sáu, hắn nhón lấy một điếu, Mãnh vội bật quẹt ga đưa tới, đoạn với thao tác vặt khá điệu nghệ, gã búng một điếu lên cao há miệng theo kiểu chó đớp xương ngậm lấy đằng cán, dùng lưỡi lùa từ mép trái sang mép phải trước khi châm hút, thổi khói mù mịt. Sáu Giang Hồ bật thốt, giọng bực bõ:
- Đ. m, bao nhiêu năm cũng chỉ mấy trò khỉ cũ rích.
- Ngại thấy những trò mới của tao mầy sẽ ngất xỉu, từ từ thôi con ạ! Sao? Đ.m, hợp tác với bọn này chớ?
Vẻ mặt câng câng của tay du côn vườn xưa vốn ngang cân đồng lượng với mình giờ trông sao tởm đến vậy? Thay vì tương một quả đấm vào mặt gã, Sáu Giang Hồ lại thấy mình "nhẫn nhục" nói giọng của kẻ lép vế:
- Kiểu nào?
- Chung vốn kinh doanh! Trò này bảo đảm... mới!
- Vốn máu hay mồ hôi vậy?
- Bậy, tiền chớ! Kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
- Tao cháy túi, mầy thừa biết.
- Vậy thì... làm công ăn lương!
- Tao không tin mầy là một ông chủ tốt.
- Xin lỗi mầy! - Mãnh Cụt mủm mỉm cười, gõ nhẹ nắm đấm lên bàn đệm cho câu nói nhả rời từng tiếng nửa cười cợt nửa nghiêm chỉnh một cách khó thể nghi ngờ: "Tao không tốt mà dám dang tay xoạc chân chào đón, bảo bọc vợ con mầy trong lúc mầy đi tù à?".
Nghe tim vụt nhói như vừa nhận một nhát dao trí mạng, Sáu Giang Hồ bật dậy, run giọng:
- Thì ra... Mấy chính là... là...
Và, thói côn đồ bao năm tạm lắng, ẩn tàng đâu đó trong xương cốt bất chợt vùng dậy, hắn quơ lấy chai bia uống dở nhắm Mãnh Cụt vụt tới, gã né tránh, bật tiếng cười ha hả. Bàn nhậu tức khắc bị Sáu Giang Hồ đạp đổ, cũng là lúc hắn bị kềm cứng bởi hai thằng to con, mình trần trùng trục, mặt mũi trông hiền khô như thể vừa từ đất nứt lên và, trận đòn hội chợ bắt đầu.
Chẳng biết mê man trong bao lâu, hôm sau hắn choàng tỉnh, thấy mình nằm trên ghe ông Tám Chài, cả xác lẫn hồn đau ê ẩm. Trong ánh nắng sớm mai như rải hàng tỷ con rắn vàng óng trên sóng nước lăn tăn, ông Tám nheo mắt cười, nói:
- Lâu nay qua toàn vớt xác hiền lành trôi sông, trời xui đất khiến thế nào bữa nay lại vớ phải cái thây chưa thèm chết, lại là một thằng đầu trộm đuôi cướp.
Hắn kinh ngạc:
- Ủa, sao ông... biết...
- Chú mầy nổi tiếng cùng hung cực ác từ Bến Củi đến Bến Cá ai hổng biết.
Ngoài nghề chài lưới, bao nhiêu năm rồi không nhớ nữa, ông Tám còn kiêm nghề vớt những cái xác có người thân hoặc vô thừa nhận, tự nguyện chọn sông làm mồ, hoặc sơ sẩy, bị tai bay vạ gió phải trôi sông. Ông coi đó như việc làm tích đức, không bao giờ ngửa tay nhận thù lao, chẳng bao giờ chậm trễ, nhưng cũng chưa bao giờ cứu được kẻ xấu số nào khi hơi thở mỏng manh của họ lỡ bị sóng cuốn đi, vậy mà hôm ấy ông đã giành lại hắn từ tay Hà Bá, trả lại hơi thở cho thằng tù vừa mãn hạn đang ngắc ngoải vì tình phụ, lại bị bồi thêm một trận thừa sống thiếu chết chẳng phân biệt nổi đòn thù hay đòn ghen. "Dưỡng thương" chừng tuần lễ mới tương đối lại sức, Sáu Giang Hồ quỳ móp tạ ơn, khẩn thiết xin ông Tám nhận làm con nuôi. Ông thẳng thừng từ chối:
- Từ lâu qua lỡ coi sông là vợ, sóng là con, và những oan hồn trôi sông là bè bạn mất rồi. Vả lại đức của nhà qua mỏng lắm, hổng dám nhận làm cha một tay du côn du kề danh tiếng lẫy lừng cỡ chú mầy đâu!
- Con vốn từ trại trẻ mồ côi bước ra đời, giờ tứ cố vô thân, tía kể như đẻ con lần thứ hai - Hắn nghẹn ngào nói - Từ nay con xin thề...
- Bây toàn thề kiểu cá trê chui ống, hơi đâu tin. Thôi vầy nghen, có chú mầy đêm hôm qua cũng đỡ hiu quạnh, vui thì ở, buồn cứ đi.
Dù không được ông Tám chấp thuận, Sáu Giang Hồ vẫn cần mẫn, chí thú làm "con nuôi", tỏ ra tu tỉnh hẳn. Ngày ngày dang nắng đội mưa chịu khó tập bơi, lặn, cắn răng nhận những cái tát nháng lửa của ông Tám mỗi lần do quen thói buột miệng chửi thề. Sóng gió sông nước hiền hòa không chỉ "ăn" vào cái da cái tóc mà hình như còn lận cả vào tận tâm can gã đàn ông vâm váp, chắc nịch, phụ tá đắc lực của ông Tám trong nghề chài lưới lẫn "nghề" mò vớt xác. Ngạc nhiên thấy hàng tháng ròng hắn không một lần rời ghe lên bến, đôi khi ông nhắc nhở, hắn chỉ mỉm cười rồi lảng sang chuyện khác, có lần ông bực bội gắt:
- Nè, chú mầy tính trói mình vô cái ghe tàng này mãi hay sao?.
- Dạ đâu có, đơn giản là con cũng chọn sông làm vợ y như tía vậy mà! Hắn nửa đùa nửa thật.
Ông Tám trừng trợn:
- Bậy bạ nghe mầy, phải kêu sông bằng má mới đúng chớ thằng ba trợn!
- Chừng nào tía chịu nhận con làm con nuôi, con mới... còn lúc này...
- Chú mầy là... tình địch của qua hả thằng đầu trộm đuôi cướp?
Hai người cùng cười, ông Tám nhìn xoáy vào tinh mũi hắn:
- Qua già rồi không kể số gì nữa. Chú mầy còn trẻ...
- Vậy tía muốn con quay về nghề cũ à?
- Bậy, ý qua muốn nói là có cả trăm cả nghìn kiểu hoàn lương, không cứ gì phải tự giam mình giữa sông nước như vầy.
Sáu Giang Hồ trầm ngâm, có vẻ nghĩ ngợi rất lung và, sau đó hắn không còn tự neo mình vào chiếc ghe già nua suốt ngày đêm nữa, thỉnh thoảng lên bến lang thang đâu đó, đôi khi còn theo ông Tám đi ăn đám giỗ những người xấu số ông coi là bạn bè, đã từng được ông vớt từ sông lên. Nghe vài người ở chợ mách lẻo, mỗi khi lên phố chợ hắn thường lui tới khu nghĩa địa đối diện Trường tiểu học Ngày Mai, ông Tám tò mò:
- Nè Sáu, chú mầy có vụ mần ăn gì bí mật mà thỉnh thoảng lại vô nghĩa địa?
Thoạt tiên ngậm tăm, bị cật vấn riết hắn đâm bực, dấm dẳng nói:
- Làm gì có phi vụ bí mật bí mơ nào. Thoáng ngập ngừng rồi hắn làu bàu tiếp: - Chẳng qua lâu lâu nhớ thằng Cu Hùm, con lại tới đó nhìn lén nó đi học về.
- Nhìn trộm nó hay là... con mẹ nó?. - Ông Tám nói giọng cà rỡn, hắn đổ quạu gắt:
- Chỉ riêng nó thôi, không tin thì cũng mặc tía, đồ ông già... nhiều chuyện!
- Nhìn lén à? Sao chú mấy hèn vậy? Phải giành nó khỏi tay con đờn bà thay lòng đổi dạ chớ!
- Đúng, con chỉ là một thằng hèn!
Hắn cúi gầm mặt. Ông Tám cả cười:
- Đừng có buồn, qua chỉ đùa thôi. Suy cho cùng lúc này thằng nhỏ ở với má nó vẫn ấm hơn với chú mầy, sông có khúc, người có lúc, biết đâu sau này...
Ngày tháng cứ thế êm xuôi, ông già sông nước ngày mỗi thấy gần gũi Sáu Giang Hồ hơn, ngày mỗi tin hắn hoàn lương thật. Hệt người dạy thú trong sở thú thấy con hổ được mình thuần hóa trở nên hiền lành giống con chó nhà, ông Tám ngầm "sướng" về cái thành quả - dù chẳng được ai ghi nhận - mình đạt được. Lại nữa, sau vài lần trái gió trở trời, ốm đau èo uột, được hắn tận tình chăm sóc từ thuốc men đến miếng ăn giấc ngủ, ông chợt ngộ ra, tình cảm "con nuôi" ở hắn là thứ tình chân thật, định bụng hôm nào sẽ làm bữa tiệc nhỏ, để hắn chính thức được kêu sông Hậu bằng má, không còn "phạm thượng" đòi đóng vai tình địch nữa, nhưng rồi...
Vào một ngày không còn nhớ đẹp hay xấu trời, cái bến Cây Còng đêm đêm ghe chài về ngủ đậu thường trống vắng chợt có chiếc ghe khác tới neo đậu kề bên. Ghe thương hồ chuyên doanh mặt hàng đường thốt nốt từ Campuchia xuôi về bỏ mối cho các vựa, chợ ven sông, sau đó trong chuyến ngược chở khẳm lừ các loại hàng đặc sản miền Tây Nam Bộ. Ông Thạch Nu chủ ghe là người Khmer vui tính, luôn tươi cười nhưng chỉ có thể nói chuyện với người khác qua động tác của những ngón tay. Cô con gái lai Việt có mầu da nâu sáng hơn cha, mảnh mai, rắn rỏi, và trông trẻ hơn cái tuổi 30 vốn có. Ban ngày cô lanh lợi, hoạt bát bao nhiêu thì - lạ thay - về đêm, giọng hát cổ nghe buồn bấy nhiêu.
Dẫu một tháng chỉ vài lần ghé bến, tiếng hát buồn não nuột vẳng từ cái ghe bầu ấy thường khiến Sáu Giang Hồ bồn chồn đến mất ngủ. Tiếng hát đêm đêm trong thế giới hết sức kiệm lời, nếu không muốn nói là hoàn toàn câm lắng của hai cha con man mác chút huyễn hoặc, gợi mối cảm hoài lạ lùng nào đó ở người nghe. Ban đầu lạ, hắn không tiện hỏi, dần dà quen, một hôm hắn đánh bạo hỏi cô "hàng xóm":
- Sophi à, tôi hỏi nếu không phải cô bỏ quá cho!
Nàng khẽ nhíu mày, mủm mỉm cười, nói giọng Việt hơi cứng nhưng khá tròn vành rõ chữ:
- Có gì đâu, anh Sáu cứ hỏi, nếu là chuyện không đáng nghe Sophi chỉ việc bỏ ngoài tai.
- Sao cô chỉ thích hát vào ban đêm? Những bài hát tiếng Khmer tôi không hiểu nhưng nghe thiệt buồn, nghe riết thuộc luôn.
- Anh Sáu có xạo không vậy?
Sophi nửa ngờ nửa tin. Hắn cố uốn giọng bắt chước âm điệu một bài cô hay hát:
- Kôn ơi, Kôn kênh tơn oôna xrây puu âu kôn kon dum mđai kôn tơn phxa phnhơ num... Sophi có thể hát bài này bằng tiếng Việt không?
Đôi mắt long lanh ánh ướt vẻ vui khôn tả, cô không hát mà dịu dàng nói:
- Cũng dễ hiểu thôi, dịch ra tiếng quê ngoại Sóc Trăng của Sophi thì: Con ơi nghe lời cha ru. Mẹ con đi chợ tới trưa mới về. Mẹ về cho bánh sa kê. Cho đầu con gối con kê lên đùi. Mẹ cưng con ngủ cho mùi. Chân mẹ làm đệm tay thời ôm con. Ngủ đi, đừng khóc, cha thương!
- Thì ra là một bài hát ru con. Hắn bỗng đổi giọng cà khịa: - Nhưng nghe Sophi hát ru tôi lại... mất ngủ, lạ quá hà!
Cô gái nhại đúng ngữ điệu của hắn:
- Đơn giản vì... anh Sáu có phải là con của Sophi đâu!
- Ờ há! Mà sao lời bài hát lại là cha ru...
- Đố anh Sáu biết?
- Chịu!
- Sophi mất má từ lúc mới lọt lòng, cha phải ru dỗ, nuôi nấng Sophi chớ còn ai khác nữa?
- Thì ra... trước đây ông không hề...
- Cha Sophi mới bị mất tiếng chừng vài năm nay thôi, sau một trận đau liệt giường liệt chiếu tưởng chết hồi còn ở Biển Hồ.
- Ngày xưa ông hát ru Sophi ngủ, bây giờ cô hát ru ai?
- Thì cũng... ru con.
- Hình như bên ghe cô đâu có trẻ con.
- Không trẻ con thì ru búp bê cũng đâu có sao!
Vừa nói cô vừa ngước cái nhìn xa vắng lên trời, hắn cảm thấy rờn rợn như thể trong giây lát sẽ có một đứa trẻ vỗ đôi cánh lấp lánh bảy sắc cầu vồng bay xuống từ những đám mây, và nàng sẽ ẵm nó, sẽ đong đưa nó dịu dàng trong vòng tay mầu nâu sáng, phơn phớt lông tơ, và cất tiếng não nuột hát ru.
Giữa lúc mối giao hảo láng giềng đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp thì chiếc ghe thương hồ ấy đột nhiên vắng bặt, chẳng thấy ghé bến Cây Còng nữa. Tiếng hát ru quen thuộc trở thành nỗi nhớ lúc nào chẳng hay, khiến Sáu Giang Hồ đâm ra bực bõ chính mình, rằng khéo bận tâm vớ vẩn, thế nhưng không ít lúc hắn giật thót, bắt gặp mình lẩm bẩm "nhại" lại những lời ru buồn Sophi từng hát. Tình cờ nghe thấy, ông Tám chẳng nói gì, chỉ nghĩ bụng: "Con hổ" lại nhớ rừng, không khéo nó phải lòng tiếng hát như ngải như bùa ấy mất rồi!
Vắng chiếc ghe chở lời ru buồn về đâu chẳng biết chừng hơn hai con trăng, Sáu Giang Hồ lặng lẽ ra đi, để lại đôi dòng viết nguệch ngoạc trên bề lưng lờ lịch ngày hôm ấy, lén bỏ vào cái khạp da bò, nơi vừa đựng gạo ăn hàng ngày, vừa cất tiền dành dụm của ông Tám Chài: Con mạn phép mượn tía ít tiền, mong tía đừng giận. Chắc chắn có ngày con sẽ trở về. Huỳnh Văn Bé Sáu. Tờ lịch đến nay ông Tám vẫn giữ dưới đáy khạp và, thoáng chốc mới đó mà đã hơn mười năm.
3.
Thằng nhỏ ngoài mui ngủ lúc nào chẳng hay. Nắng nghiêng bóng che mát cả người nó, "con chim" vẫn hồn nhiên chìa lên trời. Cái chong chóng tiếp tục quay mòng. Gió lớn hơn, lá rụng nhiều, cây còng đang mùa thay lá. Trong mui, cuộc nhậu đã tàn, hai người chuyển sang uống trà quạu.
- Nói đi, có phải hồi đó chú mầy chịu hổng xiết cái bịnh tương tư, nên bỏ qua đi tìm... - Ông Tám nói. Sáu Giang Hồ mỉm cười, cái bớt vắt chéo trên chân mày mắt trái đỏ au y tôm luộc:
- Tía biết tỏng rồi còn giả bộ!
- Rồi có gặp không?
- Dạ có, tía Sophi coi vậy nhưng khó dàn trời, ban đầu ổng nhứt định không chịu, riết con mới làm ổng... mê. Chốc, Sophi đã một lần... gãy gánh nên ổng...
- Chú mầy lấy lòng ổng bằng mấy ngón tay ra dấu hả?
- Dạ không, bằng sự cần mẫn kiên trì bám riết. Chuyện dài lắm, ly kì lắm, nhưng tóm lại là...
- Là... sau cùng chú mày cũng cho con nhỏ cái nó cần?
- Dà!
- Một đứa con để tha hồ ru hỡi ru hời thay vì con búp bê bằng mủ?
- Đại để vậy không chỉ một mà tới hai đứa. Tụi con ăn nên làm ra, và sống rất hạnh phúc, nhưng rồi... - Cảm thấy trái tim cơ hồ bị bóp nghẹt bởi bàn tay phải gió nào, ắng lặng giây lát, hắn lái câu chuyện sang ngõ khác: - Con quả có tội lớn, xưa đã có lần con nói với tía con là thằng hèn, hơn mười năm qua con lại là đứa bất nghĩa không một lần về thăm tía, may mà tía...
- Ờ, may mà qua chưa về quạt nước pha trà hầu tiên tổ dưới chín suối. Chú mầy còn bất nghĩa cả với thằng con trai, thằng Cu Hùm.
- Ơn trời, con đã gặp nó rồi!
Hôm tình cờ gặp Út Cưng ở quán bà Ba Xuân ngoài Bến Củi, dù tránh mặt, nhưng rồi hắn cảm thấy không thể không biết tí tin tức nào về nàng, bèn hỏi bà Ba. Bà này chẳng biết gì nhiều, chỉ nói một cách hờ hững: - Nghe đâu nó ở tuốt trong Rạch Gừa!
Rạch Gừa không hề xa lạ. Đó là nơi ngày xưa hắn rất ngại ghé, bởi mỗi lần thấy mặt là bà Chín Cải lại kiếm cớ chửi chó mắng mèo, xàng thúng đụng nia, rủa xiên mắng xéo, thở vắn than dài rằng nhà bà vô phước, có mỗi mụn con gái rượu sau năm thằng con trai chẳng ra gì, nó lại vớ nhằm đứa đầu trộm đuôi cướp.
Trong căn nhà lá trống trước trống sau, nắng xế trưa dọi qua những lỗ thủng trên mái trên vách đổ xuống mặt sàn ẩm hàng loạt hột gà dẹt, tròn, méo, dị dạng. Trên chiếc giường tre trải manh chiếu cũ, thằng Hùm nằm thu người dưới tấm mền chỉ cũ sờn, dù đã mười bốn tuổi trông nhỏ thó giống đứa trẻ lên chín, mở mắt thao láo trông lên mái lá như thể trông chờ phép lạ nào đó sẽ đến từ cái thiên đường hư ảo trong những truyện kể đêm đêm của mẹ nó và, phép lạ đã đến với nó thật. Chẳng phải đến từ cái nơi có hoa thơm cỏ lạ, cây trổ toàn bánh kẹo, lủng lẳng đủ thứ đồ chơi, lắm thức ăn thức uống ngon lành dành cho những thiên thần xinh ngoan vân vân thoắt ẩn thoắt hiện trên chín tầng mây, mà đến từ những bước chân của Sáu Giang Hồ bước qua khung cửa ọp ẹp mở toang hoang suốt bốn mùa. Thoạt nghe tiếng chân, nó thoáng giật thót, chõi mạnh tay cố nâng nửa phần người phía trên nhổm lên, nghểnh cái cổ ốm o, dài ngẳng trông ra, khẽ nhíu đôi mày thơ dại hỏi khẽ:
- Ai đó?
- Cu Hùm có nhà không?
- Tui là Hùm đây, ông... ông...
Thằng nhỏ giương mắt nhìn ông khách chẳng có dấu ấn nào trong kí ức nó.
- Ba đây, ba của con đây!
Thấy thằng nhỏ chẳng tung mền bật dậy, chỉ động đậy mặt mày đã co rúm lại một cách đau đớn, hắn rảo bước tới, vẻ mặt thiểu não của Cu Hùm khiến hắn gần như sụp xuống, quỳ móp bên giường.
- Con bịnh hay sao vậy?
- Con bị... liệt mất rồi! Cu Hùm nở nụ cười méo xệch.
Khựng sững, bất động một giây, hai giây rồi ba giây... Sáu Giang Hồ bưng mặt khóc tấm tức. Tiếng khóc cố nén tải ngầm sự đau khổ cùng cực làm chuyển rung cả ngôi nhà lá. Tiếng khóc phát từ gã đàn ông dãi dầu sương gió, bặm trợn nghe kì quặc làm thằng nhỏ tật nguyền sợ đến sởn ốc, mếu máo khóc theo. Từ năm lên tám, sau một trận sốt li bì, chứng bại liệt đã làm teo cơ đôi chân tội nghiệp của nó.
- Gặp thằng Hùm rồi có gặp má nó không? - Ông Tám chiêu ngụm nước trà nguội ngắc.
- Dạ có, nhưng cũng kể như không! - Sáu Giang Hồ khẽ lắc đầu - Hôm đó ở chợ về không biết nghe lời của đứa ác khẩu nào, ngỡ con bắt cóc mất thằng nhỏ, Út Cưng lồng lộn đi tìm, gặp hai cha con trong một tiệm cơm, nó la toáng lên, nhiếc mắng đủ điều, quăng trả lại tất tần tật những thứ con mua sắm cho thằng nhỏ kể cả chiếc xe lăn, lôi nó lên xe ôm dông biến. Con gom tất cả các thứ quay lại Rạch Gừa. Út Cưng không thèm mở cửa, cái cửa ọp ẹp chỉ cần đạp một cái là... nhưng con cố dằn nén, để các thứ trước hiên. Hổng biết lóng rày mẹ con nó sống ra sao?
- Thỉnh thoảng qua cũng có gặp nó. Giờ nó bán rau quả ngoài chợ, lam lũ lắm, hổng còn ăn trơn mặc láng như xưa.
- Thằng Mãnh Cụt...
- Tiêu rồi, dễ chừng cũng ba hay bốn năm gì rồi, sanh nghề tử nghiệp mà, nó cho nhiều người ăn dao nên đến ngày tận số dao ăn nó cũng là lẽ thường tình, lẽ công bằng của trời đất. Tay anh chị, gã già nhân ngãi non vợ chồng đột ngột mất đi, cái cửa hàng quần áo ngoài phố bị các mụ vợ lớn vợ bé và con cái của gã lấy lại, sang cho người khác. Con Út đành kéo sắp nhỏ về Rạch Gừa nương náu chỗ bà ngoại chúng, bả cũng "đi bán muối" chết từ năm ngoái rồi.
- Sao tía rành quá mạng vậy?
- Ui, cái thị trấn Cù Lao này nhỏ bằng bàn tay, hổng cần đăng nhựt trình chuyện gì ai cũng biết. Vả lại, tuồng như qua có nợ nần gì với má con nó, hễ gặp là cầm lòng không đậu; khi thì vài con cá, lúc mấy cái bánh gởi con Út mang về cho sắp nhỏ, mà nói cho cùng, gặp con Út qua lại nhơ nhớ chú mầy, tuy chưa chấp thuận ngoài miệng nhưng trong lòng qua đã coi chú mầy là con nuôi... mẹ nó rồi! Ngoài cu Hùm, thằng Mãnh Cụt để lại tới năm đứa ba gái hai trai, nuôi hổng nổi, nó cho đi ở đợ hết, còn thằng Út Chót mới bảy tuổi đã đi bán vé số dạo. Thấy thằng nhỏ mặt mày sáng sủa lanh lợi, qua mang về cho nó tiếp tục ăn học. Cái thằng đang ngủ ngoài ngoải đó, nó mắc ngủ nên nãy giờ qua chưa cho chú mầy hay.
4.
Nửa đêm về sáng. Khu bến chợ có lắm người Việt làm ăn sinh sống trên dòng Bassac - cách thành phố Tà Keo chẳng bao xa - tối đen như mực, đom đóm lập lòe tựa những quầng mây nhỏ khi tán lúc tụ chấp chới, chợt nháng chợt nhòe trong bóng ghe bóng thuyền cặp mạn kề nhau. Không khí tĩnh lặng bỗng bị phá vỡ bởi tiếng máy đuôi tôm đổ dòn, rồi nhanh như cắt, những chiếc xuồng máy chở đầy bọn mặc đồng phục mầu đen, cổ quấn khăn rằn đỏ trắng ập tới. Tức khắc tiếng la hét, tiếng súng ran lên xáo động cả một vùng sông nước. Thoạt tiên bóng tối bị xé nát, băm vụn bởi những tia lửa khạc từ những nòng súng, đèn pin, sau đó bùng cháy thành những đám nhỏ rồi đám lớn. Trong biển âm sắc hỗn độn, ông Thạch Nu khởi động máy, cố đưa chiếc ghe bầu tách ra khỏi "điểm nóng", Sáu Giang Hồ chống sào tiếp sức Sophi và hai đứa nhỏ trùm chăn kín mít, nín khe trong một góc quây kín hàng hóa mà người mẹ cho là an toàn nhất. Nhưng rồi họ không phải là "ngoại lệ" của cơn lốc đen man rợ, khóa chặt không chỉ từng bước mà cả từng hơi thở riêng tư trong ngực họ. Khi chiếc ghe bầu vừa quay ngang tách mũi ra khỏi đám hỗn loạn chừng vài thước, một báng súng từ phía sau vụt bổ xuống gáy Thạch Nu làm ông đổ gục, ngã tõm xuống sông với tiếng thét xé lòng: Sophi! Âm thanh kì diệu, hiếm hoi cuối cùng được bất ngờ cất lên sau nhiều năm tắc tiếng. Cô con gái từ lòng ghe lao ra, chới với lạc giọng gọi cha, nhưng ông đã khuất dưới mặt nước đục ngầu phù sa pha máu. Hai đứa trẻ bíu lấy gấu sà rông mẹ tựa hai chiếc lá mỏng manh và Sáu Giang Hồ, chiếc sào lúc này chỉ là chiếc que tăm làm sao ngăn bọn thú người đang cơn say máu! Buông sào, hắn liều mạng lăn xả vào một tên, tước lấy súng của nó. Cây AR15 trút hết số đạn còn lại trong băng đẩy lùi được một đợt "tiến công", đợt khác lại tiếp tục xốc tới. Trong khói lửa mịt mù, họ khản giọng tuyệt vọng gọi tên nhau, nhưng không thể bao bọc cho nhau được. Trước khi phóng xuống sông bơi lặn thoát hiểm, hình ảnh sau cùng hắn còn thấy được và mãi mãi khắc ghi trong kí ức: Trong bóng tranh tối tranh sáng hỗn mang, hai đứa trẻ bị dằn một cách man rợ ra khỏi tay mẹ chúng, bị túm chân xách ngược quật vào mạn ghe hệt hai con nhái bén tội nghiệp, và người mẹ thích hát những lời ru buồn bị kềm chặt bởi những bàn tay lông lá, bị chúng bóc trần hệt bóc một quả chuối dưới những cặp mắt thú đói, và hàng tràng cười có thể làm đông lạnh máu trong tim của bất cứ người lương thiện nào.
Cái đêm kinh hoàng ấy bao năm rồi vẫn còn nguyên vẹn, không hề phôi pha trong kí ức đã đành, mỗi lần nhớ lại, Sáu Giang Hồ cứ ngỡ mới xảy ra đâu từ hôm qua. Nếu không có những ngày "khổ luyện" bơi lặn ở sông Hậu với ông Tám Chài, đêm hôm ấy hắn đã chìm tận đáy sông Bassac. Và, từ đêm hôm ấy, những tiếng gọi hoảng hốt, tuyệt vọng của ông Thạch Nu, của Sophi và hai đứa trẻ trai lúc nào cũng như bay lượn trong không khí sẵn sàng đáp đậu xuống hắn khiến tim đau, lòng đau cùng nỗi dằn vặt. Sao hôm đó hắn không cùng "nắm tay" vợ con đi sang thế giới bên kia mà lại đớn hèn thoát hiểm một mình để bây giờ sống không ra sống, chết chưa ra chết, cứ vật vờ như cái phao, cái nút chai hèn mọn nửa chìm nửa nổi lênh đênh trên bề mặt biển đời, hay bể trầm luân - như sư Huệ Đức từng gọi - luôn luôn cuộn sóng thế này?! Đôi khi hắn lại tiếc giá như đừng gặp ông Tám Chài, chẳng gặp Sophi mà đã chết dưới tay Mãnh Cụt, hoặc vẫn tiếp tục là thằng đầu trộm đuôi cướp, hở tí là giương nanh múa vuốt... lưu manh!
Nỗi dằn vặt và những đôi khi ấy sắp từ bỏ hắn vĩnh viễn? Mặt trời nống vòng sáng mỗi lúc mỗi rộng hơn ở đằng đông. Mặt nước sông Hậu phẳng lì như thể đêm qua sóng rủ nhau đi chơi đâu đó chưa về kịp. Ngồi bó gối đằng lái, Sáu Giang Hồ dõi mắt chờ những tia nắng đầu ngày với cảm giác được khói sóng vuốt ve không chỉ xác mà cả hồn.
Lặng lẽ nhưng vô cùng lẫm liệt, mặt trời từ từ nhô lên hệt một quầng máu tươi roi rói. Không còn bao lâu nữa mình sẽ chẳng bao giờ thấy lại mặt trời!? Buồn bã nhủ thầm đoạn hắn đứng lên trông hút vào vòm mui, trong đó ông Tám và thằng Út Chót vẫn ngon giấc, rồi cái nhìn cất ngược lên tán còng đã già cỗi hơn xưa, hình như những lời ru buồn của Sophi lẫn những tiếng gọi tuyệt vọng vẫn còn rì rào, rì rào sau những tờ lá đẫm sương, mỗi tờ lá là một con mắt đăm đăm dõi về phương nào xa diệu vợi!
Mặt trời lên cao hơn, "máu" tràn lênh láng, mầu đỏ tươi loãng dần thành nắng đổ sấp chiếc bóng dài ngoằng của hắn mất hút vào gốc còng cổ thụ. Gã đàn ông rời ghe lên bến, đầu cúi rũ, hai tay thọc sâu túi quần, thong thả bước hệt một người nhàn hạ.
5.
Chợ vãn người. Út Cưng loay hoay xếp gọn mớ rau quả, rảy nước cố níu giữ sự tươi tốt cho chúng dưới những tia nắng như kiếm bổ từ mặt trời đứng giữa hồng tâm giờ ngọ. Ông Tám Chài đến nghiêng sát, nói nhỏ:
- Vô quán nước, có chút chuyện.
Thoáng ngỡ ngàng, Út Cưng thấp giọng:
- Bộ có gì quan trọng sao chú Tám?
- Tao có huỗn đâu mà đi kiếm bây giữa trưa đứng bóng như vầy!
Ông già tóc râu bạc trắng quảy quả bước đi. Út Cưng nhờ bà bạn hàng ngồi ngáp vặt bên cạnh trông hàng giùm, lẽo đẽo theo sau. Họ vào một quán nước bên hông chợ tương đối vắng, nhạc boléro hải ngoại nhừa nhựa ru ngủ không chỉ ông chủ trẻ áo trạc ngực phô hình xăm gái lõa thể trên ngực, mà cả lũ ly tách chai lọ, những cô diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu thời trang... trên những tấm áp phích quảng cáo mầu mè lòe loẹt dán gần như kín cả bốn mặt tường. Uống ngụm đá chanh quậy chưa tan hết đường, ông Tám nói:
- Nghe bây đối xử không đẹp lắm với ba thằng Hùm phải không Út?
- Dà, thì cháu... - Út Cưng ấp úng: - Mà sao chú Tám biết?
- Hổm rày thằng Sáu ở chỗ qua chớ đâu! Chuyện xưa bây bỏ nó trong lúc tù tội theo thằng Mãnh chắc bây chưa quên?
- Chú nói tội cháu, hồi đó cháu bị anh Mãnh ép buộc, dọa dẫm đủ điều...
- Ờ, nó mang vàng bạc lót dưới lưng bây cho êm đặng ép bây ăn nằm đẻ son sòn năm một chớ gì? Chà, cực quá hèn!
Người đàn bà xấu hổ cúi gầm mặt, đưa ly lên định uống ngụm cà phê đá, ngập ngừng, lại đặt ly xuống, khoan xoáy cái nhìn bắt nọn vào ông Tám:
- À, cháu biết rồi, chắc ba Cu Hùm nhờ chú biểu cháu quay lại với ảnh?
- Đừng tưởng bở nghen con! Hổng có thằng đàn ông nào ngu dại đi hốt ổ một gái nạ dòng với sáu con về mà nuôi báo cô đâu, bộ bây tưởng bây còn sắc nước hương trời lắm chắc?
Út Cưng ngượng chín, câu nói "phũ phàng" của ông già sông nước khiến nàng tưởng chừng những phần da kín vụt bị bóc trần phơi lồ lộ hệt những cô thời trang mặc đồ tắm nẩy ngực ngoáy mông trên tường kia. Ông Tám tiếp tục cái giọng nửa câng câng, nửa lành lạnh làm người nghe phát... ớn:
- Nghe bây sợ thằng Sáu bắt cóc Cu Hùm à?
- Dà, dù có cực gấp trăm ngàn lần nữa, cháu cũng không thể xa con của cháu được.
- Theo chỗ qua biết thì nó hổng có ý định đó đâu.
- Vậy ảnh muốn gì?
- Gặp lại, để coi bây đối xử tàn tệ tới cỡ nào!
- Nãy giờ cháu nghe đã đầy tai, mong chú thương tình đừng chửi cháu nữa, tội nghiệp. Nói đi, chú tìm cháu có chuyện gì vậy? Cháu không đến nỗi tàn tệ như chú nghĩ đâu - Út Cưng bưng mặt khóc òa, nước mắt ràn rụa qua kẽ những ngón tay hình như chẳng trong mà vẩn mầu cay cực, buồn tủi.
Dù rủa thầm trong bụng: "Hừm, nước mắt cá sấu!" nhưng rồi ông Tám cũng chợt hối về giọng lưỡi cay độc của mình vừa rồi, bèn dịu giọng:
- Thiệt tình thì, thằng Sáu cũng hổng oán trách gì bây đâu.
- Dà, cháu biết ảnh rất thương thằng Hùm. Nhưng cháu nghĩ, lỡ làng cả rồi, ly nước hắt đi khó bề hốt lại... Dạo này ảnh sống ra sao hả chú?
- Nghe đâu từ hồi năm nẳm, nó sang Campuchia sinh sống mần ăn, vợ con không may bị bọn Pôn Pốt giết sạch, nó trốn thoát, nhưng nghĩ máu thịt oan hồn vợ con vẫn ở bên bển, quay về xứ không đành, nó bèn ở lại đi kiếm ăn lớ ngớ, bị lùa vô trại lao động cải cách hay cưỡng bách gì gì đó hút chết, may sao có một ông người gốc Hoa giàu sụ thương tình bảo lãnh ra, mướn nó mần vệ sĩ. Ông này mần chủ tới sáu, bảy cái khách sạn loại sang, lại có máu mê cờ bạc, theo hầu riết nó cũng đâm ra thạo nghề đổ bát, nổi tiếng là con bạc xuất quỷ nhập thần. Ông chủ gốc Hoa mất đột ngột vì bị nhồi máu trong một ván bài tiền đặt cược cả triệu đô la. Sau đó nó được bà chủ tin cậy, cho trông coi một khách sạn nhà hàng kiêm luôn sòng bạc... Ôi dào, nó kể lớt phớt, qua cũng chỉ nghe qua loa, không tin lắm, nhưng giờ thì tin nó đúng là... - Ông Tám ngưng bặt, Út Cưng bửng lửng, sốt ruột:
- Đúng là gì hả chú?
- Thì là.... đúng, nó đúng là một ông chủ!
Cơ hồ biến thành kẻ nào khác, ông Tám trịnh trọng đảo mắt ngó quanh, tưởng chừng không chỉ những cặp mắt trong quán, trên các mặt tường mà cả những cái nhìn vô hình nào đó trên khắp thế giới đang lom lom găm vào mình, đoạn trịnh trọng kêu tính tiền, trịnh trọng đứng lên, trịnh trọng rảo bước về phía mấy chiếc xe lôi đậu bên kia đường. Đáp lại đôi mắt xoe tròn kinh ngạc của Út Cưng, ông trịnh trọng nói gần như thì thầm:
- Không thể nói ở ngoài đường ngoài sá được, về chỗ qua, hổng biết thằng Út Chót có bỏ ghe đi chơi không, sao nóng ruột quá vầy nè!
Về tới bến Cây Còng, ông Tám yên lòng khi bước lên ghe thấy Út Chót nằm sấp trên sạp ván đọc truyện tranh. Nựng nịu, hôn hít thằng nhỏ, dúi cho nó mấy ngàn rồi Út Cưng theo ông Tám vào góc bếp đằng lái. Trước đôi mắt xoe tròn của người đàn bà lam lũ, ông trịnh trọng mở nắp cái khạp da bò lấy ra hai bó tiền buộc gọn bằng dây thun, toàn tiền mệnh giá 100.000. Một bó dày cỡ cục gạch ông có dán mẩu giấy ghi Kính biếu tía của con, và bó kia dày gấp đôi kèm dòng chữ Của má Cu Hùm và sắp nhỏ.
Chẳng tin vào mắt mình, Út Cưng cố nén kinh ngạc:
- Mèng ơi, tiền thiệt hay giả mà nhiều quá vậy nè?
Có lẽ từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ, bữa nay mắt ông Tám mới tràn ngập ánh vui đến thế:
- Thiệt chớ!
Tương tự, có lẽ từ lúc lọt lòng tới giờ, Út Cưng mới thấy được một bó tiền to nặng đến dường ấy, thực mà cử ngỡ như đang mơ, nửa ngờ nửa tin.
- Chú Tám đừng hù cháu tội nghiệp nghen! Có thiệt là... là tiền của ảnh gởi lại hay là...
- Hay là tiền Hà Bá dưới sông chắc! Còn ai trồng khoai đất này nữa! Hồi năm năm, trước khi bỏ đi biền biệt nó cũng bỏ vô cái khạp này mấy dòng chữ hẹn chắc chắn sẽ về. Lần này nó lại mượn cái khạp mần hộp thơ. Chậc, cái thằng thiệt là... à, mà sao lần này hổng thấy nó hẹn về gì cả vậy cà!?
6.
Chùa tọa lạc ở lưng chừng một sườn đồi đất đỏ miền Đông, ẩn khuất dưới tán si cổ thụ, bốn mùa râm bóng. Mái ngói cũ kỹ oằn nặng cơ man nào là năm tháng, tường rêu bạc mầu nắng mưa lưu cữu. Từ chánh điện đến hậu liêu, các khám thờ, tượng thờ, bàn ghế, hoành phi câu đối, cây kiểng... khoác chung vẻ dung dị trầm mặc, không xanh đỏ tím vàng lòe loẹt giống các chốn Phật đường nơi phồn hoa đô hội. Vài ông sư, dăm chú tiểu, người lặng lẽ như những họa tiết phác thảo điểm vào cảnh u tịch những nét sinh động từ tốn khiêm cung. Nơi này ngăn cách với thế giới "chúng sinh" ồn động bên ngoài cả một cánh rừng cao su bạt ngàn, các đạo hữu ở xóm nhà gần nhất cũng phải hành hương qua chừng sáu bảy cây số mới đến được chùa để lễ bái, nên quanh năm ít khách thập phương lui tới. Có phải vì vậy mà khi thoạt thấy chiếc Toyota mang biển số Campuchia lấm bụi dừng lại trước cổng, sư trụ trì Huệ Đức vội vàng ra đón? Không hẳn thế, ông vui mừng vì gặp lại một khách thân.
Sư đưa khách vào hậu liêu. Trà nhanh chóng được mang ra. Họ ngồi đối ẩm trên sập gụ. Gió từ ngoài vườn lan luồn qua các ô cửa nghịch những chùm phong linh phát hàng chuỗi kính coong nghe vui tai, thanh thoát như thể chúng được gảy từ chiếc đàn nào tận thinh không bay lạc tới chốn này. Thong thả uống cạn một tuần trà, sư nheo mắt ngắm khách.
- Con quả đúng hẹn, thầy đinh ninh thế nào con cũng ghé. Đi miền Tây về lúc nào?
- Dạ, trưa nay, về tới Sài Gòn, ghé bịnh viện xong là con đi thẳng đến đây.
Có vẻ bị dị ứng sao đó với cái bệnh viện Sáu Giang Hồ vừa buột thốt, sư Huệ Đức khẽ nhíu mày.
- Sở nguyện ở miền Tây con đã làm xong chưa?
- Dạ rồi!
- Họ còn sống và an lành cả chứ?
- Dà, ông Tám cũng thường dù đã già quắt như trái khổ qua, nhưng vợ cũ, đứa con trai của con và sắp nhỏ con của người chồng sau thì... khổ lắm.
- Con có cho họ biết nguyên do và mục đích chuyến về của con không?
- Dạ không?
- Sao vậy?
- Thấy không tiện, bạch thầy!
- Bất cứ chuyện gì, rõ ràng minh bạch vẫn hay hơn chứ!
- Nhưng lòng vợ cũ con giờ đã khác, người lâu nay con vẫn coi là cha nuôi thì con không đành lòng cho ổng biết sự thật.
Tiếng chuông gió vẫn tiếp tục thánh thót, hương lan tỏa nhẹ từ vườn vào tinh khiết đến hư ảo, nhưng bầu khí bỗng chùng nặng giữa hai người.
- Hãy coi mọi chuyển biến trên đời này là lẽ tự nhiên của vô thường, con sẽ thấy lòng nhẹ hơn.
- Trước đây để quên đi bi kịch bất hạnh của gia đình, con lao đầu vào công việc như điên, nhưng thân xác rã rời, cái đầu vẫn tỉnh táo không thể diệt trừ được ác mộng, con phải khổ sở chống chọi với chúng gần như hàng đêm. Đã đến lúc...
Thoáng tuyệt vọng làm tối sầm vẻ mặt ông khách, sư Huệ Đức châm trà thêm vào tách, điềm tĩnh nói:
- Đừng có lúc nào cũng sẵn sàng đầu hàng hay chủ bại. Nhớ không? Đã từng có lúc bị đối xử như thú vật, loi ngoi lóp ngóp tưởng đã xong đời, thế mà con cũng giũ được bùn và máu mủ tanh tưởi đứng lên.
- Thầy chợt nhắc khiến con chợt nhớ, có một chuyện hàng bao nhiêu năm con định bụng sẽ xin lỗi thầy rồi cứ quên đi.
- Chuyện gì?
- Cái hồi thấy bị kiết lị nặng ở trại Phnom Srais người chỉ còn nắm xương, con đã lén bắt cóc nhái, tắc kè sấy khô tán thành bột để thầy ăn cho lại sức ngại thầy sợ phạm tội ăn mặn, con đã nói dối là bột đậu nành pha củ năng.
- Tưởng gì, thầy biết nhưng tảng lờ để còn được sống. Vả lại, ở thời buổi lao động khổ sai, thuốc men chẳng có, gạo và muối hiếm hơn vàng thì cũng đành phải "phá chấp" thôi.
- Vậy thì con hiểu rồi, Thầy đã "phá chấp" đến độ khai với bọn chúng thầy là người Hoa thay vì người Việt.
- Ờ họ ghét cay ghét đắng người mình mà, thầy lại nói được tiếng Hoa nên... Chắc, gặp thời thế thế thời phải thế... thôi. Nhưng nói thì nói vậy, đến hết đời ngoài những tội nhỏ nhặt ấy, còn biết bao là tội nữa thầy phải sám hối.
- Thầy đã vậy thì bọn phàm phu tục tử như con phải sám hối cả ngàn kiếp may ra...
- Lại bi quan! - Sư lắc đầu - Phải trì chí hơn mới được. Theo thầy thì thời gian qua con đã thắng. Không thắng sao mang được hàng tỉ đồng từ Campuchia quay về giúp trẻ mồ côi, cơ nhỡ, các cụ ông cụ bà neo đơn, và giúp những người thân!
- Bạch thầy, đó chỉ là chút muối bỏ biển. Trước đây công việc và thời gian là hai trợ thủ đắc lực giúp con rất nhiều, nay thì con không con thời gian nữa, giữ tiền bạc cũng chẳng để làm gì.
Dẫu có vòng vo né tránh cách nào cũng đã đến lúc không thể không nhắc đến sự thật đang làm bận lòng cả hai người.
- Vừa rồi ở chỗ bệnh viện người ta nói thế nào?
- Phải nhập viện trước khi quá muộn!
- Muộn là bao lâu?
- Không bao giờ người ta cho bịnh nhân biết cái điều tối kỵ ấy, nhưng con biết thời gian sống của con bây giờ chỉ còn tính bằng tuần hoặc ngày.
- Con nên nghe theo chỉ định của các thầy thuốc. Đi ngay thôi, thầy sẽ đi cùng con.
- Có ích gì đâu, bạch thầy! Chuyến về này con đã làm xong sở nguyện của mình, con tính chuẩn bị chuyến đi... cuối cùng sớm hơn, trước khi bị nó quật ngã.
Cơ hồ hóa tượng trong giây lát trầm tư, đoạn sư vụt bừng tỉnh:
- Có nghĩa là... con muốn tự sát trước khi bị nó hành hạ, thậm chí... hành quyết? Không, đừng, còn nước còn tát chứ, ai lại...
- Nhưng, bạch thầy con vốn là một thằng hèn đủ thứ, đặc biệt chịu đau rất dở.
- Kẻ tự bóp chết, cắt đứt sự sống của chính mình tệ hại hơn một kẻ hèn, là một kẻ sát nhân!
Sư Huệ Đức đứng lên, bước lui tới, mày cau ríu lại hốt nhiên trông già sọm hệt ông già tám mươi chứ không phải chỉ mới ngoài sáu mươi.
Nhanh thật, mới đó mà đã bao nhiêu năm trôi qua. Thời ấy sư còn là đại đức trẻ, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, giảng dạy môn triết Đông ở trường đại học Vạn Hạnh. Vốn ham mê ngôn ngữ học, sau Anh, Pháp và Hoa ngữ tương đối thành thạo, được Giáo hội trợ cấp học bổng, sư rời Sài Gòn lên đường xuất dương sang Ấn Độ nghiên cứu chữ Phạn rồi đến Campuchia học tiếng Khmer và chữ Pali - ngôn ngữ dùng trong Kinh sách Phật giáo của xứ sở này - tại một ngôi chùa lớn ở trung tâm thành phố Phnom Penh. Khóa học sắp hoàn tất thì xảy ra đại họa Khmer Đỏ, chùa chiền bị dẹp bỏ, sư sãi cũng chỉ là những công cụ lao động như hàng bao tín đồ của họ, bị dồn ra khỏi thành phố về các vùng nông thôn, bị lùa vào các trại lao động cưỡng bách đào mương đắp đập, sản xuất lúa, biến rừng hoang thành đồng trồng bông vải, thi hành bất cứ loại lệnh lạc nào của Angka Leu (2), thường trực bị hành hạ bằng roi vọt, báng súng, đói lạnh, bệnh tật, đa số trở thành mồi ngon của các đại dịch bệnh như tiêu chảy, kiết lị, phù thũng, suy kiệt thể xác lẫn tinh thần. Những ai bị kết tội phản động, không bám kịp hoặc đi ngược dòng "bánh xe lịch sử" thì bị xử tử công khai với thao tác thi hành án tiết kiệm đạn dã man: Dùng những công cụ hiền lành của nông dân, của đồng ruộng như lưỡi cuốc, lưỡi mai nhân danh cách mạng đập thẳng cánh vào gáy hoặc đầu nạn nhân, rồi hất thây xuống hố chôn trước đó chính họ đã đào sẵn. Sư không thể nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu trại lao dịch từ Phnom Srais, Phnom Korg đến Year Piar, và các làng mạc rải dọc dòng sông Bassac hiền hòa ấy, đã từng suýt chết đói biết bao nhiêu bận, đã từng vượt qua những lần bệnh chí mạng ra sao!
Hồi mới vào trại tập trung, bị ám ảnh khôn nguôi bởi cái chết thảm của ông Thạch Nu và vợ con, hễ thấy bọn mặc đồng phục đen, cổ quấn khăn rằn đỏ trắng ở bất cứ đâu lập tức Sáu Giang Hồ nghe tim bị bóp nghẹt, lòng nghẹn ứ uất hận, và mắt vằn ánh căm thù. Thỉnh thoảng hắn lên cơn hoảng loạn, buông bỏ cuốc xẻng giữa giờ lao động, vắt giò lên cổ chạy thục mạng, khóc lóc van lạy "đừng giết tôi, xin đừng giết tôi!" đoạn cười sằng sặc, có khi đang đêm chợt thức, bỗng cất tiếng sủa, tru lên như chó sói, hoặc thình lình nhào xuống sông, mương bơi lặn hệt rái cá hàng giờ. Ngoài những lúc lên cơn, hắn cần mẫn làm việc năng suất gấp hai ba người khác, đặc biệt rất kiệm lời. Có lẽ nhờ thế mà hắn được Angka giả ngơ, không "xóa sổ". Sư Huệ Đức luôn cầu nguyện cho tâm thần hẳn sớm tìm thấy lại sự cân bằng. Chẳng rõ có được Phật phò hộ độ trì hay không mà Sáu Giang Hồ bất giác tỉnh táo trở lại sau một sự cố ai cũng cho là lạ lùng: Hôm ấy có hai người chung trại bị xử tội trộm cá khô của bếp ăn tập thể và mưu toan đào thoát qua biên giới. Cam - Thái. Theo thông lệ, họ phải tự đào huyệt cho mình trước khi bị hành quyết, nhưng cả hai suy kiệt đến độ không thể động tay hay nhấc chân nổi. Sáu Giang Hồ bị chỉ định làm thay.
Đào xong chiếc hố đôi vã mướt mồ hôi, được thưởng một điếu thuốc, hắn điềm tĩnh hút thuốc thở khói, điềm tĩnh cùng bao người khác đứng chờ "thị phạm" phút cuối cùng của hai kẻ xấu số, và rồi hắn không thể điềm tĩnh được nữa khi hai nhát cuốc vung lên, hai cái thây bị bịt mắt đổ xuống. Sau tiếng thét xé lòng, hắn ngã ra bất tỉnh, mê man đến hai hôm sau mới choàng thức, ngơ ngác như thể từ hành tinh nào lạc tới. Từ đó những cơn hoảng loạn không còn nữa, mọi người trong trại kháo nhau, rằng những hồn ma vía quỷ náu ẩn trong hắn đã được hai tử tội bắt mang theo về địa phủ để hắn được bình yên, họ đền ơn hắn đã ra sức đào cho họ một chỗ nằm tử tế cuối cùng nơi trần thế!
Vào những ngày đen tối ấy, dù chênh lệch tới hơn mười tuổi đời, sư Huệ Đức và hắn đã trở thành đôi bạn thân. Một ông sư học thức đầy mình, xuất thân từ cửa Phật kết giao với gã giang hồ gốc gác mồ côi, cựu học sinh dở dang của trường Dòng, từng ẵm cả đồ thờ bằng bạc của nhà Chúa bỏ trốn đi bụi đời... Thoạt tiên từ lời ăn tiếng nói đến cung cách ứng xử giữa hai người có sự lựng khựng, khập khiễng, riết rồi cái khổ, cái đau, cái đói đã như những sợi dây vô hình ràng buộc họ cùng mối đồng cảm sâu xa của những tội đồ bị đạp xuống tận đáy địa ngục, cần phải tựa vào nhau để tồn tại, nuôi hy vọng sống còn. Hắn luôn đỡ đần sư trong các công việc lao động nặng, sẵn sàng sẻ chia, nhường từ miếng ăn đến hớp nước nhỏ, bao giờ cũng với thái độ hết sức tôn kính. Sư bù vào lỗ hổng kiến thức của hắn khá nhiều điều ông đã học hỏi, chiêm nghiệm từ cuộc sống trong lẫn ngoài cửa Thiền, cả những tinh hoa gạn lọc từ kinh sách triết học, Phật học. Có lúc sư quên bẵng hắn chỉ là đứa phàm phu tục tử, đầu óc gần như mít đặc, cứ huyên thuyên thuyết giảng để rồi ngẩn cả người khi chợt phát hiện hắn đã ngủ từ lúc nào chẳng hay, hoặc lơ mơ thả lỏng tâm trí tận đẩu tận đâu, ông đành mỉm cười mà rằng, ờ thì mình nói cho đỡ nhớ Thiền viện? trường lớp và lũ môn sinh không biết lúc này đã đi đâu về đâu cũng chẳng sao!
Ngày nọ, vận may - có mơ cũng không thể thấy - bỗng đến với Sáu Giang Hồ từ một người Campuchia gốc Hoa giàu sụ: Đại gia Basaka, vốn chơi thân với bọn chóp bu ở trại lao động. Trong đợt đội tạp vụ của trại được cắt cử đến tu sửa lại ngôi vườn, hồ bơi rộng mênh mông ở biệt thự của ông ta, hắn đã "lọt vào mắt" ông chủ lớn ấy, sau đó không những được bảo lãnh ra khỏi trại mà còn được mướn làm vệ sĩ vân vân và vân vân, như ông Tám Chài từng kể với Út Cưng.
Gần tám tháng sau ngày Sáu Giang Hồ ra khỏi "địa ngục", sư Huệ Đức và cơ man nào là nạn nhân cùng cảnh ngộ khắp đất nước Campuchia mới được quân đội Việt Nam giải thoát. Và, bây giờ hai người lại gặp nhau, nói như sư thì bởi vì, họ đã lỡ có duyên nghiệp với nhau đâu từ kiếp trước! Cái gã trai trẻ có lúc mất trí đã hồi phục được tâm trí, cái gã lầm lì đương đầu với bao khổ nạn dọc đời, ham sống ngày ấy, giờ buông xuôi, chán sống rồi sao?
Mặc ngày mỗi lúc mỗi xế bóng ngoài cửa, tiếng chuông gió không ngơi nghỉ, và hương lan dìu dịu kín đáo len vào tận các ngõ ngách lòng người, sư Huệ Đức tiếp tục bước hết chiều ngang đến chiều dọc hậu liêu, không chỉ đôi mày cau ríu lại mà hình như cả hồn lẫn xác sư cùng đắm vào suy tưởng. Mãi đến lúc khách đã kiếu từ ra về sư vẫn chưa dừng bước.
7.
Tay anh chị miệt vườn hoàn lương, kẻ bị tình phụ, ngư dân kiêm nghề mò xác, lái buôn đường sông, nạn nhân của Angka, con bạc xuất quỷ nhập thần, ông chủ Casino Ritz- Battambang, kẻ tự nhận mình là thằng hèn, con bệnh ung thư giai đoạn cuối; thực hiện chuyến đi cuối cùng của đời mình vào một đêm đẹp trời. Chiếc Toyota mang biển số Campuchia lấm bụi lặng lẽ rời đường lớn rẽ vào vạt rừng cao su bạt ngàn, dừng lại cách chùa Tĩnh Tâm Tự chừng hơn cây số. Máy xe vẫn nổ, đèn tắt ngấm, cửa kính được quay kín, ngưng hệ thống thông gió, máy điều hòa điều chỉnh độ lạnh tối đa và, trong bóng tối đặc quánh, hắn nhắm mắt lại nghe những lời ru buồn ngày xưa người vợ quá cố thường hát vẳng từ ổ máy CD nhỏ nhẹ vang trong bầu khí mỗi lúc mỗi cạn kiệt dần ô-xi, điềm tĩnh chờ thần chết mang mình qua khỏi biên giới mong manh giữa Sống và Hủy diệt. Trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi mà dài dằng dặc ấy, lặng lẽ mà bạo liệt ấy bao kỷ niệm buồn vui sướng khổ, cay đắng lẫn ngọt bùi lũ lượt hiện ra, thoạt tiên chậm, sau dồn dập hàng hàng lớp lớp, hết đợt sóng quá vãng này tiếp lớp sóng quá vãng khác cuồn cuộn, cuộn siết chồng lấp nhau, cùng triệu triệu huyết quản li ti, tỉ tỉ tế bào đang hoặc sắp tan vỡ tranh nhau hô vang vĩnh biệt, vĩnh biệt! Rồi tất thảy hốt nhiên rút tạnh, chỉ còn mỗi lời ru độc chiếm. Giữa lúc tâm trí đẫm ngát lời ru buồn não nuột, hắn chìm dần vào hôn mê thì ở băng, ghế sau bỗng vang lên tiếng la hớt hải của Cu Hùm:
- Lạnh quá ba ơi, con chết mất!
Thằng nhỏ mở nhanh chuốt cửa, và sau cú máy điện thoại di động nó gọi cho sư Huệ Đức, Sáu Giang Hồ không thể bỏ ngoài tai sự van nài của đứa con tật nguyền, không thể cắt ngang nghiệp chướng, chuyến đi cuối cùng đành bỏ dở.
Làm thế nào "cài" được Cu Hùm vào chuyến đi chết chóc để nó can ngăn kịp lúc một người chán sống, đau đáu với ý định trở thành kẻ sát nhân của chính mình? Tôi - người kể lại câu chuyện này - hỏi sư Huệ Đức. Ông nói:
- Phàm là khi làm bất cứ việc gì với bằng hết thiện tâm thì lòng và trí huệ của ta sáng hẳn lên, sắp đặt mọi chuyện đâu vào đấy. Vả lại, vào giờ ấy ngày ấy chưa phải là thời điểm tận số của Huỳnh Văn Bé Sáu.
Chú thích:
(1) Lời Việt của Lê Giang
(2) Cơ quan đầu não của Khmer Đỏ.