1. Trong số họ hàng bên ngoại tôi yêu nhất cô Dịu. Ông ngoại tôi và cụ thân sinh ra cô là anh em ruột. Mẹ tôi và cô Dịu thân nhau từ thời con gái cho mãi tới năm mẹ tôi mất, một tình bạn kéo dài hơn sáu chục năm. Vì họ có cùng một cảnh ngộ. "Cô Dịu nổi tiếng thế mà cũng khổ như tao", ấy là niềm an ủi lớn nhất của mẹ tôi, vì bà thua kém cô em họ về đủ mọi phương diện. Cô tôi rất đẹp, là cái nhan sắc lộng lẫy của thời bấy giờ nên hơi lạ trong những chục năm đầu thế kỷ. Những người con cái đẹp của thời ấy mặt phải tròn, mắt phải dài, răng đen hạt na, lông mày kẻ nhỏ. Và phải có da có thịt. Lại phải đi đứng khoan thai, nói cười ý tứ, có tướng bà, lợi chồng, lợi con. Cái đẹp của cô Dịu hoàn toàn khác hẳn. Cô đẹp như đầm lai. Mắt hơi sâu với hàng mi dài, mũi cao, miệng nhỏ. Cô lại để răng trắng, búi tóc chứ không vấn khăn. Tóc của cô rất dài, mềm óng như tơ chuốt và quăn tự nhiên như người uốn. Mẹ tôi bảo, đàn bà mà tóc như sóng lượn là vất vả lắm, nằm trên tiền vẫn cứ là vất vả. Tất nhiên là vất vả về đường chồng con. Cô Dịu không chỉ có sắc mà còn có tài. Tài nấu ăn và may vá thì khỏi nói, cô còn có tài kiếm ra tiền bằng nghề nặn con giống và làm hoa giấy. Mỗi dịp tết Trung thu cô lại từ Hưng Yên lên Hà Nội mang theo những bồ hoa giấy và con giống bán cho các cửa hàng quen. Mãi về sau này, khi cô đã già cô vẫn làm hoa bằng vải, cánh lá màu săc phải sờ tay mới biết là giả, bán cho các cơ quan trong tỉnh đã đặt trước. Con gái tỉnh lẻ nhưng mỗi lần lên Hà Nội cô ăn mặc rực rỡ như bà hoàng, quần áo đồng màu, phấn son của Pháp và đeo nhiều đồ nữ trang kiểu dáng rất lạ nhưng cô lại bảo, đồ giả cả, là vàng Mỹ ký cả. Mỗi lần cô Dịu lên Hà Nội đưa hàng, tối nào cả mấy mẹ con tôi cũng phải thức tới quá nửa đêm để nghe cô kể chuyện. Cô kể chuyện rất có duyên và chuyện của cô bao giờ cũng buồn cười. Cười đến tắc thở. Ở thị xã Hưng Yên ngày ấy có bốn anh nhà giàu. Gọi là tứ kiệt: Tín Mỹ, Sùng Long, Đức Phong, Đức Hợp. Một người bán thuốc lào, hai người bán tạp hoá, một người nữa bán và sửa đồng hồ. Cửa hàng vặt ở Hà Nội, vốn liếng dăm bảy ngàn đồng mà cũng thành những nhân vật tai mắt của Hưng Yên, vì cái thị xã ấy giống như một phố huyện, lại không sầm uất bằng phố huyện vì nó ở cuối một con đường cụt, một phía sông Hồng, một phía sông Luộc thì còn đi đâu được nữa. Lại còn có ngũ hung: Phán Tường, Phán Thịnh, Nghị Định, Đình Ba, Lãnh Sáu. Phán Tường mở sòng bạc, Phán Thịnh làm ở dinh quan tuần chuyên ăn của đút, có môn bài mở ti rượu và thuốc phiện, treo bảng RA và RO. Nghị định là nghị viện hàng tỉnh, có cổ phần ở sòng bạc, bàn làm ăn với cẩm Tây Aréttô, sòng bạc có cẩm Tây đỡ đầu là an toàn nhất. Đình Ba là đốc-tờ, con bệnh sẵn sàng chịu mất nhiều tiền để được cái danh đã đến phòng khám của đốc-tờ Ba. Và Lãnh Sáu vừa là lãnh binh vừa là mật thám. Một thị xã bé bằng cái bàn tay, có những chín hung tinh nhưng chỉ có một Hằng Nga là cô dịu nên cô quen biết cả chín gia đình và đều được họ chiều chuộng. Một bàn tiệc, dẫu là bàn tiệc còm ở tỉnh lẻ cũng rất cần có một người đẹp cùng ngồi. Hơn nữa là một người đẹp biết nói chuyện, biết gây cười. Nhưng bà ngoại tôi là bác dâu của cô Dịu thì có ý chê. Mẹ tôi cười thì cười nhưng trong bụng cũng không thích lắm. Cách sống của cô hình như đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một gia đình gia giáo. Con gái ngày ấy không được ra đường một mình, đi đâu phải có bố mẹ hoặc anh chị cùng đi. Nhà có cửa hàng, người con gái đứng bán hàng chỉ được phép trả lới những câu khách hỏi về thứ hàng họ muốn mua. Không được nói thêm, không được nói nhiều và nhất là không được cười với cái nhìn lúng liếng. Có một lần cô kể một câu chuyện vui có cả bà ngoại tôi cùng ngồi nghe. Ở thị xã có một địa điểm đẹp và rất nổi tiếng là hồ Bán Nguyệt. Một bên hồ là con đê bao sông Hồng, có dinh quan tuần và dinh quan công sứ Tây, còn một bên là đền Mẫu, đền Đức Thánh Trần và khu biệt thự nguy nga của Phủ Ích. Một con đường chạy giữa rợp bóng cây, vẳng lặng, nghe rõ tiếng lá cọ trên mặt đường vào mùa đông và tiếng kêu inh ỏi của những ngày hè. Mới đây, cô Dịu kể, thị xã xây một cái cầu bắc qua một góc hồ, từ dinh quan tuần đến cổng sau dinh quan sứ, nghe nói, để bà tuần còn trẻ và đẹp tiện sang thăm người có quyền nhất trong một tỉnh. Ông Sứ tên là Vanh-trơ-be goá vợ, lại nghiện, trước làm công sứ ở Bắc Ninh thì ông Lê Đình Chân là tuần phủ Bắc Ninh. Khi ông Sứ được đổi về Hưng Yên liền kéo theo ông quan Nam Triều, bạn nối khố, cùng về một tỉnh. Người Pháp rất quý những ông quan ta biết làm việc nhưng dân chúng lại đồn là bà tuần gần như là vợ không chính thức của quan công sứ. Tất nhiên là chồng phải biết. Biết thì biết nhưng người vợ làm thế cũng là vì công việc của chồng, không tính công thì thôi chứ kể tội sao được! Bà tôi nghe xong nói ngay: "Chuyện trai gái nghe đâu bỏ đó, đừng có nói lại. Mình là con gái phải biết giữ ý". Cô tôi quay mặt về phía mẹ tôi, thè lưỡi ra rồi nói lảng sang chuyện khác.2. Cô Dịu người đẹp của một thị xã nhỏ, lại là con nhà tử tế nên những gia đình con trai lớn từ lâu đã có ý ngấp nghé. Ngấp nghé chứ chưa nhà nào dám ngỏ lời. Vì cô Dịu đẹp quá, tài hoa quá, lại sắc sảo nữa. Xưa kia các cụ chọn vợ cho con trai thường lấy đức làm dầu, sau mới đến tài đến sắc. Mà tài sắc cũng có tiêu chuẩn rõ ràng: Phúc hậu và đảm đang. Thích Thuý Vân hơn Thuý Kiều. Người đàn bà đẹp từ cổ chí kim thường hay gây hoạ cho chồng và gia đình nhà chồng. Bởi vậy, cô Dịu đã hăm mốt hăm hai vẫn chưa có nhà nào nhờ mối tới đánh tiếng chính thức. Còn cô, cô cũng có cách chọn người tình riêng mình. Năm ấy, tức là những năm Ba mươi, những cô gái tân tiến đã biết ghét, coi thường những anh chàng công tử bột, những thư sinh mặt trắng, những con ông cháu cha. Các cô mơ mộng những chàng trai có học nhưng từng trải và có gương mặt phong trần. Lại có nụ cười buồn và biết nói bóng gió, úp mở về non sông về nòi giống. Là người có lý tưởng, là lý tưởng gì thì các cô không biết, đại khái lá có ấp ủ một cái gì cao hơn, xa hơn cuộc đời một anh viên chức, sáng vác ô đi tối vác về. Cô tôi đã chọn được người đàn ông trong mộng năm cô hăm ba tuổi. Ông này là thông phán toà sứ, bạn của anh trai, đã có vợ và một con đang sống ở Hà Nội, chưa tới ba mươi tuổi. Khi mẹ tôi hỏi vì sao cô lại chọn yêu một người đàn ông đã có vợ, cô trả lời với lối nghĩ hài hước vốn có: "Chị ơi, cỗ lớn đâu đến phần mình, đành ăn thừa thôi". Một cô gái mới lớn sống ở Hà Nội đã khó, còn lại sống ở một thị xã đìu hiu, quanh năm chả có chuyện gì quan trọng để người hàng phố được dịp bàn tán, bình luận cho khỏi buồn thì cái khó gấp trăm lần. Thời ấy con gái chỉ mới thư từ cho bạn trai nếu người ngoài biết chuyện cũng đã tai tiếng lắm, bố mẹ đã khó nhìn thẳng mặt người hàng phố. Huống chi cô tôi còn có mang với người tình và cùng người tình trốn về Hà Nội để sinh con. Cô có vốn liếng riêng, lại có nghề làm hoa giấy và con giống, sống tự lập vẫn được, không gặp khó khăn gì nhiều. Nhưng còn dư luận thì sao? Cô là con mồi mong đợi mà những cái mồm rỗi chuyện tỉnh lẻ muốn cắn xé từ lâu rồi. Tha hồ mà bịa đặt, và sự bịa đặt dẫu vô lý đến đâu vẫn được dư luận ồn ào chấp nhận. Vì con người ấy là rất đáng ghét. "Nó" rất đáng ghét vì "nó" dám coi thường những điều cấm kỵ mà trong thâm tâm họ cũng cho là khắc nghiệt, họ không dám làm chỉ vì họ nhát. Cái táo bạo của kẻ khác khiến họ phải thèm muốn và vì thế mà kẻ kia lại càng đáng ghét, càng đáng giận. Mặc dầu cô Dịu sống ở Hà Nội nhưng phải một năm sau cô mới tới thăm mẹ tôi. Cô mập ra và đẹp rực rỡ. Trời đã cuối thu nên cô mặc áo nhung tím, đi hài cũng bằng nhung tím, cổ tay đeo cái vòng chạm và nơi cổ quấn hai vòng hạt trai nhỏ. Cô vừa cười vừa nói: "Hạt trai là giả nhưng vòng vàng là thật". Cô khoe đã sinh con trai, nặng trên ba ký. Cô làm hoa giấy và thêu khăn chầu áo ngự nên rất có tiền. Vẫn đẹp như xưa, vui như xưa và cô kể lại những chuyện người ta thêu dệt về cô ở tỉnh nhà như chuyện của một người đàn bà bất hạnh nào khác. Chả buồn một tí nào, vì cô đã được sống theo sự lựa chọn của chính mình chứ không giống theo sự lựa chọn của người hàng phố.3. Cô Dịu sống trong hạnh phúc của mối tình đầu được hai năm thì phải chia tay với người tình. Không phải cái dư luận độc ác đã làm cô nản chí, mà, tội nghiệp thay, lại chính người đàn ông cô yêu đã tỏ ra quá yếu đuối, quá mệt mỏi khi phải đa mang một mối tình thêm và một đứa con thêm. Cô chia tay với ông chồng hờ rất nhẹ nhõm, rất dịu dàng, không đòi hỏi gì, không trách móc gì. Anh mệt quá thì anh nên nghỉ, còn tôi vẫn đủ sức nuôi tôi và con tới ngày nó khôn lớn. Khi trò chuyện với mẹ tôi về sự chia tay của hai người cô đã không hối tiếc một chút nào. Cô đã dám yêu, đã được yêu và có con với người đàn ông mình yêu. Thế là quá đủ! Tất nhiên mẹ tôi không thể hiểu được lý lẽ của cô. Vì cụ chưa từng biết mùi vị của tình yêu. Mẹ tôi có hai đời chồng, nhưng cả hai lần đều do bà ngoại và bác trai tôi quyết định. Là con gái đến thời phải đi lấy chồng. Lấy lần đầu không thành, mình lại còn trẻ thì lấy lần thứ hai. Gia đình bảo thế, phố phường nói thế, xưa nay là thế, thì làm theo thế. Khi con trai cô Dịu đã lên năm cô mới đi bước nữa. Năm ấy cô mới hăm tám tuổi. Vẫn rất đẹp, vẫn mặn mà, ấm áp của một người đẹp đã có một đứa con. Ông này goá vợ, có ba con riêng xấp xỉ tuổi tôi, là nhà kinh doanh có tên tuổi và cũng là tay ăn chơi khét tiếng đất kinh kỳ. Ông giống một chàng Từ Hải tân thời, còn cô Dịu như nàng Kiều muốn nương mình nơi bóng cả. Một ông Từ Hải không đánh nàng Kiều còn ông chú tôi lại hay đánh vợ. Vì ông vẫn không bỏ được cái tật trai gái mà cô tôi thì cả ghen. Có lần hai mẹ con tôi lại thăm cô. Cô từ trong giường vén mùng bước ra hai mắt và một bên má tím bầm vì đòn chồng. Cả hai người đàn ông đều do cô tự chọn, có nhờ ai chọn hộ đâu mà than vãn. Nhiều năm về sau này, mỗi lần nói về cô mẹ tôi lại than thở. Rằng cô tôi tài sắc rực rỡ một thời, lấy những hai đời chồng mà không một lần được mặc áo cưới, được ngồi xe cưới, họ hàng cũng không được ăn miếng trầu mừng. Toàn lấy theo thôi. Mà cả hai người đàn ông nào có ra gì. Chỉ được cái mẽ ngoài. Ông trước là bột nặn, ông sau là giấy bồi. Vò cả! Một ông thì sợ đàm tiếu của thiên hạ đành phải bỏ người mình yêu. Một ông thì đúc ra một bầy con, rồi để các con cho vợ nuôi vợ dạy, còn ông thì đi công tác, lúc ở Bộ, lúc ở tỉnh, quen đủ mọi cấp nhưng thực ra ông đang làm việc gì đến vợ cũng không thể biết.Năm 1950 tôi từ Khu Ba vào Thanh Hoá thăm cô và các em ở thị trấn Hậu Hiền. Cô không già đi bao nhiêu, vẫn vui vẻ, duyên dáng như ngày còn trẻ. Cô nuôi các con bằng nghề làm thuốc viên chữa các bệnh đường ruột. Nhiều người bệnh viện đã bỏ về uống thuốc của cô lại khỏi. Thuốc gia truyền mà, vì ông chú tôi là một cụ lang rất nổi tiếng của thị xã ngày xưa. Rồi thêu cờ thi đua và làm hoa thi đua. Rồi dạy Bình dân học vụ và hoạt động văn nghệ ở thị trấn. Hỏi bà lang Dịu, cô giáo Dịu, bà Dịu văn nghệ, cả thị trấn ai cũng biết. Tôi hỏi thăm chú tôi, cô nói, chú vẫn công tác trên Việt Bắc, lâu lâu về thăm vợ con một lần, ở nhà lại khoảng dăm ngày để vợ con hầu hạ nuôi nấng, vá quần áo cũ, may thêm bộ mới và lúc đi lại cầm theo một gói tiền. Cô nói: "Chú anh vẫn thế, ông ấy chả chịu khổ một ngày nào". Đàn ông lắm người cũng tốt số nhỉ?4. Cô tôi hiện vẫn còn khoẻ, mặc dầu đã sang tuổi bảy mươi chín. Nếu mẹ tôi còn sống thì cụ đã ở tuổi chín mươi mốt. Chị em hơn nhau một giáp, chị ở Mão trên, em ở Mão dưới. Đàn bà tuổi Mão thường vất vả về đường chồng con, nếu lấy chồng sớm không mấy ai thoát khỏi qua hai lần đò. Nhưng cô Dịu không bao giờ tự xem là người đàn bà bất hạnh. Cô đã được lấy những người đàn ông cô yêu, tự nguyện hy sinh vì dầu họ chỉ là những ông chồng tầm thường, có nhiều khuyết tật. Năm 1970, chú tôi mất, con cháu về đông đủ, đám ma rất to vì chú là một nhân vật được kính trọng ở xã. Cô lên Hà Nội ở với con trai làm giáo viên trường nghệ thuật sân khấu, sống trong một căn hộ tập thể. Con trai chưa vợ nên người mẹ phải làm mọi việc tạp vặt của một gia đình. Cô vẫn làm thuốc gia truyền và làm hoa giấy, bán cũng có, cho cũng có, làm cho vui, làm cho có bạn. Cô luôn luôn có nhiều bạn đủ mọi lứa tuổi và họ đều mê say được nghe cô nói chuyện. Đủ thứ chuyện, chuyện thời xưa, chuyện bây giờ, toàn chuyện vui thôi, chuyện để cười thôi. Cô không chỉ nói chuyện mà còn dạy nữa. Dạy các cô giáo, các bà chủ gia đình cách nấu một bữa cỗ, may thêu quần áo, cả cách ăn ở với chồng, với họ hàng nhà chồng và với chồng. Châm ngôn của cô, không nên đòi hỏi gì ở người đàn ông cả, mình cứ làm cho hết bổn phận. Nếu là người biết nghĩ thì họ sẽ tự sửa đổi, do họ muốn sửa đổi chứ không do người đàn bà đã buộc họ phải sửa đổi. Đàn ông họ sợ nhất sự bắt buộc. Với những người chồng có tính phóng đãng, cô khuyên các bà vợ nếu muốn buộc chân họ thì nên dùng sợi dây dài, chớ dùng sợi dây ngắn mà hỏng. Cô lại nói thêm, tốt nhất là đừng trói buộc gì cả, cho họ tự do hoàn toàn, còn mình phải tạo ra một gia đình thật ấm áp, là nơi trú ngụ tin cậy nhất của những ông chồng. Về nhà là về với sự yên tĩnh, sự tin cậy, để lấy lại những thứ mà họ đã đánh mất ở nơi này hay nơi kia. Cô khuyên người những điều cô đã một đời làm theo, còn kết quả ra sao thì không dám chắc. Với cô thì hết sức buồn. Chồng buồn đằng chồng, con buồn đằng con. Năm người con của hai đời chồng đều là những người tử tế, hiền lành nhưng vất cả. Vì họ quá vất vả nên họ không còn thì giờ và tiền bạc để quan tâm tới mẹ. Họ chỉ nghĩ tới mẹ khi họ cần có bà ở cạnh để dựa cậy. Một con trai bị lao phổi phải nằm bệnh viện, vợ lại bỏ, không có người hầu hạ liền nghĩ đến mẹ. Một con trai khác hí húi làm giàu quên mất mẹ, tới lúc bị ung thư gan nằm chờ chết bỗng thấy sợ hãi đủ thứ lại gọi mẹ tới để có chỗ nương dựa. Con gái bỏ chồng chưa biết đi đâu, về đâu, làm gì lại kêu cứu mẹ. Và mỗi lần con cái gọi là bà mẹ lập tức lao đến. Sự có mặt của bà có làm chúng dễ thở hơn, bình tâm hơn. Phép lạ của bà rất đơn giản: Không một ai tránh được những bất hạnh này nọ ở đời. Nhưng cách nhận nó như thế nào lại thuộc cái quyền của mình. Nhận nó bằng nụ cười vẫn nhẹ nhõm hơn bằng tiếng rên la.Cách đây hai năm cô tôi đã bảy mươi bảy tuổi, bất đồ bị bà ném từ trên võng mắc cao xuống nền nhà vì dây cột võng bị tuột. Trai tráng bị cái ném ấy cũng ê ẩm người huống hồ một bà già. Rất có thể bà cụ sẽ bị liệt cho đến chết. Tôi đến thăm cô, bà nằm trên giường mặt mũi lợt lạt nhưng vẫn móm mém cười, bảo tôi: "Từ trẻ đến già chả có cái khổ nào mà tôi không được nếm qua. Đã nghĩ ông trời tha thứ cho lúc tuổi già nào ngờ ông vẫn nhớ". Nói xong lại cười, cười lào phào. Cái khổ lúc còn con gái, lúc đi lấy chồng, lúc có con cái, mỗi đoạn đời có bao nhiêu cái khổ có tên và không tên cô tôi đều có phần của mình cả. Mười ngày sau chú em tôi đến báo bà cụ đã ngồi dậy được. Mấy ngày sau tôi lại thăm bà cụ đã vịn giường, vịn ghế ngồi được vào bàn ăn cháo. Bà bảo: "Tuổi già không để con gái phải hầu những việc bẩn thỉu đã là phúc to rồi. Tôi không dám mong khoẻ lại như ngày xưa". Một tháng sau bà đã đi lại được không phải chống gậy, rồi lại đi chợ, rồi bảo con đèo xe sang nhà tôi chơi. Lại trò chuyện, lại cười đùa với các cháu và dự tính giáp Tết sẽ ra Hà Nội, ăn lại một cái Tết ngoài Bắc dối già. Như chả có chuyện gì đã xảy ra cả. Nghe vợ tôi nhăn nhó, than thở về những bệnh nửa thật nửa giả vào tuổi chớm già, cô tôi vừa cười vừa bảo: "Ai mà chả phải chết, đừng có chết vặt bằng những lo lắng lẩm cẩm mà thiệt". Nói xong lại cười. Vợ chồng tôi cũng phì cười. Cái cười không mất tiền mua mà sao con người ta lại khắt khe với mình đến thế!./.