Hắn học xong ra trường, không có việc làm nhưng không buồn gì cả. May mà, hắn có cái nghề chụp hình. Cái nghề này ngày xưa nhiều người làm giàu. Còn bây giờ, thời đại công nghiệp hóa, người ta chế tạo ra máy hình mini với giá rẻ, khách du lịch người nào cũng có một cái cả. Cái nghề một thời được nhiều người ưa chuộng, cũng giống như bao nghề truyền thống khác, giờ đây xem như ế ẩm. Thế nhưng với hắn, một thanh niên mới lớn, chưa biết suy nghĩ chín chắn, ham chọc ghẹo người khác, rất yêu nghề này vì được ngắm các người đẹp qua ống kính. Ở Tháp Bà, chỗ hắn làm nghề chụp hình, có một nhân vật mà thời gian rảnh rỗi mấy bà bán hàng mỹ nghệ, mấy bà bán cóc, ổi, mấy đứa bán “bốt cạt”, đều rụt rè sợ sệt lấy ra nói xấu, đó là chị Thảo. Chị Thảo làm nghề bán hàng mỹ nghệ, năm nay đã bốn mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có chồng. Chị Thảo có nước da đen, cặp mắt mại, không đồng đều, nhìn đằng đông mà người ta cứ ngỡ như đằng tây. Ông trời thật bất công, giống như nghệ sĩ khắc tượng tồi không biết sắp xếp, gò má của chị có cái bớt nhỏ màu đen mọc đầy lông, khuôn mặt không cân đối, trông rất dị hợm. Chị Thảo rất ngại trang điểm vì cái môi trên chị bị sứt, có vá lại nhưng vẫn còn sẹo. Sách báo bảo: “Không có đàn bà nào xấu cả, chỉ có đàn bà không biết làm đẹp cho mình mà thôi...”. Nhưng khuôn mặt của chị làm sao làm đẹp cho được! Có lần vì muốn làm đẹp như bao phụ nữ khác, chị Thảo cũng bỏ ra cả buổi sáng đánh phấn, kẻ lông mày, kẻ mắt, tô môi. Mấy người ở Tháp Bà nhìn chị, cười một trận, rồi nói: “Sao giống con đười ươi quá...”. Có người khác cười, nói: “Còn mỗi cái môi mỏng manh ấy, có trang điểm cũng ít tốn tiền son...”. Từ đó về sau chị Thảo không trang điểm nữa, để nguyên khuôn mặt của mình ra bán hàng. Lạ thật, cái xấu cái đẹp cũng vô cùng quan trọng đối với đời sống. Nhất là trong nghề buôn bán, không biết giá cả đắt rẻ, nhưng người ta cũng chuộng cái đẹp, hình thức bề ngoài của cô chủ bán hàng. Chị xấu, gian hàng của chị bán cũng ế ẩm hơn mọi người. Có lẽ đàn bà trên ba mươi lăm tuổi rồi mà vẫn không có chồng tính tình hay cáu gắt. Chị Thảo không những xấu, mà còn hung dữ nữa. Mỗi lần chị chửi, câu cú như đã xếp sẵn trong ruột, không người nào kịp xen miệng vào. Không những chửi giỏi mà chị còn đánh lộn. Thím Bảy to béo, chửi “vô địch” ở Tháp Bà, bán hàng mỹ nghệ gần bên chị Thảo, cũng không dám ăn hiếp. Một lần, lúc chị mới đăng ký lên Tháp bán, có một vị khách Tây đến gian hàng chị trả giá mua. Thím Bảy tưởng chị hiền, ăn hiếp, kéo khách sang gian hàng thím. Chị Thảo im lặng, không nói gì cả. Khách đi rồi, bất ngờ chị Thảo đến tát thím Bảy một phát thật mạnh, làm cho thím Bảy choáng váng! Tiếp sau đó, một tay chị cầm tóc ghì thím Bảy ngược ra sau, một tay tuột quần đối phương. Chị Thảo làm cho thím Bảy một trận nên thân. May mà có mấy ông bảo vệ Tháp đến can ngăn. Rồi một lần, đến lượt thằng Lem cỡ mười lăm - mười sáu tuổi, bán sách mê tín dạo. Hết chỗ mời, hết chỗ bán rồi sao nó đến ngay trước cửa hàng mỹ nghệ chị Thảo mời khách. Chị Thảo tức giận lắm, nhưng không nói gì cả. Khách đi rồi, chị bất ngờ đùng đùng đến ghì đầu thằng Lem ngược ra sau, cho những mấy chiếc dép vào mặt! Không những đàn bà, trai choai choai, đàn ông mà ''hơi bất công" với chị một chút, chị chửi bới hoặc đánh tất. Mấy người ở đây, chẳng hiểu sao ghét chị, nói: “Trời sinh, đồ cái thứ xấu, mà hung...!”. Một buổi sáng thứ hai vắng khách, buồn và rảnh rỗi quá, hắn ngồi vào ghế đá dưới bóng cây, nhìn sang gian hàng mỹ nghệ của chị Thảo. Cũng như hắn, chị Thảo ế ẩm không có vị khách nào. Chị đang ngồi buồn bã trên ghế, bên cạnh gian hàng, chăm chú đọc báo. Vậy mà, vốn tuổi trẻ hiếu kỳ, bất chợt hắn có ý nghĩ: “Không biết từ nhỏ đến giờ, người đàn bà này có bồ không nhỉ? Người vừa xấu vừa hung dữ như thế chắc không có đâu! Mà đàn bà không có tình yêu thì sao? Tội nghiệp, chắc thiếu thốn tình cảm lắm! Chắc cô đơn, đêm hay mơ mộng viển vông lắm! Tại sao mình không gọi điện chọc bà ấy chơi cho vui?”. Nghĩ rồi, sợ tốn tiền điện thoại, hắn lấy máy ra nhắn tin chọc chơi: “Em Thảo! Em có khỏe không? Em đang làm gì đó? Anh nhớ em nhiều lắm...”. Nhắn xong rồi bỗng nhiên hắn rùng mình: “Tại sao mình lại dám làm như thế? Tại sao mình lại gọi bà ấy bằng em? Nếu bà ấy biết được số điện thoại mình thì sao? Thôi chết, nếu bà ấy mà biết được chắc mồ mả tổ tiên ba đời nhà hắn bị đem ra Tháp nói xấu chơi quá! Giận dữ, bà ấy chơi liều đánh hắn một trận cũng không chừng! Thôi, tiêu đời hắn rồi!...”. Hắn hồi hộp và run vô cùng. Chị Thảo nhận được tin nhắn, lấy máy ra, thấy không phải số quen, ngạc nhiên vô cùng. Chị chau mày, suy nghĩ rất lâu sau, rồi nhắn lại: “Xin lỗi, anh là ai? Tôi không biết. Anh đã gửi nhầm số...”. Thật may quá, chị Thảo không biết số điện thoại của hắn gì cả. Hắn thấy vui vui, vì người xấu và như chị Thảo mà cũng bày đặt lịch sự: “Xin lỗi, anh là ai?”. Còn gọi hắn bằng “anh” nữa chứ! Hắn hào hứng chọc tiếp: “Không, anh không lầm số đâu! Anh biết em tên là Thảo, bán gian hàng mỹ nghệ ở Tháp Bà, đã nhiều lần anh mua hàng của em rồi. Anh rất muốn được làm bạn với em, nhưng điều kiện ở xa quá không cho phép. Giờ đây, vô tình biết được số điện thoại của em, anh vui lắm! Anh nhắn đến em, mong muốn được làm bạn...”. Chị ngạc nhiên, nghi ngờ nhắn lại: “Nhưng anh là ai? Em không biết mặt, làm sao quen nhau?...”. Thôi rồi, hắn nghĩ mãi, không biết nói như thế nào đây? Chốc lát sau, bất ngờ hắn “thông minh đột xuất”, châm chọc, giống như thật: “À, anh quên nói cho em hiểu về anh! Gia đình anh nghèo, không giàu như mọi người. Anh năm nay đã trên bốn mươi tuổi rồi, mắt lé, lùn, dáng người không được đẹp lắm, mọi người ai cũng chê và trêu chọc anh cả. Anh buồn lắm! Anh biết rất rõ về em, em ạ! Em không được đẹp như mọi người, cũng lớn tuổi, cùng đồng cảnh, dễ hiểu, dễ thông cảm nỗi đau nên anh rất muốn lúc buồn mình nhắn tin tâm sự với nhau. Hy vọng em chấp thuận làm bạn, đừng phụ tình cảm chân thành của anh. Tội nghiệp!...”. Từ xưa đến giờ, chị Thảo đâu có ai tha thiết muốn làm bạn như thế! Lâu nay chị Thảo khô khan, chỉ biết cặm cụi lo làm nuôi mấy đứa em ăn học, chỉ biết làm và làm để tồn tại chứ đâu biết gì về chuyện bạn bè yêu đương! Nhưng cho dù chị cô đơn, thiếu thốn tình cảm, muốn được yêu như bao phụ nữ khác đi chăng nữa thì người xấu và hung dữ như chị liệu có người đàn ông nào dám gần, huống hồ chi làm bạn hay yêu! Giờ đây, đột ngột có người đàn ông mong muốn được làm quen, tuy không đẹp lắm nhưng chị vui mừng đến độ choáng ngợp, không biết toan tính ra sao! Chối từ thì tiếc, sợ không còn cơ hội nữa. Cuối cùng, chị cũng bấm máy: “Cũng được! Lúc nào rảnh, có chuyện vui buồn, anh có thể tâm sự với tôi. Tôi rất vui vì được quen anh...”. Thôi rồi, chị Thảo không biết gì cả, đã rơi vào trò đùa của hắn rồi. Một vài phút rảnh rỗi, ngẫu hứng, hắn trở thành diễn viên xuất sắc kiêm luôn đạo diễn mà không biết hậu quả của vở kịch như thế nào! Sáng hôm sau, chị Thảo dậy dọn hàng rất muộn. Mắt chị thâm quầng, người mất ngủ, có thể đêm hôm qua chị thức khuya, suy nghĩ về người đàn ông muốn làm quen mình. Nhìn chị, hắn thấy mắc cười quá, lấy máy ra hào hứng chọc tiếp: “Em Thảo! Em có khỏe không? Đêm hôm qua em có ngủ ngon không? Em dọn hàng ra bán chưa? Anh chúc em một ngày buôn may bán đắt...”. Chị Thảo nhận được tin nhắn của hắn, vui mừng lắm, như không muốn làm gì nữa. Chị bỏ dở hàng đang dọn, ngồi vào ghế, chăm chú nhắn lại từng dòng chữ: “Cảm ơn anh! Em vẫn khỏe. Em dọn hàng xong rồi, giờ đây lo bán! Em cũng hy vọng ngày hôm nay em bán được...”. May thay, hình như ông trời cũng giúp trò đùa hắn, suốt ngày hôm đó khách đến gian hàng chị mua đông lắm. Đến tối, hắn đã về nhà ăn cơm xong rồi chuẩn bị đi tán gái, thì chuông điện thoại rung lên. Hắn bực mình, lấy điện thoại ra, thấy số máy và dòng chữ của chị: “Anh ơi! Ngày hôm nay em bán đắt lắm! Em rất vui, anh ạ! Em cảm ơn anh đã mong em mua may bán đắt...”. Hắn thấy lạ quá, người xấu và hung dữ như chị Thảo ở trên Tháp ai cũng ngại gần, vậy mà khi có người đàn ông nói chuyện tình cảm thật lòng, cũng lịch sự, chân tình như bao người khác. Hắn thấy thích thú, vui vui! Rồi đến ngày lễ thánh Valentin, ngày tình yêu, bạn bè của hắn đứa nào cũng dẫn bồ đi chơi. Còn hắn cũng có bạn gái, nhưng không cần dẫn đi chơi ở đâu cả, vì cô ấy đã bị hắn “tạm ứng” rồi. Hắn sợ tốn kém tiền bạc, nói rõ ra là “trốn nợ”, giả vờ với cô ấy là phải đi chụp hình. Lên Tháp Bà, sau một lúc chụp hình, hắn ngồi vào ghế đá, nhìn sang gian hàng chị Thảo. Hôm nay trông chị Thảo buồn bã, như chán nản cuộc sống tiền bạc, hình như đang chờ đợi tin nhắn của hắn. Nhìn chị, hắn cứ suy nghĩ mãi, không biết cách nào chọc chơi cho vui cả. Cuối cùng, hắn cũng xài cái chiêu thức cũ, nhưng lần này có phần tiến bộ và lãng mạn hơn. Hắn gọi điện đến gian hàng hoa, bảo người ta gói một bông hoa hồng đem lên cho chị, với mẩu giấy trên hoa có dòng chữ vô cùng tha thiết: “Em Thảo, anh nhớ nhiều lắm! Những ngày này, nếu như có em bên cạnh, được đi chơi, được nói chuyện với nhau thì vui biết chừng nào!...”. Chị Thảo nhận được hoa, lần nào cũng đưa lên mũi ngửi những mấy lần. Lần này chị vui mừng đọc dòng chữ yêu dấu xong rồi cẩn thận xếp bỏ vào bóp nhỏ. Sau đó chị trân trọng cắm hoa vào lọ thủy tinh, đặt ở chỗ đẹp nhất trên gian hàng mỹ nghệ. Thỉnh thoảng chị ngồi dưới ghế nhìn lên bình hoa. Chốc chốc chị đứng dậy, đi qua đi lại ngoái đầu nhìn bình hoa mỉm cười một mình. Rồi chốc chốc chị ngồi trên ghế lấy mảnh giấy dấu yêu ra đọc, rồi lại mỉm cười. Mấy người ở Tháp thấy chị dạo này lạ, nhưng không ai biết gì cả. Trông cảnh tượng đó hắn cứ mắc cười đến độ vỡ bụng! Thật trớ trêu, không có chuyện gì có thể giấu mãi được. Thằng Đạm cũng làm nghề chụp hình như hắn. Nó nghèo và xấu, hay chơi chung với chị Thảo. Có lẽ người nghèo và xấu cùng đồng cảnh, dễ hiểu nên chơi thân với chị Thảo lắm. Một buổi sáng sớm nó đến chỗ hắn, lo lắng hỏi: - Không có chuyện gì, sáng nay chị Thảo sao không lên dọn hàng bán? Hắn ngạc nhiên, nhìn sang gian hàng chị Thảo, cánh cửa gian hàng vẫn còn khóa. Hắn thấy lạ, hỏi lại: - Mày hỏi chị Thảo làm chi? Nó kể: - Hôm qua, không biết chuyện gì vui, chị Thảo nhờ tao hỏi giá mua con heo quay lên Tháp cúng. Tao bảo, nhà tao xa lò heo quay. Nhà mày ở gần, hãy nhờ mày đó! Tao có đưa số điện thoại của mày, không biết chỉ có gọi điện nhờ mày chưa?... Hắn giật mình, hỏi vội: - Thế mày có đưa số điện thoại của tao cho bà ấy biết không? Nó thành thật nói: - Có! Tao bảo với chỉ, mày tốt lắm! Có chuyện gì cứ gọi điện nhờ mày!... Thôi rồi, trời ơi, tiêu đời hắn rồi! Chắc mồ mả dòng họ ba đời nhà hắn tiêu đời rồi! Chắc hắn không còn chụp hình ở Tháp Bà nữa rồi! Hắn sốt ruột, lo lắng đứng ngồi không yên. Vậy mà không hiểu sao, suốt một tháng âm thầm trôi qua, chị Thảo không lên trên Tháp. Ngày đầu tháng sau, chị Thảo lên dọn hàng bán như mọi lần. Trông chị ốm, người gầy đi hẳn như người vừa có đám tang. Thỉnh thoảng, chị đang bày hàng mà liếc nhìn hắn, một cái nhìn khó hiểu như sợ hắn bỏ chạy. Hắn nhìn ánh mắt đó lo sợ vô cùng, không biết điều gì sẽ xảy ra. Chị Thảo dọn xong hàng, đến gian hàng nước của thím Sáu, mua một lon nước ngọt ướp đá tiến thẳng đến hướng hắn. Hắn tính chạy, nhưng nghĩ lại “ngu gì chạy, bà ấy đánh mình thì mình đánh lại, sợ gì!”. Hắn hồi hộp ôm giỏ hình, thủ thế. Chị Thảo đến gần, nhìn vào khuôn mặt non choẹt của hắn, hỏi: - Có phải cậu nhắn tin nói chuyện và tặng tôi hoa hồng không? Hắn chưa kịp trả lời, chị Thảo nói: - Cảm ơn cậu! Từ nhỏ đến giờ, vào những đêm trăng rằm, ngày phụ nữ, ngày lễ thánh Valentin, kể cả ngày lễ tết, tôi luôn buồn, luôn khao khát được một người đàn ông nào đó nói chuyện, tặng hoa, chở tôi đi chơi, nhưng không có ai cả! Tôi cảm ơn cậu, trong thời gian qua đã tặng cho tôi những đóa hoa, những niềm hy vọng, những niềm vui mà tôi chưa từng được hưởng!... Nói xong, chị Thảo để lon nước ngọt lại rồi vội bỏ đi. Chị đi mấy bước, nghĩ sao đó rồi quay lại nói: “Ê, ê, cái cậu gì đó! Cậu thông minh lắm, biết cách trêu chọc người khác lắm!...”. Hắn đã hiểu, con người, đàn ông hoặc đàn bà, cho dù xấu xí và hung dữ thế nào đi nữa cũng có tình yêu, cũng có tình người. Hắn tự nhủ, lần sau hắn sẽ lựa mấy người đàn bà lớn tuổi xấu xí và hung dữ, đùa tiếp!