Nhà Thục

An Dương Vương
An Dương Vương tên là Phán, người Ba Thục(1), ở ngôi vua 50 năm, lúc trước thường đánh nhau với Hùng Vương đều bị thua trận, Hùng Vương nói rằng ta có thần lực, nước Thục không sợ ta ư? Thế là không sửa sang võ bị, suốt ngày chỉ lấy ăn uống làm vui, quân Thục đánh đến gần, còn say rượu không tỉnh, bèn thổ ra máu nhảy xuống giếng. Quan quân đều đầu hàng. Vua Thục đã thôn tính được đất nước rồi, bèn đổi Quốc hiệu là Âu Lạc, kinh đô ở Phong Khuê(2).
Theo sử cũ, lúc trước vua Thục cầu hôn với con gái vua Hùng Vương mà không được, lấy làm giận lắm, dặn lại con cháu phải diệt cho được nước Văn Lang; đến bấy giờ Vua có sức mạnh, mới lấy được nước Văn Lang.
CỔ LOA THÀNH
Theo cựu sử: Vương đắp thành ở đất Phong Khuê, rộng 1.000 trượng, quanh co hình như ruột ốc, gọi là Loa thành lại có tên là Trung Qui thành, người nhà Đường gọi là Côn Lôn thành, có ý nói là thành rất cao. Lúc đầu Vương xây Loa thành, xây đến đâu lở đến đấy, Vương lo lắm, làm lễ cầu đảo xin đắp lại, có vị thần hiện ra ở cửa thành, Vương mời vào hỏi, vị thần nói: Phải chờ Thanh Giang sứ đến, nói rồi liền cáo từ đi; ngày hôm sau dậy sớm, Vương ra thành thấy con rùa vàng nổi lên mặt sông, từ phía đông đến, tự xưng là Thanh Giang sứ, nói như người, bàn việc về sau, Vương mừng lắm, lấy cái mâm vàng đựng con rùa ấy, hỏi duyên cớ tại sao thành đổ, con rùa nói rằng: Thành này là linh khí của non sông, con vua trước phụ vào đấy, muốn báo thù cho nước, ẩn trong núi Thất Diệu, trong núi đó có ma, là hồn phách một người con gái hát đời trước. Bên cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và trong nhà có nuôi con gà trắng, hồn phách con ma nhập vào con gà đó, thường làm hại người đi đường; yêu khí ngày một thịnh, nên làm đổ được thành, nếu giết được con gà ấy để mà trừ yêu khí đi, thì thành tự nhiên vững bền. Vương bèn dẫn con Kim Qui đến chỗ quán nằm nghỉ, đến đêm nghe tiếng con quỷ lại gõ cửa, con Kim Qui mắng, quỷ không dám vào, đến khi gà gáy sáng thì bỏ đi, con Kim Qui lại bảo vua đuổi theo, đến núi Thất Diệu(3), không thấy gì. Khi đã về đến quán, chủ quán sợ lắm, hỏi dùng thuật gì mà trừ được quỷ. Vương nói: Giết con gà của nhà này mà tế, có thể trừ được. Khi con gà bị giết rồi, người con gái ấy cũng chết, bèn sai đào núi ấy tìm được những đồ cổ nhạc khí và nắm xương tàn, đem đốt ra gio, loài yêu mới tuyệt được. Nửa tháng thì xây xong thành, con Kim Qui cáo từ đi, Vua cảm tạ, và xin cho được cách gì để chống ngoại xâm; con Kim Qui trút cái móng trao cho vua mà nói rằng: Nước an hay nguy sẵn có thiên số, người cũng phải có phòng bị, nếu có giặc đến thì lấy cái móng này mà làm cái lẫy nỏ, hướng về phía địch mà bắn, thì không có sợ gì cả. Vua sai bầy tôi là Cao Lỗ chế ra cái nỏ thần, lấy móng rùa ấy làm lẫy nỏ, gọi là Linh quang kim trảo Thần nỗ. Khi Cao Biền nhà Đường bình xong Nam Chiếu(4), kéo quân về qua Vũ Ninh, nằm mộng thấy dị nhân xưng là Cao Lỗ, tự nói đời trước giúp An Dương có công đánh giặc, bị Lạc hầu dèm pha, vua thương là không có lỗi, thưởng cho một dãy non sông, quản lĩnh việc đánh giặc cướp và việc mùa màng cày cấy, đều làm chủ cả, nay tôi theo ông đi phá địch, lại về đến chổ Bộ của tôi, dám xin cáo từ đi về. Ông Biền thức dậy, đem việc mộng ấy nói với các quan liêu tá và có thơ rằng:
Tốt đẹp đất Giao Châu,
Muôn đời truyền đã lâu.
Cổ hiền còn được thấy,
Vẫn không phụ lòng đâu.
Núi Thất Diệu ở làng An Khang, huyện Yên Phong. Loa thành là Cổ Loa, huyện Đông Ngàn (5).
Sử thần bàn rằng: Sách ngoại sử truyền lại, sao nhiều chuyện lạ thường như thế? Con rùa to hai thước hai tấc để nuôi, 60 năm con rùa chết, lấy xương rùa ấy để bói gọi là khách quy. Con rùa nói: Sắp về đất Giang Nam không gặp dược, mà chết ở đất Tần. Đó là lời nói của người bói rùa, cũng còn có lý. Việc ma làm đổ thành, có thể tin được không? Phàm vật gì trái thường thì gọi là yêu, yêu khí thắng thì tất phải có nương tựa vào cái gì đó, nhưng mà nương tựa vào con gà và người con gái mà làm đổ được thành, thì không có lẽ nào, việc đã rõ lắm rồi.
Còn việc con rùa trút móng là thế nào? Trả lời rằng: Con rùa nếu biết nói và xây xong thành cho vua, thì còn tiếc gì một cái móng mà không cho? Chỉ sợ không có con rùa thật ấy mà thôi.
Dương Hùng làm Thục Vương bản kỷ có nói: Trương Nghi xây thành theo đúng lỗ chân rùa đi mà xây, hoặc giả lúc vua An Dương xây thành, ngẫu nhiên có con rùa to bò đến, nhân thế cho là thần dị, người đời sau theo đó mà truyền lại cho nhau, cho là một việc lạ, nếu không thế, hoặc giả thuyết theo lốt chân rùa mà xây thành, nhận lầm nước Thục nọ, bất tất phải có sự thực nữa. lại ở sách Bác vật chí: Vua An Dương có người thần tên là Cao Thông, chế cho nua một cái nỏ, bắn một phát trúng 200 người, thì việc chế ra cái nỏ ấy là thần, chứ không phải là người, hoặc giả lấy chuyện ấy làm cho ra chuyện lạ, lấy móng rùa làm thần vật, để dọa đời sau chăng?
Truyện LÝ ÔNG TRỌNG
Người nước Tần đã thôn tính được Lục Quốc. Người nước ta là Lý Ông Trọng vào làm quan với Tần.
Theo sử cũ: Ông Trọng là người huyện Từ Liêm, thân dài 2 trượng 3 thước, thưở ít tuổi làm việc bị ttrưởng quan đánh bằng roi, bèn vào làm quan với nhà Tần, chức Hiệu uý, đem quân đi giữ quận Lâm Thao(6), tiếng tăm lừng lẫy, chấn động nước Hung Nô, khi tuổi già trở về làng thì chết. Vua Thủy Hòang cho là chuyện lạ, đúc tượng ông bằng đồng để ở cửa Tư Mã thành Hàm Dương, trong bụng tượng chứa được vài mươi người, ngầm sai làm chuyển động, nước Hung Nô cho là quan Hiệu uý còn sống, sợ không dám phạm vào đất Tần, đến khi Triệu Xương nhà Đường làm quan đô hộ, nằm mộng cùng với Ông Trọng giảng sách Xuân Thu, vì thế hỏi thăm đến chỗ nhà xưa của Ông Trọng, lập đền thờ mà tế. Đến lúc sau Cao Biền phá được Nam Chiếu(7), Ông Trọng thường hiển linh giúp, ông Biền lập miếu thờ, tạc tượng bằng gỗ, gọi là Lý Hiệu Úy, hiện nay đền thờ ở làng Thụy Hương, huyện Từ Liêm(8). Xét sử cũ chép: Ông Trọng thân hình cao to, cùng việc đầu đuôi làm quan với nhà Tần, chưa chắc là đúng, xét trong Thập thất sử đời nhà Tần có người dài 5 trượng hiện ra ở Nham Cừ, Hồ Mẫu Kính nói: 500 năm thì chỗ đất này tất có người lạ, là người lớn đó; thời bấy giờ nước ta làm quan với Tần hoặc giả có người thân thể to lớn, nhân thế đặt tên là Ông Trọng. Đời Tần, Hán trở về sau, ở cung khuyết phần nhiều đặt người hay ngựa để trấn áp. Nhà Tần đúc 12 người vàng, tuyệt đối không có danh hiệu gì. Vua Ngụy muốn rời người vàng ấy đến đất Nghiệp nhưng nặng không mang đi được, nhân lấy đồng đúc 3 người gọi là Ông Trọng, bày ra ở ngoài cửa Tư Mã, lại bàn ở đàn miếu Thiên thu đình (ở bài chú Kinh Băng, Tiến Thủy) có hai Ông Trọng bằng đá đối nhau, thì cái tên Ông Trọng cũng giống như tên vì sao Phi Liêm, người đời sau đặt ra chuyện Ông Trọng thiêng liêng, để cho câu chuyện thần kỳ đó thôi.
____________________
1) Thực ra, sự chỉ định quê của Thục Phán ở BA Thục (Tứ Xuyên - Trung quốc) là sai, xem chú thích số 6) chương họ Hồng Bàng.
2) Phong Khuê nay là thành Cổ Loa cũ
3) Nay thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, cũng gọi là núi Sái.
4) Nam Chiếu, quốc gia cổ từ thế kỷ VII - X thuộc khu vực Vân Nam Tứ Xuyên và tây Quý Châu (Trung Quốc).
5) Nay thuộc xã Cổ Loa huyện Đông Anh, Hà Nội.
6) Lâm Thao, nay thuộc huyện Mân, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).
7) Nam Chiếu, xem chú thích số 4) ở trên.
8) Nay thuộc xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, Hà Nội

Xét sử cũ: An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: "Triệu Kỷ Vũ Đế". Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nướcThục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.
TRIỆU ĐÀ TỰ LẬP LÀM VUA NAM ViỆT
Đà là người ở Chân Định(10), trước kia quan Úy quận Nam Hải là Nhâm Ngao, bị đau, bảo Triệu Đà rằng: Nhà Tần làm nhiều việc vô đạo, nghe tin Trần Thắng nổi loạn, lòng dân chưa biết tùy phụ vào ai, đất này hẻo lánh, ta sợ bọn giặc cướp đến quấy nhiễu, muốn khởi quân ngăn đường để tự phòng bị, vả lại đất Phiên Ngung cậy có núi sông hiểm trở phía đông và tây đến vài nghìn dặm, lại có người Trung Quốc giúp đỡ, có thể dựng thành một nước được, những bọn quân lại không kẻ nào đáng mưu sự được nên triệu ông đến mà bảo. Bèn làm thư sai Triệu Đà làm Quận úy Nam Hải. Nhâm Ngao chết,Triệu Đà liền đưa tờ hịch thông cáo các cửa quan Hoành Bồ, Dương Sơn, Hoàng Khê, đều ngăn tuyệt đường sạn đạo vận tải để giữ lấy đất của mình, các châu quận đều hưởng ứng. Nhân thế giết hết những trưởng lại của Tần đặt ra, và thôn tính cả Quế Lâm, Tượng Quận đánh diệt vua An Dương, tự lập là Nam Vũ Việt Vương, sai hai quan sứ trông coi hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nước ta từ đấy thuộc về Triệu. Vua Cao Tổ nhà Hán khi đã bình định được thiên hạ, nghe Triệu Đà đã làm vua nước Việt, bèn sai Lục Giả đến cho Triệu Đà cái ấn, lập làm Nam Việt Vương. Lục Giả đến, Triệu Đà ngồi xổm cho Lục Giả vào yết kiến, Lục Giả nói rằng: "Vương vốn là người Hán, thân thích phần mộ đều ở đất Chân Định, nay lại phản tính giời, bỏ mũ đai, muốn chống với nhà Hán, chả lầm lắm ư? Nhà Tần thất chính, hào kiệt đều nổi dậy, vua Hán diệt được họ Hạng, đó không phải là nhân lực, là trời cho đấy. Nghe tin Vương làm vua đất này, không nỡ mang quân sang miền nam mà đánh, chỉ sai sứ trao ấn thụ cho nhà vua. Nhà vua phải ra ngoài cõi mà đón rước bái yết, sao lại khinh thiên sứ như thế? Nếu vua Hán nghe tiếng, đem quân đánh nước Việt, thì Vua đối phó thế nào?". Triệu Đà vội vàng đứng dậy mà nói rằng: "Tôi ở đây lâu ngày, quên mất lễ nghĩa". Nhân tiện hỏi rằng:"Ta với Tiêu Hà, Tào Tham ai giỏi hơn?". Lục Giả nói rằng: "Hình như nhà vua giỏi hơn?". Triệu Đà lại hỏi: "Ta với Hán đế nhà Hán ai giỏi hơn?". Lục Giả nói: "Hoàng đế nhà Hán nối nghiệp Ngũ Đế, Tam Vương, thống trị cả Trung Quốc, đất hàng muôn dặm, chính quyền ở tay một nhà, nhà vua ở góc bể, sao dám ví với nhà Hán?". Triệu Đà nói rằng: "Ta giận rằng không khởi binh ở Trung Quốc, nên phải làm vua ở đất này. Sao lại vội bảo ta không bằng nhà Hán?". Triệu Đà lưu Lục Giả ở lại vài tháng, và nói: "Trong nước Việt không có ai đủ để nói chuyện được, nay ông lại đây, khiến ta được nghe những điều mà ta không được nghe", lại ban cho Lục Giả những hòm đồ trang sức trị giá đến nghìn vàng. Đến khi bà Cao Hậu xưng làm vua, cấm Nam Việt mở chợ bán đồ sắt, Triệu Đà nghe tin ấy nói rằng: "Vua Cao Hậu nghe lời gièm pha, phân biệt Hán và Việt khác nhau, đó chắc là mưu mẹo của vua nước Tràng Sa, muốn nhờ vào oai quyền nhà Hán, mưu toan thôn tính nước ta để tự lập công". Rồi Triệu Đà tự xưng là Vũ Đế, đem quân đi đánh vào bờ cõi Tràng Sa. Đánh được vài huyện rồi trở về. Nhà Hán sai Long Lư Hầu là Chu Táo đánh nước Việt, để báo thù việc đánh Tràng Sa. Triệu Đà nhân đó lấy binh uy chiêu phủ đất Mân, Việt và đất Tây Âu, dùng lọng vàng, cờ đỏ ngang hàng với nhà Hán.
Vua Hán Văn Đế lên ngôi, biết mồ mả cha mẹ tổ tiên Triệu Đà ở đất Chân Định bèn cho đặt quan coi giữ thờ phụng, triệu con em Triệu Đà cho làm quan, và cho các thứ phẩm vật rất hậu, sai Lục Giả làm sứ thần đưa thư cho Triệu Đá. Thư rằng:
"Trẫm là con vợ thứ Cao Hoàng Đế, vì cớ Vương Hậu bất hoà với nhau, bất đắc dĩ phải lên nối ngôi vua, được tin Vương đưa thư cho Long Lư Hầu yêu cầu cho con em sang Nam Việt, và xin bãi hai tướng của Tràng Sa. Trẫm được thư, đã bãi rồi. Còn con em Vương ở đất Chân Định thì trẫm đã sai người thăm nom, và cho sửa sang phần mộ tiền nhân của Vương rồi. Trước kia nghe Vương đem quân đến biên ải cướp bóc mãi mãi, nước Tràng Sa khổ về việc ấy, vậy thì nước của Vương có lợi riêng gì không? Tất phải giết hại nhiều tướng sĩ, được 1 phần mà mất đi 10 phần, trẫm không nở làm, được đất của Vương cũng thêm to nào. Từ đất Phục Lĩnh trở về nam, Vương vẫn tự trị; Vương lại tự hiệu là Đế, đó là tranh với Trẫm đấy. Tranh giành không biết nhường nhịn, người nhân giả không làm thế, mong rằng chúng ta bỏ hết hiềm khích khi trước, lại sai sứ thần đi lại như xưa. Nay bảo cho Vương biết rõ bản ý Trẫm, Vương nên nghe Trẫm, đừng gây ra cướp bóc tai họa nữa, nhân tiện Trẫm cho đưa các thứ áo thượng trữ, trung trữ, hạ trữ mỗi thứ 12 cái cho Vương. Mong Vương tiêu hết mối lo buồn, lại thăm nom lân quốc như xưa".
Lục Giả đến, Triệu Đà tạ lỗi rằng: "Xin dâng tờ chiếu vua, làm kẻ phiên thần nhà vua", bèn hạ lệnh cho trong nước rằng: "Ta nghe hai kẻ anh hùng không cùng đứng đều nhau được, hai người hiền không cùng ở chung một đời được. Hán Hoàng Đế là bậc Hiền Thiên tử, từ nay ta bỏ đế chế để nhường vua Hán. Nhân thế thư từ đi lại với nhà Hán tự xưng là "Man di đại trưởng lão phu, thần là Đà, mạo muội liều chết dâng thư".
"Lão phu là quan lại nước Việt xưa, Cao Đế cho lĩnh ấn làm Nam Việt Vương, ân tình rất hậu. Đến Cao Hậu phân biệt Hao, Di khác nhau, lại ra lệnh rằng không cho nước Việt được có các đồ loại kim, sắt, đồ làm ruộng, đến ngựa, trâu, dê chỉ cho con đực, không cho con cái. Lão phu ở riêng một góc trời đã lâu đời, tự nghĩ không được sửa sang tế lễ, đáng có tội chết, đã sai sứ đến ba lần dâng thư tạ lỗi, đều không thấy sứ trở lại; lại nghe nói phần mộ tổ tiên đã bị phá hủy, họ hàng thì bị tru diệt. Vì thế, bàn với quan lại rằng: Ở trong đối với Hán không được phấn chấn, ở ngoài lại không có gì tự cao cho khác người, nên mới đổi hiệu xưng là Đế, cũng chỉ làm vua nước mình, chứ không dám có ý gì đến thiên hạ. Cao Hậu tước bỏ quốc tịch Nam Việt, sứ thần không được đi lại. Lão phu trộm nghĩ vua cõi nước Tràng Sa đem lời gièm pha, nên phải ra quân đánh vào bờ cõi nước Tràng Sa. Thấy rằng miền nam là nơi ẩm thấp man di, nước Đông Mân, Tây Âu đều xưng là Vương cả, lão thần có xưng Đế, cốt để tư vui, đâu dám để lọt tai Thiên Vương. Lão phu ở nước Nam Việt đã 49 năm, nay đã có cháu rồi, nhưng mà vẫn dậy sớm thức khuya, nằm không được yên, ăn không biết ngon, là vì không được phụng thờ nhà Hán đó. Bệ hạ thương đến mà cho trở lại hiệu cũ, lão phu dù có chết xương cũng không nát, vậy sai sứ kính dâng ngọc bích, lông trả, tê giác, quế đố ( cà cuống), chim công".
Lục Giả được thư về báo với vua Hán. Vua Hán bằng lòng lắm. Tự đấy Nam, Bắc xếp việc binh đao, dân được yên nghỉ.
TRIỆU VĂN VƯƠNG
Triệu Vũ Đế là Đà mất, cháu là Hồ tự lập lên làm vua (con cả Trọng Thủy) gọi là Văn Vương. Thời bấy giờ vua Mân Việt là Sính xâm phạm bờ cõi nước Việt. Hồ giữ lời ước với nhà Hán, không dám thiện tiện dấy quân, sai người mang thư kể rõ việc này với nhà Hán. Nhà Hán khen Hồ biết giữ chức vị, hứa sẽ vì Hồ dấy quân bèn sai Vương Khôi, Hàn An Quốc đánh Mân Việt. Quân Hán chưa qua Ngũ Lĩnh, em vua Mân Việt là Dư Thiện đã giết anh là Sính để đầu hàng. Bọn Vương Khôi bèn bãi quân về. Vua nhà Hán sai Trang Trợ đến dụ cho biết việc đó, Hồ cúi đầu nói: "Vua Hán vì ta mà hưng binh diệt Mân Việt, ta có chết cũng không đền được ân", sai Thái tử Anh Tề vào Hán làm con tin, và bảo Trợ rằng: "Nước ta mới bị giặc cướp, sứ giả hãy về, ta đang sửa soạn hành trang vào triều kiến Thiên tử". Trợ về rồi, các đại thần can Hồ rằng: "Quân Hán giết Sính, muốn làm kinh động nước ta. Vả lại tiên vương có nói thờ nhà Hán, là để khỏi thất lễ, không nên nghe lời ngon ngọt của họ mà vào triều kiến, nếu mà vào triều, thì sẽ không được về, là mất nước đấy". Hồ mới kêu đau không đi.
TRIỆU MINH VƯƠNG
Vua Văn Vương Hồ mất, Thái tử là Anh Tề từ Hán trở về, lên làm vua, gọi là Minh Vương, Lữ Gia làm quan Thái phó. Khi trước Anh Tề còn là Thế tử, vào làm con tin ở Hán, lấy con gái họ Cù, quê ở Hàm Đan, sinh con tên là Hưng, đến khi lên ngôi vua, dâng thư nói với Hán xin lập Cù Thị làm Hoàng hậu, Hưng làm Thế tử. Nhà Hán sai sứ dỗ Anh Tề vào chầu. Anh Tề sợ vào yết kiến phải dùng lễ phép nhà Hán, cũng như các chư hầu ở nội địa, nên mới cáo là đau, không theo lời, sai con thứ tên là Xuyết vào làm con tin.
TRIỆU AI VƯƠNG
Vua Minh Vương là Anh Tề mất, con là Hưng lên làm vua, gọi là Ai Vương, tôn mẹ là Cù Thị làm Thái hậu. Khi trước Cù Thị chưa lấy Anh Tề, đã thông gian với người ở Bá Lăng tên là Thiếu Quý. Nay nhà Hán sai Thiếu Quý sang dụ Hưng và Cù Thị vào chầu, lại sai biện sĩ là Ngụy Thần giúp Chung Quân cho nên việc. Quan Vệ úy là Lộc Quảng Đức mang quân đóng đồn ở Quế Dương, để đợi sứ giả. Bấy giờ Vương còn nhỏ tuổi, Cù Hậu thấy Thiếu Quý sang, lại tư thông với nhau. Người trong nước biết chuyện, nhiều người không phục, Cù Thị sợ trong nước khởi loạn, muốn cậy oai quyền nhà Hán khuyên Vương và quần thần cầu xin nội thuộc cũng như chư hầu trong nội địa, bỏ cả biên thùy. Vua nhà Hán bằng lòng và ban cho Vương và Thừa tướng Lữ Gia mỗi người một cái ấn bằng bạc, và được dùng phép độ nhà Hán, sứ giả lưu lại trấn phủ nhân dân, Vương Hưng và Cù Thị sửa sang hành trang và lễ vật, để làm các đồ vào triều kiến. Bấy giờ Lữ Gia tuổi đã già, làm tướng ba triều, người trong nước tin cậy, nhiều người làm tai mắt cho ông. Ông vẫn can Hưng đừng xin nội phụ vào Hán. Nhưng Hưng không nghe, nhân thế nảy ra lòng làm phản, xưng là đau, không ra tiếp kiến sứ giả nhà Hán. Sứ nhà Hán chú ý đến Lữ Gia, nhưng chưa thể giết được. Cù Thị cũng sợ Lữ Gia hành động trước, bèn đặt tiệc rượu ăn uống để giết Lữ Gia. Trong tiệc, các đại thần đều ngồi chầu, khi mượn rượu, Cù Thị bảo Lữ Gia rằng: "Nội thuộc vào nhà Hán là lợi của nước, sao tướng quân lại không thuận?". Nói thế để khích giận sứ nhà Hán, nhưng nhà Hán hồ nghi không dám khởi sự. Lữ Gia tức thời đi ra ngoài. Cù Thị giận lắm, muốn cầm giáo đâm theo, Hưng gạt đi. Lữ Gia về đến nhà ngầm cùng với các đại thần mưu khởi loạn. Vua Hán nghe biết Lữ Gia không chịu theo, nhưng nghĩ rằng mẹ con Việt Vương đã có lòng nội phụ rồi, một Lữ Gia không làm gì được, bèn sai Trang Thám khởi binh, mang 2.000 người đi sang Nam Việt. Thám nói rằng: "Nếu lấy việc hòa hiếu mà đi, thì 2.000 người không làm gì được". Hán Thiên Thu đứng dậy tâu rằng: "Một nước Việt nhỏ mọn, lại có Hưng và Cù Thị làm nội ứng, xin cho 300 võ sĩ, tất nhiên chém được đầu Lữ Gia mang tin về báo cho nhà Vua". Sứ Hán cùng với Cù Lạc đi vào cõi đất Việt. Lữ Gia hạ lệnh cho người trong nước rằng: "Vua còn bé, Cù Thị vốn người Hán, lại cùng với sứ Hán loạn dâm, chỉ muốn nội phụ vào Hán, không nghĩ gì đến xã tắc họ Triệu", Lữ Gia bèn giết Hưng, Cù Thị, và tất cả bọn sứ giả nhà Hán rồi cáo bá cho các quận ấp, lập con trưởng Anh Tề là Kiến Đức là Vệ Dương Vương. Bấy giờ tướng nhà Hán là Thiên Thu mang quân vào cõi nước Việt, còn cách Phiên Ngung 40 dặm, Lữ Gia ra quân đánh diệt được, rồi sai người niêm phong cờ tiết của sứ Hán để ở cửa Ải. Cho quân đi giữ các nơi xung yếu.
Vua Hán nghe tin, sai bọn Lộ Bác Đức và Dương Bộc mang năm đạo quân ở Dạ Lang xuống Tường Kha, hội cả ở Phiên Ngung, để đánh nước Việt. Kiến Đức và Lữ Gia giữ thành chống cự lại. Dương Bộc đến trước đánh quân Việt, phóng lửa đốt thành. Bác Đức đến theo, chiêu phủ bọn quân đã đầu hàng, cấp cho cái ấn, lại sai sứ đi các nơi chiêu quân về. Trong thành vốn nghe tên Bác Đức, đều xin hàng. Kiến Đức và Lữ Gia đương đêm chạy xuống biển, dùng thuyền trốn đi. Bác Đức hỏi những quân đã hàng, biết chỗ Lữ Gia ở, sai đuổi theo bắt được. Bấy giờ quân Dạ Lang của Hán chưa xuống, mà nước Việt đã bị Bác Đức, Dương Bộc bình định rồi, bèn chia đất Việt làm quận Nam Hải, Xương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố cùng với Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Lam Nhĩ cộng 9 quận đều đặt quan Thứ sử, Thái thú cai trị.
Trên đây ngoại thuộc Triều khởi từ Vũ Đế đến Vệ Dương Vương cộng 97 năm.
Lời bàn. - Xét: Trong năm Kiến Nguyên nhà Hán, Đường Mông đến nước Nam Việt, vua nước Việt lấy củ Cẩu và tương của nước Thục cho Đường Mông ăn, Đường Mông hỏi vật ấy từ đâu đưa lại, vua Việt nói: từ sông Tường Kha. Đường Mông lại hỏi, người đi buôn nói, một đất Thục sao nhiều củ Cẩu và tương đem bán ở đất Dạ Lang? Đất Dạ Lang ở liền sông Tường Kha, có thể đi đến dưới thành Phiên Ngung. Đường Mông bèn dâng thư nói với vua Hán rằng: Đất nước Việt phía đông và tây nam rộng hơn muôn dặm, gọi là ngoại thần, thực ra chỉ là một châu. Thần trộm nghe đất Dạ Lang có quân tinh nhuệ, có sông Tường Kha đó là một kỳ mưu để chế ngự nước Việt. Vua Hán theo lời của Đường Mông, thế là nguyên nhân gây binh hỏa ở nước Việt, khởi lên tự củ Cẩu và tương, mà nhà Hán đánh nước Việt có lệnh ra quân tự đất Dạ Lang đi xuống sông Tường Kha, là theo lời của Đường Mông.
Xét: Triệu Đà làm một chức Lệnh ở cuối đời nhà Tần, thừa lúc loạn chiếm cứ Lưỡng Quảng; Ở Trung Nguyên có Lưu và Hạng tranh nhau, không rỗi thời giờ nhìn đến Lĩnh Nam. Rồi sau Cao Đế cũng đã chán việc binh, Văn Đế càng sợ dùng vũ lực. Triệu Đà nhân cơ hội thôn tính đất Mân, đất Ân, nghênh ngang lọng vàng xưng đế, để tự cao. Nhưng rồi biết thế lực không thể chống với nhà Hán được, phải chịu nói nhún bỏ đế hiệu, để vui lòng vua Hán, càng thấy rõ quỉ quyệt của Triệu Đà. Thế mới biết Triệu Đà có trí đủ đè được Tần, có mưu lược đủ khuất phục được Hán, cho nên mở nước rộng muôn dặm, hóa bọn dân kết tóc ra dân biết dùng mũ áo, xếp gươm giáo mà chỉ dùng ngọc lụa, lễ nghĩa, ôm cháu mà vui, già vẫn không kém, cũng là một tay hùng kiệt thời bấy giờ. Duy đối với nước ta thì Triệu Đà không có công gì, mà còn là mối họa đầu tiên đấy. Sao lại nói thế? Là vì: nước Nam từ đời Hoàng đế đến đời nhà Chu, chỉ có sai sứ sang cống, tự thành riêng một nước. Tuy hùng cường như Tần Thủy Hoàng, có đạo quân Vương Tiễn hùng mạnh đánh đâu được đấy, mở mang Bách Việt, mà chưa từng nói đến Giao Chỉ. Tự khi Triệu Đà chiếm giữ Ngũ Lĩnh, lại thôn tính cả nước An Dương, được vài đời thì mất, khiến cho đồ bản, sổ sách nước Nam phải nhập vào nhà Hán, để làm lợi cho Trung Quốc, nào là châu báu chất đầy phủ, quả quít và quả vải xếp thành nhà. Nếu không có Triệu Đà gây nên mối binh đao, thì tuy rằng Hán Vũ Đế có muốn mở rộng nước,thích lập công, bất quá cũng chỉ diệt họ Triệu để lấy lại quận, huyện của nhà Tần xưa mà thôi, chứ cũng không nuốt đến Giao Chỉ. Nước ta bị ngoại thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến đời Đường, truy nguyên thủ họa cho Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, lấy túi tham của Lục Giả thôi. Còn về phần giáo hóa, phong tục không để ý đến một chút nào. Việc cày cấy là cỗi gốc lớn để nuôi dân, việt hôn thú là luân thường lớn của dân sinh, lại phải đợi đến giáo hóa của Tích Quang, Nhân Diên, bảo là có công đức mà như thế à? Đến việc xướng ra cơ nghiệp Đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài tổng luận sử của Lê Trung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thịnh đế của nước ta. Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính lại, vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng.
Sử thần bàn rằng: Người trước có câu: " Nước đến lúc loạn mới mong có vị tướng giỏi, nhà lúc bị suy là khởi sự tại đàn bà". Cù Thị là một gái trăng hoa ở Hàm Đan, may gặp được con tin của nước Nam mà nhảy lên ngôi Hoàng hậu một nước. Đạo làm vợ, cách làm mẹ, ơn của chồng, mưu cho con, khởi hữu thị lại mờ mịt không biết gì sao? Lại còn thèm muốn trai đẹp, cam tâm làm tỳ thiếp cho Hán, con đàn bà dâm ô điên cuồng như thế, chả trách làm gì. Chỉ có vị sứ thần của Trung Quốc há lại không có một người nào có thể sai được, mà tất phải dùng đến gã thiếu niên tình nhân của Cù Thị, có phải rõ ra cái ý đưa mỡ đến miệng mèo, còn có cái gì quá quắt hơn thế nữa không? Lữ Gia cầm quốc chính, giữ binh quyền, nếu thấy có một chút trái mắt, phải ngăn cấm ngay, những lời ở sứ quán không cho lọt vào cung cấm, bọn con sen, con nụ không được vào cung vua, lấy lễ mà tiếp sứ thần, lấy lời nhũn nhặn nói lại cùng vua, bề ngoài thì hết lòng thành kính nước lớn, bên trong thì phòng bị ngăn ngừa việc chinh chiến, họ biết nước mình có người giỏi, tự nhiên phải bỏ lòng tham thôn tính, mà ngăn được nạn binh đao. Nhưng lại mặc cho Cù Thị tư tình với Thiếu Quý, để chúng bàn nhau thành âm mưu đi sang Hán, đến lúc đã sắp sửa hành trang rồi, mới dâng thư can gián, bất hoà trong bữa tiệc, xảy ra cái mưu khởi loạn, đến khi quân Hán đã vào đất nước rồi, không có kế gì đối phó, chỉ làm cho chóng mất nước. Xem thế thì biết sự dâm ô của Cù Thị và sự ngu muội của Lữ Gia, và nguyên nhân họ Triệu mất nước đã có ngay từ lúc mới lấy Cù Thị làm cung phi và khi đặt Lữ Gia lên ngôi Thừa tướng đó vậy.
____________________
1) Lĩnh Nam, vùng đất từ Quảng Tây- Quảng Đông (Trung Quốc) trở về phía nam gọi là Lĩnh Nam.
2) Lục Lương. Thời Tần gọi là đất hai tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc) là Lục Lương.
3) Quốc Lâm. Nay là tỉnh Quế Lâm (TQ).
4) Nam Hải. Nay là tỉnh Quảng Đông (TQ).
5) Tượng Quận. Quận do nhà Tần đặt, song chỉ có tên, chưa có đất và chưa có bộ máy hành chính cấp quận. Xưa nay nhiều người
lầm Tượng Quận bao gồm cả đất Việt Nam ngày nay.
6) Long Xuyên: Một huyện của quận Nam Hải.
7) Bình Giang, nay là sông Đuống.
8) Nay là đền Cuông, thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
9) Nay là làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
10) Nay thuộc tỉnh Hà Bắc(TQ)
--!!tach_noi_dung!!--

Sửa chánh tả: Trương Củng
Nguồn: Trương Củng
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 17 tháng 5 năm 2005

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--