Tên là Cao, con thứ 10 của vua Minh Tôn, ở ngôi vua 38 năm. Việc văn võ đều sửa sang chu đáo, trong nước bình yên, ngoại bang mến phục, khi nước được đại trị rồi, thì sinh ra ham mê chơi bời, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần. Phụ chép: Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ. Niên hiệu Thiệu Phong thứ hai, sửa lại tòa Ngự sử đài đã xong. Thượng hoàng đến thăm, về cung rồi quan Giám sát Doãn Định mới đến, dâng sớ kháng nghị: Thượng hoàng không nên đến Ngự sử đài, lời lẽ rất kích thiết, Thượng hoàng nói: "Đài cũng là một ở trong cung điện, sao lại không vào được? Vả lại trong đài trước kia có chỗ Thiên tử giảng học, đó là lệ cũ được vào Ngự sử đài". Định còn cố sức tranh chấp, bèn bị mất chức (Định cũng là điên cuồng, nói điều không đáng nói, cốt để che lỗi mình không ở công sở, bị mất chức là phải). Bấy giờ đói kém, mất mùa, phần nhiều dân tụ họp làm trộm cướp, cũng có nhiều người làm thầy tăng và làm đứa ở cho các thế gia; gia nô các nhà Vương hầu càng nhiều lắm. Đặt ra 20 đô phong đoàn ở các lộ để bắt trộm cướp (Dân bị cùng khổ đi làm trộm cướp, không phát thóc kho để chuẩn cấp cho dân lưu vong, chỉ nhờ vào sức Phong đoàn để lùng bắt bọn giặc cỏ, thật là cùng kế). Thi Thái học sinh. Cách thi: ám tả cổ văn, kinh nghĩa và thơ phú. Nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành đến hỏi việc lập đồng trụ, Vua sai Phạm Sư Mạnh đến biện luận. Xưa kia, thuyền buôn nguời nhà Tống đến nước ta, tiến người Tiểu Nhân Quốc (thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không hiểu tiếng nói) lại tiến vải Hỏa cán (giặt bằng lửa, giá mỗi thước 300 quan tiền, chế ra áo ngự dụng để ở Nội Phủ). Bảo Oai Vương tên là Nghiễn tư tình với cung nữ, ăn trộm thứ áo ấy; một hôm mặc vào trong mà vào chầu, khi tâu việc lộ cửa tay áo ra, Thượng hoàng trông thấy lấy làm nghi, sai kiểm duyệt lại, quả nhiên có bị mất, cung nhân bí mật lấy lại, đem vào cung tiến lên, Nghiễn vì việc ấy mà bị tội. Cho người học sinh Đỗ Tử Bình làm chức Thị giảng. Lời bàn: Nước đến khi sắp mất, thì trời tất sinh ra một người để phá hoại. Từ đây trở đi, việc hấn khích ở biên giới Nhật Nam ngấm ngầm mở ra dần, tai họa của Duệ Tôn đã phục sẵn, cho nên đem chuyện một người học sinh mà chép lên sách, là đánh dấu bắt đầu loạn từ đấy. Vua đặt ra trấn Vân Đồn. Xưa đời Lý các thuyền buôn do các cửa biển thuộc Diễn Châu đi đến, đến lúc bấy giờ đường biển đổi rời dần, cửa biển thì nông cạn, phần nhiều các thuyền buôn đến đậu ở Vân Đồn buôn bán, cho nên mới có lệnh đặt ra trấn này. Làng Thiên Cường, trấn Nghệ An, có người con gái biến thành con trai. Trâu Canh có tội, được tha khỏi chết. Xưa Vua mới lên 4 tuổi, đêm trung thu chơi thuyền trên Tây hồ, bị chìm xuống nước, tìm thấy ở trong cái đò đánh cá, gần tắt thở, Thượng hoàng sai lang thuốc là Canh cứu chữa, Canh nói: "Châm chích thì sống lại, nhưng chỉ bị dương nuy thôi". Đến khi Vua lớn lên, Canh lại tiến phương thuốc lấy mật người đồng nam hòa với Dương khởi thạch mà uống, rồi tư thông với người con gái cùng cha mẹ, thì ứng nghiệm; Vì thế Vua tư thông với Thiên Ninh Công chúa, quả nhiên kiến hiệu; Canh vì cớ ấy được ra vào trong cung trông nom thuốc, liền tư thông với cung nữ; việc phát giác, vì có công chữa Vua sống lại, nênđược miễn tội chết. Tên Canh là người nước Tàu, con Trâu Tôn, khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, vì có nghề làm thuốc được theo quân lính đi, đến lúc quân Tàu thua, ở lại núi Long Châu, làm nghề thuốc nên giàu, và cũng nhân vì đó mà thất bại, người ta truyền lại vì nơi ở có núi đá bức áp, nên giàu có không được lâu). Chế Mỗ nước Chiêm Thành chạy sang nước ta, dâng một con kiến lớn dài 1 thước 9 tấc, và voi trắng, ngựa mỗi thứ một con. Lúc trước chúa Chiêm là A Nan còn sống, con là Chế Mỗ làm con rể Bố Điền; Bố Để và Bố Đề bề ngoài tuy thân với nhau, nhưng bên trong vẫn tranh quyền, đến khi A Nan chết, Bố Để đuổi Chế Mỗ đi mà tự lập làm vua, Chế Mỗ phải chạy sang nước ta, xin cho quân đưa về nước. Khi bấy giờ Hưng Hiếu Vương trấn ở Hoá Châu, phải đảm nhận việc ấy, nhưng để chậm trễ ngày này sang ngày khác; chưa biết bao giờ được có thời kỳ về nuớc. Chế Mỗ nhân kể chuyện cũ Chiêm Thành: Xưa quốc vương nuôi một con khỉ, rao hỏi người trong nước có ai dạy khỉ biết nói, thì cho vạn bạc, có một người đến xin nhận, nói rằng phải dùng hết 100 bạc thuốc mới kiến hiệu, quốc vương mừng mà nhận lời. Ý người đó nghĩ rằng trong thời gian 3 năm, quốc vương, chính mình và con khỉ, tất có một người chết, thế là chỉ nhận bạc mà bất tất phải thành việc. Chế Mỗ sang cầu xin, mong được về nước, cũng giống như thế. Triều đình nghe biết chuyện ấy, mới nghị cất quân đi, sau ngăn trở về việc vận tải lương, quân lại kéo về, Chế Mỗ liền sau đó cũng chết. Sử thần bàn rằng: Nước nhỏ phụng sự nuớc lớn, là vì nước lớn làm yên được hoạn nạn mà giữ cho nước nhỏ khỏi bị mất nước; sao lại không đem quân cứu giúp, làm mất lòng thành của Chế Mỗ qui thuận, cho bố đẻ được thành tội ác giết nghịch; để cho chúng thấy mình bất lực, tỏ lòng coi khinh; chưa mấy lúc mà nước Chiêm vào cướp Hoá Châu, quan quân bị thua, đến nỗi chúng kéo quân bức bách đến kinh đô, đuổi xe Vua. Nước Chiêm quấy rối mãi đến khi nhà Trần mất nước, thật là tại việc này làm cho chúng coi khinh đó, Trung Ngạn không nhận lỗi được, khi bấy giờ binh quyền ở tay Trung Ngạn, mà không biết mưu tính việc nước, cho nên bị chê trách. Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa. (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh). Cháu Hưng Đạo Vương tụ họp các gia nô trốn chủ của các nhà Vương, Hầu làm trộm cướp bóc các xứ Lạng Sơn và Nam Sách. Lúc nhà Trần đương thịnh, đánh được nhà Hồ, nhờ sức các gia nô của Vương, Hầu nhiều lắm; đến khi nhà Trần gần suy, chúng tụ tập làm trộm cướp, bị tai hại về gia nô của Vương, Hầu lại càng nhiều; có người nói vì nhà Trần cho Vương, Hầu được mở phủ đệ riêng, nuôi riêng gia nô cho nên di hại về sau đến thế, nhưng không phải. Lúc mới đầu có nhiều vị tôn thất hiền tài như là Quốc Tuấn, Nhật Duật, ông nào cũng sáng suốt tri nhân, biết chế ngự người dưới, người lớn người nhỏ ai cũng tỏ hết tài năng, người lương thiện, người hạ tiện ai cũng được lòng; hơn thì như Phạm Ngũ Lão kém thì cũng được như Dã Tượng, Yết Kiêu nhờ vào sức các người ấy rất nhiều còn đến các ông Huệ Túc, Bảo Oai thì kém cỏi, gian tà, chỉ biết đua ngựa, chơi chim và thích ăn ngon, bọn môn khánh mới có câu ca nghĩ đến cá ngon, gia nô mới có ước nguyện được miễn roi vọt; cho nên kẻ thác thỉ(1) thì thích nghêu ngao trong phong trần, kẻ hèn kém thì chỉ nghĩ đến cái miệng bụng, như thế không xoay ra làm trộm cướp sao được? Ôi! Ví khiến, Phàn Nhược Thủy được một chức quan, thì không ai qua vượt nổi nơi hiểm Thái Thạch; Vương Đình Tấu được thuộc vào đạo quân nào, thì chưa đến nỗi phát ra cái nạn Lư Long. Người làm việc nước phải biết rõ những việc đó. Trương Hán Siêu mất. Siêu có tài văn chương và chính sự, rất thích bài kích di đoan. Vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên, nơi ông ở là Phúc Am, cách An Đăng có một bến sông, ông yêu mến sơn thủy núi Dục Thúy, dựng nhà ở đó, nay hãy còn di tích khắc vào đá, ai trông thấy cũng mến chuộng. Có điều sở đoản là: không cho giao du với người đồng liệt, chỉ quen thân bọn trung quan (hầu cận vua); như tên tù trưởng Lạng Giang, tên thày tớ chùa Quỳnh Lâm, đều mộ chúng giàu mà gả con gái cho bọn phi loạn, đời bấy giờ chê lắm. Lê Cư Nhân đã gọi ông là người nhà quê đá cầu, vì người thôn quê đá cầu phần nhiều không trúng, để ví với ông tính việc nhiều điều không đúng lẽ phải. Lê Cư Nhân mất, Cư Nhân làm Hình quan, xét việc án ở nhà riêng, bị Đài quan hạch, Vua hỏi đến, ông tâu thật, Vua nói: "Sao không hồi hộ nói tránh đi". Ông thưa: "Thà rằng thần bị tội, chứ không dám bưng bít vua, làm quan mà nói dối quân thượng, thì còn làm gương mẫu chi liên thuộc sao được?". Chu Đức Dụ khởi binh (người làng Thái Bình nước Tầu, sau đổi tên là Chu Nguyên Chương, là vua Minh Thái Tổ). Thượng hoàng đi chơi núi Kiệt Đặc, khi trở về, trong thuyền ngự có con ong vàng đốt vào má bên tả, bị đau rồi mất, (người đời nói là Quốc Chân hóa yêu mà làm ra thế đó). Vua Minh Tôn lên ngôi vua đã lâu, rồi bà đích mẫu mới sinh ra con trai, đến ngày đầy năm, có người xin hành lễ theo Thái tử, các quan lấy làm việc khó xử. Vua Minh Tôn nói: "Còn lễ nghi gì nữa? Trước vì chưa sinh con cả, nên tạm ơ ngôi vua thôi, nay đã sinh rồi, đợi lớn lên thì ta trả lại ngôi, có khó gì đâu". Nói rằng: Việc như thế từ tiền cổ đến giờ sinh nhiều sự nguy hiểm. Vua Minh Tôn nói: "Cứ thuận nghĩa phải mà làm, có gì đáng lo" rồi phải làm theo lễ Thái tử, nhưng chưa được bao lâu thì con vị con cả ấy chết. Vua Minh Tôn khuyên bảo các con rằng: "Biển lận mà được giàu, chả thà tán tài cho nghèo, dù có bị thiếu thốn, nhưng không mất hạnh kiểm của quí nhân". Đến lúc Vua đau nặng triều đình nghị làm chay, muốn đem thân thay cho Vua, nhưng Vua không nghe. Bà Thái hậu thả các sinh vật cầu cho Vua bình phục, Vua nói: "Thân ta không thể đem dê, lợn ra mà đổi được". Trâu Canh xem mạch, nói là chứng phiền muộn; lập tức Vua đọc ra bài thơ: "Chẩn mạch hưu ngôn phiền muộn đa, "Y sinh lương lễ yếu điều hòa, "Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết, "Chỉ khủng trùng chiêu phiền muộn đa"(2). Vua lại sai lấy tập thơ của Vua làm ra mà đốt đi, thị thần chần chờ mãi, Vua nói: "Vật đáng tiếc gì còn chả tiếc được, thì còn tiếc gì cái ấy nữa". Các con đến thỉnh giáo, Vua nói rằng: "Chúng mày xem cổ nhân, điều thiện thì theo, còn phải dạy gì". Thời bấy giờ liền năm đói kém, một thăng gạo giá một tiền đồng. Vua đại xá cho thiên hạ, cải niên hiệu là Đại Trị, xuống chiếu cho các người giàu ở các lộ bỏ thóc ra cho người nghèo, các quan sở tại ước lượng giá tiền mà phát cho. Ngô Bệ tụ tập dân chúng ở núi Yên Phụ, kéo cờ yết bảng rằng: "Chẩn cứu bần dân" từ Đại Liêu đến Chí Linh thuộc về y hết. Vua xuống chiếu cho các lộ phải bắt nã tên ấy, đưa về kinh đô chém đầu. Vua Minh Thái Tổ đánh nhau với Trần Hữu Lượng sai sứ sang nước ta thông hiếu, Vua sai Lê Kính Phủ đi sứ sang nước Tàu để xem tình hình hư thực thế nào. Vua ngủ ngày ở Lương Phong Đường, chỉ một mình Tạ Lai hầu ở bên, rút gươm ra xem, Vua thức dậy, sai đem chém Tạ Lai. Vua bắt các nhà Vương, Hầu làm các trò hát vặt, Vua duyệt định, người nào hơn thì thưởng. Khi trước lúc đánh phá Toa Đô, bắt được con hát là Lý Cát hát giỏi, các thiếu niên, con hầu đều tập lối hát Bắc, thuật tích cổ Tây Vương Mẫu hiến đào, 12 người mặc áo gấm đánh trống, thổi tiêu, thay nhau trở ra, trở vào làm trò vui (Tiếng hát rất thê thảm, làm cho ai cũng động lòng cảm khái). Nước ta có truyện tích hát chèo trước đây. Lại họp các nhà giàu như là làng Đình Bảng, ở tỉnh Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai, vào trong cung đánh bạc làm vui, một tiếng bạc nghìn quan tiền. Lại sai trồng vườn hành, làm cái quạt đem bán để lấy lợi. (Có những khúc hát Giáng Hoàng Long, Yến Giao Trì, âm và điệu gần đều như cổ). Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ, trồng rau bán lấy lợi, ví với Tây Viên đời Hán, thì càng đáng bỉ hơn nữa. Có tên Ngô Dẫn là Trại chủ Đại Lại, cha tên ấy được viên ngọc con rết, mang sang Vân Đồn bán cho thuyền buôn, nhân vì thế mà giàu, vua Minh Tôn gả Nguyệt Sơn công chúa cho nó, tên Dẫn cậy giàu, chỗ nó ở đặt riêng có tỳ thiếp, lại còn có nhiều câu khinh khi Công chúa, công chúa tâu lên Vua, tịch thu gia sản của nó. Lúc trước thì mộ nó giàu mà gả con gái cho, đến sau nhân cái lỗi của con rể si ngốc mà tịch thu tài sản; lòng thích của nặng quá lắm. Vua khởi làm các viện thổ mộc lớn, đào ao ở vườn rau, xếp đá làm núi, 4 mặt đều khơi sông lưu thông, trồng hoa cỏ khắp nơi, nuôi nhiều giống cầm thú; phía tây ao trồng hai cây quế. Dựng cung điện đặt tên là Lạc Thanh Điện, lại đào riêng cái ao nhỏ, bắt người Hải Đông trở nước biển mặn về chứa ở đó, để nuôi con đồi mồi, cá, thuồng luồng và các giống hải vật; bắt người Hóa Châu chở cá sấu về thả ở đó. (Chứa nước mặn, nuôi cá sấu, lại là kỳ tưởng, vua Tùy Dưỡng Đế, Tống Huy Tôn cũng có núi có biển, lại không được cái chân thú này). Nước Chiêm Thành cướp biên giới Hóa Châu. Tục Hóa Châu hàng năm cứ đầu mùa xuân thì hội cả trai gái chơi đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm phục ở ngọn nguồn, nhân ngày hội ập đến, bắt người chơi xuân đem về nước. Quan Phòng Ngự sứ ở Lạng Giang là Thiều Thốn (người Thanh Hóa) khéo vỗ về quân sĩ, ai cũng vui vẻ, sau vì có em kiêu ngạo bị tội lây, mất chức, quân sĩ làm câu ca rằng: "Trời không rõ oan, Thiều Công mất quan". Khi xếp hành trang sắp về, lại có câu: "Thiều Công tây qui, lòng ta thương bi". Triều đình nghe biết chuyện, lại cho phục chức, lại có câu: "Trời đã rõ oan, Thiều Công phục quan". Thiều Thốn là vị biên tướng, mà trong quân ngũ nhớ tiếc và vui mừng rõ ra ở ba câu ca như thế, vì khi ở trong quân một lòng vỗ về an ủi, cùng nhau cam khổ mà không đẩy chúng vào nơi đau buồn. (Lê Quát là quan Hữu Bộc Xạ, người Thanh Hóa, khi nhỏ tuổi du học ở kinh đô, có người bạn đi sứ sang Yên Kinh, Quát có thơ tiễn rằng: (3)"Dịch lộ tam thiên quân cứ yên, "Hải môn thập nhị ngã hoàn sơn, "Trung triều sứ giả yên ba khách, "Quân đắc công danh ngã đắc nhàn". Thức giả biết ngày sau Quát tất được sang. Quả nhiên đỗ cao làm quan đến sử tướng, hơn cả ông bạn). Vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Trần Ngô Lang ở làng Mễ Sở đêm về kinh đô, đến sông Chử Gia, mất cả bảo kiếm và bảo tỷ; thấy thế tự biết rằng đời mình ngắn, lại càng buông lòng vui chơi. Vua Thái Tổ nhà Minh lên ngôi, sai Dịch Tế Dân sang hỏi thăm nước ta, vua sai Đào Văn Đích sang nhà Minh đáp lễ lại. Vua sai triệu Huyền Vân là đạo sĩ ở Chí Linh đến kinh, hỏi phương pháp tu luyện, đặt tên cái động của Huyền Vân ở là Huyền Thiên động. Trước khi Vua mất, nhân vì vua chơi trăng, hóng gió, uống rượu say quá, triệu Bùi Khoan đến cùng uống, Khoan dùng kế giả tảng uống hết một trăm thăng rượu, được thưởng lên hai bậc. Vua thân ra tắm ở sông, liền bị đau, rồi mất, tên hiệu là Dụ Tôn. Thời bấy giờ sứ nhà Minh là Ngưu Lượng mang ấn mới sang, đến nước ta, thì vua Dụ Tôn đã mất, Lượng có thơ viếng. Cung Định Vương Chân ra đón tiếp và có thơ tiễn Lượng, có câu rằng: "Viên Tản sơn thanh Lô thủy bích, Tùy phong trực nhập ngũ vân phi"(4) Lượng đoán rằng ngày sau tất lên ngôi vua, quả đúng như lời. Bà Hiến Từ Thái hậu đưa con thứ của Dục, (Cung Túc Vương) là Nhật Lễ lên làm vua, cải niên hiệu là Đại Định (Nhật Lễ là con người hát chèo Dương Khương, mẹ y đóng tấn hát Tây Vương Mẫu hiến đào, lúc ấy đương có thai, nhan sắc kiều diễm, Dục yêu vì sắc đẹp lấy làm vợ, đến khi đẻ, nhận làm con mình. Bà Thái hậu lấy cớ Dục là đích trưởng mà mất sớm, nên lập con làm vua). Nhật Lễ đã lên ngôi, có người nói là hát chèo vô loài, giám mạo nhận để được ngôi báu, Thái hậu hối hận lắm, Nhật Lễ ở trong cung bỏ thuốc độc cho bà, bà mất. Thái hậu có tính nhân hậu, tuy là phận vợ cả, vợ lẽ khác nhau, nhưng vẫn ăn ở nhân từ, trong tình cốt nhục không điều gì đáng chê trách, ở hết đạo làm mẹ, đời gần đây chưa được người nào được như bà. Khi xưa vua Minh Tôn ngự ở Bắc Cung, người giữ cửa bắt được con cá trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm có vật gì, móc ra, có lời chú yểm tên húy vua Dụ Tôn, Cung Túc và Thiên Ninh, xét hỏi kín biết rằng bà thứ phi mua con các đó. Cung Tĩnh Vương Nguyên Trác là con thứ phi. Vua Minh Tôn muốn xét cho ra mà trị tội, Thái hậu xin bỏ việc đó đi; đến đời vua Dụ Tôn, có người lại đem việc ấy ra, Thái hậu cố sức cứu, nhiều người can vào việc đó mới khỏi tội).