Hồi đó ông là anh chàng ba gác đậu xe ở góc đường. Đêm, các cô ngồi rải quanh ba cái bàn hột vịt lộn chập chờn ngọn đèn dầu tí xíu. Người không biết tưởng đó là khách ăn cái trứng trước giờ ngủ. Người biết thì ngồi xuống bên cạnh, lời rủ rê thì thầm trong tiếng đập trứng lách tách. Rồi dắt nhau đi. Ông chú ý đến Cúc vì ông bị gán ghép với cô trong một tối mà cả ba gác lẫn hột vịt lộn đều ế ẩm, cả các cô cũng vậy. Chẳng biết làm gì ngoài ngáp vặt và than thở cuộc sống ngày càng khó khăn, chợt bà Năm Mập xòe tay đếm quanh: - Năm đứa mày, năm thằng ba gác, vậy là thành năm cặp rồi. Chờ ai chi nữa cho mất công. Tiếng cười ồ lên phá tan cơn buồn ngủ. Tiếng cười rất vui vẻ vì quá biết nhau nên chẳng ai mắc cỡ. Thằng Tiến bẻm mép nhất ngay lập tức búng ngón tay "tách" một cái thật kêu: - Ờ, nếu không chê ba gác cực nhọc thì... Tiến xỉa ngón trỏ của bàn tay phải vào ngực mình còn ngón trỏ bàn tay trái chỉ vào Lan, cô có dáng người tròn trịa nhất. Và lần lượt như vậy, hai ngón trỏ chia những người còn lại thành bốn cặp. Phần ông là Cúc. Khi ngón tay Tiến xỉa tới, cô ngước mắt nhìn ông với nụ cười trên môi. Ánh đèn dầu leo lét vẫn rõ hàm răng cô đều đặn và ánh mắt cô bẽn lẽn. Bẽn lẽn như chưa bao giờ vướng thân vào chốn lênh đênh. Đùa vậy mà hóa ra thật. Những tối sau, có lần Tiến vắng thì Lan cũng vắng. Ba cặp kia cũng có lần vậy. - Mày tu hả? - Bà Năm Mập hỏi vặn. Ông chỉ cười, chẳng nói năng gì. Chuyện trăng hoa đàn ông... Nhưng ông thì không. Thật lòng ông có mến Cúc. Cô xinh xắn hiền lành, nhìn cô ông thấy tiếc. Mến là vậy, nhưng chỉ vậy thôi. - Sao không tìm việc gì khác mà làm? - Có lần ông buột miệng hỏi. - Cũng muốn lắm nhưng biết làm gì bây giờ? Câu trả lời như một phân trần. Ông thở dài. Hồi đó ông còn trẻ nên muốn thốt một lời khuyên cũng thấy khó. Ông chỉ biết lắng nghe. Giọng cô buồn mênh mang: - Hồi đó cứ tưởng là... đâu ngờ... Hồi đó lên đây là để học may. Chủ nói học thí công không tốn tiền lại được nuôi cơm, sau hai năm thì ra nghề. Mà hai năm rồi hai năm rưỡi cũng chỉ cứ cơm nước với quét dọn giặt giũ... Người ta đi ở còn được trả công. Vậy nên mới bỏ qua học uốn tóc... - Sao không học uốn tóc cho tới nơi tới chốn rồi mở tiệm?... Ông đợi nghe một lý do vì sao lỡ bước sa chân nhưng chuyện kể bỏ lửng nửa chừng hoài vẫn không nối lại. Lỡ thì lỡ. Cuộc đời còn dài... Ông muốn nói với cô vậy nhưng rồi cũng không nói được. Có lần ông ăn trứng chưa trả tiền. Hôm sau lúc trả, bà Năm Mập kéo tay ngồi xuống: "Tiền này tính bữa nay còn nợ bữa trước con Cúc trả rồi". Tiến cười hinh hích: - Được gái bao là nhất mày đó nghe. Ông nóng mặt chống chế vài câu. Chợt nhớ đôi lần ánh mắt cô là lạ. Rồi nghĩ tới đồng tiền cô kiếm được ông thấy áy náy trong lòng... Từ ba gác ông lên đời xe thồ. Từ cô gái quanh quẩn hàng hột vịt lộn Cúc thay đổi bộ dạng trở thành tiếp viên nhà hàng. Tên Cúc giờ có đệm thêm chữ Thu. Cuốc xe cuối ngày của ông là chở Thu Cúc đi khách, tất nhiên trừ những lúc khách tự đưa đón. Giờ thì ông và cô chuyện trò thoải mái. Chiếc xe chạy dưới thấp thoáng ánh sao xa. Những ngôi nhà cao tầng lùi lại. Những ngõ hẻm tối tăm lùi lại. Giọng cô ngòn ngọt vang sau lưng: - Đáng lẽ Cúc có tiền mua xe rồi đó nghe. Chỉ tại tụi nó cứ rủ ngồi sòng. - Tại cô thôi. Mình đã quyết tâm thì... - Trời ơi, cũng tại quyết tâm nên Cúc mới đánh bài. Cũng định là nếu số mình đỏ thì mua xe hơi luôn. Cô cười vang. Ông cũng bật cười. Tới nơi, cô bước xuống nhét vào tay ông tờ giấy bạc màu xanh rồi lập tức lách mình qua cửa ông không kịp thối tiền lại. "Cuốc xe này cô đừng đưa nữa, mấy lần trước còn dư nhiều", lần nào ông cũng nói vậy nhưng rồi lần nào cô cũng vẫn cứ nhét tiền vào tay ông. - Cô làm vậy tôi mắc nợ. - Nợ nần gì - Cô cười vui vẻ. Có lần cô rủ ông đi ăn cháo khuya. "Tối nay cô không có khách sao?" - Ông ngạc nhiên hỏi, đang còn xinh đẹp thế kia mà rảnh rang sao được. Câu hỏi của ông làm cô phá ra cười. "Ăn cháo thì dính dáng gì tới khách". Nhưng rồi chẳng lâu sau những tờ giấy bạc nhét vào tay ông không còn đều đặn. Cô bắt đầu xuống dốc. Từ trong nhà hàng đi ra dáng cô không còn kiêu hãnh rạng rỡ nữa. Lớp phấn son thật dày không giấu nổi vẻ tàn phai. - Cô sao vậy Cúc? - Bịnh - Cô buông thõng. Ông rùng mình. Cô cười nụ: - Ngồi chung xe không lây đâu mà sợ. - Cô còn cười được sao? Tôi thấy cô xấu đi thật mà. Cô nhìn ông bằng ánh mắt xúc động. Ông quay đi, thấy lòng mình xót xa quá đỗi. Một tối, xe ngừng lại nhưng cô không xuống như thường lệ. Ông không nói gì, chỉ im lặng chờ đợi, biết rằng cô sẽ kể cho ông nghe một chuyện gì đó. - Em có bầu rồi. Không phải lần đầu tiên ông nghe cô nói câu này. - Cô định chừng nào đi bác sĩ? - Không. Ông ngạc nhiên. Giọng cô cương quyết: - Lần này em giữ nó lại. Giọng điệu cương quyết khiến ông cảm thấy cô có lý. - Cha nó là ai? Cô cười khúc khích. - Cô định nuôi nó cách nào? - Thì em gởi nó cho bà Thoa. Ông thấy gai gai sau gáy. Ừ thì Cúc cũng như bất kỳ ai cũng muốn có một đứa con... Cúc biến mất suốt năm trời. Đôi khi quả thật là ông cũng thấy nhơ nhớ. Rồi một buổi chiều Cúc đột ngột xuất hiện, tóc tai phờ phạc áo quần xốc xếch, một đứa bé nhỏ xíu lùng nhùng khăn quấn trên tay. - Anh cho em gởi đứa con... - Cô chìa hai tay về phía ông, toàn thân run lẩy bẩy. Ông sững sờ không nói được gì. Cô nghẹn ngào: - Thuốc phiện... Em định liều một lần thôi để kiếm chút tiền rồi hai mẹ con đi thật xa... không ai biết. -... - Bị lộ, công an bắt mấy người kia rồi. Mình em chạy trốn được nhưng thế nào họ cũng tìm ra nay mai. Em lạy anh. Em biết anh là người tốt. Xin anh nuôi giùm con em - Thu Cúc quỳ sụp xuống - Suốt đời mẹ con em không quên ơn anh. Ông còn đang ngớ ra thì Thu Cúc đặt đứa nhỏ xuống đất rồi quay lưng bỏ chạy, dáng xiêu xiêu ngay lập tức mất hút trong dòng người ngược xuôi vội vàng. Căn nhà của ông như có tang. Con cái cúi gằm mặt, vợ sưng húp mắt. Khóc. Mà không thể không chăm sóc con bé! Đi làm về, nhìn thấy con bé no nê sạch sẽ ngủ ngon trong nôi còn vợ thì lẳng lặng giặt giũ, ông thấy mình có lỗi ghê gớm. Nhưng lỗi gì đây? Ông hiểu vợ mình, chỉ cần rõ ràng đây không phải là của ông thì sao cũng được. Nhưng biết làm sao cho bà tin? Có lần ông nghe vợ trả lời người hàng xóm, giọng nhẹ như không: "Ông nhà tôi lành tính lắm, chị đừng nghĩ oan mang tội". Nói vậy mà khi quay vào nhà, mắt bà đỏ mọng. Hai tháng, con bé mập tròn ra còn bà thì tiều tụy hẳn. "Tên khai sinh của con nhỏ là gì vậy?", câu hỏi của bà hàng xóm tọc mạch giáng một đòn chí tử. Vợ ông không chịu đựng được nữa: - Ông định khai tên mẹ nó sao đây? Làm ơn thì làm cho trót, ông muốn trả lời vợ như vậy nhưng không thể nào mở miệng. Mắt bà nhìn ông là mắt của con thú bị thương tích nặng nề. Lòng tốt trở thành gánh nặng đè lên ông, lên tất cả. Không chỉ bà mất ngủ mà cả ông cũng vậy, và cả những đứa con. Đêm, cả nhà vang tiếng trằn trọc như bầy tắc kè chắc lưỡi. Khuya, mở cửa bước ra sân nhìn lên trời. Thoáng ánh sao xa như những cuốc xe đêm ông chở Thu Cúc đi. Ông lẩm bẩm "Thu Cúc, tôi có lỗi với cô". Nước mắt ông trào ra, thương vợ bị giày vò, thương mình bất lực, thương con bé sớm kiếp khổ, thương Thu Cúc đang lưu lạc phương nào. Hồi đó cứ tưởng là... đâu ngờ... Hồi đó lên đây là để học may. Chủ nói học thí công không tốn tiền lại được nuôi cơm sau hai năm thì ra nghề. Mà hai năm rồi hai năm rưỡi cũng chỉ cứ cơm nước với quét dọn giặt giũ... Người ta đi ở còn được trả công. Vậy nên mới bỏ qua học uốn tóc... Đưa con bé tới nhà bà Thoa, ngồi đợi nó ngủ thật say rồi ông mới dứt bước đi. Biết sẽ day dứt lắm nhưng không lường trước được là mình lại nhớ Thu Cúc đến vậy. Cùng với con bé là hình ảnh Thu Cúc hiện ra, không trách móc, chỉ cam chịu... Trong giấc ngủ đầy xao động ông không biết là mình đã khóc. Ba ngày sau, ông quay lại chỗ bà Thoa. Định là nhìn nó một cái thôi. Rồi ông sững sờ khi thấy vợ đang bế con bé, túi áo quần của nó gọn gàng kế bên. Bà nói mà không nhìn ông: - Tôi bế nó về đây. Ông xúc động tận đáy lòng: - Bà muốn tôi thề độc không? - Thề bồi gì. Nghĩ cái tên gì hay hay mà làm khai sinh cho nó đi. Mắt con bé trong veo, ông đặt tên cho nó là Thu Thủy. Thu Thủy biết lật, rồi biết bò, biết ngồi, biết vịn mép giường đứng lên... Mỗi cái biết của Thu Thủy khiến vợ ông gắn bó với nó nhiều hơn. Tới khi Thu Thủy tập đi thì không riêng vợ ông mà là cả nhà cùng dõi theo, cùng vỗ tay reo cổ vũ khi nó nhấc bàn chân rướn thêm được một bước nữa và cùng hồi hộp khi nó liêu xiêu thân hình chực té. Đứa con út của ông bấy lâu mặt nặng mày nhẹ vì vị trí được nuông chiều không còn nguyên vẹn như trước nữa mà nay cũng vội đưa tay ra đỡ khi Thu Thủy muốn té. Những bước chập chững của Thu Thủy đã làm dậy lên không khí đầm ấm trong gia đình.Tiếng cười, tiếng vỗ tay và lời khen khiến bà hàng xóm tìm cớ nhìn qua nhà ông. Vợ ông đáp lại bằng cách bế hẳn Thu Thủy ra sân. Mỗi bước được thưởng một cái thương vô má. Kết thúc mỗi lần tập đi là một trận mưa thương. Bà hàng xóm đành phụ họa bằng những cây kẹo và chặc lưỡi: "Con nhỏ này lớn lên đẹp gái lắm à nghen...". Lớp mầm, lớp chồi, lớp lá... Công việc cuối ngày của ông là ghé nhà trẻ đón Thu Thủy về, khi ông mắc chở khách thì vợ ông thay. Cũng như ông, bà hãnh diện nhìn Thu Thủy xinh xắn bụ bẫm. Ngoài khuôn mặt trời cho, các con của ông làm đỏm cho Thu Thủy bằng vô số kẹp nơ và ruy băng. Nhà trẻ bình dân, giữa bao đứa nhỏ sàn sàn, Thu Thủy nổi bật như một cô công chúa. Mắt Thu Thủy rạng lên khi nhìn thấy bà ở cổng trường, tiếng reo mừng vui và vòng tay tin cậy choàng qua cổ khiến Thu Thủy trở thành một phần của bà, không thể khác được. Bà bế Thu Thủy lên, khó chịu khi nhìn thấy vết muỗi cắn trên người Thu Thủy, bà nóng mặt khi Thu Thủy mếu máo kể bị đứa nào trên lớp đánh, và giận dữ khiếu nại với cô giáo khi trên mặt Thu Thủy có vết móng tay cào đỏ tấy... Có lần ông mường tượng nếu người đón Thu Thủy là Thu Cúc... Ông thốt giật mình và thở dài, làm sao biết được cô đang ở đâu để nói một câu cho cô yên lòng. Rồi ông thấy nao nao khi vợ mình đối mặt với Thu Cúc! Một cảm giác nao nao rất lạ...