Đến bây giờ cô vẫn nhớ rõ từng chi tiết cái chết của mẹ. Ba tháng trước đó, bà Vương, vốn là một người xem bói rất giỏi, nói với cô con gái út rằng mình sẽ chết vào lúc một giờ sáng ngày rằm tháng sáu âm lịch và dặn cô không được nói với ai. Đã ba năm bà chỉ nằm trên giường; mấy đứa con phải thuê một người họ hàng xa chăm sóc. Cô con gái út thường về làng thăm mẹ vào cuối tuần. So với mấy anh chị sống trên Hà Nội, cô là người đi lại thuận tiện nhất; làm thợ may trên thị xã chẳng có mấy khách hàng lại cách làng có mười cây số. Từ ngày mẹ ốm, khách xem bói không còn quấy rầy bà cụ nữa; điều đó khiến cô cảm thấy thoải mái hơn. Ngày trước, cứ mỗi lần về thăm mẹ, cô lại bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi mơ hồ khi phải đối mặt với những khuôn mặt mệt mỏi và vô vọng đến từ những nơi xa lạ mà chắc chắn đến cái tên bà cụ cũng chưa bao giờ nghe đến. Không ai biết chính xác bà Vương có khả năng tiên tri từ bao giờ. Hồi còn bé, cô út rất thích những câu chuyện mà mẹ vẫn hay thì thầm với khách. Cuộc đời của họ, qua lời của mẹ, trở nên rối rắm đến kỳ lạ. Cô không biết mẹ đang nói về quá khứ hay tương lai và đôi khi cứ băn khoăn liệu những điều bà nói có đúng hay không. Xét cho cùng thì số phận của một cá thể chẳng có ý nghĩa gì đối với cộng đồng ngoài sự tồn tại của chính bản thân cá thể đó; hơn nữa, nó lại không thể thay đổi được. Vậy thì tại sao người ta lại phải xem bói? Phải chăng số mệnh của họ ngay từ lúc chào đời đã bao gồm cả việc phải tìm đến một nhà tiên tri - cũng chẳng có gì chắc chắn đó không phải là một tay tiên tri dởm - như một thủ tục bắt buộc để thay đổi cuộc đời mình theo cái cách mà số mệnh định đoạt thông qua miệng của kẻ kia. Hay biết đâu đó chỉ đơn giản là nhu cầu của những kẻ mất phương hướng, phải nhờ đến một bà già không quen biết đưa ra một sự bảo đảm mơ hồ về tương lai, mà sự bảo đảm ấy thực chẳng mang lại cái gì ngoài sự khó chịu. Thỉnh thoảng, mẹ cô vẫn than thở chuyện bói toán. Đối với bà, nó cứ y như là một hình phạt khủng khiếp vậy. "Chắc kiếp trước mẹ là kẻ khốn nạn!" - bà than vãn - "Đêm nào trước khi đi ngủ, mẹ cũng cầu trời sáng mai tỉnh dậy, mình sẽ không còn khả năng xem bói nữa. Con cứ thử tưởng tượng mà xem. Ngày nào cũng phải đối mặt với những suy nghĩ xấu xa trong con người họ". Thực ra, cô út chẳng tin lắm vào sự khốn khổ mà bà mẹ hay ca cẩm. Những nỗi niềm đau khổ dằn vặt đó liệu có thực sự tồn tại hay không, hay chẳng qua chỉ là sự tưởng tượng của bà cụ. Hơn nữa, làm sao có thể chắc chắn trong tâm hồn những con người kia luôn ẩn chứa dã tâm như mẹ cô nói. Biết đâu mẹ cô lại mắc bệnh hoang tưởng. Chẳng hạn, có lần bà nói với một người đàn ông rằng mẹ anh ta sẽ chết vào mùa hè năm sau. Người đàn ông gầy gò, bé nhỏ có khuôn mặt đầy tàn nhang bỗng luống cuống, cứ như thể anh ta đánh rơi một vật gì đó. Khi khách đã ra về, bà thở dài nói: "Mẹ anh ta nằm liệt giường đã ba năm nay. Anh ta chờ đợi cái chết của bà mẹ từ lâu lắm rồi. Dẫu sao cũng chẳng đáng sợ bằng thằng anh con. Lúc nào nó cũng nghĩ đến chuyện giết vợ". Người con trai cả của bà Vương, giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội, thường bị những cơn đau đầu bất thần hành hạ. Trước đó gần hai chục năm, anh bị tình nghi có liên quan đến cái chết của một cô gái. Theo như những lời đồn đại, xác cô gái được chôn ở đâu đó ngoài bãi ngô; người ta đã đào xới tung lên mất mấy tuần nhưng chẳng thấy gì ngoài mấy khúc xương trâu. Hồi đó, anh độc thân và làm giám sát thi công ở thị trấn N. hơn hai năm, cái thị trấn buồn tẻ chẳng có gì để giải trí ngoài mấy cái quán giải khát kiêm chiếu phim video buổi tối. Người ta thường chỉ chiếu những bộ phim chưởng được làm vụng về với chung một cái chết cho mọi nhân vật, tất cả đều phun máu ra đằng mồm. Anh quen cô trong một buổi chiếu phim. Cô mười chín tuổi, học xong cấp ba, làm phụ việc cho tiệm may của bà cô. Vào những buổi tối mùa hè, dân thị trấn thường thấy họ đi dạo bên bờ sông, khi ấy hãy còn vắng vẻ chứ không nhộn nhịp như bây giờ. Sau khi cô mất tích, công an gọi anh lên thẩm vấn mấy lần nhưng rồi cũng không tìm ra manh mối nào từ mối quan hệ mập mờ của họ. Nhiều người nói rằng anh bắt đầu bị chứng đau đầu hành hạ sau thời gian làm việc ở N., nhưng cũng có giả thiết cho rằng anh bị bệnh từ trước đó và rất có thể trong một lần bị đau đầu như thế, anh đã giết cô. Dẫu sao thì cũng chẳng có chứng cớ nào để kết tội anh và câu chuyện nhanh chóng bị quên lãng. Ba năm sau, anh lấy vợ. Đứa con đầu được sinh sau đó bảy tháng. Một số kẻ ác ý đã nói rằng nó không phải con anh nhưng dù sao cũng chẳng có gì để khẳng định điều đó khi mà những đám cưới kiểu như vậy vốn đầy rẫy ở thành phố. Cô út không biết nhiều về cuộc sống của ông anh trai. Cô chưa bao giờ gặp anh ở nhà trong những lần hiếm hoi ra chơi Hà Nội. Bà chị dâu, dưới mắt cô, là một người dễ chịu. Bà ta có cái khéo léo hơi giả tạo kiểu người thành phố. Ông anh trai là người thành đạt nhưng ánh mắt vẫn đượm vẻ u buồn. Ông ít khi thể hiện tình cảm, ngay cả với bà mẹ ốm yếu. "Đó là thói đạo đức giả" - ông lạnh nhạt nói, mỗi khi ai đó nhắc nhở về thói lạnh nhạt, thờ ơ với gia đình và họ hàng - "Thật ngớ ngẩn khi ở thế kỷ hai mốt rồi mà người ta vẫn còn giữ cái quan niệm ấu trĩ đó. Chỉ có con chó giữ nhà mới có những biểu hiện tình cảm ngớ ngẩn như vậy. Mà liệu nó có làm như thế không khi người ta không cho nó ăn". Bà Vương rất thương con trai. Sống vất vả từ bé, lại phải gánh trên vai cái trọng trách của một người đàn ông trong gia đình sau khi bố mất, con trai bà trở thành một đứa lầm lỳ, thậm chí có phần cục súc. Bố nó mất khi thằng bé mười lăm tuổi. Điều duy nhất bà còn nhớ được về người chồng xấu số là những trận đòn. Một lần, đi làm đồng về, bà kinh hãi nhìn thằng con trai mới mười bốn tuổi bị bố treo ngược trên xà nhà. Đúng vào cái thời điểm đó, bà chợt nhận ra cái chết đang đến rất gần với người đàn ông hung bạo kia, cha của các con bà. Đến tận bây giờ bà vẫn không thể xác định được viễn tượng về cái chết của ông thoáng hiện lên trong đầu bà khi đó là cái tiên cảm bản năng của người thầy bói hay chỉ là một ước vọng trùng hợp. Xác ông được tìm thấy trong cái chòi chăn vịt bỏ hoang cùng với chai rượu đang uống dở. Thân thể trần truồng của ông tím tái vì lạnh, mặc dù lúc ấy đương là mùa hè. Người ta cho rằng ông chết vì cảm lạnh. Cô út nhớ đến cái ngày cô dẫn người yêu về ra mắt gia đình; mẹ cô kịch liệt phản đối dù anh người yêu chẳng có điểm gì đáng chê trách. Cuối cùng, cô lấy một anh thợ may có cửa hàng trên thị xã. Đám cưới diễn ra vào một ngày trời mưa rất to, khách đến dự vì thế cũng không đông. Cô út cứ khóc mãi không thôi khi nhà trai đến đón dâu. Anh người yêu cũ sau đó ba năm mắc bệnh ung thư phổi, chết cô đơn và đau đớn trong một căn nhà nhỏ ở Hà Nội. Những lúc buồn bã rỗi rãi không có khách hàng đến cắt may, cô thường nghĩ về anh. Khi mang thai đứa con gái thứ hai, cô út cứ đinh ninh rằng đứa bé cô đang mang trong bụng chính là con anh. Những đêm không ngủ được, nằm bên cạnh chồng, cô cứ nghĩ rằng chính mình đã gây ra cái chết của anh và mỗi lúc như thế, cô lại oán trách mẹ đã ngăn cản mối tình đầu. Dù có một cuộc sống khá sung túc so với những người dân quê bên người chồng hiền lành và nhạt nhẽo, cô không khỏi buồn lòng mỗi khi nhớ về người đã khuất. Mỗi lần so sánh chồng mình với anh người yêu đã chết, cô đều cảm thấy nhẫn tâm nhưng sự so sánh vô tình ấy cứ âm ỉ không dứt như thể một thứ độc dược đang ngấm trong cơ thể cô. Có lần thậm chí cô còn độc ác đến mức có ý nghĩ rằng mình sẽ rất hạnh phúc nếu người chết là người chồng hiện tại chứ không phải anh người yêu cũ. Đêm nay, theo như kế hoạch bà Vương sẽ chết vào lúc một giờ sáng. Cô út ngồi bên giường mẹ. Giường của bà Vương đặt bên cạnh cửa sổ, từ đó có thể nhìn ra phía bờ ao. Trên thành cửa sổ có một cái đồng hồ cũ màu xanh dương vốn là quà của ông anh cả mua cho mẹ nhân một chuyến đi Liên Xô. Đồng hồ chỉ có kim giờ và kim phút, không có kim giây. Nó có cả chức năng báo thức nhưng bà Vương chẳng bao giờ dùng; bà thường thức dậy lúc khoảng năm giờ sáng và thông thường chả có việc gì làm nên bà cứ đi đi lại lại trong buồng. Cô út thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ nhưng về sau cảm thấy có cái gì đó bất nhẫn, cô quyết định sẽ không nhìn về phía cửa sổ nữa. Bà Vương vẫn nằm bất động trên giường. Bà không nói được nữa nhưng tim vẫn thoi thóp đập giống như tiếng tích tắc mơ hồ phát ra từ cái đồng hồ Liên Xô. Cô út cầm tay mẹ, cố nhìn về phía cửa chính để không trông thấy cái đồng hồ. Cô biết rằng thời gian đang trôi đi và việc chờ đợi làm cô mệt mỏi khủng khiếp, chẳng khác gì cái ngày cô chờ đợi người ta đến rước dâu. Cảm thấy bàn tay mẹ từ từ lỏng ra khỏi bàn tay mình, theo bản năng cô đưa mắt về phía cửa sổ nhìn đồng hồ. Đồng hồ chỉ đúng một giờ. "Vậy là mẹ đã nói đúng"- cô thầm nghĩ. Nhớ lời bà dặn cách đây ba tháng, cô không đánh thức ai trong nhà dậy. Vuốt mắt cho mẹ xong, cô cứ ngồi yên như thế cho đến khi trời sáng. Lễ an táng được tiến hành vào hai giờ chiều ngày hôm sau. Đồ đạc cá nhân của bà Vương không có nhiều. Ở dưới đáy cái hòm làm bằng gỗ xoan, người ta tìm thấy mấy bộ quần áo còn mới nguyên do các con bà mua cho mẹ nhưng bà chẳng bao giờ mặc, cùng một cái túi vải nhỏ trong đó có một tờ giấy bạc năm mươi đồng màu xanh được gói kỹ trong giấy báo đã ố vàng. Tờ giấy bạc này là tiền mừng tuổi của ông anh cả cho mẹ hồi mới đổi tiền. Trông thấy tờ giấy bạc vẫn còn mới tinh không một nếp gấp nay đã trở nên vô giá trị, người đàn ông bật khóc nức nở. Cô út muốn nói một câu gì đó an ủi ông anh trai nhưng mối ác cảm ngấm ngầm suốt bao năm qua khiến cô im lặng. Hai ngày hôm đó, trời nóng khủng khiếp và có rất nhiều ruồi. Chúng đậu kín trên những chồng bát đĩa phơi ở góc sân, trông xa hệt như những tảng đá màu đen. Lúc hạ huyệt, tiếng khóc ai oán nổi lên. Cô út lơ đãng nhìn chiếc quan tài sơn màu đỏ ánh nhũ được luồn qua hai sợi dây thừng to tướng từ từ hạ xuống. Giống như mọi người cô bốc một nắm đất ném xuống huyệt. Lặng lẽ nhìn về cánh đồng màu xanh phía xa chân trời không một gợn mây, cô thấy mình quá đơn độc. Buổi chiều tối, sau đám tang, cô vào buồng mẹ thu dọn mấy thứ lặt vặt. Cái giường bà Vương nằm giờ chỉ còn trơ lại giát giường đã mọt mấy chỗ. Cô út bần thần đứng một lúc lâu trong căn phòng trống trải mà không biết phải làm gì. Bất giác cô đưa mắt về phía cửa sổ nơi có chiếc đồng hồ Liên Xô màu xanh dương. Đồng hồ vẫn chỉ một giờ. Cô cay đắng thầm nghĩ: "Giờ thì thậm chí mình chẳng biết mẹ mất lúc mấy giờ". Nagoya, 12/2004