Truyện ngắn đầu tay này là của một người làm công tác bảo tàng chưa từng viết văn viết báo.
Ẩn sau câu chuyện diễn ra trong một quán bia hơi - với một ông khách già mỗi chiều chỉ uống đúng một ly rưỡi bia không hơn không kém và hai cô tân cử nhân chưa tìm được việc làm phải kiếm sống bằng nghề chạy bàn - là những cảnh đời chìm khuất trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống mà chỉ bằng sự quan tâm đến người khác hai cô gái trẻ mới phát hiện, cảm thông và chia sẻ.
Nguyễn Thị Tuyết sinh năm 1970 tại Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội năm 1993 và hiện làm công việc sưu tầm tại Bảo tàng Phụ nữ VN.
Nhà hàng nằm trong khuôn viên Nhà máy bia Hà Nội lúc nào cũng đông khách. Ngày hè khách thích ngồi dãy bàn bên trái, nơi có những ô cửa mở ra hàng sấu.
Ngồi tựa thoải mái, khách hơi ngật đầu về sau, xoay cốc lên một cữ vừa tầm lim dim ngắm dòng suối tăm li ti sủi từ đáy cốc. Rồi ngả người nhắm nghiền mắt lại để mặc thứ chất lỏng vàng óng mát lạnh len lỏi chà xát đã đời gan ruột mình.
Cảm giác khoái lạc dâng lên tột độ khi khách bất giác ngó qua những ô cửa bên phải, nhìn dòng người, xe cộ dồn xô thành từng lớp, nghìn nghịt chảy dưới cái nắng thiêu đốt. Khói bụi, khí thải, hơi nóng mặt trời hun ủ suốt một ngày từ mặt đường phình lên, ám vào từng khuôn mặt chín nhừ lừ đừ say nắng.
Nhưng mùa hè qua lâu rồi. Mùa thu cũng vừa qua. Khách đã thúc thủ trong chiếc áo thun dày kín cổ, nhanh chân chọn dãy bàn bên phải. Người đến sau ngồi dãy bên trái thì tránh nhìn ra hàng sấu đang lặng lẽ thay lá. Nhìn khách uống bia bạn sẽ phải suy đoán rằng khách đến đây theo bản năng bắt rễ từ mùa hè nhiều hơn là do nhu cầu thưởng thức hay giải khát.
Vậy mà ông Lự nhiễm thói quen này từ những ngày đầu đông. Khác với những người già luôn rảnh rỗi thời gian, ông đến nhà hàng khá muộn khi dãy bên trái chỉ còn vài ghế trống. Ông ngồi ngay ngắn, bình thản chờ người phục vụ ghé sát bên mới thủng thẳng: “Cho một cốc rưỡi”.
Nếu không phải là một ông già, ăn vận lịch thiệp, tư dung đạo mạo thì chẳng dễ ai chiều theo cái yêu cầu có phần lạ lùng, bí ẩn. Lần nào phục vụ, Tóc Đuôi Gà cũng lẩm bẩm. Đến một hôm cô vô tình buột ra với Tóc Hoa Sen. Hai tân cử nhân liền thi nhau tưởng tượng ra cả chục nguyên do để giải phẫu yêu cầu có một không hai này.
- Có thể trước đây hai ông bạn già đi uống với nhau. Người này một cốc, người kia nửa cốc... - Tóc Hoa Sen nhìn bạn thăm dò rồi tiếp - Bây giờ “ông nửa cốc” mất rồi, “ông một cốc” uống thay cho bạn.
- Hừm... - Tóc Đuôi Gà lúc lắc đầu tỏ ý ngờ vực - Hồi bé tớ nghe nói ở mạn Tây Bắc vào những dịp hiếu hỉ người ta không uống nguyên một chén, hai chén mà luôn kết thúc bằng nửa chén sau cùng với ngụ ý rằng thực khách đã uống đủ. Hay ông này quê trên đó?
- Rõ rỗi hơi! - cô Nướng Chả Cằm Vuông xen vào. Thuộc típ người đơn giản, thực dụng, đã có hai con, cô chỉ được nhìn nhận đúng giá trị khi là một phần trong bức tranh tả thực mà phần kia là hai tân cử nhân luôn lộ vẻ u hoài mơ mộng, hiện đang giữ chân chạy bàn trong khi chờ gọi việc chính thức.
Chạy bàn là thử thách khắc nghiệt với người có học vấn. Gần 20 năm đèn sách, hai tân cử nhân được tiếp cận với những phần cơ bản, tinh túy trong kho tàng tri thức nhân loại. Cả hai cũng tự trau dồi những phẩm chất của một công chức tương lai: trung thực, cao thượng, tận tụy. Nhưng chúng được hình thành, được thực hành thường xuyên trong môi trường chân không nên rất dễ tổn thương khi sát sạt hiện thực.
Những thực khách vừa gọi bia vừa ợ chua ằng ặc; những nan ghế nhựa vặn mình chịu đựng tấm thân ngả ngớn, tay vỗ bụng cóc thành nhịp, thở phì phì lên trần ván ép; những cặp mắt trơ trẽn đang dại đi vì hơi men, không buồn che giấu cái nhìn thèm thuồng như khoan, như bắt vít vào những đường cong ẩn sau bộ đồng phục thùng thình...
Tất cả hợp thành một thế giới dung tục tầm thường mà Tóc Đuôi Gà và Tóc Hoa Sen không hình dung nổi khi chấp nhận chân chạy bàn. Nếu không vì sinh kế chắc cả hai không trụ nổi qua một tuần. Và nếu hai cô có kiên nhẫn mỉm cười đáp lại những đùa cợt thô thiển thì cũng chỉ là sự thỏa hiệp vì một viễn cảnh ấp ủ không xa.
Trong không gian sậm màu tận hưởng đó, ông Lự nổi lên như một thần tượng. Ánh mắt, cử chỉ đúng mực; khuôn mặt thản nhiên như một thủy thủ lão luyện từng trải, không còn háo hức những bờ bến lạ, cũng chẳng hồi hộp lo âu trước những trận cuồng phong bất chợt.
Một cốc rưỡi bia mỗi chiều hứa hẹn mở ra từng lớp, từng lớp trầm tích kỳ bí, vút xa khỏi hiện thực tầm thường lồ lộ trước mắt. Một cách tự nhiên, hai tân cử nhân đắm mình vào thế giới lung linh sắc màu hư ảo. Dẫu sao chúng cũng xoa dịu đi chút những trái tim non nớt tổn thương đang âm thầm chịu đựng.
Nhưng cách giải thích như thế cũng có vẻ khiên cưỡng. Bởi chính cô Nướng Chả Cằm Vuông lấy đây làm bản địa sinh tồn nuôi hai đứa con, ra rả mắng lũ người ngộ chữ, mơ mộng hão huyền nhưng rồi cũng bị tính tò mò cố hữu đàn bà quật ngã, rơi tõm vào cái mê cung huyền bí lúc nào không hay. Rốt cuộc người phụ trách cửa hàng bị thực khách phàn nàn quá độ về những lơ đễnh chết người của ba nhân viên thuộc quyền quyết định phải làm rõ mọi nhẽ.
Sau một hồi rào trước đón sau, anh rụt rè vào chuyện: “Bác... hì, hì... hôm nay cũng một cốc rưỡi... ”. Anh rụt cổ lại làm cho đầu với vai thành một khối. Liền sau đó anh cảm thấy ân hận và tự hỏi liệu mình có quá sỗ sàng đường đột vào riêng tư của một người đáng được nể vì, kính trọng? Nhưng ông Lự không lấy đó làm điều. Ông nói với giọng một người bạn thân quen đã lâu: “Sức tôi chỉ uống đến thế” và cười, ánh mắt ấm áp lan tỏa ra xung quanh. Người phụ trách như trút được gánh nặng rối rít cảm ơn. Anh đã có trong tay thứ vũ khí lợi hại có thể cuốn phăng đi màn sương ảo ảnh gây ra bao phiền toái cho thực khách. “Nghe này - anh khỏ móng tay xuống mặt quầy nhờ nhợ - ông già xập xệ rồi, hai cốc là chân không lê nổi thân. Vậy thôi!”.
Ba cô gái chưng hửng. Một nguyên do hết sức tầm thường. Đột nhiên họ thấy căm ghét người phụ trách. Nhìn bộ mặt đắc thắng của anh ta sao mà nhẫn tâm. Không thể tin một chuyện lại đơn giản đến vậy; hôm sau lúc mang bia đến cho ông Lự, Tóc Đuôi Gà như tiện thể ngồi xuống bên cạnh.
- Bác xem kìa, hàng sấu thay lá quá nửa rồi... Trời rét thế... nhà bác có xa không?
- 60 Ngọc Hà cháu à - Ông Lự vẫn từ tốn mực thước. Cô lặng người hồi lâu rồi mang khay về quầy. Ba mái đầu chụm lại. “Ông - cụ - ở - sáu - mươi - Ngọc - Hà”. “Thì sao?” - Cả hai ngạc nhiên. “Còn sao nữa. 60 là dãy trái, đối diện với 19 dãy bên phải”. “A! A! A!...”. Cả hai đồng thanh như thể những người con đất Việt xa nước bao năm, đang nôn nao trên độ cao 6.000m được tổ lái thông báo máy bay đang đi vào địa phận Tổ quốc. Ai cũng biết quán bia 19 Ngọc Hà nổi tiếng vì mặt bằng rộng, đậu hàng trăm xe máy cùng lúc. Bia thì lấy thẳng từ nhà máy, gin chẳng kém gì nhà hàng của Nhà máy bia Hà Nội.
- Bước sang đường là có bia, sao ông cụ phải cuốc bộ hai cây số đến đây nhỉ? - Tóc Hoa Sen mơ màng. Một thế giới lung linh lại hiện hình trước mắt...
- Hay đây là chốn hẹn hò của ông bà ngày trước? - Tóc Đuôi Gà mở đầu. Ở nhà hàng này không ai đủ tuổi để kiểm chứng 50 năm về trước lúc ông Lự còn ở tuổi thanh xuân. Bất chấp hiện thực cứng nhắc, họ tiếp tục miệt mài thêu dệt nên những đường tơ huyền ảo.
Một thiên tình sử được bồi đắp bởi ba trí tưởng tượng đồng loạt kích hoạt; ở đấy có vô số những biến cố, những lối rẽ bất ngờ.
Không biết huyền thoại đang tỏa ra quanh mình, ông Lự đều đặn một cốc rưỡi bia mỗi chiều. Ông không ngờ vẻ mặt trầm mặc của mình trong không gian buông tuồng lại có sức mê hoặc đến vậy. Và sự phục vụ chểnh mảng có nguy cơ trồi lên. Chả nướng chỗ sống chỗ chín, bia đưa tới cho người đang gọi tính tiền. Nguy cơ bị đuổi việc treo ngay trước mắt. Cô Nướng Chả Cằm Vuông tỉnh táo hơn cả, đằng sau cô là hai đứa con. Cô quầy quả bước đến ông Lự như trâu rừng nghênh mặt trước hổ báo, yếu thế hơn nên lấy chủ động làm vũ khí.
- Bác sang số 19 chẳng tiện hơn hay sao?- cô hồi hộp nhìn ông. Tóc Hoa Sen, Tóc Đuôi Gà cũng áp sau lưng từ bao giờ.
- Ồ! Họ chẳng chịu bán nửa cốc bao giờ.
- Ồ! Một lý do tầm thường hết sức!- Ba cặp mắt chạm nhau lóe lên như thế. Sự thất vọng cũng tựa như những cô bé hiếu kỳ lần đầu lên Điện Biên tham quan. Trên đường đi trí tưởng tượng của các thiên thần nhỏ tuổi phóng túng quá mức đến nỗi không thể chấp nhận được ở miền núi cũng trồng rau muống, cho lợn ăn cám như ở làng mình, thanh niên cũng mặc quần âu, đi xe máy. Thực lòng mà nói ba cô gái vẫn kính trọng ông Lự, nhưng ông không còn ma lực hút hồn họ nữa. Ông không tầm thường dung tục nhưng ông vẫn thuộc về thế giới hiện thực này, không thuộc về thế giới mà các cô muốn nương náu.
Không hay biết sự đổ vỡ trong lòng ba cô gái, ông Lự vẫn đều đặn cốc rưỡi bia mỗi chiều. Đã lâu ông không còn phải ngồi đợi Tóc Hoa Sen hay Tóc Đuôi Gà ghé bên để xướng lên “cho một cốc rưỡi” nữa. Nó đã trở thành qui ước. Hai tân cử nhân - chạy bàn cũng chẳng phải chuẩn bị 500 đồng lẻ thối lại, ông luôn có sẵn 4.500 đồng cho suất bia của mình.

*

Bẵng đi hai tuần vào độ giữa đông, không thấy ông Lự xuất hiện ở nhà hàng. “Chắc ông cụ bệnh rồi”. Ba cô cùng nhận định. Người phụ trách vặn lại, Tóc Hoa Sen giảng giải: “Một ông già hơn 70 tuổi bỗng nhiên không đến nhà hàng nữa thì còn nguyên do gì khác ngoài ốm đau bệnh tật?”. Người phụ trách thấy vui vui. Cuối cùng, các nhân viên thuộc quyền đã thật sự thoát ra khỏi cái mê cung huyền bí, họ đã có cái nhìn thực tế, giản dị.
- Bác bị đau dạ dày - ông Lự giải thích với ba cô gái vây quanh hôm ông trở lại nhà hàng.
- Thế bác đừng uống nữa - một trong ba cô lên tiếng.
- Không được! Không được! Tôi phải uống! - Lần đầu tiên ông không giữ được vẻ bình thản sang trọng của mình. Ba cô nhìn nhau lắc đầu. Họ nghĩ đến một cái gì đó gần như là bê tha, nghiện ngập. Không bỏ được bia vì quá nghiện. Thật là một lý do tầm thường hết sức!
Ông Lự lại đều đặn đến nhà hàng, đều đặn một cốc rưỡi bia kèm một đĩa lạc. Đó là cái duy nhất mới. Thi thoảng ông gọi thêm đĩa đậu rán, vừa uống vừa thận trọng xoa nắn bụng.
Một ngày gần tết ông hồ hởi thông báo: “Sau tết tôi sẽ vào Nam thăm thằng cả”. Đôi mắt ông cười ấm áp. Có lẽ ông đang mơ màng đến cảnh thằng cháu nội ngồi lọt thỏm trong lòng. Chộp đúng cơ hội, Tóc Hoa Sen bảo: “Vậy bác phải giữ sức, đừng uống nữa bác à”.
- Ồ không!- ông vui vẻ phản bác - tôi uống để vào thăm nó đấy!
Không quan tâm đến vẻ hồ nghi của mọi người, ông sôi nổi quá mức bình thường:
- Tôi bị huyết áp thấp, đi tàu xe dài ngày là gay lắm. Cái món bia này rất tốt cho huyết áp. Hôm nay lên 50/90 rồi, ít bữa nữa thôi sẽ đạt 70/110 cho xem. Còn dạ dày ấy à... chà!... hừm... đã có lạc rang này, đậu rán này...
Ba cô im lặng, vẻ mặt như những nhà khí tượng lặng lẽ nhìn đám đông đang dốc lòng thành kính cầu đảo trong mùa nắng hạn. Họ xoay sang hướng khác.
- Sao bác không bảo anh ấy ra?
- Ra sao được - giọng ông Lự chùng xuống, những giọt nước kéo căng màng mắt đùng đục
- Tội nghiệp vợ chồng nó! Tự thân lập nghiệp trời xa... 45 tuổi mới dám sinh con, 50 mới mua được tí đất... - ông ngẩng lên nước mắt đầy hai tròng- Nợ nần ngập đầu, phải dăm bảy năm nữa mới hết nợ, chắc gì mình còn sống được tới ngày đó...
Áp tết thời gian càng hối hả. Ông Lự đến nhà hàng khi sớm khi muộn. Ông có vẻ già yếu hơn, lặng lẽ ngồi hun hút giữa mênh mông bàn ghế. Độ này thực khách thưa thớt hẳn. Không khí tết đã ào xuống lòng đường, tràn lên vỉa hè những người, những đào quất, cả mai vàng Sài Gòn nữa. Ít ai còn lòng dạ nào vui thú ăn nhậu. Hai tân cử nhân bần thần ra mặt. Mấy hôm nữa nhà hàng nghỉ tết. Các cô sẽ về quê, sẽ ngượng nghịu nói rằng chưa có nơi nào gọi đi làm cả.
- Hôm nào chưa thấy ông tớ cảm thấy không yên, chỉ sợ ông bệnh lại - Tóc Hoa Sen thẫn thờ nói - Mà cậu có nhìn thấy ông vừa uống vừa xoa bụng không?
- Đúng thế - Tóc Đuôi Gà xác nhận - Chúng mình thật nhỏ nhoi, bất lực. Không có cách gì để ông hiểu rằng huyết áp khá lên là do cuốc bộ hai cây mỗi ngày... mà lạc rang, đậu rán làm sao có thể bịt kín những vết thương trong bao tử cơ chứ!
- Thật chẳng ra sao cả!- Tóc Hoa Sen dang hai tay như một cô đào thương chính hiệu. Rồi tựa quầy tư lự. Ngoài đường người đi mua sắm đông nghịt, xe với người đi bộ một tốc độ. Xuân đã ở rất gần. Mắt cô bỗng nhiên lóe sáng:
- Này, có kỳ quặc không, ông cụ cứ sống với niềm tin của mình, còn chúng ta lại cảm thấy bất lực vì nó. Ha! Ha! Ha!...
- Ha! Ha! Ha! - Tóc Đuôi Gà lặp lại.
Cách mấy chục dãy bàn, Nướng Chả Cằm Vuông chẳng hiểu gì cũng ngoác miệng theo, đến nỗi chiếc cằm vuông trứ danh của cô biến thành hình chữ nhật.

Xem Tiếp: ----