- Điểm thi môn Lý, Nhi được 8 điểm, mừng nhé! - Thật à? Nhi chợt cười buồn trước tin báo của Dung. - Còn Dung? - 6 điểm! Tiếc quá, mình đã cố gắng hết sức. Nói vậy, nhưng Dung cũng thấy vui vui. Dung bằng lòng với kết quả thi môn Lý học kỳ I, vì Dung biết năng lực của mình chỉ đến mức ấy. Hơn nữa, chính Dung đã tự mình làm bài suốt hai giờ thi căng thẳng. Chuông báo hiệu vào lớp. Nhưng lời bàn tán vẫn còn xôn xao, ồn ả. Đám con gái là to họng hơn cả. Không biết từ nguồn nào mà kết quả thi được "bật mí" trước khi phát bài. Thâỳ chủ nhiệm kiêm giáo viên dạy Lý lớp 11B1 là người hiền từ, ít nói. Ngoài những lúc giảng bài, còn không, thầy tiết kiệm lời nói đến lạnh lùng. Bài thi được giao cho lớp trưởng phát lại cho từng người. Sĩ số 28, có 9 nữ, mà tiếng xì xào át cả tiếng loa thông báo từ sân trường. - Thầy cho điểm mắc quá! - Mình làm gần hết câu 4 mà thâỳ cho có 6 điểm rưỡi! - Nhi nó "sao y bản chính" của mình, mà sao nó 8, mình chỉ có 7! - Ồ! hàng giả cũng thế. Có khi chỉ bắt chước và tân trang lại mà hơn cả hàng thật. Câu nói mỉa mai và đầy ác ý đó của Hà làm Dung ái ngại, mặc dâù Nhi giả vờ như không nghe thấy. Hương ngồi đâù bàn trên, chăm học, giỏi Lý, rộng lượng với bạn bè, nhưng khi cho bạn chép bài được điểm cao hơn mình, lại so bì, chì chiết. Hà hay ganh tị, ngồi cùng bàn nhưng chẳng ưa gì Nhi. Dung ngồi giữa, Nhi - Hà ngồi hai đầu. Dung biết thế tuy không nói ra, nên nhiều lúc phải âm thầm làm gạch nối dàn hòa giữa hai người. Mà thật! Nhi viết chữ đẹp, lại biết cách trình bày bài thi sáng sủa, rõ ràng nên Nhi hơn điểm Hương, Hà là điều dễ hiểu. Cũng oan cho Nhi, có phải Nhi biếng nhác, lười học gì cho cam. Nhi giỏi đều các môn, nhưng không hiểu sao môn Lý đối vớ Nhi thật là khó nuốt. Dù có nhiều cố gắng, bài kiểm tra môn Lý ở lớp, không lúc nào Nhi đạt quá điểm 5. Và Hương đã giúp Nhi đạt điểm cao như thế... Tiếng lành đồn xa hay tiếng dữ đồn xa? Ai biết, nhưng không hiểu sao sau Tết, đám con gái lại xôn xao bàn tán về việc thầy chủ nhiệm dạy kèm riêng môn Lý cho Nhi. Đám con trai cũng "lưu ý" đến tin đồn này. Thâỳ Trực còn độc thân, ở xa mới đến, lại mướn phòng ở trọ trong thị xã. Nhi không đẹp lắm, nhưng với nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng hơi buồn kèm chiếc răng khểnh khi cười, làm Nhi toát lên cái duyên ngầm của một thiếu nữ khoẻ, rắn chắc. Đám con trai nhiều lúc cũng ngơ ngẩn trước nụ cười có một cái răng mọc không đều về phía bên phải ấy. Mà có gì đâu là tiếng dữ? Học trò học yếu thì thầy kèm cho bằng chúng bạn, lại là thầy chủ nhiệm nữa, có gì đâu phải bàn tán! Không có điều kiện tới nhà thầy họ thêm, thầy rảnh tới nhà dạy kèm cho học trò, là điều tốt, có gì đâu phải xôn xao! Còn không lấy tiền là quyền của thầy, thầy có nợ tiền cơm, tiền nhà đâu mà phải ồn ào! Thế nhưng tin đồn vẫn cứ là tin đồn. Như những cơn sóng biển, lúc êm đềm, lúc ầm ỹ. Mặc! Nhi vẫn âm thầm, chăm chỉ và kết quả thi học kỳ II môn Lý, những lời châm biếm, mỉa mai của Hà, những lời so bì, chì chiết của Hương đối với Nhi... đã theo tiếng chim bay... Rồi những vui buồn hờn giận cũng qua đi. Phượng đã nở rồi còn gì! Học Kỳ II đã thi xong. Mùa hè năm sau chắc có còn gặp được nhau? Chỉ còn ngồi chung với nhau một niên khóa nữa là chia xa mỗi người mỗi ngã. Những cánh chim còn chung tổ ấm một năm thôi, rồi sẽ tung bay phương trời nào? Ai mà biết được? Thi xong, làm bài tốt, con người cảm thấy thư thái, dễ chịu. Thần kinh dịu lại, những căng thẳng chùng đi, đăm chiêu tan biến nhường chổ cho hồn nhiên, phấn khởi. Chính vì thế, sáng chủ nhật đẹp trời hôm nay Hà, Hương, Dung đã vui vẻ rủ nhau đi xem phim ở rạp lớn trung tâm thị xã. Phim nói về cuộc tình trong sáng nhưng trắc trở của một chàng sinh viên với một nàng áo trắng bị gia đình can ngăn, sau nhờ nghị lực hai người cùng đỗ đạt nên danh phận nhưng không nên duyên tơ - chiến tranh xảy ra, chàng phải lên đường đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc... - Bán một ngàn đậu phộng luộc! - Chị mua thêm ngàn nữa nghen, em không có một ngàn thối lại. - Không có thì thôi! Người phụ nữ loè loẹt son phấn sẵng giọng, giựt tờ giấy bạc hai ngàn từ tay cô bé. Dung ngỡ ngàng, nhận ra dưới vành nón lá là đôi mắt sáng hơi buồn ấy. Hương, Hà cũng kịp nhận ra cô bé bán đậu phộng chẳng ai khác hơn là Nhi, bạn học cùng lớp của mình. Nhà nghèo, cha mất sớm, ngoài giờ học Nhi phải phụ mẹ tảo tần để kiếm thêm tiền nuôi ba em nhỏ. Ngồi chung bàn, học chung lớp nhưng với lối sống riêng lẻ, cách biệt nên Hương, Hà và cả Dung nữa đã không quan tâm đến hoàn cảnh của bạn mình. Cơn gió nhẹ thoáng qua, có hạt bụi nào bay đến ở lại trong mắt Dung, Dung dụi mắt, đôi mắt đỏ hoe. - Thôi mình về. Dung nói và quay mặt đi. Hương, Hà vô tình đã không nhận ra mắt Dung ươn ướt.