Tới cây phượng vĩ Tân dừng lại nhìn căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn dưới tán lá, nói đúng hơn đây là một cái ga ra ô tô của ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp bên cạnh được trưng dụng thành nhà ở. Anh dựng xe đạp vào gốc cây toan bước tới cửa liền bị một cậu bé tay ôm qủa bóng nhựa bằng qủa bưởi từ trong nhà lao vút ra húc luôn vào người, cậu bé lùi lại chắp qủa bóng vào bụng ngước bộ mặt biết lỗi nhìn người đàn ông lạ chưa biết nói sao thì Tân đã ngồi thụp xuống cầm tay nó hỏi: - Cháu có sao không? - Thằng bé lắc đầu. Cặp mắt ngước lên của nó khiến Tân thấy quen quen. Còn nó thấy người lạ liếc mắt vào nhà mình liền dè dặt hỏi: - Chú tìm ai ạ? - Cháu là con của mẹ Hà phải không? - Nó chớp chớp mắt, nét mặt linh hoạt hẳn lên, cái miệng xoè ra: - Dạ phải. Để cháu vào gọi mẹ cháu ạ. - Nó xoay người định chạy đi. - Khoan đã. Cho chú hỏi một chút. Cháu tên gì? - Cháu là Nghĩa ạ. - Chú tên là Tân. Bây giờ Nghĩa đi đâu? - Cháu học bài rồi mẹ cho cháu đi chơi ba mươi phút. Tân vội buông tay thằng bé: - Thôi, cháu đi chơi đi. Chú làm mất ba phút của cháu rồi. - Cám ơn chú Tân. - Chú bé đập qủa bóng xuống đất vài cái bỗng ôm bóng ngoảnh mặt lại nhìn người khách như vẫn còn thắc điều gì đó. Tân nháy mắt với nó, nó mỉm cười rồi đặt qủa bóng dưới chân rê rê tới đám trẻ đang ngồi bệt dưới vỉa hè đùa giỡn. Tân ngắm nhìn bên ngoài căn nhà đã lâu chưa quét vôi bị mưa tróc ra từng mảng loang lổ. Cánh cửa màu nâu nhuốm thời gian đậm như mầu đất. Phía trái là bức chấn song sắt tuy cũ nhưng vẫn chắc chắn, hoa ti gôn phủ lớp dày phía trên, vài dây hoa bò lên mái ngói rêu của Hà, nó phảng phất điều gì đó lãng mạn của người chủ cũ của ngôi biệt thự và sự hiền lành cam chịu của thời gian. Tân bước tới cửa gõ mấy cái nhưng không ai trả lời. Cộc cộc cộc lần nữa vẫn im lặng, cửa mở sẵn nên Tân ngó vào trong nhà không thấy ai. Từ phía sân trong có tiếng bổ củi chan chát, anh bước qua căn phòng ra sân thấy Hà đang ngồi bặm môi chẻ củi, mặt hồng lên, mồ hôi đọng từng giọt chảy dài hai bên thái dương. Hà buông con dao rựa xuống nền gạch đánh soảng, quơ những thanh củi tung ra khoảnh sân có nắng không hề biết có người đang nhìn mình, khi với con dao rựa nhác thấy bóng người chị giật mình ngước lên, như không tin vào mắt mình, chị lắp bắp: - Anh… anh Tân? - Hà… Hà vất vả quá. Bàn tay nhỏ nhắn thế này mà cầm con dao rựa to như thế còn gì là tay phụ nữ nữa. - Từ thời Pháp không hiểu sao họ đúc loại dao to mà nặng thế. - Chị vừa đứng lên vừa nói: - Anh vào nhà đi. Xin lỗi, em đi rửa tay đã. Tân ngồi trên chiếc ghế mây nhỏ đưa mắt quan sát căn phòng của mẹ con Hà. Trên tường treo một giá sách, ngăn trên có hai ô là sách văn học chừng dăm trăm cuốn, hai ô ở ngăn dưới một bên là sách thiếu nhi, một bên là sách tiếng Nga dầy có mỏng có. Cuối phòng là cái giường rộng mét hai của hai mẹ con, cạnh đó là cái bàn nhỏ làm việc của nữ chủ nhà, góc trái trước mặt anh là tờ khóa biểu học tập của cu Nghĩa dán trên tường. Những đồ đạc trong nhà tuy sơ xài nhưng toát lên tinh thần sống của người xếp đặt nó. Hà bước tới với hai cốc nước lọc trên tay mỉm cười: - Em xin lỗi, nhà chẳng ai uống trà nên quý khách thông cảm. - Cám ơn! - Anh cũng cười rồi hỏi - Hà dịch tiếng Nga à? - Vâng ạ. Em đang dịch thêm. - Vừa đi làm vừa săn sóc con lại làm thêm, chắc hai mẹ con gặp nhiều khó lắm phải không? - Ngoài giờ không làm gì thêm cũng buồn. - Chị quay sang Tân: - Anh thế nào? Còn ở quân ngũ không ạ? Tân đan mười ngón tay vào nhau chống lên cằm, nói: - Miền Nam giải phóng, đơn vị anh vẫn phải ổn định an ninh tại địa phương. Bọn Fulro co cụm sâu trong rừng, ban đêm thường kéo nhau về bản cướp lương thực và dụ dỗ đồng bào dân tộc theo chúng. Một năm sau anh mới xuất ngũ, sau đó anh được giới thiệu đi học Đại học thiết kế thủy lợi, ra trường hai năm nay rồi. - Anh về công tác tại thành phố Hồ Chí Minh chứ? - Không có mình… - Anh cười khẩy - thì thành phố cũng đã quá chật trội rồi. - Vậy anh tiếp tục đi xa Hà Nội ạ? - Ở các vùng cao nguyên rất cần thủy lợi đưa nước về để đồng bào dân tộc định canh định cư, nếu không họ tiếp tục phá rừng làm rẫõy - Tân nói xong vẫn không nhìn lên, giọng vẫn thả đều đều bộc lộ những suy nghĩ của mình về việc đưa khoa học thủy lợi mở đất cho cao nguyên. Hà đã hiểu vì sao sau khi xuất ngũ Tân vẫn chấp nhận xa Hà Nội một cách không tính toán để lên công tác ở vùng cao ấy. - Quyết định của anh Tân có lý tưởng hoá quá không? - Không hẳn vậy. Hồi đơn vị đóng ở tỉnh Tuyên Đức, vào khoảng mùa khô năm bảy hai có lần mình và Phạm cùng tổ công tác được cử đi Đức Trọng liên lạc với đội biệt động địa phương để trinh sát sân Liên Khương. Sau một đêm lăn lết trong các ruộng ngô, sáng hôm sau quần áo mình mẩy đỏ như con cún bằng bông - Cả hai cùng cười thành tiếng - Hà biết không? Cậu Phạm là người ở đơn vị trước anh nên rất thông thạo thổ nhưỡng, nhờ đó anh mới hiểu cái câu vùng đất đỏ ba dan là thế nào. Đức Trọng chỉ cách Đà Lạt chừng hai mươi cây số nên khí hậu rất dễ chịu, đất đai lại rất màu mỡ. Anh và Phạm hẹn nhau sau khi đất nước độc lập sẽ ở lại Tuyên Đức cùng bà con làm địa phương làm nông nghiệp. Bây giờ Tuyên Đức đã đổi thành Lâm Đồng rồi, anh nghe nói Hà Nội đang có cuộc vận động đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Ban và Lán Tranh thuộc huyện Đức Trọng. - Anh cũng ở Đức Trọng ạ? - Anh hiện công tác tại Sở Thủy Lợi nằn trên Đà lạt. Nếu … Hà có dịp vào trong đó, chắc … cũng sẽ yêu thích vùng đất đỏ ba dan ấy đấy. Vừa nghe Tân kể Hà vừa dùng ngón tay trỏ nhỏ nhắn chấm lên những giọt nuớc đọng dưới chân cái ly lơ đãng viết chữ Hà trên mặt bàn. Tân nhìn theo ngón tay của Hà nói: - Hồi đó… anh gởi rất nhiều thơ cho một người có cái tên như thế này mà không thấy hồi âm? Hà dừng tay mắt tròn xoe nhìn thẳng vào mắt Tân. - Hồi đó anh gửi thư cho em? - Hai tháng đầu có đến tám cái thơ, một tuần một lá. Hà cảm thấy tim mình thót lại, ánh mắt hẫng hụt nặng chĩu như muốn khóc thành tiếng, giọng chị ngẹn lại: - Anh đi bộ đội được một tuần thì cả phố có lệnh đi sơ tán, em phải theo nhà trường đưa các em học sinh sơ tán ở Hà Tây. Chừng tháng sau em về thăm nhà thì cửa kính bị bom làm chấn động vỡ hết cả. Đến năm bảy hai thì B.52 giải thảm cả khu phố sập rụi như những ngôi nhà trên cát. Căn phòng này em đang ở là do phòng giáo dục cho ở tạm. Tân nói như lạc hẳn giọng: - Vậy là bom đạn đã phá tung sợi dây tình cảm đầu tiên của anh với Hà. - Anh Tân ơi. Hà không có lỗi gì trong sự im lặng hồi đó phải không anh? - Chiến tranh luôn phá tan mọi ước mơ của con người, Hà ạ. Bàn tay Hà bíu chặt lấy mép bàn, cặp mội hơi mím lại nhưng vẫn run rẩy. Không khí càng lắng xuống. Tân trầm giọng hỏi: - Cu Nghĩa mấy tuổi rồi Hà nhỉ? - Tám tuổi ạ. - Thằng nhỏ có cặp mắt giống mẹ quá. - Anh gặp cháu rồi ạ? - Chị ngước cặp mắt ngấn nước nhận thấy ánh mắt Tân nhìn mình với một tình cảm sâu sắc. Hà không né tránh, cả hai dò tìm trong mắt nhau những điều chưa tiện nói. Giọng Hà hẫng hụt: - Thế… vợ con anh? Anh đã mấy cháu rồi ạ? - Mười năm lăn lê bò toài ở mặt trận làm sao có điều kiện lập gia đình. - Tân đặt tay mình lên bàn tay nhỏ nhắn của Hà, nói: - Chủ nhật này, anh mời em đến nhà chơi nhé. Em và cu Nghĩa thích ăn món gì? - Em nhớ ngày xưa tiểu khu mình đi cắm trại, anh nấu món bún măng gà ai ăn cũng khen rất ngon. - Anh sẽ làm món ăn ngày xưa ấy nhé. - Cây thị nhà anh còn không ạ? - Rất may là bom đạn không đụng chạm đến cây thị, vẫn sai quả lắm. Bây giờ nó to như cây cổ thụ rồi. - Ngày xưa thỉnh thoảng sáng chủ nhật tụi em đi qua nhà anh gọi đi họp trên khu đoàn lại vào xin mẹ anh vài quả mang về. - Hồi ấy, em gọi mẹ anh là "Bà Tấm", cho đến nay anh vẫn gọi mẹ là bà Tấm đấy. - Thật hả anh?
*
Thời gian Tân chưa nhập ngũ, anh là cán bộ khu đoàn, Hà là bí thư chi đoàn khối Mười Một thuộc tiểu Khu Một. Sau khi hết chiến tranh các khu được đổi thành quận, các khối được đổi thành phường. Anh được biết Hà là bí thư trẻ nhất nhưng thành tích các hoạt động của chi đoàn lại rất xuất sắc. Tân hình dung cô bí thư mười tám tuổi này phải táo tợn và có cái dáng nam nhi. Qua thời gian dài cùng công tác, thức cả đêm đi đắp đê, tập quân sự, những chuyến đi cắm trại, học lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn, dự các lớp đào tạo tổng đội phụ trách thiếu nhi là điều kiện Tân có dịp gần gũi Hà. Tân yêu Hà, chưa kịp nói gì thì anh lên đường nhập ngũ. Hôm tiễn chân anh, Hà nắm tay Tân, cả hai nhìn nhau chẳng nói được gì. Thời của họ, chỉ cần nắm tay nhau trao gởi nhau ngôn ngữ qua ánh mắt là cũng nặng lòng với nhau suốt đời. Mấy năm sau đó không nhận được tin tức của Tân, Hà cho rằng Tân đã quên mình nên nhận lời lấy Sinh là công nhân tuyếc bin ở nhà máy điện Yên Phụ cũng là cán bộ đoàn tiểu khu. Hà đang có mang thì Sinh cũng gia nhập ngũ rồi hy sinh trên mặt trận Quảng Trị năm bảy tư, lúc đó bé Nghĩa mới ba tuổi. Bà Khương đi phiên chợ Bưởi mua về con gà trống hoa và ít măng. Việc bếp núc Tân tự trổ tài. Ngày xưa đi học về là suốt ngày đi bơi rồi túm năm tụm ba dưới gốc cây thị kể chuyện Trạng Quỳnh cho bọn trẻ hàng xóm nghe rồi cả bọn cười ha há, mọi việc trong nhà một tay mẹ làm. Thế mà từ ngày đi bộ đội về biết làm đủ mọi việc, mấy cái ghế long chân bị bỏ xó ngoài bếp cũng được anh mang ra chữa, còn đóng thêm hai cái ghế con để mẹ ngồi nhặt rau. Hôm nay Tân mời bạn gái tới khiến bà mừng lắm, bà mong Tân lập gia thất ngay kẻo cha già con cọc, bà không phải chịu cảnh quạnh hiu. Tân vừa dỡ bún ra đĩa vừa nghĩ lần này gặp lại Hà chắc mẹ vui lắm, một phụ nữ như Hà ai chẳng muốn nhận về làm dâu. Mặc dù chưa tới giờ hẹn nhưng anh vẫn mong Hà đến sớm, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ. Khi nghe tiếng xe đạp của Hà lách cách dắt vào cổng, anh vội chạy ra đón hai mẹ con. Thế nhưng Tân không ngờ tới tàn dư phong kiến vẫn ngự trị trong mẹ. Bà Khương thấy cu Nghĩa có khuôn mặt giống Hà lại gọi Hà là mẹ thì nụ cười của bà vắng hẳn, khiến Hà thấy khó xử mỗi lần thưa chuyện trong bữa ăn. Thế là bữa gặp mặt giữa Hà và mẹ Tân chẳng có ý nghĩa gì. Vì sợ trả phép trễ nên Tân phải đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh nghỉ ở nhà khách Bộ Thủy lợi rồi năm giờ sáng hôm sau đi xe đò lên Đà lạt. Xe chạy qua huyện nào trên lộ hai mươi cũng bị chặn lại kiểm soát, mười sáu giờ xe mới lên tới nơi. Tân đi bộ về nhà nghỉ của Sở Thủy Lợi. Tắm xong anh dở mấy tờ báo mang từ Hà Nội vào định đọc thì ông Cần là giám đốc Sở vào nói oang oang: - Cậu bỏ các thứ đấy sang nhà tớ ngay, anh em đang ở cả bên ấy chờ cậu đấy. Hôm nay đầy tháng thằng nhỏ nhà tớ. - Vâng, phải cho em mặc thêm cái áo đã chứ. Sương xuống lạnh lắm. - Tới sân, Tân cười - chị mới sanh trước khi em ra Hà Nội, vậy mà đã đầy tháng rồi. - Cộng hai cái phép của cậu lại là gần một tháng còn gì. - Một tháng thì thằng nhỏ biết làm gì rồi hả anh? - Ồ… ông tướng hóng chuyện dữ lắm. Có thêm thằng thứ hai cũng vui nhưng nó làm đảo lộn hết sinh hoạt của gia đình. Nhà ông Cần cùng dãy với anh em cán bộ nhân viên trong Sở chỉ cách nhà khách có một cái sân. Vừa ngồi ăn mọi người vừa bàn đến sự cố của công trình thủy lợi tại xã Đạ Đờn, anh en công nhân đào được hai mét thì gặp tảng đá lớn tới ba mét khối, có thể dùng thuốc nổ, nếu phá thủ công sẽ kéo dài thời gian thi công. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là nhanh chóng xây dựng các công trình thủy lợi tại các huyện vùng sâu đưa nước về cho đồng bào dân tộc tập làm lúa nước, có lương thực bà con sẽ định canh định cư không phá rừng làm rẫy, sẽ biết đoàn kết bảo vệ cuộc sống không nghe theo Fulro. Khi men rượu đã ngà ngà, mọi người chuyển sang việc của Tân, Ông Cần nói: - Nghe cậu Phạm nói thì khó khăn của cậu Tân chỉ là chuyện tâm lý của bà cụ thôi. Phạm nói ngang vào: - Cậu Tân ở Hà Nội vào mặt mũi rũ ra như ông "thần sầu". Này, cậu cứ nghe tớ chuyển công tác cô Hà vào đây là mọi việc sẽ… automatic. Nghe vậy có người phì cười, nhưng ông Cần lại cho đó là ý kiến hay. Ông gật gù, nói: - Khi bà con định cư rồi thì trường học cũng phải dựng lên, sẽ rất thiếu giáo viên đấy. Đừng có buồn, thời gian sẽ ủng hộ cậu.*
Hôm nay là ngày giỗ ông Khương, bà Khương ra cành bưởi thấp nhất hái ít hoa để thắp hương. Khi Tân ở nhà bà vẫn làm cơm canh để cúng, từ khi Tân đi bộ đội giờ lại công tác ở xa, có một mình nên mỗi năm đến ngày giỗ chồng là bà chỉ hương hoa, nếu hàng sôi chè hoặc bánh trôi bánh chay đi qua cổng bà cũng mua thêm để cúng. Đêm qua trời mưa, hoa bưởi rụng trắng cả dưới gốc, cành nào cũng nặng chĩu nước, bà vừa với tay vào nước đọng rụng rào rào xuống. Từ hôm Tân đi, hôm nay Hà mới đèo cu Nghĩa đến thăm bà Khương. Trong khi Hà đang dựng xe thì Nghĩa đã tới bên bà Khương chào: - Cháu chào bà ạ. Bà Khương buông cành bưởi ngoái lại đang ngờ ngợ chưa kịp nói gì thì Hà cũng nhẹ nhàng chào: - Con chào bác ạ. - Vâng … Chào chị. Cu Nghĩa nhanh nhẩu đưa hai tay đỡ rổ hoa bưởi trên tay bà Khương. - Bà để con giúp bà ạ. Bà Khương không biết nên xử sự ra sao đành để thằng bé cầm rổ hoa bưởi mang vào nhà. Hà một tay xách cái làn mây đựng hoa quả, tay kia đỡ bà đi vào, nói: - Đêm hôm qua trời mưa, sân còn ướt quá ạ. Vừa ngồi xuống ghế bà lạnh lùng nói: - Mời chị ngồi. - Thưa bác. Con mang ít hoa quả đến để xin thắp hương bác trai ạ. - Vừa nói Hà vừa đặt nải chuối mắn lên cái đĩa trống trên mặt bàn và bó hoa sen trắng. - Lâu nay tôi ở nhà một mình cũng chỉ đơn giản huơng hoa thôi. - Tuy vậy thấy Hà mang sen trắng bà Khương hơi ngạc nhiên, đây là loại hoa ngày còn sống chồng bà rất thích. Cu Nghĩa ngồi vừa đung đưa hai cái chân vừa nói: - Bà ơi. Cô giáo con bảo hoa sen trắng là biểu hiện tâm hồn trong trắng của con người đấy ạ - Suýt nữa bà cười vì cái giọng giảng giải của nó. - Bác cho phép con được cắm hoa vào lọ ạ - Hà tới ban thờ cắm hoa vào lọ rồi rút ba nén nhang lên thắp. Cu Nghĩa chạy ra sân hết ngó cây thị lại ngó cây bưởi và các cây khác trong vườn. Bà Khương và Hà chỉ hỏi han nhau gượng gạo cũng chưa biết nói với nhau điều gì. Không khí trong nhà im ắng chỉ có mùi nhang trầm lan tỏa làm ấm lên phần nào trong lòng hai người. Sáng hôm sau bà ngồi trước thềm nhà kẹp lại cái nan rổ nghĩ ngợi đủ thứ chuyện. Bây giờ vì điều kiện công tác Tân không thể thường xuyên ở Hà Nội, bà cũng không nỡ bỏ nhà cửa mà đi theo anh, tuy thanh bạch nhưng bà sống gần hết đời người dưới mái ấm này, thuộc từng viên gạch lành vỡ trong sân. Nhất là cây thị ngoài cổng cứ đến hạ về là trái xum xuê thơm nức cả xóm. Bọn trẻ suốt ngày đến xin thị về đặt lên bàn thờ cho thơm cửa thơm nhà. Sân nhà bà mùa nào hương ấy. Đã có mấy người đến ngã giá cái nhà rất cao, nhưng bà không bán. Về tay người khác, người ta sẽ bỏ mái ngói vẩy cá để đổ bê tông rồi chặt cây thị xây thêm tầng, phá vườn để cơi nới mở hàng quán thì bà đau lòng lắm. Cái làng này mà mất đi những ngôi nhà thế này thì còn gì là Làng Bưởi. Tân đã hứa với bà sau này trở về Hà Nội cũng sẽ giữ nguyên ngôi nhà như vậy. Bây giờ Tân đã gần bốn muơi mà nhà cửa cứ trống vắng thế này mà không chịu lấy ai chỉ ưng mỗi cô Hà. Có lẽ chưa bao giờ bà từ chối Tân điều gì. Như việc khó khăn nhất là đồng ý cho Tân đi bộ đội bà còn quyết định được, nhưng bà không vượt qua được sự đàm tiếu của làng xóm rằng: "Cậu Tân đẹp trai, là đứa con duy nhất lại đi lấy nạ giòng". Cứ nghĩ vậy bà héo hắt cả ruột gan. Sau ngày giỗ ông Khương thỉnh thoảng Hà lại đến thăm bà. Quả là bà thấy Hà chắc nết, đảm đang nhưng bà không thể quyết định việc hôn nhân của con trai bà với Hà được.*
Phạm ngồi ghế hút gần hết điếu thuốc mà Tân vẫn chưa chịu ngồi cứ nhấp nhổm đi ra đi vào khiến Phạm nhăn nhó: - Thôi ông tướng, ngồi xuống đi nào. Cứ chóng cả mặt. - Nhưng Hà đánh điện báo là đi chuyến máy bay sáu giờ. Từ sân bay Nội Bài đến Liên Khương chừng hai tiếng thôi. Đã mười giờ rồi, trời thì mưa gió từ sáng. Tôi nóng ruột quá. Ông Cần bước nhanh vào phòng khách nói nhanh với hai người: - Này, hai cậu sang ngay nhà tớ có việc gấp. - Có việc gì vậy anh? – Tân chột dạ. - Hai cậu cứ sang đi, chờ tôi. Phạm đứng lên làu bàu: - Lệnh của giám đốc mà. - Anh thừa hiểu ông giám đốc này bình thường thì rất hiền, nhưng làm trái ý ông là sẽ chịu trận "nổ" của ông ngay. Anh hích vào người Tân: Thôi đi. - Cả hai lầm lũi đi được vài bước, Phạm lại hỏi ông Cần: Có được nhậu không anh? - Vẫn còn hũ rượu cần của huyện Lạc Dương cho từ hôm ăn tết Liboong đấy ông “bợm” nhậu ạ. Nhưng không phải lúc này đâu. Chờ Tân và Phạm đi khỏi, ông Cần chạy ra cổng ngoắt chiếc xe Jeep cách đó chừng chục mét đang đậu dưới gốc cây thông chờ "lệnh" ông. Chiếc xe từ từ quẹo vào sân dừng lại trước cửa nhà khách, ông Cần mở cửa xe đỡ bà Khương xuống rồi cùng người lái xe giúp mẹ con Hà đưa hành lý vào nhà. Ông pha trà rót nước mời bà Khương và Hà rồi xoa đầu cu Nghĩa nói: - Chắc bà, cô Hà và cháu Nghĩa lần đầu đi máy bay cũng mệt lắm? - Thấy bà Khương nhìn quanh vẻ tìm kiếm, ông nói tiếp - Bà và cô cứ ngồi uống nước và nghỉ ngơi cho đỡ mệt, cậu Tân sẽ về ngay đấy ạ. Còn Phạm và Tân ngồi chờ một lúc không thấy ông Cần về, Phạm lại làu bàu: - Thế này là thế nào? Hết ngồi chờ dài cổ ở phòng cậu, giờ lại ngồi vêu vao tại nhà giám đốc. Thôi đứng lên, ngồi đây làm gì nữa. - Phạm đùng đùng ra cửa thì đụng ngay vào ông Cần đang cười hớn hở bước vào vẫn giọng oang oang: - Cậu Tân về đi, tôi nghe có tiếng xe đậu trong sân nhà khách hình như khách của cậu tới rồi đấy. Tân đi như chạy về tới cửa phòng khách khi nhìn thấy mẹ, anh sững người như trời trồng rồi nhào vào lòng bà ngẹn ngào: - Mẹ… Sao mẹ lại đánh điện cho con báo là Hà lên ạ? Mẹ lên đây với con thế này là tốt quá rồi. Con nằm mơ cũng không thể thấy được mẹ ạ. Bà xoa lên đầu anh, một giọt nước mắt già nua rơi trên mái tóc đen dày của Tân, bà điềm tĩnh nói: - Con đứng lên đi, nàng Tấm đang đứng sau con kia kìa. Từ bên ngoài bỗng nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Ông Cần, Phạm và mấy người trong phòng hành chánh của Sở cùng mang thức ăn vào. Phòng khách náo nhiệt hẳn lên làm cho cu Nghĩa không biết chào ai trước ai sau. Cũng trong bữa tiếp khách vui vẻ ấm cúng này, Tân mới được ông Cần “bật mí” việc trong một chuyến đi công tác Hà Nội, ông đã ghé vào nhà Tân thăm mẹ anh trổ hết lý lẽ phải trái thuyết phục mẹ lên Lâm Đồng sống với anh và ủng hộ việc hôn nhân của Tân. Trong ngàn lời của ông Cần chuyện trò với bà Khương, bà nhớ nhất câu: "Gặp những người tốt thì phải biết ủng hộ cho nhau để cái tốt được nhân lên. Thế hệ chúng ta hy sinh gần hết cuộc đời cũng không ngoài mục đích cho thế hệ trẻ được hạnh phúc. Bà ạ, cậu Tân là người có khả năng phấn đấu tiến xa hơn nữa. Rất mong bà cùng chúng tôi giúp cậu ấy thành đạt”. Vị giám đốc của con trai bà đã đích thân tới nhà, từng lời, từng ý của ông như vàng ngọc khiến bà không thể không cám ơn và hứa sẽ chờ Hà đến bàn bạc rồi thu xếp nhà cửa và việc học hành của cu Nghĩa để cùng đi, bà còn nói nếu trên đó trồng được cây thị thì bà sẽ mang giống lên trồng cho đỡ nhớ Hà Nội. Ông Cần hứa sẽ giải quyết việc làm cho Hà và liên hệ cho cu Nghĩa ổn định học hành. Muốn tạo sự kiện bất ngờ với Tân, ông và bà Khương cùng đồng ý không cho Tân biết trước. Việc ông giám đốc đi hỏi vợ cho cán bộ cấp dưới của mình được truyền miệng khắp tỉnh. Ông chỉ cười mà rằng: - Tôi chỉ muốn cán bộ của tôi làm theo các cụ dạy an cư thì mới lạc nghiệp thôi mà.