Ông giáo Quỳ dạy cấp một, tính thương người, hay đọc sách từ nhỏ. Lớn lên, cha mẹ đi hỏi vợ cho, ông giáo Quì bảo:"Cô đừng lấy tôi rồi khổ một đời". Người kia bảo:"Khổ cũng lấy". Ông giáo Quỳ bảo:"Lấy tôi thì đừng sợ nghèo là một, đừng sợ nhục là hai, đừng ghen tuông là ba, phải trọng liêm sỉ là bốn". Người kia bảo:"Biết trọng liêm sỉ thì ba việc trước là thường". Hai vợ chồng lấy nhau ăn ở tâm đắc. Ông giáo Quỳ về sau bị đuổi việc vì dạy trẻ con không chịu dạy theo sách giáo khoa, cứ tục ngữ ca dao mà dạy. Một lần đi chấm thi ở Hải Phòng, thấy cô gái giang hồ đang bụng mang dạ chửa không có nơi sinh nở thì đưa về làm vợ hai, vợ cả cũng chẳng nói gì, còn cấp tiền cho để làm nhà riêng. Biết vợ hai phong tình, vẫn hay đi lại với nhiều người, ông giáo Quỳ cũng mặc, chỉ bảo:"Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế nào chứ đừng ngủ không". Cả làng cười, ông giáo Quỳ cũng mặc. Ông giáo Quỳ hay uống rượu, rượu vào thơ ra, có nhiều bài nghe cũng được. Ông giáo Quỳ ở nhà một mình, nằm võng đọc sách. Tôi và Quyên chào. Ông giáo Quỳ vội nhỏm dậy pha nước. Chúng tôi ngồi ở chõng tre dưới dàn thiên lý. Ông giáo hỏi Quyên:"Cô học đại học bên Mỹ thì lợi cho ai?". Quyên bảo:"Lợi cho cháu, cho gia đình, cho đất nước". Ông giáo Quỳ cười:"Ðừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc mình". Chúng tôi ngồi ăn khoai sọ chấm muối vừng. Ông giáo Quỳ cầm quyển sách nhét xuống chiếu. Quyên bảo:"Bác làm thế nát mất sách còn gì?". Ông giáo Quỳ cười:"Nát thì thôi. Ðọc sách để có tri thức. Có tri thức để sống đời mình có nghĩa". Nắng lọc qua dàn hoa rải những vệt nắng trên đất. Cả ông giáo Quỳ, cả Quyên, cả tôi đều cùng im lặng. Tôi muốn ra đồng. Quyên bảo:"Tôi về lần này, rất muốn có một ấn tượng đúng về đồng quê. Anh đi đâu cho tôi đi với". Tôi lưỡng lự. Ông giáo Quỳ cười:"Cô ấy là đàn bà, sao lại chối từ đàn bà được?". Chúng tôi chào ông Quỳ rồi ra đồng. Quyên bảo:"Cánh đồng rộng quá... Anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đâu không?". Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng Ðứng bên ni đồng mênh mông bát ngát Ðứng bên tê đồng bát ngát mênh mông. Tôi làm sao quên được nơi mẹ sinh tôi Mẹ đã buộc cuống rốn tôi bằng sợi chỉ Tắm gội cho tôi bằng nước ao đầm trước Tôi biết khóc cũng vô ích vì tất cả phải chờ đợi Phải chờ đợ từ tháng giêng đến tháng chạp Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà Tôi đi qua rất nhiều bờ ngang, bờ dọc lầm lạc Ði qua rất nhiều gian khó, thô tục Tôi phải gieo trồng, gặt hái trên cánh đồng này Phải thuộc tên nhiều loại sâu bọ Còn cánh đồng thì khi mưa, khi nắng Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu Rồi ngày kia (Cái ngày xung tháng hạn) Có một người đàn bà đến làm cho tôi đau Nàng dạy tôi thói bạc tình Bằng cách phản bội tôi như có thể phản bội một người thường Tôi lẳng lặng chôn nỗi căm ghét cuối cánh đồng. Trong mạch đất hiểm có hình lưỡi kiếm Những bông hoa mơ ước héo trên tay Công việc trở nên nặng nề hơn trước Tôi bán những sản vật làm ra với giá rẻ như bèo Ðã có những mùa thu hoạch lớn Tôi cũng đã phá sản đôi lần Khi chiều xuống, hoàng hôn tĩnh lặng Tôi không kịp xem những vết sẹo trên người Chỉ biết rằng tôi đã mang thương tích Ðêm Những vì sao thắp nến trên bầu trời Tôi đắp tấm vải liệm sực mùi đồng nội lên người Khi ấy, bạn ơi, bạn trẻ ơi Bạn hiểu cho tôi Tôi đã gắng làm cho cánh đồng phì nhiêu.Tôi dẫn Quyên đi qua cánh đồng màu. Quyên hỏi:"Giá nông phẩm quê anh năm nay tăng giảm thế nào?". Tôi bảo:"Tăng 0,4%". Quyên bảo:"Chết thật! Thế mà hàng công nghiệp tăng 2,2%. Thế giá phân bón thế nào?". Tôi bảo:"Ðạm tăng 1,6%, lân tăng 1,4%". Quyên hỏi:"Quê anh có dùng điện không?". Tôi bảo:"Không". Quyên bảo:"Giá điện tăng 2,2%". Khoảng 10 giờ sáng là khoảng thời gian đông người trên đồng, có nhiều phụ nữ, trẻ em. Họ là nguồn lao động chính. Ðàn ông quê tôi phiêu lưu, lại nhiều ảo tưởng, họ ôm ấp ước mơ làm giàu nên hay bỏ ra ngoài thành phố tìm việc, đi buôn bán. Cũng có người lặn lội vào tận miền trong đào vàng, đào hồng ngọc. Giàu có chẳng thấy đâu nhưng khi về làng, tính tình họ đổi khác, họ trở nên những con thú dữ độc. Chú Phụng là người như vậy.