cho những bữa rượu sân si
Cách đây không lâu, một lần tôi nhờ Tam đến nhà làm hộ bữa tiệc. Tam đi vượt biên từ miền Bắc, ngoài giọng nói phát âm nặng hơi của vùng núi đá vôi Ninh Bình, anh còn đem sang đất Pháp cả thuật nấu ăn kỳ diệu. Tài bếp núc của Tam không chỉ ngon ở miếng dồi tiết bầm sả, lúc đem nướng tỏa bốc thơm ngào ngạt, hay trong mơn mởn ở bát canh cải có ngâm gừng, nổi xanh non nõn từng cọng cải tươi che giấu miếng giò gà trắng mịn. Cái khéo của Tam là ở chỗ làm cho thức ăn trở nên thật bắt mắt, quyến rũ, lôi cuốn đến điên người. Quả tình có đứng ở bên cạnh, trông thấy anh làm bếp thì mới triệt thấu rõ hết những tài hoa điệu nghệ trổ vươn đâm ra từ mười ngón tay phù thủy của Tam không ngớt vung vẩy, múa may thoăn thoắt, lúc anh nhồi vào thân mực ống nào thịt bầm, nấm hương, hành tỏi xắt vụn trộn với miến. Xong món mực ống là Tam bắt đầu thái thịt. Cả một dẻo thịt bò cứ thế lụn dần rồi biến mất. Con dao to bản tôi mua ở chợ Sắt được dịp hoa vun vút. Trông xa Tam như người thuật sĩ đương múa kiếm. Chẳng vậy mà từ khi biết Tam, tôi vẫn thường có thói quen thích lượn lờ bên cạnh mỗi khi anh làm bếp, bởi tôi vốn có nhiều thiện cảm với món mực ống nhồi làm theo kiểu Hải Phòng, lẫn cảm mến đức tánh rất mực hiền hòa của Tam. Bữa đó, tôi nhớ có hỏi Tam: Vì sao anh hay làm các món ăn miền bể, mà ít khi chịu cho chúng tôi thưởng thức nghệ thuật bếp của quê hương anh? Ninh Bình chắc hẳn có nhiều món ngon vật lạ như trên khắp các miền đất nước? Hôm ấy tôi chỉ hỏi đùa, ai ngờ câu hỏi của tôi lại làm Tam mất hẳn sinh khí của một người đầu bếp đương hăng. Anh ngừng hẳn tay, thõng cho lưỡi dao hươi xuống đất, dáng vẻ của Tam giống dáng dấp của một người viết văn bỗng nhiên khựng lại vì bị ai hỏi xoáy vào tận cùng chốn tư duy giấu kín. Bản dao chênh chếch, lóe chút sắc kim lạnh phản chiếu lên mặt, xuất nắng hiu hiu của Paris đầu hè càng làm cho vẻ mặt Tam thêm tiềm ẩn. Tôi nhớ lúc ấy, ánh kim loại bật lên làm mặt anh như bị chẻ đôi. Mà là thứ vệt cắt từ trong ra ngoài. Cặp mắt Tam hấp háy, anh ngập ngừng chùi tay vào quần, rồi mới rút vội điếu thuốc tôi mời. Tam rít vài ngụm khói, trước khi phả ra ngoài cửa sổ. Lẫn trong màn khói làm như cũng có chất suy tư nặng sền sệt, dầy dặc len vào những bụi cây. Lần nào đến nhà tôi, hình như Tam cũng chỉ làm có ngần ấy cử chỉ: thái thịt, xắt hành, bầm sả, nhồi mực, đánh vẩy cá, pha tiết, rồi thở cho khói bay qua ô vuông cửa. Ðến lúc điếu thuốc cháy gần hết, anh mới quay lại, giọng buồn buồn: Ninh Bình quê anh nghèo lắm, chỉ có vôi và núi đá. Núi, Vôi, Ðất, Ðá là quê hương, nhưng những thứ đó không ăn được. Muốn ăn ngon thì phải đi xa, thật xa, càng xa bao nhiêu thì vật lạ của ngon càng nhiều chừng ấy. Ở đời thường có nhiều chuyện ngược ngạo, chính những kẻ nghèo khó, không may mắn, cơ cực ở đời lại là những người dám bán mạng vì miếng ăn, là những kẻ khó ăn, sành ăn, và thích ăn. Tam nói là anh ở trong số những con người ấy. Tam bỏ Ninh Bình ra Hải Phòng vì những lưới cá tươi, cách hấp cá, làm bún, rang cua, nhồi mực của những phu phen ven bến cảng. Hải Phòng thì có gì mà đẹp. Thô lậu bỏ cha! Tam chắc lưỡi mỉa. Chỉ được nước bạo phổi, bạo ăn, bạo đàn đúm, chẳng thế mà phát sinh ra điệu hát Ðúm Hải Phòng, tương tợ như hát quan họ Bắc Ninh, nhưng giản dị và bình dân, ít rườm rà, “nhộn” hơn nhiều. Nhưng cậu đừng tưởng bở là bọn Hải Phòng hiếu khách! Tam lên giọng bất chợt. Anh lấy cán dao gõ gõ đập đập vào mặt bàn như muốn nhấn mạnh, hù họa kẻ chưa bao giờ trông thấy miền Bắc là tôi. Hải Phòng là đất thảo khấu! Dân anh chị có, bọn buôn chui chém mướn có, đảng viên thoái hóa có, cán bộ nòng cốt đi đêm có, tàn dư phong kiến địa chủ tái sinh cũng có, tất cả mọi người hội tụ về chỗ điểm nóng ấy để giành nhau chút khoắng bể nhổ neo cho tàu rời nước. Kỳ quặc là ở chỗ đó. Ở miền Bắc sau này ăn là lẽ sống, được ăn nhiều, uống nhiều... thoải mái, tức là có thực thi dân chủ! Dĩ nhiên cái ngon ở Hải Phòng không thể nào sánh bằng miếng ngon Hà Nội. Bánh đúc, bánh tôm, cốm vòng, tiết canh vịt... từ thời Lý Công Uẩn cho tới đời Lê mạt ở Hà Nội thì vẫn tuyệt sắc. Nhưng ở Hà Nội, ăn giữa khung cảnh sừng sững của lịch sử, nhấm nháp bát bún chả mà cứ khổ não vì chung quanh chứng tích công đức của tiền nhân nhiều quá, công khó oai hùng ngày xưa nhiều quá, rực rỡ là thế mà thời đại mình thì cứ tàn lụi, tâm thần ray rứt thì còn bụng dạ đâu mà thưởng thức. Bốn bề tiền nhân, văn hóa bao đời, từ cái cổng Văn Miếu, đến ngôi đền Quan Thánh, tượng Trấn Võ... sao mà lắm! Của ngon có dâng đến miệng cũng chả nuốt được. Nghẹn! Phải nói là mình bị nghẹn!
Tam uống bia, lý giải cái phần tâm linh nhầu nát trong anh những ngày còn ở quê nhà. Cách kể chuyện, lối so đo của Tam có vẻ hơi cường điệu, giống lối kể chuyện của những người Bắc vào Nam sau năm 75, khiến tôi đâm ngờ ngợ, nghĩ là anh nói quá. Ăn ở đâu thì ăn. Cớ gì phải sợ hãi lịch sử? Ngày trước tôi vẫn thường hay ăn dồi chó bên hông Lăng Ông Bà Chiểu, mà có mặc cảm bao giờ đâu? Chừng như đoán ra được ý nghĩ trong đầu tôi, Tam chắc lưỡi: Cậu không tin thì cứ về du lịch nước mình một chuyến. Ra Hà Nội vào ăn chả cá ở quán Lã Vọng thì sẽ thấy, chan mắm tôm lên bún mà sao mùi mắm với mùi rau thì là cứ xông lên đến là bẽ bàng. Mỡ xối lên cá kêu xèo xèo cũng không đánh thức được những rạo rực trong bụng mình. Chỉ vì không khí, khung cảnh, con người, cuộc sống ở Hà Nội nó nhếch nhác thế nào, không giống ở Hải Phòng.
- Nhưng ở Hải Phòng thì khác ra sao?
Tôi nóng nảy, bộp chộp hỏi.
- Khác chứ!
Tam chìa ly cho tôi rót thêm bia. Những sóng bia vàng óng ánh, tưởng là sóng biển xanh ngoài vịnh Bắc Việt còn đọng trong mắt Tam lăn tăn. Khác lắm. Bát bún tàu xào cua bể ăn ở Hải Phòng không chỉ có nấm mèo, thịt cua, hành ngò, mà còn trộn lẫn mây trắng, ước mơ của thuyền bè đến từ biển lớn. Sau này Hải Phòng là trung tâm xuất khẩu người đi Hồng Kông. Ăn ở Hải Phòng, là ăn với tâm trạng nắm bắt được tương lai trước mắt. Bát miến cuối, ngày mai đời nở hoa! Mình sống với ý nghĩ không còn vướng bận, trách nhiệm gì với 4000 năm lịch sử đang vây kín chung quanh mình nữa. Thoải mái ăn, tự do ăn, hạnh phúc dân chủ mớm được tới nơi...! Tam cười ha hả, giọng Bắc đậm đà hào sảng. Cười đã đời rồi anh vụt im lặng, trở lại làm bếp, như thể anh chẳng còn liên quan gì đến câu chuyện nữa. Tam nhẫn nại thái da heo ngâm vào nước nóng, rồi giã gừng lấy tinh chất, chế vào thau nước lạnh, cho thêm rượu trắng, thả bóng bóp nhẹ... Không trông thấy mặt, song tôi biết anh xúc động lắm, bởi cử chỉ Tam không còn nhịp nhàng, đứt quãng, như anh phải thừ người suy nghĩ để nhớ ra mình đang làm gì. Chén rượu trắng pha nước lã trong tay Tam cứ chao nghiêng ngả như chỉ chực đổ. Cách “hãm”, lối kềm chế những tình cảm vui buồn, thất vọng, khổ não, bất ngờ dậy dâng trong lòng Tam khiến tôi cũng buồn lây. Những thống khoái, há hê, tin tưởng vào cuộc đời ở những con người như Tam, sang đến trại Cấm Hồng Kông bỗng nhiên bị đập vỡ, đập vụn, tan thành từng mảnh. Có là con vật cũng phải chua xót.
Bữa tiệc chiều đó, tôi ăn không ngon, nuốt không vui. Miếng rượu cay cất mười hai năm trong chai đục, nút có đóng sáp, mua với giá một ngày lương mà rót vô miệng vẫn thấy đắng.
°
Hình như tôi có duyên với Tam. Tuổi rượu tôi thua tuổi rượu anh, thế giới của tôi khác xa thế giới của anh, tôi sinh trưởng trong một gia đình tiểu tư sản thành thị miền Nam, không biết thế nào là đói, khổ, là oằn oại nhão người. Song giữa tôi và Tam hình như còn có một cái gì khác, phải lâu lắm sau này tôi mới nhận ra trong anh là cái phần thằng người miền Bắc trong tôi không được sống. Nó ở đó. Chờ đợi. Câm nín và chờ đợi. Nhưng chờ đợi điều gì? Bao nhiêu đêm tôi thức trắng tự hỏi? Tôi cần gì? Kiếm gì? Và tìm gì ở cái đất nước này? Ðất nước ba trăm sáu mươi lăm ngày thuế má. Ðất nước đi rửa chén cũng phải có bằng. Ðất nước ăn ngủ mối tình đầu không thấy người yêu nhỏ giọt nước mắt khóc cho phần trinh tiết đánh mất.
Một lần khác, tôi rủ Tam đi dạo phố. Phố xá ở đây thì chỉ có hàng quán. Sang ra khu Khải Hoàn Môn, nghèo lầm lũi trong những con đường hầm ngun ngút mắt. Không có thành phố nào tồi tệ, sống chui rúc dưới đất bằng Paris. Mồ hôi, thuốc lá, son phấn, bọ rận chen chúc nhau trong những toa tàu cáu bẩn. Bên trên sự cáu bẩn đó là quán Fouquet. Trời mùa hè, nắng phơi bên trên những tàng dù lấp phấp. Tam gọi một ly đế William Bon Père. Tôi kêu hai chope bia vàng ngậy. Lúc tôi uống hết chope thứ nhất, một tên Ả Rập đi ngang, giọng hát nghìn lẻ một đêm vang từ máy cassette trên vai hắn đong đưa rên rỉ thiểu não chảy vào giữa dòng người cuồn cuộn khắp mặt lộ. Tiếng hát Ả Rập nghe trước quán Fouquet, đối diện tiệm nhảy Lido tương phản đến lạ lùng. Tôi có cảm tưởng phải nghe cải lương trong Caféteria Rex. Song Tam lại tỏ vẻ thích thú. Anh bảo tôi thằng này khá đấy. Ngày xưa có lần đi Tunisie, dẫm chân vào khu sa mạc cát vàng, tôi cũng có lần bắt gặp thứ âm thanh nỉ non, rung nhiều ở đầu lưỡi, và “láy” bằng cổ họng vang vang trên mặt đất. Quả tình, chỉ có trên sa mạc, nhạc Ả Rập mới cất hết sức chuyên chở kỳ bí của nó. Âm thanh cứ kéo dài ra mãi. Nhạc Ả Rập lạ ở giọng ngân, một thứ ngân gần như khốn khổ đứt hơi, mà cứ phải ngân hoài hủy. Chuyến autocar bỏ chúng tôi xuống bách bộ, chỉ có một máy transitor nhỏ của người tài xế mà tiếng ngân như đi suốt sa mạc. Ði hết cả một nền trời đỏ cát lừng lững nắng. Có tiếng nhạc mắc võng trên đầu những trụ điện tồi tàn của Tunis, luồn lách trong chợ Souk, băng ngang cổng đền cấm đàn bà, và bám trên những mảng thịt cừu đỏ tươi treo bằng móc đen đặc ruồi bu, thì mới thấy hết cái hay của nhạc. Nhưng ở đây, trong khu Khải Hoàn Môn sang trọng, âm thanh trở nên lạc lõng kỳ dị, gần như một thứ quái thai. Vậy mà Tam lại bảo khá! Tôi nhìn Tam không mấy hiểu. Tam chiêu một hơi đế, hỏi ngược:
- Cậu có dám vác máy ra đây phát nhạc hồ quảng, cải lương không?
- Anh khùng à! Tây nó cười cho.
- Thế thì cậu thua thằng Ả Rập rồi. Niềm tự hào dân tộc của hắn mạnh hơn cậu.
- Tự hào không đúng chỗ!
- Ừ, đúng. Tự hào không đúng chỗ. Nhưng vẫn cứ là tự hào.
Tam uống cạn ly đế. Không nói gì nữa. Như đã rời xa, trở về đất nước. Cái con người ham sống, thích ăn, thích uống ở anh như biến đâu mất. Cả cái kẻ làm bếp tài hoa sống động cũng không còn ngồi đó nữa. Tam có lẽ đã trở về với những khoảng sân thượng chìm trong màu lam đục của buổi chiều tắt nắng Hà Nội. Tam có đôi mắt mệt mỏi, khuôn mặt mang nhiều vết tích cuộc đời, ở nhân dáng anh hình như chỉ đội chiếc mũ phở là hợp nhất. Mà Tam có lẽ cũng chỉ hợp với vị trí anh hàng phở, tự hào về nồi nước gia truyền, về thế đứng chỗ đậu của chiếc xe kéo thơm lừng nước dùng. Nếu lùi được nửa thế kỷ, Tam sẽ là anh hàng phở Sức. Chậm nửa thế kỷ, anh ngồi đây, dưới chân Khải Hoàn Môn vĩ đại, nhưng vô dụng. Ngồi quán chán, tôi với Tam về nhà. Nắng sắp tắt, còn phải lo bữa chiều.
°
Tam mở chạn bếp, lấy vỉ sắt, bật ga cho nóng rồi mới thảy một chân giò heo lên trên. Ðùi heo săn ngay lại, bắt đầu đen cháy. Bao giờ mùi thịt nướng cũng khơi dậy hình ảnh trong trí óc tôi. Miếng dồi chó tím lợt, hay miếng chả nướng bằng than tàu đỏ rực chảy nhễu mỡ ròng ròng cứ ám ảnh đeo đuổi tôi hoài. Tôi mở tủ tìm rượu. Bản nhạc Ả Rập lúc nãy đã tan mất, chỉ còn mùi vị quê hương thơm lừng ngầy ngậy giữa gian bếp. Tam vừa giã giềng, trộn với yaourt thay mẻ, vừa kể chuyện những năm sống dưới thảm bom B-52, chỉ có thịt cầy là bán chạy nhất. Hình như ai cũng sợ chết trước khi kịp thưởng thức. Anh đương dở tay, nên nhờ tôi trở thịt. Cả một mảng đùi heo đen rắn bốc ngào ngạt. Tam nhấp một ngụm Rhum, khà trong tiếng reo:
- Úi chà! Cái thằng Rhum này tuyệt! Hắn là cái thằng hay gắt gỏng, mà chịu nằm yên trôi lừ lừ qua cổ họng mình thì khá! Năm nào?
- Một chín bảy tám.
Tam ngửng vội nhìn tôi, vẻ mặt anh có nét sửng sờ. Tam nhấp thêm ngụm nữa rồi sang sảng kể: Năm bảy tám cậu ở đâu? Ngoài Bắc chuẩn bị chiến tranh chống Bá Quyền, mình hùng hục đào hầm ở biên giới, ai ngờ bên này có thằng nấu ruợu vô chai đợi mình sẵn... kỳ diệu! Quả thật đúng là kỳ diệu. Năm bảy tám gia đình tôi bị đánh tư sản, kiểm kê từ cây đinh đến con ốc. Thuế siêu ngạch, nghĩa vụ quân sự rình rập. Mối tình đầu tan vỡ. Bằng phổ thông cấp ba hụt thi. Trốn chui trốn nhủi sau những cồn cát Phan Thiết đợi đi chui... Chai Rhum vơi bén đi quá nửa. Chết thì thôi, nhưng sống phải uống cho bằng hết cái thứ nước kỳ diệu này. Có chất đốt, tôi với Tam thi nhau nổ chuyện. Tam kể ở Hà Nội có thứ rượu sen cất ven hồ Tây, trời chiều mưa lạnh uống vào nóng ran mình mẩy, mà hương sen còn đọng ở đầu lưỡi. Tôi không chịu kém, kể ở Củ Chi có thứ rượu hạ thổ chỉ mới ngửi qua đã nóng bừng mặt. Tam cười ha hả, bảo cậu rời Việt Nam còn thơm sữa biết thế quái nào là hạ thổ! Sợ nhà thổ cậu cũng chưa biết?
- Ừ thì biết qua sách vỡ.
Tôi cứng lưỡi, chống chế. Tam càng cười lớn. Giọng cười của anh tôi để ý bình sinh ròn rã, chỉ có những lúc tuyệt vọng thì nghẽn như cái kèn đồng bị đổ nước.
- Này, bắn đi.
Cái kèn đồng chiều nay trơn tru, với tay lấy gói thuốc lào ba số 1, nhãn đề bán ở cửa hiệu Lý Thái Tổ, vo, se nhồi rồi đưa tôi đốt. Tôi bắt chước Tam tập hút từ hơn một năm nay. Từ khi “chạm” thuốc ta, tôi đâm mê mẩn, hút thuốc điếu không còn thấy ngon. Ðóm thuốc xòe lên, ngọn lửa vừa tắt thì gót chân tôi cũng tê rần. Trong cái bải hoải rã rời của tứ chi, mạch máu nở ra, tôi loáng thoáng nghe tiếng ríu rít như chim hót từ chiếc điếu cày trên tay Tam. Tiếng kêu của điếu cày nghe thật hay, khi buồn nghe như giọng thút thít của người con gái nức nở đêm tân hôn tấm tức khóc cho mối tình đầu, lúc vui vẻ nghe như con gà trống gân cổ gáy, khi giận thì chẳng khác mấy mụ nạ dòng đang rít qua kẽ răng. Thuốc lào không chỉ là thuốc, mà là cả một nền văn minh! Tam mạnh mẽ phát biểu trong lúc tôi lờ đờ. Bao nhiêu sáng tạo, thử thách, kinh qua để rồi mới chiêm nghiệm phải châm bằng đóm mới ngon. Ðốt thuóc lào bằng quẹt ga thì hỏng. Bằng diêm quẹt cũng hỏng nốt. Châm bằng Zippo thì chẳng khác mọi rợ mán mường. Ðem thuốc ngoại, thuốc tẩu mà nhồi thì hút không thấy hơi, bã bèn bẹt chả ra đâu vào đâu. Bởi thuốc lào sấy nắng, bao nhiêu gio’ sương nắng nôi của đất nước làm thành.
- Cậu ếm cả nắng gió quê nhà vào buồng phổi thì thấy, không có cái say nào bằng say quê hương!
Tam thở khói. Tôi gật đầu, còn lơ đãng trên những cánh đồng ruộng lúa ở nơi đâu, chưa đứng dậy được. Tam đã giở đùi heo đem xuống cạo, chặt thái hình quân cờ, rồi bóp riềng mẻ mắm tôm. Nồi thịt tím ngắt hoa cà. Cậu đem hầm đi, mình chuẩn bị thức ăn chơi. Tam rửa tay, lại sục vào chạn bát. Tôi lễ mễ bưng nồi thịt đặt lên bếp, lửa ga phừng phừng đến nóng mặt. Mười đầu ngón chân tôi hãy còn tê. Chỉ có một chút khói quê hương sao mà say.
Cái bàn sắt tôi với Tam khệ nệ khiêng ra sân sau. Ðêm hè gió mát rượi làm khô những giọt mồ hôi chỉ mới rịn trên da vụt tan ngay. Tôi đi đốt đèn dầu, không phải cúp điện, nhưng tôi với Tam vẫn ưa thứ ánh sáng tù mù vàng võ bâng khuâng, cháy èo uột của những đêm mưa, hay những đêm ngoại ô bắc ghế đẩu ngồi tán chuyện. Ánh đèn Hoa Kỳ hắt loang xuống thềm. Tôi khui rượu. Tam bày hai đĩa tiết mới đánh. Không có tiết vịt, đành đánh tiết heo. Tiết heo bán đong chai, một lít pha được không biết bao nhiêu đĩa. Tôi vắt chanh, ngắt rau thơm, cắn một miếng mề, nhai một quả ớt, rồi nhấm thêm một mẩu gan, bao nhiêu chất ngọt của tiết hòa vào mạch máu mát mẻ đến sảng khoái. Tôi rót rượu liền tay. Chiếc bóng của Tam ngả hẳng người ra bàn, mặt anh ửng đỏ trông như mặt Quan Công về hưu. Tam bắt đầu ngà. Ở Hà Nội lạ lắm. Mai mốt cậu về chơi sẽ thấy. Có những ngôi nhà cũ không tưởng tượng, rêu ẩm bám đen từ mặt trong ra mặt ngoài. Ngủ đêm cứ rờn rợn. Miền Nam mới quá, không dấu ấn của lịch sử. Nhưng ở Hà Nội, lắm lúc lịch sử cứ sờ sờ ra đó, bình thường mình không để ý, nhưng đêm nằm có lúc thảng thốt chợt nhận ra đầu ngõ là chỗ Chiêu Thống đón Tôn Sĩ Nghị chứ đâu xa, có khi cả cái nhà mình cũng là nhà của Nguyễn Hữu Chỉnh lúc trước. Nằm cứ toát mồ hôi. Mới hôm qua chứ bao lâu! Cái đất Thăng Long lạ. Ði xa như Nguyễn Hữu Chỉnh rồi cũng phải về chết ở đó. Mà chết tan xương nát thịt mới đau.
- Nguyễn Huệ không biết dùng người! Tự chặt tay chân mình thì sống với ai?
Tôi vét nốt đĩa tiết, tự nhiên thấy mình nóng nẩy vô lý. Tam đang đơm bún vào bát, ngắt rau húng, chan xâm xấp giả cầy, ngửng nhìn tôi ngạc nhiên:
- Ai bảo cậu thế?
- Chẳng ai bảo, nhưng thảm kịch của đất nước là từ khi Nguyễn Huệ tự ý đại cử Bắc phạt đấy thôi? Nồi da xáo thịt tự đó mà ra.
Không phải!
Tam đập mạnh ly xuống mặt bàn, rượu sánh cả ra ngoài. Những vũng rượu vang đỏ thẫm. Tôi cũng biết rượu vào lời ra nhưng không ngờ Tam cáu kỉnh đến thế. Anh nhai ớt rồn rột:
- Bi kịch của đất nước này xãy ra ở làng Hạ Lôi, cậu biết chưa? Cái làng ấy có tay Lý Trần Quán làm Thiêm Sai, lúc Chúa Trịnh chết thì tự chôn mình, chết ngu xuẩn thế mà người đời cứ xem như bậc nghĩa khí!
- Trung thế thôi anh còn đòi?
Tôi cắn một miếng riềng, nhất quyết không chịu thua. Gì chứ chuyện lịch sử, tôi thuộc làu làu, lúc còn đi học trả bài bao giờ cũng được điểm cao. Trời sụp tối hẳn. Cái bàn sắt của hai chúng tôi nhô ra vườn trông như boong tàu thắp sáng lênh đênh trôi dập dềnh ngoài đêm. Mà chúng tôi cũng lênh đênh dập dềnh thật. Mấy tàng lá xum xuê trên đầu cứ ngả nghiêng chờn vờn, lất phất đong đưa như chỉ chực rớt xuống bàn. Bữa rượu đã lên tới tột đỉnh. Tam ném vỏ chai vào một góc vườn, khật khưỡng khui thêm chai nữa. Nắm tay anh xoay theo cái vặn quả quyết:
- Trung với ai, chứ với cái nhà chúa Trịnh thì mình ngờ lắm!
Bọn viết sử khen chê không đúng chỗ! Sao không nhắc cái công tôn phò nhà Lê hai trăm năm? Bằng chứng: Chúa vong thì Lê mạt!
-Ừ thì Lê mạt. Nhưng Hiển Tông, Chiêu Thống là cái gì? Nhà Tây Sơn mới là cuộc cách mạng đích thực! Tay Lý Trần Quán đổ tiến sĩ nhé. Mẹ chết thì ở nhà mồ ba năm, không ăn thịt cá? Hắn làm thế để làm gì? Sao không ra giúp Nguyễn Huệ lại tự chôn sống mình? Làm màu à? Thảm kịch của đất nước là bởi bọn “trung trinh tiết tháo” kiểu ấy. Cho ăn học phí đi! Hai trăm năm rồi mà ở Hà Nội lẫn Saigon cứ còn đường Lý Trần Quán, người ta theo tấm gương ấy đến độ đất nước lụn bại!
Tam nói một hơi. Chất rượu trong người anh bốc ra như giông gió. Tôi cũng say lắm, miệng lúng búng bún lẫn giả cầy. Vài miếng măng thái, ít củ chuối, hai ba miếng da lợn cháy vàng nổi lên mặt bát. Tôi và cho hết chén, làm cạn ly rượu, rồi phản pháo:
- Thiết tha, trăn trở cho bi kịch đất nước, thế sao anh còn qua đây làm gì?
Sắc màu hồng đỏ au trên da mặt Tam vụt trở nên xám lại. Tôi chỉ hỏi câu châm biếm, ai ngờ, ai ngờ cả thân mình anh cứng lại. Vai Tam nhô lên cao lắm, như thể anh muốn rụt đầu trốn tránh. Trông anh như bức tượng tội nghiệp hôm nào, và cái vệt cắt trên da mặt – cái vết chém từ bên trong – Tôi đã trong thấy một lần ở sau bếp khi hỏi Tam về trại Cấm Hồng Kông, cái vệt chém đó như bất ngờ mọc ra trở lại, năm ngón tay Tam cũng cứng lại làm rơi đôi đũa. Tam ngồi bất động, như trớ lưỡi, tròng mắt anh vừa ngượng nghịu, nửa xấu hổ, nửa giận hờn tại sao tôi lại hỏi như vậy? Vẻ mặt Tam lúc đó tôi không quên được, song tôi không dám ngó anh lâu, không khí đang hăng của bữa tiệc bỗng chùng hẳn xuống. Tam bất chợt cười ngúc ngắc, tiếng cuời như khóc của cái loa kèn nghẽn nước.
- Qua thì sao? Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng lưu vong mà?
- Các cụ có làm được gì đâu?
Tam im lặng. Biết anh không muốn trả lời, tôi lảng chuyện bằng cách rót thêm rượu vào ly. Tam nạp liên tục như muốn khỏa lấp. Một, hai, ba, rồi bốn, năm ly, chẳng mấy chốc anh đổ kềnh ra ghế.
Tam “lật” rồi tôi mới thấy mình lạc lõng. Khu vườn rộng hẳn, dài mênh mông gấp bội. Một đống vỏ chai, thau bún rỗng, nồi giả cầy cạn, nhưng còn rượu. Giá tôi đừng hỏi điều ấy, chắc bữa rượu hãy còn vui. Lần đầu, tôi trông thấy tận mắt đau khổ của một kiếp người. Tôi khui hết những chai rượu còn sót. Uống một mình. Từ năm 78, tôi đã uống hết bao nhiêu chai rồi?
Trần Vũ

Xem Tiếp: ----