Quê em có cây Bơ Khao. Người dân ở đây gọi cây Bơ Khao là cây Lá trắng. Sở dĩ cây có tên như vậy vì hoa của nó là mang hình năm chiếc lá xoè, màu nuột nà trắng nõn như sắn mới bóc vỏ. Đây là loài cây lạ và đẹp của rừng. Nó thuộc loài thực vật tầng thấp, mảnh mai, mọc chen giữa muôn vàn cây lá khác. Độc đáo nhất là của cây là hoa.
Bố bảo:
- Đặt tên nó là Bơ Khao. Con gái mang tên ấy là đẹp nhất đấy.
Mẹ ao ước:
- Hoa rừng thôi. Quý nhất của đứa tóc dài là sự trinh trắng.
Bơ Khao lớn lên trong niềm vui, niềm mong của bố mẹ. Mười ba tuổi ngực em đã biết đội vải nhô lên. Mười bốn tuổi trông thấy con trai không dám nhìn thẳng. Mười lăm, mười sáu tuổi trong giấc ngủ của mình thỉnh thoảng Bơ Khao lại mơ thấy người khác giới.
Bố giao hẹn:
- Học hết cấp 2 sẽ gả chồng cho Bơ Khao. Yêu đứa nào lấy đứa ấy. Trong bản càng tốt. Ngoài bản cũng được. Chồng bây giờ khác chồng ngày xưa. Nó phải có chữ.
Mẹ cười, nói nhỏ:
- Trước tiên phải là đàn ông đã chứ!
Bố hà hà, nói to:
- Cái đó nhất định rồi. Không có nó bà làm sao có Bơ Khao bây giờ nào?
Học hết cấp 2 Bơ Khao lên tỉnh học làm cô giáo. Ra trường, cô về dạy các em lớp một. Đầu năm đón trẻ vào lớp, cuối năm cô giáo cưới chồng. Anh rể không ai khác ngoài cái thầy giáo dưới xuôi làm chủ nhiệm khi Bơ Khao học lớp bảy.
Năm ấy sau khi tốt nghiệp thầy bảo em:
- Quê tôi có cây Trạng Nguyên, hoa nó cũng như lá nhưng màu đỏ.
- Có giống cây Lá trắng quê em không?
- Giống mà lại không giống!
- Thầy nói thẳng như cây tre, cây mai xem nào?
- Tôi muốn mang cây Trạng Nguyên lên trồng bên cạnh cây Bơ Khao được không?
Bơ Khao tự nhiên đỏ mặt. Em khúc khích cười rồi bỏ chạy. Nước suối ùa ra cản bước chân. Sang tới bờ bên kia, Bơ Khao hoa hoa tay trong gió:
- Chờ em đi học làm cô giáo về đã.
Cái thầy giáo dưới xuôi nghển mặt nhìn người con gái núi rồi bất ngờ nhảy ùm xuống chỗ nước sâu ngụp lặn, vùng vẫy và hét lên:
- Trời ơi, sướng quá! Sướng quá…
Nỗi mừng thốt lên thành lời bởi vì cả vùng núi chập chùng này không ai đẹp như Bơ Khao, ngoan như Bơ Khao.
Ngày cưới của hai người bố mẹ quay con lợn thật to chiêu đãi cả bản.
Già làng nâng chén rượu ngang mày nói:
- Cây Trạng Nguyên cũng đẹp như cây Bơ Khao. Bản mình bây giờ có thêm cây lá đỏ mọc cạnh cây lá trắng. Hai đứa là hoa thơm cả, mừng trong lòng lắm!
Trai bản thì thào, thán phục:
- Nó làm chồng con Bơ Khao là đúng thôi. Là trai xuôi mà nó như cây lim, cây nghiến trên rừng mình ấy. Bơ Khao về làm dâu dưới biển cho bằng chị bằng em cũng phải thôi. Gái bản có thầy giáo làm chồng cột nhà sàn cũng chẳng chắc bằng.
Thầy giáo chàng rể khoanh tay trước ngực thưa khắp người già, người trẻ đến dự cưới:
- Tôi xin hứa làm cái gậy chống nhà cho người già leo dốc, làm cái đường rộng đi cùng trai gái bản, làm vách gỗ, mái nhà cho Bơ Khao ở.
- Hoan hô cây Trạng Nguyên, hoan hô thầy giáo!
Tiếng chạm chén như cùng một lúc vang lên. Trai gái bản đốt một đống lửa to trước nhà mừng dâu mới, rể mới. Củi núi đá chắc nịch nên lửa rực vàng và than đỏ đượm. Thầy giáo và Hoa lá trắng ngồi trước vầng ấm của than củi và vòng ấm của hơi người. Lời hát tình nghĩa vương vít lòng nhau đêm hợp hôn:
Tay trái gặp tay phải
Lòng đặt lên lòng
Em là lúa xanh thung
Anh là nước mát ruộng
Thương nhau ăn trái đắng không thấy đắng
Yêu nhau cỏ nên gỗ, sắt nên vàng
Gái ngoan chắp cánh cho chồng
Trai khôn se sợi cho vợ dệt vải…
Vợ chồng thầy giáo lấy nhau năm trước năm sau đã đẻ con trai. Ông nội, bà nội viết thư lên dặn con đặt tên cháu là Hỉ. Trong thư, ông bố giỏi chữ Nho của thầy giáo viết: "Hỉ là vui. Đại hỉ là vui lớn, vui nhiều. Anh là trai làng mà lấy được tiên núi khác nào cái rậm, cái đó đồng chiêm được đặt nơi mặt sàn gỗ lát…". Ông ngoại, bà ngoại càng thấy phải lẽ hơn khi xách đôi gà béo mập đến trường cho con gái tẩm bổ.
Hôm cưới họ, bố mẹ Bơ Khao có vẻ không vừa lòng về chuyện con gái ở hẳn bên chồng. Theo tục lệ bản, khi nào cô dâu có con mới được chuyển. Việc xưa nay vẫn vậy. Còn trước đó là bố mẹ đâu con gái đấy.
Bơ Khao thưa với bố mẹ:
- Chồng con người dưới xuôi nên thuyền theo lái gái theo chồng. Cưới nhau rồi còn ở lại nhà mình bên trai người ta cười cho.
Mẹ Bơ Khao thở dài:
- Rút lửa sớm thế làm sao cơm chín được hở con?
Bố Bơ Khao vẫn lối hà hà quen thuộc, nói to:
- Không lo. Có gạo là có cơm thôi.
Hôm sinh con trai, Bơ Khao nói với chồng:
- Lấy vợ ngày nào có con ngày ấy, anh sướng hơn trai bản em nhiều.
Chồng Bơ Khao gãi đầu cười trừ, chống chế:
- Thế mới đúng là chồng xuôi, vợ ngược chứ. Có thằng Hỉ rồi mấy năm nữa em sẽ sinh cho anh thêm cái hĩm nữa. Mẹ là Hoa con sẽ là Ngân. Trai Hỉ gái Ngân đẹp như vế đối. Mình sẽ nuôi con nên người. Gì trên đời này bằng lắm gạo nhiều tiền hả em?
Bơ Khao thấy yêu chồng hơn. Rồi cầu được, ước thấy. Mấy năm sau Ngân ra đời. Bé gái mũm mĩm ba cân mốt. Nhưng vui vừa lọt cửa nỗi lo đã lấp ló sau bếp. Bơ Khao thiếu sữa. Thời buổi tem phiếu mua cho vợ được đôi ba hộp sữa ngoài thật bở hơi tai. Tiền lương không đủ lo cho vợ và hai con, thầy giáo phải tranh thủ ngày chủ nhật lên rừng kiếm củi mang xuống chợ bán. Gặp phụ huynh học sinh đi chợ, thầy giáo phải giấu mặt sau đống củi hoặc lảng đi chỗ khác.
Lão bán vịt quay ở chợ, mặt mập ú như củ đậu vỗ vai thầy giáo nói:
- Giá chữ mà mua được tôi sẽ bỏ tiền ra trả thầy giáo để thầy giáo đỡ khổ.
- Cảm ơn ông! Việc nào cũng là việc ạ!.
- Biết vậy nhưng để thầy phải đi bán củi tôi thấy nó làm sao ấy.
Lão vịt quay tuy không nhiều chữ nhưng tốt nghĩa. Không tháng nào là lão không mua cho thầy giáo đôi ba gánh củi. Giá cả thì tuỳ người bán.
Rồi mọi chuyện cũng qua. Lấy vợ rồi có con, cái nọ ló cái kia thầy giáo mới ngấm câu ông bà dạy: Có thực mới vực được đạo. Chữ nghĩa đã quý nhưng hộp sữa cho con có lúc còn quý hơn.
Bố vợ bảo con rể:
- Anh giáo trồng thêm ít ngô trên nương lấy tiền mua gạo mới cho con ăn.
- Dạ…
Tay viết bảng giờ cầm thêm cuốc. Cái cuốc là cán gỗ bổ nhát nào xuống đất phổng da, dát thịt nhát ấy. Thấy cảnh chồng vất vả, Bơ Khao than thở:
- Mái bếp không có ngô treo, cầu thang dẫu đẹp mấy cũng chẳng muốn bước.
- Ai cũng như mình cả. Ta đói không để con đói là được. Bố mẹ khổ là cho con sung sướng.
- Ai cũng muốn thế nhưng rồi chả biết có ai làm được. Lúc mới yêu thầy giáo, mới lấy thầy giáo em thấy cái gì cũng hay, cái gì cũng đẹp.
Bơ Khao thật hồn nhiên. Vợ càng vô tư bao nhiêu thì chồng càng nhầu nhĩ bấy nhiêu. Tình yêu là vậy. Trách làm sao được những điều trong sáng ấy. Vợ vì mình mà sinh con đẻ cái, mà hao tâm tổn sắc. Mình là trai, sức dài, vai rộng để vợ con phải khổ là có tội. Đấng trượng phu đừng nên như ngọn sậy chờ gió bên bờ sông. Đá mềm chân cứng. Đừng chờ may rủi. Cứ nếm mật nằm gai mà đợi cơ hội. Có chữ mà phải nghèo là hèn.
Chồng bảo vợ:
- Chẳng thể khổ mãi được em ạ. Anh tin là như thế. Con người sinh ra vốn thực tế nhiều hơn mơ mộng. Chả ai bảo bát cơm trắng không ngon hơn củ sắn luộc. Rồi em xem…
Bơ Khao nói khích chồng:
- Anh có làm nhà trên ngọn cây không thế?
- Người ta đi tàu lên cả cung trăng rồi em không biết à. Ta sẽ tìm cách đổi đời cho các con.
- Người ta khác mình khác.
- Ai cũng một cái giống người cả thôi.
Vợ chồng đã rơi vào tranh luận. Bơ Khao ít chữ hơn chồng không dám nói tiếp.
Rồi cơ hội cũng đến. Cuộc sống mở rộng cửa cho mọi người đua tài. Đâu đâu cũng thị trường. Người tự do dễ xoay xở hơn người trong biên chế. Đồng lương thầy giáo, cô giáo của vợ chồng thầy giáo cả tháng không bằng tiền lãi chợ của người ta một ngày.
Chồng bảo vợ:
- Vô lý thật. Cả đời mình cung cúc mà lương không bằng bữa ăn trưa của họ.
Vợ như giãi bày:
- So làm sao với kẻ sức dài, vai rộng!
Chồng nhướn mắt nhìn vợ:
- Tôi thế này cũng chưa hẳn đã thanh lý đâu.
- Thời của chúng mình đã qua rồi mà anh.
Chồng lắc đầu trước câu nói ngán ngẩm của vợ:
- Rồi em xem!
Cũng chỉ ít lâu sau vợ chồng Bơ Khao đã xin về nghỉ một cục. Họ có số tiền kha khá. Anh thầy giáo hưu sớm về quê huy động vốn của cả nhà để làm ăn lớn.
Ông bố đẻ lo lắng nói:
- Anh tính kỹ chưa?
- Bố yên tâm. Có kỹ con mới xin về một cục chứ. Ông yên tâm, con trai ông đã có sạn trong đầu rồi.
- Bố vẫn lo. Đồng tiền quý thật nhưng nó bạc lắm con ạ!
Người con đối chữ lại với bố:
- Bố cứ tin ở con. Con sẽ biến chữ bạc thành chữ vàng. Người ta làm được lẽ nào mình không làm được. Con trai bố có phải là thằng dốt đâu mà bố sợ.
Bố mẹ bán cả trâu cả ruộng cho con làm vốn. Thương con nghèo nhưng có chí nên chẳng ai nỡ cản ngăn. Ông bà nội đã vậy ông bà ngoại cũng không kém. Có điều lời nói của họ bộc trực, chân chất hơn:
- Phải đấy. Chẳng khổ gì bằng khổ, chẳng gì sướng bằng sướng. Có tiền là có gạo, có thịt. Từ đời xưa đến nay ai chả lấy điều no ấm làm đầu.
Vợ chồng Bơ Khao đi buôn. Con cái để lại nhà tự trông nhau. Bố mẹ chúng nay lên vùng biên mai xuôi Hà Nội, kia đi Hàn Quốc… Có lần họ đi suốt dọc từ Bắc vào Nam. Những ngày đầu mặt ai cũng rạc đi vì mưa nắng, gió bụi. Vì tiền nên phải đa mang nên vất vả đến mấy cũng chả ngại…
Chồng bảo vợ:
- Có khổ là có sướng em ạ!
Bơ Khao thì ríu rít:
- Nhiều lúc ngồi đếm tiền mà em cứ như nằm mơ ấy!
Sau mỗi chuyến đi đổ hàng về, trông thấy con là vợ chồng thầy giáo hưu sớm mới chợt nhớ ra việc dạy dỗ của mình.
Bố hỏi con trai:
- Mày học hành thế nào con?
- Được lắm bố ạ! Thày khen, cô khen lại còn hỏi thăm bố mẹ nữa!
- Hỏi thăm là đúng thôi! Bố mẹ không có mặt đã có cái khác thay mặt. Hai anh em ở nhà ngoan ngoãn bảo nhau. Thiếu cái gì nói với mẹ. Phải thương em, đừng có bắt nạt em đấy nhé! Hai anh em cố lên. Có gì đã có bố mẹ!
- Con cưng em nhất nhà đấy. Còn học, bố yên tâm!
Mẹ nựng con gái:
- Hỉ nó có bắt nạt Ngân của mẹ không?
- Không! Nhưng… hay bắt con ở nhà trông nhà một mình. Nhiều người đến rủ anh ấy đi chơi lắm. Các hắn cứ như tình báo ấy.
- Anh nó là con giai mà con…
- Nhưng con tức lắm…
- Thế tiền mẹ để cho hai anh em nó có cho con không?
Ngân nhắm tịt cả mặt lại lắc đầu:
- Có…! Nhưng… tiêu mãi mà chẳng hết.
Rồi bố mẹ lại xa con. Tủ sách của thầy cô giáo đã được bán cho đồng nát. Thay vào đó là đầu, đĩa, màn hình… Tủ lạnh trong bếp một năm hai lần thay mốt. Thầy giáo đã bán xe máy mua ô tô con rồi tự học lái để chạy hàng cho tiện. Bơ Khao thành bà chủ ngồi một chỗ phân việc, nhận tiền. Họ bỏ cái thị trấn hắt hiu lên thị xã xây nhà to. Một cái chưa đủ họ xây tiếp cái thứ hai, thứ ba…
Chồng bảo vợ:
- Biệt thự cho Tây mũi cao, mũi thấp nó thuê. Các khách sạn cao tầng là để cho dân vãng lai. Bỏ rẻ, mỗi tháng hàng ngăn kéo tiền là ít. Có tiền lo tiên cũng được. Con cái chúng mình tha hồ mà yên tâm.
Bơ Khao nửa đùa, nửa thật nói với chồng:
- Lắm lúc chả biết làm thế nào để tiêu cho hết tiền.
Đúng là vận may đã đến với họ. Vợ chồng thầy giáo về hưu sớm được trời cho lộc buôn bán, tiền vào cứ như nước. Họ được nhiều người thán phục trân trọng gọi là ông là bà. Quý tử và ái nữ của họ đi học có xe đưa, xe đón. Năm nào chúng cũng là học sinh giỏi. Thầy giáo của chúng như người thân trong gia đình họ. Nhiều người khen nhà ấy được cả Lộc lẫn Phúc.
Thế rồi thầy giáo thành người sành rượu, sính chơi. Ông thường la cà đây đó vui thú cùng bạn cùng bè. Ông bảo vợ: Nhiều tiền không biết cách tiêu chỉ có đứa dốt. Bơ Khao thì chăm đi lễ đền, lễ phủ, mặc áo tía áo xanh tham dự các lễ dâng hương. Đến đâu bà giáo cũng bỏ tiền công đức. Thỉnh thoảng về nhà bà lại la cà rủ bạn chơi bài hoặc đi siêu thị hàng buổi. Ngôi biệt thự 5 tầng lầu cuối cùng chỉ có cô con gái và cậu con trai cai quản. Bố mẹ chúng có mấy khi ở nhà. Vả lại chúng lớn rồi! Bố mẹ muốn các con có tính tự lập ngay từ khi chưa có gia thất. Thời buổi mới rồi có còn cổ lỗ như ngày xưa nữa đâu mà cấm với đoán…
Không ai nắm tay được suốt ngày. Một chiều, trước ngôi biệt thự của vợ chồng Bơ Khao người từ đâu kéo đến đông đặc. Cổng nhà, cửa nhà họ vốn trước đây đã im ỉm đóng giờ mở toang. Trước mắt dân phố là bà Bơ Khao quần áo nhầu nhã, tóc tai xoã xượi. Hoa lá trắng ngày xưa giờ chẳng khác gì nàng Vân Dại thất tình, thất nghĩa ngồi khác trước dòng sông số phận. Có điều, lúc này bên dáng ngồi như chết rũ của mẹ là đứa con trai duy nhất đang nằm co quắp như vỏ đậu héo. Người Hỉ quắt lại giống như tấm giẻ bị vắt hết nước. Bên cạnh cánh tay ruỗi ra của chàng trai mới lớn là lăn lóc trên sàn đá lạnh chiếc xi lanh có mũi kim nhọn hoắt đang còn ngấm máu. Con trai Bơ Khao chết vì xốc thuốc. Khám nghiệm tử thi ai cũng mủi lòng vì những vết xăm trổ trên da thịt cậu quý tử nhà ông bà giáo vào loại giàu nhất phố…
Bơ Khao ngất lên ngất xuống mấy lần. Mọi cái đều là không ngờ. Người bà trước kia phởn phơ là vậy giờ tóp lại, hốc hác như khúc gỗ lũa!
Hôm đưa tang Hỉ không biết mê hay tỉnh người mà người ta thấy Bơ Khao lầm lũi lấy những đồng tiền thật đi trước linh cữu rắc xuống đất như người ta rắc vàng mã.
Một dòng hoa trắng chảy theo linh cữu, chảy theo dòng người. Màu trắng rợn của hoa tang như một nỗi ám ảnh ghê gớm. Có nỗi mất nào lớn hơn nỗi mất này!
Buồn nhất là bố và em gái của Hỉ không có mặt. Chẳng biết ông thầy giáo về hưu sớm đang trong tửu quán nào? Còn Ngân nghe nói đã đưa một ông khách nước ngoài về nhà chơi rồi cùng với bạn trai đi đâu đó từ mấy hôm trước…?
Trong tiếng kèn thảm thiết đưa đám người ta nghe rền rĩ từ miệng ông nội, bà nội rồi ông ngoại, bà ngoại của Hỉ lời réo gọi:
"Ba hồn bảy vía bố cháu Hỉ ở đâu thì về với con nhá!"
"Ba hồn chín vía em cháu Hỉ ở đâu thì về với anh nhá!"
"Ba hồn…"
Âm thanh tiếng gọi hồn lẫn trong tiếng chiêng đồng nhói lên rồi lắng mãi, lắng mãi!
 

Xem Tiếp: ----