Cầm tờ "Giấy ra trại" trên tay, Sửu mừng rơi nước mắt. Anh được ân xá trước hạn 6 tháng trong dịp Tết Nguyên đán. Có bao nhiêu tư trang Sửu tặng lại anh em - những người cùng cảnh ngộ một thời lầm lỗi - chưa có dịp may như anh hôm nay. Chào ban giám thị trại, chào cán bộ quản giáo, Sửu xúc động nhận lời chúc tết và số tiền đi đường mà trại cấp cho anh. Thôi, vĩnh biệt trại cải tạo Hồng Ca - nơi anh đã phải trả giá đắng cay cho lỗi lầm phút nông nổi bằng quãng thời gian tủi nhục 30 tháng trời mà tưởng chừng như 30 năm dài đằng đẵng. ở đó có bao đêm nằm trằn trọc, Sửu đã âm thầm khóc trong ân hận, trong nỗi xót thương người mẹ già đơn côi đang khắc khoải chờ anh nơi căn nhà nghèo ngõ nhỏ cuối đường Minh Khai.Suốt dọc đường xe chạy không khí ngày tết thật nhộn nhịp. Trên xe ai cũng rạng rỡ niềm vui về sum họp với gia đình. Mứt tết, rượu ngon, bánh trái rực rỡ trong những túi hàng bằng nilon mỏng. Dưới đường tấp nập người đi lại với quất, với đào và các loại hoa tươi đủ mọi sắc màu đem mùa xuân về muôn nẻo. Đây rồi Hà Nội - vùng đất thân yêu gắn bó cả tuổi thơ trong trắng hồn nhiên, cả những năm tháng sinh viên đầy ắp ước mơ và kỷ niệm... Xe đỗ, Sửu hân hoan hoà mình vào dòng người nhộn nhịp của thủ đô ngày xuân. Qua chợ Mơ, anh rẽ vào mua hộp mứt, chai rượu, gói bánh quy rồi khấp khởi trở về cái ngõ nhỏ quen thuộc. Kia rồi - căn nhà đơn sơ của mẹ con anh phía cuối ngõ. Chắc mẹ mừng lắm khi bất ngờ anh được về đón xuân năm nay. Sao vắng vẻ hiu quạnh thế này? Mẹ đi đâu mà cửa đóng im lìm ẩm mốc? Sửu bỗng thấy trong lòng có điều gì xốn xang.. Chưa kịp sang hàng xóm hỏi, bỗng có tiếng quen thuộc của bà cụ Biên: - Trời ơi, thằng Sửu về đấy ư? Bà lật đật sang ôm chầm lấy Sửu rồi oà khóc. Một lúc sau bà mới lần tìm chiếc chìa khoá trong túi áo len đưa cho anh. Sửu mở cửa vào nhà. Bỗng anh sững lại, cái túi đựng quà tết rơi bộp xuống nền nhà. Chai rượu vỡ tan, rượu đổ ra lênh láng thơm nồng mà cay xè. Sửu nhìn trân trân vào tấm ảnh người mẹ thân yêu đã được treo chính giữa bàn thờ - một dải lụa đen vắt chéo. Bát hương đầy những chân nhang còn mới và trên tường treo mấy bức trướng chữ đen sì to tướng "Vĩnh biệt thiên thu" trên nền vải đỏ màu máu nhoè dần, nhoè dần trong nước mắt ước đẫm ký ức... Suốt những năm học phổ thông Sửu đều là học sinh giỏi rồi trúng tuyển vào Đại học Tổng hợp. Bà Miến rưng rưng nước mắt ngày con nhập trường. Mới gần 60 mà mái tóc bà đã rất nhiều sợi pha sương muối. Bà thắp hương lên bàn thờ "để bà nội và bố nó dưới suối vàng cũng mát mặt khi được tin này". Sửu rất ngoan, ngoài giờ học và ngày nghỉ chủ nhật lại đem đồ nghề ra đầu ngõ chữa xe đạp kiếm thêm tiền giúp mẹ. Cái biển "Bơm vá xe" chẳng làm chàng sinh viên trẻ tuổi đẹp trai ấy ngượng ngùng. Thấm thoát 5 năm học trôi đi bằng kết quả những gánh bún bán rong của người mẹ tảo tần, bằng nỗ lực của cậu con trai hiếu thảo - Sửu tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Toán vào loại khá. Học đã gian nan vất vả, ra trường xin việc khó khăn còn gấp bội phần. Gõ cửa hết chỗ nọ đến nơi kia chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc lời hứa đợi chờ và chờ đợi... có tiền bạc dẫn lối chăng? Mặc cảm ấy cứ đeo đẳng Sửu suốt bao ngày tháng. Cho đến cái ngày Minh Hằng - cô bạn gái thân nhất mà Sửu đã thầm yêu trộm nhớ nhận trầu cau của con gã nhà giàu ở phố Hàng Buồm thì Sửu không còn bình tĩnh để cam chịu. Phải rồi, phải có tiền, nhiều tiền mới tìm thấy hạnh phúc và ước mơ. Đúng lúc ấy, Sửu bất ngờ gặp lại Cường - thằng bạn học cùng trường bị đuổi từ năm học thứ hai về tội gây gổ đánh nhau và ăn cắp vặt trong ký túc xá. Quê hắn ở mãi Lạng Sơn, hắn rủ bằng được Sửu về nhà. Sửu ngạc nhiên về sự giàu có của Cường, hắn ghé sát tai Sửu nói lấp lửng: - Chiến hữu có thích tiền không? Đơn giản lắm, chứ không "trâu bò" như cái tên của cậu đâu! Đêm ấy hắn rỉ tai bàn bạc với Sửu: Giản đơn thật - như hắn nói - chỉ xách một cái túi có "quà" của hắn đến một "người nhà" ở đường Giải Phóng là Sửu có 1 triệu đồng. Suốt đêm đó Sửu trằn trọc không ngủ. Biết "quà" của hắn là thứ hàng quốc cấm nhưng mình chỉ làm một lần thôi để lấy tiền chạy việc rồi sẽ chấm dứt... Sáng hôm ấy, Cường đưa Sửu ra bến xe, giao cho Sửu cái "ba lô sinh viên" cùng 200.000 đồng ứng trước. Hắn vẫy theo xe bằng nụ cười như động viên mà đầy nham hiểm và tham vọng. Ai ngờ khi Sửu vừa chuyển cái ba lô trong đó có "của nợ" kia thì bất chợt hai anh công an như trên trời rơi xuống ập vào bắt quả tang. Cũng may số "cơm đen" trong ba lô chuyến đầu tiên tên Cường chỉ để nửa cân "thứ lính mới" nên mức án của Sửu chỉ là 3 năm - Song 3 năm đối với Sửu là cả 30 năm, cả một nửa đời người... Khai cái khoá số 8 bập vào cổ tay trắng như tay con gái của Sửu trước cửa toà án để chuẩn bị lên xe đặc chủng về trại, bà Miến chỉ kịp run rẩy nắm lấy tay con trao vội gói quà rồi khuỵu xuống. Sau lần ấy bà ốm liên miên, cái bệnh thấp khớp mãn tính hành hạ bà đến điêu đứng. Tuy vậy bà vẫn cố gắng tảo tần để dành dụm tiền tiếp tế thăm nuôi Sửu. Những ngày tháng ở trại cải tạo quá đỗi kinh hoàng ân hận xót xa. Vừa thương mẹ, vừa giận đời, Sửu chỉ biết âm thầm khóc trong khuya vắng giữa bốn bức tường đá lạnh lùng. Hai tháng mẹ mới lên thăm một lần, còn cứ hai tuần lại gửi quà tiếp tế qua người quen... Sửu đếm thời gian từng ngày, từng ngày để về với mẹ, để trở lại với đời làm người lương thiện. Sự cố gắng lao động, chấp hành nội quy cải tạo của Sửu được Ban giám thị trại ghi nhận và đề nghị lên trên xét ân giảm tha trước hạn đúng ngày 30 Tết. Chắc là mẹ sẽ mừng lắm khi thấy anh đột ngột trở về! Nào ngờ sức khoẻ tiều tuỵ, nỗi khổ đau dằn vặt khiến cho bà không qua nổi cú cảm lạnh đột ngột trong một đêm đơn côi cách đây mười hai ngày... Sửu oà khóc, hai vai rung lên bần bật: "Mẹ ơi! Mẹ ơi..." - Chỉ chừng ấy từ tôi cũng đủ cho bao xót xa thương cảm, cay đắng dâng trào. Trong dòng nước mắt nhạt nhoà Sửu lại thấy thấp thoáng bóng hình người mẹ gầy guộc với đôi quang gánh mỗi ngày cùng tiếng rao bán bún rong trên từng ngõ nhỏ. Kỷ niệm một thời thơ trẻ, một thời sinh viên hồn nhiên sôi động đầy hoài bão đã qua, một thời tự hào là đứa con người lính... "Mẹ ơi! Sao mẹ nỡ vội xa con, con đã được trở về với đời, với mẹ để chuộc lại lỗi lầm phút giây nông nổi đời trai; để lại được sống trong tình thương của mẹ và bà con lối phố..." Sửu nấc lên nghẹn ngào. Bên hàng xóm đã cúng tất niên. Mùi hương trầm chiều 30 đầm ấm ấy đối với Sửu nỗi đau càng dầy lên gấp bội. Nước mắt cứ tuôn chảy, chát đắng mặn mòi - Những giọt nước mắt ân hận xót xa, giọt nước mắt sám hối muộn màng giữa ngày xuân. Tai Sửu ù đi, chập chờn tiếng bà cụ Biên thảng thốt văng vẳng: - Khấn mẹ đi, rồi sang ăn tết với bà, nghe con!...