Hà bước ra khỏi phòng thi, mệt mỏi và uể oải. Cố gắng len qua đám sinh viên đang chen chúc trước cửa phòng, bàn luận sôi nổi về đề thi vừa rồi. “Ông thầy ác quá mày ơi, đề trắc nghiệm gì toàn đúng với sai, sơ sẩy một chút là toi hết một câu”. Bình thường thì Hà cũng ở lại tham gia vào cái chợ trời này, chủ yếu để nói cho vui thôi chứ sau khi cãi qua cãi lại, bàn tới bàn lui cũng chẳng đi tới đâu. Đáp án thì vẫn nằm đâu đó trong một cuốn sổ, cuốn sổ này lại nằm trên tầng cao nhất của kệ sách, kệ sách lại nằm trong một góc nào đó ở nhà thầy, nhà thầy lại nằm đâu đó trong thành phố này. Nói tóm lại bọn Hà đã chọn rồi thì nên ngoan ngoãn về nhà đợi kết quả là tốt hơn cả, cãi nhau chỉ tổ tốn calori và rước thêm căng thẳng. Hôm nay Hà cũng chẳng thể ở lại làm cái việc tào lao ấy, 3g chiều cô phải lên ca promoter (°) trong siêu thị. Nhưng Hà rất mệt, giá như cô có thể chọn về nhà, leo lên giường làm một giấc đến sáng chẳng cần ăn uống tắm rửa thay vì đến siêu thị, khoác lên mình bộ áo đầm sặc sỡ nhằm thu hút mọi sự chú ý của khách hàng rồi đứng đó sáu tiếng đồng hồ thao thao bất tuyệt về những điều ưu việt của sản phẩm. Kỳ lạ thật, lúc làm bài thi cô cứ cầu Trời khấn Phật để chọn được câu đúng, còn giờ cô ước gì mình có đủ dũng khí để chọn một đáp án khác. Một đáp án sai khi thi có nghĩa là bớt đi một vài điểm, còn việc bỏ việc về nhà ngủ có nghĩa là cơn thịnh nộ của sếp, là mất một ngày lương, và tệ hơn nữa là những câu hỏi của mẹ mà Hà phải bịa ra một lý do hay ho nào đó để trả lời. Vậy thôi, đơn giản chỉ là chọn lựa hoặc cái này hoặc cái kia mà cũng khó khăn vậy. Thậm chí khi biết cả đáp án người ta vẫn ước gì mình không phải chọn nó. Ngày hôm nay với Hà thật là tệ, bị giám sát siêu thị mắng cho một trận vì tội đề cập đến sản phẩm đối thủ trong phần giới thiệu. Hà cũng chẳng nhớ mình có nói hay không để cãi lại ông ấy. Bình thường chắc Hà đã gân cổ cãi tới bến nhưng không hiểu sao hôm nay cô đứng im như phỗng, ông ấy cằn nhằn một hồi thấy chẳng ăn thua liền bỏ đi. Nếu cô cãi lại thì sao nhỉ? “Hà này, mi có biết con nhỏ giới thiệu mì ăn liền bị đuổi rồi không, vì sếp nói không nghe”- nhỏ làm chung ra vẻ mặt nghiêm trọng. Giờ thì Hà biết đáp án rồi đấy. Cô mệt mỏi xách chai nước tu một hơi. 9g rồi, đến giờ về. Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi cởi bộ áo đầm xanh lè ra khỏi người, màu xanh đọt chuối cô chúa ghét. Thấy chưa, cũng có lúc người ta tự chọn những điều khó chịu để rồi phải học cách chịu đựng nó. “Xịch”, cửa phòng vệ sinh kế bên mở ra. Chi mắt đỏ hoe nhìn Hà cười ngượng nghịu như vừa bị bắt quả tang làm việc xấu. Chi bằng tuổi Hà nhưng nó làm ở đây được hai năm rồi. Nó cao lớn, trang điểm vào càng thêm chững chạc. Hôm đầu tiên vào làm Hà còn gọi nó bằng chị nữa cơ. Mặt nó lúc nào cũng nghiêm nghị, không bộp chộp trẻ con như Hà, các anh làm chung cảm mến nó nhưng không dám chọc ghẹo. “Hồi nãy thấy Hà bị sếp gọi lại, chắc ông ấy nói nhiều thứ khó nghe phải không?” - Chi hỏi, giọng ân cần. “Ừa, nhưng giờ cũng chẳng biết ổng nói gì nữa. Quên!”. “Làm ở đây nhiều khi uất ức chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc thôi. Chi thật ngạc nhiên vì chẳng thấy Hà rơi giọt nước mắt nào. Dũng cảm thật”. Dũng cảm là gì nhỉ, Hà chưa từng hình dung mình như thế, nhưng có lẽ Chi đúng ở chỗ chẳng bao giờ Hà khóc. Hồi nhỏ má bảo cô là con út nên hễ một tí là lăn ra khóc, bắt đền mọi người xung quanh. Thế nhưng càng lớn cô càng ít khóc, cũng chẳng tìm được lý do nào để khóc nữa. Ba thiếu nợ trốn về quê, hằng ngày chủ nợ đến đòi hai má con ôm nhau khóc, riết rồi chỉ thấy mình má tức tưởi trong đêm khuya, còn Hà mắt ráo hoảnh nhìn lên trần nhà. Từ đó về sau Hà chỉ khóc một lần duy nhất, đó là lúc nộp hồ sơ thi đại học. “Má à, cho con thi trường y nha má”. Hà định nói vậy nhưng khi nhìn những nếp nhăn chưa từng dãn ra trên gương mặt má, cô lẳng lặng nộp hồ sơ vào khối kinh tế. Chiều hôm đó, cô leo tuốt lên sân thượng của trường khóc nức nở. Chẳng biết trách ai, đó là chọn lựa của cô, và cô biết mình sẽ không bao giờ còn cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Để tìm ra đáp án của một bài kiểm tra, chỉ cần đi qua vài con đường trong thành phố, vào một góc trong nhà thầy, tìm ra cuốn sổ trên kệ là biết. Thế còn chọn lựa ngày hôm ấy, cô biết mình phải đi trọn cuộc đời mới biết đúng hay sai. Điều gì sẽ xảy ra khi đi hết chặng đường đó cô mới hiểu ra đó là một điều sai lầm nhỉ? Tối nay, rời siêu thị Hà không muốn về nhà, cô gọi Tiến ra quán chè ven đường với một mẩu tin nhắn ngắn gọn “Em thèm chè quá, anh ra đi”. “Anh Tiến này, vì sao anh không thi đại học mà đi làm, anh hai em nói anh học rất giỏi cơ mà”. Tiến cười, không biết đây là lần thứ bao nhiêu cô hỏi anh câu này và lần nào anh cũng chỉ cười. Hà thấy không thỏa mãn. Cô nhớ lần đầu khi cô hỏi anh câu ấy, cô còn trông chờ một câu trả đại loại như “Hoàn cảnh bắt buộc” hay “Anh có lý do riêng” nghe có vẻ hợp lý hơn. Thế nhưng anh đã im lặng. Chiều hôm ấy Hà thấy anh ở công viên, đang đút cơm cho người bố liệt nửa người với sự ân cần và nhẫn nại hiếm có ở một chàng trai. “Bố mẹ nó hiếm muộn, nghe đâu gần năm mươi tuổi đầu tự nhiên sinh được nó, được vài năm thì mẹ nó cũng mất”, có lần anh hai đã bảo với Hà như thế. Vậy thôi, Hà đã có đáp án. Nhưng không phải đáp án nào cũng dễ dàng chấp nhận, vì thế cô luôn cố hỏi anh để mong một câu trả lời rõ ràng hơn. “Em thế nào, dạo này có liên lạc với Tuấn không?”- Tiến hỏi. “Hôm qua vừa chat với anh ấy xong. Anh cũng mau kiếm ai đó đi, hai mươi sáu tuổi rồi còn gì. Anh hai em cũng có người yêu rồi đấy”. “Tại các cô gái không chọn anh đấy chứ”. Hà lắc đầu: “Thôi, tùy anh. Hôm nay em vừa bị người ta mắng đấy anh ạ”. Thế rồi không hiểu sao Hà lại kể anh nghe tất cả nỗi chán ghét của cô với công việc hiện thời, cả cảm giác kinh ngạc của cô khi nhìn thấy Chi khóc. Có cảm giác như cô đang nói chuyện với chính mình. Anh không bình luận, không hỏi thêm, chỉ ngồi đó và nghe. Trên đường về tự dưng Hà thấy mình thật lạ, cô chưa bao giờ nói với Tuấn những phiền muộn của bản thân. Với cô, Tuấn thật vĩ đại, anh hơn cô hai khóa, học rất giỏi. Mỗi khi gặp anh trên mạng, cô luôn tìm một bài hát, một chuyện vui nào đó để kể anh nghe. Cô muốn anh thư giãn sau những giờ học căng thẳng ở nước ngoài. Chỉ vậy đối với cô là đủ. Thế nhưng cô luôn có cảm giác mình chỉ là một phần nhỏ xíu trong cuộc đời anh. Tuấn có nhiều ước mơ, nhiều hoài bão để theo đuổi, cô không muốn làm anh bận tâm. Có lần cô thử hỏi: “Anh có bao giờ ân hận vì con đường mình đã chọn không?”. “Không bao giờ. Có ân hận cũng chẳng làm được gì”. Cả hai kết thúc câu chuyện ở đó. Ừ nhỉ, chẳng làm được gì mà sao trong cô vẫn day dứt. Cô ước gì mình cũng giống anh, say mê công việc mình đang làm. Anh có thể ngồi suốt ngày bên máy tính nghiên cứu về những chỉ tiêu kinh tế, về tình hình biến động của kinh tế thế giới. Còn cô chỉ miễn cưỡng học để thi và gần đây học để có thể trò chuyện cùng anh như một người hiểu biết. Từ đó về sau không bao giờ Hà hỏi anh những chuyện như thế. Mỗi khi gặp nhau trên mạng, câu chuyện của cả hai chỉ xoay quanh những câu đại loại như “Dạo này em học ra sao? Có môn nào khó không?”. Và chấm hết. Trong mọi trường hợp Hà luôn là người nghĩ ra chủ đề để cả hai tiếp tục. Cô cố gắng để không rơi vào im lặng khi nói chuyện với anh. Cô góp nhặt mọi chuyện vui nho nhỏ hằng ngày để kể anh nghe, cô tìm những bài hát hay gửi cho anh, rồi cả hai cùng bình luận. Thậm chí cô phải ghi lại những chủ đề để nói với anh. Đôi lúc Hà cảm thấy mệt mỏi. Dường như cô đang cố gắng để yêu. Cô mong sao cô có thể nói với anh rằng ngày hôm ấy cô rất mệt, rằng cô đang nỗ lực hằng ngày để san sẻ gánh nặng tài chính với mẹ, rằng cô cảm thấy cô đơn biết bao khi một mình đối mặt với khó khăn. Thế nhưng cô chưa một lần thổ lộ những điều đó. Cô lo sợ phải phơi bày tất cả với anh. Cô sợ anh nhìn rõ cô. Hình như tình yêu cũng là một sự chọn lựa. Anh là mối tình đầu của Hà và hằng đêm cô luôn cầu nguyện để mình không bao giờ phải ân hận. Hôm nay Hà đến dự lễ tốt nghiệp đại học của Tiến. Anh vừa đi làm vừa theo học một lớp tại chức. Hôm nay cũng là cuối tuần, Tuấn thường tranh thủ giải lao bằng cách chat với bạn bè. Hà biết vậy nhưng cô không online. “Chúc mừng anh. Cuối cùng em đã hiểu vì sao anh không bao giờ trả lời câu hỏi của em. Lẽ ra em nên hỏi vì sao anh chưa thi đại học thì đúng hơn”. Hà nheo mắt tinh nghịch nhìn Tiến trong trang phục tốt nghiệp. Anh cao lớn, gương mặt nghiêm nghị nhưng dịu dàng. Lạ thật, trong từng ấy năm quen biết anh, thậm chí ngỡ anh là một phần của bản thân mình, cô chưa bao giờ quan sát anh ngoại trừ lúc này. “Anh này, em sẽ nghỉ làm ở siêu thị đấy. Có lẽ một cô giáo dạy kèm thích hợp với em hơn cả. Mẹ em có lẽ sẽ sốc khi nghe em bỏ việc mất. Anh sẽ ủng hộ em chứ”. “Ừ, anh hiểu. Em cứ làm điều em thật sự thích bởi vì chẳng có đáp án nào đúng tuyệt đối cho mỗi chọn lựa đâu. Nếu em cần sự ủng hộ thì đây…” - anh chìa tay ra cho Hà nắm chặt. Ừ nhỉ, có gì đâu mà sợ, trên mỗi con đường có vô vàn ngã rẽ, và giờ đây khi buộc phải lựa chọn ngả nào cho riêng mình cô biết mình không cô độc nữa.