Thế rồi bất ngờ, chiều xuống. Hoàng hôn buông chùng thành phố và gió lồng lộng thổi xua đi cơn nắng hè oi ả. Huệ đứng bên cửa sổ nhìn xuống dòng xe cộ tấp nập nối đuôi nhau kìn kìn thành từng hàng một, dài lê thê, cảm tưởng như không có điểm kết thúc, nếu không có những ngã tư đèn xanh đèn đỏ cắt ngang. Sau lưng cô, đôi mắt Quang mở to dõi theo, đăm chiêu một cách khó hiểu. "Anh suy nghĩ kỹ rồi. Có lẽ em nên nghỉ việc ở công ty". "Nghỉ việc?". Huệ thốt lên. Câu nói của Quang khiến cô bất ngờ. Cô tiến đến gần Quang. Anh xoay người và thật nhẹ nhàng nhấc bổng cô lên, kéo cô vào lòng mình ghì chặt: "Bình tĩnh nào, cô bé, anh sẽ lo cho em. Em biết đấy, công ty đã bắt đầu có tiếng xì xào, tay lái xe vừa nói cho anh hay". "Nhưng em... không muốn thay đổi...". "Anh hiểu, anh hiểu em". Quang cắt ngang. "Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Em có nghe lời anh không nào". Quang hôn cô. Dưới làn môi mềm mại và ẩm ướt, Huệ hơi ớn lạnh bởi hàng ria mép thô ráp cọ cọ vào môi, cảm giác muốn tìm quên đi những lo âu chồng chéo trỗi dậy xen lẫn niềm hạnh phúc dịu ngọt nhưng mong manh yếu đuối.Huệ lặng lẽ thu xếp bàn làm việc trong một ngày mưa. Quá ít người để ý đến ngoài chị văn thư có dáng người quá khổ nhưng lại thích mặc những tấm áo có hoa văn sặc sỡ. Chị tên Hoa. Chị Hoa chưa lập gia đình dù đã gần bốn mươi, khuôn mặt chị tròn vành vạnh nhưng gò má hơi cao, nhô lên và luôn đỏ ửng khiến cho khuôn mặt ấy trở nên mất cân đối. Chị ngồi nhiều nhưng hễ có ai đi qua cửa phòng hành chính là miệng chị lại hoạt động tối đa công suất. Người lạ thì chào hỏi, người quen thì níu tay níu chân, người thân thiện một chút thì chị hăm hở kê thêm một cái ghế kế bên, cốt để hầu chuyện chị. Nhiều người từ chối không đành, cực chẳng đã gật gù cho xong. Nhưng nhiều người vì vội vã và ghét buôn dưa lê thì đây đẩy chối từ, thậm chí xua tay từ xa khi nhìn thấy chị. Mỗi lúc như vậy chị Hoa buồn lắm, mặt chị thộn ra, tay khư khư nắm chặt con dấu đỏ loe loét trên bàn làm việc. Mỗi lần chứng kiến chị như thế, Huệ phải cố gắng lắm mới không phá lên cười.Ấy vậy mà chị Hoa lại là người thương Huệ nhất. Có nói xấu ai, đơm đặt điều này điều kia, thêm mắm thêm muối cho ai, chị cũng chừa Huệ ra. Người nào chỉ cần đụng đến tên Huệ, là chị gạt phăng đi. Chị luôn mồm nói: "Tội nghiệp con bé, gầy gò yếu ớt một thân một mình bơ vơ ở cái đất Sài Gòn này". Có gì ăn chị cũng để phần cho Huệ. Nhưng không hiểu sao Huệ luôn e ngại và giữ một khoảng cách nhất định với chị. Nhiều lần chị mời Huệ đến nhà chơi Huệ luôn tìm cách từ chối. Với lại Quang đã dặn cô, không nên thân thiết với ai quá mức ở công ty, hết sức tránh xa điều qua tiếng lại. Nên Huệ cứ vậy mà lặng lẽ sáng đi chiều về cặm cụi. Như một con ong chăm chỉ. Chính vì thế chị Hoa càng thương Huệ hơn.Khi đã thu dọn xong giấy tờ, trút bỏ những bông cúc màu tím khỏi chiếc bình màu xanh lục, Huệ nhìn lại căn phòng thân thuộc. Cô không tưởng tượng nổi có lúc mình phải rời xa nó. Từ ngày mai, cô sẽ không còn ngồi đây, bên cái máy tính cũ kỹ gõ những văn bản dài chi chít số liệu và thi thoảng nhìn Quang đi lướt qua ô cửa sổ cạnh những nhân viên mẫn cán của anh. Cô sẽ không còn được nghe những bản nhạc không lời mà chị Hoa vẫn mở lúc ban trưa khi cả hai cắm đầu bên hộp cơm nguội ngắt. Thế là hết."Chị ơi, ngày mai, em nghỉ việc...". "Sao thế em?". Chị Hoa ngỡ ngàng, xoay nghiêng tấm thân phục phịch khiến chiếc ghế bất giác kêu kèn kẹt. "Vâng, em xin vào một công ty khác có nhiều cơ hội hơn...". Huệ lặp lại như một cái máy những lời Quang dặn để trả lời ai hỏi vì sao cô nghỉ việc. "Em nói dối". Chị Hoa đứng phắt dậy. Huệ giật thót mình sợ hãi khi nhìn gò má chị trở nên đỏ ửng lên mỗi khi chị xúc động hay tức giận. "Ai đã làm cho em phải rời khỏi công ty? Có phải cái lũ độc ác, ngậm máu phun người ấy đã nói gì để em phải nghỉ? Mấy con chồng chán bên phòng kế toán hay kế hoạch? Em thử nói cho chị biết, chị sẽ...". "Không phải chị ơi, không phải thế thật mà". Huệ nắm lấy tay chị Hoa tha thiết van lơn. Chị Hoa nhìn thẳng vào mắt Huệ: "Chị biết là em trong sáng, vô tội. Ông Quang ông ấy giúp em vô tư, không tính toán, nhưng cái bọn khốn kia nó ghen ăn tức ở, nó phá em... Tội nghiệp...". Huệ đứng chôn chân, cảm giác ngượng ngùng lan tỏa sâu vào từng tế bào, từng chân tơ kẽ tóc khiến cô không đứng được, khoác túi xách lên vai, đi như chạy qua hành lang vắng vẻ, nơi nhìn qua bức tường nhiều lỗ hổng sẽ thấy những thân cây thông thẳng đứng lá xanh rì um tùm và buồn bã.Mẹ gọi điện cho Huệ vào lúc chạng vạng tối, khi cô ngẩn ngơ ở chợ giữa những tiếng rao trở nên lạc loài vì mớ xúc cảm hỗn độn trĩu nặng lèn chặt tim cô: "Mẹ đây con. Con có khỏe không? Công việc thế nào?". "Vâng, con khỏe, tất cả vẫn bình thường. Mẹ ạ. Tết này con sẽ ra Bắc". Huệ trả lời mẹ bằng một giọng nghèn nghẹn. "Con đã đi thăm cô Nhung chưa? Con vào đó mấy năm rồi mà không lên thăm cô sao?". "Vâng, con sẽ thăm cô... Vâng, con sẽ gọi lại cho mẹ sau". Huệ lúng búng, cô lên xe phóng thẳng về căn hộ tầng ba nơi khu chung cư kín đáo mà Quang đã thuê cho cô. Cô không nghĩ rằng hiện tại mình có thể nuốt được bất cứ thứ gì vào bụng.Huệ mở mắt với cảm giác cồn cào gan ruột khi vừa trải qua cơn mộng mị. Cô nhỏm dậy nhìn đồng hồ. Mới sáu giờ tối. Theo thói quen, cô với lấy điện thoại kiểm tra tin nhắn. Có hai tin nhắn liên tiếp của Quang: "Em yêu, anh không qua với em được. Cô ấy bệnh nặng. Có lẽ cô ấy chưa tĩnh tâm được với đề nghị của anh...". Huệ chóng mặt, tưởng tượng trước mắt cô sẽ là chuỗi ngày dài lê thê tẻ ngắt đang đón đợi. Cô gác tay lên trán. Tại sao thời điểm này mình không đi đâu xa một chuyến. Ban Mê Thuột chẳng hạn. Mẹ cô đã chẳng thúc giục cô đi Ban Mê Thuột thăm cô Nhung hay sao? Trong phút chốc Huệ trở nên hăm hở. Cô thu xếp hành lý gọn nhẹ vào chiếc va ly nhỏ. Không váy đầm son phấn cầu kỳ vì chuyến đi này chỉ có mình cô. Cô gọi điện cho hãng xe tư nhân. Họ nói đúng tám giờ sẽ đến tận nhà đón cô. Huệ tắt điện và thắp một ngọn nến nhỏ. Ngọn nến hồng bừng sáng khiến căn phòng của cô trở nên ấm áp hơn. Cô gọi điện cho Quang. Cô nghe tiếng anh ấp úng bên kia đầu dây lẫn tiếng cười nói lanh lảnh của một bé gái có lẽ là con gái anh. Rồi cô thấy vọng bên tai chỉ còn tiếng tút tút. Anh đã tắt máy. Cô trân trân nhìn chiếc điện thoại, tưởng tượng cảnh anh đang chạy vào một xó xỉnh an toàn nào đó trong căn nhà rộng thênh thang của mình để gọi lại cho cô. Đúng như cô dự đoán, anh đã gọi lại ngay: "Anh đây, có chuyện gì không em?". "Vâng, em gọi điện báo cho anh biết chút nữa em đi Ban Mê Thuột". "Đi đâu cơ? Trời ơi, Ban Mê Thuột hả. Mà sao lại gấp gáp quá vậy em?". "Không sao. Em muốn đi bây giờ". "Thôi được". Giọng Quang chùng xuống. "Em hãy lên đó đặt phòng cho hai người, anh sẽ cố gắng thu xếp nhanh nhanh ổn thỏa mọi việc để lên đó với em và đưa em về". Huệ im lặng. Cô không biết nói gì hơn. Sự chu đáo của Quang khiến cô xúc động. Cô vén rèm cửa và nhìn lên nền trời xanh thăm thẳm. Trong muôn vàn tinh tú lấp lánh kia, đâu là vì sao cho riêng cô? Một cảm giác ngọt ngào dâng lên. Những dày vò mặc cảm về tội lỗi lắng chìm và tan biến như làn khói thoảng qua, chỉ còn lại rung động ngất ngây từ trái tim mãnh liệt và non trẻ cần được yêu thương che chở.Suốt quãng đường đi Huệ đã ngủ rất nhiều trên chiếc xe êm ru, nên khi đặt chân đến khách sạn vào lúc tờ mờ sáng, Huệ đã mong thời gian qua thật nhanh để có thể đến ngay nhà cô. Cô Nhung là con cùng cha khác mẹ với bố của Huệ. Thời trẻ cô có tiếng là sắc nước hương trời và cũng chính vì kén chọn mà cô lấy chồng muộn. Chú Tư chồng cô người Nha Trang theo mẹ ra Bắc từ nhỏ đến sau năm bảy lăm thì quyết định đưa cô trở về quê và đi xây dựng kinh tế mới ở Ban Mê Thuột. Chú làm lái xe cho một công ty xuất nhập khẩu nông sản còn cô sẵn có vườn đất nên cho người ta mướn trồng cà phê. Đã sáu năm Huệ không gặp lại cô kể từ lúc vợ chồng cô ra Bắc chơi. Nhưng trong tưởng tượng Huệ không sao quên được vóc dáng thanh tao mảnh dẻ của cô bên cạnh dáng người thấp đậm với cái bụng to bè của chú Tư.Cuối cùng thì Huệ cũng tìm được nhà cô Nhung nằm khuất trong một con phố nhỏ vắng lặng. Cô đứng co ro bên hàng rào nở đầy hoa tầm xuân trắng, tay run run cầm tờ giấy đã ố vàng ghi địa chỉ của cô trong cái lạnh buổi sớm ở cao nguyên. Một lúc sau có tiếng chó sủa, rồi tiếng guốc khua nhè nhẹ lẫn tiếng lá rơi trên vườn lạo xạo."Ai kêu đó?". Giọng cô vẫn thế, mượt mà, trong trẻo như thời con gái. "Cháu đây, cháu Huệ của cô đây". Huệ đưa tay vẫy vẫy. Cô kêu trời rồi lập cập mở then cài cổng, cánh cổng chưa kịp mở bung cô đã siết lấy tay Huệ qua hàng rào mà thảng thốt kêu lên: "Cháu tôi bây giờ mới chịu về thăm tôi đây...".Hai cô cháu ngồi đối diện ở phòng ăn. Con mèo cái có bộ lông vàng óng chạy qua chạy lại trước mắt Huệ, chốc chốc lại gườm gườm nhìn cô. Huệ nhấm nháp bánh quy và uống từng ngụm ly cà phê thơm nức mà cô Nhung pha cho cô. "Chú đâu rồi cô? Chú và cô vẫn hạnh phúc chứ!". "Đúng thế, cô rất hạnh phúc. Chú mới đi Nha Trang công tác. Chú đi hoài cháu ơi. Công việc mà. Cô có mỗi em Vi thì đi học tận trời Tây, hàng năm mới gặp một lần. Mà cô phải khóc, thậm chí phải van xin nữa em nó mới chịu về thăm cô". Huệ cố gắng cười lên để xua tan cơn xúc động của cô Nhung: "Cô ơi, cô cho em ở bên đó luôn rồi lấy một ông chồng mắt xanh mũi lõ đi thôi". "Không! Nhất định là không. Cô chiều ý chú mới cho em qua đó học. Nhưng nhất định sau này em phải về Việt Nam. Thế còn cháu, bao giờ thì có tin vui đây?". Huệ ngượng nghịu: "Cháu thì chưa biết đến bao giờ". Rồi cô nhanh chóng lảng qua chuyện khác. Suốt cuộc trò chuyện cô luôn trách Huệ sao lại nghỉ ở khách sạn mà không về nhà cô. Huệ không biết giải thích thế nào, đành hứa hẹn sẽ thu xếp về nhà cô dù cô không biết khi Quang về đây, cô sẽ làm thế nào, và nếu cô gặp Quang, một người đàn ông đã bốn mươi tuổi, cô có nghĩ ngợi gì không.Hai cô cháu hàn huyên suốt một ngày. Huệ được dịp nghe cô ôn lại chuyện xa xưa, thời thơ ấu của cô, chuyện bố mẹ Huệ quen nhau thế nào... Có lẽ đã quá lâu cô mới gặp được người để tâm tình thổ lộ. Khuôn mặt đã hằn sâu những nếp nhăn của cô rạng rỡ tươi tỉnh hẳn ra. Huệ không khỏi xót xa khi biết được hằng ngày khi chú đi làm, cô vẫn sống cuộc sống lặng lẽ nhường này, trong căn nhà đầy đủ tiện nghi nhưng hoang vắng giữa khu vườn đầy lá rụng. Vi, đứa con gái duy nhất của cô còn trẻ quá và tham vọng quá, nó cũng như cô Nhung bốn năm trước. Chỉ cần háo hức, đam mê cộng với một chút liều lĩnh là có thể nghĩ rằng đi đến bất cứ đâu, đến miền đất mới lạ nào cũng có thể sống được. Chẳng cần gia đình. Chẳng cần điểm tựa gì hết. Có thật thế không?Huệ đăm chiêu theo cô ra vườn. Chập tối. Gió thổi rào rào qua mái hiên nhà bên, lùa vào những tán lá nghe như tiếng bão. "Gió cao nguyên đấy mà". Cô Nhung mỉm cười nhìn Huệ ôm đầu. Cô cảm thấy hơi choáng váng và xin phép cô Nhung trở về khách sạn. Cô Nhung cuống quít gọi xe cho Huệ và hối thúc Huệ lập tức thu xếp đồ đạc về với ở với cô Nhung. Huệ vâng dạ rồi lên xe, cô tự trấn an mình có lẽ chưa quen với khí hậu ở đây. Nhìn qua tấm gương chiếu hậu, Huệ thấy cô vẫn đứng đó dõi theo. Lòng Huệ thắt lại bởi cảm giác ân hận trào dâng. Đáng ra mình phải đi thăm cô sớm hơn. Huệ nghĩ thầm. Nhưng mình đã trì hoãn, thậm chí quên lãng.Người lễ tân đưa cho Huệ chìa khóa phòng. Huệ bước lên cầu thang và thấy hơi chếnh choáng, giống như một người say. Cô suýt va phải ai đó. Một mái tóc nhuộm vàng dài đến thắt lưng chạm vào cô. Theo phản xạ cô quay đầu lại. Cô nhìn thấy bàn tay to béo, múp míp của người đàn ông đi bên cạnh đang vuốt ve mái tóc đó. Bàn tay còn lại huơ lên không khí đập chan chát. Một giọng khàn khàn, quen quen từ ký ức oang oang cất lên: "Em yên tâm, anh sẽ... Lần này anh hứa sẽ quyết tâm... tuyên chiến với mụ già...". Huệ đứng sững. Ai kia có phải chú Tư không? Dáng vóc ấy. Giọng nói sền sệt lai Bắc ấy. Không thể lẫn đi đâu được. Cô hấp tấp chạy theo. Họ đã ra đến cổng khách sạn và leo lên chiếc taxi màu trắng. Cô tưởng mình phát điên. "Chú Tư, chú Tư ơi...". Cô cuống quít gọi to. Người đàn ông thò đầu ra ngơ ngác tìm kiếm rồi thụt ngay vào vì cô gái kia đã níu tay ông kéo sát vào lòng. Huệ há hốc miệng. Cô đứng cả mươi phút dưới bầu trời ảm đạm không trăng sao báo hiệu một cơn mưa đêm rầu rĩ đang đến."... Cô rất hạnh phúc. Chú mới đi Nha Trang công tác. Chú đi hoài cháu ơi". Chao ôi, cô Nhung tội nghiệp. Huệ gục đầu xuống gối. Điện thoại réo vang. Có lẽ Quang đang gọi cho cô. Hay là cô Nhung. Huệ bật lên nức nở. Tiếng chuông réo vang, trở đi trở lại nhiều lần hòa trong tiếng khóc.Huệ xách chiếc va ly còn chưa mở khóa ra khỏi khách sạn. Cô hấp tấp làm thủ tục trả phòng rồi ra ngoài kêu xe ôm chở đến bến xe. Anh ta nói với cô còn một chuyến Sài Gòn vào mười một giờ đêm. Huệ ngồi một mình, co ro ở phòng đợi, tay run rẩy cầm chiếc điện thoại trên tay. "Anh đừng về Ban Mê nữa". Tin nhắn vừa được gửi đi, cô vội vã tắt máy.Gần mười hai giờ đêm chuyến xe mới khởi hành. Huệ ngả lưng xuống ghế. Người ta đang bật nhạc, tiếng nhạc hòa lẫn tiếng mưa rơi, những bản tình ca cô vẫn thường nghe và yêu thích nhưng lúc này cô không hiểu không biết gì. Qua ô cửa kính chắn ngang một nửa, Huệ nhìn ánh đèn xe chạy ngược chiều loang loáng sáng rồi lụi tắt với cảm giác đau đớn tột cùng. Một cái gì đang vỡ tan, đang đổ sụp không thể nào cứu vãn. Gương mặt Quang ngày đầu tiên anh nắm lấy tay cô hiện ra rõ mồn một: "Anh và cô ấy không hợp nhau tất yếu sẽ không có hạnh phúc... Anh cần em...". Cô bất chợt nhớ đến chị Hoa, đến ánh mắt chứa chan tin yêu chị dành cho cô. Ánh mắt ấy cũng giống như ánh mắt cô Nhung khi nhắc đến chồng mình. Ôi, niềm tin khi đã đặt lầm chỗ lẽ nào chẳng có ngay cả giá trị tương đối? Và hạnh phúc là gì? Những câu hỏi, những liên tưởng lộn xộn ngập tràn tâm trí Huệ.Cô không thể tìm được câu trả lời. Phải chăng suốt chặng đường cô đã đi qua với những gì mà cô cầm nắm chỉ là thứ hạnh phúc quá mơ hồ huyễn hoặc. Và có quá muộn không khi đến giây phút này cô mới kịp nhận ra điều đó...?Cấn Vân Khánh