Giới báo chí trước đây đã có cảm tình với các đại điền chủ ở Hậu Giang nay càng thân thiết khi gặp cậu Ba Qui. Dân cậu ở miền Tậy khi đi du học bên Pháp cũng đông, như con ông Cả Bé ở Rạch Sỏi, tỉnh Rạch Giá là Hùynh Thiện Lộc, đậu kỹ sư nông nghiệp, con Hội đồng Lê Quang Hiển là bác sỹ Jean Lê Quang Trinh, cô Henriette Bùi là con gái ông nghị Bùi Quang Chiêu đậu tiến sỹ y khoa, là nữ bác sĩ đầu tiên của Nam Kỳ. Rồi còn kỹ sư cơ điện Paul Nghiêm là cháu đại điền chủ Nguyễn Tấn Lộc tỉnh Cần Thơ... Phần lớn các vị trí thức xuất thân từ đồng ruộng Hậu Giang đều xử sự theo đúng khuôn phép, lịch thiệp nhưng không giao du rộng rãi và hào hoa như Cậu Ba Qui. Cho nên thiên hạ mới tặng cho Cậu Ba mấy tiếng Công tử Bạc Liêu. Khi Cậu ba trao đổi danh thiếp, ai nấy đều làm lạ khi thấy danh thiếp đề vắn tắt ba hàng chữ: Trần Trinh Huy, propriétaire foncier-Bạc Liêu.Bây giờ dân chủ điền ở Hậu Giang khoái in danh thiếp nửa Tây nửa Ta. Chỉ điền chủ thì xài tiếng Tây như trên. Thói ăn nói "ba rọi" coi kỳ nhưng lại đúng là thời thượng. Đến viết thư cũng đề ngay trên đầu thư là Cà Mau, le Neuf Mars thay vì Cà Mau, ngày 9 tháng 3. Đúng là ăn nói kiểu ba rọi mà thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ ăn rất hấp dẫn cho nên dù thấy kỳ kỳ người ta vẫn xài, riết rồi quen miệng. Mà cái gì quen miệng là kể như được chấp nhận, như ngưới Pháp có câu "L'usage fait la loi"( cái gì thông dụng thì được chấp nhận) Cậu Hai thấy tấm danh thiếp liền hỏi Cậu Ba: - Sao chú Ba nó viết tên mình là Huy? Không nhớ là dòng họ mình đặt tên theo loài thủy tộc: cha là Trạch, anh là Cua Đinh, chú là Rùa Qui... Cậu Ba cười: - Biết chớ! Việc cha mẹ đặt tên cho con mỗi người một cách, tùy theo trình độ hiểu biết của mình, Những nhà thâm Nho rộng Hán thì đặt tên con theo chữ thánh hiều như Tích Đức Gia Trung hay là Công Thành Danh Toại... còn mấy ông vô dân Tây thì đặt tên con theo mười hai ông Thánh tông đồ Paul, Jacques, Bernard... Còn chuyện buồn cười là gặp chánh lục bộ dốt tiếng Tây nên viết vô giấy khai sanh chữa Paul thành chữ Bol, biến ông thánh thành cái chén. Đám nhà báo cười vang lên thú vị như nghe kể chuyện tiếu lâm. Cậu Ba khoái chí kể tiếp: - Nói về mấy ông chánh lục bộ "hay chữ lỏng" thì nói tới chiều chưa hết chuyện, nhưng sợ mình đi lạc nên xin trở lại việc mình đổi tên mà chưa nấu chè xội cúng ông bà. Chữ Qui mà ông già đặt cho mình là con rùa. Đây là con rùa em, còn Cua Đinh là con rùa anh. Lối nói dí dỏm của Cậu Ba khiến đám nhà báo cười, cậu Hai cũng cười theo. Cậu Ba nói tiếp: - Chừng lên trung học, mình tra Hán Việt từ điển thì thấy chữ Qui còn nhiều nghĩa khác nữa, trong đó có một nghĩa mà mình không khoái chút nào. Đó là chữ qui đầu, Các bạn có biết qui đầu là cái gì không? Một nhà báo cười to lên: - Cái đó chính là cái của quí của con người, không có nó thì kể như chết còn sướng hơn... Mấy ả cave nghe đám đàn cười rộ men lại gần nghe ké nhưng bị đuổi như đuổi ta: - Chỗ đàn ông nói tiếu lâm, mấy bà tới đây là chi? Cậu Ba tiếp tục: - Tuy nó rất quan trọng trong cái khoái thứ ba và tối cần thiết cho việc duy trì nòi giống, tôi nhất định không lấy nó làm tên mà chọn chữ Huy có nghĩa là ánh sáng mặt trời (trong chữ tà huy) và còn thêm một nghĩa nữa là ngọc (trong chữ huy thạch). Cậu Hai vẫn chưa thỏa mãn: - Chú Ba nói nghe cũng có lý, nhưng có cần thiết phải sửa tên hay không? Cậu Ba gật lia: - Rất cần thiết. Vì sao? Trong xã hội văn minh, việc giao tiếp rất là quan trọng. Thời buổi này, gặp nhau, sau cái bắt tay là trao đổi danh thiếp. Ngày nay không ai tự giới thiệu tôi là ông A, làm nghề gì, ở đâu, coi nó quê quá mà chỉ cần trao nhau một tấm danh thiếp nhỏ trong đó ghi rõ tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ. Coi thiệt là văn minh, phải không các hiệp sỹ của ngôn luận? Đám nhà báo gật gù tán thưởng. Cậu Hai: - In danh thiếp là chuyện cần thiết. Nhưng còn việc đổi Qui thành Huy? - Chữ Qui nói lên xuất xứ nhà nông của mình. Con rùa làm sao sánh kịp ánh sáng mặt trời hay là viện ngọc từ chữ Huy mà ra? Cái tên quan trọng lắm chớ anh. Tôi có người bạn cha đặt tên là Đe, chừng ăn học thành tài, làm quan to, anh bạn Đe tới nhà làng xin đổi chữ Đe ra chữ Đệ nghe cho êm tai hơn là chữ Đe. - Chú Ba mầy cũng có lý. Một nhà báo nghe Cậu Ba tính mua máy bay kêu lên: - Chừng nào mua nhớ cho mình hay nghe, Mình sẽ viết nhật trình cho quốc dân đồng bào biết, vì đây là chuyện hiếm có. Trên toàn cõi Đông Pháp, chỉ có một người bản xứ (Tây gọi là indigène) sắm máy bay. Người đó là hoàng đề Bảo Đại. Cậu Ba cười: - Tôi cũng nghe nói vậy, Nhưng gnhe đâu hai công ty cao su lớn nhất nước là SIPH (chữ tắt của Société Indochinoise des Plantations d'Hévéa) và Terres Rouges (Đất Đỏ) có sắm máy bay để chở tiền phát lương cho công nhân hằng tuần vì trước đó các chuyến xe chở tiền bị bọn cướp Rừng Xanh chận đoạt đánh tiền. Nhà báo nói: - Máy Bay trong tay Cậu Ba có ích hơn trong tay vua Bảo Đại. Đi thăm ruộng chắc chắn là có ích hơn đi săn hổ trên cao nguyên Trung Kỳ. Đến đây thì một nhà báo khác cao hứng kể chuyện vui: - Từ mấy ngày qua, Cậu Ba đã vui miệng kể chuyện bên Tây cho tụi này nghe. Bây giờ mình cũng kể chuyện trong làng báo nghe chơi. Vừa rồi anh bạn nhắc ông hoàng Bảo Đại. Tôi có một may mắn lớn trong đời là được chỉ định tham gia phái đoàn Nam Kỳ đưa dâu của triều đình Huế. Đầu đề câu chuyện nghe hấp dẫn nên mọi người tập họp lại nghe. Nhà báo được nhiều người lắng nghe càng thêm cao hứng: - Anh em nhà báo thì biết tôi là ai rồi, còn nhiều người chưa biết nên bỉ nhân xin tự giới thiệu: bỉ nhân là chủ bút báo Lục Tỉnh Tân Văn, bút danh là Hoàng Phố. Toà soạn nằm trên đường Taberd, ngó ra bưu điện Trung Ương và nhà thờ Đức Bà. Chủ Báo là ông Huyện Của. Mấy năm trước, dân mình chưa quen mặc đồ Tây, công và tư chức còn mặc áo dài đen quần trắng, đầu đội khăn đóng, chân mang giày hàm ếch. Nhiều bạn trai trẻ thắc mắc tại sao tôi ăn mặc như mấy ông già. Có hai điều lợi, thứ nhất là đỡ tốn tiền giặt ủi, thứ hai là mặc "quốc phục" làm cho mình ra vẻ nho phong, chững chạc hơn đám bồi Tây. Thêm một cái lợi thứ ba nữa là mặc quốc phục tiện cho việc vô dinh thống đốc vì đi hầu quan lớn phải khăn đóng áo dài mới phải phép. Một ả ca-ve nóng nảy cắt ngang: - Ông chủ bút vô đề có hơi dài quá rồi đó. Nhà báo cười: - Kể chuyện vui phải rỉ rả, càng về khuya càng mùi. Tôi kể tiếp đây - Ngày kia ông Huyện Của bảo tôi: chiều nay thầy đi với tôi. Nhớ mặc áo dài và đi giày escarpin nghe. Tôi hỏi lại: Dạ thưa đi ăn tiệc Toàn quyền hay Thống đốc? Ông Huyện lắc đầu: Khôgn! Đi dự tiệc thân mật ở đường Taberd. Chỉ trong vòng năm chục người thôi. Đàng gái đưa dâu... Tôi ngạc nhiên: Đàng gái nào? Thầy kín miệng nghe. Đây là chuyện cơ mật: Hoàng đế Bảo Đại phái quan triều đình vào rước Hoàng hậu về quê. Hoàng hậu là con gái ông Nguyễn hữu Hào đó, tức là cháu Huyện Sĩ... Tôi vụt nhớ câu thiệu nói về bốn vị nhà giàu nhất Nam Kỳ: "nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định". Té ra cô dâu là cháu ngoại người giàu nhất Nam Kỳ, người đã xây cất nhà thờ lấy tên Huyện Sĩ tọa lạc tại góc đường Frère Louis và Frère Guilleraut... Chiều đó tôi cùng ông Huyện Của tới biệt thự ông Nguyễn Hữu Hào đường Taberd, quan khách chỉ mười vị. Về giới báo chí có hai vị chủ báo Nguyễn Văn Của và Lê Trung Nghĩa, là hai "quan báo", còn quan thứ thiệt thì có đốc phủ Lê Quang Liêm dit Bảy (dit là chữ Tây có nghĩa là tức). Ngài đốc phủ Bảy ngồi chung với tôi cho đủ cặp, cả hai cùng mặc áo dài khăn đóng, nhờ vậy mà đàng gái tưởng lầm tôi là quan thứ thiệt, không phải là "quan báo". Đến hai quan đại thần triều đình Huế cũng ngộ nhận như vậy nên cúi mình khá sâu khi bắt tay ông phủ Bảy và tôi. Sam-pan nổ váng tai, bánh dọn đầy bàn. Cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan tức Hoàng hậu Nam Phương đi mời rượu từng người "Xin quan lớn dùng chút rượu và bánh". Khỏi phải nói, nhà báo quèn như tôi mà được Nam Phương Hoàng Hậu mời Sam-pan, trao tận tay mới thích thú làm sao! Đúng là dịp may hiếm có. Sướng híp mắt! (Nhà báo nhắm mắt lại, vẻ mặt hãnh diện như thoát trần khiến mọi người cười vang lên sảng khoái.) - Rồi sao nữa? Nhiều người hỏi. Hoàng Phố kể tiếp: - Tiệc sam-pan chỉ là khúc dạo đầu, Mấy ngày sau ông Huyện Của lại bảo tôi ăn mặc chỉnh tề để đi đưa dâu về triều đình Huế. Tôi chưa đi Huế nên hỏi: Mình đưa dâu ra tận cố đô? Không, chỉ đưa tới đèo Hải Vân thôi. Các quan từ Huế vào đó đón. Đúng ngày trọng đại, Hoàng Phố củng ông phủ Bảy vẫn bổn cũ soạn lại, khăn đóng áo dài bông bạc. Cả hai đi một cặp. Không ai phân biệt quan lớn thiệt và quan lớn giả (quan báo). Trong chuyến đi nầy người thú vị nhất có lẽ là quan phủ Bảy vì ông được dịp tủm tỉm cười khi các quan triều đình Huế nghiêng mình khá sâu trước quan lớn giả cũng như trước quan lớn thiệt. Lên trên đỉnh đèo, đoàn xe dừng lại. Pháo cùng sam-pan thi nhau nổ. Hai bên đàng trai đàng gái cùng chạm cốc chúc mừng tân lang và tân giai nhân. Tiệc rượu kết thúc, hai bên bắt tay tạm biệt, mạnh ai theo đàng nấy ra về... Hoàng Phố tươi cười kết thúc câu chuyện: - Người Pháp nói chí lý là nghề báo đưa người viết báo tới bất cứ nơi nào với điều kiện là nhà báo phải đi ra ngoài cái nghề của mình. (Le journalisme mène à tout à condition d'en sortir). Mình được đưa dâu triều đình Huế ra tận đỉnh đèo Hải Vân không phải với tư cách là nhà báo mà với tư cách là quan báo có "họ hàng" với gia đình gái (do ông Huyện Của chỉ định). Cậu Ba bắt tay Hoàng Phố khen ngợi: - Cám ơn anh Hoàng Phố đã giúp chúng tôi được vài khác thả hồn theo chuyến đưa dâu triều đình Huế từ Sài Gòn tời đỉnh đèo Hải Vân. Chuyện rất lý thú. Bây giờ tôi xin kể tiếp câu chuyện anh vừa kể, kể tiếp nhưng lại kể khúc đầu. Các nhà báo liền hỏi: - Chuyện hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương là chuyện trong nước mà cậu Ba ở bên Pháp làm sao biết được? Cậu Ba cười lớn, vui vẻ nói: - Ở nước ngoài mới biết niều chuyện hay hơn người trong nước. Vì sao vậy? Chuyện rất dễ hiểu, vì Pháp là nước tự do báo chí, còn ba kỳ của mình thì bế quan tỏa cảng, bưng bít tin tức, nhất là những tin nhà cầm quyề không muốn cho người dân biết. Bây giờ xin hãy nghe chuyện thâm cung bí sử nhà Nguyễn phổ biến trong giới cầm quyền Pháp... Bảo Đại được khân sứ Trung Kỳ Pasquier chăm sóc từ năm lên tám, lúc đó còn mang tên Vĩnh Thụy. Vĩnh Thụy được đưa sang Pháp, giao cho một viên chức đã về hưu tên là Charles để đào tạo sau này thành vua trung thành với Pháp. Charles từng làm khân sứ Trung Kỳ nhiều năm có lúc kiêm quyền Toàn quyền Đông Dương. Charles nuôi dạy Bảo Đại mười một năm và khi Vĩnh Thụy hồi loan, Charles cũng trở qua Huế bám sát hoàng đế Bảo Đại. Chính Charles cũng đã đưa Phạm Quỷnh lên giữ chức Ngự tiền văn phòng tổng lý ngang hàng với chức Thượng Thư đề lái nhà vua theo đúng đường lối chánh phủ bảo hộ. Còn chuyện nầy mới quan trọng hơn, là Charles đã bố trí cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và cô Mariette Jeanne Nguyễn hữu Hào, nhũ danh là Nguyễn Hữu Thị Lan, con một gia đình theo đạo Thiên chúa và có quốc tịch Pháp. Như quý vị có thể đã thấy, đây là một cuộc hôn nhân lý trí (marriage de raison) liên kết triều đình Trung Kỳ với giới phú hào Thiên chúa Nam Kỳ. Thông thường thì các hôn nhân lý trí không bền vững bằng hôn nhân Tình ái, nhưng mình không dám làm thầy bói...