LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh là một cây bút khảo luận lịch sử sắc bén. Tập sách “Văn hóa Mỹ thuật tiền sử Việt Nam” của bà là một tác phẩm hiếm hoi quý giá, xác định nền văn minh Bách Việt là một sự thật tuyệt diệu mà người Trung Hoa phải “nghẹn ngào” khi bà chứng minh rằng nền văn minh cổ Việt đã bị người Tàu dùng sức mạnh chiến tranh và sức mạnh của chữ viết (chữ hán) chép lại và giữ lấy làm của riêng… cùng lúc với sự xâm chiếm đất đai của nứơc Xích Quỷ trải dài từ Động Đình Hồ xuống thẳng miền núi non phía nam của bà Aâu Cơ. Cảm hứng từ một tài liệu của nhà giáo An Phong Nguyễn Vân Diễn về một bài thơ cổ mà ông sưu tầm được cách đây 40 năm, qua ngòi bút của bà, nền văn minh Bách Việt cổ với những tổ tiên hiền triết, thi ca… đã sống lại vô cùng rực rỡ. Con bé Lọ Lem từ trong rừng núi Thanh Hóa di tản đến rừng núi Ban Mê Thuột đã lột xác trở về nguyên vẹn hình hài nàng tiên xinh đẹp của ngàn năm cũ. ♣ Bất cứ nhà khảo cổ chính quy hay tài tử nào, khi bắt gặp được cổ ngoạn hiếm hoi, họ sẽ tự coi như bắt được một tài sản quý báu. Những vật cổ còn tìm thấy nhiều trong lòng đất, nhưng tranh cổ và thơ văn cổ thì thật là hiếm. Nhìn được tranh họa, và đọc được thơ văn tức biết được người. Từ nhiều ngàn năm, đất nước Việt Nam bị giặc phương Bắc xâm lăng liên tục, và nội chiến hàng trăm năm, lại thêm thiên tai bão lụt không ngừng, khí hậu ẩm ướt nên những tranh cổ, văn thơ cổ, đa số nếu không bị cướp bóc đốt phá tiêu huỷ thì cũng bị hư nát theo thời gian. Những bức tranh xưa nhất họa chăng còn tìm thấy đều được vẽ trên da, trên gốm hoặc trên đá. Những lời văn thơ xưa nhất còn lưu lại là nhờ vào lời truyền tụng trong dân gian. Phải chăng một số lớn ca dao, đồng dao, tục ngữ, ngạn ngữ, hát vè hát đối ngày nay là những câu thơ hữu dụng cho cuộc sống, sống sót mãi qua cửa miệng dân gian? Nôm na có lẽ người Việt cổ gọi thơ là vè, nhất là những bài thơ ngắn dùng là lời hát nói. Thường người ta có vẻ khinh bạc đối với chữ vè. Nhưng phải chăng vè là tên cổ tiền phong của thơ từ ngàn xưa. Thực tế, phải chăng thơ hay vè có giá trị hay không là do hình thức và nội dung của nó. Khoảng trên 40 năm trứơc đây, nhà giáo Sử địa An Phong Nguyên Vân Diễn sưu tầm được một bài vè cổ tại một làng Mường trong rừng Ban Mê Thuột di tản vào từ rừng Thanh Hóa. Nhìn vào một góc cạnh, bài thơ cổ hay lạ lùng. Càng đọc thấm thía càng cảm nhận nó chính là một bài thơ cổ từ thời tiền sử. Oâng Diễn đã tu chỉnh lại cho dễ hiểu, bình giải bài thơ và đã phát hành theo sách báo, hoặc thỉnh thoảng trình bày kèm theo với vũ nhạc trong các dịp đám cưới. Theo ý kiến của nhà giáo A.P Nguyễn Vân Diễn “Toàn bài thơ chỉ dùng chữ Việt, có một số chữ cổ hơi khó hiểu, hoàn toàn không có chữ Hán Việt hay sáo ngữ. Bài thơ có vẻ xuất hiện trước khi Tàu đô hộ…” Tuy đã định bài thơ ngắn này là vè là thơ cổ, nhưng xét về cái hay cái đẹp ngày nay, bài thơ có một cái hay cái ngộ nghĩnh, cái kỳ diệu đến lạ lùng! Bài thơ hiếm hoi này có thể có một giá trị khảo cứu lớn lao thi văn cổ trong văn hóa dân tộc. Theo sự nghiên cứu của tôi, có thể bài thơ này đã ra đời rất xa xưa trước cả thời trống đồng. Trên trống đồng khắc đầy những hình nhảy múa: có múa phải có hát, có ca. Có hát có ca thì phải có lời thơ. Lời có vận, có vần, có nhịp, có phác, có ý, có gợi cảm, gợi hứng, gợi tình mới thúc giục mọi người dấn thân vào ca múa tập thể. Trước khi có trống đồng thì đã có trống gỗ mặt da. Trước khi có trống gỗ thì phải có sanh, có phách, có gõ mõ, vỗ tay hay giậm chân làm nhịp. Lời thơ, lời ca, văn nói có âm điệu nhịp nhàng êm đẹp phù hợp với tiếng vỗ tay giậm chân mới kích động lên những điệu múa kỳ diệu. Lời, ý ngâm nga, lời, ý thơ văn thường phải xuất hiện từ lâu trước điệu ca múa, nếu không thì ít nhất phải đồng thời với ca múa. Trống đồng cũng như đời sống của các dân tộc bán khai chứng minh rằng ca múa là thức ăn tinh thần cần thiết cho sự sống con người từ thời tiền sử. Đó là những hoạt động cần thiết cho sự sống trong mọi thời đại như rau cỏ thịt cá từ nguyên thuỷ đến ngày nay. Nên chúng ta chẳng có gì phải ngạc nhiên trước tác phẩm thơ văn tuyệt vời của người Việt cổ. Khi có sự hiện diện của con người biết nói trên trái đất thì tất có vận động ca múa nhảy nhót, mà có ca múa thì tất nhiên phải có văn-thơ, có nhạc điệu, phải có lời hay ý đẹp. Thật sự việc sưu tầm lại những thơ văn tiền sử khi con người chưa có chữ viết hoặc chưa biết ghi chép là điều quá khó để chứng minh. Trên thực tế nếu có thể thì đó chỉ là một sự chứng minh lấy tâm lý làm căn bản mà thôi. Khi nghiên cứu thời văn hóa Bắc Sơn (hậu Hòa Bình), người Việt cổ đã có truyền thống mai táng và cưới hỏi. Mai táng và nhất là cưới hỏi thì cần nhiều ca múa. Để đem sử dụng vào mai táng và đám cưới, tất nhiên ca múa và văn thơ phải có từ trước. Thời văn hóa Bắc Sơn là thời huy hoàng về nông nghiệp lúa nứơc và công nghiệp đá của Việt cổ kéo dài 6 thiên niên kỷ từ năm 7000 đến năm 1000 tr.c.n. Vì thế tìm một niên đại trong thời đại dài dẵng này cho bài thơ cổ của chúng ta tưởng không đến nỗi nhầm lẫn nhiều. Người ta có thể đặt vấn đề bài thơ cổ do người Mường sống cách ly với người Việt đồng bằng làm ra sau này. Theo nhà giáo sử địa kiêm nhà văn Nguyễn Vân Diễn, sau khi nghiên cứu hiện tại của dân tộc Mường, đã quan niệm rằng “Văn hóa các tộc họ Bách Việt thiểu số, Mường, Mán, Dao, Thái… còn sót lại đã tàn phai sau cuộc chiến thảm bại của Liên Minh Xích Quỷ tại trận Trác Lộc và các cuộc chiến tranh lấn chiếm đất đai của Trung Quốc cổ trong suốt nhiều ngàn năm… Họ không còn khả năng tư tưởng sáng tạo. Họ chỉ còn nhớ những gì tổ tiên Bách Việt lưu lại mà truyền khẩu cho con cháu mà thôi. Vì đó là những khúc ca múa có vần có nhạc dễ nhớ, dễ truyền mà mọi người ưa thích. Bằng cớ là chính đông đúc tập thể của họ không thể giải nghĩa được tư tưởng của tiền nhân trong bài thơ cổ. Giống như trường hợp của người Ai Cập trước đây đã không đọc được chữ trong Kim Tháp Tự mà phải nhờ đến người Pháp thời Napoléon nghiên cứu rồi dạy lại cho họ”. Phải chăng đó cũng là trường hợp của khoa tử vi Kinh Dịch? Như đã nói trên, giai đoạn Bắc Sơn là thời gian đất nước ta đã phát triển mạnh ngành lúa nước, ngành nuôi gia súc và đặc biệt là đã có tục lệ cưới chồng theo mẫu hệ, nên việc chế ra thơ vè tưởng của hữu lý. Tạm thời có thể coi là bài thơ cổ có niên đại từ 6000 năm đến 1000 năm tr.c.n, là thời gian trên đất cổ Việt này sinh nhiều nền văn hóa Hậu Hòa Bình huy hoàng như các văn hóa anh em Bắc Sơn và Sa Huỳnh. Sử gia Trần Trọng Kim cho rằng Tàu dạy dân ta tục lệ cưới hỏi là quá đáng. Tàu có nguồn gốc Mông Cổ, lúc đầu đàn ông thực sự dùng sức mạnh đi bắt đàn bà về làm vợ, hành động này sau trở thành tục lệ. Nhiều sự kiện chứng minh Bách Việt hay Việt cổ đã có đám cưới trước Tàu. Chính Tàu gốc Mông Cổ, khi cướp đất Trung Hoa lục địa ngày nay đã cướp luôn cả người Bách Việt thì họ học phong tục cưới hỏi của Bách Việt và làm phát triển lên. Như trường hợp sau này nhà Nguyên và nhà Thanh gốc Mông Cổ chiếm lấy nước Tàu, rồi cũng theo văn hóa Tàu và làm phát triển mạnh mẽ lên. Bách Việt hay Việt cổ đã có tập tục cưới hỏi trước dân Tàu Mông Cổ tức là Tàu thuộc dòng Hán tộc ngày nay. Dưới thời bị Bắc phương đô hộ, chính quan Tàu buộc dân ta phải làm đám cưới theo truyền thống Tàu thì sử Tàu gọi đó là giáo dục man di theo lễ nghĩa. Vả lại lễ nghĩa Tàu do Đức Khổng Tử rút từ trong lễ nghĩa Bách Việt mà chế biến ra. Chắc hẳn bài thơ cổ nói đến sau đây, là một trong những bài được đặt ra để làm lời ca cho các vũ điệu trong những đình đám lễ tế vui vẻ của việc cưới hỏi. Chúng tôi đề nghị đặt tên cho bài thơ cổ Việt Nam này là bài “Vè Đám Cưới”. Bài gồm 15 câu. Tác giả bài vè là một người có kiến thức rộng, tâm lý cao đối với con người và vạn vật trong vũ trụ. Là người có nhiều kinh nghiệm sống, lao động nông súc, cùng giáo dục, giá trị nhân bản cũng như quan niệm thiết yếu sinh tử của hôn nhân, nên không thể là người trẻ tuổi. Lại thêm trong chế độ mẫu hệ, nên bài vè trang trọng này phải là của một nữ nhân lớn tuổi làm ra. Tác giả đã dùng những sự kiện trong thiên nhiên quanh mình để thấy rằng đâu đâu cũng cần phải có sự tương trợ, sự hòa hợp để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Bà thay lời chàng trai bắt đầu tán tỉnh từ đầu để suốt bài bằng những hình ảnh thường nhật nhỏ nhoi của cây cỏ, rồi tiến dần đến những nhu cầu cần thiết cho đời sống thường nhật để mở lời tán tỉnh một sự liên kết cuộc sống hạnh phúc… hôn nhân không thể thiếu giữa hai người nam nữ trước mặt cô con gái mà chàng yêu mến. Theo cái đà tiến lên đó, chủ nhân sưu tầm bài thơ cổ là An Phong Nguyễn Vân Diễn nương theo ý trong thơ mà chia bài vè làm 3 phần mỗi phần 5 câu. Bài thơ cổ có một nghệ thuật bố cục về hình thức thật đặc sắc. Cứ một đoạn 5 câu thì được chia làm 2 phần: phần đầu gồm 2 hoặc 3 câu dùng để tả kinh nghiệm cuộc sống để rồi gián tiếp đem áp dụng vào tình yêu trai gái trong 2 hoặc 3 câu tiếp. Cách dùng lời, dùng ví dụ tuy đơn giản mà tư tưởng rất thâm trầm. Những ví dụ hoàn toàn dựa trên cuộc sống và tình trạng thiên nhiên rất dễ hiểu cho mọi người mọi thời cổ cũng như nay. Cứ như vậy những hình ảnh quan trọng dần, để dẫn đến một kết thúc toàn vẹn cho tình yêu. Những lời ví von rất duyên dáng, trung thực, thuyết phục. Tác giả đã dùng những hình ảnh vô cùng sống động và đánh động lòng người. Những hình ảnh đ1 đi từ cái tầm thường nhỏ bé nhất, rồi lớn dần với tư tưởng thơ. Với những thay đổi nhỏ nhặt lời thơ, tác giả lặp đi lặp lại nhiều lần ý thơ, một cách say sưa, ngộ nghĩnh làm tăng ý nghĩa, sức mạnh thuyết phục. Nội dung bài thơ còn là một nghệ thuật tâm lý thuyết phục rất cao. Tư tưởng diễn đạt tiến từ tình trạng đời sống cô độc của trai gái thiếu thốn lúc ban đầu, để tiến đến chỗ đưa ra một chân lý cho một đời sống an vui khi có đôi có đụa. Rồi từ đó bước ngay vào một thực tế hôn nhân một cách rất chân thực và thanh tao: ồn ào và táo bạo, tuy có vẻ hơi tục nhưng rất ngây thơ, chính xác, sáng sủa và trong vui với hình ảnh “cuốn lại” ngộ nghĩnh. Rõ ràng toàn bài thơ cổ chứng minh chế độ một vợ một chồng “gái thiếu”, “trai thiếu”, “O một mình”, “tui một mình”, “O vớitui”, tui với O”, “hai đứa miềng”. Tư tưởng bình đẳng nổi bật giữa tình yêu trai gái trong hôn nhân và cuộc sống. Đây phải chăng là một triết lý xuất phàm mà con người cổ đã nhờ ảnh hưởng Thiên, Địa, Nhân mặc khải. Tình yêu của người Việt cổ được tả chân nhưng lại thấm đầy đạo lý. Tình yêu dẫn đến hôn nhân hoàn toàn không nhuốm dục vọng. Vào thời Bắc Sơn tài nghệ về nông nghiệp và nuôi gia súc khác nào bằng tiến sĩ tin học ngày nay. Nên chàng trai đã bắt đầu bài ca bằng lời khoe khoang tài cán nông súc của mình qua những hình ảnh lao động hàng ngày. Đem cái tài giỏi lồng vào lời than để mở màn tán tỉnh. Đông thời cũng để giải thích rằng, tất cả đểu phải cần sự giúp sức, phải cần sự ràng buộc, phải bỏ công lao, phải có tình yêu mới khấm khá được. Tâm lý ngoại giao để chinh phục thật là tinh tế. 1. Khoai tỏ bồn thì tốt cổ (bồn = vồn = luống; cổ = củ) 2. Đậu ba lá thì bừa un (bừa = vừa; un = vun = đắp) 3. Gà mất mạ thì lâu khun (mạ = mẹ; khun = khôn) 4. Gái thiếu trai thì thậm khổ 5. Trai thiếu gái thì thậm khổ. Tài năng đã mở ra một chân lý, không thể có con đường khác: khoai muốn to củ phải có nhiều đất đai, đánh luống cao lên; đậu muốn nhiều trái phải vun thêm đất vào gốc đúng lúc; gà con muốn chóng khôn lớn phải có sự ấp ủ và tình yêu của mẹ nó. Vậy thì nàng và chàng cũng vậy thôi. Muốn sống ấm no, vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc thì phải có sự hỗ trợ, sự săn sóc và phải có tình yêu, sự ưu đãi của nhau, cho nhau, vì nhau như cây khoai, cây đậu, chú gà con kia. Trong bước đầu tán tỉnh, chàng đặt vấn đề với nàng. Trong câu 4 và 5, tác giả đã dụng ý dùng chữ “thậm” để diễn tả “ý quá nhiều”. Ta thử dùng chữ “thiệt” hay chữ “rất” thay cho chữ thậm thì rõ ràng ý không đạt. Chữ thậm muốn nói lên một nỗi khổ sâu xa, phức tạp và bí ẩn khó lòng giải trừ được. Chữ “thậm khổ” như bày ra trước mắt người đọc cảnh người con gái không kham nổi những lao nhọc vất vả trước những khó khăn của cuộc đời và thiên nhiên… Với con trai thì cả một sự cô độc mênh mông và hầu như công lực thừa thãi thất nghiệp… Chữ thậm còn nói lên những lời than thở khôn nguôi… than thở để được thông cảm, để cầu luỵ… Ngày nay chữ “thậm” ít khi được dùng đến trừ trong các chứ kép “thậm chí”, “thậm cấp chí nguy”. Sau bước đầu dè dặt, xem ra tình hình cho phép, chàng trai đi xa hơn trong thuyết phục với những hình ảnh cao dần và đánh động tâm lý hơn; chuyển từ tài năng kinh doanh qua lý luận triết lý; từ than vãn sang khuyên răn. Tuy nhiên những ví von vẫn luôn dựa trên cuộc sống và thiên nhiên. Đặc biệt, chàng trai luôn tỏ ra người thành thạo giỏi giắn. Chàng nhắm vào sự tương trợ để sinh tồn và phát triển của mọi tạo vật. Thật là tinh tế trong tâm lý con người. Năm câu tiếp trong đoạn 2 cho ta thấy không còn là lời giải thích, than thở mà là huấn từ, là chân lý. Vì có chân lý nên hành động là giáo dục, là áp đặt. Tính cách giáo dục là của kẻ bề trên ban cho nàng lẫn chàng. Rõ ràng đây là một giáo dục triết lý nhân sinh để xây dựng gia đình. Tại đây một điểm đặc trưng trong tâm tư người Việt cổ, cứ hễ mở miệng ra là Trời cùng Đất trước đã rồi mới đến Người. Tư tưởng này nhiều ngàn năm sau lại phát triển mạnh trong Nho học. Rõ ràng trong việc giáo dục người Việt cổ đã lấy việc tương quan giữa Trời Đất và Người làm nền tảng. Trời sinh, Đất dưỡng và Người hưởng. Vậy Người không thể phân ly với Trời, Đất. Nhờ Đất làm trung gian nên người kết hợp với Trời. Dân Việt mỗi lần gặp đau thương, bất mãn thì kêu “Trời Đất ơi!”. 6. Trời sinh trâu thì sinh cỏ. 7. Đất sinh giếng thì sinh mo (mo cau làm gàu múc nước). 8. Người sinh Oa thì sinh tui (Oa = O = cô, chị, dì). 9. Oa một miềng thì khôn đặng. 10. Tui một miềng thì khôn đặng. Tác giả bài thơ cổ nhấn mạnh và lập lại hai lần 2 chữ “khôn đặng”: ý nghĩa huấn từ, ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa đạo đức sâu xa, ý nghĩa quyết liệt. Có lẽ ngày nay các nhà đạo đức chân chính cũng khó có một thái độ giáo dục cương quyết như thế. Thật tình là “khôn đặng”, vì gái thiếu trai thì làm sao có con, làm sao bảo tồn sự sống với bao nặng nhọc hiểm nguy bao quanh… Trai thiếu gái thì làm ra của nhưng ai nấu ăn cho, khổ quá, lại sinh ra bao điều phiền toái rắc rối, gàn dở… Chính cái thiếu của âm dương cũng như quan niệm về Trời Đất và Người rất phù hợp với đạo đức của Bách Việt mà Đức Khổng Tử đã ghi chép lại, mà Lm. Kim Định và Học phái của ông đã ra sức học hỏi và phát triển. Bước tán tỉnh tiến đến kết quả cuối cùng với 5 câu cuối, tập trung vào sự cần thiết kết hợp, giao duyên. Đây chính là nền tảng của hôn nhân. Nó giúp loài người tồn tại, lớn lên; và tồn tại lớn lên trong hạnh phúc vui tươi. Tác giả vẫn luôn dùng những lời ví von. Nhưng lần này, trong đoạn cuối, những hình ảnh lớn lao nhất trong thiên nhiên được đưa ra. Hiện tượng đưa ra vô cùng táo bạo mà chính xác. Gió không dồn lại làm sao sinh giông bão, mây không tụ lại làm sao có mưa, người không kết hợp làm sao sống vui và lưu truyền nòi giống. Hai động tác ào ạt trong thiên nhiên đem lại sự sống cho loài người là gió (chứa dưỡng khí) và nước đang được đem ra ví von với sự kết hợp trong tình yêu và hôn nhân. 11. Gió ngoài biển hắn dồn bô (bô = vô). 12. Mây trên trời hắn ún lại (ún = tụ) 13. Oa với tui cùng cuốn lại. 14. Tui với Oa cùng cuốn lại. 15. Hai đứa miềng cùng cuốn lại. Bài thơ kết thúc không lời kết. Loại kết này lại khơi dậy nhiều ý tưởng thầm lặng trong tâm tư người nghe, người đọc. Đúng thế, khi con người diễn đạt đến cái tột đỉnh thì lời kết nằm trong cái tĩnh. Cái ngưng kết bất ngờ ở đây là sự chân thực mỹ mãn. Chính cái ngưng bất ngờ bảo đảm cho sự chân thật của bài văn. Văn chương ngày nay tưởng cũng khó gặp được cái chân thật tuyệt vời đến thế. Kinh qua vài điều trên, ai dám bảo con người Bách Việt cổ kém văn hóa hơn người ngày nay, ai dám bảo người Việt cổ không có một nền văn minh tinh thần như ngày nay. Hiểu được kiến thức, tư tưởng, triết lý, tâm lý, tình yêu của người Việt cổ đại gần chục thiên niên kỷ về trước qua thơ phú của họ phải chăng là một điều kỳ thú lớn lao và cũng vô cùng độc đáo trên thế giới. Hiểu như thế, phải chăng là chúng ta đã đào xới được một nền văn minh cổ đại một cách quá toàn hảo!? Hiểu như thế là phải chăng chúng ta đã có phước quay về gặp lại tổ tiên hiền triết của chúng ta; chúng ta hãnh diện về họ; và phải sẵn sàng sống xứng đáng với tiền nhân. Từ nơi đây chúng ta cũng sẽ còn phanh phui được hàng trăm điều kỳ lạ. Những lời dùng trong bài thơ cổ âm vang nặng giọng điệu miền quê Trung Việt, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Hóa (Hóa về sau bị Pháp đọc trẹo thành Huế theo thầy Nguyễn Đãi). Để dễ hiểu bài thơ cổ, nhà văn An Phong Nguyễn Vân Diễn đã viết lại theo “giọng cổ” miền Trung: 1. Khoai tỏ bồn thì tốt cổ 2. Đậu ba lá thì bừa un 3. Gà mất mạ thì lâu khun 4. Gái thiếu trai thì thậm khổ 5. Trai thiếu gái thì thậm khổ. 6. Trời sinh trâu thì sinh cỏ. 7. Đất sinh giếng thì sinh mo 8. Người sinh Oa thì sinh tui 9. Oa một miềng thì khôn đặng. 10. Tui một miềng thì khôn đặng. 11. Gió ngoài biển hắn dồn bô. 12. Mây trên trời hắn ún lại 13. Oa với tui cùng cuốn lại. 14. Tui với Oa cùng cuốn lại. 15. Hai đứa miềng cùng cuốn lại. Bài thơ cổ tiêu biểu này chứng minh cho chúng ta nhiều điều rất lý thú. Nó đã nói lên rằng thơ văn ca múa như có sẵn trong dòng máu dân Bách Việt từ thời tiền sử Việt Nam. Nó đã chứng minh rằng từ thời tiền sử dân Bách Việt đã sống dựa trên một nền tảng triết lý sâu xa trước vạn vật trời đất. Triết lý đó chứng minh rằng muốn tồn tại và phát triển phải có sự kết hợp để tương sinh. Quan niệm hôn nhân một vợ một chồng rất rõ ràng trong tư tưởng. Quan niệm này rất được tôn trọng với lễ lược đình đám ca múa. Như vậy bài thơ cổ đã chứng minh một giá trị nhân bản đích thật của mỗi một con người bất luận nam hay nữ, bất luận yếu hay mạnh. Chỗ đứng của sức mạnh hà hiếp bóc lột không lảng vảng ở đây được. Cuối cùng là nó đã chứng minh một giá trị văn hóa trong việc xây dựng gia đình lứa đôi, một vợ một chồng “O với tui”, “tui với O”, “hai đứa miềng” thôi. Lời thơ xuất khẩu dễ dàng, hay, đẹp, đầy đủ, ngắn gọn, chỉnh, phải chăng chứng minh việc làm thơ là việc thông thường của người Việt cổ? Thơ có vận có vần có nhịp, tức dùng để ca múa. Điều này chứng minh rõ rệt tục lệ ăn mừng, ca múa mừng ngày trai gái lấy nhau, đó chẳng phải là nguồn gốc của hôn nhân sao? Như thế bài thơ cổ đã chứng minh một quan niệm hôn nhân cao quý của con người Việt cổ. Phong tục đám cưới đã phát sinh từ thời tiền sử Việt Nam thời Hậu Hòa Bình chứ không còn nghi ngờ gì nữa. Điều thú vị đặc biệt là qua bài thơ cổ này, chúng ta nghĩ rằng trong thời gian tiền sử, sơ sử và lịch sử tiên khởi, đất nước Bách Việt nói chung và Việt phương nam nói riêng đã có nền thi văn giàu thịnh. Ca dao, đồng dao, tục ngữ, ngạn ngữ, vè (thơ)… chỉ là một phần nhỏ còn được truyền khẩu lại nhờ vào tính chất thực dụng trong đời sống hàng ngày và trong giáo dục đạo đức luân lý gia đình và làng mạc. Phần lớn văn chương cổ đã bị thất truyền. Như vậy những tên đặt ca dao, tục ngữ… để chỉ phần lưu lại của văn cổ chưa thể chính xác. Thật là không thể chính xác được, vì người ta lầm rằng ca dao, tục ngữ… là hoàn chỉnh và là văn chương bình dân mới. Như vậy văn minh thi-văn-mới, thi-văn-ca có khác gì thi-văn-viết. Chỉ khổ vì bị đô hộ nên lưu truyền hạn hẹp quá làm hậu thế khó lòng hiểu biết được. Thi-văn và giáo dục nứơc ta chắc chắn đã thịnh hành từ nhiều ngàn năm về trước đã bị thất truyền và bị Tàu cướp mất. Tàu Mông Cổ đô hộ nước ta quá sớm và quá lâu năm, cướp đất đai và đồng hóa dân Bách Việt quá nhiều. Tàu đã lợi dụng sức mạnh dùng chữ nghĩa nhanh tay ghi lại những gì giá trị nhất của Bách Việt để làm tài sản của họ. Khổng Tử là người chân chính, ngài đã nói rằng “chỉ ghi chép những điều đã có sẵn”. Rõ ràng những điều đó có sẵn đó là văn chương, triết học, giáo dục, bói toán… Lm.Kim Định gọi tất cả là Kinh Điển, kể cả bài thơ cổ nói trên ông cũng gọi là Kinh của Bách Việt. TT Tưởng Giới Thạch cho nghiên cứu lại văn minh Trung Hoa, nhưng ông phải khựng lại khi đi dần lên đến Đức Khổng Tử. Vì họ không thể tìm ra một nguồn gốc nào khác ngoài Bách Việt, mà chạm đến gốc Bách Việt thì Tàu sợ mất tất cả vì văn minh tinh thần Trung Hoa do văn minh tinh thần Bách Việt đẻ ra. Thế nên ca dao, đồng dao, tục ngữ, ngạn ngữ… không thể gọi gọn là văn chương bình dân. Vì có nền văn học nào mà chẳng do dân gian kiến tạo, có cá nhân hay vua chúa nào làm nên đựơc văn học. Có thể người ta đã hiểu lầm phân lưu lại của văn chương cổ mà đặt tên. Chắc chắn ca dao tục ngữ ngạn ngữ… chỉ là một phần hữu dụng trong giáo dục, được dân gian chọn lọc, cắt xén từ thi văn cổ. Sở dĩ dân tộc ta yêu chuộng ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ… vì phần lớn chúng chứa đựng một nền giáo dục nhân bản có giá trị mãi với thời gian. Nền giáo dục này đã được nhắc lại trong Huấn Địch Thập Điều Thánh Dụ của vua Minh Mạng do Lê Hữu Mục biên soạn: “thiện chính, thiện giáo, tiếp vu dân tâm, thường đạo chỉ trinh, thất hưu tiên cổ” (chính sách hay, giáo dục tốt, thấm sâu vàp nhân tâm, sự vững của đạo thường giống như thời tiền cổ). Chúng ta cứ tưởng tượng nếu truyện Kiều bị thất truyền, những thế hệ mai sau thế nào cũng đẻ ra hàng triệu ca dao ngạn ngữ rút từ truyện Kiều. Vậy ca dao tục ngữ… có thể là biểu tượng, là đại diện của một nền văn chương cổ Việt đã bị thất truyền. Tuy nhiên một phần quan trọng văn chương cổ còn được truyền tụng và đã được ghi chép lại thành sách vào thế kỷ 20. Hy vọng trong tương lai các nhà khảo cổ ngữ học, những nhà sử học, văn học có thể sẽ sưu tầm những bài thơ văn cổ hầu cùng với ca dao ngạn ngữ, để có thể làmsống lại tối đa nền thi-văn-cổ-truyền bất hủ quý báu của dân tộc Việt Nam.