Mặt đỏ căng vì nín thở, từ ngoài sân lò dò đi vào, tới khi đặt được cái thống thủy tinh đầy nước lên chiếc kệ gỗ cạnh cái bàn viết, thầy Thịnh mới bật môi, thở đánh thào.
Kỳ công và cẩn trọng lắm! Thủy tinh là thứ dễ vỡ. Cái thống hình quả vả, tròn thu lu lại trơn truội như bôi mỡ. Và muốn có nó, phải lên tận chợ Đồng Xuân lùng cả buổi. Rồi lót rơm cho vào cái hộp, ôm khư khư trước bụng. Lên ô-tô buýt hai chặng giữa lúc tan tầm, chuyến nào cũng đầy nhóc bọn sinh viên học sinh ồn ào chen lấn. Giơ lưng khuỳnh tay bảo vệ mà bụng vẫn lo thon thót cho đến khi đem được cái thống về tới nhà. Xong cái thống là đến việc mua gom cá cũng tỉ mẩn kỳ khu lắm. Chà! Nhưng bây giờ thì bao công sức bỏ ra của thầy thế là đã được đền bù! Trong cái thống trong suốt như pha lê to bằng quả bí ngô cỡ đại, bây giờ là cả một thế giới thủy sinh lung linh huyền ảo. Chúng như được tạo ra bằng trí tưởng tượng của con người!
Cặp cá vàng mắt lồi bụng cóc, vây đuôi lướt thướt tơ mành như xiêm áo tiên nữ. Đôi cá kiếm mõm nhọn hoắt như mũi tên. Bốn con hắc mô ni lưng đen, bụng trắng bạc. Con cá đĩa mỏng như đồng bạc. Con cá chép lưng đỏ lựng, ria mép quặp như râu anh sợ vợ. Rồi con bạch đỉnh hồng, con chiên long, con mây chiều. Trắng, đen, vàng đỏ tím hồng, những sắc hình kiều diễm thần tiên lượn lờ trong im lặng.
Im lặng. Im phắc! Im lặng. Im phắc! Không ngôn ngữ! Không âm thanh! Mà không phải là ngưng đọng chết chóc. Mà vẫn rưng rưng niềm giao cảm thiết tha. Thần tình quá là sự sống của đám cư dân dưới nước này!
Đối với thầy Thịnh, một chuyên gia soạn sách giáo khoa văn học, đã có thâm niên nghề nghiệp ba bốn chục năm trời, thì sự ồn ĩ là điều rất nên tránh. Hai năm trước đây, thầy được Sở Nhà đất cho thuê một căn buồng trong cái chung cư tọa lạc ở giữa một con phố cổ có hàng sấu cổ thụ này. Con phố đẹp và yên tĩnh. Chỉ rất tiếc là, trước nó trên cái cột điện, người ta lại mắc vào đó một chiếc loa điện 500 oát. Và chiếc loa lại chõ đúng vào căn buồng của thầy. Ngày ngày, năm giờ sáng chiếc loa đã khua mọi người dậy tập thể dục. Hết bài thái cực quyền cho các cụ lại đến bài thể dục mềm dẻo của các cô. Tiếp đó, nó hò nó hát, nó thông báo tình hình tin tức cho đến tận lúc mọi người đi làm, trẻ con đi học. Buổi trưa nó lại cũng hát hò thông báo. Còn từ năm giờ chiều đến tận mười giờ đêm thì nó là kẻ duy nhất độc chiếm quyền phát ngôn. Và thế là tất cả mọi cư dân trong vòng bán kính 500 mét của nó hết ngày này qua ngày khác đồng loạt biến thành những kẻ đi tham dự một cuộc đại mít tinh, chỉ được quyền nghe không được phép nói, mọi cảm xúc cá biệt đều bị loại trừ, vì tất cả đều hệt nhau trong một cảm nhận, như cùng mặc một kiểu đồng phục vậy.
"Tất nhiên là rất cần đồng phục. Nhưng các vị có thấy rằng, đến bây giờ thì ngay cả mỗi ngành nghề người ta cũng có quần áo với màu sắc kiểu cách riêng rồi không?". Thầy Thịnh đã đến tận Sở Văn hóa - Thông tin, rồi làm đơn gửi lên Hội đồng nhân dân phường, quận, thành phố, khiếu nại khắp chốn cùng nơi, nhưng cũng phải một năm sau cái loa mới được tháo đi.
Yên tĩnh được vãn hồi. Nên giờ có thể nghe được gió rung vòm sấu già. Tiếng chim câu gù trên mái nhà và tiếng đàn sáo líu tíu về ăn quả sấu non. Nghe được tiếng gió thu chùng chình thổi qua ngõ. Tiếng lá rụng và tiếng những phiến lá khô cuộn xào xạc trong hơi gió nhè nhẹ lướt trên hè đường.
Yên tĩnh cho hoa nở. Yên tĩnh cho tư tưởng trở về nơi thượng nguồn và liên tục khai triển. Yên tĩnh cho minh triết xuất hiện. Yên tĩnh là nhu cầu thiết thân cho thầy Thịnh. Và đó là lý do thầy rất thích thống cá cảnh. Thú vị thay cái cách sống trong im lặng khiêm nhường của loài cá!
oOo
Tuy nhiên, trưa nay vừa hào hứng vì tìm được câu khai đề cho một bài nghiên cứu, kiến thức và mỹ cảm đang êm ả triển khai, câu chữ đang như sắp hàng từ từ đổ xuống trang giấy, cạnh cái thống cá yên tĩnh và sinh động, thầy Thịnh bỗng như vấp phải một chướng ngại chặn đường.
Thầy dừng bút. Tiếng động gì, âm thanh gì mà gai góc, mà man rợ, mà như đang chọc ngoáy vào thính giác thầy vậy?
Kéc kéc kéc. Quẹt quẹt quẹt. Phạp phạp phạp.
Bỏ bút xuống bàn, thầy Thịnh nhảo bước ra cửa. Thầy nhận ra ngay, ở hành lang của dãy buồng, chếch ô cửa sổ nhà thầy, tức trước căn buồng của ông Hoan, bác sĩ đông y đã về hưu, bạn thầy, trên một cành ổi khô chẽ nhiều chạc, một con vẹt, lông xanh màu lá mạ đang vừa vỗ cánh, vừa ngoác mỏ kêu từng hồi dài. Chân níu vào một sợi xích sắt. Trên cái đầu to quá khổ, sùi lên một chiếc mào đỏ sậm. Hai con mắt tròn, bóng như mắt giả. Thêm cái mỏ sừng quặp như vuốt hổ, con vẹt trông như một lão già quái tướng kỳ dị.
Kéc kéc kéc... Vừa thấy bóng thầy Thịnh, con vẹt như đánh tiếng to hơn. Thầy Thịnh cau mặt, giơ nắm đấm. Nhận ra ngay vẻ bực dọc khó chịu của thầy, tức thì con vẹt lại đập cánh sàm sạp và hất mỏ về phía thầy, kèng kẹc giật hai tiếng một như chửi thầy một hồi dài.
oOo
Con người là một thành phần của nhiên giới. Con người còn gần tự nhiên, còn yêu thiên nhiên lắm. Và thú chơi của con người thì thật muôn hình vạn trạng. Thư, điểu, thụ, ngư. Người thích chơi sách. Kẻ thích chơi chim. Bà thích chơi cây kiểng. Ông thích chơi cá cảnh. Ấy thế! Thành ra ngay như ở cái chung cư này cũng đã thấy thú chơi của con người thật là vô cùng phong phú, đủ dạng vẻ rồi. Ở tầng hai có ông Liễng chơi tiền cổ, tính tình ông cũng trầm mặc như những đồng tiền cổ. Tầng ba có ông Xoang chơi tem, những con tem nói nhiều điều thú vị bằng thứ ngôn ngữ vô thanh. Tầng bốn là cả một thế giới âm thanh tươi sáng và ngọt ngào của chim chóc. Ông Phan có con cu gáy giọng thổ mổ tứ, có nghĩa rằng là nó hót giọng trầm bốn nhịp cúc cu xong lại đệm thêm một tiếng đế sau cùng, quý lắm. Con họa mi của ông Khoa lại là một tính cách khác. Nó nhảy choanh choách cả ngày; từ cửa chiến, pách một cái, nó vọt lên áp mình vào lớp nan trên nóc lồng. Thầy Thịnh không thích cái tính hiếu động của nó. Nhưng tiếng hót của nó thì thầy phải công nhận là mê ly. Mà thú nữa là trong một ngày nó thường chỉ hót vào quãng năm giờ sáng. Lúc ấy thầy Thịnh đã thức giấc. Nằm trong màn, thầy lịm đi vì khúc luyến láy mê hồn của con chim. Tiếng hót của con họa mi có hình một vòng tròn xoáy ốc rồi đảo thành hình một sợi mây vút thẳng lên cao xanh, ôi, những vòng tròn lênh đênh mơ màng.
Bây giờ thì thêm có con vẹt dị hình dị tướng của ông Hoan! Trời! Quả thực là ngay từ phút đầu nhìn thấy nó, thầy Thịnh đã thấy mất cảm tình rồi. Một lão già cô độc bẳn tính. Hơn nữa, một quái tượng! Chứ còn gì. Màu lông thì xanh đỏ lòe loẹt, đồng cô đồng cậu, sặc sỡ đến phù phiếm. Quái dị, nó dùng cái mỏ quặp rắn như đá ngoặc vào cành để leo trèo. Cũng cái mỏ cong như cái vuốt hổ ấy, nó liên tục cúi xuống giật các vòng xích định dở trò tháo cũi xổ lồng. Tiếng kêu của nó thì thô lỗ, gai ngạnh không mê được. Đã thế lại như ăn phải quả độc ngứa miệng, như một ông già đa ngôn, đa sự, nó cứ kèng kẹc luôn mồm. Nghĩa là lúc nào nó cũng tìm được một cái cớ để làm thầy Thịnh điếc tai. Nghĩa là nó tìm mọi cách để phá vỡ cơ cấu trật tự đã định hình để thầy viết lách. Ngoài đường, một chiếc xe rồ máy. Trên cây sấu, lũ chim sẻ về kêu ríu ran. Nhất hạng là khi có tiếng con mèo hoang ở đâu đó lần về trên sân thượng. Đó là những lý do để con vẹt cất tiếng. Nó kêu queng quéc, nó vỗ cánh phàm phạp liên hồi. Ngoău ngoău, tiếng con mèo hoang cuộn sôi trong cổ họng, nghe như nó đang tự cắn xé ruột gan mình một cách vừa khoái trá vừa đau đớn. Giờ lại thêm tiếng con vẹt như lên cơn kinh giật, chu chéo lỗ mãng, mọi rợ vô cùng. Nó khiến cả đàn cá cảnh quen yên tĩnh trong cái thống thủy tinh của thầy Thịnh cũng có lúc phải giật mình quẫy động.
Tất nhiên, một ngày chỉ vài lần con vẹt rơi vào trạng thái tâm thần kinh động dữ dội. Nhưng, ngay cả lúc bình thường, nó cũng làm thầy Thịnh khó chịu. Ỷ vào cái lưỡi uốn dẻo, mồm nó liên tục phát ra đủ loại thanh âm quái đản. Thông thường là nó kêu ba tiếng một quèn, quéc, quéc. Nhưng có khi lại như tiếng mõ gõ. Có lúc lại reng reng giống tiếng điện thoại đổ chuông. Lắm khi eo éo như giọng óc của người nói ngọng. Thậm chí nhiều lần nó choe chóe như một cô gái điêu ngoa quen mồm rủa xả. Lại có lần nó làm người ta rởn gai ốc vì rất giống tiếng kêu thét của lợn bị chọc tiết. Thật là một gã chim bẻm mép láu lỉnh và láo xược vô cùng!
- Ông rước ở đâu về cái gã họ Vũ lắm mồm thế?
Một lần gặp ông Hoan ở hành lang, thầy Thịnh hỏi. Ông Hoan đáp:
- Mua đâu. Tôi đi châm cứu bấm huyệt cho một bệnh nhân bị méo mồm. Khỏi bệnh, họ tặng tôi đấy. Tôi không nhận, họ cứ nằn nì.
- Sao lại nằn nì?
"Ấy thế mới nên chuyện chứ". Ông Hoan dẫn thầy Thịnh vào nhà, pha trà, mời bạn, rồi đà đận kể. Thì ra con vẹt này có thói xấu kinh niên là bắt chước tiếng người, tiếng vật ở xung quanh nó. Bắt chước, tất nhiên chỉ là nhại theo cái vỏ âm thanh thôi, chứ nó hiểu làm sao được bản chất khái niệm bên trong của mỗi ngôn từ phát ra. Con vẹt già này thật là cao thủ trong môn nhại tiếng. Tiếng gì khó mấy nó cũng bắt chước y hệt được. Thoạt đầu, chủ nhà nó ở cạnh một ngôi chùa. Nó uốn lưỡi ngay theo tiếng mõ gõ của sư thầy. Trong nhà có chiếc máy điện thoại, nó bắt chước được ngay tiếng chuông điện đổ. Ít lâu sau người chủ chuyển nhà đến cạnh một nhà hàng chuyên bán lòng lợn tiết canh, nó lại lặp lại y xì tiếng con lợn bị chọc tiết. Từ lúc nào mà nó học được cả tiếng chửi bới tục tằn của đám thực khách ở nhà hàng nọ! Gần đây, chủ nó bị liệt dây thần kinh số bảy, mồm méo xệch, ngọng nghịu nói ra câu nào nó bắt chước được ngay câu đó.
- Đấy, thầy có thấy nó kêu quèn quéc quéc không? - Ông Hoan tặc lưỡi, tiếp: Nghe như nhà có khách. Mà thực ra không phải. Ông bệnh nhân của tôi dịch tiếng nó cho tôi nghe thì hóa ra là Tôi sắp chết. Ai sắp chết? Có phải là ông chủ nó kêu than đâu. Mà là một ông khách, một cán bộ cùng cơ quan với ông chủ nó. Ông chủ nó làm trưởng phòng tổ chức. Ông cán bộ này ngày nào cũng đến kêu rên rằng theo lá số tử vi thì tôi chỉ còn sống được một năm nữa thôi, tôi sắp chết rồi, phải tăng lương cho tôi lên hàng chuyên viên chính đi. Chắc là ông nọ đay đi đay lại cái câu tôi sắp chết nhiều lần quá nên con vẹt nhập tâm, xuất khẩu trở lại y xì.
- Đúng là một con vẹt quái quỷ!
- Thì từ hôm tôi đưa về đến nay - ông Hoan tiếp - thầy có thấy nó đã lại bắt chước tiếng con mèo hoang gào động đực không! Con mèo hoang này đang rình con chim họa mi của ông Phan và con chim cu gáy của ông Khoa trên tầng bốn đấy! Đấy, nó lại ngoău ngoău... nghe ma quái, dữ tợn khủng khiếp quá! Nhưng nó có biết đâu với lối nhại tiếng ấy, nó đang gọi kẻ thù đến ăn thịt mình!
- Thật là một con yêu tinh già mà ngu dại!
Thầy Thịnh lại tặng thêm một định ngữ nữa cho con vật có cánh đáng ghét nọ.
oOo
Con vẹt già đáng ghét, con vật ngu xuẩn đã phá vỡ trật tự yên bằng của thầy Thịnh. Nó làm mất sự cân bằng trong yên tĩnh để sáng tạo của người cầm bút. Nghe con vẹt dở trò nhại những tạp âm ở ngoài đời một cách rất vô lối và thô bỉ, mới càng thấy cái im lặng của loài cá thật là ngọc là vàng. Ôi những con cá vàng, con bạch đình hồng, con mây chiều... xinh đẹp, hiền từ, chúng sống động mà đâu có gây huyên náo, ồn ào!
Sự sống mang bản chất tuần tự và đâu có cần nhiều lời. Việc nghiên cứu văn chương lại càng cần được nuôi dưỡng trong môi trường yên bình. Cái con vẹt yêu quái kia sao nó không học lấy cái yên lặng của sự sống! Yên lặng mà làm việc là cốt cách của những bản lĩnh lớn! Thì đã chẳng khối nhà văn như ông J.M.Coetzee, người Nam Phi, khi trao giải Nobel Văn chương năm 2003, người ta còn không biết tìm ông ở đâu kia. Sống không mảy may phù phiếm, ông được mệnh danh là người lánh đời trầm lặng. Trong khi đó thì ngược hẳn lại, khối kẻ lập nghiệp bằng cái mồm, bằng cách sống khoa trương ồn ào thùng rỗng kêu to... Những người này làm ít, nói nhiều. Họ sống bằng cái mẽ bề ngoài và bằng những lời lẽ huênh hoang tự thị. Bằng sự uốn éo khôn ngoan của miệng lưỡi, họ giành giật lấy vinh quang và quyền lợi là những thứ họ đã không có được bằng tài năng và sự lao động bền bỉ. Họ là loại người mồm miệng đỡ chân tay. Y hệt con vẹt già láu cá nọ, họ lợi dụng khẩu khiếu, từ miệng họ phát ra đủ các thứ tạp ngôn. Họ cũng giống như con vẹt già ngu dại khi nhại tiếng con mèo hoang mà không biết thế là chuốc lấy nguy hiểm; khi văng ra thứ ngôn từ ngông ngạo càn rỡ nhảm nhí xằng xịt, thậm chí tục tằn bẩn tưởi, thấy mọi người rộ lên tiếng cười, họ lại tưởng thế là hay ho và tiếp tục nổi cơn hưng phấn. Kỳ thực họ đang bị người nghe cười nhạo, khinh miệt!
Sao họ không học lấy cách sống trầm lặng, điềm tĩnh của loài cá! Sao họ không tạo lập sự ung dung tĩnh tại từ trong tâm hồn, coi trọng sự làm giàu nội lực, bản ngã, rèn rập tính cần cù chịu thương chịu khó trong lao động, để từ đó lập nghiệp, thành đạt và thăng hoa!
Nhưng thôi, nghĩ đi nghĩ lại cũng lại thấy tội nghiệp cho con vẹt già yêu quái, dại ngộ! Nó có biết đâu, rằng bằng tiếng nhại của nó, nó chỉ là biểu tượng cho cái lố lăng, nhăng nhố, nghịch mắt nghịch tai ở đời thôi. Sao nó không ngửa mặt lên mà nhìn. Kìa, trời xanh trên đầu nó vốn là kẻ vô tri mà cũng có thế đâu. Trời cũng biết học tập để biết yên lặng đó! Đó, đêm qua, sau lúc con mèo hoang gào thét, lăn lộn trên sân thượng của tòa chung cư, mưa giông đổ rầm rầm rung chuyển cả nhà cửa phố xá, cây cối, vậy mà sáng nay, trời lại yên ả như tờ giấy trải rộng phẳng lì mênh mang rồi. Yên ả, bằng lặng có dáng hình một cánh đồng, một ngôi đền cổ.
Buổi sáng yên tĩnh thần tiên ấy, cạnh cái thống thủy tinh đầy nước bơi lượn những con cá cảnh, đủ màu sắc kiều diễm, lộng lẫy mà im lặng khiêm nhường, thầy Thịnh viết liền một mạch sáu trang giấy, xong một bài nghiên cứu ba ngàn rưởi chữ. Tiếp đó, được môi trường êm ả kích thích, thầy phác thảo luôn đề cương bài giảng một cái truyện ngắn về đề tài tình yêu thiên nhiên của con người. Nhưng khi công việc xong, thầy buông bút thì rơi liền vào trạng thái ngẩn ngơ như là mất ý thức. Không thể ngờ thầy đã giành được một khoảng không gian, thời gian yên tĩnh dài rộng đến như thế. Bàng hoàng vì được hưởng cái phúc lộc lớn lao đến thế, thầy vội đẩy cửa bước ra hành lang.
Cơn giông lớn đêm qua còn để lại trên vuông sân ướt át những phiến lá sấu vàng ánh. Và chạy dọc hành lang là luồng không khí mát rượi, trống vắng, ở đó cặp mắt của thầy trơn truội, trượt đi vì thiếu điểm dừng. Thầy hẫng một nhịp tim ngực. Trên cái chạc cây ổi trơ khấc mấy đường nét khô khẳng, ở chêch chếch cửa sổ nhà thầy, nơi ngày ngày hiện diện bóng con vẹt già dị tướng lòe loẹt xanh đỏ với tiếng kêu nghịch nhĩ, thõng thượt một sợi xích sắt lạnh lẽo đang nhè nhẹ đung đưa.
Con vẹt già quái quỷ biến đâu rồi? Nao dậy trong lòng thầy Thịnh nỗi sửng sốt pha chút phấp phỏng. Trên vòm sấu cổ thụ ở trước nhà líu tíu tiếng một bầy chim từ xa mới đến. Vương vương trong tâm cảm thầy một trạng thái thắc thỏm, âu lo nhè nhẹ. Vòm sấu cổ thụ vừa thả lá và rụng xuống đất mấy hạt nước mưa còn đọng từ hồi đêm. Tĩnh lặng có chiều cao vời vợi một ngọn tháp, bỗng nhiên trở thành một tảng đá đè lên người thầy.
Chẳng lẽ đêm qua lợi dụng cơn mưa giông ầm ã, con vẹt già đã đứt xích bay đi? Nó đã bay đi! Nó đã trở về với tự nhiên, hòa nhập lại với nhiên giới, để không còn là con vẹt già quái quỷ chỉ biết học đòi những cái nhố nhăng thô lỗ, lố bịch ở đời!
"Thôi, thế là nó đã trở về với tự do và mình cũng được sống lại trong tự do, tức là được quyền sống cuộc sống nội tâm, không phải chịu một mảy may sự câu thúc nào của ngoại cảnh". Ý nghĩ có phần tự nhiên vừa như là có sự gắng gỏi của ý thức nọ, giúp thầy Thịnh vui vẻ chẳng được bao lâu. Bước qua cửa nhà ông Hoan, thầy đã nghe tiếng gọi giật của ông bạn. Ông Hoan đang từ trong nhà đi ra, tay cầm một túm lông chim xanh màu lá mạ, vẻ mặt rầu rầu khổ sở.
- Thầy xem - ông Hoan nói, môi trễ tràng buồn buồn - con mèo hoang đấy! Tôi nói có sai đâu. Mà con vẹt quả là ngu ngốc như ông nói. Nó nhại tiếng con mèo hoang là gọi kẻ thù đến ăn thịt mình. Tội nghiệp chưa.
Suốt ngày hôm đó, thầy Thịnh ngồi bên cái thống cá cảnh, trong hoài cảm mênh mang và im lặng như bầy cá cảnh. Tội nghiệp con vẹt già! Vả chăng, thầy đã quá khắt khe, thậm chí hẹp hòi, thiếu lòng khoan dung, thể tất với nó? Dẫu sao thì nó cũng chỉ là con vật đáng thương, rất đáng thương thôi. Nó đã tự hại mình mà không biết. Tội nghiệp con vẹt già! Nó thật sự chỉ là một kẻ thụ động xuẩn ngốc, một nạn nhân đáng thương thôi!
 

Xem Tiếp: ----