Mái tóc màu muối tiêu cắt ngắn tới gáy, gương mặt xanh xao, cặp kính cận dày cộm, bà Ba đã gìa cả nhưng bà còn cố giữ cho mình hình ảnh như ở trong thời xa xưa của bà.
Hơn những người khác hay không chưa thể nói chắc nhưng tiếp nối với qúa khứ của bà.
Mỗi buồi sáng trong những ngày hiện tại ở đây, bà Ba luôn ngồi trước cửa nhà, trên một chiếc ghế thấp sát đất, trước mặt cái ghế đẩu dùng làm bàn thấy một phin cà phê màu bạc và từ trong phin cà phê này, cà phê đang nhỏ từng giọt xuống đáy ly. Trong khi chờ cà phê cao dần lên trên đáy ly, bà Ba đốt một điếu thuốc " địa cầu " rồi điếu thuốc đen luôn được kẹp giữa hai ngón tay gầy guộc của bà.
Ngồi chờ cà phê, lặng lẽ hút thuốc, rồi có lúc bà Ba nói gì đó một mình, có lúc một mình chợt cười, dường như vừa đắc ý một điều gì đó.
Trong lúc bà Ba ngồi một mình như thế, trước căn nhà đối diện với căn nhà của bà, qua một lối ngõ chật hẹp, ông Sáu Đa ngồi trước những chiếc xe đạp, ông ngồi canh giữ xe đạp của những đứa trẻ đến học Anh văn.
Những đứa trẻ, chúng là học trò của cô giáo Hà, cô giáo người dưng nhưng luôn tự gọi ông Sáu Đa là " ông cố ".
Cô giáo Hà gọi ông Sáu Đa như vậy vì cần phô bày sự tôn trọng ông Sáu Đa, cô xưng hô thay cho hai đứa con của cô. Không họ hàng thân thích gì đâu, chỉ từ liên hệ ông Sáu Đa là chủ cái trái mục nát dựa sát bức tường căn nhà cô Hà, không thể ở được nữa và vợ chồng cô giáo Hà cần có mặt bằng mở rộng để làm nhà, hai bên đã nhất trí, ông Sáu Đa để cho vợ chồng cô Hà phá bỏ cái trái, xây lên một tầng lầu. Căn lầu này là chỗ để làm lớp học dạy Anh văn, một công việc hái ra tiền thời vừa mở cửa.
Vợ chồng cô giáo Hà đã đầu tư điều kiện cho lớp học và gia đình cô sinh hoạt ở phần tầng dưới còn ông Sáu Đa thu vào một góc hẹp ở phía trong cùng.
Buổi sáng hôm nay, cũng như những buối sáng vừa qua đi, ông Sáu Đa cầm trong tay một ly rượu, ông ngồi trước chỗ giữ xe, ông canh chừng những chiếc xe của những đứa trẻ đang ngồi trên lớp học.
-Vui vẻ chứ anh Sáu? Bà Ba từ bên chỗ ngồi của bà hỏi vọng sang.
Ông Sáu Đa chậm chạp, ông xoay người nhìn sang phía có tiếng hỏi, chòm râu bạc của ông lưa thưa dưới cằm, ông cố cười và với giọng khàn đục, ông vừa giơ ly rượu cầm trong tay lên cao, vừa đáp:
- Vui, rất vui. Có gì để mà buồn, bà Ba?
Ông Sáu Đa nói như thích thú xong, cả hai, thay vì tiếp tục, chợt im lặng. Rất lâu, thấy bà Ba cũng im lặng, ông Sáu Đa cất lời:
- Còn bà, bà Ba, bà có gì dzui không?
- Vui chứ, vui quá là vui, giọng bà Ba cất cao lên như hát.
Ông Sáu Đa gật gật đầu. Bàn tay nổi đầy gân xanh của ông đưa ly rượu vào sát cặp môi khô héo. Uống xong hớp rượu, tay trái ông Sáu Đa thò sâu xuống, lấy từ trong túi áo ngực, loại áo chợ trời, một hột đậu phọng. Với hạt đậu phọng này, vì đã móm mém, ông Sáu Đa nhai rất trệu trạo.
Trong khi ông Sáu Đa trệu trạo nhai hột đậu phọng, ở bên kia, bà Ba đã bỏ cái phin inox ra khỏi vòng tròn của miệng ly đựng cà phê, bà dùng một muỗng nhỏ để khuấy đường. Bàn tay của bà cũng đầy gân xanh, vòng vòng theo nhịp khuấy. Khuấy mãi, khuấy thêm nữa, rồi bà Ba bỏ muỗng lên trên mặt ghế đẩu, và bà đổ cà phê trong ly ra cái đĩa sành. Bà Ba không uống cà phê bằng ly, bà uống cà phê từ chiếc đĩa nhỏ bà dùng đặt dưới đế ly.
Uống hết một lần, bà nhắm mắt hút liên tiếp vài hơi thuốc, lại uống lần kế tiếp.
- Năm nay tôi bảy mươi tuổi rồi?, còn ông, ông Sáu ơi, ông đã hơn tám mươi, ông tám mươi mấy, chợt bà hỏi mà quên rằng hôm qua bà đã hỏi.
Ông Sáu nghễnh ngãng, ông hỏi bà Ba:
- Bà nói cái gì?, bà nói lại đi.
- Ông tám mươi mấy rồi, tám mươi mấy rồi? Bà Ba la to lên.
- À, tôi tám mươi chín. Sắp sửa chín mươi rồi, không ngờ là tôi sống lâu, thọ quá trời. Ít tội lỗi mà
- Đêm qua ông có ngủ được không, ông Sáu?
- À, chút chút, có ngủ chút chút thôi.
- Tôi không ngủ được gì cả, thức trắng suốt đêm. Phải làm sao đây, ông Sáu? Tôi sợ thức lắm.
- Lo gì, ông Sáu Đa trả lời, chúng ta sắp tới rồi mà.
- Mẹ nó, sao nó không tới cho xong đi, bà Ba vừa ôm ngực vừa nói.
Thay vì sắp sửa nói thêm gì đó, ông Sáu Đa nâng ly rượu lên môi.
Ông Sáu Đa đã tám mươi chín tuổi, những người ở xóm này không ai biết về lai lịch của ông, chỉ loáng thoáng nghe đâu ông có một thời làm đầu bếp cho chủ người Tây. Người ta chỉ nghe nói như vậy, còn các chi tiết thì không ai biết rõ.
Sống bên ông Sáu Đa bây giờ, vợ ông cũng đã hơn bảy mươi. Hai ông bà gặp nhau để nương tựa, không có con với nhau chỉ riêng bà Sáu có hai đứa con với người chồng trước. Không còn sức lực để mưu sinh, bây giờ bà Sáu ở không sau những ngaỳ đi bán vé số ế ẩm, còn ông Sáu Đa, ông giữ phần coi xe đạp cho cô giáo Hà vào những giờ có học trò của cô đến học. Quả là cơ may khi vì quá già yếu, không còn tìm được thực phẩm, chỉ còn cái trái mục nát, vậy mà bây giờ vì giá cả thị trường địa ốc bất ngời tăng vọt, vì cần thiết vừa để ở, vừa mở lớp học, gia đình cô giáo Hà đã chung sống với ông bà Sáu Đa, vợ chồng ông Sáu Đa còn được lo cho cả phần ăn uống, thuốc men.Còn có may mắn nào hơn giữa những ngày cuối cùng còn lại của hai người.
Hiện tại là như thế, còn mai đây sắp tới rồi ra sao, theo cả hai bên đều nói ra, vợ chồng cô giáo Hà sẽ lo liệu chôn cất khi ông hoặc bà Sáu Đa qua đời. Vậy là cả hai ông bà đã có được niềm mong đợi, có được hậu vận, như đã từng hy vọng. Và trong cái hậu vận này, ngày ngày ông Sáu Đa chỉ có một phần vụ ngồi canh chừng xe đạp, và thú vui của ông là mua số đề, nhâm nhi những ly rượu mà bà Sáu ngâm thuốc cho ông.
Buổi sáng sớm đã qua đi, ly rượu trong tay ông Sáu chưa cạn, và ở bên kia, bà Ba nối thêm một điếu thuốc khác. Khói thuốc màu hoa cà vờn quanh gương mặt già héo của bà Ba, đang nối nhau tan loãng.
- Trời ơi, ông Sáu ơi, con vợ thằng Hướng nhà tôi vẫn thế. Chồng thì suốt ngày hoa mắt chờ khách ở bến xe ôm, còn nó, con đĩ thúi đó, nó cứ ghi đề, bài bạc không ngớt, bà Ba trở lại với cái điệp khúc than vãn mà nhiều người trong xóm vẫn từng nghe.
Ông Sáu Đa đưa cặp mắt nheo nheo nhìn tới chỗ bà Ba vừa ném bỏ mẩu thuốc, bà nói như vậy, nhưng bà lại ngửa mặt lên và cười một mình.
Chợt ở trong khoảng sân chật hẹp kế bên chỗ học trò của cô giáo Hà để xe, bà Hai vú to vừa từ trong nhà bước ra. Vừa bước ra, chắc đã nghe thấy, bà Hai vú to gọi bà Ba và bà nói với bà Ba, giọng vui đùa:
- Thì cũng như trưa nay bà lại sai thằng Nhí đi mua bia tươi cho bà, ai cũng chịu chơi cả, nào có gì đâu...
- Mụ Hai nói cái gì, chị gây hấn với tôi phải không, chị Hai? Bà Ba lớn tiếng, nhưng rồi bà lại cười, như bà vẫn thường cười một mình.
Người mà bà Ba gọi là chị Hai có một cái miệng méo, một cơ thể xồ xề. Chị ta là goá phụ, người chồng chị để lại đàn con đang đi theo đường của cha, đều là tài xế.; Đứa con trai đầu vừa lái xe tải vừa biết luồn lách qua những kẻ hở, đang cò những cây vàng trong tay. và từ đó, nó vượt ra được cảnh mẹ nó từng ở đợ cho bọn nhà giầu. Và mẹ nó, chị Hai vú to giờ đây rất thích thú với hiện cảnh đầy đủ. Dâu bể đó, là đầy tớ con ở ngày xưa, nhưng bây giờ người đàn bà này thừa điều kiện để làm bà chủ. Và bà Hai vú to trước kia, con con, ông ông, bà bà với những người chủ, bây giờ bà bà, tao tao với những người nghèo khó cũng là chuyện thường tình. Nhưng chị ta, chị Hai vú to, trước những người gìa cả, như ông Sáu và bà Ba, chị cũng đang bị bệnh tim, đang có ý nghĩ chị sắp sửa phại bị mang ra lò thiêu hay một mồ chôn nào đó.
- Hôm nay ông Sáu ghi số bao nhiêu, ông Sáu?
Bà Ba tiếp tục câu chuyện
- Bao nhiêu hả? Đêm qua tôi nằm mơ ở xa lắc quê tôi có một con dê chết. Bao nhiêu năm mà còn thấy nó.
- Vậy là số ba lăm. Con dê ba lăm. Nhưng còn dê chết?
- Chết là hết, ghi hai con số không là trúng.
- Ghi thiếu được không? Hôm nay tôi cạn túi rồi, y như cái túi bị thủng, thủng hoài à.
- Đô la Việt kiều mới gởi về hôm trước không còn sao? Mới đây mà.
- Mới gì nữa, lại bị trộm. Tôi bị lấy cắp, trong nhà có đứa chích choác là có ăn trộm. Buồn quá ông Sáu ơi, thằng Nhí không bỏ được chích choác, vô phương rồi ông Sáu ơi.
- Ơi, ông Sáu Đa chợt đùa giỡn, rất kỳ cục với số tuổi của ông.
- Buồn quá hà! Hồi đó có ông nhà tôi, đâu buồn như bây giờ.
Câu nói của bà Ba tự nó làm cho bà thấy mọi sự xóa đi.
- Vậy thì đi tìm " chả " ấy đi, ông Sáu Đa tiếp tục đùa cợt, khuấy động vô lối.
- Xương cốt bây giờ cũng tan rã hết rồi, còn đâu nữa mà tìm, người ta nói cát bụi mà.
- Thì còn tôi đây.
- Ứ hự, không dám đâu " ông cố ". Bà Sáu sẽ xé tôi ra từng mảnh nhỏ như ông xé khô mực.
- Sao lại không dám?
- Bá Sáu đâu phải không là sư tử cái.
- Cũng sắp về chầu tổ rồi. Sợ gì nữa.
- Này, ông đừng có trù ẻo bà ấy, nghe chưa!
- Trù để phải đưa tiễn à? Tôi chỉ muốn được tiễn đưa thôi.
- Còn tôi, lúc ra đi, tôi chỉ có một mình.
- Thì bà " đi "đi, sẽ có tôi đưa tiễn.
Rồi ông trở về với bà Sáu của ông?
- Chứ còn đi đâu nữa.
- Để rồi tiễn đưa nhau?
- Đến chỗ cuối cùng, hà hà, ông Sáu Đa chợt giơ bàn tay trái lên, vuốt chòm râu bạc lưa thưa dưới cầm.
Da thịt chưa tan, nhưng gương mặt ông Sáu Đa lúc này là một khối hóp, gần như chỉ có da, lõm vào, có thể hình dung ra toàn bộ xương đầu của ông.
Ở phía sau lưng ông Sáu Đa, có tiếng dẫn đọc một câu tiếng Anh của cô giáo Hà, kế sau là những tiếng đồng thanh đọc to lên của những đứa trẻ. Ông Sáu Đa và bà Ba chợt cùng im lặng, lắng nghe. Rồi những tiếng đọc chấm dứt. Một đứa trẻ nào đó la lớn: Dì - eng, bái bai, bai. ( The End, bye bye, bye )
Dì-eng là gì, ông Sáu Đa và bà Ba không hiểu, ông và bà ở ngoài ngữ nghĩa của âm thanh vừa nghe thấy do một đứa trẻ hét lên, rồi từ trong lớp cả bầy trẻ tràn xuống, chúng ùa ra cửa dưới, vừa nói chuyện huyên thiên vừa bước vội sang chỗ để xe và từ chỗ để xe, sau khi nối nhau ra khỏi lối ngõ, chúng sẽ đạp xe theo nhiều ngã, đạp xe bằng những đôi chân hầu hết còn nhỏ yếu trên đường về với những cảnh sống khác nhau.

Xem Tiếp: ----