Từ phi trường về đến nhà cũng đã tối khuya. Chuyến đi xa công tác lần này dài hơn hai tuần, làm tôi nhớ con da diết nhớ. Ngày nào cũng gọi điện thoại về để hai mẹ con nói chuyện với nhau, vậy mà, vừa cúp điện thoại là tôi ngồi thừ người vì nhớ giọng nói thỏ thẻ ngây thơ của con bé. Khi nghe tiếng mở cửa lạch cạch, bác Tư, người giúp chăm sóc con bé mổi khi tôi đi làm xa nhà, vội đến mang hộ túi hành lý vào nhà. Bác Tư dường như hiểu ý tôi muốn hỏi gì, nên nhanh nhẹn lên tiếng trước - Cháu nó cố chờ cô về, nhưng tối quá nên thức không nổi. Tôi vừa cho cháu đi ngủ khoảng hơn nửa tiếng. Tôi nói vu vơ vài lời với bác Tư, xong rồi đi vội lên lầu. Khẽ hé mở cánh cửa và rón rén bước vào phòng của con, tôi đứng lặng nhìn con bé đang say giấc ngủ bình yên, gương mặt ngây thơ trong sáng như một thiên thần. Nhè nhẹ hôn lên trán con, và kéo tấm chăn lên đắp lại cho con, tôi vô tình tìm thấy tay bé con hãy còn nắm chiếc áo mà tôi mặc trước khi đi công tác xa. Cứ mổi lần tôi đi làm việc xa nhà là con bé lại len lén lấy chiếc áo tôi đã mặc mang về phòng giấu kỹ. Khi đêm về, bé con ôm lấy chiếc áo có hơi hớm quen thuộc của mẹ mà ngủ cho bớt nhớ. Mỉm cười, tôi lại cúi xuống hôn nhẹ lên vầng trán thơ ngây của con thêm lần nữa, rồi nhẹ nhàng kéo chiếc áo của mình ra khỏi bàn tay của con. Tôi bước từng bước chậm ra khỏi phòng. Mang chiếc áo về lại phòng ngủ của mình, tôi ngồi bó gối thu mình thật nhỏ nơi góc giường. Miên man suy nghĩ, tôi bắt gặp hình bóng của chính tôi thuở nhỏ xa xưa trong cử chỉ thương nhớ của con. Lòng tôi chùm xuống thật thấp, nghe hối hận tiếc nuối dâng tràn ngập vì tôi đã vô tình đánh mất đi một tình yêu kính quý trong đời. oOo ~~ oOo Ngày ấy, tôi là con bé tuổi đời vừa lên chín, lên mười, luôn loay hoay quấn quít bên bà Nội, không rời dù nửa bước, nên bà âu yếm gọi tôi là Mèo Con. Mèo Con của Nội hay vòi vĩnh, nũng nịu và mau nước mắt, kiến Nội càng thương chìu nhiều hơn. Mỗi năm vào mùa Vu Lan, bà đi tịnh tâm suốt một tháng dài trong chùa. Tối nào, trước khi đi ngủ, Mèo-Con cũng ôm vào lòng chiếc áo mà Nội đã mặc trước ngày đi xa, đưa chiếc áo lên ngửi hơi hớm quen thuộc của Nội, con bé nhớ bà nên thúc thít khóc mãi đến khi mòn mỏi chìm vào giấc ngủ. Có những đêm trời mùa hè Sài Gòn nóng oi bức, con bé nghe thèm từng cánh gió dịu mát từ chiếc quạt lá mà Nội vẫn hay quạt liền tay để dỗ giấc ngủ cho Mèo Con. Mèo Con thường bắt gặp ánh mắt Nội nhìn con bé đầy nét thương yêu, nhưng cũng trong ánh mắt ấy, trí óc non nớt của Mèo Con nhận biết niềm buồn lo ưu tư của Nội. Có đôi khi bà không giấu được tiếng thở dài xót xa khi Nội thấy Mèo Con ngồi một mình ở góc sân nhà, và đưa mắt buồn buồn nhìn bọn trẻ con cùng lứa tuổi trong khu xóm đang nô đùa chạy chơi trốn tìm, chơi nhảy cò cò, hoặc nhảy dây. Những khi ấy bà lại đến bên Mèo Con thủ thỉ nói chuyện với cháu, hoặc tìm sách cổ tích trẻ thơ để con bé đọc cho bà nghe. Nội dành hết tình thương chăm sóc cho Mèo Con vì bà muốn bù đắp cho điều bất hạnh thiệt thòi của con bé. Vì, khi Mèo Con khoảng hai tuổi, sau cơn bệnh sốt tê liệt, đôi chân của Mèo Con đã bị liệt rút lại, nên hoàn toàn không thể đi đứng được, và thể lực của con bé rất yếu ớt. Bà vì cháu mà cực khổ vất vả cũng quá nhiều, mỗi khi có ai chỉ bày một người bác sĩ hay, một vị thầy thuốc giỏi, thì dù xa xôi cách mấy, Nội cũng dẫn Mèo Con tìm đến để trị bệnh với hy vọng phước chủ may thầy để Mèo Con có thể được bình phục. Lần ấy, có người nói rằng ông thầy châm cứu ở tỉnh Hà Tiên rất hay, ông có thể trị lành bệnh sốt tê liệt, thế là bà dẫn cháu đi Hà Tiên, đi vô xa tít tận vùng mà phương tiện di chuyển chỉ bằng thuyền đò. Nội cõng Mèo Con trên lưng, đôi chân run run của bà bước từng bước chậm lên chiếc xuồng con đang chao đảo chòng chành. Con bé vì sợ té xuống nước nên bám lấy cổ của Nội chặt thật chặt. Khi lên được xuồng, Nội cẩn thận đặt Mèo Con ngồi xuống, rồi bà thở dốc thật mạnh vì mệt và vì bị vòng tay của Mèo Con làm nghẹt thở. Cổ của Nội bị đỏ ửng, mặt của bà bị tái xanh. Những giọt mồ hôi lấm tấm trước trán, và mồ hôi chảy dài hai bên thái dương. Nhìn Nội mà Mèo Con thấy có lỗi rất nhiều. Con bé biết Nội vì nó mà vất vã cực khổ, nên tự hứa sẽ làm bất cứ điều gì mang lại niềm vui cho Nội. Bé con ngây thơ hỏi - Nội ơi, Nội muốn con làm gì cho Nội vui? Con sẽ làm theo ý Nội. Bà mỉm cười trả lời cháu - Nội muốn con hết bệnh để con có thể vui chơi chạy nhảy tung tăng. Ngưng một lúc, vì đọc được ý nghĩ của Mèo Con, nên bà từ tốn giải thích - Con không cần phải đáp đền tình thương của Nội cho con. Tình thương của ông bà, của cha mẹ cho con cháu là điều tự nhiên. Nó như dòng nước mắt chảy xuôi, như dòng sông luân lưu ra biển rộng bao la. Trí suy nghĩ non trẻ của con bé không hiểu được hết ý của bà nói, Mèo con chỉ biết bướng bỉnh bằng giọng cương quyết - Con thì khác. Con không muốn thương ai hết. Con chỉ thương Nội thôi. Bà nhìn con bé, nước mắt hạnh phúc ứa vành mắt sâu buồn. Buổi chiều trên vịnh Hà Tiên có gió hiu hiu làm bay bay những sợi tóc bạc trắng của Nội, có nắng hoàng hôn soi rọi những nét nhăn hằn in theo tháng ngày nhọc nhằn vất vả, lẫn khổ đau, trên gương mặt hiền từ của bà. Tháng ngày dần qua, lời yêu thương cho Nội mà Mèo Con nói đã bay theo cùng mây gió của buổi chiều trên sông lạch. Mèo Con, theo năm tháng, đã là một cô thiếu nữ tuổi mơ mộng vừa lớn, có bạn bè nhóm tụ vui chơi, và có những rung động tình cảm đầu đời. Mèo Con không còn buồn mỗi khi Nội đi tịnh tâm, không còn tìm áo của Nội ôm ngủ cho bớt nhớ mỗi khi đêm vắng Nội. Thay vào đó là những vẽ vời mơ mộng tình cảm của con tim vừa lớn với lần đầu tiên biết yêu người. Mèo Con lúc ấy như cánh chim vừa biết chấp cánh bay, chim non muốn tung cánh lướt cao trong không trung mới lạ, nên cánh chim vô tình quên đi chiếc tổ nuôi dưỡng chim non khôn lớn. Theo cơn vũ bão tan tác đến trên quê hương, cuộc sống con người tù túng như bị giam lõng, mất hết tự do, và tương lai là một màu xám đen tuyệt vọng, bao người rời bỏ đất nước ra đi. Với hy vọng nền y học tân tiến xứ người có thể giúp chữa trị đôi chân tật nguyền của Mèo Con, và xã hội tự do sẽ tạo cơ hội cho Mèo Con có được một tương lai tươi sáng, nên ba mẹ quyết định cho Mèo Con đi vượt biển. Ý định này đã làm Nội khóc rất nhiều vì bà biết Mèo Con sẽ rời xa bà vĩnh viễn. Trong khi đó, Con bé bạc tình vô tâm không thể hiểu được sự đau khổ mất mát của Nội, ngược lại, Mèo Con chỉ biết mơ tưởng về một vùng trời mới lạ xa xôi đầy hứa hẹn. Trí phiêu lưu của tuổi vừa lớn mê mãi vẽ vời một viễn ảnh tương lai đẹp như mơ ước. Mèo Con ích kỷ, mãi bận dệt ước ươm mơ cho riêng mình, nên không biết được niềm đau khổ thương nhớ của Nội, khi bà biết sẽ xa cách đứa cháu mà bà yêu thương hơn cả cuộc sống của chính bà. Ngày ra đi của Mèo Con rất bất ngờ, vội vã. Sáng đó, Mèo Con vẫn đến trường như mọi ngày, nhưng ba mẹ ghé đón cô bé từ trường rồi đưa thẳng ra xe đón đi Vũng Tàu để lên đường vượt biển ngày hôm sau. Chiều đó, Nội ngồi trước cửa nhà, trông chờ hoài không thấy con bé đi học về. Mãi đến tối, ba mẹ trở về và cho bà biết Mèo Con đã ra đi. Đứa cháu đi không nói một lời từ biệt với Nội, không cho bà thêm được một vòng tay ôm yêu thương lần cuối. Nội không nhìn được khuôn mặt của Mèo Con thêm một lần nữa trong đời. Bà lặng thinh không nói gì, nước mắt chảy dài, bà dõi mắt nhìn mông lung xa xăm cuối trời. Sau hơn hai tuần lênh đênh trên biển cả, Mèo Con đã đến trại tỵ nạn. Vì không có tiền gởi điện tín khẩn gấp báo tin bình an cho gia đình biết, nên Mèo Con chỉ biết viết rất nhiều thư để nhờ những người rời trại tỵ nạn, đi định cư, gởi giúp về Việt Nam. Khi cánh thư của Mèo Con đến tay gia đình thì Nội của Mèo Con đã không còn sống trong cõi đời này nữa. Ba mẹ viết thư sang trại tỵ nạn kể lại rằng: khi con đi chẳng bao lâu thì Nội trở bệnh rất nặng, sức bà yếu dần, nhưng Nội vẫn cố nương theo từng hơi thở hao mòn mà sống vì mong chờ tin con đến được bến bờ an lành. Ba mẹ sốt ruột mong ngóng tin con hơn một tháng, nhưng vẫn không biết tin tức gì của con. Ba mẹ lo lắng, nôn nóng mong tin của con và càng thương nhớ con, thì ba mẹ lại càng thấy có lỗi với Nội nhiều hơn. Vì, khi ba mẹ quyết định cho con đi vượt biển là ba mẹ đã trực tiếp tước mất đứa cháu yêu thương nhất của bà. Vì biết sức Nội đã kiệt, vì muốn khi Nội từ trần, tâm bà được thanh thản, không vướng bận lo buồn, nên ba mẹ đã bảo em của con viết thư giả mạo là thư của con. Ba mẹ đã phải đón ông đưa thư từ trước ngõ nhà, nhờ ông ấy mang thư vào đưa tận tay cho Nội, và nói rằng đây là thư của Mèo Con từ nước ngoài gởi về. Ba mẹ đã đọc thư ấy cho Nội nghe trong nước mắt ngậm ngùi, nhưng Nội lại rất vui, nét âu lo của bà tan biến dần theo từng lời thư. Tối hai hôm sau đó, Nội qua đời, trên gương mặt bà dường như còn nụ cười an tâm ẩn hiện. Hôm nay, hơn một tuần sau khi an táng Nội xong, thì ba mẹ thật sự nhận được thư của con từ trại tỵ nạn báo tin đến bến bờ an lành. Ba mẹ đã đi viếng mộ phần của nội, cúi lạy tạ lỗi với bà, và đọc cho Nội nghe từng lời thư của con. Nguyện xin linh hồn của Nội thanh thản siêu thoát. Mèo Con đọc thư của ba mẹ mà nước mắt tuông dài, cổ nghẹn cứng không bậc ra nổi tiếng nâ’c. Niềm hối hận dâng ngập lòng, nghe ăn năn nghẹn ngào. Nước mắt khóc bao nhiêu cũng không chuộc hết tội vô tâm bất hiếu của Mèo Con. Lời kinh sám hối, dù khấn nguyện với trọn vẹn thành khẩn thiết tha, cũng không mang lại cho Mèo Con dù một giây phút ngắn ngủi của tháng ngày còn có Nội. Giây phút ngắn thôi cũng đủ để Mèo Con được một lần quỳ bên gối Nội và nói lời tạ tội, nói lời kính yêu thương nhớ, để nhìn mắt Nội bao dung tha thứ, để khóc òa bên Nội, như mỗi lần Mèo Con đã lầm lỗi khi xưa. Trại tỵ nạn những đêm mất ngủ, Mèo Con lắng nghe tiếng tâm vọng lời thương tiếc ngút ngàn. Niềm hối hận ăn năn về chít từng chiếc tang trắng ngậm ngùi lên trái tim vô tình của Mèo Con. Nước mắt khóc vì Nội kính yêu đã không còn trong cõi đời này, và nước mắt khóc cho chính Mèo Con côi cút nơi đất lạ. Hơn bao giờ hết, trong cuộc sống bơ vơ tỵ nạn, Mèo Con cảm thấy khẩn thiết cần tình thương của Nội ví như cần hơi thở cho cuộc sống. oOo ~~oOo Đêm nay, qua bao thăng trầm trôi nổi trên xứ người, tôi đã không còn là Mèo Con khi xưa. Trời khuya tĩnh lặng, tôi cảm thấy tâm tư vẫn nghẹn ngào thương tiếc tình yêu cao quý đã mất. Niềm hối hận vẫn ray rứt đầy trong trái tim tôi. Ăn năn vọng tiếng vang như dư âm ngày nào tôi đã một lần nói với Nội "Con chỉ thương Nội thôi!" Nước mắt rơi mau, tôi bậc tiếng nấc gọi "Nội ơi!.. Nội ơi" rồi oà khóc như trẻ thơ. Tâm tôi khẩn thiết thưa với Nội rằng Nội ơi, Mèo Con tầm thường nên không là dòng nước chảy ngược để tròn hiếu thảo đối với Nội. Con chỉ là một dòng nước mắt chảy xuôi. Nội ơi! Và, bây giờ Mèo Con của Nội đã là một người mẹ, và con đã hiểu được lời Nội nói "tình thương của ông bà, cha mẹ cho con cháu như dòng nước mắt chảy xuôi" Tình thương của Nội là dòng nước mát thanh khiết dịu ngọt đã nuôi dưỡng con suốt tháng ngày tuổi thơ, đã tưới mát những năm dài khó nhọc cho con lớn khôn trưởng thành. Và, bây giờ, chính dòng nước dịu ngọt chảy xuôi ấy đang nâng niu nuôi dưỡng vào đời một trẻ thơ khác, con bé cũng mang hình hài giông giống như Mèo Con của Nội khi xưa. Thưa Nội, Nội vẫn đang sống với trọn vẹn bao dung yêu thương trong tâm hồn của con. Tình thương bao dung cao quý của Nội sẽ còn mãi trong đời này, dòng nước ngọt ngào tinh kiết chảy xuôi của Nội sẽ hoài luân lưu nguồn yêu thương bao la vô bờ bến. Tôi thấy mình ngây ngô như tuổi thơ với mơ ước có được chiếc áo của Nội như có được một bảo vật vô giá. Chiếc áo mà, mổi khi nhớ Nội, tôi đã từng ấp ủ ôm vào lòng để ngửi hơi hớm của Nội, để nghe như tôi vẫn còn có Nội đang vỗ về ru êm giấc ngủ cho Mèo Con. Nội kính yêu, đêm nay, con hướng dâng lên Nội nén tâm hương thành kính của lòng con!