Ngày... tháng... năm Cò thương, Trăng trung thu đang khuyết ngoài hiên sau, một chiếc nôi nho nhỏ đung đưa giữa không trung lành lạnh. Ta ngồi đây giữa màn đêm giữa rừng sao lập lòe với bao nồi nhớ dâng tràn. Cò ơi! Thấm thoát đó thôi mà đã mười năm trôi qua rồi mi nhỉ? Trên đất khách quê người, ta đã đánh mất cái tuổi 16 trăng tròn, cái tuổi xanh lần đầu biết mơ mộng và giờ đây bóng trăng của ta chỉ còn lại là một chấm nhỏ hy vọng của những chuỗi ngày dài còn lại. Cò! Ta đã không còn là một con bé "nhà quê" với ánh mắt ngơ ngác nhìn những chiếc "ô tô khủng lồ" chạy kềnh càn trên những con đường rộng thênh thang. Ta không còn ú ớ tiếng "gà" tiếng "vịt", hoặc giựt nảy người khi bất chợt nghe ai đó gọi tên mình, và ta cũng không còn thầm nguyện làm người vô hình ở giữa đám đông. Ta đã "già", già theo ngày tháng, già trong sự suy nghĩ và già luôn cả trong từng cảm giác. Có phải mi đang cười ta không? Cười cho sự ngớ ngẩn vẫn còn trong ta hay cười "bà cụ non" mà ta đang trở thành? Cò ơi, nơi đây trong căn phòng nhỏ với bốn bức tường cô hẹp ta chôùng tay dưới cằm nhìn thời gian trôi qua, nhìn một mùa trung thu nữa đến trong cô quạnh. Trăng trung thu nơi đây thật đẹp nhưng sao không làm cho ta cảm giác được sự ấm áp, ta không tìm được chị hằng và chú cuội đuổi bắt nhau dưới bóng cây đa, phải chăng trăng nơi đây không có đủ sức quyến rủ ta? Hay vì trăng nơi đây thiếu vắng bóng mi? Ta còn nhớ lúc bé, ta và mi nằm gác cẳng chéo trên mảnh chiếu manh trải dài ngoài sân. Hai đứa ngắm ánh trăng tròn mà đố nhau, "Trăng làm sao có ở trên trờỉ" Đứa thì bảo đó là quả banh bị đá lên trời, đứa thì nói đó là khoảng trời bị lủng lổ. Đứa nào cũng cho rằng mình đúng. Nghĩ lại cái thời đó mình thật ngây thơ thật ngớ ngẩn phải không mi? Cò thương, càng nghĩ ta lại càng nhớ mi quá. Ta nhớ con hẻm nhỏ với bóng cây bông giấy là là mặt đất. Ta nhớ cái bím đuôi rùa nho nhỏ ta đã để lại sau lưng khi chuyến bay vô tình nào đó đưa ta về phương trời xa lạ này. Ta nhớ những bước chân tung tăng của một con bé 7 tuổi đi đón trung thu với Mẹ tay cầm chiếc lồng đèn con thỏ trắng. Cô bé ấy thật hồn nhiên và vô tư. Ôi! sao ta nhớ, ta nhớ quá đi thôi. Ngày... tháng... năm... Cò nhớ... Ánh trăng trung thu hôm nay tròn và sáng như một cái đĩa pha lê. Một quả bóng lơ lửng trên trời, nó đang ánh lên mặt biển một màu bạc lung linh huyền huyền ảo ảo. Xa xa có mấy tốp người đốt lửa trại, ngồi tụm năm tụm bảy, lâu lâu có tiếng cười giòn vang lên giữa không trung lạnh lẽo. Còn ta, ta ngồi thu hẹp dưới chiếc áo ấm trên bãi cát nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ, nhìn ngọn đèn hải đăng lờ mờ soi đường cho những con tàu ngoài khơi. Dõi mắt về cuối chân trời, tâm hồn ta mong ước sao có thể bay về góc trời Sàigòn nhỏ nhoi thân thương ấy, nơi có mi, có tuổi thơ sót lại sau lưng. Cò ơi, mi có biết không cứ mỗi lần đến dịp trung thu ta lại nhớ đến mi, nhìn lại những chuổi ngày trôi qua, nhớ lại những gì ấu thơ ta đã mất mà ta thấy tiếc hùi hụi. Mười năm trôi qua ở phương này ta vẫn không tìm được sự ấm áp, nét dịu dàng, khoảng trời vô tư của thuở nào còn ở quê nhà. Nơi đây, đêm trung thu cũng chỉ là một đêm có trăng mà lẽ thường phải có của tạo hóa. Nơi đây, mọi việc đều chạy đua với thời gian, con người chạy theo từng miếng cơm manh áo của riêng mình cho nên có lắm lúc họ quên luôn cả chính họ, quên cả những người xung quanh. Nói một cách khác là lắm người cũng không có thời gian cho riêng cá nhân họ thì thử hỏi làm sao có thời gian với ai nữa. Cũng như ta vậy, sáng ra đã lon ton lo chạy vào trường nghe thầy giảng bài, trưa đến ngồi trong căn tin mở cơm hộp ra nhấm nháp cho qua cơn đói, rồi lại tiếp tục quần quật theo bài giảng mãi đến chiều mới về đến nhà. Bữa cơm đêm đạm bạc ở nhà chung với Ba Mẹ đôi lúc cũng thưa thớt dần. Lắm lúc ta nhìn những sợi tóc bạc trên đầu Mẹ, những nếp nhăn hằn sâu trên trán Ba, mà ta xót xa khôn tả. Ta buồn lắm mi à! Ta lại nghĩ đến mi. Giờ này ở phương trời xa xôi đó mi đang làm gì, thế giới nhỏ nhoi của mi ra sao? Trung thu bên quê nhà có vui không mi? Mi có đang cùng ai đó dạo những bước thơ mộng đón trăng hay mi đang bận bịu với gánh hàng rau ngày nào. Thức khuya dậy sớm rửa sạch và bó lại thành từng cụm rau thơm, xếp theo hàng từng bẹ bạc hà xanh tươi đợi đến lúc chào hàng? Hay là mi đang ngồi trên chiếc ghế đẩu quệt từng muỗng me vào những túi nhỏ? Cũng có thể mi đang ru một chú bé bụ bẩm ngủ trong chiếc võng kẽo kẹt với bài ầu ơ ngày nào mi hát cho ta nghe. Đôi tay xinh xắn của mi giờ chắc cũng đã thay thế cho một đôi tay gầy guộc rám nắng. Tuổi đời của mi có khác ta là bao mà chỉ vì hoàn cảnh đẩy đưa mỗi đứa mỗi ngả. Ta và mi đều thiếu thốn một cái gì đó, ta thiếu cái nét quê hương đầm ấm đậm đà. Với mi, mi như cóc con ngồi trong giếng nước eo hẹp. Hai thế giới khác nhau, hai khoảng trời xa lạ. Cò ơi! Sao ta ước ao hai phương trời xa cách của chúng mình chỉ là một. Một quê hương, một thế giới đầy ấp với tình thương san sẻ cho nhau từng nổi âu lo từng nụ cười. Một khoảng trời mênh mông cho cóc con vui nhảy. Biết ngày nào mới có được hở mi? Cò, dẫu sao đi nữa ta vẫn còn có mi, có những kỷ niệm đầu đời ngây thơ. Con đườøng Trần Hưng Đạo với làn gió thoảng bờ tóc, vòng bánh xe của tuổi mười bốn khờ khạo. Tất cả và tất cả luôn sống mãi trong ta, sống trong từng giấc ngủ, từng ánh dương đón một ngày mai bắt đầu. Ánh trăng đêm nay hay ánh trăng sau này vẫn mãi mãi là ánh trăng ngày xưa của ta và mi. Dù cho hoàn cảnh, thế giới có thay đổi theo vòng xoay của trái đất, kỷ niệm nào vẫn luôn và mãi là kỷ niệm đẹp nhất của ta. Còn ta, ta vẫn là con bé với cái đuôi rùa nho nhỏ của mi mà phải không cò? Nhắm mắt lại ta ru ta vào giấc mộng có ánh trăng, có mi cùng khoảng trời thơ dại. Ngủ ngon nhé mi, ngủ ngon nhé ngày hôm qua nồng ấm, ngủ ngon nhé những buồn phiền ngày hôm nay xa xứ, để đường đón một ngày mai bắt đầu. Sài Gòn ngày... tháng... năm L. thương! Cò đang làm bếp thì mẹ đem vào cho Cò một phong thư mà mới thoáng nhìn qua Cò đã biết thư của ai rồi. L biết tại sao không? Cái bì thư đã cho Cò biết nó từ nơi nào đến. L ơi, Lá thư viết trên giấy "note-book" có hàng chữ trên góc phải, và những sọc tím tím chạy ngang. Cò nhận thư L trong nỗi vui không thể tả, nhưng đọc thư L trong nỗi nhớ mông mênh, trong nỗi lòng cô quạnh buồn đau cho thân phận của chính mình. Đã lâu lắm rồi Cò không có thì giờ để nghĩ đến bản thân, nghĩ đến niềm vui hoặc nỗi buồn. Điều này thật đơn giản vì nó hòa trong những nỗi đau chung. Làm gì có nỗi đau riêng cho mình khi toàn thể những con người sống quanh ta quằn quại còn hơn cảnh âm ty, địa ngục. Đã lâu lắm rồi có thể là hơn 5 năm qua rồi Cò không còn thì giờ nghỉ ngơi vui chơi thì làm gì có thời gian ngồi đó để buồn. Nói thật nhé, L còn thì giờ để ngồi nhìn con trăng rồi phân biệt ánh trăng vàng, trăng trắng, trăng buồn trăng vui có nghĩa là L còn may chán. Bãi biển, chiếc nôi, con trăng lành lạnh và cái tuổi 16 của chúng ta!!! Nói ra làm đau lòng, nhưng tuổi 16 nó đã qua rồi không còn một chút vết tích nào sót lại. Tuổi 16? L. ơi, nếu không có bức thư này làm sao Cò biết chúng ta đã có tuổi 16 mộng mơ. Tuổi 16 hẹn hò? Tù ngày L bỏ lại Cò nơi đây thì Cò coi như mình là một xác chết biết đi, là bóng ma trong nghĩa trang ngày Rằm tháng Bảỵ Không phải Cò nói quá để cầu xin lòng thương nơi bạn bè, nơi L... không! Không bao giờ có như thế đâu. L viết: "Trăng trung thu nơi đây (ở Mỹ) thật đẹp nhưng sao không làm cho ta cảm giác được sự ấm áp, ta không tìm được chị hằng và chú cuội đuổi bắt nhau dưới bóng cây đa, phải chăng trăng nơi đây không có đủ sức quyến rủ ta? Hay vì trăng nơi đây thiếu vắng bóng mi?..." Xin cảm ơn trái tim và tình nghĩa bạn bè. L đã nhắc và nhớ đến Cò. L mến, Trăng bên đó? Trăng bên nầy. Trăng có Hằng Nga và chú Cuội. Hết rồi thời hoa mộng đã đi qua. Trăng của Cò bây giờ thay cho ánh điện, Trăng bây giờ là nhắc nhở một tháng đã trôi qua. Đêm này chạy chợ hàng khuya đi về qua con ngõ nhỏ, ánh trăng đổ bóng của mình thì Cò mới biết "À! một tháng đã qua." Đời sống bận rộn vì miếng cơm manh áo, không có cả thì giờ nhìn tấm lịch treo tường... và thực tế có đôi khi quên cả bóc tờ lịch mới. Lịch để mà chỉ để coi ngày lành tháng tốt à? Hay để coi bao nhiêu lâu sẽ đến ngày chủ nhâït? L mi có nhớ không? Ngày chúng ta còn cắp sách đến trường, hai đứa mình thường tranh nhau bóc lịch dể mau chóng đến ngày chủ nhật, mau chóng đến ngày hè... còn bây giờ ngày nào chẳng là ngày, có khi lại ngày Rằm tốn thêm trong bữa ăn vài ba miếng tàu hủ chiên cho bà Nội ăn chay. Nói ra càng thêm tội L ơi, một nồi, một mâm dễ nấu hơn. Ngày... tháng... năm L, nhớ Mi ngồi trong bốn bức tuờng để nhìn thời gian trôi qua... nhìn tuổi thơ trôi qua rồi mi nhớ? Sướng nhỉ Mi đừng trách ta hay nói mỉa mai. Ta nói thật với mi bằng tất cả tấm lòng của một người bạn thưở ấu thời. Còn nhớ có lần ta dấu mi chuyện gì đó, mi khóc và giận ta suốt buổi... từ đó ta có hứa sẽ không bao giờ dấu mi điều chi. Mi có nhớ không... con nhỏ có tóc đuôi rùa. Ta cũng thương nhớ mi vô hạn. Ta làm sao quên đươc cái đuôi rùa củn cởn lắc qua lắc lại khi hai đưa nhảy lò cò. Ừa, con hẻm nhỏ ta đi qua đi lại hàng ngày mà hình như nó không có đó... bây giờ mi nhắc ta mới nhớ. Nó vẫn vậy, vẫn có giàn hoa giấy ra hoa mỗi độ hè về, còn cây hoa sứ của nhà ông bà cụ đã bị đốn, con đường hẻm đoạn từ ngoài lộ vào đã bị giải tỏa làm đường... mấy bà bán nước mía, cóc ổi, xoài xanh ngâm cam thảo, bò bía đã bị đuổi qua bên kia đường gần nhà lồng chợ mà hình như có mấy người đã ra đi... đi vào nơi chốn bình yên ở cõi vĩnh hằng. Tất cả hầu như có đổi thay, chớ không như ngày chúng ta mới lớn. Cuộc sống có khác hơn xưa nhưng chưa khá hơn chút nào. Mẹ ta vẫn muốn cho ta đi học (Nhưng ta biết thủ tục đầu tiên chưa cho phép-Tiền đâu đi học hở mi.) Những chuyện mi kể về đời sống bên Mỹ ta có nghe nhiều người kể... có thể họ cường điệu, hoặc. bi thảm hóa... hoặc làm cho câu chuyện thêm nhiều màu sắc khác thường... nhưng tựu trung ta vẫn biết là nó có nhiều khó khăn. Mi kể "Nơi đây, mọi việc đều chạy đua với thời gian, con người chạy theo từng miếng cơm manh áo của riêng mình cho nên có lắm lúc họ quên luôn cả chính họ, quên cả những người xung quanh. Nói một cách khác là lắm người cũng không có thời gian cho riêng cá nhân họ thì thử hỏi làm sao có thời gian với ai nữa. Người ta bên đó chạy theo thời gian đôi khi không có thì giờ nghĩ đến bản thân. Nghe câu nói ta chợt nghĩ đến thân phận của ta và của bà con ở quanh ta. Đau lòng mà nói thật với mi rằng "Thà cho ta bận rộn nhưng ta chắc một điều là cuối tháng mang về một ít tiền giúp mẹ giúp cha... còn hơn tíu tít như chim chuyền cành, lăng xăng như con gà mắc đẻ... mắt trước mắt sau như thằng ăn trộm... một nắng hai sương bỏ quên thời hoa mộng tuổi thơ... để cuối một ngày không chắc gì có miếng cơm ăn." Ta muốn nói, muốn chia xẻ với mi một thực tế đáng buồn trong một thực tại đáng nguyền rủa, một hiện trạng đang xảy ra hàng ngày nơi đây-trên vùng đất gọi là... quê hương của chúng mình. Ngày... tháng... năm. L thật yêu thương của Cò, Ta nhớ mi thật nhiều. Ta thương mi như ta thương chính bản thân ta. Nhưng cuộc đời thì vẫn vô tình, và môi trường ta đang sống rất khắc nghiệt. L ơi, ta phải tranh thủ từng ngày; ta phải vận dụng óc sáng tạo từng giây để ứng phó với cuộc sống chạy đua từng phút cho nên ta có đôi khi không còn nhớ đến mi. Mi có tha lỗi cho ta không? Mi có cảm thông cho ta không? Mỹ và Việt cách nhau một đại dương mênh mông, nhưng tấm lòng ta đối với mi không bao ngăn cách. Ta vẫn mong cho mi học thành tài. Ta cầu nguyện chư thần, chư thánh, chư Phật... phù hộ độ trì cho mi và gia đình bên đó bình an. Mái tóc Mẹ ta đã có một vài chòm bạc, trán của cha đã hằn mấy vết cắt của thời gian. Song thân sẽ ra đi một ngày nào đó. Ta chúc mi mau chóng trưởng thành, và ta mong ước có một ngày mi quay trở lại vùng trời yêu dấu của chúng ta. L ơi, Cò thương mến trao L những gì nồng ấm, chúc mi ngủ thật ngon đêm nay. Mặt Trăng tuổi thơ dù đã qua đi nhưng trong ta vẫn còn nhiều dấu ái. Ta hy vọng ngày mai, một ngày mai với ánh bình minh và mọi sự sẽ bắt đầu tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Cò Phượng Linh - Việt Điểu