Liên Đăng sai quân đi dọ thám, biết Lưu Khuê Bích chỉ bị giam cầm chứ không đến nỗi nguy hại đến tánh mạng, nên yên trí rút quân về, thuật hết mọi việc cho vua Thành Tôn nghe và trách Lưu Khuê Bích vì không nghe qua lời can gián của mình nên mới trúng nhằm mưu kế. Vua Thành Tôn nghe qua nửa sợ nửa giận, còn Lưu Tiệp thì khóc ròng, vập đầu trước bệ tâu: - Bởi tiện nhi hết lòng vì nước nên bị bắt, xin bệ hạ kíp sai một viên thượng tướng đem binh đến để cứu hắn và bắt hết bọn Vệ Dõng Đạt cùng Doãn Phu nhơn đem về kinh hành quyết cho rồi! Vua Thành Tôn gật đầu phán: - Phải đấy, bọn cường khấu này dám cả gan bắt Lưu Quốc cựu là một vị mạng quan của triều đình, ta phải phát binh đi tiễu trừ gấp mới được. Vua Thành Tôn vừa dứt lời, xảy thấy hữu Thừa tướng là Kỳ Thạnh Đức và Lương Giám bước ra quì tâu: - Xin bệ hạ chớ vội phát binh đi đánh Xuy Đài sơn, vì hiện nay giặc Phiên đang đánh phá Đăng Châu gắt lắm, quan Trấn Uy là Dương Bỉnh Nghĩa đã bị luôn mấy trận, nếu bây giờ ta cử binh đi đánh Xuy Đài sơn, thế nào Vệ Dõng Đạt túng thế phải đầu hàng binh Phiên. Bấy giờ ta phải đương đầu với hai thứ giặc: nội chiến lẫn ngoại xâm thì bất lợi cho ta lắm. Vua Thành Tôn nói: - Hai khanh nói cũng có lý, song nay Lưu Quốc cựu bị bắt, không biết rồi đây sống thác lẽ nào, nếu không cứu gấp, làm sao trẫm an tâm được? Hai vị Thừa tướng đồng tâu: - Hiện nay vợ con Hoàng Phủ Kính có mặt tại Xuy Đài sơn, nếu Vệ Dõng Đạt có ra tay sát hại Lưu Quốc cựu sẽ có hai người ấy cản ngăn, chắc không hề chi đâu, xin bệ hạ chớ lo ngại. Vua Thành Tôn nghe nói chí lý, liền quay qua nói với Lưu Tiệp: - Quốc trượng hãy yên chí, đợi khi nào dẹp xong giặc Phiên, trẫm sẽ phát binh đi cứu Quốc cựu về cho. Lưu Tiệp lòng đầy lo ngại, nhưng bất đắc dĩ phải vâng lời. Rồi vua Thành Tôn tuyên bố bãi chầu, các quan ai về dinh nấy. Lúc ấy Lệ Minh Đường hay tin Lưu Khuê Bích bị bắt nên lòng lo ngại, vì hiện thời Doãn Phu nhơn đang có mặt ở Xuy Đài sơn, nếu triều đình cử đại binh đến thì nguy tai, lại có hại cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa sau này. Vinh Phát trông thấy Lệ Minh Đường lộ vẻ lo âu nên lên tiếng khuyên giải: - Tiểu thơ chớ nên lo lắng lắm mà hao tổn tinh thần, vì lẽ mọi việc ở đời đều do sự xếp đặt của hóa công, vậy nên bổn phận của tiểu thơ ngày ngày là nên lập chí cầu cho được công danh, mới hòng gỡ được nỗi oan tình trước kia. Lệ Minh Đường nghe lời can gián phải lẽ, nên cũng nguôi bớt nỗi ưu phiền. Ngày kia, nhằm ngày mười sáu tháng hai, vua Thành Tôn lâm triều, có quan Lễ bộ Thượng thơ là Khổng Thông bước ra quì tâu: - Năm nay đã đến kỳ hội thi, hiện cử tử bốn phương đã tề tựu về kinh đông lắm, vậy xin bệ hạ hãy chọn khảo quan đặng mở hội. Vua Thành Tôn vội cử quan hữu Thừa tướng là Lương Giám làm chủ khảo còn quan Lễ bộ Thị lang là Văn Minh Viễn làm phó chủ khảo. Hai người lãnh chỉ tạ ơn lui ra. Lương Giám về nhà thuật lại với vợ là Cảnh Phu nhơn: - Vừa rồi, Thánh thượng giao phó tôi làm chánh chủ khảo khoa thi hội năm nay. Cảnh Phu nhơn nghe nói mừng lắm, Tố Hoa cũng chạy ra chúc mừng, rồi truyền cho gia nhơn sửa soạn hành trang đặng cho Lương Giám cùng với khảo quan khác đến trường thi. Nhắc qua Lệ Minh Đường cùng vào thi hội kỳ này. Khi treo bảng, thấy Lệ Minh Đường đỗ Giải nguyên, còn Ngô Đạo Am thì đỗ hạng ba mươi ba. Thấy mình được đỗ cao, Lệ Minh Đường nghĩ thầm: “Nếu vậy thì trời cũng chiều ta đấy, có lẽ ta báo thù cho nhà họ Hoàng Phủ đặng cũng nên”. Du Trí Văn cũng mừng rỡ khôn cùng, vì ông ta cũng được hân hạnh có hai người học trò ở đậu nhà mình đều đậu cả. Khi xuất bảng rồi, Lương Giám giở ra xem danh tánh mới hay ông Giải nguyên mới có mười bảy tuổi chưa có vợ, nên thầm nghĩ: “Người này mới mười bảy tuổi mà đỗ Giải nguyên quả là một bậc kỳ tài trong thiên hạ, nếu diện mạo người không đến nỗi xấu xa cho lắm thì ta quyết gả con ta cho người”. Lương Giám vừa nghĩ đến đây, xảy thấy có gia tướng vào báo: - Có quan Giải nguyên đến xin vào yết kiến. Lương Giám truyền lịnh cho mời vào, vừa trông thấy Lệ Minh Đường diện mạo phi phàm, ôi chao, miệng ông Giải nguyên cười tươi như hoa nở. Lệ Minh Đường quì lạy và thưa: - Tôi tài sơ học thiển nhờ có ân sư giúp đỡ nên mới đựoc như ngày nay. Sau khi truyền cho gia nhơn bảo đem trà lên mời uống, Lương Giám nói: - Tôi không ngờ ông Giải nguyên tuổi còn quá trẻ mà văn chương đã lỗi lạc như vậy, có lẽ kiếp trước đã tích đức tu nhơn dày công nên ngày nay mới được hưởng phúc nhất trần gian. Lệ Minh Đường khiêm nhường nói: - Thưa Thừa tướng, tiên thế và gia phụ tôi đều không có khoa bảng gì cả, chỉ chuyên nghề ruộng vườn mà thôi. Tôi lớn lên nhờ nghĩa phụ Khương Nhược Sơn ở Hồ Quảng lo lắng dạy dỗ cho nên mới có kết quả như ngày nay. Lương Giám nghe qua lấy làm lạ hỏi: - Tại sao tổ phụ là người rẫy bái quê mùa, lại có con cháu tài năng xuất chúng đến thế? Quả là bạch ốc xuất công khanh, thật là đáng khen, nhưng chẳng hay tại sao Giải nguyên đã đến tuổi này mà chưa cưới vợ? Lệ Minh Đường đáp xuôi: - Chỉ vì tôi còn nhỏ tuổi, hơn nữa công danh chưa thành đạt nên chưa dám tính đến việc hôn nhơn. Lương Giám nghe nói càng khen ngợi, lão căn dặn: - Đến kỳ thi đình này, ngươi nên cố gắng có lẽ đoạt được Giải nguyên đấy. Lệ Minh Đường hầu chuyện hồi lâu rồi cáo lỗi xin về. Hôm sau Lương Giám và các quan giám khảo đem các bài thi vào trào cho vua Thành Tôn xem. Vua xem qua quyển văn của Lệ Minh Đường lớn tiếng khen không ngớt. Vua ban thưởng cho Lương Giám và khảo quan đã có công khám xét kỹ lưỡng. Các quan cúi đầu lạy tạ lui ra ai về dinh nấy. Hôm sau, đến kỳ thi đình Lệ Minh Đường phục sức chỉnh tề nổi bật hơn cả mọi người, thoạt trông thấy vua đã có lòng mến yêu. Riêng Lương Giám đã đoán chắc thế nào Lệ Minh Đường cũng đoạt được khôi nguyên, nên ông ta đã bàn với vợ mình là Cảnh Phu nhơn rằng: - Nếu con gái mình mà kết duyên được với Lệ Minh Đường thì thật là hữu phước vậy. Cảnh Phu nhơn nói: - Nếu vậy thì thế nào cũng phải mời gã vào cho tôi diện kiến mới được. Lương Giám đáp: - Thế nào đến ngày mùng ba tháng tư này ta cũng sẽ lập một huê lầu nơi trước phủ để bày cách gieo cầu cho tiểu thơ bói hôi. Được như vậy, thế nào chàng ta cũng đến đây, chứ nếu mời một cách đường đột, thế nào cũng bị chàng từ chối. Cảnh Phu nhơn mỉm cười đáp: - Phu quân dùng cách đó e bất tiện chăng? Vả chăng hôn nhân là việc cần phải có sự chấp nhận cả đôi bên mới được chớ. Lương Giám mỉm cười đáp: - Cần gì? Miễn là ta chọn được một người rể lý tưởng là được rồi. Mấy hôm sau, Tố Hoa thấy cha mình mướn thợ đến lập huê lầu trước cửa phủ thì hỏi Cảnh Phu nhơn: - Họ lập huê lầu làm gì đó hở mẹ? Cảnh Phu nhơn nhìn đứa con yêu dấu của mình mỉm cười đáp: - Con không biết ư? Con hãy lo sửa soạn thêu gối kết hôn thì vừa. Tố Hoa mặt đỏ bừng bẽn lẽn đáp: - Sao nghĩa mẫu lại nói vậy? Cảnh Phu nhơn thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho Tố Hoa nghe. Nghe xong, Tố Hoa biến sắc mặt, nàng nghĩ: “Trước đây ta cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa thề non hẹn biển, thế mà hôm nay nghĩa mẫu ta vô tình đã tính việc trăm năm cho mình, nhưng trách thay sao nghĩa mẫu ta lại không báo trước cho ta biết?”. Nghĩ rồi, nàng khóc nức nở nói: - Công ơn lão gia dưỡng dục bấy lâu, con chưa đền đáp được việc gì, như vậy con nhất định không đi lấy chồng đâu. Cảnh Phu nhơn nói: - Con nói sao lạ vậy? Gái lớn lên là phải lấy chồng, không lẽ ở vậy hoài với cha mẹ sao? Vả lại ta kén chọn rể là người có tài mạo kiêm toàn, cũng là bậc công hầu khanh tướng, con không bằng lòng ư? Tố Hoa nói: - Thà con liều chết chứ con không chịu đâu. Cảnh Phu nhơn không biết khuyên giải cách nào cho được, bà mặc cho nàng ngồi khóc nức nở, lui ra ngoài lập cách khuyên giải. Tố Hoa ngồi một mình khóc thầm: “Ta đã nguyện với lòng như vậy, không biết hôm nay có giữ được danh tiết nữa hay không?”. Hôm sau Lương Giám nói với vợ: - Bà đã lo liệu gì chưa? Ngày mai đây đã đến ngày gieo cầu kén rể rồi. Cảnh Phu nhơn bèn thuật lại: - Không hiểu tại sao con Tố Hoa một mực không chịu, cứ khóc lóc mãi. Lương Giám thản nhiên nói: - Phu nhơn đừng bận tâm đến việc ấy. Phàm con gái có chồng e lệ là thường, tôi tin chắc hễ cho hắn gặp Lệ Minh Đường, thế nào cũng bằng lòng ngay. Cảnh Phu nhơn đáp: - Tôi biết tánh tình nó khẳng khái lắm. Nếu áp bức, tôi e nó liều chết, biết liệu làm sao? Lương Giám đáp: - Bà hãy tin theo ý tôi đi, nếu có việc chi thì lúc ấy hãy lo liệu sau. Cảnh Phu nhơn nghe nói cũng an lòng. Một mình Tố Hoa ngồi trong thư phòng, ý nghĩ quyên sinh cứ lởn vởn trong đầu óc nàng, sau những con nức nở thầm trách duyên phận mình trắc trở, nàng ngủ mê đi lúc nào không hay. Nàng nằm chiêm bao thấy một ông già tóc bạc phơ, tay chống gậy tre ung dung bước vào phòng nàng. Tố Hoa lấy làm bất bình la lớn: - Hãy bước ra mau! Đây là chỗ thư phòng của đàn bà con gái, ông vào đây làm gì? Ông già mỉm cười đáp: - Tô Yến Tuyết! Con có biết ta đây là ai không? Ta đây chính là Nguyệt Hiệp lão nhơn, vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế coi việc nhơn duyên cho trần gian, ta nói cho con biết rõ, số con có ba lần động phòng hoa chúc, lần này là lần thứ hai, đó là tiền định, nhưng không có điều chi hại đến tiết trinh của con đâu. Chớ liều mình uổng mạng con nhé! Nói đến đây, ông lên tiếng ngâm một bài thơ như sau: “Mạc tu điêu trướng ngộ lương thần, “Tức nhựt trang đài vọng cố nhân. “Tịch thế lương duyên chung hội hiệp. “Tam phiên huê chúc thỏa vi chân. Ngâm xong, ông ta còn dặn thêm: - Con hãy nhớ kỹ bốn câu thơ ấy, sẽ có ứng nghiệm sau này về số phận của suốt đời con. Nói xong, ông ta vói tay chộp lấy Tố Hoa, khiến nàng hoảng hốt dựt mình tỉnh dậy trong niềm xao xuyến lo âu. Nàng thầm nhủ: “Không biết giấc mộng có thể biến thành sự thật hay không? À, thì duyên nợ định mệnh của mình đã như thế, không biết ta có gặp được người yêu hay không?” Bỗng một tia hy bọng hiện lên trong lòng nàng vì nàng nghĩ rằng: chắc ngày mai Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng có đến dự cuộc kén rể của cha nàng chăng? Rồi những ý tưởng khác lại kéo đến như những đám mây đen, nàng cảm tưởng ngày mai là một ngày đen tối, nàng tự nhủ: “Thôi! Ta cũng liều nhắm mắt đưa chân, mặc cho số mệnh đẩy đưa”. Nghĩ vậy, nàng cảm thấy đỡ xót thương cho thân phận mình ngày nào. Rồi nàng lại nghĩ: “Biết đâu ngày mai này ta lại chẳng gieo cầu vào Hoàng Phủ Thiếu Hoa, rồi ta cùng chàng lại kết duyên cầm sắt cho bõ những ngày ước mơ”. Nghĩ đến đây, nàng sung sướng vô cùng, quyết tâm chờ đợi đến giờ phút ấy. Lời Bình: - Thời phong kiến còn cho đàn bà là hạng trí lự thiển cận không làm chi nên chuyện, họ là đồ chơi của đàn ông để rồi sanh con đẻ cái, nâng khăn đỡ trắp cho đấng lang quân. Họ có nhiệm vụ nấp kín trong phòng the để thủ tiết thờ chồng. Cái quan niệm khinh miệt đầy áp bức ấy đã làm cho bao người phẫn nộ. Tác giả Tái sanh duyên đây cũng cương quyết đá đổ quan niệm ấy, nên đã đưa cô gái Mạnh Lệ Quân ra ngoài đời bằng cách cải dạng nam trang và cho người ta thấy tài năng của nữ giới. Đây quả là một tư tưởng cách mạng thời bấy giờ. Thật đáng khen vậy. - Phàm con người có một trái tim, tất nhiên chỉ yêu một người mà thôi mới gọi là tình yêu thiêng liêng và cao thượng. Những cô gái như Mạnh Lệ Quân, Tô Yến Tuyết lớn lên, họ có quyền yêu một người mà họ cho là hợp với tư tưởng họ. Một khi họ đã yêu rồi thì không một hoàn cảnh nào khiến họ thay lòng đổi dạ. Cái gương tình cao cả ấy trải qua bao nhiêu thế hệ, tưởng không thể không phủ nhận được. Đàn bà họ cao thượng như vậy, tại sao đàn ông bao nhiêu vợ cũng được? Ôi! Quả là một việc bất công và thấp hèn. Đọc đến đây chắc độc giả không ai là không phản đối quan niệm đa thê này!