Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn
Dâng biểu, Vương Thiếu Phủ minh oan.
Cơ mưu Nguyên thành hầu bại lộ

Hôm sau, chư tướng vào bái yết Hoàng Phủ Kính, rồi sắp hàng đứng hai bên, đoạn Hoàng Phủ Kính, Trưởng Hoa Tiểu thơ cùng Vương Thiếu Phủ bước đến cúi lạy Vệ Dõng Đạt và nói:
- Tướng quân đã ra ơn cứu tử phu nhơn và tiểu thơ, vậy nay chúng tôi xin bái tạ cái ơn cao dày ấy.
Cha con Vệ Hoán lật đật quỳ xuống, thưa:
- Chúng tôi là gia quyến của Nguyên soái cùng chung một hoàn cảnh, tất nhiên phải giúp đỡ lẫn nhau. Nếu nay chúng tôi đứng ra nhận lễ, chẳng là đắc tội lắm sao?
Sau đó, Hoàng Phủ Kính quay qua nói với Hùng Hiệu:
- Tướng quân đã khinh tài trọng nghĩa, hết lòng cứu giúp tiện nhi, lại dìu dắt tiện nhi tầm tiên học đạo, nên ngày nay mới lập đặng công nghiệp như vầy. Bây giờ cho con tôi được gặp gỡ, tướng quân thì vợ chồng phải sớm chia lìa. Cái ơn như trời biển ấy, cha con tôi xin lạy tạ.
Nói rồi cúi xuống lạy liền, Hùng Hiệu lúng túng không biết liệu sao, nên vội vã thụp lạy và thưa:
- Ấy chẳng qua là do nơi lòng trung hiếu của nhà Hoàng Phủ động lòng đến lòng trời, nên được trời kia ủng hộ lập đặng công nghiệp vĩ đại, khiến chúng tôi cũng được dự phần vinh diệu, chớ nào tôi có thi thố được ân đức chi đâu!
Rồi Trưởng Hoa lui vào trong, Hoàng Phủ Kính bèn truyền quân dọn tiệc cùng với chư tướng ăn uống. Hoàng Phủ Kính định qua đến ngày thứ năm thì thâu quân trở về triều. Chư tướng nghe nói mừng rỡ, uống rược với nhau mãi đến chiều tối mới tan.
Hoàng Phủ Kính thảo một tờ biểu ban sư, còn Vương Thiếu Phủ cùng Trưởng Hoa thì viết một tờ biểu minh oan có kèm theo tờ cung trạng của Lưu Khuê Bích và bức phản thư của Lưu Tiệp, đồng thời Vương Thiếu Phủ viết một bức thư riêng gởi cho Lệ Minh Đường, thuật rõ tình hình đánh Phiên và bắt được phản thư của Lưu Tiệp.
Hôm ấy, Vương Thiếu Phủ gọi Hùng Hiệu vào dặn:
- Tướng quân hãy lựa một chiếc thuyền và tuyển lựa ít tên thủy thủ lực lượng, lãnh mấy bức tiểu thư này cho Lệ ân sư ta, rồi mới vào triều dâng biểu lên Thiên tử bắt bọn Lưu Tiệp trị tội. Tướng quân phải đi cho nhanh và nên cẩn thận nhé!
Hùng Hiệu vâng lịnh mang biểu văn xuống thuyền thẳng xông.
Mấy hôm sau đã đến kỳ ban sư, Thần Võ Đạo nhơn cùng Đan Sơn Uyên dắt nhau đến tiễn biệt. Quân Nguyên đốt ba tiếng pháo vang trời rồi trương buồm lên, nhắm Trung Nguyên thẳng tiến.
Thần Võ Đạo nhơn nói với Đan Sơn Uyên:
- Bây giờ mọi việc đã yên, bần đạo xin lui về non tu k luyện, không thể đến nước Phiên nữa, vậy phò mã hãy về tâu lại cùng Phiên vương nhé!
Đan Sơn Uyên muốn lưu lại, nhưng chưa kịp thốt ra lời gì, đã thấy Thần Võ Đạo nhơn tung mình bay vọt lên không trung, cỡi mây đi mất.
Đan Sơn Uyên không biết làm sao, đành phải thâu thập chiến thuyền trở về tâu cùng Phiên vương. Phiên Vương cảm khoái cái ơn đức của Vương Thiếu Phủ nên từ đó một lòng quy thuận, không còn manh tâm sanh sự nữa.
Nhắc qua cuộc hành trình của Hùng Hiệu không đầy mưới ngày đã đến Đăng Châu. Hùng Hiệu cứ tuyên bố cho mọi người biết rằng mình phụng mạng Nguyên soái về kinh tâu báo chứ không hề đá động đến việc ban sư.
Khi vào cảng khẩu, Hùng Hiệu giao thuyền cho thủy quân trông coi rồi một mình lên ngựa thẳng về kinh.
Khi Hùng Hiệu đi rồi, thủy quân xuống thuyền hỏi thăm thủy thủ mới hay Vương Thiếu Phủ là con Hoàng Phủ Kính, hiện nay cha con đã gặp nhau rồi. Chúng quân bèn chạy về báo cho quan Tổng binh hay.
Quan Tổng binh Bành Như Trạch hay tin ấy kinh hồn hoảng vía, lão ta sợ Hoàng Phủ Kính về triều thế nào cũng tâu lên Thánh thượng việc mình bảo tấu khi trước, thì cơ mưu bại lộ
Bành Như Trạch vội vàng viết thư sai người chạy về kinh báo tin cho Lưu Tiệp biết đặng lo liệu. ( Nhưng chẳng may, khi thư đến nơi thì Lưu Tiệp đã bị tội rồi).
Bành Như Trạch phải ở tại cảng khẩu để chực rước đại binh của Vương Thiếu Phủ.
Cách vài ngày sau thì đại binh đến. Thuyền vừa cập bến đã độ binh lên bờ ; Hoàng Phủ Kính trông thấy Bành Như Trạch thì ân cần chào hỏi tử tế như không biết việc gì cả, rồi kéo binh thẳng đến Đăng Châu.
Bành Như Trạch đã biết rõ Hoàng Phủ Kính là cha của Vương Thiếu Phủ nên thiết tiệc đãi đằng rất trọng hậu. Còn Vương Thiếu Phủ chưa độ binh lên bờ đã mật sai một tên tiểu tướng đem Lưu Khuê Bích bỏ vào tù xa che kín bốn mặt, đem theo đám quân sĩ, và giải cả bọn Trần Trại Bảo đi theo nữa.
Lâu nay Lưu Khuê Bích bị giam trong thuyền, không hay biết gì về việc bên ngoài cả, khi được biết Vương Thiếu Phủ là Hoàng Phủ Thiếu Hoa và cha con gặp nhau rồi, lòng đầy lo sợ, vô kế khả thi, chàng đành ngồi sầu bi trong tù xa, chốc chốc thở dài não nuột.
Hôm ấy cha con Hoàng Phủ Kính đến tạ ơn Ân Diệu Tiên vì đã có lòng tiếp đãi Doãn Phu nhơn tử tế. Doãn Phu nhơn vừa trông thấy mặt Hoàng Phủ Kính thì oà khóc, Hoàng Phủ Kính cũng động lòng rơi lụy, vợ chồng cùng nhau kể lể những việc hoạn nạn bấy lâu.
Sau đó, Hoàng Phủ Kính truyền quân sửa sang xe giá đặng qua ngày sau hộ tống Doãn Phu nhơn về kinh trước và vào ở nhờ tại dinh Doãn Thượng Khanh. Còn Vương Thiếu Phủ thì qua đến ngày thứ hai mới giao các chiến thuyền cho Bành Như Trạch coi giữ rồi kéo đại binh hồi trào.
Nhắc việc Hùng Hiệu, chàng lên ngựa đi miết chẳng kể ngày đêm, đến ngày hai mươi tám thì đến kinh. Hùng Hiệu thẳng đến dinh Thừa tướng xin vào ra mắt. Lúc ấy vợ chồng Lệ Minh Đường đang ngồi nói chuyện cùng Lương Giám, xảy thấy nữ tỳ vào báo:
- Có Chinh Đông Nguyên soái sai tướng Tiên phong là Hùng Hiệu về xin ra mắt để báo cáo việc cơ mật, hiện người đang ở trước viên môn chờ lịnh.
Lệ Minh Đường bèn cho người nhà lui hết rồi mời Hùng Hiệu vào:
Hùng Hiệu vào quì thưa:
- Kẻ môn sanh xin ra mắt ân sư.
Lệ Minh Đường vội đỡ dậy mời ngồi rồi hỏi:
- Chắc tướng quân đã thắng trận rồi nên về đây báo tin mừng phải không?
Hùng Hiệu nhìn xung quanh thấy không có ai mới đáp:
- Thưa ân sư, quả thật như vậy, hiện nay đại binh đã mang chiến thắng ban sư hồi trào rồi.
Lệ Minh Đường mừng quá, hỏi vội:
- Chẳng hay trận chiến diễn ra như thế nào mà chóng thành công thế?
Hùng Hiệu từ từ kể hết đầu đuôi cho lệ Minh Đường nghe, đồng thời trình các biểu văn cùng bức thư riêng lên Lệ Minh Đường.
Lệ Minh Đường xem xong, mặt mày hớn hở, nói với Hùng Hiệu:
- Thế là Vương Nguyên soái đã lập được công nghiệp vô cùng vĩ đại. Thế nào rồi đây các người cũng sẽ được bái tướng phong hầu. Vậy đêm nay tướng quân hãy ở đây mà an nghỉ để khỏi sợ việc này tiết lộ ra ngoài. Chờ đến ngày mai sẽ vào triều dâng biểu để cho bọn Lưu Tiệp không còn biết đâu mà đề phòng trước được.
Hùng Hiệu vâng lời cảm tạ, Lệ Minh Đường Bèn sai người dọn phòng riêng cho Hùng Hiệu nghỉ và thết tiệc khoản đãi rất trọng hậu.
Lệ Minh Đường vừa cầm thư và biểu văn vào nhà trong, Lương Giám hỏi:
- Chẳng hay Hùng Hiệu về có việc chi vậy?
Lệ Minh Đường vội đuổi người nhà ra ngoài hết rồi trao bức thư cho Lương Giám xem và nói:
- Tờ biểu này đến tay Thánh thượng thì chắc là họ Lưu bị vong mạng hết. Thật chỉ trong ba năm mà oan tình cởi mở, mặt nạ của bọn gian manh đã được lột trần rồi. Gẫm sự đời biến đổi không mấy chốc.
Lương Giám nói:
- Ở đời gieo gió thì gặp bão. Họ Lưu kia đã tự mình tác nghiệt cho mình, thì phải mang hậu quả tử vong chớ sao.
Đêm ấy, Tố Hoa và Lệ Minh Đường thỏ thẻ mừng vui suốt đêm không ngủ được. Mới đầu canh năm, Lệ Minh Đường đã dậy sửa soạn, rồi gọi Hùng Hiệu theo mình vào triều.
Khi vua Thành Tôn ngự ra, Lệ Minh Đường quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, khi trước hạ thần tiến cử Vương Thiếu Phủ đi bình giặc Phiên, ngày nay đã được toàn thắng, hiện người có sai Tả Tiên phong Hùng Hiệu về dâng biểu ban sư, còn đang đứng ngoài ngọ môn chờ lịnh.
Vua Thành Tôn nghe tâu, liền truyền chỉ cho Hùng Hiệu vào triều kiến.
Hùng Hiệu vào trước kim giai quỳ lạy tung hô rồi tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần là Chinh Đông Tả Tiên Phong Hùng Hiệu, phụng mạng Chinh Đông Nguyên soái, mang một đạo biểu chương ban sư về kính dâng lên Thánh thượng ngự lãm.
Vừa nói, Hùng Hiệu vừa dâng biểu lên. Vua Thành Tôn tươi cười phán:
- Hôm nay trẫm mới rõ tài Vương Thiếu Phủ, nhưng cũng nhờ cái công tiến cử của Lệ Binh bộ vậy.
Lệ Minh Đường lại quỳ tâu:
- Việc này do nơi hồng phước của bệ hạ và cái lòng tận trung báo quốc của Vương Thiếu Phủ cùng chư tướng chớ hạ thần có công trạng chi đâu.
Vua Thành Tôn nói:
- Nếu không có khanh tâu xin treo bản cầu hiền, thì làm sao có hiền tài ra tay dẹp giặc? Tuy khanh có lòng khiêm nhượng nói vậy, nhưng thế nào trẫm cũng gia phong quyền tước cho khanh.
Lệ Minh Đường tạ ơn lui xuống, đoạn Hùng Hiệu dâng tờ biểu minh oan lên rồi quỳ tâu:
- Vương Thiếu Phủ còn có tờ biểu minh oan, hạ thần xin kính dâng lên Thánh thượng minh xét.
Vua Thành Tôn nghe tâu, trong lòng nghi hoặc, vội phán hỏi:
- Vương Thiếu Phủ có gì gọi là oan uổng mà nay lại kêu oan?
Nói dứt lời, vua Thành Tôn liền truyền nội giám đem tờ biểu kêu oan cho quan Hàn Lâm tuyên đọc lớn lên
Hàn lâm quan trịnh trọng đọc:
- « Chinh Đông Nguyên soái Vương Thiếu Phủ này vốn là Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Tĩnh quốc Hiếu nữ Trưởng Hoa xin cùng nhau vập đầu trước kim giai liều chết để kêu oan cho thân phụ.
Nguyên thân phụ của kẻ hạ thần xưa nay đã thọ ơn của triều đình và đã hết dạ trung thành vì nước, quyết chẳng bao giờ chịu tham sanh húy tử để chuốc lấy tiếng xấu muôn đời. Từ năm bệ hạ mới lên ngôi cửu ngũ, thân phụ của hạ thần đã lãnh chức Đô đốc trấn tại Nam Vân, lúc ở đó có quan Thượng thư hưu trí là Mạnh Sĩ Nguyên có một người con gái tài mạo kiêm toàn nên hạ thần mới cậy quan bố chánh là Tần Thừa Ân đến cầu hôn, chẳng dè lúc ấy có thứ tử của Nguyên thần hầu là Lưu Khuê Bích cũng cậy Cố Hoằng Nghiệp đến nói, khiên Mạnh Sĩ Nguyên không biết gã cho ai, mới lập ra một cuộc thi tuyển: treo một chiếc áo cẩm bào trên nhành liễu, giao điều kiện hễ ai bắn phát thứ nhứt trúng nhành liễu, phát thứ nhì xuyên vào lỗ đồng tiền và phát thứ ba phải đứt dây treo áo cẩm bào thì người mới gả con.
Khi ấy, hạ thần cùng Lưu Khuê Bích đến thi, nhưng hạ thần thiết nghĩ việc nhơn duyên là do nơi tiền định, cũng chẳng cần phải tranh cạnh làm chi nên hạ thần nhượng cho Lưu Khuê Bích bắn trước. Chẳng dè, Lưu Khuê Bích chỉ bắn trúng hai phát, trong lúc hạ thần bắn đích ba phát, vì thế Mạnh gia mới nhận lời gả con cho hạ thần. Nhơn đó, sau cuộc thi bắn, Lưu Khuê Bích đem lòng oán hận, giả cách thân thiện cùng hạ thần, nhưng hạ thần vẫn một lòng ngay thẳng eđm dạ quý yêu nên bị Lưu Khuê Bích rủ hạ thần đi chơi thuyền tại Côn Minh trì rồi lưu hạ thần ở lại ngủ tại Tiểu Xuân đình trong huê viên, đoạn âm mưu sai tên gia nhơn là Giang Tấn Hỉ phóng hỏa đốt cháy Tiểu Xuân đình trong lúc hạ thần ngủ mê. Không ngờ lúc ấy, bà ngoại của Lưu Khuê Bích tạ thế nên y phải qua đó hộ tang, may thay trong lúc ấy có người em gái của Khuê Bích là Lưu Yến Ngọc cùng với người nhũ mẫu là Giang Tam tẩu ( mẹ của Giang Tấn Hỉ) đi vào kể hết âm mưu toan ám hại của Lưu Khuê Bích và nói:« Chỉ vì linh hồn của sanh mẫu Lưu Yến Ngọc báo mộng bảo nàng phải đến cứu Công tử Hoàng Phủ đặng sau này kết duyên phu phụ ».
Hạ thần hết sức chối từ không được, nên đành vâng lời rồi chạy ra ngõ sau trốn đến chùa Huyền Giác. Chỉ một lát sau là lửa trong huê viên bốc cháy, quan quân phải đến chữa mãi đến canh ba mới tắt. Sau đó, thân phụ hạ thần quá nóng lòng, lập tức đến tìm kiếm nhưng không tìm thấy thi hài của hạ thần, liền bắt Giang tấn Hỉ về tra xét thì Giang Tấn Hỉ thú nhận hết mọi việc.
Biết vậy, nhưng thân phụ của hạ thần vì nghĩ tình đồng liêu nên không dâng biểu tấu cùng triều đình. Chẳng dè Lưu Khuê Bích thấy âm mưu mình bại lộ, nên lập tức viết mật thư cho thân phụ y là Nguyên thành hầu Lưu Tiệp đặng tiến cử thân phụ của hạ thần đi đánh giặc Phiên.
Khi thân phụ hạ thần đi rồi, gia quyến của hạ thần về Hồ Quảng, chẳng bao lâu bỗng có chiếu chủ của triều đình đến bắt giải về kinh.
Lúc ấy, hạ thần phải trốn đi là vì muốn sau này giải nỗi oan cho thân phụ, chớ hạ thần cũng từng biết câu « Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung ». Cho nên chỉ còn có mẹ và chị của hạ thần bằng lòng để cho Khâm sai giải về kinh mà thôi.
Nhưng khi đi ngang qua Xuy Đài sơn, gặp bộ hạ của Vệ Dõng Đạt bắt được. Lúc ấy mẹ và chị của hạ thần toan tự tử, chẳng dè Vệ Dõng Đạt là con củaVệ Hoán, người cũng đang lo giải oan cho thân phụ nên tạm cầm lại đó để chờ thời.
Vệ Dõng Đạt chiêu tập binh mã là cố ý thực hành tận trung, tận hiếu. Sau đó Lưu Khuê Bích đến đánh bị bắt, y đã làm tờ cung trạng thú nhận hết tội ác của mình. Tờ cung trạng ấy hạ thần còn giữ lại đây, vậy cũng xin dâng lên cho bệ hạ ngự tường.
Khi triều đình phóng bảng cầu hiền, hạ thần thay tên đổi họ xuống thi đỗ được Trạng nguyên và lãnh chức Chinh Đông NGuyên soái, lại được triều đình giáng chỉ chiêu an xá tội cho Vệ Dõng Đạt được theo đầu quân dẹp giặc. Trong lúc giao phong quân địch thất bại, Vệ Dõng ạt đi tuần, xảy bắt gặp một chiếc thuyền buôn của Trần Trại Bảo đáng khả nghi. Hạ thần tra xét thì chính người này đã vâng lời Nguyên thành hầu mang phản thư cho giặc, cố tình bán rẻ giang sơn cẩm tú này cho kẻ thù.
Không biết tại sao lão ta lại biết được tông tích của hạ thần và Vệ Dõng Đạt nên bảo Ô Tất Khải đem thân phụ của chúng tôi ra hành hình trước mũi thuyền để chúng tôi nóng lòng đầu hàng quân giặc. Lại còn đề nghị lóc từng miếng thịt của thân phụ chúng tôi nữa.
Quả thực bức thư này chính chữ của Nguyên thành hầu viết ra âm mưu mãi quốc. Hiện nội bọn Trần Trại bảo, hạ thần còn bắt giữ đây để đem về đối chứng. Còn hiện nay vua Phiên đã đầu hàng xin cống hiến, đồng thời tha thân phụ của hạ thần và Vệ Hoán về.
Thảm thương thay, trong ba năm trường đăng đẳng, hai bậc trung lương bị giam hãm khổ sở muôn phần, không hề có lòng phản trắc, nên thần kính dâng lên Thánh thượng tờ phân biện này để Thánh thượng thấu rõ nỗi oan tình.
Hạ thần xin đính kèm tờ cung trạng của Lưu Khuê Bích và tờ phản thư của Nguyên thành hầu theo đây mong nhờ lượng cao minh xét đoán để cha con kẻ hạ thần được bảo toàn danh tiết xưa nay thì ơn trời biển ấy cha con hạ thần nguyện muôn đời chẳng dám quên ».
Vua Thành Tôn nghe Hàn lâm quan tuyên đọc xong, liền mở cung trạng của Lưu Khuê Bích và bức phản thư của Lưu Tiệp ra xem.
Xem xong, vua nổi giận lôi đình, nạt lớn:
- Lưu Tiệp đâu?
Lúc nãy giờ Lưu Tiệp kinh hồn lạc phách, xảy nghe vua gọi, giựt mình bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần xin....
Vua Thành Tôn không đợi Lưu Tiệp nói dứt, liền mắng:
- Kìa lão tặc, mi dung dưỡng con mi làm bậy, lại mạo tấu quyết tình hãm hại kẻ trung lương. Đến nay mi toan đem giang sơn này dâng cho kẻ địch, ta thử hỏi cái tội ấy nặng đến bực nào?
Lưu Tiệp run lẩy bẩy tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, chẳng lẽ con của hạ thần như vậy mà lại không thể nào cưới được một người vợ, sao lại phải âm mưu tính việc tranh hôn? Còn việc Hoàng Phủ Kính có đầu hàng quân giặc hay không là do nơi quan Tuần phủ Sơn Đông tâu về chớ hạ thần nào có biết đến việc ấy đâu!
Vua Thành Tôn nghe Lưu Tiệp chối quanh, giận lắm, vội lấy tờ phản thư ném trước mặt Lưu Tiệp nạt lớn:
- Kìa lão tặc! Mi hãy chống mắt lên xem bức phản thư này là bút tích và ấn tích của ai đó hả?
Lưu Tiệp lượm bức thư lên thì quả nhiên là của mình, trong lòng chết điếng, mồ hôi tuôn ra ướt cả áo, vội vập đầu xuống tâu:
- Hạ thần quả thiệt tội đáng muôn thác, xin bệ hạ nghĩ tình Hoàng hậu xưa kia mà dung thứ cho già này đưọc toàn sanh.
Vua Thành Tôn nói:
- Bấy lâu nay ta không hề bạc đãi mi, cớ sao mi nhẫn tâm toan đem giang san này dâng cho Phiên giặc?
Lưu Tiệp tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, chỉ vì hạ thần biết rõ lý lịch của Vương Thiếu Phủ và Vệ Dõng Đạt nên hạ thần sợ hai người này cứu đặng Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán về được, thế nào cũng trả thù xưa. Vì vậy mới mượn tay giặc để hại hai người thôi, chớ thật tình hạ thần không dám dâng hiến giang sơn này đâu.
Vua Thành Tôn càng giận dữ hơn nữa. Vua hét:
- Hay cho lão tặc, dám đem lòng phản nghịch còn chối quanh. Võ sĩ đâu! Hãy kéo cổ hắn tống giam vào ngục thất cho ta.
Bọn võ sĩ dạ rập lên một tiếng, rồi áp lại thộp cổ Lưu Tiệp kéo lê đi như kéo một con vật sắp đem ra cắt tiết vậy.
Sau đó, vua Thành Tôn liêen sai hai vị Lại bộ Thượng thơ và Hình bộ Thượng thơ đem bọn ngự lâm quân dến bắt cho hết gia quyến của Lưu Tiệp tống giam vào ngục thất, đồng thời tịch biên cả gia sản và thâu lại những giấy tờ quan trọng.
Quan Lại bộ và Hình lại bộ lãnh mạng, dẫn năm trăm ngự lâm quân đến vây nhà Lưu Tiệp, bắt Ngô Thục nương cùng Đỗ Hàm Hương đem giam vào ngục, vì hai nàng này ở với Lưu Tiệp đã có con, còn bao nhiêu gia nhơn tỳ nữ đều tha hét. Đền khi khám xét, thì tìm thấy được hai phong thư: một phong cho Lưu Khuê Bích lúc ở Vân Nam gởi cho Lưu Tiệp, nói về việc tranh hôn, bảo hãm hại Hoàng Phủ Kính; còn một phong của Sơn Đông tuần phủ gời cho Lưu Tiệp, nói rằng Hoàng Phủ Kính thật tình bị bắt chớ không hề đầu hàng, y chỉ vâng lời Lưu Tiệp mạo tấu mà thôi.
Xét xong, các quan vội truyền lịnh niêm phong tài sản lại hết, rồi mang hai bức thư vào triều dâng lên cho Thiên tử và tâu:
- Chúng tôi phụng mạng đem quân đến vây bắt qua quyến họ Lưu, nhưng chỉ bắt được hai mẹ con của Ngô Thục nương vốn là hầu thiếp của Lưu Tiệp, và hai mẹ con Đỗ Hàm Hương là hầu thiếp của Lưu Khuê Bích mà thôi, còn những người thân thuộc khác đều ở tại Vân Nam cả. Gia sản chúng tôi đã tịch biên xong, trong khi khám xét có bắt được hai bức mật thư này, xin dâng lên cho bệ hạ ngự lãm.
Lời Bình:
- Hoàng Phủ Thiếu Hoa sau một thời gian chiến đấu khổ sở, đem lại cho mình một kết quả vinh quang, trên trung với vua, dưới tròn chữ hiếu, thì cái công lao khổ cực kia tưởng cũng đả đền đáp.
Trong cuộc sống, thường có nhiều kẻ thiếu kiên nhẫn, gặp những kh ókhăn đã vội chán nản, bỏ hẳn con đường tiến thủ của mình, tấm gương Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáng cho họ soi chung vậy.
Xét về quan niệm vua tôi, trong lúc vua nhà Nguyên nghe lời nịnh thần, bạc đãi tôi trung, thế mà gia đình họ Hoàng Phủ vẫn một lòng trung với chúa, thì quan hệ quân thần được gia đình Hoàng Phủ xét đoán một cách rõ ràng. Theo quan niệm Khổng Mạnh thì: “ Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Nhưng ở đây, họ Hoàng Phủ đã không mù quáng với giáo điều ấy. Một ông vua vô nhân đạo, tàn ác, bắt tôi thần phải chết để thỏa mãn cái lớp nhân đạo tàn ác ấy, thì tôi thần chịu chết quả là những kẻ mất trí. Ngược lại, một ông vua vì dân, vì nước, bắt một tôi thần phải chết để lợi nước, lợi dân, thì quan niệm “quân xử thần tử” không phải là quá đáng.
Ở đây, họ Hoàng Phủ biết xét người, xét mình, hiểu rõ vua Nguyên không phải là một hôn quân, chỉ vì sự việc trước mặt không đủ bằng chứng để phán đoán, nên bị lầm lẫn mà thôi, thì việc minh oan cho gia đình, tìm những bằng chứng xác thực để giúp cho nhà vua thấy rõ đường lối lãnh đạo, đó là một hành dộng sáng suốt.
Sở dĩ họ Hoàng Phủ có những hành động minh chánh như vậy là nhờ ở đạo đức, giàu lòng vị tha, không xem cá nhân mình, không xem quyền lợi mình lớn.

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn