Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Sáu Mươi Hai
Trung hiếu vương dâng biểu xin nhìn vợ
Lương Thừa tướng binh rể chống đồng liêu

Khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa về đến phủ thì tức tốc thảo ngay tờ biểu rồi đem trình cho Hoàng Phủ Kính. Hoàng Phủ Kính xem xong, gật đầu khen:
- Được đấy!
Thiếu Hoa vội đem cất vào tủ để sáng ngày sẽ vào triều dâng tâu lên Thánh thượng.
Sáng hôm sau, trời mới rựng sáng, đã thấy cha con Hoàng Phủ Kính khăn áo chỉnh tề, qua mời Mạnh Sĩ Nguyên cùng đi vào triều.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Lúc cha con tôi dâng biểu lên, nếu Thánh thượng nổi giận, xin thân ông hãy cố sức tâu giúp mới được.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Thánh thượng vốn tánh nhân từ, tôi tin chắc người sẽ rộng lòng dung thứ chớ không sao đâu.
Hoàng Phủ Kính nghe nói an lòng, cùng với con mình và cha con Mạnh Sĩ Nguyên cùng lên ngựa đến triều.
Khi đến nơi, Thiên tử đã ngự triều rồi. Các quan văn võ đều đủ mặt, chỉ còn thiếu một mình tả Thừa tướng là Lương Giám chưa đến thôi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa quỳ trước bệ rồng, tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần là Hoàng Phủ Thiếu Hoa có một việc muốn tâu xin, ngửa trông Thánh thượng mở lượng hải hà rộng xét cho.
Vua Thành Tôn mỉm cười phán:
- Có việc gì khanh cứ việc tâu bày thẳng ra, chớ rào đón làm gì.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa trịnh trọng tâu:
- tâu bệ hạ, nguyên quan Hữu Thừa tướng Lệ Quân Ngọc tại triều dây chính là Mạnh Lệ Quân, vợ chánh thất của hạ thần đấy. Chỉ vì người thủ tiết thờ chồng và muốn góp phần đắc lực cho sơn hà xã tắc, nên mới cả gan cải dạng nam trang như vậy. Vậy mong ơn Thánh thượng giáng chỉ cho nàng cải trang hoàn hôn cùng hạ thần, thì ơn ấy hạ thần nguyện tạc dạ ghi xương.
Vua Thành Tôn nghe tâu, ngạc nhiên nói:
- Khanh tỉnh hay mê mà tâu bày lạ lùng lắm vậy? Lệ Quân Ngọc làm quan tại triều đã bấy lâu, lẽ nào lại là nữ lưu được?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu tiếp:
- Khi nàng Mạnh lệ Quân thủ tiết ra đi có họa một bức chân dungđể lại, nhạc phụ của hạ thần đã đem giao bức họa ấy cho hạ thần rồi. Vì vậy hạ thần nhận thấy người trong bức tranh giống Lệ Thừa tướng như khuôn đúc, nhưng vì tình sư đệ, hạ thần không dám hở môi, nhưng ngày nay Lệ Thừa tướng đã cùng gia quyến tương nhận rồi, vậy cúi xin Thánh thượng ra ơn cho nàng được cải trang.
Vua Thành Tôn bấm trán nghĩ thầm:
« Thiếu Hoa tâu phải lắm rồi, có lẽ đâu nam tử lại có nhan sắc đẹp đẽ đến thế. Hèn gì bấy lâu nay người dốc một lòng trợ giúp cho nhà Hoàng Phủ. Quả nhiên là một trang kỳ nữ trên đời hiếm có. Đã hữu tài lại hữu hình, ước gì ta được nàng làm cung phi thì thỏa thích biết bao ».
Nghĩ đoạn, vua phán hỏi Thiếu Hoa:
- Lệ Thừa tướng đã cùng với cha mẹ tương nhận lúc nào vậy?
Thiếu Hoa vội quỳ xuống thuật rõ đầu đuôi, chàng kể rõ việc Lệ Minh Đường đến chuẩn mạch hốt thuốc, rồi đến việc Hàn Phu nhơn giả mê sảng níu áo nàng mới tương nhận.
Mạnh Sĩ Nguyên cũng bước ra quỳ tâu giúp với Thiếu Hoa.
Vua Thành Tôn lại nghĩ thầm:
« Mạnh Lệ Quân quả là người con gái hữu tình và tài năng, trong hàng nam giới cũng ít người sánh kịp. Nếu nay ta cho cải trang thì Thiếu Hoa lại tốt phước hơn ta rồi. Chi bằng bây giờ ta giả vờ nổi giận để bác bỏ việc này là hơn. Đợi đến khi nàng chấm trường về, ta sẽ tính sau ».
Nghĩ đoạn, vua Thành Tôn lật tờ biểu ra xem lại từ đầu đến cuối rồi nghiêm sắc mặt, phán:
- Khanh lầm rồi đấy! Nếu Lệ Quân Ngọc mà là nữ lưu thì phải phạm vào bốn điều đại tội. Một là khi quân vọng thượng, hai là hí vũ đại thần, ba là biếm loạn âm dương, bốn là ngộ nhơn hôn sự. Cả bốn tội ấy đều đáng xử tử và tru lục toàn gia. Khanh còn lạ lùng gì pháp luật triều đình mà dám cả gan đứng ra tâu xin cải trang hoàn hôn?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe phán, mồ hôi toát ra ướt cả áo, vội quỳ xuống thềm tâu:
- Trước đây bệ hạ đã ban chiếu khắp nơi để tìm Mạnh Lệ Quân, ngày nay đã có Mạnh lệ Quân rồi, xin bệ hạ mở lượng biển trời ân xá cho. Vả lại toàn gia hạ thần thọ trọng ơn của Mạnh lệ Quân nên nay nếu bệ hạ quyết trị tội thì hạ thần xin tình nguyện chịu thế cho người.
Vua Thành Tôn nghiến răng rít to lên:
- Thế thì khanh chỉ vì một người đàn bà mà xem thường quốc pháp ư?
Hoàng Phủ Kính thấy vua nổi giận, liền bước ra vập đầu tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, tiện nhi là Hoàng Phủ Thiếu Hoa xưa nay vốn tính tình cang trực nên tuy đã cưới Lưu Yến Ngọc mà vẫn không dám đồng sàng, chỉ phát thệ khi nào tìm đặng Mạnh Lệ Quân về mới cùng chung chăn chiếu. Nếu nay bệ hạ không đặc cách ân xá, thì than ôi, với tuổi già nua này phải giam hãm trong cảnh thê lương buồn thảm, đau đớn biết dường nào! Cúi mong bệ hạ nghĩ đến, thương tình cho.
Mạnh Gia Linh cũng bước ra quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ, ngưỡng trông bệ hạ xét thương lấy tấm thân của thân phụ hạ thân năm nay tuổi đã già mà chỉ có võn vẹn một trai một gái. Nếu nay em gái của hạ thần phạm nhầm chánh pháp, thì tất nhiên thân mẫu của hạ thần mang sầu thảm mạng vong, và như vậy hạ thần cũng đau xót không thể nào sống được. Xin bệ hạ rộng tình ân xá cho cả nhà hạ thần.
Mạnh Sĩ Nguyên lại lướt tới sát bệ, vập đầu tâu tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ, nay bệ hạ nêu lên bốn điều đại tội ấy tuy là đúng theo phép nước, nhưng xét cho cùng hoàn cảnh ấy thẫt đáng thương. Nếu bảo rằng « khi quân vọng thượng » thì tội cho con gái hạ thần lắm, vì nó muốn cứu chồng nên cực chẳng đã mới cải trang đặng cầu chút công danh, chớ thật ra có bao giờ dám diễu lộng tài học.Còn bảo « hí vũ đại thần » thì xét cho kỹ lâu nay con gái hạ thần ra làm quan vẫn một mực khiêm cung, không hề có điều chi thất xảo. Còn bảo «biếm loạn âm dương » thì ai ai cũng thấy con gái của hạ thần chưa hề phạm mảy may tội lỗi. Còn vấn đề «ngộ nhơn hôn sự» thì bởi Lương Thừa tướng lập huê hầu rồi kêu đến mà gả con gái cho, chứ đâu phải con gái hạ thần đến cầu hôn. Xin bệ hạ minh xét, đoái thương cho thân bồ liễu chỉ vì chữ trung, chữ hiếu, chữ tình gánh nặng cả đôi vai nên mới ngộ biến tùng quyền như vậy.
Vua Thàng Tôn dịu giọng, phán:
- Hãy thôi đi! Các khanh đừng tâu xin nhiều lời, để đợi khi Lệ Thừa tướng về rồi, trẫm sẽ dịnh liệu.
Phán đứt lời, vua tuyên bố bãi triều, di giá hồi cung.
Vua Thành Tôn muốn không cho Trưởng Hoa Hoàng hậu biết việc Mạnh Lệ Quân giả trai, nên khi về cung truyền nội giám phải giấu kín, chẳng cho hở môi, rồi gọi tên nội giám tâm phúc là Huyền Xương sai đến Vương phủ của Hoaàng Phủ Kính để lấy bức chân dung của Mạnh Lệ Quân đem về.
Lúc ấy, cha con Hoàng Phủ Kính đang họp nhau bàn luận, định sáng ngày cùng cha con Mạnh Sĩ Nguyên vào triều hết sức tâu xin một lần nữa, xảy thấy gia tướng chạy vào báo:
- Có Huyền Xương đến!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vã bước ra nghinh tiếp.
Huyền Xương nói:
- Tôi phụng mạng Thánh thượng đến đây lấy bức tranh của Mạnh Lệ Quân.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa không dám chần chờ, vội vàng chạy vào lấy bức tranh đem trao cho Huyền Xương. Huyền Xương tiếp lấy rồi cáo từ lui gót, đi thẳng về cung trao cho vua Thành Tôn.
Vua Thành Tôn treo lên, lặng lẽ ngồi ngắm xem hồi lâu, bỗng vua thất kinh nghĩ thầm:
« Quả nhiên nét bút tinh thần, dung mạo giống Lệ Thừa tướng như khuôn đúc. Nếu người cải trang thì mất đi một vị hiền thần uổng biết bao! Bằng không cho cải trang thì sợ Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Mạnh Sĩ Nguyên xin cởi giày ra khám nghiệm, chừng ấy khó mà từ chối được. Thôi, để sáng mai đây Lệ Thừa tướng về, xem người nói thế nào cho biết, rồi trong lúc ấy ta sẽ tùy cơ mà xử sự mới xong ».
Nghĩ đoạn, vua Thành Tôn sai huyền Xương đem bức tranh Mạnh Lệ Quân trao trả lại cho Thiếu Hoa và dặn không được tiết lậu.
Thời bây giờ, hai vị Thừa tướng tại triều là Lương Giám và Lệ Minh Đường có rất nhiều môn sanh, nên khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu nói Lệ Thừa tướng tức là Mạnh Lệ Quân cải trang, thì trong đám môn sanh đều bất bình, cho rằng Thiếu Hoa thấy ân sư mình trẻ tuổi lại đẹp trai nên đặt chuyện nói bậy. Vì vậy, khi bãi chầu, có vài người thẳng đến tướng phủ mách cho Lương Giám biết.
Lương Giám giận quá, nghĩ thầm:
-«Nay cha con Hoàng Phủ đều được phong vương, còn con gái thì làm chánh cung Hoàng hậu, nên ỷ thế cậy thần, muốn đặt chuyện nói ai thế nào cũng được, nghĩ thiệt căm hận thay »
Lương Giám cười gằn, nói với mấy vị môn sanh:
- Vì năm nay lão phu đã già rồi, nên chúng mới khinh thường như vậy. Tuy thế, quý vị cứ an tâm, để mai đây đến triều sẽ biết tay ta.
Các vị môn sanh đồng nói:
- Dầu sao ân sư cũng đem hết uy quyền của ân sư ra đối phó lại, kẻo người ta xem thường quốc pháp, tức lắm.
Lương Giám nói:
- Mai đây lão phu và tiện tế cùng vào bệ kiến một lượt, xem vua xử trí lẽ nào cho biết.
Mấy vị môn sanh gật đầu cho là phải, rồi cáo từ lui về, Lương Giám liền lui vào trong, thuật chuyện lại cho Cảnh Phu nhơn nghe.
Cảnh Phu nhơn giựt mình nói:
- Việc này tôi cũng lấy làm nghi lắm! Không biết chừng rể ta là con gái cũng nên. Phu quân hãy nghĩ xem, hai vợ chồng nó đang độ thanh niên mà sao ăn ở nhau mấy năm trời rất tương đắc như thế lại không có con cái chi hết là lý gì? Phu quân chớ nên vội nóng giận, hãy để xem xét lại cho lỹ lưỡng đã.
Lương Giám lại cười gằn:
- Phu nhơn mà cũng nói vậy, lựa là ai! Nếu là hai gái kết thân nhau, sao không có điều chi oán than cả? Nhưng điều ấy nếu muốn rõ cũng không khó, nghĩa là phu nhơn cứ gọi con gái mình đến hỏi thẳng nó thì biết ngay.
Cảnh Phu nhơn khen phải, rồi sai nữ tỳ đi gọi Tố Hoa đến.
Con nữ tỳ đến phòng thuật lại đầu đuôi cho Tố Hoa nghe. Tố Hoa thất kinh nghĩ thầm:
« Sao Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại cạn nghĩ thế? Đáng lẽ ra phải thương nghị cùng tiểu thơ trước đã mới phải, chớ sao lại tự tiện dâng biểu tâu xin như vậy?Bây giờ còn báo hại ta biết ăn nói làm sao đây?
Rồi nàng lại nghĩ:
« Thôi, chẳng thà ta dấu nghĩa phụ và nghĩa mẫu, chớ không nên để cho Mạnh Tiểu thơ phải mất thể diện » ;
Nghĩ rồi, Tố Hoa ung dung bước lên nhà trên, yết kiến vợ chồng Lương Giám.
Lương Giám nhìn Tố Hoa, ân cần nói:
- Ta có một việc muốn hỏi con, và ta muốn con thật trình bày tỏ, chớ nên dấu giếm
Nói rồi, thuật hết chuyện Hoàng Phủ Thiếu Hoa dâng biểu tâu xin việc Mạnh Lệ Quân cho Tố Hoa nghe, và hỏi:
- Thế thì chồng của con là trai hay là gái vậy?
Tố Hoa không đáp, mà hỏi vặn lại Lương Giám:
- Vậy chớ khi trước nghĩa phụ tuyển lựa Trạng Nguyên thì chàng là trai hay gái?
Lương Giám nói:
- Khai khoa tuyển sĩ thì bao giờ cũng tuyển lựa bậc tu mi, chớ ai lại lựa làm gì kẻ quần thao nhi nữ.
Tố Hoa nói:
- Thế thì con trai nên nghĩa phụ mới kén rể, chớ sao nay nghĩa phụ lại hỏi có vẻ chế giểu con như vậy?
Lương Giám gật gật đầu rồi quay qua nói với Cảnh Phu nhơn:
- Thế nào? Phu nhơn còn nói gì nữa thôi?
Cảnh Phu nhơn không biết nói gì hơn nữa, đành ngồi im lặng
Lương Giám nói:
- Chỉ vỉ cái tánh hiền tế ta quá khiêm cung, thậm chí đối với môn sanh mình cũng gọi là niên huynh, nên chúng mới khinh thường đến thế. Nếu không, làm sao Trung Hiếu vương lại dám chế giễu một quan đại thần giữa triều đình? Nhưng mà dầu sao cha con Hoàng Phủ Kính tuy được phong vương tước cũng không thể nào sánh kịp ta và rể ta, để mai đây rể ta chấm trường về, ta sẽ có cách đối phó với nhà Hoàng Phủ, phải làm sao cho người ta thấy rõ cái oai quyền của bậc Thừa tướng này mới nghe.
Suốt đêm ấy, Lương Giám không sao ngủ được cứ thao thức mãi, trông cho mau sáng để vào chầu, rửa cho được cái nhục kia.
Nhắc lại quan chủ khảo lệ Minh Đường vào chấm thi từ hôm mùng sáu. Trong lúc chấm thi, nàng không khỏi nao nao nghĩ thầm:
“ Nay thân mẫu ta đã khỏi bịnh, thế nào cũng tỏ sự tình cho Tô Đại nương biết, mà Tô Đại nương đã biết, tất nhiên Thiếu Hoa cũng hay. Vả chăng, tuy tâm tánh chàng thuần hậu nhưng lại không suy sâu nghĩ kỹ, cho nên trước kia chàng tâu xin cho Lưu Tiệp tuyệt nhiên không một lời thương nghị với ta. Nếu nay chàng hay được, có thể thừa dịp ta vắng mặt mà vào tâu xin với triều đình, làm mất cả thể diện của ta, cả đến triều đình và Lương Thừa tướng cũng bị xấu hổ không ít. Quả là một việc đáng lo ngại, ta phải chuẩn bị đối phó trước mới xong”.
Nghĩ đến đây, Lệ Minh Đường,ngồi một mình, cau mày lẩm bẩm:
“ Nếu có xảy ra việc không may, thà ta cho chàng phải chịu nhục, chứ không thể nào để cho mất thể diện. Có làm như vậy, mới cho chàng một bài học hay về sau”.
Khi đã lập tâm sẵn, Lệ Minh Đường yên trí chấm thi, không còn lộ vẻ lo âu như trước nữa.
Đến ngày hai mươi sáu yết bảng đề danh, người ta thấy Dư Tán đỗ Hội nguyên, Thôi Phàn Phụng trúng tuyển vào hàng thứ ba, còn Cừu Huệ Lâm thứ chín. Các quan tân khoa lũ lượt kéo dến lạy mừng quan chánh chủ khảo rất đông.
Đêm hôm ấy, tại Vương phủ, Thiếu Hoa cũng không tài nào ngũ được, chàng thao thức mãi, mới vừa canh tư đã trở dậy, sai người cầm thiệp sang mời cha con Mạnh Sĩ Nguyên để hiệp nhau sửa soạn vào triều.
Hôm ấy, vua Thành Tôn lâm triều có mang theo tờ biểu của Thiếu Hoa tâu hôm qua sẵn trong tay áo, cố ý thử xem cái tài ứng biến của Lệ Minh Đường ra sao cho biết.
Sau khi vua an vị, Thiếu Hoa đã vội vàng tiến ra giữa sân rồng, quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, việc chấm trường thi hôm nay đã xong. Lệ Thừa tướng sắp sửa vào triều, xin bệ hạ tha tội, cho phép người cải trang.
Vua Thành Tôn thấy cử chỉ nôn nóng của Thiếu Hoa, che miệng cười thầm rồi phán:
- Khanh hãy bình tĩnh, để rồi đây trẫm sẽ phân xử cho.
Lúc ấy Lương Giám vừa mới đến, trông thấy Thiếu Hoa còn quỳ giữa triều, lão hiểu ngay, nhưng giả vờ không hay biết việc gì hết, cứ lo bái yết xong rồi đứng tràng sang một bên với vẻ mặt điềm nhiên.
Bỗng có Ngọ Môn quan vào phi báo:
- Lệ Thừa tướng cùng các khảo quan đã về, hiện còn đứng ngoài Ngọ môn chờ lịnh.
Vua Thành Tôn nghe nói, truyền chỉ cho vào. Lệ Minh Đường cùng với phó khảo quan là Âu Dương Tán song song đi vào triều kiến tung hô, rồi lần lượt các khảo quan nhỏ vào bái yết.
Vua Thành Tôn đứng dậy, nghiêm giọng phán:
- Chư khanh đã hết lòng vì nước cầu hiền, vậy nay trẫm ban cho mỗi người đều được thăng gia lên một cấp.
Các khảo quan đều đồng lạy tạ. Sau đó, Lệ Minh Đường đem mười quyển văn khá nhất dâng lên, vuaThành Tôn truyền nội giám đem cất vào cung, đoạn cho phép Lệ Minh Đường ngồi sang một bên, phán bảo:
- Trong lúc tiên sanh đi chấm trường vắng mặt, trẫm có tiếp được một tờ biểu chương, nhưng không biết phán đoán cách nào cho đúng, thành thử phải đợi khanh về đây đặng xem xét mà liệu định.
Nói dứt lời, vua lấy tờ biểu trong tay áo ra trao cho Lệ Minh Đường.
Lệ Minh Đường nghe nói có tờ biểu, đã đoán chắc là tờ biểu của Thiếu Hoa rồi, nên đứng dậy tiếp lấy mở ra xem, lòng tức giận bồi hồi. Nàng căm hận thay cho Thiếu Hoa đã hiểu rõ chơn tình mà lại không chịu thương nghị để tìm cách cải trang, lại tự tiện dâng biểu, làm cho mình mất thể diện.
Càng suy nghĩ, lửa giận càng bừng lên, Lệ Minh Đường nghiến răng bước ra quỳ tâu:
- Nguyên ngày mùng hai vừa rồi, quan Học sĩ Mạnh Gia Linh có đến thỉnh hạ thần đến chữa bịnh cho thân mẫu người. Hạ thần đến chẩn mạch, biết rõ phu nhơn bị chứng uất kiết, lại lo nghĩ nhiều nên lâm trọng bịnh. Hạ thần liền biên cho hai toa thuốc, dặn uống trong hai đêm, rồi qua ngày mùng năm hạ thần đến xem mạch lại, chẳng dè Hàn Phu nhơn bị mê sảng níu áo hạ thần gọi là con gái rồi nhào lăn xuống đất bất tỉnh nhơn sự, khiến cả nhà thất kinh xúm lại kêu gọi mãi vẫn không tỉnh dậy. Hạ thần thấy vậy, biết ngay vì Hàn Phu nhơn quá nhớ thương con gái mình nên lâm bịnh, lại đoán chắc con gái của phu nhơn gương mặt có phần giống hạ thần, nên trong cơn mê sảng người nhận lầm chăng! Vả chăng, đã ra làm thuốc, tất nhiên phải có lòng cắt thịt cứu người, nên bất đắc dĩ hạ thần phải đứng ra tạm nhận cho phu nhơn hồi tỉnh. Ngờ đâu cả nhà họ Mạnh lại nhận lầm rằng hạ thần là con gái, nếu hạ thần tranh biện thì có hại đến tánh mạng của Hàn Phu nhơn, nên hạ thần đành phải nhẫn nhịn. Muôn tâu bệ hạ! Hạ thần là kẻ đã liên trúng tam nguyên, vào tòa Hàn lâm, rồi thăng đến chức Thừa tướng. Nếu hạ thần là con gái thì trải qua bước đường công danh làm sao che mắt được phủ huyện cùng các khảo quan cho được? Huống chi nay hạ thần đã kết duyên cùng tiểu thơ con Lương Thừa tứơng, nếu hạ thần là con gái thì làm sao tránh khỏi những lời oán trách của tiểu thơ. Việc này, chỉ tại hạ thần tuổi còn trẻ mà được làm quan to, lại có tánh ngay thẳng, không thiên vị ai, nên trong triều đình
có người ganh ghét. Nay Hoàng Phủ Thiếu Hoa cậy mình là Vương tước, lại có thế lực, nên không cần xét thiệt hư, dám thừa lúc hạ thần vắng mặt, dâng biểu tâu lên những điều vô cùng phi lý, thật không con xem thể thống của hạ thần ra gì hết!
Nói rồi sắc mặt hầm hầm, Lệ Minh Đường cầm tờ biểu để trên long án, đoạn quay qua nói với Thiếu Hoa:
- Quốc cựu cậy mình là quốc thích, dám cả gan thừa lúc tôi váng mặt dâng biểu sàm tấu thì tránh sao cho khỏi tội dối vua, khinh thầy?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy Lệ Minh Đường giận quá sức nên đứng suy nghĩ thiệt hơn, chàng kinh hãi vì không biết chắc giả chơn, phần ngại nghĩa thầy trò, phần sợ phạ phải tội, nên cứ đứng cúi mặt làm thinh, không dám tranh biện nữa lời.
Hoàng Phủ Kính thấy vậy, mới bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Chỉ vì việc này do Mạnh Thượng thơ tố trần, chứ không phải cha con hạ thần dám sàm tấu, xin bệ hạ hãy phán hỏi Mạnh Thượng thơ xem có quả thật vậy không?
Lương Giám thấy Hoàng Phủ Kính binh con, muốn tìm lời tranh biện, nên giận lắm, bước ra tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, nếu rể của hạ thần là nữ lưu, chẳng lẽ con gái của hạ thần lại không biết được sao? Nay Trung Hiếu vương đã biết tự hối, không dám đứng ra tranh biện nữa, còn Võ hiếu vương lại cố ý cải lại. Như thế đủ biết việc này do Võ hiếu vương xúi con làm bậy. Vả chăng
dù rể của hạ thần có bất tài đến đâu cũng đứng đầu cả trăm quan. Ngày nay đột nhiên bị người ta bôi xấu, nếu bệ hạ không nghiêm trị
thì còn gì là quốc pháp.
Hoàng Phủ Kính thất kinh, tâu:
- Việc này do Mạnh Thượng thơ nói, sao Thừa tướng lại đổ tội cho cha con hạ thần? Xin bệ hạ phán hỏi Mạnh Sĩ Nguyên để rõ hư thiệt, chứ cha con hạ thần không bao giờ dám khi quân mạo tấu.
Vua Thành Tôn vốn có lòng tham luyến Mạnh lệ Quân nên đã chủ ý thiên vị rồi, nay nghe tâu vậy, liền nhìn đám quần thần lớn tiếng hỏi:
- Mạnh Tiên sanh đâu rồi?
Lúc nãy giờ, Mạnh Sĩ Nguyên thấy Lệ Minh Đường cố ý trở mặt, trong lòng đã sợ sệt, lại nghe Lương Giám buộc tội nữa lại khiếp đảm hơn, nên khi nghe vua gằn giọng hỏi đến tên mình thì khúm núm bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần xin phục mạng đây!
Vua Thành Tôn nghiêm sắc mặt hỏi:
- Khanh đã nói gì với cah con Trung hiếu vương, để cho triều đình hôm nay phải náo động thế này?
Lời bình:
- Một Mạnh Lệ Quân, với tài ấy, sắc ấy tưởng không thể nào không mến phục được, huống chi nàng lại là ân nhân của gia đình chàng,thì cái tình cảm mến của Thiếu Hoa không ai chê trách. Nhưng dẫu sao hôm nay Mạnh Lệ Quân đã phủ lớp áo Thừa tướng, đứng đầu cả trăm quan thì việc đối xử với nàng cần phải thận trọng lắm, cớ sao Thiếu Hoa mới vừa hay tin Lệ Thừa tướng là Mạnh Lệ Quân đã vội tìm cách tâu với vua xin cho nàng cải trang, để rồi bị nàng chống đối lại, đến nỗi phải hối hận, dở sống, dở chết như vậy.
Trong hồi này, ta thấy rõ Thiếu Hoa quả là kẻ bồng bột, nông cạn lạ thường. Chàng đã biết Mạnh Lệ Quân giận chàng nên không chịu cải trang, thế mà chàng dâng biểu tấu xin, chẳng khác nào làm một việc ép buộc. Mà xét địa vị của chàng đối với Mạnh Lệ Quân làm sao có thể ép buộc nàng được? Huống chi vua Thành Tôn là một ông vua còn trẻ tuổi, lại đa tình, thì khi biết được Lệ Thừa tướng là gái giả trai, đời nào vua Thành Tôn lại buông tha.
Còn đứng về phương diện người ơn mà nói, thì cả đến vợ chồng Hoàng Phủ Kính cũng phải chịu ơn của nàng, lẽ ra phải đối xử bằng cách đường hoàng hơn, chớ sao lại thừa lúc vắng mặt, có tư cách vô lễ như vậy được.
Thế thì giữa triều cha con Hoàng Phủ Kính chịu nhục một phen thật đáng kiếp. Đó là một bài học để từ bỏ cái tánh nông nổi, bồng bột ấy đi.

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn