Ngày kia vua Thành Tôn lâm trào, sau khi quần thần bái yết tung hô, có quan Hoàng môn bước ra quì tâu: - Nay có quan Tuần phủ Sơn Đông là Bành Như Trạch dâng biểu văn về cáo cấp, cho biết quan Trấn uy Đại tướng là Dương Bình Nghĩa đã tử trận rồi. Hiện nay quân Phiên đang kéo đến đánh phá Đăng Châu rất là nguy cấp. Nhưng năm nào đến tháng chín gặp trời lạnh tuyết đông, chúng lại rút về hải đảo nghỉ binh, chờ quan năm tới, gặp tiết ấm trời, lại kéo đến công phá rất nguy hiểm. Giặc Phiên quyết đánh cho đến kinh sư, vậy xin bệ hạ nhân lúc chúng sắp lui binh, hãy sai một viên danh tướng đem binh cứu viện kẻo mang hậu hoạn. Vua Thành Tôn nghe tâu, liền phán hỏi quân thần: - Quân dịch tung hoành như vậy, có ai vì ta lãnh binh đi ngăn giặc không? Vua hỏi mấy lượt nhưng đâu đó đều lặng im, vua cả giận đứng phắt dậy lớn tiếng trách móc: - Nội trào này chẳng biết bao nhiêu là võ tướng, nhưng đều là những hạng húy tử tham sanh. Hôm nay quốc gia hữu sự, tất cả đều khoanh tay ngồi nhìn thì làm võ tướng làm gì? Lúc ấy Lệ Minh Đường thầm nghĩ: “Nay triều đình đang gặp cơn nguy cấp, vậy ta hãy nhân cơ hội này mà cứu lấy nhà Hoàng Phủ thì hay biết bao”. Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường bước ra quì tâu: - Muôn tâu bệ hạ, chẳng phải là các quan võ tướng trong triều đây không hết lòng trung can vì nước, ngặt bởi lâu nay chưa từng giao phong trên mặt biển nên sợ thất bại nhục đến quốc thể, mà chẳng dám đứng ra lãnh mạng đó thôi! Vua Thành Tôn nói: - Lời khanh tâu cũng có lý, song chẳng lẽ ta cứ ngồi khoanh tay để cho quân giặc đánh rốc vào kinh sư sao? Lệ Minh Đường tâu: - Theo thiển ý hạ thần thì ngày nay đã gần đến kỳ mưa tuyết, thế nào quân giặc cũng rút lui chờ sang năm mới tấn công nữa. Ta nên nhân cơ hội này ban chiếu ra khắp thiên hạ đặng chiêu mộ các anh hùng nghĩa hiệp bốn phương hiệp nhau thành một sức mạnh kéo binh ra giữa biển chiến đấu cùng địch quân. Trong việc chiêu mộ này, bất cần quan quyền hay dân giả, cũng không nệ lưu đồ tù tội, hễ ai có tài muốn ra gánh vác giang sơn thì hãy đến dinh Binh bộ ghi tên và dự khoa thí võ. Lúc bấy giờ bệ hạ sẽ chọn một vị đại thần cho làm chủ tọa đặng khảo sát, các môn võ nghệ, tuyển một võ Tấn sĩ. Khi đã được nhân tài rồi, bệ hạ hãy phúc duyệt tuyển một người đỗ võ Trạng nguyên phong làm Đại Nguyên soái, còn hai người võ Bảng nhãn và võ Thám hoa thì phong làm tả hữu Tiên Phong. Kỳ dư các tay võ Tấn sĩ kia đều được đi theo trận lập công. Cần nhứt, ngay bây giờ bệ hạ hãy giáng chỉ cho Binh bộ chọn sáu muôn binh rồi sai một viên đại tướng lo huấn luyện phương pháp thủy chiến, vì hạ thần nghe nói Phiên binh chỉ có năm muôn mà đánh mấy trận đều thắng cả, tuy vậy chúng cũng đã hoa tốn hết mấy muôn rồi, nếu ta muốn thắng, cần phải tập luyện thủy quân cho tinh thục. Xin bệ hạ hãy truyền chỉ cho quân Tuần phủ Sơn Đông phải lo sửa soạn đóng chiến thuyền. Cả thảy cho đủ vận tải sáu muôn binh mà để độ binh ra giữa biển giao chiến. Làm như vậy mới khỏi tổn hại bá tánh ở Đăng Châu, chẳng hay ý bệ hạ nghĩ sao? Vua Thành Tôn nghe qua vừa ý, bèn phán: - Lời khanh tâu hạp ý trẫm lắm, có làm như vậy thì mới dẹp yên được giặc Phiên, trẫm y theo lời tâu của khanh đấy. Rồi vua Thành Tôn truyền cho Binh bộ y theo lời tâu của Lệ Minh Đường, thảo chiếu ban hành khắp thiên hạ. Vua còn dặn thêm: - Trong tờ chiếu nên viết rõ: bất kể lưu đồ tù tội, hễ ai biết võ cứ vào dự thi, chỉ trừ có một mình Hoàng Phủ Thiếu Hoa là kẻ nghịch thần không thể nạp dung mà thôi. Lệ Minh Đường nghe vua nói, giựt mình nghĩ thầm: “Sở dĩ ta tâu như vậy là cốt để cứu lấy nhà Hoàng Phủ, mà bệ hạ cương quyết không nạp dung Thiếu Hoa thì kể ta bất thành rồi”. Lệ Minh Đường vội bước ra quì tâu: - Muôn tâu bệ hạ, thần thiết nghĩ đã là thánh ân thì phải rộng rãi bao dung như biển ttrời, dân mới phục. nếu bệ hạ chỉ trích một mình Hoàng Phủ Thiếu Hoa thì chẳng lẽ Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại chẳng bằng những kẻ lưu đồ tù tội khác hay sao? Hơn nữa, nếu bệ hạ làm như vậy sợ e nhân dân cho rằng bệ hạ hẹp lưỡng mà không hết lòng hy sinh. Xin bệ hạ hãy bao dung cho bất cứ một lưu đồ nào để daèn chúng thấy rõ lòng nhân từ đại độ của bệ hạ thì việc lớn lia mới thành. Vua Thành Tôn cau mày gắt: - Không thể được. Đã mấy đời Hoàng Phủ Kính hưởng lộc của triều đình mà phụng mạng đi bình Phiên lại phản tâm đầu hàng, rước giặc về đánh phá Đăng Châu, làm hại bá tánh khổ cực chẳng biết bao nhiêu mà kể. Lại khi trẫm sai quan ra bắt gia quyến họ Hoàng, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại bỏ trốn đi biệt, chỉ bắt được có vợ và con Hoàng Phủ Kính thôi. Nhưng rồi khi Khâm sai giải qua núi Xuy Đài lại bị tên tướng giặc Vệ Dõng Đạt đón giết chết Khâm sai cướp tù xa. Trước đây trẫm đã sai Lưu Khuê Bích lãnh binh đi đánh dẹp, Vệ Dõng Đạt lại lập mưu bắt giam cầm, đến nay chưa biết Khuê Bích sống thác lẽ nào.Trẫm ngày đêm hằng căm hận, đợi đến khi bình xong giặc rồi, trẫm sẽ cho binh đến vây chặt Xuy Đài sơn bắt Vệ Dõng Đạt cùng vợ con Hoàng Phủ Kính phân ra muôn đoạn, để làm gương cho những kẻ phản nghịch sau này. Còn Hoàng Phủ Thiếu Hoa kia, trẫm đang cố ý truy tầm thì lẽ nào lại dung nạp. Lệ Minh Đường tâu: - Hạ thần từng nghe người ta ca tụng Hoàng Phủ Kính mấy lền đi bình giặc Bắc Phiên và Thổ Phiên lập rất nhiều chiến công hiển hách. Ngày nay tuy rủi sa cơ bị giặc bắt lẽ nào lại chịu thất tiết qui hàng sao! hạ thần tin chắc rằng trong lúc hai bên giao chiến trên mặt biển, việc thám thính khó khăn nên không rõ thật hư đó thôi. Khi trước hạ thần còn ở Hồ Quảng đã từng nghe danh Hoàng Phủ Thiếu Hoa võ nghệ siêu quần, tinh thông thao lược. Người ấy mang một lòng trunh chánh, nếu nghe đặng chiếu chỉ cầu hiền, thế nào cũng thay họ đổi tên ra đầu quân dẹp giặc. Nếu bệ hạ quyết không dung nạp người thì e người tấn thối lưỡng nan rồi trở đi dầu Phiên tặc kéo về đánh phá Trung Nguyên thì xã tắc thêm nỗi nguy nan. Mong bệ hạ hãy thêm bạn bớt thù là hơn. Vua Thành Tôn bấm trán suy nghị hồi lâu rồi nói: - Lời khanh tâu cũng có lý, song chẳng lẽ Hoàng Phủ Kính không đầu hàng quân giặc và không dẫn giặc về đánh phá Đăng Châu mà quan tuần phủ Sơn Đông lại dám cả gan mạo tấu sao? Nếu nay trẫm cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa được đầu quân, như Thiếu Hoa có lòng trung cùng trẫm thì chẳng nói, bằng ngược lại, hắn có lòng, hắn có lòng tà vậy sẽ theo Hoàng Phủ Kính hợp với quân giặc trở về đánh phá thì biết liệu làm sao? Khanh là người trí thức hãy suy nghĩ cho chính chắcn xem nào. Lệ Minh Đường tâu: Bệ hạ đề phòng quá sâu xa nên lới e ngại như vậy, chứ theo thiển ý của hạ thần thì dám cam đoan Hoàng Phủ Kính không khi nào chịu đầu hàng giặc, còn Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm gì cũng hết dạ tận trung vì nước, xin bệ hạ hãy y theo lời tâu của hạ thần, nếu sau này Hoàng Phủ Thiếu Hoa có phản trắc, hạ thần xin chịu toàn gia tru lục dể làm gương những kẻ mạo tấu. Vua Thành Tôn gật đầu, nói: - Theo lời trần tấu của khanh thì cũng có thể Hoàng Phủ Kính không hề chịu đầu hàng giặc. Còn riêng Hoàng Phủ Thiếu Hoa có phản nghịch hay không là do hắn chứ khanh đã lấy lẽ công bằng tiến cử, lẽ nào trẫm lại làm tội khanh sao! Dứt lời, vua Thành Tôn truyền cho triều thần sửa tờ chiếu lại rồi ban hành khắp mười ba tỉnh trong nước. Lệ Minh Đường mừng rỡ, đoán chắc thế nào Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng ra đầu quân dẹp giặc. Khi Lệ Minh Đường về đến phủ, Lương Giám tỏ ý phiền hà: - Sao hiền tế lại đa sự lắm thế? Việc Hoàng Phủ Kính đầu hàng giặc, quan Tuần phủ Sơn Đông đã dângbiểu về trào quả quyết, mà nay hiền tế cả gan bảo cử, nếu sau này Hoàng Phủ Thiếu Hoa đem dạ bất trung thì khi không hiền tế mang họa. Lệ Minh Đường nói: - Tiện tế căn cứ trên quá trình hoạt động và tinh thần trung nghĩa của họ Hoàng Phủ, đoán chắc không khi nào Hoàng Phủ Kính lại chịu đầu hàng quân giặc đâu, chẳng qua lúc giao chiến trên mặt biển, việc do thám khó khăn nên mới xảy ra tình trạng cáo oan như vậy thôi. Nay tiện tệ hết sức bảo tấu như vậy là muốn cứu người trung lương rủi gặp hàm oan. Thế na éo rồi đây Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng ra đầu quân dẹp giặc, cứu thân phụ về triều để minh oan cho mà xem Lương Giám nói: - Dò sông dò bể chứ đau dễ dò lòng? Nếu cha con Hoàng Phủ Thiếu Hoa quả thật là những kẻ phản nghịch thì có phải hiền tế chớ nên bảo tấu cho người phạm tội như vậy nữa, nguy hiểm lắm. Lệ Minh Đường chắp tay nói: - Lời nhạc phụ dạy rất phải, vậy từ này con nguyện tuân theo. Sau đó Lệ Minh Đường cùng Tố Hoa dắt nhau lên Lộng Tiêu lầu, Tố Hoa đuổi nữ tỳ xuống hết rồi hỏi Lệ Minh Đường: - Chẳng hay hôm nay vào chầu có việc chi mà về nhà quan Thừa tướng tỏ vẻ bất bình như vậy? Lệ Minh Đường bèn thuật lại đầu đuôi mọi việc cho Tố Hoa nghe và nói: Nếu Hoàng Phủ Thiếu Hoa không phải là chồng của chúng ta thì tội tình gì em phải lấy tánh mạng đứng ra bảo đảm như vậy. Chỉ vì Thừa tướng không rõ sự tình nên mới rầy la em. Thế nào rồi đây Hoàng Phủ Công Tử cũng được ra đầu quân rồi. Cái ngày mà chúng mình được gặp phu quân không xa đâu. Tố Hoa nói: Tiểu thơ đã vì Hoàng Phủ Công Tử mà hao mòn biết bao tâm lực, thế nào trời kia cũng phò hộ cho Hoàng Phủ Công Tử dẹp được giặc Phiên, cứu thân phụ về triều. Ôi! Cái ngày loan phụng hòa minh nó đẹp đẽ biết là bao. Lệ Minh Đường nói: - Ta cứ làm hết bổn phận thời thôi, còn hạnh phúc tương lai ra sao là do ở trời quyết định, ta không dám đoán trước được. Rồi sau đó bốn năm hôm, bảng cầu hiền được treo khắp mọi nơi. lệ Minh Đường bảo bọn thơ lại: - Việc chiêu mộ hiền thần này vô cùng quan trọng. Vậy hễ có ai đến đầu quân thì các ngươi không được làm khó dễ người ta và chỉ được thu khoản tiền tổn từ một trăm hai mươi đồng sắp xuống thôi. Nếu ta hay được kẻ nào thâu lên tiền hay làm khó dễ, ta sẽ chiếu theo hình luật trị tội. Lúc bấy giờ dân chúng trong thành thấy bảng cầu hiền, liền kéo nhau đến xem đông như hội. Họ bàn tán với nhau: - Phen này nếu ai có tài cao thì dù cho bạch đinh hay tù tội gì cũng có thể chiếm đặng chức võ Trạng nguyên. Ai nấy cũng muốn tình nguyện tòng quân, nhưng nghĩ đến giặc có nhiều yêu thuật, lại phải vượt biển chiến chinh vô cùng nguy hiểm, nên cũng có nhiều người thối chí. Ngoài ra cũng có nhiều trang thiếu niên gan dạ không ngại yêu thuật, không kiêng sóng gió, họ lục tục kéo đến tình nguyện tòng chinh đông đảo Lời bình: - Xét về lịch sử Trung Hoa thì từ đời Đường đã nặng về các khoa thi. Lối chọn người, lối tiến cử nhân tài đều dùng các khoa thi mà tuey-“n lựa. Những người trong dân dã, nghèo nàn, dù có biệt tài đến đâu, nếu không được vào thi tuyển, và không được giai cấp quí tộc nâng đỡ, thì cũng khó được tuyển dụng vào lãnh vực quan trường. Đó là lối độc tài của gia cấp hoàng tộc, quí tộc, tiến đến một nền phong kiến hoàn bi. Nhưng ở truyện này, tác giả viết vào thời Nguyên, cái thời chính thể phong kiến đang thịnh hành, mọi tầng lớp bình dân bị áp bức, đè bẹp, làm gì có lối tiến cử người bằng lối rao biểu cầu hiền? Điểm này chẳng qua tác giả đã dùng lối tuyển lựa người ở các thế hệ trước, mà tạo cho cốt truyện để có một lối giải quyết, đưa Hoàng Phủ Thiếu Hoa vào lãnh vực quan trường, để sau này tạo thành một câu chuyện tình duyên gây cấn trong cung vàng điện ngọc. Tác giả đã tạo ra một cái thế quẩn bách, quân giặc đánh thốc vào thành, vua nhà Nguyên phải cầu cứu trong dân dã thật là một điểm sai với lịch sử. Nhà Nguyên chiếm cả lục địa Tung Hoa, còn nước Phiên, một chư hầu nhỏ, làm gì có chuyện lạ lùng như vậy! Tuy vậy, bố trí câu chuyện thúc ép, tác giả đã nói lên được lòng yêu nước của anh chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa, dù cha mình bị triều đình bắt tội hàm oan, dù mình là kẻ đang bị triều đình truy nã, trong lúc quốc biến gia vong không nghĩ đến thù riêng mà nghĩ đến sự tồn vong của đất nước. Mặt khác, mối tình của Hoàng Phủ Thiếu Hoa là một mối tình chớm nở trong cung điện, con tim Hoàng Phủ Thiếu Hoa không thể nào không mơ ước chốn cung vàng điện ngọc ấy, đó là dộng lực làm cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa yêu nước, quên thù nhà, tạo cho con người Thiếu Hoa một đức tánh anh hùng vậy