Dịch giả: Cao Xuân Hạo

 
Ngay từ dạo ấy số phận, để giáo dục cho tôi, đã bắt tôi thể nghiệm những nỗi xúc động bi hài kịch của mối tình đầu.
Một tốp bạn bè quen thuộc rủ nhau đi chơi thuyền trên sông Ôka. Họ giao cho tôi cái nhiệm vụ mời hai vợ chồng K. cùng đi, đôi vợ chồng này mới ở Pháp về được ít lâu, nhưng tôi chưa có dịp làm quen với họ. Tôi đến nhà họ vào một buổi tối.
Họ ở căn hầm của một tòa nhà cũ; trước mặt nhà là một vũng nước bẩn choán hết cả tòa chiều rộng của mặt đường, suốt mùa xuân và gần suốt cả mùa hè không lúc nào khô đi được; quạ và chó dùng nó làm gương soi, lợn thì ra đấy tắm.
Đang mang một tâm trạng có phần đăm chiêu tư lự, tôi đường đột bước vào căn nhà của hai người chưa quen biết này như một hòn đá lăn trên sườn núi xuống, và gây nên một tình trạng thảng thốt lạ thường trong gia đình họ. Một người đàn ông đẫy đà, vóc người tầm thước, có bộ râu màu hung hình rẻ quạt và đôi mắt hiền hậu màu thiên thanh, hấp tấp đóng cánh cửa dẫn vào phòng trong rồi ra đứng trước mặt tôi, vẻ mặt hầm hầm.
Ông ta vừa xốc lại quần áo vừa hỏi tôi một cách không lấy gì làm niềm nở:
- Ông muốn gì?
Đoạn nói thêm, giọng răn dạy:
- Trước khi vào nên gõ cửa!
Sau lưng ông ta, trong bóng tranh tối tranh sáng của gian phòng, có một cái gì đang cuống quít cử động, trông như một con chim trắng rất lớn đang giãy giụa, và một giọng nói lanh lảnh vui tươi vang lên:
- Nhất là khi vào nhà những người có gia đình.
Tôi hỏi gắt, xem họ có phải là những người tôi đang cần gặp không? Và khi người đàn ông, trông giống như một ông chủ hiệu làm ăn khấm khá, trả lời là phải, tôi nói rõ cho ông ta biết tôi đến đây để làm gì.
- Ông bảo là Clac phái ông đến phải không? - Người đàn ông vừa hỏi vừa vuốt bộ râu một cách chững chạc và trầm ngâm, rồi ngay lúc ấy bỗng giật mình quay ngoắt lại, bật lên một tiếng kêu đau đớn.
- ái! Kìa Onga!
Căn cứ vào cái động tác đột ngột của hai bàn tay ông ta tôi suy ra rằng ông ta bị ai véo mạnh vào cái bộ phận của cơ thể mà người ta thường tránh gọi tên ra, hẳn là vì nó ở vào một vị trí hơi thấp hơn thắt lưng một chút.
Thế chân ông ta là một thiếu nữ thân hình mảnh dẻ đứng vịn tay vào khung cửa mỉm cười nhìn tôi với đôi mắt màu xanh lam.
- Ông là ai? cảnh sát à?
- Không ạ, chỉ là cái quần thôi, - tôi trả lời một cách lễ phép, còn cô thiếu nữ thì cười phá lên.
Tôi không thấy chạnh lòng, vì trong đôi mắt của cô ta long lanh một nụ cười đặc biệt - chính cái nụ cười mà tôi đã mong đợi từ lâu. Hình như cô ta cười vì cách trang phục của tôi: hôm ấy tôi mặc cái quần rộng màu xanh của cảnh binh, và thay cho áo sơ-mi tôi khoác một chiếc áo vét trắng của đầu bếp; áo này rất tiện lợi: nó có thể đóng vai áo vét-tông một cách khá đắc lực, và lại có cúc móc gài đến tận cổ cho nên ở bên trong không cần mặc sơ mi. Một đôi ủng săn đi mượn và một chiếc mũ rộng vành của kẻ cướp ý bổ sung cho y phục của tôi một cách tuyệt mỹ.
Sau khi cầm tay áo tôi, vào phòng và ấn tôi ngồi xuống một chiếc ghế tựa, người thiếu nữ đứng trước mặt tôi hỏi:
- Tại sao anh ăn mặc buồn cười thế?
- Sao lại buồn cười?
- Anh đừng giận, - cô ta ôn tồn khuyên tôi.
Một cô gái rất kỳ lạ, ai mà có thể giận được?
Người đàn ông có râu đang ngồi trên giường quấn một điếu thuốc lá. Tôi đưa mắt chỉ về phía ông ta, hỏi:
- Đó là bố cô, hay là anh cô?
- Chồng! - Người đàn ông trả lời quả quyết.
- Thế thì sao? - Cô cười, hỏi tôi.
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nhìn kỹ cô, nói:
- Xin lỗi.
Câu chuyện tiếp diễn bằng cái giọng nhát gừng như vậy trong khoảng năm phút, nhưng tôi cảm thấy mình có thể ngồi im lìm trong căn nhà hầm này năm giờ, năm ngày, năm năm cũng được để nhìn khuôn mặt trái xoan thanh tú của người thiếu phụ và đôi mắt dịu dàng của nàng. Miệng nàng nhỏ nhắn, môi dưới dày hơn môi trên như thể mới mọng thêm lên; mái tóc rậm màu hạt dẻ cắt ngắn ngang tai làm thành một cái mũ lộng lẫy, với những món tóc quăn lòa xòa trên đôi vành tai hồng hồng và đôi má đỏ hây như má con gái. Hai tay nàng rất đẹp, lúc nãy, khi nàng đứng ở phòng ngoài tựa tay vào khung cửa, tôi đã được trông thấy nó để trần đến tận vai. Nàng ăn mặc một cách đặc biệt giản dị, trên là một chiếc áo ngắn màu trắng có ống tay rộng viền đăng-ten, và dưới là một cái váy cũng màu trắng may rất khéo. Nhưng đặc sắc nhất ở nàng là đôi mắt màu xanh lam: nó ánh lên một tia sáng vui tươi, trìu mến biết chừng nào, với một vẻ tò mò thân ái làm sao! Và cái này thì không nghi ngờ gì nữa: nàng mỉm cười chính cái nụ cười hoàn toàn không thể thiếu được đối với trái tim của một người đàn ông hai mươi tuổi, một trái tim đã bị sự thô bạo của cuộc sống dày vò.
- Sắp mưa rào đến nơi rồi đây, - ông chồng vừa thông báo vừa phun khói thuốc lá qua bộ râu.
Tôi nhìn ra cửa sổ: sao sáng vằng vặc trên bầu trời không gợn một chút mây. Lúc ấy tôi mới hiểu rằng mình làm phiền người này, bèn ra về với một niềm vui thầm lặng trong lòng như sau khi gặp được một cái gì mình đã tìm từ lâu mà vẫn tự giấu lòng.
Suốt đêm hôm ấy tôi đi lang thang giữa đồng không, trân trọng gợi lại ánh sáng dịu dàng của đôi mắt màu xanh lam, và đến khi trời hửng sáng tôi đã tin chắc như đinh đóng cột rằng người thiếu phụ nhỏ nhắn kia hoàn toàn không phải là một người vợ xứng đôi với cái ông phục phịch có bộ râu cằm và đôi mắt hiền lành của một con mèo no đủ kia. Thậm chí tôi còn thấy thương hại nàng: tội nghiệp, ai đời phải sống với một người có những mẩu vụn bánh mì giắt trong râu!...
Đến hôm sau chúng tôi bơi thuyền trên dòng sông Ôka đục ngầu, dưới bóng bờ sông dốc đứng làm bằng những lớp đất sét nhiều màu ép lên nhau. Ngày hôm ấy là ngày đẹp nhất kể từ khi khai thiên lập địa. Vầng thái dưng rực rỡ lạ thường trên một bầu trời quang đãng tưng bừng như ngày hội, trên sông thoang thoảng mùi dâu đất đang chín tới, mọi người đều sực nhớ ra rằng mình quả là những người rất tốt, và điều đó khiến lòng tôi tràn ngập một tình yêu thưng trong sáng đối với họ. Ngay đến như ông chồng của người nương tử của lòng tôi té ra cũng là một người đáng quý: ông ta không ngồi vào cùng thuyền với vợ - chiếc thuyền này do tôi chèo và suốt ngày hôm ấy ông xử sự một cách thông minh tuyệt vời: thoạt tiên ông kể cho mọi người nghe rất nhiều điều thú vị về ông già Clatxtôn, rồi uống hết một bình sữa thượng hảo hạng, sau đó ngả lưng dưới một bụi cây và mãi cho đến tối ngủ giấc ngủ yên lành của một đứa con nít.
Lẽ dĩ nhiên là chiếc thuyền của chúng tôi đến nơi “cắm trại” trước tiên, và khi bế công nương của tôi lên bờ, nàng nói:
- Anh khỏe quá!
Tôi cảm thấy mình đủ sức xô ngã bất cứ tháp chuông nào trong thành phố và cho nàng biết rằng tôi có thể bế nàng về đến tận phố nhà - bảy verxtơ cả thảy. Nàng cười khe khẽ, mắt nàng mơn trớn tôi, và suốt ngày hôm ấy đôi mắt nàng ánh lên sáng ngời trước mặt tôi, và dĩ nhiên tôi tin chắc rằng nó chỉ sáng cho mỗi mình tôi mà thôi.
Từ đấy về sau mọi việc đều diễn biến với một tốc độ hoàn toàn tự nhiên đối với một người đàn bà lần đầu tiên gặp được một con thú ngộ nghĩnh, chưa từng thấy bao giờ, và đối với một chàng trai khỏe mạnh đang cần đến sự mơn trớn của một bàn tay phụ nữ.
Chẳng bao lâu tôi được biết rằng tuy bề ngoài trông như thiếu nữ chưa chồng, nàng lớn hơn tôi những mười tuổi, đã từng được ăn học trong Học viện dành cho các “thiếu nữ quý tộc” ở Beloxtôc, đã từng là vị hôn thê của quan lãnh binh Cung điện Mùa Đông, đã từng sống ở Paris, đã từng học vẽ và đã học xong nghề bà đỡ. Về sau tôi lại được biết thêm rằng mẹ nàng cũng là bà đỡ và đã từng đón lấy tôi trong giờ phút tôi chào đời: trong cái sự kiện này tôi thấy có một cái gì tiền định và lấy làm vui mừng vô cùng.
Quá trình giao du với giới giang hồ và lưu vong, mối tình dan díu với một người trong bọn họ, rồi sau đó là cuộc đời lang bạt kỳ hồ và khi no khi đói trong những căn nhà hầm và những gác xép ở Paris, Pêterbua, Viên - tất cả những cái đó đã làm cho cô nữ sinh cũ của Học viện trở thành một con người phức tạp một cách ngộ nghĩnh, thú vị một cách hiếm có. Nhẹ nhàng, linh hoạt như một con chim vành khuyên, nàng nhìn cuộc sống và nhìn con người với óc tò mò sắc bén của một thiếu niên thông minh, nàng hát những bài hát Pháp một cách say sưa, hút thuốc lá với những tư thế rất đẹp, vẽ rất khéo, đóng kịch khá hay, may vá rất giỏi và làm mũ phụ nữ rất tài. Nghề đỡ đẻ thì nàng lại không làm. Nàng nói:
- Tôi đã đỡ bốn lần, nhưng tỷ lệ tử vong lên tới bảy mươi lăm phần trăm.
Điều đó đã khiến nàng vĩnh viễn xa lánh cái việc gián tiếp góp phần vào sự sinh sôi của loài người, còn về phần đóng góp trực tiếp vào đấy thì đã có một bằng chứng là đứa con gái của nàng, một cô bé lên bốn xinh đẹp và dễ yêu. Nàng kể chuyện mình với cái giọng mà người ta vẫn dùng khi nói đến một người mình đã biết rất rõ và đã phát chán lên rồi. Nhưng đôi khi nàng tựa hồ như ngạc nhiên trong lúc nói về mình, đôi mắt nàng tối sầm lại trông thật kiều diễm, và trong đáy mắt nàng thoáng ánh lên một nụ cười ngượng nghịu; trẻ con khi nào ngượng cũng mỉm cười như thế.
Tôi cảm được rất rõ cái trí thông minh sắc sảo, vững chắc của nàng, tôi hiểu rằng nàng cao hơn tôi về phương diện văn hóa, tôi thấy rõ cái thái độ khoan dung đầy thiện ý của nàng đối với người đời, nàng thú vị hơn tất cả những thiếu nữ và thiếu phụ tôi quen không biết bao nhiêu mà kể, cái giọng khinh bạc của nàng khi kể chuyện khiến tôi phải ngạc nhiên, và tôi có cảm giác là con người ấy biết rõ tất cả những gì mà những người quen tôi có tư tưởng cách mạng vốn biết, ngoài ra lại còn biết một cái gì khác, quý giá hơn, nhưng nàng nhìn mọi sự từ xa, đứng sang một bên mà quan sát, với nụ cười của một người lớn đứng xem những trò đùa nghịch của trẻ con, những trò đùa nghịch đáng yêu tuy đôi khi cũng nguy hiểm.
Căn nhà hầm nàng ở ngăn ra làm hai phòng: một gian bếp nhỏ kiêm phòng lót, và một gian lớn có ba cửa sổ trông ra đường và hai cửa sổ trông ra khong sân rác rưởi bẩn thỉu. Đây là một chỗ thuận tiện để dọn một xưởng đóng giày, nhưng chẳng hợp chút nào với một người đàn bà thanh lịch đã từng ở Pari, cái thành phố thần thánh của cuộc Cách mạng vĩ đại, thành phố của Môlie, Bômacse, Huygô và nhiều danh nhân khác. Còn có nhiều sự bất tương ứng nữa giữa bức tranh với cái khung hiện tại của nó, và tất cả những sự bất tương ứng đó đều làm cho tôi khó chịu và gợi lên trong lòng tôi nhiều cảm xúc khác nhau, đặc biệt là lòng thương xót đối với người phụ nữ. Nhưng bản thân nàng thì dường như không hề nhận thấy những điều mà tôi cho là phải làm cho nàng tủi cực.
Nàng làm việc từ sáng đến tối. Buổi sáng nàng nấu nướng và dọn dẹp, xong đâu đấy lại ngồi vào chiếc bàn lớn đặt trước cửa sổ suốt ngày vẽ những bức truyền thần - dùng bút chì sao lại những bức ảnh chụp mấy ông trưởng giả trong phố, đồ lại những bản địa đồ, tô màu những bản in thạch, giúp chồng làm những tập thống kê về ruộng đất. Từ khung cửa sổ mở rộng, bụi ngoài đường phố lên bàn và lên đầu nàng, và những đôi chân của khách qua đường hắt cái bóng to lướt qua trên mấy tờ giấy. Nàng vừa làm việc vừa hát, và hễ ngồi lâu quá mỏi lưng, nàng lại đứng lên cầm chiếc ghế nhảy một bài van-x hay chơi với đứa con gái. Tuy làm rất nhiều việc dễ giây bẩn, nàng bao giờ cũng sạch sẽ tinh tươm như một con mèo.
Chồng nàng là người tốt bụng và lười biếng. Ông ta thích nằm trên giường đọc những cuốn tiểu thuyết dịch, đặc biệt là tiểu thuyết của Đuyma-bố. Ông thường nói rằng loại sách này “làm cho các tế bào não tươi trẻ ra”. Ông ta thích nhìn nhận cuộc sống “trên quan điểm thuần túy khoa học”. Ăn thì ông gọi là “hấp thụ chất dinh dưỡng” và ăn xong ông thường nói: Quá trình vận chuyển dung dịch dinh dưỡng từ dạ dày đến các tế bào của cơ thể đòi hỏi trạng thái yên tĩnh tuyệt đối”.
Rồi chẳng buồn rũ cho sạch những mẩu vụn bánh mì mắc trong bộ râu, ông vào giường nằm, đọc say sưa một đoạn tiểu thuyết của Đuyma hay Xaviê đ Môngtêpanh trong dăm bảy phút, rồi sau đó, suốt hai tiếng đồng hồ mũi ông thở phì phò thành một tiếng nhạc rất trữ tình, bộ ria mềm màu nhạt của ông khe khẽ nhúc nhích như thể ở bên trong có một vật gì vô hình đang bò. Tỉnh giấc, ông trầm ngâm nhìn hồi lâu lên những kẽ nứt trên trần, rồi bỗng sực nhớ ra:
- Hôm qua Kuzma thuyết minh sai tư tưởng của Parnel rồi!
Bèn đi thuyết phục Kuzma. Khi ra đi ông dặn vợ:
- Mình tính nốt hộ tôi số hộ không có ngựa ở hạt Maiđane nhé. Tôi về ngay!
Ông ta về nhà vào khoảng nửa đêm, đôi khi muộn hơn, rất hài lòng.
- Mình ạ, hôm nay tôi bác cho Kuzma một trận tơi bời. Cái lão bợm già ấy nhớ được lắm câu trích dẫn thật, nhưng ngay về phương diện này tôi cũng không chịu thua. Có một điều là lão ấy hoàn toàn không hiểu chút gì về chính sách phương đông của Glatxtơn, gàn quá đi mất!
Ông ta luôn nói đến Binê, Risê và vệ sinh não bộ. Những khi trời xấu phải ngồi nhà, ông ta chăm lo việc giáo dục đứa con gái của vợ ông - một đứa bé ra đời một cách ngẫu nhiên đâu trên chặng đường giữa hai câu chuyện tình.
- Lêlia, khi ăn con phải nhai cho kỹ, sự tiêu hóa sẽ được dễ dàng hơn, nhai kỹ thì dạ dày sẽ biến hợp chất dinh dưỡng thành một tổng hòa hóa chất dễ đồng hóa một cách nhanh chóng hơn.
Sau bữa ăn, trong khi đặt mình vào “trạng thái yên tĩnh tuyệt đối” ông đặt đứa bé vào giường và kể cho nó nghe:
- Như vậy là khi kẻ tham quyền cố vị khát máu Bônapact cướp lấy chính quyền một cách phi nghĩa...
Vợ ông nghe những bài giảng ấy thì cười ngặt nghẽo, chảy cả nước mắt ra, nhưng ông ta không giận vợ, bởi vì ông không có đủ thì giờ để mà giận: chỉ một lát sau ông đã ngủ thiếp đi. Con bé nghịch bộ râu tơ của bố một lúc rồi cũng ngủ nốt, mình cuộn tròn thu lu. Tôi đã làm thân được với nó rất mực, nó nghe những câu chuyện kể của tôi một cách thích thú hơn là những bài giảng của ông Bôlexlap về tên tiếm vị khát máu và về mối tình bi thảm của hoàng hậu Giôzêphin đờ Bôhacne đối với hắn ta; điều này làm nảy sinh trong lòng ông Bôlexlap một mối ghen tị rất ngộ nghĩnh.
- Tôi phản đối đấy, anh Pêskôp ạ! Thoạt tiên nhất thiết phải truyền thụ cho trẻ những nguyên lý cơ bản của cách nhìn nhận thực tại, sau đó mới cho nó làm quen với thực tại. Giá anh biết tiếng Anh và có điều kiện đọc qua cuốn Vệ sinh tâm hồn ấu nhi...
Tiếng Anh thì hình như ông ta chỉ biết có hai chữ “gút bai”.
Ông ta nhiều tuổi gấp đôi tôi, nhưng lại có được cái tính tò mò của một con chó xù non, ông ta thích kháo chuyện và tỏ ra mình là người am hiểu tất cả những điều bí ẩn không riêng gì của các giới cách mạng Nga, mà cả của các giới cách mạng ở nước ngoài nữa. Và chăng cũng có thể ông ta am hiểu tường tận thật: đã khá nhiều lần có những nhân vật bí ẩn đến nhà ông ta, lúc nào họ cũng có thái độ như những diễn viên bi kịch tình cờ phải đóng vai những nhân vật hiền lành chất phác. ở nhà ông ta tôi đã từng gặp nhà chính trị bất hợp pháp Kabunaiep với một bộ tóc gi màu hung đỏ đội rất vụng, mặc một bộ com-lê vằn chật và ngắn một cách lố bịch.
Lại có một lần đến nhà ông Bôlexlap tôi gặp ở đấy một con người láu lỉnh có cái đầu nhỏ xíu, trông rất giống một anh thợ cắt tóc. Hắn ta mặc cái quần ngựa ca-rô, một chiếc áo vét-tông màu xám và đi đôi dày bốt-tin kêu ken két. Bôlexlap nháy tôi ra nhà bếp, thì thầm:
- Đây là một người từ Paris về, được ủy thác một nhiệm vụ rất quan trọng, ông ta cần gặp Kôrôlenkô, vậy anh đi tổ chức hộ cuộc gặp gỡ này.
Tôi đi... Nhưng hóa ra là người ta đã chỉ cho Kôrôlenkô xem người này ở ngoài phố và ông đã tuyên bố một cách thâm thúy:
- Không, xin đừng giới thiệu cái thằng công tử bột ấy với tôi làm gì.
Bôlexlap lấy làm chạnh lòng cho người Paris và cho “sự nghiệp cách mạng”, suốt hai ngày liền ngồi viết một bức thư cho Kôrôlenkô, thử dùng đủ các thứ văn phong, từ giọng giận dữ và nghiêm khắc cho đến giọng trách móc dịu dàng, rồi cuối cùng đem đốt những mẫu mực của thể văn thư tín ấy trên nắp lò sưởi. ít lâu sau bắt đầu xy ra những vụ bắt bớ ở Matxcva, ở Nigini, ở Vlađimia, và đến đấy mới vỡ nhẽ ra rằng con người mặc quần áo ca-rô ấy - ngài Lanđlen - Hácting, một nhân vật nổi tiếng sau này, là tên khiêu khích đầu tiên mà tôi được gặp.
Bên cạnh những nét đó thì ông chồng của người tôi yêu dấu là một anh chàng tốt bụng, hơi đa cảm và đa mang cái “hành lý khoa học” của mình một cách hài hước. Ông ta có nói:
- ý nghĩa của đời người trí thức là ở chỗ không ngừng tích lũy hành lý khoa học nhằm mục đích phân phát nó một cách vô tư trong qung đại quần chúng...
Mối tình của tôi càng thêm sâu nặng lại càng trở thành một niềm đau khổ. Tôi thường ngồi trong căn nhà hầm nhìn nương tử của lòng tôi cắm cúi trên chiếc bàn làm việc, và say sưa choáng váng với cái ý muốn bế nàng lên, đưa nàng đi đâu cho xa cái căn nhà hầm đáng nguyền rủa này, với cái giường đôi rộng thênh thang, với chiếc đi-văng nặng nề và cũ kỹ nơi con bé nằm ngủ, với mấy cái bàn la liệt những đống sách và giấy tờ bụi bặm. Ngoài cửa sổ những bóng chân người thấp thoáng một cách kỳ quặc, đôi khi lại thấy một con chó hoang thò mõm vào cửa sổ. Không khí ngột ngạt, từ ngoài đường đưa vào mùi bùn bị nắng hun nóng lên. Cái bóng dáng thanh tú, nhỏ nhắn như một thân hình thiếu nữ ấy vừa hát khe khẽ vừa sột soạt đưa ngòi bút hay đầu bút chì trên giấy, âu yếm mỉm cười với tôi bằng đôi mắt xanh lam kiều diễm. Tôi yêu người đàn bà ấy đến mê sảng, đến điên cuồng và thương nàng đến đau xót, hằn học.
- Anh kể cho tôi nghe một chuyện gì về anh đi, - nàng bàn.
Tôi kể, nhưng mấy phút sau nàng đã nói:
- Đấy có phải chuyện anh đâu.
Và chính bản thân tôi cũng hiểu rằng tất cả những điều mà tôi nói đến vẫn chưa phải là tôi, mà là một cái gì trong đó tôi vướng mắc vào một cách mù quáng. Tôi cần tìm thấy mình trong cái mớ bòng bong hỗn tạp của những ấn tượng và những biến cố mà tôi đã sống qua, nhưng tôi không biết cách và không dám làm việc đó. Tôi là ai, tôi là cái gì? Vấn đề này làm cho tôi rất băn khoăn. Tôi đang căm giận cuộc đời: chưa chi nó đã xui tôi làm cái việc nhục nhã là mưu toan tự sát. Tôi không hiểu được những con người, cuộc sống của họ tôi thấy nó vô lý, ngu xuẩn, bẩn thỉu quá. Trong tôi chứa chất cái trí tò mò quá nhạy bén của một con người không hiểu tại sao lại cứ nhất thiết phi dòm vào tất cả những ngõ ngách tối tăm của cuộc sống, vào đáy sâu của tất cả những sự bí ẩn của đời người, và đôi khi tôi cảm thấy mình có đủ sức phạm một tội ác vì tò mò: tôi sẵn sàng giết người chỉ để biết sau đó mình sẽ ra sao.
Tôi có cảm giác là nếu tôi tìm được mình thì trước mắt người đàn bà tôi yêu sẽ hiện ra một con người ghê tởm, mắc míu trong một mạng lưới dày đặc, vững chắc của những cảm xúc và những ý nghĩ kỳ dị; một con người của mê sảng, của ác mộng, nó sẽ làm nàng khiếp sợ và ghê tởm. Tôi cần làm một cái gì đối với bản thân. Tôi tin chắc rằng chính người đàn bà này không những có thể giúp tôi cảm biết được cái bản ngã thật của mình, mà còn có thể làm một điều gì thần diệu mà sau đó tôi sẽ lập tức thoát ra khỏi sự giam cầm của những ấn tượng đen tối của cuộc sống, sẽ vĩnh viễn vứt bỏ được một cái gì đó ra khỏi tâm hồn, và tâm hồn tôi sẽ bừng lên ngọn lửa của một sức mạnh lớn lao, của một niềm vui vĩ đại.
Cái giọng khinh bạc của nàng khi nói về mình cũng như thái độ khoan dung của nàng đối với người đời đã khiến tôi tin chức rằng nàng biết được một cái gì phải thường. Nàng có chìa khóa riêng để đi vào tất cả những điều bí ẩn của cuộc sống, cho nên nàng bao giờ cũng vui vẻ, bao giờ cũng tự tin. Có lẽ tôi yêu nàng chủ yếu là vì những điều mà tôi không hiểu được ở nàng, nhưng tôi vẫn yêu nàng với tất cả sức mạnh và nhiệt tình của tuổi trẻ. Kìm hãm được cái nhiệt tình ấy đối với tôi là một việc khó khăn đến mức đau đớn: chưa chi nó đã thiêu đốt thể xác tôi và làm cho tôi kiệt quệ. Giả sử tôi đơn giản hơn, thô kệch hơn, thì tôi sẽ đỡ khổ hơn, nhưng tôi tin rằng những mối quan hệ với người đàn bà không bó hẹp trong cái hành động giao hòa sinh lý mà tôi đã từng được biết dưới dạng thô lỗ một cách nghèo nàn, đơn giản một cách thú vật của nó, cái hành động ấy khiến tôi có một cảm giác gần như ghê tởm, mặc dầu tôi là một thanh niên khỏe mạnh và khá hiếu sắc, lại có một trí tưởng tượng dễ kích động.
Tôi không hiểu niềm mơ ước lãng mạn ấy làm sao có thể hình thành và sống mãi trong tôi, nhưng tôi tin chắc mười phần rằng ở phía sau những điều tôi biết được còn có một cái gì mà tôi chưa hề biết, và chính cái đó chứa đựng cái ý nghĩa cao cả, huyền bí của sự đồng giao với phụ nữ, một cái gì lớn lao, hoan lạc và thậm chí khủng khiếp ẩn nấp sau cuộc ân ái đầu tiên,
- sau khi thể nghiệm được niềm hoan lạc ấy, con người đổi mới hoàn toàn.
Tôi nghĩ rằng tôi nảy ra những ý tưởng huyền hoặc ấy không phi vì những cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc: tôi đã nuôi dưỡng và phát triển nó từ cái đầu óc đối kháng với thực tại, bởi vì:
“Tôi đã đến thế gian này để mà không thỏa thuận”.
Ngoài ra, tôi còn có một kỷ niệm kỳ dị, mơ hồ: ở một nơi nào bên ngoài thực tại, và vào một thời gian nào rất sớm sủa của tuổi thơ, tôi đã từng thể nghiệm một sự rung chuyển mạnh mẽ của tâm hồn, một cơn run rẩy hoan lạc của cảm giác hài hòa, hay nói cho đúng hơn, của một linh cảm về sự hài hòa, đã thể nghiệm một niềm vui tươi sáng hơn ánh nắng ban mai, khi mặt trời mọc. Có lẽ điều đó đã xảy ra mãi từ những ngày tôi hãy còn nằm trong bụng mẹ, và đó là một sự rung động diễm phúc của tinh lực thần kinh của mẹ tôi đã truyền vào tôi thành một luồng nóng hổi, đã sáng tạo nên tâm hồn tôi và lần đầu tiên đã nhen nhóm nó lên cho nó sống, có lẽ đó là một giây phút hạnh phúc mãnh liệt của mẹ tôi đã chiếu rọi vào tôi suốt đời thành cái khát vọng đợi chờ ở người phụ nữ một cái gì phi thường.
Khi người ta không biết thì người ta tưởng tượng ra. Và điều khôn ngoan nhất mà con người đã đạt đến được là cái khả năng biết yêu người phụ nữ, biết ngưỡng mộ sắc đẹp của họ; từ tình yêu đối với phụ nữ đã nảy sinh tất cả những gì đẹp đẽ trên thế gian.
Một hôm, trong khi tắm, tôi đứng trên một chiếc xà-lan nhảy xuống nước, ngựơc va phải cọc neo, chân vướng phải sợi dây chão, người bị treo ngược trên mặt nước, đầu chìm xuống nước, và bắt đầu sặc sụa. Một người đánh xe bò đã lôi tôi lên. Người ta xóc mạnh người tôi cho ra hết nước, làm xây sát hết cả da tôi. Tôi khạc ra máu, và phải nằm yên trên giường nuốt nước đá.
Nàng đến thăm tôi, ngồi bên cạnh giường và vừa hỏi tôi xem sự việc đã xảy ra như thế nào, vừa đưa bàn tay nhẹ nhàng đáng yêu vuốt lên đầu tôi. Đôi mắt nàng tối sẫm lại, nhìn tôi lo lắng.
Tôi hỏi: nàng có thấy tôi yêu nàng không?
- Có. - nàng nói, miệng mỉm cười dè dặt, - tôi có thấy, và như thế không tốt một chút nào, tuy tôi cũng đã đem lòng yêu anh.
Dĩ nhiên là sau câu nói ấy cả đất trời đều rung chuyển, và hàng cây trong vườn quây nhau lại quay tròn trong một điệu vũ hân hoan. Tôi câm lặng đi vì bất ngờ, dúi đầu vào đùi nàng và giả sử lúc ấy tôi không ôm nàng thật chặt, tôi đã bay qua cửa sổ như một cái bong bóng xà-phòng rồi.
- Đừng cử động, như thế rất có hại cho anh! - Nàng lấy giọng nghiêm nghị bo tôi và cố di chuyển đầu tôi lên gối như cũ. - Và nhất là đừng có xúc động, nếu không tôi sẽ bỏ đi. Nói chung anh là một người rất điên rồ, trước đây tôi không tưởng tượng là có những người như thế. Về những tình cảm và quan hệ giữa chúng ta, ta sẽ bàn sau, khi nào anh bình phục.
Tất cả những lời ấy nàng nói rất điềm đạm và mỉm cười một cách âu yếm lạ lùng bằng đôi mắt sẫm tối. Một lát sau lui ra, để lại trong lòng tôi một ngọn lửa hy vọng muôn màu và niềm tin diễm phúc rằng từ nay, với sự giúp đỡ thân ái của nàng, tôi sẽ mọc cánh bay bổng lên thế giới của những tình cảm và tư tưởng khác.
Mấy hôm sau tôi ngồi trên một cánh đồng, bên bờ một cái vực. ở phía dưới, trong các bụi rậm, gió thổi rì rào. Bầu trời xám xịt hứa hẹn một trận mưa. Bằng những lời lẽ đứng đắn, khô khan, người đàn bà ấy nói về sự cách biệt tuổi tác giữa chúng tôi, phân trần rằng tôi còn phải học, mà bây giờ lại đeo trên cổ một người vợ với một đứa con thì quá sớm. Tất cả những điều đó đều đúng một cách khó cãi lại, đều được nói ra bằng cái giọng của một người mẹ, lại càng khiến tôi yêu thêm, kính trọng thêm người đàn bà đáng yêu ấy. Tôi có một cảm giác buồn bã và dịu ngọt trong lòng khi nghe giọng nói, những lời lẽ đằm thắm của nàng. Đây là lần đầu tiên người ta nói năng với tôi như vậy.
Tôi nhìn xuống đáy vực, nơi những bụi cây ngã nghiêng trước gió chảy thành một dòng sông xanh, và thầm tuyên hệ với lòng mình là sẽ đem hết sức lực của tâm hồn ra đền đáp lại mối tình trìu mến của con người này.
- Trước khi quyết định một việc gì, ta cần phi nghĩ cho kỹ, - tôi nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ. Nàng đang cầm một nhánh cây dẻ bứt lúc nãy quất quất lên đầu gối, mắt nhìn về phía thành phố nấp sau những khu vườn xanh um nằm vắt trên mấy ngọn đồi.
- Dĩ nhiên tôi phẩi nói chuyện với Bôlexlap. Ông ấy đã cảm thấy có một cái gì, và đã bắt đầu có những thái độ rất thiếu tự chủ. Mà tôi thì không thích những tấn kịch gia đình.
Tất cả những điều đó đều rất buồn và rất hay ho, nhưng hóa ra giữa lúc này vẫn không thể thiếu được một cái gì dung tục và buồn cười.
Chiếc quần tôi đang mặc vốn rộng lưng, tôi phải cài vào thắt lưng một cái kim găm bằng đồng dài không ba phân (bây giờ không thấy có những thứ kim găm như vậy nữa: âu cũng là một điều may cho những kẻ si tình nghèo túng). Cái đầu nhọn của chiếc kim găm đáng nguyền rủa ấy luôn luôn cào khe khẽ vào da tôi. Một động tác bất cẩn - thế là cả chiếc kim găm đâm tuột vào sườn tôi. Tôi đã tìm cách rút nó ra được một cách kín đáo, nhưng tôi kinh hãi nhận thấy rằng từ cái vết đâm khá sâu ấy máu chảy ra rất nhiều, ướt cả cái quần. Tôi không mặc đồ lót, mà cái áo vét đầu bếp thì chỉ xuống đến ngang thắt lưng. Làm thế nào đứng dậy mà đi được với một cái quần ướt dính bết vào người như thế?
Hiểu rõ tính chất hài hước của tình thế, căm phẫn sâu sắc vì cái dạng phàm tục của nó, trong cơn kích động dữ dội, tôi bắt đầu nói huyên thuyên với cái giọng thiếu tự nhiên của một anh kép hát trót quên mất vở.
Ngồi nghe tôi nói được mấy phút, lúc đầu thì chăm chú, sau đó thì ngỡ ngàng rõ rệt, nàng nói:
- Sao anh nói năng khoa trương thế? Anh bỗng dưng đâm ra lạ quá!
Câu nói đó làm cho tôi hoàn toàn mất trí, và tôi im bặt như bị ai chẹn cổ.
- Ta về đi thôi, sắp mưa rồi!
- Tôi ở lại đây.
- Tại sao?
Tôi biết trả lời nàng ra sao bây giờ?
- Anh giận tôi à? - Nàng hỏi, đôi mắt dịu hiền nhìn chăm chú vào mặt tôi.
- Ồ không! Giận mình thì có.
- Giận mình cũng không nên, - nàng đứng dậy, khuyên tôi.
Còn tôi thì không thể nào đứng dậy được. Ngồi trong vũng nước âm ấm, tôi có cảm giác là máu của tôi từ chỗ thủng bên sườn đang tuôn ra róc rách như một dòng suối, chỉ một vài giây nữa là người đàn bà ấy sẽ nghe tiếng róc rách này và sẽ hỏi:
“Cái gì thế?
“Đi đi!” - Tôi thầm van lơn nàng trong ý nghĩ.
Nàng độ lượng bố thí thêm cho tôi mấy lời âu yếm nữa rồi bỏ đi, men theo bờ vực, người đung đưa một cách duyên dáng trên đôi chân thon thả. Tôi nhìn theo cái bóng dáng mềm mại của nàng đang xa dần, nhỏ dần lại, rồi nằm lăn ra đất, chợt choáng người đi vì vừa vỡ nhẽ ra rằng mối tình đầu của mình sẽ là một mối tình bất hạnh.
Dĩ nhiên, sự việc đã diễn ra đúng như vậy: ông chồng của nàng tuôn ra một dòng lệ rộng thênh thang hòa lẫn những giọt nước bọt chan chứa tình cảm, những lời lẽ não lòng, và nàng đã không nỡ bi sang phía tôi qua cái dòng thác dính như hồ ấy.
- Ông ấy tội nghiệp lắm, còn anh thì mạnh mẽ thế kia! - Nàng nói, nước mắt rưng rưng. - Ông ấy bảo tôi: “Nếu em bỏ anh mà đi, anh sẽ chết tàn chết lụi như bông hoa không có mặt trời...”
Tôi cười phá lên, khi nhớ lại đôi chân ngắn cũn cỡn, hai cái đùi đàn bà, cái bụng tròn như quả bí ngô của cái bông hoa ấy. Râu ông ta là nơi trú ngụ của ruồi, ở đấy bao giờ cũng có thức ăn cho chúng.
Nàng mỉm cười nhận xét:
- Phải, nói thế nghe cũng thật buồn cười, nhưng dù sao cũng khổ thân ông ấy lắm.
- Tôi cũng thế.
- ồ, anh còn trẻ, anh có sức...
Hình như đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình là kẻ thù của những kẻ yếu. Về sau, vào những dịp nghiêm trang hơn, tôi đã nhiều lần quan sát thấy rõ những kẻ mạnh bất lực một cách bi đát nhường nào giữa những kẻ yếu, thấy rõ bao nhiêu tinh lực vô cùng quý báu của con tim và khối óc bị tiêu phí để kéo dài sự tồn tại của những kẻ đã bị thiên nhiên lên án tử hình.
ít lâu sau, ốm dở, trong một tình trạng rất gần gũi với sự điên rồ, tôi bỏ thành phố ra đi và gần suốt hai năm tôi vật vờ trên các đường trường của nước Nga như một bông hoa cù gai. Tôi đi khắp miền sông Vonga, sông Đông, miền Ukrain, miền Krưm, miền Kapkaz, thể nghiệm vô số những ấn tượng, những biến cố khác nhau, trở nên thô lỗ, tâm trạng hằn học càng tăng, nhưng tôi vẫn giữ nguyên vẹn trong tâm hồn cái hình ảnh yêu kiều của người đàn bà ấy, mặc dầu tôi đã gặp những người đẹp hơn, tốt hơn và thông minh hơn nàng nhiều.
Và hơn hai năm sau, vào một ngày thu ở Tiflix, khi có người nói với tôi rằng nàng vừa ở Paris về và rất mừng khi được biết rằng tôi đang ở cùng một thành phố với nàng, tôi, một thằng thanh niên hai mươi ba tuổi khỏe như vâm, lần đầu tiên trong đời đã ngất đi.
Tôi không dám đến nhà nàng, nhưng chẳng bao lâu chính nàng, thông qua những người quen biết, đã mời tôi đến.
Tôi thấy nàng hình như còn đẹp hơn và đáng yêu hơn trước. Vẫn cái bóng dáng thiếu nữ ấy, vẫn đôi má đỏ ửng mịn màng ấy và vẫn tia sáng êm dịu ấy của đôi mắt màu thiên thanh. Chồng nàng ở lại Pháp, nàng chỉ đem theo đứa con gái, láu lỉnh và duyên dáng như một chú dê non.
Khi tôi đến nhà nàng, một trận bão đang tràn qua thành phố, sấm chớp ầm ầm, mưa trút xuống rào rào trên đường phố, từ trên ngọn núi Thánh Đavit đổ xuống một dòng thác mãnh liệt xói bật những phiến đá lát đường lên. Tiếng gió rú, tiếng nước vỗ giận dữ, tiếng những vật gì sụt lở rầm rầm làm rung chuyển cả ngôi nhà, gian phòng phút phút lại lóe sáng lên trong một ánh lửa xanh lè, và có thể tưởng chừng như mọi vật xung quanh đều đã rơi vào một vực thẳm ướt át, không đáy.
Con bé sợ quá chui tuột vào trong đống chăn, còn hai chúng tôi ra đứng bên cửa sổ, mắt quáng lòa vì những tia chớp, và không hiểu tại sao lại nói chuyện thì thầm.
- Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy một cơn giông như thế này, - giọng nói của người đàn bà yêu dấu thánh thót bên tai tôi.
Rồi bỗng nhiên nàng hỏi:
- Thế nào rồi, anh đã khỏi cái bệnh yêu tôi chưa?
- Chưa.
Nàng hình như ngạc nhiên, và vẫn thì thầm, nàng nói:
- Trời ơi, anh thay đổi nhiều quá! Một người khác hẳn.
Nàng từ từ buông mình xuống chiếc ghế bành bên cửa sổ, giật mình và nheo đôi mi lại, chói mắt vì một ánh chớp khủng khiếp và thì thào:
- ở đây người ta nói nhiều đến anh. Anh đến đây ở để làm gì? Anh kể cho tôi nghe đi: thời gian qua anh sống ra sao?
Trời ơi, sao nàng bé bỏng và xinh đẹp đến thế?
Tôi kể cho nàng nghe đến nửa đêm, như thể tự thú. Những hiện tượng dữ dội của thiên nhiên bao giờ cũng có tác dụng kích thích tôi, làm cho tâm hồn tôi tràn đầy một niềm vui dào dạt. Chắc hẳn tôi kể khá hay - tôi tin chắc như vậy khi thấy sự chăm chú của nàng và cái nhìn căng thẳng của đôi mắt mở rộng. Chỉ thỉnh thoảng nàng mới thì thào:
- Thế thì khủng khiếp quá.
Khi ra về, tôi nhận thấy nàng từ giã tôi không phải với cái nụ cười bao dung của người lớn tuổi hơn, cái nụ cười trước kia bao giờ cũng làm cho tôi hơi phật lòng. Tôi đi trên những đường phố ướt át, ngắm vành trăng lưỡi liềm nhọn hoắt cắt đứt những đám mây rách tả tơi, và thấy đầu choáng váng vì vui mừng. Hôm sau tôi gửi qua bưu điện cho nàng một bài thơ. Về sau nàng hay đem nó ra ngâm, cho nên nó đã ghi sâu vào ký ức của tôi:
Thưa quý nương!
Để có được một lời âu yếm
Một khóe nhìn êm dịu của nàng
Nhà ảo thuật nộp mình làm nô lệ:
Hắn tinh thông một nghề thú vị
Từ những chuyện vặt, từ hư không
Hắn biết đúc thành những niềm vui nhỏ!
Nàng hãy nhận tên tiểu nô vui vẻ!
Biết đâu từ những niềm vui nhỏ bé
Hắn chẳng tạo nên hạnh phúc lớn lao
Cả vũ trụ này, chẳng phải đó sao:
Sinh ra từ những tế bào cỏn con?
Vâng!
Thế giới sinh ra vốn sẵn buồn,
Niềm vui đã hiếm lại đau thương,
Nhưng cũng khá nhiều trò ngộ nghĩnh:
Như kẻ tôi đòi của Quý nương.
Lại cũng có một cái gì tuyệt mỹ,
Đó chính là Nàng, hỡi Quý nương
Nàng!
Nhưng hãy lặng im!
Có nghĩa gì đâu những chữ cùn
Khi đem so với tấm lòng em?
Trái tim em: đóa hoa đẹp nhất
Trên trái đất này vốn rất nghèo hoa.
Dĩ nhiên những câu này khó lòng có thể gọi là thơ ca được nhưng nó đã được viết ra trong một phút hân hoan chân thành.
Giờ đây tôi lại ngồi trước mặt con người mà tôi cho là tốt nhất đời, cho nên tôi không thể nào thiếu được. Nàng mặc một chiếc áo dài màu thiên thanh; không che mờ những đường nét thanh tú của hình dáng nàng, nó phủ lên người nàng một làn mây mềm mại, thơm tho. Nàng vừa nghịch hai cái ngù nhỏ ở dây thắt lưng vừa nói với tôi những lời lẽ phi thường; tôi theo dõi những cử động của mấy ngón tay nhỏ nhắn móng hồng của nàng và cảm thấy mình là một cây vĩ cầm đang được một nhạc sĩ điêu luyện âu yếm lên dây. Tôi muốn chết đi, tôi muốn làm cách nào hít thở người đàn bà ấy vào tâm hồn mình, để cho nàng vĩnh viễn ở lại trong ấy. Thân thể tôi hát lên trong một trạng thái căng thẳng ngây ngất mãnh liệt đến đau nhức lên, và tôi có cảm giác như tim mình sắp nổ tung.
Tôi đọc cho nàng nghe mẩu truyện ngắn đầu tay của tôi vừa mới in xong, nhưng tôi không nhớ nàng đánh giá nó ra sao. Hình như nàng ngạc nhiên:
- Ô, thế ra anh bắt đầu viết văn xuôi rồi à?
Như trong giấc mộng tôi nghe văng vẳng từ một nơi nào xa lắm:
- Mấy năm qua tôi nghĩ đến anh rất nhiều. Chả nhẽ vì tôi mà anh đã phải trải qua nhiều phen khổ ải như thế?
Tôi nói với nàng những gì gì, đại ý là trong cái thế giới có nàng sống không có cái gì là khổ ải và đáng sợ hết.
- Anh đáng yêu thật.
Tôi muốn ôm lấy nàng quá chừng, nhưng hai tay tôi nó dài lêu nghêu một cách ngu xuẩn và nặng nề một cách kỳ quặc, tôi không dám động đến người nàng, sợ làm nàng đau. Tôi đứng trước mặt nàng, và người lo đo dưới những chấn động ào ạt của trái tim, tôi ấp úng:
- Cô sống với tôi nhé. Cô ơi, cô sống với tôi nhé!
Nàng cười khe khẽ và... thẹn thùng chăng? Đôi mắt đáng yêu của nàng ánh lên sáng lòa. Nàng bỏ ra góc phòng và đứng đấy nói vọng về:
- Bây giờ thế này nhé: anh đi Nigini, tôi sẽ ở lại đây. Tôi sẽ suy nghĩ, rồi viết thư cho anh...
Kính cẩn cúi chào nàng như nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết nào đấy đã từng làm, tôi ra về, bước lơ lửng trên không trung.
Sang mùa đông nàng đem con gái về Nigini ở với tôi. “Vợ chồng nghèo cưới nhau - đêm qua rất mau” trí tuệ của dân gian đã nói một cách ngạo nghễ và buồn rầu như vậy. Tôi đã được kiểm nghiệm qua bản thân cái chân lý sâu xa của câu tục ngữ này.
Chúng tôi thuê với giá hai rúp một tháng một ngôi nhà riêng - một ngôi nhà cũ trong vườn một ông linh mục. Tôi dọn chỗ ở trong căn phòng mắc áo, còn vợ tôi ở ngay trong buồng tắm, cũng kiêm luôn cả phòng khách. Cái biệt thự ấy không lấy gì làm thích hợp với cuộc sống gia đình. Trong các góc nhà và ở những chỗ nối vách hơi ẩm đóng băng lại. Đêm đêm ngồi làm việc, tôi có được bao nhiêu áo quần đều đem trùm lên người hết và đắp thêm ra ngoài cả một tấm thảm, ấy thế mà vẫn sinh chứng tê thấp khá nặng. Đó là một điều gần như siêu tự nhiên vì hồi ấy tôi có một sức khỏe và một sức chịu đựng phi thường mà tôi vẫn lấy làm tự hào.
Trong phòng tắm ấm hơn, nhưng khi tôi đốt lò sưởi lên thì khắp ngôi nhà ở của chúng tôi tràn ngập cái mùi ngột ngạt của gỗ mục, của xà phòng và của chổi tắm hơi. Con bé của chúng tôi, một con búp bê bằng sứ xinh đẹp, có đôi mắt diệu kỳ, đứng ngồi không yên: nó nhức đầu vì mùi ấy.
Sang mùa xuân thì nhện và bọ đất bắt đầu lũ lượt đến thăm ngôi nhà tắm. Hai mẹ con sợ chúng đến khiếp đi; tôi phải lấy giày cao su giết bọ. Quanh mấy khung cửa sổ nhỏ mọc dày những bụi điền thanh và phúc bồn tử đã hóa dại, trong phòng bao giờ cũng tối mờ mờ, thế mà ông linh mục nghiện rượu dở hơi không chịu cho tôi nhổ hay ít ra cũng xén bớt những bụi cây ấy đi.
Dĩ nhiên, lẽ ra cũng có thể tìm một chỗ ở tiện nghi hơn, nhưng chúng tôi trót mắc nợ ông linh mục, mà ông ta lại rất thích tôi nên không chịu để cho chúng tôi đi nơi khác.
- Ông bà sẽ quen đi! - Ông ta nói. - Nếu không thì ông cứ trả nợ cho tôi và muốn đi đâu thì đi, đi sang mà ở với người Anh cũng được.
Ông ta không thích người Anh. Ông khẳng định:
- Đó là một dân tộc lười biếng, nó chưa hề phát minh được một cái gì ngoài trò chơi bài “kiên nhẫn”, và không biết cách đánh giặc.
Ông ta có một thân hình to lớn lạ thường, một cái mặt tròn đỏ ối và một bộ râu đỏ xòe rộng, ông ta rượu chè be bét đến nỗi không thể làm lễ ở nhà thờ được nữa và chết mê mệt vì một chị thợ khâu mũi nhọn, da đen, trông giống như con quạ.
Kể lại cho tôi nghe những trò xỏ xiên của cô ta, ông lấy lòng bàn tay hất mấy giọt lệ đọng trên bộ râu và nói:
- Tôi rất hiểu cô ta là đồ vô lại, nhưng cô ta khiến tôi nhớ lại bà thánh tuẫn đạo Phimiama vĩ đại, vì thế mà tôi yêu cô ta!
Tôi đã tra cứu kỹ danh sách của thánh - không làm gì có bà thánh nào tên như vậy cả.
Công phẫn trước thái độ vô thần của tôi, ông tìm cách lay chuyển tâm hồn tôi bằng những luận chứng bênh vực đức tin như sau:
- Anh bạn trẻ ạ, anh hãy nhìn vấn đề này một cách thiết thực; người vô thần thì có độ mấy chục, còn người tin đạo thì có đến hàng triệu! Tại sao như vậy? Tại vì cũng như con cá này không thể sống ngoài nước, thì linh hồn cũng không thể sống ngoài giáo hội. Anh đã chịu chưa? Nhân dịp này, ta hãy cạn chén!
- Tôi không uống rượu, tôi bị tê thấp.
Xóc nĩa vào miệng cá quả, ông gi nó lên cao, vẻ dọa nạt, và nói:
- Cả cái đó cũng vì thiếu đức tin mà ra!
Tôi thấy xấu hổ quá chừng trước mặt vợ tôi về cái nhà tắm ấy, xấu hổ đến mất ngủ, về nỗi thường không mua được thịt ăn, không mua được đồ chơi cho con bé, về tất cả cái cảnh bần cùng khốn kiếp, mai mỉa này. Bần cùng là một cái tệ, nó không làm cho bản thân tôi ngượng ngùng và day dứt, nhưng đối với cô nữ thanh lịch ấy và nhất là đối với con gái nàng, cuộc sống này thật là nhục nhã, khốn nạn.
Đêm đêm, ngồi vào bàn trong cái xó riêng của mình chép lại những đơn kiện, đơn kháng cáo và đơn chống án, hay nặn ra những truyện ngắn, tôi nghiến răng ken két và nguyền rủa mình, nguyền rủa người, nguyền rủa số phận, nguyền rủa tình yêu.
Nàng cư xử rất đại lượng, như một người mẹ không muốn cho con trai mình thấy mình khổ sở. Không hề nghe thấy từ miệng nàng thốt ra một lời than phiền nào về cảnh sống hèn hạ này; hoàn cảnh càng khó khăn bao nhiêu giọng nói của nàng càng thanh thản, tiếng cười của nàng càng vui vẻ bấy nhiêu. Từ sáng đến tối nàng vẽ chân dung những ông linh mục và các bà vợ quá cố của họ, vẽ địa đồ các huyện: nhờ mấy bản địa đồ này mà hội đồng nông phố đã được thưởng huy chương vàng trong một cuộc triển lãm nào đấy. Và khi không còn mấy ai đặt vẽ truyền thần nữa, nàng thu nhặt những mụn vi linh tinh, những cọng rm và những mẩy dây điện kết thành những chiếc mũ kiểu Pari mốt nhất cho các cô các bà ở phố chúng tôi. Tôi không hiểu biết chút gì về các thứ mũ của phụ nữ, nhưng hiển nhiên là trong đó có che đậy một cái gì hết sức khôi hài, - người thợ mũ của tôi mỗi khi đứng trước gương ướm thử cái món phục sức huyền hoặc do tay mình làm ra, đều cười lăn lóc, tưởng đến ngạt thở. Nhưng tôi nhận thấy những chiếc mũ này có một ảnh hưởng kỳ lạ đối với khách hàng: sau khi đã phục sức cho cái đầu của mình bằng những thứ ổ gà ngũ sắc ấy, họ đi khệnh khạng trên đường phố, ưỡn bụng ra một cách đặc biệt kiêu hãnh.
Tôi nhận việc của một ông trạng sư và viết truyện ngắn cho tờ báo địa phưng với số nhuận bút hai cô-pếch một dòng. Tối tối, sau bữa dùng trà, nếu nhà chúng tôi không có khách, vợ tôi kể cho tôi nghe những mẩu chuyện thú vị về những chuyến đến thăm của sa hoàng Alecxanđr Đệ nhị ở học viện nữ sinh Belôxtôc: ngài ban phát cho các thiếu nữ quý tộc những chiếc kẹo gì mà sau khi ăn vào thì một số nữ sinh bỗng dưng có mang một cách thần kỳ và thỉnh thoảng một nữ sinh xinh đẹp nào đó lại biến mất trong khi đi săn với hoàng thượng ở khu rừng Belovega, rồi sau đó đi lấy chồng ở Pêtecbua.
Nương tử của tôi kể cho tôi nghe những chuyện rất hấp dẫn về Paris: tôi đã được biết Paris qua sách vở, đặc biệt là cuốn sách rất đứng đắn của Măcxim Đuycăng, còn nàng thì đã tìm hiểu Paris qua những quán rượu ở Môngmactr và cuộc sống nhộn nhịp ở khu La-tinh. Những câu chuyện này còn khích động tôi mạnh hơn cả rượu vang, và tôi ngồi sáng tác những bài tụng thi ca tụng người phụ nữ, cảm thấy rằng chính nhờ sức mạnh của tình yêu đối với họ mà người ta đã sáng tạo được tất cả những gì đẹp đẽ trên đời.
Những câu chuyện hấp dẫn tôi và làm cho tôi thích thú hơn cả là những câu chuyện kể lại những cuộc tình duyên mà bản thân nàng đã sống qua. Nàng nói đến những chuyện đó một cách lý thú lạ lùng, và với một sự chân thành đôi khi khiến cho tôi hết sức lúng túng. Bằng một giọng bông đùa, với những từ ngữ nhẹ nhàng như những nét vẽ của một cây bút chì gọt rất nhọn, nàng gợi lên hình ảnh hài hước của vị tướng xưa kia đã từng là vị hôn phu của nàng - trót bắn vào con bò tót trước cả sa hoàng, ông ta quát với theo con bò bị thương:
- Xin hoàng thượng xá lỗi cho!
Nàng kể chuyện về những người lưu vong Nga, và bao giờ trong những lời lẽ của nàng tôi cũng thấy nàng che giấu một nụ cười khoan dung đối với con người. Đôi khi sự thành thực của nàng đi xa đến mức chuyển thành một sự trâng tráo ngây th: nàng khoái trá liếm môi với cái lưỡi nhọn và hồng như lưỡi mèo, và mắt nàng ánh lên một tia sáng đặc biệt. Đôi khi tôi có cảm giác trong đôi mắt ấy thoáng hiện ý kinh tởm, nhưng thường thường thì tôi thấy nàng chỉ là một cô bé mới chơi búp bê mà thôi.
Có một lần nàng nói:
- Một người đàn ông Nga si tình bao giờ cũng hơi lắm lời và hơi nặng nề, nhiều khi lại còn ăn nói quá hoa mỹ đâm khó chịu. Chỉ có người Pháp mới biết yêu một cách đẹp đẽ, đối với họ tình yêu hầu như là một tôn giáo.
Sau lần ấy, tôi bất giác bắt đầu cư xử với nàng một cách dè dặt hơn và nương nhẹ nàng hơn.
Về phụ nữ Pháp nàng có lần nói:
- ở họ không phải bao giờ cũng có được một tình cảm tha thiết, đắm đuối, nhưng họ thay thế cái đó một cách rất đích đáng bằng một tính hiếu cảm vui tươi, được phát triển một cách tinh vi, tình yêu đối với họ là một nghệ thuật.
Nàng nói những điều đó một cách rất nghiêm trang, giọng như cô giáo. Đó không hẳn là những tri thức mà tôi đang cần, nhưng dù sao đó cũng là những tri thức, nên tôi nghe nàng một cách ham hố.
- Giữa đàn bà Nga và đàn bà Pháp có lẽ cũng có một sự khác nhau như những trái cây với những chiếc kẹo hoa quả, - nàng nói điều này trong một đêm trăng, ngồi dưới một giàn hoa ở trong vườn.
Bản thân nàng cũng là một chiếc kẹo. Nàng hết sức ngạc nhiên khi, vào những ngày đầu chung sống với nhau, tôi trình bày, dĩ nhiên là một cách say sưa, cho nàng rõ những quan niệm lãng mạn của tôi về quan hệ nam nữ.
- Anh nói thật đấy à? Anh nghĩ như thế thật à? - Nàng hỏi. Lúc bấy giờ nàng đang nằm trên tay tôi, dưới ánh trăng xanh mờ mờ.
Tấm thân trắng hồng của nàng trông như trong suốt, và tỏa ra mùi hương hăng hắc, say nồng của hạnh nhân. Mấy ngón tay thanh tú của nàng lơ đãng nghịch bờm tóc của tôi, và nàng nhìn vào mặt tôi với đôi mắt mở to có chiều lo lắng, miệng mỉm cười ngờ vực.
- Ô, trời ơi! - Nàng thốt lên, nhảy xuống sàn và bắt đầu trầm ngâm bước trong căn phòng từ chỗ sáng vào bóng tối, làn da mịn như nhung của nàng ánh lên dưới trăng, đôi chân để trần chạm lên sàn không một tiếng động. Rồi nàng lại đến cạnh tôi, đưa hai bàn tay vuốt má tôi và nói với cái giọng của một người mẹ:
- Lẽ ra anh phải bắt đầu cuộc đời với một thiếu nữ, phải, đúng thế! Chứ không phải với tôi...
Khi tôi cầm lấy hai tay nàng, nàng khóc và nói khe khẽ:
- Anh cũng biết tôi yêu anh đến thế nào, phải không? Tôi chưa bao giờ vui sướng được như với anh, thật đấy, anh phải tin như vậy! Tôi chưa bao giờ yêu một cách tha thiết và đằm thắm như thế này, với một cõi lòng nhẹ nhõm như thế này. Với anh tôi thấy thích lạ lùng, ấy thế nhưng tôi cũng phải nói rằng chúng mình đã lầm: tôi không phải là người yêu anh cần có, không phải! Tôi đã lầm.
Không hiểu nổi nàng, tôi đâm hoảng và vội vàng trấn áp tâm trạng của nàng bằng niềm vui ái ân. Nhưng dù sao những lời lẽ kỳ dị này cũng vẫn đọng lại trong ký ức của tôi. Mấy ngày sau, qua những giọt nước mắt hân hoan, nàng lại rầu rĩ nhắc lại những lời ấy:
- Ôi, giá tôi là một thiếu nữ!...
Tôi còn nhớ đêm hôm ấy có cơn bão tuyết đang lồng lộn ngoài vườn, những cành điền thanh bị gió xô nghiêng gõ canh cách vào kính cửa sổ, gió lùa vào ống lò sưởi rú rít lên như một con chó sói, trong phòng chúng tôi tối tăm, lạnh lẽo, những tấm giấy dán tường tróc hồ kêu sột soạt.
Kiếm dô93i ra được dăm rúp, chúng tôi mời mấy người quen đến và tổ chức những bữa ăn tối linh đình: chúng tôi ăn thịt uống rượu vôtka và bia, ăn bánh ngọt và nói chung là tha hồ hưởng lạc. Cô gái Paris của tôi vốn xưa nay rất háu ăn. Nàng rất thích các món ăn Nga: món “xut-súc” - tức món dạ dày bò nhồi bột tiểu mạch hấp và mỡ ngỗng, pa-tê trộn mỡ cá và thịt cá trê, xúp khoai tây hầm với thịt cừu.
Nàng tổ chức ra một hội gọi là “Hội của những cái bụng háu đói” gồm độ một chục người thích ăn uống no say, có những tri thức mỹ học tinh tế và nói không biết chán mồm về những bí quyết ngon lành của nghệ thuật nấu ăn. Riêng tôi thì tôi quan tâm đến những điều bí ẩn thuộc một lĩnh vực khác, ăn rất ít, và quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng không có nhu cầu mỹ học của tôi, nó nằm ở bên ngoài những nhu cầu mỹ học của tôi.
- Đó là những con người rỗng tuếch! - Tôi nói về những cái “Bụng háu đói” như vậy.
- Cũng như bất cứ người nào, nếu đem lay cho kỹ, - nàng trả lời, - Hain có nói: “Tất cả chúng ta đều ra đường trần truồng dưới bộ cánh của chúng ta!”.
Những câu danh ngôn có giọng hoài nghi thì nàng biết rất nhiều, nhưng tôi có cảm giác là không phải bao giờ nàng cũng sử dụng nó một cách đúng chỗ và đúng lúc.
Nàng rất thích “lay” những kẻ đồng loại nam giới, và nàng làm việc đó một cách khá dễ dàng. Lúc nào cũng vui tươi, dí dỏm, mềm mại như con rắn, nàng nhanh chóng nhen nhóm lên quanh mình một không khí sôi nổi rộn ràng, khích động những cảm xúc không lấy gì làm cao cấp lắm. Một người chỉ cần nói chuyện với nàng mấy phút là tai đã đỏ ửng lên, rồi một lát sau lại chuyển sang màu tía, đôi mắt thì ướt ra, ngây ngất, nhìn nàng hệt như một con dê nhìn cái bắp cải.
- Một người đàn bà có nam châm! - Một ông phó chưởng bạ trầm trồ thốt lên như vậy. Đó là một anh chàng quý tộc bất đắc chí có những cái mụn cám như Đmitry Tiếm vị và cái bụng to như một cái chóp nhà thờ.
Một anh học trò cao đẳng ở Yarôxlap có bộ tóc vàng nhạt làm thơ tặng nàng - bao giờ cũng theo thể đắc-tin.
Tôi thấy những bài thơ của anh ta rất khó ngửi, còn nàng thì mỗi lần đọc thơ lại cười phá lên chảy cả nước mắt.
- Cô kích họ như vậy để làm gì? - Tôi hỏi.
- Trò ấy cũng thú như đi câu cá măng ấy. Như thế gọi là làm dáng. Không có một người đàn bà biết tự trọng nào lại không thích làm dáng.
Đôi khi nàng mỉm cười nhìn vào tận mắt tôi, hỏi:
- Anh ghen à?
Không, tôi không ghen, nhưng những trò này cũng có quấy rối cuộc sống của tôi ít nhiều, tôi không thích những kẻ dung tục. Tôi vốn vui tính và biết rằng tiếng cười là cái thuộc tính tốt đẹp nhất của con người. Tôi coi những chú hề ở rạp xiếc, những nhà trào phúng ở các sân khấu ngoài trời và những diễn viên hài kịch ở nhà hát là những kẻ bất tài, và đinh ninh rằng giá tôi làm trò thì công chúng còn cười nhiều hơn. Và quả nhiên đã nhiều lần làm cho khách khứa cười đến đau cả hai mạng sườn.
- Trời ơi! - Nàng trầm trồ thán phục. - Lẽ ra anh có thể là một diễn viên hài kịch đại tài! Lên sân khấu đi anh ạ, lên đi!
Bản thân nàng cũng thu được nhiều kết quả trong những buổi diễn kịch nghiệp dư, và đã có nhiều ông bầu hạng đứng đắn mời nàng lên sân khấu.
- Tôi thích sân khấu nhưng lại sợ hậu trường, - nàng nói.
Nàng là một người chân thực trong những ước vọng, tư tưởng và lời lẽ.
- Anh triết lý nhiều quá, - nàng răn tôi. - Cuộc sống thật ra rất đn gin và thô lỗ; không việc gì phải phức tạp hóa nó lên bằng cách cứ đi tìm cho nó một ý nghĩa gì đặc biệt, chỉ cần tìm cách làm dịu bớt tính chất thô lỗ của nó. Ngoài ra, không thể làm gì hơn thế nữa đâu.
Trong cái triết lý của nàng tôi cảm thấy có thừa yếu tố phụ khoa, và tôi có cảm tưởng là nàng lấy cuốn “Giáo trình sản khoa” làm sách Phúc âm. Chính nàng cũng có kể cho tôi nghe rằng một cuốn sách khoa học nào đó đọc sau khi ra trường đã làm cho nàng choáng váng.
- Là một đứa con gái ngây thơ, tôi cảm thấy như bị giáng một hòn gạch lên đầu; tôi có cảm giác như bị người ném từ trên mây xuống vũng bùn, tôi khóc lên vì thương tiếc những điều mà tôi không còn có thể tin được nữa, nhưng chẳng bao lâu tôi cảm thấy ở dưới chân mình một mảnh đất tuy tàn nhẫn, nhưng vững chắc. Tiếc hơn cả là Thượng đế, trước kia tôi đã cảm thấy Thượng đế rõ ràng, gần gũi biết bao nhiêu, thế mà bỗng nhiên ông ta tan biến đi như khói thuốc lá, và cùng với ông ta cũng tan luôn cả giấc mộng về cảnh thiên đường cực lạc của tình yêu. ấy thế mà chúng tôi trước kia trong Học viện đã nghĩ nhiều biết bao, đã nói đến tình yêu một cách hay ho biết chừng nào!
Cái chủ nghĩa hư vô đậm màu Paris và màu Học viện của nàng có một tác dụng xấu đối với tôi. Có những khi đang đêm tôi rời bàn viết đứng dậy, đến xem nàng ngủ, - trong chăn đệm nàng trông còn bé bỏng hơn, thanh tú hơn, xinh đẹp hơn nữa, - tôi nhìn nàng và xót xa nghĩ đến cái tâm hồn nàng đã bị bẻ cong queo, đến cuộc đời rối ren của nàng, và lòng thưng xót đối với nàng lại càng tăng thêm mối tình của tôi.
Sở thích văn học của hai chúng tôi khác nhau một cách không sao dung hòa được: tôi hân hoan đọc Banzac, Flôbe, còn nàng thì thích Pôn Fêvan, Octav Fiê, Pôn đ Côc và nhất là cuốn Cô gái Girô vợ tôi - mà nàng coi là cuốn sách sắc so nhất; đối với tôi thì cuốn này cũng tẻ nhạt như bộ Hình luật. Tuy vậy, quan hệ giữa hai chúng tôi vẫn rất tốt, chúng tôi không bớt quan tâm đối với nhau, người này vẫn tìm thấy ở người kia những điều lý thú và khát vọng tìm nhau vẫn không phai nhạt. Nhưng sống chung với nhau đến năm thứ ba tôi bắt đầu nhận thấy trong tâm hồn có một cái gì khẽ két lên thành những âm thanh báo hiệu điềm chẳng lành và những tiếng ấy ngày càng to hơn, rõ hơn. Tôi học không ngừng, học một cách háo hức, và bắt đầu say sưa thực sự với việc văn chương, tôi càng ngày càng cảm thấy khách khứa làm phiền mình: đó là những con người chẳng có gì lý thú. Số khách ngày càng tăng, vì hai vợ chồng tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn và có thể tổ chức nhiều bữa ăn trưa và ăn tối hơn.
Cuộc sống của nàng tựa hồ như một phòng trưng bày người sáp, và vì đàn ông không đeo biển “yêu cầu đừng sờ tay vào” cho nên đôi khi nàng cư xử với họ một cách quá thiếu thận trọng, còn họ thì lý giải sự tò mò của nàng một cách quá ư có lợi cho mình, và trên cơ sở đó đã phát sinh ra những sự hiểu lầm mà tôi buộc lòng phải giải quyết. Đôi khi tôi làm cái việc đó một cách thiếu tự chủ và có lẽ là bao giờ cũng vụng về; người bị tôi xách tai than phiền về tôi:
- Thôi được rồi, tôi xin nhận: tôi có lỗi! Những ai lại véo tai tôi, tôi là thằng con nít hay sao? Tôi nhiều tuổi gần gấp đôi cái thằng cha cục mịch ấy, thế mà hắn lại đi véo tai tôi. Thà hắn đánh tôi lại còn khá chứ!
Rõ ràng là tôi không có được cái nghệ thuật trừng phạt đồng loạt sao cho ăn khớp với tính tự trọng của họ.
Đối với các truyện ngắn của tôi, vợ tôi có một thái độ khá dửng dưng nhưng kể cho đến một thời gian nào đấy điều này tuyệt nhiên không làm tôi phật ý chút nào: hồi ấy chính tôi cũng chưa tin rằng mình có thể là một nhà văn nghiêm túc, tôi coi công việc viết truyện đăng báo của tôi chẳng qua là nguồi phương tiện sinh sống, mặc dầu đã lắm khi tôi thể nghiệm thấy những đợt triều mãnh liệt của một sự say sưa quên mình kỳ lạ. Nhưng một buổi sáng nọ, khi tôi đem đọc cho nàng nghe truyện Bà lão Ierghin vừa viết xong đêm qua, nàng lăn ra ngủ say như chết. Thoạt phút đầu điều đó không làm tôi chạnh lòng, tôi chỉ ngừng đọc và ngồi nhìn nàng, suy nghĩ mông lung.
Tựa mái đầu nhỏ nhắn mà tôi hằng yêu dấu lên thành tựa của chiếc đi-văng ọp ẹp, miệng hé mở, nàng thở đều đều và êm ái như một đứa trẻ. Qua những cành điền thanh, ánh nắng ban mai rọi vào cửa sổ những vệt nắng vàng, giống như những bông hoa bằng không khí đậu lên ngực và lên đùi nàng.
Tôi đứng dậy và lặng lẽ ra vườn, tim quặn đau vì vết đâm sâu độc của tự ái bị tổn thương, lòng nặng trĩu dưới mối hoài nghi đối với năng lực của mình.
Qua mỗi quãng đời tôi đã sống, tôi chỉ được nhìn thấy những người phụ nữ trong lao động nặng nề, nô lệ, trong bùn lầy, trong trụy lạc, trong cảnh khốn cùng hay trong trạng thái no nê tự mãn, dung tục gần như chết. Tôi chỉ có được một ấn tượng đẹp đẽ của thời thơ ấu, đó là Nữ hoàng Macgô, nhưng đã có cả một dãy núi những ấn tượng khác ngăn cách tôi với hình ảnh tuyệt vời ấy. Tôi tưởng đâu chuyện cuộc đời Izerghin phải làm cho phụ nữ ưa thích, nó có thể thức tỉnh trong lòng họ tình yêu đối với tự do, đối với cái đẹp. Thế mà người phụ nữ gần gũi tôi nhất lại không hề xúc động trước thiên truyện ngắn của tôi - người ấy ngủ.
Tại sao như vậy? Cái chuông mà cuộc sống đã đúc nên trong lồng ngực tôi không đủ âm vang chăng?
Người đàn bà ấy đã được tiếp nhận vào lòng tôi thay cho một người mẹ. Tôi chờ đợi và tin tưởng rằng nàng có thể cho tôi uống chất mật nồng say, có thể kích thích những tinh lực sáng tạo, tôi chờ đợi nhờ hưởng của nàng sẽ làm dịu bớt tính thô lỗ mà tôi đã nhiễm phải trên những nẻo đường đời.
Đây là chuyện ba mươi năm về trước, và tôi hồi tưởng lại những điều này với một nụ cười trong tâm hồn. Nhưng vào hồi ấy thì cái quyền không ai dám chối cãi của con người - quyền được ngủ khi nào buồn ngủ đã làm cho tôi rất phiền lòng.
Tôi vẫn tin rằng nếu nói đến chuyện buồn một cách vui vẻ, cái buồn sẽ tan biến đi. Và tôi nghĩ rằng trong vũ trụ có một kẻ tinh quái nào đang hoạt động, thích thưởng ngoạn những nỗi đau khổ của con người; tôi có cảm giác là có một thứ thần linh gì đấy chuyên bày ra những tấn kịch sinh hoạt, phá phách đời sống người ta một cách khéo léo: tôi coi nhà soạn kịch vô hình ấy là kẻ thù riêng của tôi và cố gắng đừng rơi vào cạm bẫy của hắn.
Tôi còn nhớ rằng khi tôi đọc trong cuốn sách của Onđenbua Phật Thích - ca, thân thế, học thuyết và công xã của Người, cái câu “Mọi sự tồn tại đều là đau khổ” đã làm cho tôi hết sức căm phẫn: tôi không được thể nghiệm nhiều những niềm vui của cuộc sống, nhưng tôi vẫn thấy những nỗi thống khổ cay đắng của nó là một sự ngẫu nhiên chứ không phải là một quy luật. Đọc kỹ cái công trình nghiên cứu nghiêm túc của tổng giám mục Khrixanph về '"Tôn giáo phương Đông" tôi càng căm phẫn mà nhận thấy rằng lý thuyết về vũ trụ đặt cơ sở trên sự sợ hãi, chán chường, đau khổ, đối với tôi đều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Và sau khi thể nghiệm một cách nặng nề tâm trạng cuồng si tôn giáo, tôi đã thấy tủi giận vì tính chất vô bổ của tâm trạng này. Sự kinh tởm đối với đau khổ đã làm nảy sinh trong tôi một lòng căm thù hữu cơ đối với mọi tấn kịch, và tôi đã học được một nghệ thuật khá công hiệu để biến những tấn kịch đó thành những trò hề ngộ nghĩnh.
Dĩ nhiên, lẽ ra cũng có thể đừng bàn gì đến những chuyện này, bởi vì đó chẳng qua cũng chỉ để nói rằng giữa tôi và người đàn bà ấy đã nảy sinh một “tấn kịch gia đình”, nhưng cả hai chúng tôi đã đồng lòng cản trở sự phát triển của nó. Tôi đã nói triết lý ít nhiều là vì tôi muốn nhắc lại những chặng khúc khuỷu trên con đường mà tôi đã đi qua trong khi tìm kiếm bản thân mình.
Người đàn bà của tôi, bản tính vốn vui tươi, cũng không có khả năng diễn kịch tại gia - một trò chơi mà những người Nga thuộc cả hai giới, quá nặng về “tâm lý”, vốn dễ mê say.
Nhưng những bài thơ đắc-tin của anh học trò cao đẳng tóc vàng dù sao cũng đã tác động đến nàng như những giọt mưa thu. Bằng một nét chữ tròn trĩnh, rất đẹp, anh ta nắn nót viết hết tờ giấy viết thư này đến tờ giấy viết thư khác và kín đáo nhét nó vào khắp nơi khắp chốn - trong mấy cuốn sách, trong chiếc mũ, trong cái bình đựng đường. Mỗi lần bắt được những tờ giấy gấp cẩn thận ấy, tôi lại đưa cho vợ, nói:
- Xin nàng tiếp nhận cho sự biểu hiện mới này của mưu toan chiếm đoạt trái tim nàng!
Thoạt tiên những mũi tên bằng giấy của Cupiđôn không có tác dụng gì đối với nàng, nàng đọc cho tôi nghe những bài thơ dài lê thê ấy, và chúng tôi đồng tình cười ha hả mỗi khi gặp những dòng đáng ghi nhớ như:
Ngày đêm ta ở bên nàng,
Bóng nàng trọn vẹn in trong tim này;
Khi nghiêng trán, lúc đưa tay,
Tiếng oanh thỏ thẻ ngất ngây lòng người.
Muốn sao tung cánh khắp trời,
Làm diều hâu lượn quanh người ta yêu.
Nhưng có một lần, sau khi đọc một bản báo cáo như vậy của anh học trò, nàng nói, vẻ trầm ngâm:
- Tôi thấy thương anh ta quá!
Tôi còn nhớ là lúc bấy giờ người mà tôi thương hại không phải là anh chàng ấy, còn nàng thì từ giờ phút đó không bao giờ đem những bài thơ đắc-tin đọc to lên nữa.
Nhà thơ ấy là một chàng trai to bề ngang, hơn tôi độ bốn tuổi, tính trầm lặng ít nói, rất thích các thứ rượu mạnh và rất giỏi ngồi dai. Đến ăn trưa nhân một ngày hội nào đấy vào lúc hai giờ, anh ta có thể ngồi lỳ ra đấy cho đến hai giờ đêm, không một cử động, không nói một câu nào. Cũng như tôi, anh ta làm nghề chép đơn từ cho một ông trạng sư, đã nhiều lần làm cho ông chủ hiền lành này phải ngạc nhiên vì tính đãng trí của anh ta, có một thái độ khinh bạc đối với công việc mình làm và thường hay nói với một giọng trầm hơi phều phào:
- Nói chung toàn là những việc vớ vẩn.
- Thế thì việc gì không vỡ vẩn?
- Biết nói thế nào cho anh rõ đây? - Anh ta hỏi, dáng trầm ngâm, đôi mắt xám buồn tẻ ngước lên trần, và không nói gì thêm nữa.
Anh ta tẻ nhạt một cách nặng nề và dường như trơ tráo, và điều đó làm cho tôi khó chịu hơn cả. Anh ta uống rượu rất lâu say; say rồi, anh ta khịt mũi ra chiều mỉa mai. Ngoài ra tôi không thấy có gì đặc biệt ở anh ta nữa, vì theo một quy luật chung thì đứng trên quan điểm của ông chồng, người theo tán tỉnh vợ mình bao giờ cũng là người xấu.
Đâu ở Ukrain có một người bà con giàu cứ mỗi tháng gửi cho anh học trò năm mươi rúp - một món tiền lớn đối với thời bấy giờ. Vào những ngày lễ anh học trò đem kẹo đến tặng vợ tôi, và nhân ngày lễ thánh của nàng đã đem đến tặng một cái đồng hồ báo thức - một gốc cây bằng đồng, ở trên có một con cú đang mổ một con rắn.
Cái khí cụ khả ố này bao giờ cũng đánh thức tôi dậy sớm mất một giờ bảy phút so với giờ đã định.
Không làm dáng với anh học trò nữa, vợ tôi quay ra đối xử với anh ta với thái độ dịu dàng âu yếm của một người đàn bà cảm thấy mình là người đã phá vỡ sự thăng bằng về tinh thần của một người đàn ông. Tôi hỏi: theo ý nàng thì câu chuyện đáng buồn này sẽ kết thúc ra sao?
- Tôi không biết, - nàng đáp, - tôi không có một tình cảm gì rõ ràng đối với anh ta, nhưng tôi muốn lấy anh ta. Trong anh ta có một cái gì đã ngủ thiếp đi, và hình như tôi có thể thức tỉnh anh ta dậy.
Tôi biết rằng nàng nói rất thật; ai ai nàng cũng cứ muốn thức tỉnh, và trong việc này nàng thành công rất dễ dàng: nàng lay tỉnh kẻ đồng loại, và ở trong hắn ta thức dậy một con vật. Tôi nhắc nàng nhớ đến Xiêcxiê, nhưng điều đó không làm nguội lạnh được cái khát vọng “lay tỉnh” đàn ông, và tôi trông thấy rõ quanh tôi dần dần phát triển một đàn cừu đực, bò đực và lợn đực mỗi ngày một đông đúc.
Những người quen biết rộng lượng kể cho tôi nghe những chuyện truyền thuyết mả đạm và đáng kinh dị về sinh hoạt gia đình của tôi, nhưng tôi vốn là người trực tính, thô lỗ: tôi cảnh cáo những kẻ sáng tác truyền thuyết:
- Tôi sẽ đánh ông!
Một số người tự thanh minh một cách gi dối; một số ít thì phật lòng, nhưng cũng không phật lòng lắm lắm. Còn vợ tôi thì nói:
- Anh ạ, lỗ mãng chẳng ăn thua gì đâu, chỉ tổ làm cho họ càng nói tệ hơn! Vả lại anh có ghen đâu?
Đúng, tôi còn trẻ, và rất tự tin, cho nên không ghen. Nhưng có những cảm xúc, những ý nghĩ và những phỏng đoán mà người ta chỉ có thể nói với người yêu chứ không thể nói với ai nữa hết. Có những giờ phút giao tiếp với người phụ nữ mà người ta trở nên xa lạ đối với bản thân mình và tự bộc lộ mình trước mặt họ như kẻ tín đồ trước mặt Thượng đế. Mỗi khi tôi hình dung rằng tất cả những điều đó - những điều rất riêng tư của tôi và chỉ của tôi thôi - nàng có thể đem nói lại với một người nào khác trong một phút thân mật, tôi thấy khổ tâm quá, tôi cảm thấy có thể xảy ra một cái gì rất giống như sự phản bội. Có lẽ mối lo sợ ấy chính là cội rễ của lòng ghen tuông chăng?
Tôi cảm thấy một cuộc sống như thế có thể hất tôi ra khỏi con đường tôi đang đi. Tôi đã bắt đầu nghĩ rằng ngoài văn học ra, tôi không còn có một chỗ đứng nào khác trong cuộc sống nữa. Trong một tình cảnh như vậy không thể nào làm việc được.
Sở dĩ tôi không làm toáng lên là vì qua một quá trình sống lăn lộn tôi đã biết thể tất đối với người đời, dù có thế nào tôi vẫn không mất hứng thú, tinh thần hay lòng kính trọng đối với họ. Ngay từ dạo ấy, tôi đã thấy rằng nếu ai ít nhiều cũng đều có tội trước đấng Thượng đế vô danh của chân lý tuyệt đối, còn trước con người thì những kẻ đức độ lại có tội hơn cả. Những kẻ đức độ là những đứa con rơi sinh ra từ sự giao hợp giữa thói xấu với đức hạnh, và sự giao hợp này không phải là sự cưỡng hiếp - thói xấu cưỡng hiếp đức hạnh hay ngược lại cũng thế - mà là hậu quả tự nhiên của cuộc hôn nhân hợp pháp giữa hai bên, trong đó sự tất yếu mỉa mai đóng vai trò ông linh mục. Còn hôn nhân là một phép màu huyền bí khiến cho hai thái cực rõ rệt khi hợp lại với nhau hầu như bao giờ cũng đẻ ra một sự trung bình tẻ nhạt. Hồi ấy tôi rất thích những chuyện ngược đời, như một đứa trẻ thích ăn kem, sự sắc bén của nó kích thích tôi như chất rượu ngon, và tính chất ngược đời trong lời lẽ bao giờ cũng san bằng những sự ngược đời thô bỉ, đáng căm giận của thực tế.
- Có lẽ tôi đi đi thì hơn, - tôi nói với vợ.
Sau khi suy nghĩ, nàng ưng thuận:
- Phải! Anh nghĩ đúng! Cuộc sống này không thể hợp với anh được, tôi rất hiểu.
Hai chúng tôi cùng buồn với nhau một ít, lặng lẽ ôm chặt lấy nhau, rồi tôi rời khỏi thành phố, và ít lâu sau nàng cũng ra đi, bắt đầu cuộc đời sân khấu. Câu chuyện mối tình đầu của tôi kết thúc như vậy đấy, - một câu chuyện hay, tuy kết thúc dở.
Cách đây không lâu, người đàn bà đầu tiên của tôi đã chết.
Muốn cho công bằng, tôi phải nói rằng đó là một người đàn bà chân chính! Nàng biết sống bằng những gì mình có được, nhưng mỗi ngày đối với nàng đều là ngày hôm trước của một cuộc vui lớn, lúc nào nàng cũng khấp khởi chờ đợi một ngày mai đây trên trái đất sẽ nở ra những đóa hoa mới lạ, từ những nơi nọ nơi nào sẽ có những con người đặc biệt thú vị đến đây, sẽ xảy ra những biến cố lạ kỳ.
Có một thái độ ngạo nghễ, gần như khinh miệt đối với những nỗi gian truân của cuộc sống, nàng xua những nỗi gian truân ấy đi như xua muỗi, và bao giờ tâm hồn nàng cũng nhấp nhổm sẵn sàng chờ đón những nỗi kinh ngạc vui mừng. Nhưng đây không còn là niềm hân hoan ngây thơ của cô nữ sinh, mà là niềm vui sướng khỏe mạnh của một con người ưa thích cái cảnh nhộn nhịp lắm màu lắm vẻ của cuộc đời, ưa thích những mối liên hệ rối ren, vừa bi đát vừa hài hước, giữa những con người, ưa thích cái dòng thác của những biến cố nhỏ nhặt loáng thoáng như những hạt bụi trong tia nắng.
Tôi sẽ không nói rằng nàng yêu thưng đồng loại, không; nhưng nàng thích xem xét họ. Đôi khi nàng xúc tiến hay phức tạp hóa sự phát triển của những tấn kịch thường ngày giữa một đôi vợ chồng hay một đôi người yêu, khéo léo kích thích lòng ghen tuông của đôi này, góp phần làm cho đôi kia nhích gần lại với nhau: cái trò chơi không khỏi có phần nguy hiểm ấy rất có sức hấp dẫn đối với nàng.
- “Tình yêu và cái đói cai trị thế giới”, còn triết học là cái vạ của thế giới, - nàng nói. - Người ta sống là để mà yêu, đó là sự nghiệp chủ yếu nhất của cuộc sống.
Trong số những người quen của chúng tôi hồi ấy có một ông viên chức nhà ngân hàng quốc gia: người dài ngoẵng, gầy guộc, ông ta có cái dáng đi chậm chạp và long trọng của một con sếu, ăn mặc rất cẩn thận, luôn chăm chú nhìn lại cách trang phục của mình, chốc chốc lại đưa mấy ngón tay khô đét, vàng vọt búng những hạt bụi bám trên bộ quần áo, những hạt bụi mà ngoài ông ta ra không còn ai có thể trông thấy được. Mọi ý nghĩ độc đáo, mọi từ ngữ có màu sắc, đều bị ông thù ghét, đều dường như chói chang đối với ngôn ngữ của ông, vốn nặng nề và chính xác. Ông ta ăn nói chững chạc, oai vệ, và trước khi nói một điều gì, - ông lại đưa mấy ngón tay lạnh lùng vuốt lại bộ ria thưa thớt màu hung.
- Với thời gian, môn hóa học ngày càng có ý nghĩa trọng đại đối với ngành công nghiệp chế biến nguyên liệu. Về phụ nữ, người ta nói họ đỏng đảnh là đúng. Giữa người vợ và người nhân tình không có sự khác nhau về sinh lý mà chỉ có sự khác nhau về pháp lý.
Tôi nghiêm chỉnh hỏi vợ:
- Cô có dám khẳng định rằng tất cả các ông chưởng bạ đều có cánh không?
Nàng trả lời ngượng ngùng và buồn bã:
- ồ không, tôi không đủ can đảm để nói như vậy, nhưng tôi dám khẳng định: cho voi ăn trứng la-coóc là lố bịch.
Ông bạn của chúng tôi nghe cuộc đối thoại này trong khong hai phút, rồi tuyên bố một cách thâm thúy:
- Tôi có cảm tưởng rằng ông bà nói những điều này một cách hoàn toàn thiếu nghiêm túc.
Có một hôm cộc đầu gối vào chân bàn rất đau, ông ta nhăn mặt và nói một cách hoàn toàn tin tưởng:
- Tính chất rắn là một thuộc tính không thể chối cãi được của vật chất.
Có bận, sau khi tiễn chân ông ta ra về, hương phấn và sảng khoái, sôi nổi và thanh thản, vợ tôi ngã người lên đùi tôi, hỏi:
- Anh xem, ông ta ngu độn một cách toàn vẹn, hoàn chỉnh biết chừng nào. Cái gì cũng ngu, ngay cả dáng đi, cử chỉ- cái gì cũng đần độn. Tôi thích ông ta ở chỗ ông ta là một mẫu mực hoàn chỉnh. Anh vuốt má tôi tí!
Nàng rất thích tôi đưa mấy ngón tay, chỉ hơi chạm vào da mặt nàng, khẽ vuốt những nếp nhăn hầu như không thể trông thấy được dưới đôi mắt đáng yêu của nàng. Mắt lim dim, người rúm lại như con mèo, nàng gù gù trong cổ:
- Con người ta thật thú vị lạ lùng! Ngay cả một con người không có gì lý thú đối với mọi người xung quanh, cũng kích thích trí tò mò của tôi. Tôi muốn dòm vào người đó như dòm vào một cái hộp - nhỡ ra ở đấy có đựng một cái gì chưa có ai để ý thấy, chưa bao giờ đưa ra cho ai xem thì sao? Chỉ có tôi thấy được, tôi là người đầu tiên thấy được.
Những cuộc tìm tòi cái “chưa có ai để ý thấy” ấy của nàng không hề có gì căng thẳng, chật vật, nàng tìm với sự thích thú và háo hức của một đứa trẻ lần đầu tiên lọt vào một căn buồng lạ. Và quả nhiên đôi khi nàng đã nhen nhóm được trong đôi mắt đờ đẫn của một con người tẻ nhạt một cách vô hy vọng cái tia sáng nhạy bén của một ý nghĩ sắc so, nhưng điều thường thấy hơn là nàng nhen nhóm lên cái dục vọng lì lợm muốn chiếm hữu nàng.
Nàng rất yêu thích thân thể của mình, và đôi khi, đứng khỏa thân trước tấm gưng, nàng tấm tắc:
- Người đàn bà thật là một công trình tuyệt tác! Sao mà cái gì cũng hài hòa đến thế!
Nàng thường nói:
- Khi tôi mặc đẹp, tôi cảm thấy mình khỏe hơn, mạnh hơn và thông minh hơn!
Quả có thế: mặc bộ cánh đẹp vào, nàng vui hẳn lên, trở nên hóm hỉnh khác thường, mắt nàng long lanh một cách đắc thắng. Nàng biết cách may cho mình những chiếc áo đẹp bằng vải hoa, mặc nó như người ta mặc nhung mặc lụa, và tuy trang phục rất đơn sơ, nàng bao giờ cũng có vẻ như diện rất sang. Phụ nữ đều lấy làm hâm mộ những bộ cánh của nàng; dĩ nhiên họ nói điều đó lên không phải bao giờ cũng thành thật, nhưng bao giờ cũng rất ồn ào. Họ ganh tị với nàng, và tôi còn nhớ có một người đã buồn rầu thốt lên:
- Chiếc áo của tôi đắt gấp đôi chiếc áo của chị, nhưng lại xấu gấp mười - thậm chí nhìn chị tôi còn thấy đau và nhục nữa.
Dĩ nhiên phụ nữ không ưa nàng, họ không tiếc lời ngồi lê đôi mách về chúng tôi. Một bà y tá quen biết, rất đẹp, nhưng lại càng thiếu thông minh hơn nữa, rộng lượng cảnh cáo tôi:
- Người đàn bà ấy sẽ hút hết máu ông!
Tôi đã học được rất nhiều điều trong thời gian sống cạnh người đàn bà đầu tiên của tôi. Nhưng dù sao nỗi tuyệt vọng trước sự cách biệt không sao xóa bỏ được giữa nàng và tôi vẫn làm tôi xót xa đau đớn.
Đối với tôi cuộc sống là một bài tính đố quan trọng. Tôi thấy, tôi nghĩ quá nhiều, tôi sống trong tình trạng lo âu không ngớt, trong tâm hồn tôi có cả một mớ vấn đề đang la hét lên thành một bản hợp xướng hỗn hoạn: những vấn đề ấy hoàn toàn xa lạ đối với tâm hồn của người đàn bà tuyệt diệu ấy.
Một hôm ở ngoài chợ có một viên cảnh binh đánh đập tàn nhẫn một cụ già rất đẹp lão - một người Do thái chột mắt, vì người này bị buộc tội là ăn cắp một chùm bánh nướng vòng của một lão chủ hiệu nào đấy. Tôi gặp cụ Do thái giữa phố, mình bê bết những đất bụi, ông ta bước đi chầm chậm, với một vẻ trang trọng phi thường, như một nhân vật trong tranh cổ, con mắt đen và to của ông nghiêm nghị nhìn lên bầu trời chói chang trống tri, và từ đôi môi bị đánh dập, máu chảy dọc theo chòm râu dài thành từng dòng nhỏ, nhuộm những tia đỏ rực lên chòm râu bạc phơ ấy.
Cảnh tượng đó đã diễn ra cách đây ba mươi năm, thế mà bây giờ đây tôi vẫn trông thấy hiện rõ mồn một trước mắt cái nhìn hướng lên lên trời chứa chất một lời trách móc thầm lặng, tôi vẫn thấy rõ đôi mày sắc nhọn và bạc trắng rung rung trên gương mặt cụ già. Những sự lăng nhục đối với con người thật khó lòng quên được, và chớ ai quên những sự lăng nhục đối với con người!
Tôi về nhà, cả người rũ rượi hẳn ra, tê dại đi vì xót xa và căm giận. Những ấn tượng như thế nó xô bạt tôi ra ngoài cuộc sống, tôi trở thành một người lạ lạc vào cuộc sống, và để hành hạ con người đó, người ta cố tìm bắt hắn phải chứng kiến tất cả những gì nhơ nhuốc ngu xuẩn, khủng khiếp nhất có thể có được trên thế gian này, tất cả những gì có thể nhục mạ tâm hồn con người. Và trong những giờ phút ấy, trong những ngày ấy tôi đã thấy rõ hơn bao giờ hết con người gần gũi tôi nhất thật ra xa cách tôi đến chừng nào.
Khi tôi kể cho nàng nghe chuyện cụ già Do thái bị đánh đập, nàng rất ngạc nhiên:
- Hóa ra vì thế mà bây giờ anh như điên như dại đấy à? Ô, thần kinh anh yếu thật!
Rồi nàng hỏi:
- Anh nói là ông ta đẹp lắm à? Nhưng đã chột thì còn đẹp làm sao được?
Bất cứ sự đau khổ nào cũng đều làm cho nàng khó chịu, nàng không thích nghe kể chuyện bất hạnh, thơ trữ tình hầu như không làm cho nàng xúc động, lòng thương xót ít khi bừng lên trong trái tim nhỏ bé, vui tươi của nàng. Hai nhà thơ nàng thích nhất là Bêrăng giê và Hainơ - con người vẫn cười trong đau khổ.
Trong thái độ của nàng đối với cuộc sống có một cái gì gần gũi với lòng tin của đứa trẻ đối với cái tài vô hạn của người làm trò quỉ thuật: tất cả những trò đã xem qua đều rất hay, nhưng trò hay nhất vẫn là trò sắp xem. Có lẽ một giờ nữa sẽ được xem trò đó, hay ngày mai, nhưng thế nào rồi cũng được xem!
Tôi nghĩ rằng đến phút lâm chung nàng vẫn còn hy vọng được xem cái trò quỷ thuật cuối cùng, không sao hiểu nổi, tài tình lạ lùng ấy.
1923
 

Xem Tiếp: ----