- Chị muốn đi khỏi nơi này, không chịu nổi nữa.
-...
- Lần đó mà quyết giờ có khi ổn rồi.
- Còn anh Toản, cái Tôm?
- Kệ họ.
- Chị muốn đi đâu?
- Đâu chẳng được, miễn sao thoát khỏi cái hiện tại này.
Lần nào gặp chị cũng những lời ca thán đó. Tôi hết chịu nổi. "Em là cái thùng nước gạo của chị chắc", quát rồi mới thấy thương. Thì chị gặp cốt cũng để mà trút, mà giải tỏa. Thôi nguyện làm cái thùng nước gạo của chị vậy. Thùng nước gạo đặt trước ngõ nhà tôi mỗi chiều lại được người ta trút đi, còn thùng nước gạo này ngày qua ngày cứ đầy lên, lênh láng và trào ra cả những người xung quanh tôi. Con bạn cùng phòng thấy tôi đêm thở dài ngao ngán cho tình cảnh của chị, bực mình: "Bà chị kết nghĩa của mi cũng lạ ghê. Chuyện của nhà mình cứ tuôn cho thiên hạ, bắt người ta phải nghe. Chả ai giỏi chịu như mi". Chỉ những lần tôi đã cảnh báo trước: "Nếu vẫn chuyện cũ thì em không nghe nữa đâu", thì chị mới thôi không kể lể nữa. Câu chuyện hôm đó đại loại:
- Mai rảnh hai chị em sang Ninh Hiệp mua vải đi. Hôm nọ cái Phượng bạn chị mua 120.000 đồng tiền vải mà may được sáu bộ đấy, tha hồ thay đổi.
- Toàn vải đểu ấy mà, phí cả tiền may.
- Chị biết chỗ này may cũng được mà giá không đến nỗi.
- Em thấy quần áo chị đầy ra rồi, có khi còn nhiều hơn em.
- Xem cái mặt kìa, lúc nào cũng như bà già, không làm đẹp ma nó thèm ngó vào. Chị mà có tiền như mày, chị đắp lên người cho nó sướng. Đời là mấy.
- Chị đỏng đảnh quá đấy.
- Thì còn gì làm vui nữa đâu.
...
- Đến đây tôi phải tìm cách đẩy sang chủ đề khác.
Không hiểu sao tôi và chị lại chơi được với nhau, thân thiết nữa là khác. Mỗi người mỗi cá tính. Tôi ít nói về mình, chị chưa thấy mặt đã loe toe. Điểm giống nhau duy nhất là cả hai đâu có những sở thích mà người ngoài nhìn vào không khéo sẽ cho là điên điên. Quen nhau bởi một thời từng làm chung công ty. Nếu không phải là một người biết công biết việc lại nhiệt tình hẳn tôi không thể nào chịu nổi một người phụ nữ, lại là phụ nữ đã có chồng, có con mà cứ nói chuyện với đàn ông là mắt đong đong đưa đưa.
Chị nhận tôi làm em kết nghĩa. Tôi không thích cách gọi vậy, nghe trách nhiệm và sáo lắm. Chị ơn tôi vì đã cho chị vay tiền tiêu rất nhiều lần mà không bao giờ phàn nàn. Ơn tôi đã không mang chuyện của chị đi kể cho mọi người trong công ty. Ơn tôi đã chở chị đi lang thang suốt cả đêm trên phố lạnh khi chị chán cái cuộc đời này không chịu nổi nữa. Dù tôi đã bao lần thuyết phục đó không phải là ơn, việc cỏn con, vui vui thế ai chẳng làm được. Nhưng chị vẫn khăng khăng: "Người như em ở đây hiếm lắm. Đều là dân quê lên nhưng chúng nó bán cả chị em mình đi khi nào không hay đâu. Em thật người thế dễ bị người khác lợi dụng lắm. Chị cũng từng vậy nhưng cái thời đó qua lâu rồi". Từ đó trong đầu tôi đầy ắp ứ những câu chuyện của chị. Khi mới được chị chọn làm đứa em cất giữ bí mật tôi cũng thấy đôi chút thích thú. Vì không dưng biết được đời tư của một người làm cùng công ty. Chỉ hơi mệt, hơi bị phiền bởi sau mỗi chuyện kể thế nào chị cũng nhắc đi nhắc lại cái câu: "Nhớ đấy, chuyện này chỉ có em được biết thôi".
Quanh đi quẩn lại: Rằng tối qua chị và hắn (chị thường gọi chồng mình là hắn) kéo nhau ra công viên. Người ta vào công viên để ôm hôn, để tình tứ chứ bọn này vào đó để có không gian mà chửi nhau cho đã. Nhà chật, dằn giọng một chút bố mẹ chồng cũng phát hiện ra. Đến mười giờ rưỡi bảo vệ đuổi về, chưa hả cơn muốn vào quán cà phê nhưng nghĩ tiếc tiền, giờ nỗi tức giận vẫn còn. Rằng thứ bảy vừa rồi hắn lẽo đẽo đi theo sau lưng khi chị vừa ra khỏi nhà, phát hiện ra chị đã nổi khùng, cũng may là sáng đó chị vào siêu thị xem hàng chứ không thì... Hắn không cho chị cầm chìa khóa xe vì sợ chị đi chơi với trai. Tồi tệ thế đấy. Sống như cầm tù thế đấy, có sướng không... Rằng trưa mai người đàn ông đó mời chị uống nước. Hồi hộp như thể lần đầu hẹn hò ấy, em có tin không. Nhắc tới người đàn ông ấy, hai má chị đỏ ửng, đôi mắt long lanh ngấn nước, khuôn ngực căng lên đầy khao khát.
Nguyệt, đó là cái tên của chị, mẹ tôi thường nói, con gái có tên là Nguyệt mẹ chưa thấy ai yên ổn cả. Không bị người làm khổ thì cũng tự chuốc khổ vào mình. (Ở làng tôi có ba cô Nguyệt. Một cô chết chồng, một cô không chồng mà chửa. Cô Nguyệt nữa sắp bỏ chồng). Cái tên chỉ để xưng danh, để phân biệt chứ liên quan gì tới số phận, chẳng qua chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Chẳng hạn làng nào vô tình có nhiều người tên Hạnh, tên Hoa cùng gặp run rủi thì người ta lại gán cho người nào mang những cái tên như thế là số phận lắm. Khi đó tôi đã phủ nhận những lời mẹ nói như vậy. Còn bây giờ ngẫm lại mới thấy có vẻ thế thật, ít nhất trong trường hợp của chị.
Lấy rồi chị mới biết hắn chẳng nghề ngỗng gì sất. Cũng tại mình quá vội. Mất thăng bằng sau cuộc ái tình ngỡ sâu đậm lắm. Về quê, mang mười thang thuốc bắc cho mẹ, mẹ thều thào, bao nhiêu thuốc nữa cũng không bằng con đi lấy chồng cho mẹ nhờ, chết mới nhắm được mắt. Thế là ra Hà Nội, nhận lời hắn không chút nghĩ suy. Trông người cũng tử tế. Từ quen biết cho đến ngày ăn hỏi rồi đám cưới họ chỉ trong hai tháng. Cưới xong chẳng biết giải phóng được nỗi lo con gái muộn chồng hay sao mà mẹ chị khỏe hẳn ra, thậm chí khỏe hơn cả trước đây. Chồng chị xấp xỉ bốn mươi vớ được chị như trẻ lại chục tuổi. Hồi đó chị chưa đi làm, sáng sáng theo mẹ chồng ra chợ bước thấp bước cao như tàu lá rũ.
Hắn có nhiều thú vui lắm, nổi bật là ra Hồ Gươm xem đánh cờ, ngắm những ngôi nhà cao tầng mới mọc rồi "chà chà, chả trách người ta sao thích sống thủ đô đến thế". Tất cả thú vui của hắn chị đều không biết "đồng cảm" thế nào. Có lần không chịu nổi, chị gắt lên, không làm gì thì ra đầu ngõ kiếm chuyến xe ôm cho vợ con nhờ, con gái sắp đi nhà trẻ được rồi, ai khiến trông nữa. Nhưng khổ, anh chỉ thích đi xe ôm cho mỗi chị thôi. Sáng, chị đi chợ, anh cũng dậy theo, nổ sẵn máy đó chờ. Chị đi làm, chở tới tận công ty, đang giữa giờ làm, có việc gì chị chỉ cần gọi anh có mặt sau dăm mười phút như thể đã chực sẵn, chiều mới bốn giờ trên tầng năm công ty nhìn xuống người ta đã thấy người đàn ông đó sốt ruột chắp tay đi đi lại lại trước cổng.
- Hình như đó cũng là một thú vui nữa của hắn sao em ạ.
- Tại anh ấy yêu vợ quá thôi.
- Yêu gì có cái kiểu yêu lạ vậy. Không để vợ ra ngoài một mình bao giờ, bước một bước là theo dõi.
Mà sao tôi cứ phải biết chuyện của nhà chị chứ. Để rồi trong bữa cơm cũng vướng vít, trong giấc ngủ cũng chờn vờn. Bởi nó ám ảnh tôi quá chăng. Một người chồng không chịu làm gì ngoài ngày hai bận đưa đón vợ đi làm. Chị xinh đẹp, có tài, mang một tâm hồn phong phú, nhạy cảm, chị hoàn toàn có quyền có một người chồng xứng đáng. Gặp chị hằng ngày, nghe thêm những điều chẳng lấy gì làm hay ho về gã chồng kia tôi đã bứt rứt lại càng bứt rứt...
Một hôm, đó cũng là lần đầu tiên, tôi gặp anh ta. Do bộ quần áo từ những năm 90 và đôi dép quá cũ đã mòn vẹt bên cạnh chị áo quần diêm dúa hay vẻ mặt khắc khổ, dáng đi khom khom mà ở con người đó toát lên một vẻ đáng thương vô hạn.
- Anh ấy hiền lành đấy chứ - tôi ghé tai chị.
- Thì có ai bảo không hiền lành đâu.
Không hiểu sao tôi cứ nấn ná muốn trò chuyện vài câu với anh ta. Để phủ nhận phần nào con người như mình từng biết. Nhưng họ đã ngồi lên xe, rẽ sang khu chợ. Trông cũng êm đềm đấy chứ, vừa đi tôi vừa nghĩ. Anh ta không đi làm cơ quan nhưng tối về vẫn đi trông coi, bảo vệ công trình cho một người bạn là chủ thầu công trình. Túng thiếu quá thì chị kêu trời kêu đất vậy thôi. Tôi cũng rẽ vào chợ sắm chút thức ăn cho bữa cơm chiều... Chính xác là họ, đôi vợ chồng đang giằng co nhau cách chỗ tôi chưa đến ba chục mét. Trời ơi, có phải người đàn bà ngoa ngoắt dằn từng tiếng một kia là chị không đấy.
- Anh ích kỷ vừa thôi, tôi đâu phải giống mèo mả gà đồng mà muốn vu gì thì vu, nói gì thì nói...
-...
- Nỗi khổ của tôi anh có biết không, có chồng như anh thì có làm gì. Anh cút đi. Mẹ con tôi không cần anh.
- Cô buồn cười thật đấy, đã ai bảo gì đâu, người ta đang nhìn kìa.
- Cho người ta nhìn, để vợ để con khổ thế này thì anh không lo mà lại lo xấu hổ.
- Cô chạy đi đâu vậy - Giọng anh lạc đi.
- Tôi đi đâu mặc xác tôi. Có ai khổ hơn tôi nữa không hả trời.
-...
Anh đứng như bất động một lúc rồi ngồi gục xuống vệ đường bất lực nhìn theo chị đang vừa đi vừa chạy như một người điên. Trông anh lúc này mới thật thảm hại. Tôi vội lánh sang con đường khác, sợ bắt gặp ánh mắt nhẫn nhịn chịu đựng của anh.
Tối đó, chị đến nhà tôi mang theo cả cái Tôm. Thú thật chưa bao giờ tôi thấy khuôn mặt chị, cái giọng nói của chị lại đáng ghét vậy. Hình ảnh chị đầu tóc rối bù và những lời nhiếc móc khi chiều lại gờn gợn một cảm giác trong tôi. Bây giờ thì tôi hiểu chính chị cũng tạo ra bi kịch gia đình chứ không hoàn toàn lỗi ở anh.
- Chị kể về người đàn ông ấy cho hắn biết. Thế là mặt hắn nổ đom đóm luôn, nói chị là thế này thế nọ. Chị tức quá vặc lại.
- Sao chị hâm thế. Ca ngợi người đàn ông khác trước mặt chồng mình vậy đố ai chịu cho nổi. Chị chẳng tôn trọng gì anh ấy cả.
- Tính chị thế đấy em ạ. Có gì trong lòng là không giấu nổi. Kể ra thấy bớt nhớ người ta hơn. Cũng để cho hắn tức, hắn mới chịu bỏ chị. Viết đơn bao nhiêu lần đều bị hắn xé hết.
Chị ơi là chị, tỉnh táo lại đi. Tưởng đàn bà một mình nuôi con dễ lắm à. Người đàn ông kia có tốt, có yêu thật chăng nữa thì cũng đâu phải là chồng của chị. Ghét chị, giận chị nhưng cũng thương chị sao có lúc mơ mộng. Bảo em còn ngây thơ lắm nhưng chị thì sao. "Nếu không có người ấy chị không biết làm sao qua được những ngày tù ngục này", hơn một lần chị nói vậy.
Dỗ cho cái Tôm thiu thiu ngủ, chị ra bưu điện. Tôi biết chị lại đi tìm người đàn ông đó. Lại một cuộc hẹn hò trong trưa mai như mọi khi. Người đàn ông của chị là ai vậy. Không hẳn là tán đồng nhưng tôi cũng không gay gắt phản đối những cuộc hẹn hò của họ như trước nữa.
- Người ta cũng biết giới hạn, không làm chị khó xử, cũng không làm gì cho chị phải tổn thương.
- Chị vui lắm à?
- Thì hẳn rồi. Sinh nhật chị anh ấy tặng hẳn cả di động nhưng chị đâu dám nhận. Biết chị ngại nên bảo, em cầm lấy để tiện cho công việc chứ đâu phải chỉ liên lạc cho anh. Anh ấy đang cố gắng tìm công việc mới cho chị.
Dạo này chị ít kể về gã chồng của mình hơn, hầu hết câu chuyện đều kín mít hình ảnh người đàn ông kia. Tôi chưa có dịp gặp anh ta dù đôi lần đã chở chị tới chỗ hẹn hò. Nhưng qua những gì chị cho biết, thì đó cũng là một người đàn ông đáng tin cậy. Cũng mừng cho chị, không may mắn có được tấm chồng như mong muốn thì cũng có được một người "trên cả tình yêu" như thế, ít ra cũng dịu lòng lại để mà thiết tha hơn với cuộc sống.

*

Hôm nay, chị lại gọi tôi ra quán nước cũ.
- Chị chán tất cả rồi. Tất cả, em hiểu không. Lần này thì chị sẽ đi thật.
- Tưởng yên rồi, lâu lâu không gặp.
- Yên cái gì mà yên, chỉ là chán không muốn nói nữa. Nhưng không nói không được, stress mà chết mất thôi. Chị sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh, giũ bỏ hết, làm lại từ đầu.
- Thế người đàn ông kia? Cũng chán rồi sao!
- Chị ngẩng lên nhìn tôi, ngơ ngác:
- Em tưởng có một người đàn ông như thế thật à?

Xem Tiếp: ----